|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 3:56:23 GMT -5
7. Ẩn dụ trong bản P đúng hơn: Trong vài trường hợp, chúng ta thấy ẩn dụ bản P chính xác và minh bạch hơn bản C. Điều này là do sự dịch sai của bản C hoặc do giải thích sai nguyên bản tiếng Phạn. Như trong NC17, muốn chứng minh phương pháp thứ nhất xoay tâm nghĩ đến một đặc tính này thành ra một đặc tính khác, để trừ khử những tư tưởng bất thiện, đức Phật đã dùng đến ẩn dụ như sau, trong đó ta thấy cách giải thích của bản P chính xác hơn:
C101: "Như một người thợ mộc hay người học nghề thợ mộc, dùng một dây mực để kẽ một đường trên gỗ, rồi người ấy dùng một cái cưa bén để cưa đứt gỗ làm cho nó thẳng."
P20: Không giống, bản P cũng nói đến người thợ mộc hay người học nghề thợ mộc nhưng thêm chữ dakkho. Ở đây nó nói rằng người thợ mộc hay người học nghề thợ mộc dùng một cái nêm để đánh bật một cái nêm khác.
Cũng thế trong ẩn dụ của NC43, về sự huấn luyện một con ngựa:
C194: Phật hỏi Bạt Đà Hòa Lợi có nhớ ngày xưa Ngài đã kể ví dụ về con ngựa thuần chủng. Bạt Đà Hòa Lợi trả lời, vì ông không tuân giữ giới ăn một bữa, trong khi những Tỳ-kheo khác tuân giữ, nên ông không nhớ. Phật dạy không phải chỉ vì lý do ấy mà thôi. Khi Ngài kể ẩn dụ về con thuần chủng mã, Bạt Đà Hòa Lợi đã không nhất tâm, không kính cẩn, không chú ý lắng nghe. Đây là một lý do nữa. Rồi theo yêu cầu của Bạt Đà Hòa Lợi, Phật kể lại ẩn dụ ấy. Có một người luyện ngựa, có được một con ngựa thuần chủng. Lúc đầu anh ta huấn luyện con ngựa về tiếng hý. Trong khi huấn luyện, con ngựa có thể không ưa được huấn luyện, nó có thể muốn hoặc không muốn, vì con ngựa ấy chưa quen được huấn luyện. Sau khi đã xong giai đoạn huấn luyện đầu tiên, người ấy luyện con ngựa về dây cương để làm cho nó chạy. Ở đây bản C hơi lộn xộn về các giai đoạn huấn luyện con ngựa trở thành hoàn toàn thuần thục, xứng đáng cái tên là ngựa của vua.
P65: Bản P rất rõ ràng về các giai đoạn của sự huấn luyện. Trước hết, con ngựa được luyện mang dây cương, và trong khi được huấn luyện, nó có thể dằng co vì chưa quen. Khi nó đã tập quen với dây cương, con ngựa lại được luyện để quen với yên, để đi thẳng, đi vòng tròn, đi bằng đầu gót, tập phi, tập hý, tập một trò chơi đơn giản, tập lộn nhào, tập phi nước đại, tập phi ở tốc lực tối thượng và có những cung cách lịch sự nhất. Rồi người luyện ngựa cho con ngựa đeo đồ trang sức đẹp đẽ. Khi con ngựa được đầy đủ mười đức tính này, nó trở thành xứng đáng được vua sử dụng.
8. Cả hai bản đều có ẩn dụ không giống nhau: Chúng ta cũng nhận thấy rằng một đôi khi hai bản có ẩn dụ không giống nhau, như trong NC 19, 23, 39.
Như trong NC19, ẩn dụ sau được đức Phật dùng khi Ngài khuyến khích các đệ tử hãy bất động trước khen chê:
C200: "Như trong rừng Kỳ Viên này, bên ngoài cổng có nhiều lá khô, củi khô. Giả sử có người đến đem chúng đi để đốt và sử dụng tùy thích. Các thầy nghĩ sao, những lá khô, củi khô kia có nghĩ rằng, người kia đem chúng ta đi, đốt chúng ta trong lửa và sử dụng chúng ta tùy thích. Các Tỳ-kheo đáp: Bạch Thế Tôn, không. Cũng thế, nếu có người mạ lÿ các ông, đánh đập các ông, giận dữ, bất mãn với các ông, luôn luôn khiển trách các ông; và nếu có những người khác kính trọng, cúng dường, tôn trọng đảnh lễ các ông, các ông cũng không nên ôm lòng giận dữ, thù ghét, ác ý, không ưa, tác hại; các ông cũng không nên vui mừng hoan hỷ, các ông cũng đừng để cho tâm mình như lên mây."
P22: Không giống. Ở đây đức Phật khuyên các Tỳ-kheo hãy dẹp sang một bên những gì không thuộc về của mình, vì như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Tỳ-kheo. Những gì không thuộc của Tỳ-kheo ở đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tất cả những thứ này không phải là tự ngã, không thuộc về tự ngã, bởi thế các Tỳ-kheo nên dẹp. Rồi Phật cũng lấy ví dụ ấy để làm sáng tỏ giáo lý của Ngài. Bản P bỏ khô và củi, nhưng thêm cỏ, cọng cành. Trong khi ở bản C, Phật hỏi các Tỳ-kheo những lá khô, củi khô này có nghĩ người này đã mang chúng đi, ở bản P, Phật hỏi các Tỳ-kheo có nghĩ rằng người kia đã mang chúng đi hay không.
Trong NC39, một loạt những ẩn dụ có những dị biệt giữa hai bản được thấy như sau. Ở đây Ưu Ba Ly kể ra bốn ví dụ để chứng minh ông ta sẽ lôi kéo Sa-môn Cồ Đàm như thế nào trong cuộc tranh luận.
C133: "Như một người mạnh nắm lấy một con cừu đực bằng cái bờm dài của nó và kéo lôi tùy thích."
P56: C: kéo lôi tùy thích = P: àkaddheyya parikaddheyya samparikaddheyya (kéo tới giật lui quay vòng tròn). Phần còn lại giống nhau.
C: "Như một người mạnh cầm một tấm áo lông cừu, đập nó để giũ bụi."
P: Không giống: "Như một người bán rượu (sondikàkammakàro) nhận chìm một vò đựng rượu (? sondikàkilanjam) trong một hồ sâu, nắm lấy một góc mà kéo nó."
C: "Như một người bán rượu nhận một bao đựng rượu vào nước sâu và kéo nó tùy thích."
P: Không giống: "Như một người say rượu đi chếch choáng (sondikàdhuto), nắm lấy một cái vàlam nơi góc và lắc nó, tung nó lên nhiều lần."
C: "Như một con voi chúa 60 tuổi, một con voi lớn có ngà, chân và thân đã trưởng thành, đầy đủ sức mạnh, được một người mạnh dẫn đi tắm, rửa mông, lưng, bụng, ngà, đầu của nó và làm cho nó giỡn chơi trong nước."
P: Nó nói đến một con voi Kunjaro 60 tuổi nhảy xuống ao nước sâu và chơi trò chơi tung nước.
Cũng vậy trong NC39, Kiền Tử khiển trách Ưu Ba Ly đã đến Sa-môn Cồ Đàm cốt để luận bại ông ta nhưng cuối cùng chính mình đã bị đánh bại, và Kiền Tử dùng hai ví dụ để khiển trách Ưu Ba Ly:
C: "Như một con người đi vào rừng để được mắt, nhưng rốt cuộc trở về mất cả 2 con mắt; như một người đến hồ uống nước để giải khát nhưng trở về vẫn còn khát."
P: Ví dụ thứ nhất không giống. Nó nói đến một người đi thiến súc vật nhưng khi trở về lại bị thiến. Ví dụ thứ hai giống như ví dụ đầu trong bản C.
Nhận xét: Như vậy một nghiên cứu tỷ giảo về các ví dụ trong hai bản kinh chứng tỏ cả hai bản đều rút tài liệu từ một nguồn chung, như ta thấy những dữ kiện mà hai bản sưu tập giống nhau. Nhưng mặc dù những ẩn dụ này chuyên chở những thuyết minh giống nhau, cách trình bày những ẩn dụ ấy, sự chọn lựa những chi tiết, có vài dị biệt đáng kể, và điều này chứng tỏ các nhà biên tập đã có sự rộng rãi trong việc chọn lựa tài liệu. Nếu trong vài ví dụ có một số điểm bất đồng, ấy là do sự giải thích sai ví dụ, hoặc do lỗi phiên dịch. Nhìn chung, khảo sát các ẩn dụ trong hai bản kinh giúp ta thấy rõ các điểm đồng và dị giữa hai bản.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:00:37 GMT -5
CHƯƠNG IX: PHẦN KẾT CÁC KINHCuối mỗi bài kinh trong bản C hay P thường thường có một phần kết để chứng tỏ bản kinh đã chấm dứt và để diễn tả sự vui mừng của những người lắng nghe bài kinh do Phật nói hay do một trong những đệ tử của Ngài nói. Một nghiên cứu tỷ giảo về phần kết trong 98 kinh cho thấy những điểm sau đây: 1) 36 kinh có phần kết giống nhau; 2) 26 kinh có phần kết hơi khác, trong đó bản C có thêm các Tỳ-kheo hoặc vài đệ tử hoặc vài nhân vật; 3) 13 kinh có phần kết không giống nhau; 4) 23 kinh trong bản P không có phần kết. 1. 36 kinh có phần kết giống nhau: Những nghiên cứu tỷ giảo sau đây cho thấy các bản kinh có phần kết giống nhau: NC 2, 5, 8, 9, 10, 12, 13, 14, từ 16-19, 21, 24, 26-29, 32-34, 44, 47, 49, 58, 65, 70, 71, 73-75, 84, 91-93, 95. Trong NC2, phần kết như sau: C10: Đức Phật nói như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời đức Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành. P2: Đức Thế Tôn nói như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong NC12, chính Tôn giả Mục-liền-liên giảng pháp và các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mục-liền-liên. Trong NC21, chính Tôn giả Xá-lợi-tử nói và các Tỳ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Xá-lợi-tử. 2. 26 kinh có phần kết hơi khác: Những NC sau đây có phần kết hơi khác: 7, 11, 15, 22, 25, 40, 42, 43, 45, 50, 53, 55, 57, 60, 66, 67, 72, 76, 77, 80, 81, 83, 86, 87, 88 và 90. Trong những kinh này, trong số những người vui mừng về lời dạy của Phật hay của một đệ tử Ngài, bản C thêm "những Tỳ-kheo ấy" hoặc một vài nhân vật. Như trong NC67, bản P chỉ nói Mahàcundo vui mừng về lời dạy của Phật, nhưng trong bản C tương đương, ngoài Tôn giả Đại Chu Na còn có các Tỳ-kheo khác nữa. Trong NC25, bản P chỉ nói Dìgho parajano yakkho vui mừng về lời dạy của đức Thế Tôn, bản C ngoài Trường Khổ Hạnh còn thêm "ba thiện gia nam tử". Trong NC57, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, nhưng bản C thêm tên Tôn giả A Nan. Trong NC60, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, bản C thêm Phạm Ma. Điều này hơi lạ, vì Phạm Ma đã được nói đã chết trong đoạn trước. Trong NC83, P nói chỉ có mình Tôn giả A Na Luật Đà hoan hỷ lời Thế Tôn, nhưng bản C thêm các Trưởng lão Nan Đề và Kim Tỳ La. 3. 13 kinh không có phần kết giống nhau: Các NC sau đây: 1, 3, 4, 20, 30, 31, 41, 78, 85, 94, 96, 97, 98. Trong NC1, Phần kết như sau: C106: Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. P1: Đức Thế Tôn dạy như vậy; các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn (theo bản in Roman script). Nhận xét: Theo truyền thống Tích Lan, và bản kinh Tích Lan, các Tỳ-kheo không hoan hỷ với bản kinh này, Na te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandunti. Bản kinh Miến Điện ấn hành trong kỳ kết tập thứ sáu cũng theo truyền thống Tích Lan. Kinh sớ (M.A.ii, 46 ff) nói 500 Tỳ-kheo không hoan hỷ khi nghe kinh này. Khi nhận thấy điều này, Phật đã giảng cho họ truyện tiền thân Mùlapariyàya jàtaka (Căn bản pháp môn). Nhờ vậy sự kiêu mạn của họ tiêu tan, và họ xin đức Thế Tôn một đề tài thiền quán. Về sau khi Phật ở Gotamacetiya tại Tỳ Xá Ly, Ngài giảng cho họ kinh Gotamakasuttam và họ đắc quả A-la-hán (D.P.P.N. ii, p.649). Nhưng bản in của hội Văn bản Pàli và bản Hoa ngữ thì theo phần kết thông thường, đều nói các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Từ phần kết bất thường của bài kinh này, sự phân biệt giữa Như lai và A-la-hán, và tư tưởng không nên thủ trước cả đến Niết-bàn, phải chăng ta có thể xem kinh này, một bản kinh mang ít nhiều tinh thần đại thừa, là một trong những bản kinh hiếm hoi đã thoát khỏi sự xoi mói của các nhà biên tập thuộc truyền thống Thượng tọa bộ, và đã được đặt vào tạng Pàli có lẽ chỉ do sơ ý. Có thể đã có thêm chữ Na để đánh dấu loại bỏ kinh ấy ra khỏi tạng Pàli, nhưng những nhà biên tập kinh Pàli về sau đã quên làm việc này. Trong NC3, bản C nói Tôn giả Xá-lợi-tử hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Thế Tôn, nhưng trong bản P nói những Tỳ-kheo hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất. Sự khác biệt này là do bản C có thêm một đoạn trong đó đức Phật khen Tôn giả Xá-lợi-tử và kết thúc bài kinh, trong khi ở bản P, chính Tôn giả Xá Lợi Phất kết thúc bản kinh. Trong NC4, hai đoạn kết như sau: C87: Hai vị Tôn giả ấy sau khi luận thuyết và ca tụng nhau, đã từ chỗ ngồi đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-tử đã nói như vậy, Tôn giả Đại Mục-liền-liên cùng các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ những lời Tôn giả Xá-lợi-tử đã nói. P5: Như vậy hai vị đại long tượng ấy cùng nhau vui mừng về sự biện thuyết của họ. Trong NC20, những đoạn kết như sau: C9: Như vậy hai Tôn giả cùng nhau thảo luận, và sau khi ca tụng lẫn nhau, họ hoan hỷ tín thọ. Rồi họ đứng lên khỏi chỗ ngồi và trở về chỗ trú. P24: Như vậy hai vị đại long tượng cùng nhau hoan hỷ về bài pháp. Trong NC30, sự khác nhau giữa hai đoạn kết như sau: C211: Như vậy hai vị Tôn giả ca tụng lẫn nhau, nói: "lành thay, lành thay", họ cùng nhau hoan hỷ tín thọ. Rồi họ từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. P43: Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói như vậy. Tôn giả Ma Ha Câu Thi La hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất nói. Trong NC31, bản C nói đến Tỳ-kheo ni Pháp Lạc và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; còn bản P lại nói cư sĩ Visàkha hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Sự khác nhau này là do trong bản C, Tỳ-kheo ni Pháp Lạc thuật lại với đức Phật cuộc đàm thoại, còn trong bản P, nam cư sĩ Visàkha đi đến đức Thế Tôn. Trong NC41, trong bản C, những Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, Tôn giả Man Đồng Tử hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Trong NC78, Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, phần cuối của bài kinh là do Tôn giả A Nan thuyết nên các Tỳ-kheo hoan hỷ lời của Tôn giả A Nan. Trong NC85, trong bản C, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn, trong khi ở bản C, bài kinh được chấm dứt bằng một bài kệ do đức đạo sư đọc lên, không có phần kết như thường lệ. Trong NC94, trong bản C, Tôn giả Fu-chia-lo-so-li hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Trong NC96, bản C nói Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; trong bản P, đức Thế Tôn tụng lên một bài kệ để kết thúc kinh. Trong NC97, theo bản C, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, theo bản P, chính là Tôn giả A Nan. Trong NC98, bản C nói Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo trẻ hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, trong khi bản P chỉ nói các Tỳ-kheo. Bản P thêm rằng trong khi kinh này được giảng, có 60 Tỳ-kheo đạt đến sự giải thoát lậu hoặc, không còn chấp thủ. 4. 23 kinh bản P thiếu phần kết: Đó là các kinh số 6, 23, 35, 36, 37, 38, 39, 46, 48, 51, 52, 54, 56, 59, từ 61-64, 68, 69 ,79 ,82 ,89. Như trong NC6, bản C nói Bà-la-môn Hảo Thủ Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, nhưng bản P chấm dứt ngang, với việc Bà-la-môn đắc quả A-la-hán. Trong NC23, bản C nói, Bà-la-môn Sheng-wen và người thuộc ngoại đạo tên Pilu hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn bản P bỏ phần kết sau khi Bà-la-môn Jànussonì xin quy y Tam bảo, làm một cư sĩ. Trong NC35, Bà-la-môn và tùy tùng hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Trong NC36, bản C nói ác ma hoan hỷ lời Tôn giả Mục-liền-liên. Điều này khá lạ lùng, khi ma mà lại hoan hỷ bài pháp của Đại Mục-liền-liên, vì bài giảng của Tôn giả cốt để hàng phục ma. Lại nữa trong bài kinh này, trước đấy đã nói là ác ma đã biến mất. Sự im lặng trong bản P về vấn đề này có lý, và cho thấy sự kết tập bản kinh P có nhiều chính xác hơn. Trong NC39, theo bản C, Ưu Ba Ly hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, chỉ nói Ni Kiền Tử bị thổ huyết. Trong NC59, trong bản C, vua Ba Tư Nặc, Tôn giả A Nan và hội chúng hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; nhưng trong bản P, vua Ba Tư Nặc hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, đứng lên khỏi chỗ, đảnh lễ đức Thế Tôn, nhiễu quanh Ngài rồi ra đi. Trong NC63, bản C nói Tôn giả Xá-lợi-tử và vô số trăm ngàn người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Nhưng bản P chỉ nói đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất rằng Bà-la-môn Đà Nhiên đã chết và được sinh lên Phạm thiên giới. Trong NC79, bản C nói ngoại đạo và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Tôn giả Bạc Câu La. Nhưng không có phần kết trong bản kinh P, nói rằng Tôn giả Bạc Câu La trong khi ngồi giữa chúng hội đã nhập Niết-bàn. Trong NC89, bản C nói thanh niên Anh Vũ, con trai của Đô Đề và vô số người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; nhưng bản P bỏ qua phần kết và chỉ nói Todeyyaputta xin đức Thế Tôn nhận ông làm một đệ tử cư sĩ. Nhận xét: Như vậy một cuộc nghiên cứu tỷ giảo về phần kết của 98 kinh tương đương cho thấy rằng những nhà biên tập kinh C hơi quá theo hệ thống khi biên tập kinh, vì trong 222 kinh không có một kinh nào là không có phần kết; trong khi bản P có 23 kinh không có phần kết; 36 kinh có kết luận gần giống nhau; 26 kinh có kết luận hơi khác, đã cho thấy có một nguồn gốc chung, từ đó các nhà biên tập hai tạng kinh thu thập tài liệu. Nhưng sự bỏ bớt phần kết trong một số kinh P chứng tỏ bản P có độ đáng tin cậy khá cao. Như vậy, thật khá lạ lùng khi ác ma hoan hỷ lời Tôn giả Mục-liền-liên như được thấy trong NC36; và chúng ta cũng không kém ngạc nhiên khi bản C thêm Phạm Ma hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, khi ông ta được báo cáo là đã chết trong đoạn trước như đã thấy trong NC60. Chúng ta cũng thấy bản C đã nói trong NC63 rằng có đến vô số trăm ngàn người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Điều này dường như mang màu sắc tư tưởng Đại thừa, và chứng tỏ đây là một sự biên tập khá muộn. Nhưng chúng ta phải nhận rằng, có thể những nhà biên tập về sau đã thêm phần kết để đem lại tính đồng nhất cho toàn thể tạng kinh A-hàm, do đó khiến cho một vài bất ổn len lỏi vào. ---o0o---
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:02:46 GMT -5
Phần Ba 15 MẪU NGHIÊN CỨU TỶ GIẢO GIỮA CÁC KINH P VÀ C TƯƠNG ĐƯƠNG
NC1 C 100 : Tưởng kinh
P 1: Kinh Căn bản pháp môn
A. Cốt tủy kinh C C: Đức Phật kể ra những thái độ khác nhau của các hạng người đối với các pháp, nguyên nhân quyết định những thái độ này, và trình độ giải thoát do những thái độ này đem lại.
P: Gần giống.
B. Nhan đề C: Tưởng kinh: Bàn về nhận thức, ám chỉ thái độ của những hạng người khác nhau đối với các pháp.
P: Mùlapariyàyasuttam, Căn bản pháp môn: Bàn về các pháp căn bản, ám chỉ phương pháp căn bản để tiếp cận các pháp.
C. Nơi thuyết kinh C: Xá Vệ, Thắng Lâm, Cấp-cô-độc Viên.
P: Ukkatthà, Subhagavana, dưới gốc một cây Sà la vương.
Nhận xét: Ukkatthà là một thành phố ở Kosala gần dãy núi Tuyết, được quốc vương xứ Kosala phong ấp cho Bà-la-môn Pokkarasàti để thưởng tài năng của ông ta trước đấy. (D.P.P.N.,i,p.319)
Subhagavana là một khu rừng ở Ukkatthà, được gọi như vậy vì vẻ đẹp của nó. (D.P.P.N.,ii,p. 1230)
Bản C dịch danh từ viharati là "du hành", trong kinh này cũng như các kinh khác, bản P sử dụng từ này trong ý nghĩa nguyên thủy là trú, ở.
D. Nội dung kinh I. Các hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: Đức Phật nói kinh này không có một dẫn nhập nào cả.
P: Đức Phật gọi các Tỳ-kheo, tuyên bố ý định của Ngài là giảng pháp môn Tất cả pháp, bảo các Tỳ-kheo hãy chú ý lắng nghe, và các Tỳ-kheo vâng đáp đức Thế Tôn. Rồi đức Phật thuyết kinh.
II. Thái độ của các Sa-môn, Bà-la-môn còn vô minh:
C: Có những Sa-môn, Bà-la-môn tưởng tri địa đại là địa đại, rằng địa đại là ngã, thuộc về ngã, ngã thuộc về địa đại. Khi họ có quan điểm rằng địa đại là ngã, thì như vậy họ không biết rõ địa đại. Cũng vậy đối với thủy, hỏa, phong đại, phi nhân, chư thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, sự thanh tịnh, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đồng nhất, dị biệt, đa dạng, sở kiến, sở văn, sở giác, sở tư niệm, sở đắc, sở quán, niệm, ý tưởng, từ thế giới này đến thế giới khác, từ thế giới khác đến thế giới này, tất cả. Đối với tất cả, họ có tưởng về tất cả, lầm tất cả là ngã, tất cả thuộc về ngã, ngã thuộc về tất cả. Khi họ có quan điểm rằng tất cả là ngã, thì như vậy họ không biết rõ tất cả.
P: Không giống hẳn. Trong khi bản C chỉ nói đến Sa-môn và Bà-la-môn nói chung, bản P lại nói đến phàm phu ngu si, bất kể các bậc thánh và bậc chân nhân, không học, không tu tập pháp các bậc thánh, pháp các bậc chân nhân.
C: Người tưởng tri địa đại là địa đại, địa đại là ngã, địa đại thuộc về ngã, ngã thuộc về địa đại=P: vị ấy tưởng tri địa đại là địa đại, sau khi tưởng tri địa đại là địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã trong địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại ở trong ngã, hay ngã ở trong địa đại. Vị ấy nghĩ địa đại là của tôi. Vị ấy hoan hỷ trong địa đại.
C: Khi vị ấy có quan điểm rằng địa đại là ngã, thì vị ấy không biết rõ địa đại = P: Tại sao? Ta nói vị ấy không liễu tri địa đại.
Trong khi bản C kể đến 29 pháp, bản P chỉ kể 24 pháp theo thứ tự sau: địa, thủy, hỏa, phong, chúng sinh, chư thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Quan âm thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, thắng giả, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sở kiến, sở văn, sở giác, sở tri (cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức), đồng nhất, sai biệt, tất cả, Niết-bàn... 11 pháp không có trong bản P là: phi nhân, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, thanh tịnh, nhiều, sở đắc, sở quán, niệm, ý tưởng, từ thế giới này đến thế giới kia, từ thế giới kia đến thế giới này. Sáu pháp không có trong C: chúng sinh, Quan âm thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, thắng giả, Niết-bàn.
Nhận xét: bản C bỏ danh từ Niết-bàn, được giải thích trong Papancàsudàni là sự hưởng thụ năm dục lạc, đây là lối giải thích của nhà duy vật xem sự hưởng dục ngay trong đời này chính là Niết-bàn.
III. Thái độ của các Sa-môn, Bà-la-môn có trí:
C: Đoạn này chỉ là ngược lại với thái độ các Sa-môn Bà-la-môn ngu si, với những thay đổi thích hợp.
P: Không giống hẳn. Ở đây bản P nói đến một bậc hữu học, đa văn, chưa đạt đến toàn giác, đang còn nỗ lực đạt đến vô thượng an ổn thoát khỏi trói buộc. Vị ấy biết địa đại là địa đại, và không nhận thức nó như phàm phu ngu si. Vị ấy cố không nghĩ đến địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là với vị ấy, bản chất chân thực của đối tượng có thể biết được (parinneyyam tassàti).
Ở đây bản P thêm thái độ của bậc vô học, bậc A-la-hán, người đã phá hủy các lậu hoặc, đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt đến mục đích, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ thắng trí. Vị ấy đã đạt đến sự không nghĩ đến địa đại, không cho địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là vị ấy đã liễu tri địa đại, đã từ bỏ tham, sân, si.
IV. Thái độ của Như lai:
C: Gần giống như trường hợp các Sa-môn, Bà-la-môn có trí, thay chữ Sa-môn, Bà-la-môn bằng Phật.
P: Ở đây bản P nói đến Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Vị ấy đã đạt đến sự không tưởng tri địa đại, không cho địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là vị ấy đã hoàn toàn liễu tri. Vị ấy biết rằng hoan hỷ là nguồn gốc của đau khổ; từ hữu, sanh khởi lên, và có già chết đến với hữu tình. Đức Như lai nhờ đoạn tận tất cả khát ái, nhờ không chấp thủ, nhờ đã chấm dứt, đã từ bỏ, hoàn toàn từ bỏ, nên đã đạt đến Vô thượng bồ đề.
Nhận xét: Ở đây bản P đưa ra một định nghĩa rõ ràng về các hạng người khác nhau với những thái độ khác nhau của họ, và lý do họ làm như vậy, trong khi bản C thì hơi quá đơn giản. Bản P nói đến sự phân biệt giữa hai hạng người cuối cùng, giữa Tỳ-kheo là bậc A-la-hán với tất cả đặc tính của quả vị này và Như lai, cũng là một A-la-hán, nhưng còn là Sammàsambuddho, Chánh đẳng giác. Ở đây bản C dịch danh từ Àtman là thần hồn.
E. Kết luận C: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật, hoan hỷ phụng hành.
P: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo hoan hỷ về lời dạy của đức Thế Tôn.
Nhận xét: theo truyền thống Tích Lan và bản kinh Tích Lan, các Tỳ-kheo không hoan hỷ với kinh này. "Na te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandunti." Bản in trong kỳ kết tập thứ sáu tại Miến Điện cũng theo truyền thống của Tích Lan.
NC 2 C 10: Lậu tận kinh
P 2: Kinh Tất cả lậu hoặc
A. Cốt tủy kinh C Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tri kiến và sự tư duy chân chính đưa đến tận trừ lậu hoặc, và nhấn mạnh những nguy hiểm của tà tư duy nuôi dưỡng và tăng trưởng lậu hoặc. Rồi Ngài nêu lên bảy cách tận trừ lậu hoặc.
B. Nhan đề C: Lậu tận kinh : Bài kinh nói về sự dập tắt các lậu hoặc, ám chỉ sự chấm dứt lậu hoặc bằng bảy cách.
P: Sabbàsavasuttam: Bài kinh nói về tất cả lậu hoặc, ám chỉ tất cả lậu hoặc được đoạn tận bằng bảy cách.
C. Địa điểm thuyết kinh C: Ở Câu Lâu Sấu tại phố thị của người Câu Lâu (Kuru) gọi là Chien-mo-sê-t'san.
P: Tại Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.
Ghi chú: Kuru là một trong 16 thị trấn lớn. Cư dân ở đây nổi tiếng là có trí tuệ sâu sắc và phần lớn những kinh sâu xa đều được Phật thuyết tại đây. Kammassadamma là một làng của dân Kuru, nơi thỉnh thoảng Phật đến cư trú.
D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: Phật thuyết kinh này không có dẫn nhập:
P: Phật gọi các Tỳ-kheo, báo cho biết ý định Ngài muốn thuyết kinh Tất cả lậu hoặc, bảo họ hãy chú ý. Các Tỳ-kheo vâng đáp và Phật giảng kinh.
II. Tri kiến đưa đến sự đoạn tận lậu hoặc:
C: Nhờ tri kiến mà lậu hoặc được dập tắt. Làm thế nào nhờ tri kiến mà lậu hoặc được dập tắt chứ không phải không tri kiến, không lý do? Có sự suy xét chân chính, và suy xét sai lầm. Do suy xét sai lầm, những dục lậu chưa sinh phát sinh, lậu hoặc đã sinh tăng trưởng; hữu lậu chưa sinh phát sinh, vô minh lậu chưa sinh cũng phát sinh. Nhờ suy xét đúng, mà dục lậu chưa sinh không sinh, dục lậu đã sinh biến mất; hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh không sinh, hữu lậu, vô minh lậu đã sinh biến mất.
P: Gần giống. C: nhờ tri kiến=P: jànato passato. C: suy xét chân chính, suy xét sai lầm= như lý tác ý, phi như lý tác ý. Bản P chỉ nói àsavà (lậu hoặc) nói chung.
III. Thái độ của vô văn phàm phu và thánh đệ tử đa văn:
C: Những kẻ phàm phu ngu si không thể nghe chánh pháp, không thể gặp bậc thực sự đa văn, không biết diệu pháp, không am hiểu diệu pháp, không như thật biết về pháp. Do suy nghĩ sai lầm, những dục lậu chưa sinh phát sinh ... (như trên, cho đến) những lậu hoặc đã sinh biến mất. Vì vị ấy không như thật biết pháp, vị ấy tư duy các pháp không đáng tư duy, vị ấy không tư duy các pháp đáng tư duy. Vì vị ấy tư duy các pháp không đáng tư duy, và không tư duy các pháp đáng tư duy, nên dục lậu chưa sinh phát sinh, lậu hoặc đã sinh tăng trưởng; các hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh phát sinh, các lậu hoặc đã sinh tăng trưởng. Thánh đệ tử đa văn có thể nghe chánh pháp, có thể gặp gỡ những người thực sự đa văn (ngược lại với trường hợp vô văn phàm phu).
P: (Bản P để đoạn này trong phần nói về lậu hoặc cần phải đoạn trừ bằng kiến). Ở đây phàm phu vô văn được mô tả là không kể gì đến bậc thánh và bậc chân nhân, vì không am hiểu, không tu tập pháp các bậc thánh và bậc chân nhân. Nó bỏ: "với suy nghĩ sai lầm... những lậu hoặc đã sinh biến mất". Bản P nói rằng phàm phu này không biết pháp nào nên tác ý và pháp nào không nên tác ý. Những pháp không nên tác ý là những pháp mà khi tác ý thì dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh sẽ sinh, những lậu hoặc đã sinh sẽ tăng trưởng. Những pháp đáng tác ý là những pháp nào khi tác ý đến, thì dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh sẽ không sinh, đã sinh sẽ biến mất. Vì phàm phu này tác ý các pháp không đáng tác ý, cho nên các lậu hoặc chưa sinh sinh khởi, các lậu hoặc đã sinh tăng trưởng. Trường hợp bậc thánh đệ tử đa văn thì trái lại.
IV. Bảy cách để đoạn trừ lậu hoặc:
C: Có bảy cách đoạn trừ lậu hoặc, khổ, bực mình, sầu, não. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng tri kiến. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng phòng hộ. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng tránh né. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng sử dụng. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng kham nhẫn. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng suy tư.
P: Gần giống. Thứ tự trong bản P như sau: 1. Tri kiến, 2. Phòng hộ, 3. Sử dụng, 4. Kham nhẫn, 5. Tránh né, 6. Đoạn trừ 7. Tu tập.
Nhận xét: Thứ tự trong P đúng hơn vì nó đặt "sử dụng" gần với kham nhẫn và "tránh né" gần với trừ khử.
Trong phương pháp thứ bảy, bản C dùng danh từ tư duy, P dùng danh từ Bhàvanà có hai nghĩa, tư duy và thiền định.
V. Lậu hoặc cần đoạn trừ bằng tri kiến:
P: Dassana:
C: Thế nào là lậu hoặc cần đoạn trừ bằng tri kiến? Kẻ vô văn phàm phu không thể nghe chánh pháp... không chân thật biết pháp, vì nó tác ý sai, nó nghĩ: "Ta đã có đời quá khứ; ta không có đời quá khứ; do nguyên nhân gì ta có đời quá khứ, đời quá khứ của ta ra sao? Ta sẽ có đời tương lai; ta sẽ không có đời tương lai? Nó hoài nghi về tự thân, là gì, như thế nào? Các hữu tình này đến đây từ bao giờ và sẽ đi về đâu? Do nguyên nhân nào chúng đã có mặt trong quá khứ? Do nguyên nhân nào chúng sẽ có mặt trong tương lai?" Sau khi làm những tư duy sai lầm như vậy đối với sáu kiến chấp ấy; theo bất cứ quan điểm nào trong đó, kiến chấp khởi lên rằng thật có một cái ngã (soul); sự khởi lên kiến chấp này nảy sinh ra kiến chấp rằng thực sự không có ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng ngã thấy ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng ngã thấy phi ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp phi ngã thấy ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng cái ngã này có thể nói, hiểu, hành động, khiến hành động, có thể giảng dạy, khiến giảng dạy; (bản C hơi nhầm lẫn, đáng lẽ là: năng tác, tác khởi, năng giáo, giáo khởi); tái sinh chỗ này chỗ kia, thọ các quả báo thiện ác, chắc chắn nó không từ đâu lại, chắc chắn nó không hiện hữu, chắc chắn nó sẽ không hiện hữu. Đây gọi là tấm màn kiến chấp, kiến tranh luận, kiến trói buộc. Kẻ phàm phu ngu si vì lý do này phải chịu sinh, già, bệnh, chết.
Bậc thánh đệ tử có thể nghe chánh pháp, có thể gặp những người thực sự đa văn; vị ấy như thật biết chánh pháp, như thật biết khổ, biết nguyên nhân của khổ, biết sự chấm dứt của khổ, biết con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Sau khi biết như vậy phù hợp với chân lý, ba kiết sử được đoạn tận. Ba kiết sử thân kiến, giới cấm thủ và nghi khi đã đoạn tận, vị ấy đắc Dự lưu, không còn rơi vào ác pháp và chắc chắn sẽ tiến đến giác ngộ chân chính. Cùng lắm là sau bảy lần tái sinh tại các cõi trời và cõi người, vị ấy sẽ đạt đến chấm dứt khổ. Nếu vị ấy không biết tri kiến chân chính, thì sầu, bi, khổ, ưu sinh khởi. Nếu vị ấy biết tri kiến chân chính, thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh khởi. Đây gọi là lậu hoặc đoạn trừ bằng tri kiến.
P: (Bản P để đoạn nói về thái độ phàm phu và thánh đệ tử vào phần này). Gần giống. Về cách suy nghĩ của phàm phu ngu si, về quá khứ và vị lai cũng giống như C. Về hiện tại, C: Vị ấy hoài nghi thân của ta là gì, nó ra sao=P: Hiện tại ta hiện hữu hay không hiện hữu? Ta là gì trong hiện tại? Ta là thế nào? Bản P bỏ: "Do nguyên nhân gì từ trước hữu tình sinh ra? Do nguyên nhân gì tương lai chúng sẽ không sinh?" Sáu kiến chấp khởi lên do tà tư duy cũng gần giống nhau.
Kiến chấp thứ nhất: C: kiến chấp khởi lên rằng thật có một bản ngã=P: kiến chấp khởi lên như thật như chân: "ta có một bản ngã".
Kiến chấp thứ hai: Cũng nhận xét như trên.
Kiến chấp thứ ba: C: kiến chấp khởi lên rằng, ngã thấy ngã=P: bản P dùng danh từ tưởng tri thay cho thấy, và dùng tự ngã thay cho ngã.
Kiến chấp thứ tư và năm: Cũng nhận xét như trên.
Kiến chấp thứ sáu: C: Chính tự ngã này có thể nói, hiểu, hành động, khiến hành động, có thể giảng dạy và khiến giảng dạy; sinh chỗ này chỗ kia, thọ quả báo thiện ác; chắc chắn nó không từ đâu đến, chắc chắn nó không hiện hữu, chắc chắn nó sẽ không hiện hữu= P: Chính tự ngã này là người nói, người kinh nghiệm, người hưởng thụ quả báo các hành vi thiện ác chỗ này chỗ kia. Tự ngã này của tôi trường cửu, chắc chắn, thường hằng, không biến đổi, bất diệt.
C: Đây gọi là màn kiến chấp, kiến trù lâm, kiến trói buộc=P: ditthigatam, ditthigahànam, ditthikantàram, ditthivisùkam, ditthi-vipphanditam, ditthisamyojanam ( đi đến tà kiến, rừng tà kiến, kiến hoang vu, kiến tranh chấp, kiến đấu tranh, kiến kiết sử). Về thái độ của thánh đệ tử đa văn, bản P đưa vào đây toàn thể đoạn ở trong phần ba đã thấy ở trên. Nó cũng nói tri kiến về bốn chân lý phù hợp với chánh tư duy và sự đoạn tận ba kiết sử: thân kiến, nghi và giới cấm thủ (không trùng thứ tự như bản C). Nó bỏ sự chứng đắc Dự lưu đạo và sự diệt tận đau khổ, sầu, khổ, ưu, não.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:04:06 GMT -5
VI. Lậu hoặc cần đoạn trừ bằng phòng hộ:
P : Samvara:
C: Vị Tỳ-kheo khi thấy sắc pháp, phòng hộ nhãn căn. Với sự suy xét chân chính, vị ấy quán chúng là bất tịnh. Vị ấy không hộ trì nhãn căn khi do suy nghĩ sai lầm, xem chúng là sạch sẽ. Khi không có sự phòng hộ, thì sầu, bi, khổ, ưu sẽ sinh khởi; khi có sự phòng hộ, thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh. Cũng vậy với tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi nhận thức các đối tượng. Vị ấy phòng hộ ý căn. Với tư duy chân chính, vị ấy quán chúng là bất tịnh; vị ấy không phòng hộ ý căn nếu do tà tư duy, quán chúng là thanh tịnh. Khi không có sự phòng hộ thì sầu, bi, khổ, ưu phát sinh; khi có sự phòng hộ thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh.
P: Không giống hẳn. Ở đây bản P nói, vị Tỳ-kheo như lý tác ý, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn. Nếu vị ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, thì những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não sẽ sinh khởi; nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, thì những lậu hoặc tàn hại, nhiệt não sẽ không sinh. Cũng vậy với các căn khác. Phần còn lại không có.
VII. Lậu hoặc cần được diệt trừ bằng tránh né:
P: Parivajjana:
C: Khi vị Tỳ-kheo trông thấy voi dữ, vị ấy nên tránh nó, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, rắn độc, con đường nguy hiểm, hào, hố, hầm phân có đậy nắp, con sông, ao sâu, hố thẳm, người có học nhưng xấu xa, bạn xấu, ngoại đạo xấu xa, láng giềng xấu, chỗ ở xấu (vị ấy nên tránh chúng). Khi sống chung với những du sĩ, Bà-la-môn, nếu những người chưa nghi ngờ sẽ nghi ngờ, thì Tỳ-kheo nên tránh những trú xứ xấu xa. Tại những nơi này, nếu người không nghi ngờ sẽ nghi ngờ thì tất cả những nơi này cần phải được tránh né. Nếu không có sự tránh né, thì sầu, bi, khổ, ưu sẽ sinh khởi. Nếu có sự tránh né, thì sầu, bi, khổ, ưu, sẽ không sinh. Đây gọi là là lậu hoặc được đoạn trừ bằng tránh né.
P: Trong số những thú vật và nơi chốn cần tránh né, bản P bỏ: đường xấu, hố phân có đậy nắp, sông, ao sâu, nhưng thêm: những gốc cây, những bờ có gai, hố rác. Bản C: "Khi sống chung... tất cả những người này cần được tránh né hoàn toàn", bản P nói: "Bất cứ chỗ nào vị ấy ngồi, bất cứ nơi nào vị ấy đi đến, bất cứ người bạn xấu nào vị ấy liên hệ, nếu do làm như vậy mà các vị đồng phạm hạnh có trí sẽ nghi ngờ vị ấy có tính đồi trụy (có tội : pàpakesu thànesu okappeyyum), thì vị Tỳ-kheo như lý tác ý, nên tránh những nơi chốn và những người này." Phần còn lại cũng có nhận xét như ở đoạn trên.
VIII. Lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ thọ dụng:
P: Patisevana:
C: Thế nào là lậu hoặc được đoạn trừ bằng sử dụng? Nếu một Tỳ-kheo sử dụng một y phục không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không phải để trang sức, nhưng chỉ để che thân khỏi muỗi mòng, gió, mưa, lạnh, nóng, để che đậy sự hổ thẹn. Khi sử dụng đồ ăn uống, không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không phải vì lạc thú mập phì, mà chỉ vì muốn duy trì cơ thể được lâu dài, muốn trừ khử sầu, não, khổ, ưu để duy trì đời sống phạm hạnh, để xua đuổi bịnh cũ và đề phòng bịnh mới, để sống lâu, để bảo dưỡng, không bệnh. Khi vị ấy sử dụng trú xứ, phòng, nhà, giường, nệm, đồ nằm, thì không phải vì lợi lộc, kiêu mạn, trang sức, mà chỉ vì để chấm dứt sự mệt nhọc do ngồi thiền. Khi vị ấy sử dụng dược phẩm trị bệnh, không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không vì lạc thú mập phì, mà chỉ vì để diệt trừ ưu não do bệnh gây ra, để duy trì sự sống, để sống được an ổn không bệnh. Nếu không sử dụng, thì sầu, khổ... không sanh khởi, đây gọi là lậu hoặc được đoạn trừ nhờ thọ dụng.
P: Không giống hẳn. Về sự sử dụng y phục, bản P thêm: "như lý tác ý" cho thái độ vị Tỳ-kheo, và thêm sirimsapa vào danh sách muỗi mòng. Nó bỏ: không vì lợi lộc, kiêu mạn, trang sức. Về sử dụng đồ ăn uống, C: ăn và uống=P: đồ ăn khất thực. Ở đây bản P nói Tỳ-kheo sử dụng đồ ăn khất thực không để vui đùa, davà, không để say mê, madà, không phải để trang hoàng, không để làm đẹp mình, mà để duy trì sự sống, giữ cho nó khỏi bị hại, để duy trì đời sống phạm hạnh, để phá hủy cảm thọ cũ, đề phòng cảm thọ mới, để sống không lỗi, an ổn và thoải mái.
Về sử dụng trú xứ, bản P chỉ nói sàng tọa. Nó bỏ: "không vì..." và nói để che khỏi lạnh, nóng, ruồi, muỗi, gió, mặt trời, bò sát, để tránh sự khắc nghiệt của thời tiết, để hưởng sự độc cư.
Về sử dụng dược phẩm, bản P nói dược phẩm trị bệnh. Nó bỏ: "không vì...", nhưng nói để diệt trừ các cảm thọ khởi lên gây đau đớn, để được sự an lạc tối đa.
Nhận xét: Từ sirimsapa ở vị trí này hơi lạ, vì đáng lẽ nó được đặt gần các từ damsa, makasa. Kinh Uttaradhyayanasùtra kể theo thứ tự: vàta, àtapa, damsa, masaka, sirimsapa. Truyền thống bản P chỉ kể nhu yếu tích cực của y phục, không nói đến những cách sử dụng sai. Trong bản C, danh từ kiêu mạn được dùng để dịch madà, vừa có nghĩa kiêu mạn vừa có nghĩa say mê. Ở đây chữ say mê thích hợp hơn trong việc sử dụng đồ ăn khất thực. Bản P nói "không để trang sức, không để làm đẹp", nghe ra hơi gượng ép. Bản C dễ nghe hơn.
IX. Lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng kham nhẫn:
P: Adhivàsanà:
C: Thế nào là những lậu hoặc được đoạn trừ bằng kham nhẫn? Để tận trừ các ác bất thiện pháp và tu tập các thiện pháp, vị Tỳ-kheo thường xuyên để tâm mình tư duy: tôi sẽ nỗ lực với tất cả tâm hồn, dù cho thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy khô cạn, kiệt sức, tôi cũng sẽ không bao giờ từ bỏ sự nỗ lực; chỉ khi tôi có được điều tôi muốn, tôi mới từ bỏ nỗ lực. Vị Tỳ-kheo lại phải chịu đựng đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, ruồi, chí, rận, sự bức bách của gió và nắng, những lời ác độc, sự đánh bằng gậy gộc. Vị ấy chịu đựng tất cả. Dù cơ thể bị đau ốm và đau đến khốc liệt, đến nỗi gần như chết và đối với mọi cảm giác khó chịu khác, vị ấy có thể chịu đựng tất cả. Nếu không có sự kham nhẫn, thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ phát sinh, nếu có kham nhẫn thì sầu, ưu không sinh, đây gọi là lậu hoặc được đoạn trừ bằng kham nhẫn.
P: Bản P chỉ nói rằng vị Tỳ-kheo nên chân chánh giác sát, chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài bò sát, sự nhục mạ và những lời độc ác. Vị ấy nên chịu đựng những cảm thọ về thân khởi lên đau đớn, nhói đau, khốc liệt, nghiêm trọng, khó chịu, chết điếng người.
Nhận xét:Bản P bỏ: sự nỗ lực ... thân thể máu thịt v.v.. đều khô cạn.
X. Lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt:
P: Vinodana:
C: Thế nào là những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt? Khi các tư tưởng về tham dục khởi lên, vị Tỳ-kheo cần phải trừ diệt, đoạn tận, xua đuổi chúng. Khi những tư tưởng về sân, hại khởi lên, vị ấy cần phải trừ diệt, đoạn tận, xua đuổi chúng. Nếu không có sự trừ diệt, thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ sinh khởi, nếu có....... không sinh. Đây gọi là lậu hoặc được đoạn tận bằng trừ diệt.
P: Gần giống. Bản P thêm: "bất thiện pháp" và các ý tưởng dục, sân, hại.
XI. Lậu hoặc cần được đoạn tận nhờ tu tập:
P: Bhàvanà:
C: Thế nào là lậu hoặc được đoạn tận nhờ tu tập? Vị Tỳ-kheo tư duy về chánh niệm giác chi thứ nhất, y cứ độc cư, ly dục, diệt, đưa đến giải thoát. (Cũng vậy) người ấy tư duy về trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả, giác chi thứ bảy, y cứ biệt ly, ly dục, diệt, đưa đến giải thoát. Nếu có tư duy, ........... sẽ không sinh. Đây gọi là lậu hoặc được đoạn tận nhờ tư duy.
P: Gần giống. Bản P thêm: như lý tác ý. Ở đây bảy giác chi y cứ viễn ly (viveka), ly tham (virgàra), diệt, đưa đến từ bỏ (vossaggaparinàmin).
Nhận xét: Bản C nói đến giác chi thứ hai là pháp, chứ không nói trạch pháp.
XII. Sự tận trừ tất cả lậu hoặc:
C: Nếu một Tỳ-kheo thành công trong việc tận trừ tất cả lậu hoặc nhờ tri kiến, nhờ phòng hộ, nhờ tránh né, nhờ sử dụng, nhờ kham nhẫn, nhờ trừ diệt và nhờ tu tập, vị Tỳ-kheo ấy đã tận trừ tất cả lậu hoặc, đã giải thoát khỏi kiết sử, có thể sử dụng chánh trí để chấm dứt khổ đau.
P: Phần đầu cũng giống như C; phần hai như sau: "Vị Tỳ-kheo ấy được nói là đã trú chế ngự với sự chế ngự tất cả những lậu hoặc, đã phá hủy tham ái, tận trừ kiết sử và thực chứng kiêu mạn, chấm dứt khổ đau".
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:05:43 GMT -5
E. Phần kết
C: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
P: Đức Thế Tôn nói như vậy. Các vị Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
NC5 C 105: Nguyện kinh
P6: Kinh Ước nguyện
A. Toát yếu kinh C Đức Phật kể ra một số ước nguyện (bản C có 13, P có 17). Những ước nguyện này sẽ được viên mãn bởi những Tỳ-kheo tuân thủ những học giới của Giới bản và siêng tu thiền định và tuệ quán.
P: Gần giống.
B. Nhan đề C: Nguyện kinh, bản kinh nói về những mong muốn, ám chỉ những mong muốn do các Tỳ-kheo lập nên.
P: Kinh Ước nguyện, bài kinh nói về những gì người ta có thể mong cầu, cũng ám chỉ các mong cầu của Tỳ-kheo.
C. Địa điểm thuyết kinh Hai bản giống nhau, ám chỉ Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.
D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: Lúc bấy giờ có một Tỳ-kheo sống viễn ly độc cư tại một nơi xa vắng yên tịnh. Trong khi ngồi thiền, những ý nghĩ sau đây khởi lên nơi ông: "Đức Thế Tôn an ủi ta, nói chuyện với ta, giảng pháp cho ta, để ta được thọ cụ túc giới mà không xao lãng thiền định, viên mãn sự tu tập tuệ, ở một nơi vắng vẻ không người." Sau khi nghĩ thế, vào buổi chiều, vị Tỳ-kheo đứng dậy từ chỗ ngồi thiền và đi đến đức Phật. Đức Thế Tôn khi thấy vị Tỳ-kheo ấy từ xa đến, đã nhân vị Tỳ-kheo ấy mà dạy các Tỳ-kheo.
P: Không nói đến hoàn cảnh thuyết kinh. Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo, không có giáo đầu.
II. Các ước nguyện:
Bản C có 13, P có 17. Nội dung các ước nguyện gần giống nhau trong hai bản, nhưng có vài dị biệt trong cách hành văn và về chi tiết. Bản P trước khi kể ra các ước nguyện, đã trích dẫn lời Phật khuyến cáo các Tỳ-kheo hãy tuân giữ các học giới, thực hành Giới bản Biệt giải thoát, sống khéo chế ngự bằng sự chế ngự của Giới bản, tuân giữ uy nghi và hành xứ chính đáng, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ và học tập các học giới. Bản C bỏ đoạn này. Trong bản P, sau mỗi ước nguyện có một đoạn lập lại giống nhau, một thứ điệp khúc nói lên các điều kiện cần có để viên mãn ước nguyện ấy như sau: "Vị ấy phải là một người viên mãn các học giới, nội tâm tịch tịnh, không gián đoạn thiền định, có tuệ quán, thường ưa thích lui tới nơi nhàn tịnh." Trong bản C cũng có một loại điệp khúc cuối mỗi nguyện nhưng nó không tách rời với ước nguyện ấy, và cách hành văn làm cho ta khó thấy được nó là một điều kiện cần phải viên mãn như trong bản P. Điệp khúc ấy như sau: "Hãy tuân giữ toàn bộ các học giới, nhưng không xao lãng thiền định, hãy viên mãn sự tu tập tuệ quán bằng cách ở nơi vắng vẻ."
C1=P1:
C: Tỳ-kheo nên ước nguyện rằng: "Ước gì đức Thế Tôn an ủi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta"...
P: "Mong sao tôi được đồng phạm hạnh yêu mến, thích, cung kính, tôn trọng."
C2=P4:
C: "Ta có những thân quyến. Mong sao khi họ mạng chung, nhờ ta mà họ được đi đến những nơi tốt lành, cho đến tái sinh lên trời."
P: "Mong sao những thân bằng quyến thuộc của ta lúc chết và tái sinh vào một loài khác, sẽ nhớ đến ta với một tâm hoan hỷ, và nhờ vậy mà họ được kết quả lớn, lợi ích lớn."
Nhận xét: Cô Horner đã dịch đoạn này như sau: "Mong đây sẽ là một quả báo lớn, lợi ích lớn cho những bà con quyến thuộc của ta, những người này với tâm vui vẻ nhớ lại những người đã chết....." nhưng trong Papancasùdanì thì nói các thân quyến khi chết nhớ lại những đức tính của vị Tỳ-kheo và nhờ vậy chết với tâm hoan hỷ.
C3=P3:
C: "Mong sao những người cho tôi y phục, đồ nằm, đồ ăn uống, giường, đệm, dầu, dược liệu, những đồ dùng để sống; mong sao nhờ sự bố thí này, họ được công đức lớn, danh vọng lớn và gặt quả báo lớn."
P: Giống nhau. Nó kể theo thường lệ y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nó chỉ nói quả báo lớn và lợi ích lớn.
C4=P không có:
C: "Mong ta có thể chịu đựng đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, ruồi, nhặng, chí, rận, sức ép của gió và nóng, các lời xấu ác, sự đánh đập bằng roi gậy. Khi thân bị đau bịnh khốc liệt, chết điếng,và đối với tất cả khổ thọ, mong tôi chịu đựng được tất cả."
C5=P5:
C: "Mong ta có thể chịu đựng bất lạc. Nếu bất lạc xảy đến, mong rằng tâm ta cuối cùng sẽ không bị ảnh hưởng."
P: Giống nhau.
C6=P6:
C: "Mong ta có thể chịu đựng sợ hãi khiếp đảm. Nếu sợ hãi khiếp đảm xảy đến, mong rằng tâm ta cuối cùng không bị ảnh hưởng."
P: Giống nhau.
C7=P không có:
C: "Nếu ba ý tưởng ác bất thiện khởi lên nơi tôi, những ý tưởng về dục, sân và hại, mong rằng cuối cùng tôi không bị chúng ảnh hưởng."
C8=P7:
C: "Mong ta ly dục, ly bất thiện pháp, cho đến chứng và trú thiền thứ tư."
P: "Mong ta có thể không khó khăn, không mệt nhọc, chứng được bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, khiến ta an trú trong hiện tại lạc."
C9=P9:
C: "Mong ta có thể, nhờ đoạn trừ ba kiết sử, chứng được Dự lưu, không còn rơi vào ác pháp, chắc chắn được giác ngộ, chỉ còn tái sinh nhiều nhất là bảy lần trong thiên giới hay trong cõi người, và sau bảy lần qua lại, ta sẽ chấm dứt khổ đau."
P: Gần giống; C: không rơi vào ác pháp=P: avinipàtadhammo. Bản P bỏ: và sau khi qua lại bảy lần, chấm dứt khổ đau.
Nhận xét: Danh từ avinipàtadhammo, bản C dịch là "pháp" trong khi nó chỉ có nghĩa là "phải bị, phải chịu".
C10=P10:
C: "Sau khi đoạn trừ ba kiết sử, làm mỏng dần tham, sân, si, mong ta có thể chỉ còn đi lại một lần ở cõi trời hay cõi người, và sau khi qua lại một lần, có thể chấm dứt khổ đau."
P: Giống nhau. C: đến cõi trời và cõi người=P: thế giới này.
C11=P11:
C: "Mong ta sau khi đoạn năm hạ phần kiết sử, sẽ được tái sinh trong cõi ấy và từ đấy đạt Niết-bàn, được pháp Bất thối, không còn trở lui đời này."
P: Giống nhau. Bản P thêm: opapàtiko (hóa sanh). C: được pháp Bất thối, không trở lui vào thế giới này=P: anàvattidhammo (từ cõi ấy không còn phải chịu luân chuyển).
C12=P8:
C: "Mong ta chứng được tịch tịnh giải thoát siêu quá sắc giới, đạt đến vô sắc, giống như những người đạt được trong thiền (?) với thân chứng và trú, để tư duy với trí tuệ, để đoạn tận lậu hoặc, để biết rõ lậu hoặc."
P: Bản P bỏ: "giống như những người đạt được trong thiền. " và "để tư duy... lậu hoặc". Bản P dùng danh từ phassitvà trong khi bản C dịch là chứng đắc, cách dịch này rất đúng vì từ phassitvà ở đây không có nghĩa là sờ chạm như thông thường.
C13=P12, 13,14,15,16,17:
C: "Mong ta có thể đạt đến các thần thông, như thiên nhãn, tha tâm, túc mạng, sinh tử trí, mong tất cả lậu hoặc được dập tắt, giai đoạn không còn lậu hoặc được đạt đến, và bằng tự tri, tự ngộ, ta đạt được ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã viên thành, những gì cần làm đã làm xong, sẽ không còn sinh lại, sự hiểu biết này là đúng thật."
P: Ở đây bản P nói cùng một đề tài nhưng chia làm sáu ước nguyện: nguyện thứ 12 là thần túc thông, 13 là thiên nhĩ thông, 14 là tha tâm thông, 15 là túc mạng thông, 16 là thiên nhãn trí, 17 là lậu tận.
C: sinh tử trí=P: thiên nhãn. Các loại trí này được mô tả chi tiết trong bản P.
P2=C: không có:
P: "Mong ta có được y phục, đồ ăn khất thực, trú xứ và dược phẩm trị bệnh."
Nhận xét: Ước nguyện thứ tư ở đây cũng được tìm thấy trong Lậu tận kinh số 10, bản kinh nói về sự diệt tận lậu hoặc, nhưng phần đầu của Lậu tận kinh nói Tỳ-kheo nỗ lực cho đến thân thể, xương máu... khô kiệt cũng không bỏ, thì ở đây không có. Điều này chứng tỏ rằng đoạn này có thể đã được thêm về sau, như bản kinh Pàli cho thấy rõ.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:07:24 GMT -5
III. Sự tu tập và chứng đắc của Tỳ-kheo:C: Khi ấy các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, đã khéo thâu nhận và khéo an trú. Rồi họ đứng lên khỏi chỗ ngồi, cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật, đi nhiễu quanh Ngài ba vòng rồi ra đi. Những Tỳ-kheo sau khi nhận chỉ giáo này của đức Phật, đã sống độc cư viễn ly, và nỗ lực tu tập thiền định với tâm không xao lãng. Do sống viễn ly độc cư, nỗ lực tu tập thiền định với tâm không xao lãng, bằng tự tri tự ngộ, họ đã đạt đến và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh mà các thiện gia nam tử đã hướng đến, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình để học pháp. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, từ đây không còn sanh tử. Tri kiến này chân thật. Các Tôn giả ấy sau khi biết pháp, đã đắc quả A-la-hán. P: Không có. Ở đây bản P lập lại lời khuyên của đức Phật ở đầu kinh. E. Phần kết Như thông thường trong cả hai kinh. NC6 C93: Thủy tịnh Phạm chí kinh P7: Kinh ví dụ tấm vải A. Toát yếu kinh C Phật kể ra 21 loại cấu uế và so sánh một tâm cấu uế giống như một tấm vải dơ, còn tâm không cấu uế như tấm vải sạch. Rồi Ngài chỉ ra cách diệt trừ các cấu uế và giải thích sự tu tập bốn phạm trú. Sau đó Phật chỉ cho Bà-la-môn Thủy Tịnh thấy rõ sự vô ích của việc tắm sông để rửa tội lỗi, tưởng đấy là nước thánh; và hiển thị rằng chỉ nhờ làm các hành vi công đức mà các ác nghiệp có thể được nhổ tận gốc. P: Gần giống. Ở đây Phật đưa ví dụ tấm vải ra trước rồi mới kể ra 16 loại cấu uế. B. Nhan đề C: Thủy tịnh Phạm chí kinh, bản kinh nói về Bà-la-môn Thủy Tịnh, giảng cho Bà-la-môn này. P: Kinh Ví dụ tấm vải, nói đến ví dụ mà Phật xử dụng trong bản kinh. C. Địa điểm thuyết kinh C: Uruvelà, bên bờ sông Ni Liên, dưới cây Ni câu luật. P: Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên. D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh: C: Một thời đức Thế Tôn du hành ở Uruvelà bên bờ sông Ni Liên, dưới cây Ni câu luật, nơi Ngài vừa đạt giác ngộ. Lúc bấy giờ một Bà-la-môn tên Thủy Tịnh vào buổi chiều đang đi lang thang; ông đến nơi đức Phật ... đức Thế Tôn nhân Bà-la-môn Thủy Tịnh đã dạy các Tỳ-kheo. P: Không có hoàn cảnh đặc biệt. Đức Phật chỉ gọi các Tỳ-kheo đến và giảng kinh này. Nhận xét: bản C nói: "khi đức Phật vừa mới đạt giác ngộ". Ta không biết kinh này được giảng trước khi Ngài đến Ba La Nại, hay sau khi Ngài giảng bài pháp đầu tiên, khi Ngài trở lại Uruvelà để cải hóa ba anh em Ca Diếp. Thủy Tịnh Bà-la-môn có lẽ nên hiểu là một Bà-la-môn thường thực hành nghi lễ tẩy tội bằng cách tắm trong nước sông thiêng. II. Kể ra những cấu uế: C: Có những người mà tâm bị ô nhiễm vì 21 cấu uế. Họ chắc chắn sẽ đi đến những cõi xấu và tái sinh vào địa ngục. 21 cấu uế là những gì? 1. Tà kiến là một cấu uế của tâm, 2. Ham muốn đối với tà pháp, 3. Ác dục, 4. Tà pháp, 5. Tham, 6. Sân, 7. Hôn trầm, biếng nhác, 8. Dao động, hối hận, 9. Nghi ngờ không tin, 10. Ác ý, tâm trói buộc, 11. Bất ngữ kiết tâm uế (?), 12. Hà tiện, 13. Ganh tị, 14. Lừa dối, gian lận, 15. Nịnh hót, 16. Vô tàm, 17. Vô quý, 18. Mạn, 19. Quá mạn, 20. Kiêu căng, 21. Phóng dật là một cấu uế của tâm. Nếu người ta có 21 cấu uế này làm ô nhiễm tâm, chắc chắn họ sẽ đi đến cõi xấu và sinh vào địa ngục. P: Chỉ kể 16 cấu uế như sau: 1. Tham, 2. Ác dục, sân, 3. Hại, 4. Não hại, 5. Giả dối, hạ giá trị người khác, 6. Khinh bỉ, 7. Ganh tị, 8. Hà tiện, 9. Lừa dối, 10. Gian lận, 11. Ngoan cố, 12. Cấp tháo, 13. Mạn, 14. Quá mạn, 15. Kiêu căng, 16. Phóng dật. Nhận xét: Nếu so sánh danh sách này với danh sách trong bản kinh C: Cầu pháp kinh và kinh P: Thừa tự pháp, chúng ta nhận thấy rằng hai danh sách của bản C không giống nhau (số lượng khác, thứ tự khác...) trong khi hai kinh bản P có danh sách giống nhau ngoại trừ ở đây cấu uế đầu tiên là abhijjhàvisamalobho, còn ở kinh kia là lobho. Như vậy người biên tập kinh P dường như có hệ thống hơn, trung thực và nhất quán trong khi kết tập. III. Ví dụ tấm vải: 1. Vải dơ: C: Như một tấm vải dơ được đem đến người thợ nhuộm. Thợ nhuộm dùng tro sạch hay đậu dùng để rửa, hay đất để rửa nó cho thật sạch. Mặc dù tấm vải dơ ấy được thợ nhuộm giặt sạch như vậy, tấm vải dơ ấy vẫn còn mang màu dơ uế trước kia. P: Bản P không nói người thợ nhuộm giặt sạch tấm vải với các vật liệu khác nhau mà chỉ nói thợ nhuộm nhúng tấm vải dơ vào thuốc nhuộm màu xanh, vàng, đỏ, tím. Nhưng tấm vải không ăn màu bởi vì nó đã dơ. 2. Vải sạch: C: Bản C nói đến trường hợp những người tâm không bị ô nhiễm bởi 21 cấu uế. Nó ngược lại với trường hợp những người tâm bị ô nhiễm vì 21 cấu uế, với những thay đổi thích nghi. Rồi nó kể ra ví dụ một tấm vải sạch). Giống như một tấm vải trắng, sạch, dệt ở Ba La Nại, được đem đến một người thợ nhuộm. Thợ nhuộm ấy sử dụng tro sạch, hay đậu dùng để rửa, hay đất để rửa nó thật sạch. Như vậy tấm vải Ba La Nại trắng sạch ấy đã sạch càng sạch hơn. P: Cũng những dị biệt như đã thấy trong ví dụ trước. IV. Sự diệt trừ cấu uế và những lợi ích: 1. Biết rõ cấu uế và diệt trừ chúng: C: Nếu vị ấy biết tà kiến là một cấu uế của tâm, sau khi biết như vậy, vị ấy diệt trừ tà kiến. (Cũng vậy với 20 cấu uế còn lại). P: Cũng vậy, chỉ có những dị biệt về các cấu uế như đã nhận xét trước đây. 2. Lòng tin đối với Tam bảo: P: Cùng với sự diệt trừ cấu uế, phát triển được đức tin Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Ở đây kể ra tất cả đức tính của Tam bảo theo công thức thông thường. C: Không có. 3. Lợi ích của đức tin Tam bảo: P: Với lòng tin Tam bảo, vị Tỳ-kheo có được lợi ích của nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, được hỷ, khinh an, lạc, nhất tâm. (Trí biết mục đích, trí biết pháp, hân hoan, hỷ, khinh an, lạc, định). C: Không có. 4. Những lợi ích do có được hạnh như vậy, công đức như vậy: P: Một Tỳ-kheo có được giới như vậy, công đức như vậy, trí như vậy, thì dù có ăn thực phẩm béo bổ cũng sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng xấu, giống như một tấm vải dơ bỏ vào nước sạch sẽ sạch, như vàng bỏ vào lò nấu sẽ thành thuần tịnh. C: Không có. 5. Tu tập phạm trú: C: Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, bốn phương trung gian, trên, dưới, cùng khắp, tất cả, với tâm câu hữu với từ không có trói buộc, không hận, không sân, không tranh chấp, vô cùng rộng lớn, quảng đại, vô lượng, biến mãn khắp thế gian, vị ấy khéo tu tập và khéo an trú. Cũng vậy với tâm bi, hỷ và xả... (như trên). P: Gần giống C: bốn phương trung gian=P: bề ngang; C: không trói buộc, không thù hận, không ghét, không tranh chấp=P: không hận, không sân; C: vô cùng rộng lớn, quảng đại vô lượng=P: vipulena, mahaggatena appamànena (gần giống, chỉ bỏ chữ "vô cùng"); C: vị ấy khéo tu tập=P: không có. 6. Sự đắc quả A-la-hán: P: Bản Pàli còn thêm sự chứng đắc quả A-la-hán với sự hiểu rõ quả A-la-hán, hiểu rõ về idam (quả A-la-hán), hìnam (hạ liệt, các cấu uế), và panìtam (thù thắng, tức các phương tiện để từ bỏ cấu uế). Một tri kiến như vậy đưa đến sự diệt trừ ba lậu hoặc, sự phá hủy sinh, sự lập thành phạm hạnh, sự viên mãn bổn phận và sự hủy bỏ tái sinh. C: Không có. Nhận xét: Đoạn này không có trong bản C chỉ gồm một câu kết thúc đoạn này và mở ra đoạn kế tiếp. Câu ấy như sau: "Đây gọi là rửa sạch nội tâm chứ không phải ngoại thể". Bản P viết : "Đây gọi là một Tỳ-kheo đã tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm". Trong đoạn này, lòng tin Tam bảo mà C không có, có thể là một đoạn chen thêm về sau trong bản P. V. Bà-la-môn Thủy Tịnh xen vào và sự quy y của ông: 1. Bà-la-môn Thủy Tịnh xen vào: C: Lúc bấy giờ Bà-la-môn thưa đức Thế Tôn: "Thưa Cồ Đàm, xin Ngài hãy đi tắm ở sông Đa Thủy." Đức Thế Tôn hỏi: "Đi tắm sông Đa Thủy có được cái gì?". Bà-la-môn trả lời: "Thưa Cồ Đàm, sông Đa Thủy ấy được nhiều người xem là có tính chất làm sạch, tịnh hóa, giải thoát, và đem lại công đức. Nếu người nào tắm trong sông Đa Thủy, sông ấy sẽ tịnh hóa và tẩy sạch tất cả xấu ác." P: Ở đây Bà-la-môn có tên là Sundarikabhàradvàja. Khả năng được gán cho sông Đa Thủy như sau: là một phương tiện để giải thoát, để có công đức, và tẩy trừ tội lỗi. Chỉ đến đây bản P mới đề cập sự hiện diện của Bà-la-môn, trong khi bản C ngay từ đầu bản kinh đã nói đến Bà-la-môn ấy. 2. Phật trả lời: (Xem Chương Bảy, Kệ tụng). (Văn xuôi tiếp tục như sau): "Bạch Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Thiện thệ, con đã hiểu, nay con xin quy y Phật, Pháp và Tăng, mong đức Thế Tôn nhận con làm một cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng." P: Không giống hẳn. Ở đây Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja sau khi nghe Phật giảng, thốt lên lời ca tụng như thường lệ, rồi công bố xin quy y Tam bảo và xin được xuất gia làm Tỳ-kheo và được thọ đại giới. Khi Phật cho ông tất cả điều này, ông nỗ lực tinh cần tu tập và cuối cùng đắc quả A-la-hán. Nhận xét: Ở đây tính vừa phải trong sự chuyển hóa của Bà-la-môn trong bản C rất có ý nghĩa. Có lẽ điều này gần với sự thật, khi nó kể lại hình thức quy y đơn giản dưới thời đức Phật. Chúng ta cũng nhận thấy rằng theo bản C, sự cố này xảy ra khi đức Phật vừa mới đạt giác ngộ; bởi thế sự dè dặt trong bản C là có lý. E. Phần kết Kinh P không có phần kết, chấm dứt với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đắc quả A-la-hán, trong khi bản C thì có phần kết như thường lệ. ---o0o---
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:09:04 GMT -5
NC15 C 115: Mật hoàn dụ kinh
P18: Kinh Mật hoàn
A. Toát yếu kinh c Đức Phật dạy một vị dòng họ Thích Ca rằng, giáo lý Ngài cốt đưa đến sự không tranh chấp trong thế giới chư thiên, nhân loại và cốt nhổ tận gốc ái dục và chấp thủ. Sau đó Phật giải thích vắn tắt cho các Tỳ-kheo ý nghĩa câu trả lời của Ngài cho người dòng họ Thích Ca. Rồi Tôn giả Đại Ca Chiên Diên khai diễn lời dạy của Phật theo lời yêu cầu của các Tỳ-kheo. Những giải thích của Tôn giả Đại Ca Chiên Diên được trình lên Phật, Ngài khen ngợi Tôn giả và chấp nhận lối giải thích của Tôn giả. Rồi Phật trích dẫn ví dụ viên mật cho các Tỳ-kheo.
P: Gần giống, nhưng trong bản P chính Tôn giả A Nan trích dẫn ví dụ viên mật.
B. Nhan đề C: Mật hoàn dụ kinh, bản kinh về ví dụ viên mật.
P: Kinh Mật hoàn, bản kinh nói về viên mật.
C. Nơi thuyết kinh C: Phật đang du hành ở giữa dân chúng Sakyas ở Ca Tỳ La Vệ.
P: Giống nhau; thêm: trong vườn cây Ni câu luật.
D. Nội dung kinh I. Đức Phật gặp người Sakya:
1. Đức Phật gặp người Sakya và câu hỏi của ông:
C: Vào lúc bấy giờ đức Thế Tôn khi đêm đã mãn, buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Ca Tỳ La Vệ để khất thực. Sau khi ăn xong, vào buổi xế trưa, sau khi dẹp y bát, rửa chân tay, Ngài đặt tọa cụ lên vai đi đến rừng Trúc của người Sakyas, đi vào khu rừng lớn, đến nơi cội cổ thụ, trải tọa cụ và ngồi kiết già. Khi ấy một người Sakya gậy cầm tay đang du hành, vào buổi xế trưa đi đến nơi đức Phật, trao đổi những lời chào hỏi với Ngài, chống gậy đứng trước Phật và hỏi Thế Tôn: "Thưa Sa-môn Cù Đàm, những nguyên lý căn bản của ngài là gì? Ngài thuyết giảng lý thuyết gì?"
P: Gần giống, nhưng bỏ bớt: "đêm đã mãn, dẹp y bát, rửa chân tay, đặt tọa cụ lên vai, tu viện rừng trúc của người Sakyas, trải tọa cụ". Thêm: "để trú ban ngày; Beluvalatthikàya mùle divàvihàram (nisìdi). Ở đây người Sakya hỏi Phật : "Giáo lý của Ngài là gì? Ngài thuyết giảng những gì?".
2. Đức Phật trả lời và phản ứng của người Sakya:
C: Đức Thế Tôn trả lời: "Này Sakya, trong tất cả thế giới với chư thiên, ma, phạm thiên, Sa-môn và Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên, tránh đấu chiến, tranh cãi, mà đào luyện, thực hành đời sống phạm hạnh trong sạch, ly dục; tránh nịnh hót, cong quẹo, trừ khử sự hối hận, không còn chấp thủ, không tưởng đến hữu hay phi hữu. Đây là nguyên tắc căn bản của ta, đây là những gì ta thuyết giảng". Khi ấy người Sakya gậy cầm tay, nghe xong lời Phật dạy, không chấp thuận cũng không bác bỏ, ngẩng đầu và bỏ đi.
P: Gần giống. C: tránh chiến đấu, tranh cãi=P: không tranh chấp với một ai trên đời. C: tập viễn ly khỏi dục=P: kàmehi visamyuttam. C: đào luyện thực hành đời sống phạm hạnh trong sạch, ly dục=P: viharantam tam bràhmanam. C: trừ khử hối hận=P: không nghi ngờ, cắt đứt trạo hối. C: không chấp thủ, bám víu, không tưởng về hữu hay phi hữu=P: không tham hữu hay phi hữu. P bỏ: từ bỏ nịnh hót và cong quẹo. Về phản ứng của người Sakya, P bỏ: không chấp thuận, không bác bỏ; thêm: lăn tròn lưỡi, trán nổi lên ba đường nhăn, dựa trên cây gậy.
II. Đức Phật giải thích câu trả lời của Ngài cho người Sakya:
C: Khi ấy đức Thế Tôn, khi người Sakya gậy cầm tay vừa đi khỏi không lâu, vào buổi chiều, sau khi ra khỏi thiền định, Ngài đi đến giảng đường trải tọa cụ ngồi trước mặt các Tỳ-kheo và nói như sau: "Sáng nay ta đắp y,.... (như trên), thay chữ Phật bằng chữ Ta cho đến.... lắc đầu và bỏ đi". Khi ấy một Tỳ-kheo đứng lên khỏi chỗ, trật một vai áo, chắp tay hướng về Phật và thưa: "Bạch đức Thế Tôn, gì là ý nghĩa của câu nói 'Trong tất cả thế giới..... (như trên cho đến) không chấp hữu hay phi hữu?' Đức Thế Tôn nói: "Này các Tỳ-kheo, có người do suy tư, từ bỏ gia đình, học pháp, tư duy và tu hành. Vị ấy không tham ái, không hoan hỷ, không chấp thủ, không ở trong các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Đây gọi là sự chấm dứt đau khổ. (Từ bỏ) những kiết sử tham dục, sân hận, hữu, mạn, vô minh, tà kiến, nghi ngờ, đấu tranh, cãi cọ, ghét và ganh tị, dua nịnh, gian lận và lừa dối, nói láo, hai lưỡi, và vô số ác bất thiện pháp. Đây gọi là sự chấm dứt khổ." Sau khi nói vậy, Phật rời khỏi chỗ, đi vào nhà và ngồi thiền.
P: Giải thích trong P hơi khác: "Nếu vì bất cứ nguyên nhân gì, một số chướng ngại tưởng (panpancasannàsankhà) xâm chiếm một người, nếu nơi vị ấy không có sự thích thú (abhinanditabbam), không đáp ứng, (abhivaditabbam), không bám víu (ajjhositabbam), thì đây là chấm dứt của tham tùy miên, sân, kiến, nghi, mạn tùy miên, chấm dứt hữu tham, vô minh tùy miên (ràga-patigha- ditthi-vicikicchà-màna- bhavaràga- avijjànusayam). Đây cũng là sự chấm dứt cầm gậy, kiếm, chấm dứt tranh chấp, cãi cọ, bất đồng, đấu tranh, hai lưỡi, vọng ngữ, tất cả ác bất thiện pháp này bị hủy diệt không dư tàn".
III. Các Tỳ-kheo yêu cầu và Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích:
1. Các Tỳ-kheo yêu cầu:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo nghĩ như sau: "Chư hiền, đức Thế Tôn đã nói vắn tắt ý nghĩa này mà không phân tích chi tiết, đã đứng dậy khỏi chỗ, đi vào nhà ngồi thiền." (lập lại lời nói của Phật như trên). Họ lại nghĩ: "Chư hiền, ai có thể phân tích chi tiết, ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt, được đấng Thiện thệ nói vắn tắt? Tôn giả Ca Chiên Diên có thể phân tích chi tiết ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt. Chư hiền, hãy cùng nhau đi đến Tôn giả Ca Chiên Diên, yêu cầu ngài giải thích ý nghĩa này, và những gì Tôn giả Ca Chiên Diên đã phân tích, chúng ta sẽ khéo thọ trì." Rồi các Tỳ-kheo đi đến Tôn giả Ca Chiên Diên, trao đổi những lời chào hỏi với Ngài, ngồi qua một bên, nói: "Thưa Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, đức Thế Tôn đã nói vắn tắt ý nghĩa này và không phân tích chi tiết, đã đứng dậy đi vào nhà ngồi thiền (lặp lại câu trên do Phật nói). Chúng con nghĩ, chư hiền ai có thể phân tích ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt.... Tôn giả Ca Chiên Diên có thể phân tích chi tiết ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt. Nay xin Tôn giả Đại Ca Chiên Diên vì lòng đại bi, hãy giải thích chi tiết cho chúng con." Khi ấy Tôn giả Ca Chiên Diên nói: "Này chư hiền, hãy lắng nghe ví dụ của tôi. Người trí sau khi nghe ví dụ sẽ nhận ra ý nghĩa."
P: Gần giống, cũng những dị biệt như đã thấy trong đoạn trước.
2. Ví dụ của Tôn giả Ca Chiên Diên:
C: "Này chư hiền, ví như người muốn đi tìm lõi cây, vì muốn tìm lõi cây, người ấy lấy một cái búa đi vào rừng, trông thấy một cây lớn có gốc, rễ, cành, mắc, cọng, lá, hoa, trái. Người ấy không động đến rễ, cành, mắc, trái mà chỉ động đến lá, cành vụn vặt. Chư hiền, lời nói của quý vị cũng thế. Chư hiền đã bỏ qua đức Thế Tôn mà lại đến tôi để hỏi ý nghĩa này. Tại sao thế? Chư hiền, hãy biết đức Thế Tôn là con mắt, là tri kiến, là ý nghĩa, là Pháp, chúa tể của pháp, tướng quân chánh pháp. Đức Thế Tôn trình bày ý nghĩa của chân lý, hiển thị ý nghĩa của mọi sự. Chư hiền, hãy đi đến nơi đức Thế Tôn để hỏi ý nghĩa này: Bạch đức Thế Tôn đây là gì? Gì là ý nghĩa của câu này? Những gì đức Thế Tôn nói, chư hiền hãy khéo thọ trì."
P: Ví dụ giống nhau nhưng chi tiết khác. Bản P bỏ: lấy một cái rìu, đi vào rừng, cọng, hoa, trái; chỉ nói: "một người cần lõi cây, đi tìm lõi cây, gặp một cây lớn có lõi. Nhưng người ấy bỏ qua rễ, thân, mà nghĩ rằng, lõi cây có thể được tìm nơi cành và lá. Đấy là điều mà chư hiền đã làm. Đức Đạo sư ở trước mắt chư hiền, thế mà chư hiền lại bỏ qua Ngài, nghĩ đến việc hỏi tôi ý nghĩa này". Ở đây bản P nói nhiều hơn để ca tụng đức Phật: "Ngài biết cái gì cần biết, thấy những gì cần thấy, Ngài có mắt, có trí, có pháp, là đấng Phạm, đấng thuyết giảng, người dẫn đường đến ý nghĩa, người cho sự bất tử, chúa tể của Pháp, đức Như Lai". rồi Ngài khuyên chư Tỳ-kheo đã đến lúc nên đi đến chỗ Phật để hỏi ý nghĩa lời dạy của Ngài, và những gì Phật giảng, các Tỳ-kheo nên thọ trì trong tâm.
3. Sự năn nỉ của các Tỳ-kheo:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo nói: "Thưa Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, đức Thế Tôn là con mắt, là trí, là ý nghĩa, là Pháp, là tướng quân chánh pháp; đức Thế Tôn trình bày ý nghĩa của chân lý, khai thị ý nghĩa của mọi sự. Chúng con nên đến đức Thế Tôn để hỏi ý nghĩa này. Những gì đức Thế Tôn đã dạy, chúng con nên thọ trì. Nhưng Tôn giả Đại Ca Chiên Diên đã được đức Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh đa văn ca tụng. Tôn giả Ca Chiên Diên có thể phân tích chi tiết ý nghĩa lời dạy vắn tắt của đức Thế Tôn. Xin Tôn giả Ca Chiên Diên vì lòng từ bi giải thích chi tiết."
P: Gần giống, với những dị biệt như đã thấy trong đoạn trước.
4. Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích:
C: Tôn giả Ca Chiên Diên bảo các Tỳ-kheo: "Này chư hiền, hãy lắng nghe, tôi sẽ nói. Do duyên mắt và sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Khi ba pháp này gặp gỡ, khi ấy có xúc. Do duyên xúc, thọ khởi lên. Cái gì người ta cảm thọ, người ta nhận thức cái ấy. Cái gì người ta nhận thức, người ta suy tư; những gì người ta suy tư, người ta lập nên những ý tưởng; những gì người ta lập thành ý tưởng, người ta phân biệt. Các Tỳ-kheo do những ý tưởng này mà từ bỏ gia đình, học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. Đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại sẽ không còn tham ái, không còn thích thú, không chấp thủ, không trú trước, đây gọi là chấm dứt khổ. Những kiết sử của tham dục, sân, hữu, mạn, vô minh, tà kiến, nghi, đấu tranh, cãi cọ, không thích, ganh tị, nịnh hót, lừa dối, xảo trá, nói láo, hai lưỡi và vô số ác bất thiện pháp khác, đây gọi là sự chấm dứt khổ, (cũng vậy với các căn khác). Này chư hiền, nếu không có mắt, sắc pháp, nhãn thức, thì xúc không thể sanh khởi, xúc không thể hiện hữu; khi xúc không sanh khởi, thì thọ không sanh. Nếu thọ không sanh, (ở đây ý tưởng được bỏ), thì không thể có ý nghĩ khởi lên, về sự xuất gia, học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành (cũng vậy với các căn khác, cùng với đối tượng và thức tương ứng). Này chư hiền, do mắt, do sắc pháp, do nhãn thức mà có thể khởi lên xúc. Do xúc khởi lên, có thể có sự khởi lên của thọ. Do thọ khởi lên, có thể khởi lên những ý nghĩ về xuất gia, học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. (cũng vậy với các căn khác, với đối tượng và thức tương ứng). Chư hiền, đây gọi là những gì đức Thế Tôn nói vắn tắt ý nghĩa, không phân tích chi tiết, rồi Ngài rời khỏi chỗ đi vào nhà ngồi thiền. Các Tỳ-kheo do các ý tưởng, xuất gia học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. Đối với các pháp quá khứ.... đây gọi là sự chấm dứt khổ. Này chư hiền, ý nghĩa này mà đức Thế Tôn đã nói vắn tắt, không phân tích chi tiết, tôi đã dùng những câu này, những văn mạch này để giải thích chi tiết. Bởi thế, này chư hiền, hãy đi đến đức Thế Tôn, thuật lại tất cả với Ngài. Những ý nghĩa gì Ngài giải thích, chư hiền hãy thọ trì".
P: Gần giống. C: tư tưởng khởi lên=P: vitakketi; C: ý nghĩ sinh khởi=P: papanceti; C: từ những ý nghĩ, phân biệt khởi lên=P: yam papanceti tato nidànam purisam papanca-sannàsankhà samudàcaranti atìtànàgata-paccuppannesu cakkhuvinneyyesu rùpesu (Những gì ám ảnh người ta là nguyên nhân gây nên một số tưởng và ám ảnh tóm lấy thái độ người ấy đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại do ý nhận thức. Cũng vậy với các căn khác). Những dị biệt khác cũng như đã thấy trong đoạn trước. Cuối cùng, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên hỏi các Tỳ-kheo có muốn đi đến đức Thế Tôn để hỏi ý nghĩa, và ngài khuyên họ hãy thọ trì những gì đức Thế Tôn dạy.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:11:31 GMT -5
IV. Các Tỳ-kheo thuật lại với đức Phật và Phật khen:
1. Các Tỳ-kheo thuật lại:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Ca Chiên Diên nói, đã ghi nhận, thọ trì và đọc tụng, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, nhiễu quanh Tôn giả Ca Chiên Diên ba vòng rồi đi. Họ đến nơi đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên và nói: "Ý nghĩa này được đức Thế Tôn nói vắn tắt, không giải thích chi tiết, rồi đứng dậy đi vào nhà ngồi thiền, Tôn giả Ca Chiên Diên đã giải thích chi tiết bằng những câu này, lời này".
P: Gần giống, với những dị biệt như đã thấy trong đoạn trước. Ở đây bản P chỉ nói rằng các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ca Chiên Diên, rồi thuật lại với đức Phật lời giải thích của Tôn giả.
2. Đức Phật khen:
C: Đức Thế Tôn sau khi nghe những lời thuật, đã thốt lời ca tụng như sau: "Lành thay, rất lành thay, đệ tử ta có mắt, có trí, có pháp, nắm được ý nghĩa. Tại sao? Vì những gì đức Đạo sư giải thích vắn tắt cho các đệ tử, ý nghĩa của những gì không được phân tích chi tiết, đệ tử ta đã dùng câu như vậy, văn như vậy để giải thích chi tiết. Đại Ca Chiên Diên đã nói với các ông như thế nào, hãy thọ trì như thế ấy. Tại sao? Nếu ta xét ý nghĩa của lời nói, thì đúng là như vậy".
P: Gần giống. Phật khen Đại Ca Chiên Diên là bậc đại tuệ. Và Ngài nói rằng nếu các Tỳ-kheo hỏi Ngài câu hỏi ấy, Ngài cũng sẽ trả lời y như cách Đại Ca Chiên Diên đã trả lời.
V. Ví dụ viên mật:
C: "Này các Tỳ-kheo, như một người đi qua một nơi vắng vẻ, giữa các cây cối, bỗng được một viên mật; mỗi miếng nó ăn vào, nó được hương vị của mật. Cũng vậy, các thiện nam tử đã đi đến Pháp, Luật này của ta, bất cứ gì người ấy tư duy, người ấy sẽ có được hương vị của điều ấy. Suy tư về con mắt, người ấy được hương vị. Suy tư về tai, mũi, lưỡi, thân, ý, người ấy được hương vị".
P: Trong bản Pàli, chính Tôn giả Ànanda dẫn ví dụ để chỉ lời dạy của đức Phật. Ví dụ này hơi khác : "Một người bị đói lả, kiệt sức, được một viên mật, và cứ ăn một miếng người ấy lại được vị ngon ngọt:" Bản P thay người thiện gia nam tử bằng một Tỳ-kheo thông minh.
C: hướng đến pháp luật này của ta = P: hướng đến pháp, tức là những gì mà đức Phật vừa giảng. Bản P bỏ : suy tư về con mắt, người ấy được vị, suy tư về tai, mũi, lưỡi, thân, ý, người ấy được vị.
VI. Tên kinh:
C: Vào lúc bấy giờ Tôn giả A Nan đang cầm quạt lông đứng hầu sau Phật. Tôn giả chắp hai tay hướng về Phật mà bạch : "Bạch Thế Tôn, pháp này tên gọi là gì , chúng con phụng hành như thế nào?" Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo : "Này A Nan, pháp này được gọi là ví dụ viên mật, như vậy các ngươi nên phụng hành".
P: Ở đây Tôn giả A Nan cũng hỏi câu trên, và Phật cho tên là pháp môn mật hoàn.
VII. Đức Phật khen ngợi:
(Trong khi bản P chấm dứt ở đây, bản C thêm lời khen ngợi của Phật như sau):
C: Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo : "Sau khi thọ pháp ví dụ viên mật này, các ngươi nên tụng đọc. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, kinh ví dụ viên mật này có pháp, có nghĩa, là nền tảng của đời sống phạm hạnh, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Nếu có những thiện gia nam tử nào cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình để học pháp, họ nên khéo thọ trì và an trú ví dụ viên mật này".
E.Phần Kết Trong khi bản P chỉ nói Tôn giả A Nan hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn, bản C thêm các Tỳ-kheo.
NC17 C101 : Tăng thượng tâm kinh
P20 : Kinh An trú tầm
A. Toát yếu kinh C Phật dạy các Tỳ-kheo rằng muốn đạt đến tăng thượng tâm, Tỳ-kheo nên thường xuyên luyện tâm theo năm phương pháp : 1) xoay tâm về hướng một đặc tính khác, 2) tư duy về những nguy hiểm của tư tưởng bất thiện, 3) tránh nghĩ đến các tư tưởng bất thiện, 4) tác động trên những tư tưởng ấy để dần dần giảm thiểu chúng, 5) tập luyện lấy tâm hàng phục tâm.
P: Gần giống. Phương pháp thứ tư hơi khác.
B. Nhan đề kinh C: Tăng thượng tâm kinh, kinh nói về những tư tưởng cao thượng.
P: Kinh an trú tầm, bản kinh nói về nguồn gốc của tư tưởng.
C. Nơi thuyết kinh Giống nhau trong cả hai bản : Xá Vệ quốc, Kỳ tho,ï Cấp-cô-độc viên.
D. Nội dung kinh I. Làm thế nào để đạt đến tăng thượng tâm:
C: Vào lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: "Nếu một Tỳ-kheo muốn đạt tăng thượng tâm, vị ấy nên thường xuyên tư duy về năm đặc tính. Nhờ tư duy năm đặc tính, các tư tưởng bất thiện đã sinh chấm dứt; các tư tưởng bất thiện nhờ đã chấm dứt, tâm vị ấy trở nên tập trung, nội tĩnh, nhất tâm, đắc định".
P: Gần giống.
C: tư tưởng cao quý = P: tăng thượng tâm.
C: đặc tính = P: nimittam (tướng). Nó bỏ : "nhờ thường xuyên tư duy...đắc định".
II. Đặc tính thứ nhất:
a) Xoay tâm từ đặc tính này đến một đặc tính khác:
C: "Những gì là năm? Vị Tỳ-kheo tư duy về một đặc tính thiện; nếu các tư tưởng bất thiện khởi lên do đặc tính này, vị ấy nên suy tư về một đặc tính thiện khác, để những tư tưởng ác bất thiện kia không còn khởi lên. Do tư duy về một đặc tính thiện khác với đặc tính trước, các tư tưởng bất thiện đã khởi lên được chấm dứt. Nhờ các bất thiện tư duy đã chấm dứt, tâm được định...(như trên)."
P: Trong bản P đặc tính được gọi là tướng, không có "thiện" như ở bản C. Các tư tưởng ác khởi lên được kể là ác bất thiện tâm liên hệ đến tham, sân và si. Nội tâm, khi các bất thiện pháp đã được phá hủy, được mô tả là nội tĩnh nhất tâm.
b) Ẩn dụ để làm sáng tỏ đặc tính thứ nhất này:
C: "Giống như một người thợ mộc, hay đệ tử người thợ mộc, dùng giây mực kẽ một đường trên gỗ, rồi dùng cưa bén để cưa khúc gỗ cho thẳng."
P: Không giống hẳn. Bản P cũng nói đến người thợ mộc hay đệ tử người thợ mộc nhưng thêm từ "thiện xảo". Ở đây nói người thợ mộc hay người thợ mộc dùng một cái nêm nhỏ để đánh bật một cái nêm lớn.
Nhận xét: Thí dụ trong P chính xác hơn, còn bản C lập lại ví dụ trong NC8, đoạn nói về quán thân.
III. Đặc tính thứ 2:
a) Quán sát tư tưởng bất thiện là xấu xa:
C: "Lại nữa vị Tỳ-kheo tư duy một đặc tính thiện; nếu tư duy bất thiện khởi lên, vị ấy nên quán sát tư duy này là xấu ác, những tư duy này bị người trí khinh bỉ; một người có những tư duy này tràn đầy thì không thể đạt giác ngộ, không thể đạt Niết-bàn, vì chúng làm khởi lên các tư duy ác, bất thiện. Sau khi quán sát những tư tưởng này là xấu xa, những tư duy bất thiện đã khởi lên sẽ chấm dứt. Những tư duy bất thiện sau khi chấm dứt......... (như trên)."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói rõ rằng nếu vị ấy đã xoay tâm mình về những tư tưởng thiện, nhưng các tư duy bất thiện vẫn khởi lên, thì vị Tỳ-kheo cần phải quán sát những nguy hiểm của những tư duy này, xem chúng là bất thiện, đáng khiển trách và có hậu quả đau khổ.
b) Ví dụ:
C: "Như một người trẻ tuổi, có tư cách, khả ái, đã tắm rửa xong, mặc áo quần sạch sẽ thuần tịnh, thân thể được thoa nước thơm, râu tóc khéo chải chuốt, hết sức trong sạch. Ví như người ấy lấy một xác rắn, xác chó, xác người, đã bị ăn một phần, có màu xanh bầm, sưng vù lên, làm mủ, nứt nẻ, có nước ghê tởm đang chảy ra, và quàng nó vào cổ, thì người ấy sẽ ghê tởm, nôn mửa, không sung sướng, không hoan hỷ."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói đến một người đàn bà hay một người đàn ông, hay một thanh niên thích trang sức, và bỏ các chi tiết khác. Nó chỉ nói thây của một con rắn, một con chó, hay một thây người đeo nơi cổ, bỏ các chi tiết khác.
C: người ấy sẽ ghê tởm, chống lại, không hoan hỷ, và không sung sướng=P: người ấy sẽ phản đối, thất vọng và ghê tởm.
IV. Đặc tính thứ ba:
a) Không xét đến những tư tưởng này:
C: "Lại nữa, khi Tỳ-kheo tư duy đặc tính thiện, nhưng các tư tưởng bất thiện khởi lên; nếu vị ấy tư duy về những nguy hiểm (của chúng), mà những tư tưởng bất thiện vẫn khởi lên, thì vị Tỳ-kheo không nên tư duy về các ý niệm có thể làm sinh khởi các tư tưởng bất thiện. Nhờ không tư duy những ý nghĩ này, tư tưởng bất thiện đã sinh sẽ chấm dứt. Khi những tư tưởng bất thiện đã chấm dứt... (như trên).... được định tĩnh."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói không tác ý các tư tưởng ấy : vitakkànam asati-aamanasikàro.
b. Ẩn dụ:
C: Như một người có mắt không muốn nhìn các sắc pháp dưới ánh sáng ban ngày, vị ấy sẽ nhắm mắt lại hoặc quay đi chỗ khác. 'Các ông nghĩ thế nào? Mặc dù các sắc pháp vẫn ở đó giữa ánh sáng ban ngày, người kia có thâu nhận hình ảnh chúng được không?' Các Tỳ-kheo trả lời: 'Không, không thể.' "
P: Gần giống. C: quay đi = P: nhìn vào một hướng khác. C: trong ánh sáng ban ngày = P: trong tầm mắt thấy. Nó bỏ phần cuối với câu hỏi: "Ông nghĩ thế nào.... không thể."
V. Đặc tính thứ tư:
a. Tư duy về diễn tiến của tư tưởng và dần dần giảm bớt những tư tưởng ấy:
C: "Lại nữa, khi Tỳ-kheo tư duy về thiện pháp, mà các tư tưởng bất thiện cứ khởi lên, khi vị ấy tư duy đến sự nguy hiểm của chúng, tư tưởng bất thiện vẫn khởi; dù vị ấy không tư duy đến chúng, tư tưởng bất thiện vẫn còn khởi lên, thì vị Tỳ-kheo nên trầm tư về nó và tác động lên nó để dần dần giảm thiểu những tư duy, để những tư tưởng bất thiện đã sanh sẽ chấm dứt. Sau khi tư tưởng bất thiện chấm dứt.... (như trên)... định tĩnh."
P: Hơi khác. Bản P chỉ nói rằng, mặc dù vị Tỳ-kheo không suy nghĩ, không giữ trong tâm những tư tưởng ấy, mà các ác bất thiện pháp trong tâm vẫn khởi lên thì khi ấy vị ấy nên tư duy về tiến trình và nguồn gốc của những tầm tư duy này.
b) Ẩn dụ:
C: "Như một người đang đi nhanh trên đường, bỗng nghĩ: 'Tại sao ta phải đi nhanh thế, nay ta nên đi chậm lại.' Thế là vị ấy đi chậm. Rồi vị ấy lại nghĩ: 'Tại sao ta phải đi chậm, tốt hơn nên dừng lại.' Rồi vị ấy dừng. Vị ấy lại nghĩ: 'Tại sao ta đứng, tốt hơn nên ngồi xuống'. Khi ấy vị ấy ngồi xuống. Rồi vị ấy nghĩ: 'Tại sao ta ngồi, tốt hơn ta nên nằm.' Rồi vị ấy nằm. Như vậy người kia tuần tự chấm dứt những thân hành thô."
P: Gần giống. Chỉ có câu cuối cùng hơi khác như sau: "Như vậy người ấy từ bỏ tư thái thô tháo và duy trì tư thế thoải mái, an tịnh."
VI. Đặc tính thứ năm:
a) Kiểm soát tâm:
C: "Lại nữa, khi vị Tỳ-kheo tư duy thiện pháp, nhưng các tư tưởng bất thiện vẫn khởi lên; khi vị ấy.... trầm tư, tác động trên chúng, và dần dần giảm thiểu các tư tưởng mà các bất thiện tư duy vẫn khởi lên. Khi ấy vị Tỳ-kheo nên nghĩ như sau: 'Vì những ý nghĩ này mà các tư tưởng bất thiện sinh khởi.' Khi ấy vị Tỳ-kheo nên nghiến răng, dán chặt lưỡi trên nóc họng, dùng tâm chế ngự tâm, vị ấy ngăn chận, tóm lấy, hàng phục tâm để cho các tư tưởng ác bất thiện không khởi lên."
P: Gần giống. Bản P dùng các từ ngữ sau đây: kiểm soát, hàng phục, thắng lướt.
b) Ví dụ:
C: "Giống như hai người đô vật tóm lấy một người yếu, chế ngự, hàng phục người này."
P: Gần giống. Nó nói đến một người mạnh tóm lấy đầu và vai của một người yếu rồi ngăn chận, hàng phục, và thắng lướt người này.
VII. Tóm tắt:
C: "Nếu một Tỳ-kheo muốn đạt đến tăng thượng tâm, vị ấy nên thường xuyên tư duy năm đặc tính này. Nếu vị ấy tư duy năm đặc tính này, thì các ác bất thiện tư duy sẽ chấm dứt. Nhờ các tư duy bất thiện không còn sinh khởi, tâm vị ấy được cố định, nội tâm tịch tĩnh, chuyên nhất, tập trung. Khi vị Tỳ-kheo tư duy về các thiện pháp, các tư tưởng xấu không sinh khởi; khi vị ấy tư duy về nguy hiểm của tư tưởng, các ý nghĩa bất thiện cũng không sinh khởi. Khi vị ấy trầm tư, tác động lên chúng và từ từ giảm thiểu những ý tưởng này, tư tưởng ác cũng không sinh khởi; khi vị ấy dùng tâm chế ngự tâm, hàng phục nó, thì tư tưởng ác cũng không sinh khởi. Khi ấy vị ấy được sự làm chủ chính mình. Khi vị ấy muốn suy nghĩ, thì vị ấy suy nghĩ, nếu không muốn suy nghĩ thì không suy nghĩ. Nếu một Tỳ-kheo có thể suy nghĩ khi muốn, và không suy nghĩ khi không muốn, thì vị Tỳ-kheo ấy được gọi là một người kiểm soát được tư tưởng, một người làm chủ được sự diễn tiến tư tưởng."
P: Phần tóm tắt trong P gần giống C, nhưng phần cuối hơi khác.
C: được gọi là một người kiểm soát tư tưởng, làm chủ tư tưởng = P: người ấy là bậc thầy về phương pháp và đường lối tư duy. Nó thêm: vị ấy đã phá hủy tham ái, tẩy trừ kiết sử, hoàn toàn hàng phục kiêu mạn và chấm dứt khổ đau.
Phần kết
Cả hai bản có phần kết thông thường.
NC22 C204: La ma kinh
P26: Kinh Thánh cầu
A. Toát yếu kinh C Phật khuyên các Tỳ-kheo khi gặp nhau chỉ nên bàn luận về pháp hoặc giữ im lặng. Rồi Ngài giải thích sự tầm cầu cao thượng, sự tầm cầu phi thánh, và thuật lại cuộc đời của Ngài về sự tầm cầu cao thượng, từ khi Ngài đến gần hai bậc hiền nhân để học đạo cho đến khi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại Ba La Nại cho năm vị Sa-môn. Kế tiếp Ngài giảng về năm đối tượng của dục và mô tả hai thái độ của hai hạng người đối với dục.
P: Gần giống, chỉ có vài dị biệt trong phần thuật lại lời Phật.
B. Nhan đề C: La ma kinh, bản kinh giảng cho La Ma, tên của Bà-la-môn. Phật đã giảng bài kinh này tại nhà ông.
P: Kinh Thánh cầu, bản kinh nói về sự tầm cầu cao thượng, nói đến những giải thích của Phật về sự tầm cầu thánh thiện. Bản P còn có nhan đề Pàsaràsisutta.
C. Chỗ thuyết kinh C: Đức Phật du hành ở nước Xá Vệ và trú trong lâu đài Lộc Mẫu. Vào buổi chiều Ngài cùng Tôn giả A Nan đi đến sông Aciravati để tắm. Từ đây họ đi đến nhà của Lộc Mẫu, nơi đức Phật thuyết kinh.
P: Đức Phật ở Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên, trong tu viện. Ngài đi đến lâu đài Lộc Mẫu để trú ban ngày. Từ đấy Ngài đi đến Pubbakotthaka để rửa chân tay, rồi do yêu cầu của Tôn giả A Nan, Ngài đi đến ngôi nhà của Rammaka, gặp các Tỳ-kheo và thuyết pháp.
D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
1. Phật đi tắm:
C: "Một thời đức Phật du hành tại Xá Vệ và ở lại trong công viên phía đông, lâu đài của Lộc Mẫu. Đức Thế Tôn vào buổi chiều ra khỏi thiền định, từ trên lầu đi xuống bảo Tôn giả A Nan : 'Nay ta sẽ cùng ngươi đi tắm sông Aciravati.' Tôn giả A Nan đáp: 'Thưa vâng, bạch Thế Tôn'. Tôn giả A Nan cầm theo chìa khóa đi đến nhiều nhà, gặp các Tỳ-kheo và bảo: 'Chư hiền, hãy đi đến nhà Bà-la-môn La Ma'. Sau khi nghe vậy, các Tỳ-kheo đi đến nhà của Bà-la-môn La Ma. Đức Thế Tôn cùng đi với Tôn giả A Nan đến sông, cởi thượng y để trên bờ và xuống sông tắm. Sau khi tắm xong, Ngài trở lên lau khô thân thể và mặc y phục."
P: Không giống hẳn. Bản P khởi sự với Phật ở tu viện Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên tại Xá Vệ. Rồi Ngài vào thành Xá Vệ khất thực. Nhiều Tỳ-kheo đi đến Tôn giả A Nan thưa rằng họ muốn nghe đức Thế Tôn trực tiếp thuyết pháp cho họ vì đã lâu họ không được nghe. Tôn giả A Nan liền bảo họ đi đến nhà Bà-la-môn Rammaka. Khi đức Phật đi khất thực trở về và ăn xong, Ngài cùng Tôn giả A Nan đi đến giảng đường Lộc Mẫu để nghỉ ban ngày. Vào buổi chiều đức Phật ra khỏi độc cư thiền tịnh và cùng Tôn giả A Nan đi đến sông Pubba-kottaka để rửa chân tay. Sau khi tắm rửa, Phật ra khỏi nước, mặc một tấm y trong đứng trên bờ hong chân tay cho khô.
2. Tôn giả A Nan yêu cầu Phật đi đến nhà Bà-la-môn Rammaka:
C: "Lúc bấy giờ Tôn giả A Nan đứng sau lưng đức Thế Tôn và quạt cho Ngài. Rồi Tôn giả A Nan chắp tay hướng về Phật mà bạch: "Bạch đức Thế Tôn, ngôi nhà của Bà-la-môn La Ma hết sức ngăn nắp, khả ái và dễ chịu. Xin đức Thế Tôn vì lòng bi mẫn, đi đến nhà của Bà-la-môn La Ma." Đức Thế Tôn im lặng nhận lời Tôn giả A Nan. Rồi đức Thế Tôn cùng với Tôn giả A Nan đi đến nhà Bà-la-môn La Ma."
P: Gần giống. Bản P bỏ Tôn giả A Nan đứng sau lưng đức Phật và quạt cho Ngài. Tôn giả A Nan ca tụng ngôi nhà của Rammaka là "không xa, dễ chịu, khả ái".
C: nhà = P: assamo, tịnh thất.
3. Phật gặp các Tỳ-kheo:
C: "Lúc bấy giờ tại nhà Bà-la-môn La Ma, một số đông Tỳ-kheo tụ tập bàn luận về pháp. Đức Thế Tôn đứng bên ngoài chờ cho các Tỳ-kheo chấm dứt cuộc thảo luận pháp. Số đông Tỳ-kheo này kết thúc cuộc thảo luận pháp và giữ im lặng. Đức Thế Tôn biết điều ấy, liền ho và gõ cửa. Khi các Tỳ-kheo nghe liền ra mở cửa. Đức Thế Tôn đi vào nhà Bà-la-môn La Ma, trải tọa cụ trước mặt các Tỳ-kheo, ngồi xuống và hỏi: 'Này các Tỳ-kheo, các ông đang thảo luận về chuyện gì? Vì mục đích gì các ông tụ tập tại đây?'. Khi ấy các Tỳ-kheo đáp: 'Bạch đức Thế Tôn, nãy giờ chúng con thảo luận về pháp, vì pháp sự mà chúng con tụ tập tại đây.' Đức Thế Tôn ca ngợi, nói rằng : 'Tốt lắm, tốt lắm, Tỳ-kheo khi tụ hội chỉ nên đàm luận về pháp hoặc giữ im lặng.'"
P: Gần giống. C: trước mặt các Tỳ-kheo, đức Phật trải tọa cụ và ngồi xuống = P: Ngài ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. C: vì mục đích gì các ông tụ tập và ngồi ở đây = P: các ông đã thảo luận về cái gì mà bị gián đoạn. C: vì pháp sự mà chúng con tụ tập nơi đây = P: cuộc thảo luận về pháp của chúng con liên hệ đến đức Thế Tôn đã bị gián đoạn khi đức Thế Tôn đến. C: giữ im lặng = P: giữ im lặng của bậc thánh.
II. Hai loại tầm cầu:
1) Sự tầm cầu phi thánh:
C: "Có hai sự tầm cầu: thánh cầu và phi thánh. Gì là phi thánh cầu? Có những người thực sự phải bị bệnh lại đi tìm cái phải bị bệnh, thực sự phải bị già, chết, sầu, khổ, ưu, thực sự phải bị lỗi lầm, lại đi tìm những thứ cũng dễ bị lỗi lầm. Gì là thực sự dễ bị bệnh, lại đi tìm cái cũng dễ bị bệnh? Gì là dễ bị bệnh? Con cái, anh em, là dễ bị bệnh; voi, ngựa, bò cái, dê, nữ tỳ, của cải, tài sản, đồ trang sức và đá quý, mùa màng, là dễ bị bệnh, dễ nguy hiểm. Hữu tình yêu mến, say mê và bám víu những thứ này, trở nên kiêu hãnh và căng phồng vì chúng, mà không thấy nguy hiểm trong đó, không biết cách giải thoát khỏi chúng mà lại bám lấy, sử dụng chúng. Gì là những chuyện dễ bị già, chết, sầu, khổ, ưu, não, dễ bị lỗi lầm? (như trên) cho đến sử dụng chúng? Những người kia nếu muốn tìm cái bất tử, sự an ổn tối thượng, Niết-bàn, đi tìm cái không già, không chết, không sầu, không ưu, không khổ não, không lỗi lầm, vô thượng an ổn, Niết-bàn. Họ sẽ không thể đạt đến cái không lỗi, cái vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đây gọi là sự tầm cầu phi thánh."
P: Gần giống. Những dị biệt được ghi như sau : C: phải bị bệnh, già, chết, sầu, khổ, ưu, não, lỗi lầm = P: phải bị sinh, già, bệnh, chết, sầu, lầm lỗi. C: Cái gì là phải bị bệnh? Con cái, anh em, voi, ngựa, bò cái, dê, nữ tỳ, của cải tài sản, châu báu và đá quý, mùa màng = P: con và vợ, tớ gái, tớ trai, dê và cừu, gà trống và heo, voi, bò cái, ngựa đực, ngựa cái. C: hữu tình say mê nghiện ngập và bám víu lấy chúng, trở nên kiêu hãnh và căng phồng về những thứ ấy nên không thấy được nguy hiểm của chúng, không biết cách thoát ly trong lúc sử dụng chúng = P: những chấp thủ này là dễ bị sanh, nhưng người ấy bị trói buộc, say mê, ràng buộc với chúng, thì chính y phải bị sanh lại đi tìm cái phải bị sanh. Bản P bỏ : "những người này, nếu họ muốn đi tìm cái không bệnh.... Niết-bàn."
2) Thánh cầu:
C: "Gì là thánh cầu? Có người nghĩ như sau : 'Ta đã bị bệnh, tại sao ta lại điên rồ đi tìm cái cũng bị bệnh? Ta phải bị già ... bị lỗi lầm, tại sao ta lại điên rồ đi tìm cái phải bị già.... bị lỗi lầm? Nay ta hãy đi tìm cái không bệnh, vô thượng an ổn, Niết-bàn, đi tìm cái không già ... vô thượng an ổn, Niết-bàn, thì có thể đạt đến cái không già ....vô thượng an ổn, Niết-bàn' ".
P: Gần giống, với những dị biệt như đã ghi trong các đoạn trước. Bản P ở đây rất đơn giản : một người phải bị sanh, biết những nguy hiểm của cái gì phải bị sanh, bèn đi tìm cái vô sanh, vô thượng giải thoát khỏi trói buộc, tức Niết-bàn (phần còn lại cũng như trên).
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:12:27 GMT -5
III. Túc mạng trí:
(Xem chương năm ở trước, nói về đức Phật từ khi xuất gia).
IV. Năm dục:
1) Năm đối tượng của dục:
C: "Khi ấy đức Thế Tôn bảo : 'Này năm Tỳ-kheo, có năm đối tượng của dục dễ chịu, khả ái, được tâm ghi nhớ, liên hệ mật thiết với tham dục. Những gì là năm? Sắc pháp do mắt nhận thức, tiếng do tai, mùi do mũi, vị do lưỡi, cảm giác do thân nhận thức.' "
P: Gần giống. "Này các Tỳ-kheo, có năm dục công đức : sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái hấp dẫn, lôi cuốn, liên hệ đến dục, dẫn dụ người ta... (như trên với thanh, hương, vị, xúc, pháp)."
2) Thái độ của phàm phu:
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, kẻ phàm phu ngu si không học, không lui tới các bạn lành, không biết pháp các bậc thánh, không được huấn luyện trong thánh pháp, đâm ra say mê, yêu mến, ràng buộc, hãnh diện, hưởng thụ chúng mà không thấy nguy hiểm của chúng, không thấy cách xuất ly khỏi chúng trong khi sử dụng chúng. Các ông nên biết những người ấy đi theo ác ma, và chính họ cũng trở thành ác ma, rơi vào tay của ác ma, bị tóm trong lưới của ác ma, bị bắt vào lưới ác ma, không thể thoát khỏi bẫy của ác ma."
P: Không giống hẳn. "Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn Bà-la-môn nào say mê năm dục, không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận ra cách thoát ly khỏi chúng, bị say mê nghiện ngập vì chúng, nên hiểu rằng những người ấy đã rơi vào bất hạnh, rơi vào tàn mạt, chúng bị Ác ma muốn làm gì thì làm với chúng.
3) Ẩn dụ :
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, như một con sơn dương bị tóm vào bẫy, các ông phải biết con nai ấy đi theo người thợ săn, sẽ bị người thợ săn xử lý, sẽ rơi vào tay thợ săn, bị tóm trong bẫy thợ săn, và khi thợ săn đến, nó không thể thoát được. Này các Tỳ-kheo, cũng vậy với kẻ phàm phu ngu si.... (như trên)....thoát khỏi bẫy ác ma."
P: Gần giống : "Như một con nai rừng bị mắc bẫy, nên hiểu rằng nó đã rơi vào bất hạnh và tàn mạt, nó bị người thợ săn muốn làm gì cũng được; khi người thợ săn đến, nó không thể thoát, muốn đi đâu thì đi."
4) Thái độ của bậc thánh đệ tử đa văn và ví dụ:
C: Đoạn này ngược lại với đoạn trước về kẻ vô văn phàm phu.
P: Cũng vậy, đoạn này ngược lại với đoạn trên về các Sa-môn Bà-la-môn say mê năm dục.
5) Sự giải thoát của đức Như lai:
P: "Hỡi năm Tỳ-kheo, khi đức Như lai xuất hiện trên đời, là bậc A-la-hán chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài từ bỏ năm triền cái, xa lìa năm dục và các bất thiện pháp, chứng và trú cho đến thiền thứ tư, với tâm định tĩnh thuần tịnh, không cấu uế, nhu nhuyến, dễ sử dụng, Ngài khéo an trú và đạt đến tâm bất động, tâm Ngài được tu tập, lậu hoặc tan biến, trí sanh, sự chứng ngộ được viên mãn. Ngài như thật biết khổ, nguồn gốc khổ, sự đoạn diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ. Ngài như thật biết lậu hoặc, tập khởi của lậu hoặc, sự chấm dứt lậu hoặc, và con đường đưa đến chấm dứt lậu hoặc. Như vậy là trí của Ngài, cái thấy của Ngài, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Khi đã giải thoát, Ngài biết đã giải thoát, sanh đã tận... Tri kiến của Ngài chân chánh như vậy. Khi ấy Ngài đi trong giải thoát, đứng, ngồi, nằm trong giải thoát; tại sao? Vì Ngài thấy rằng vô số ác bất thiện pháp đã bị hủy diệt, nên Ngài đi, đứng, ngồi, nằm một cách giải thoát."
P: Không có.
6) Sự giải thoát của một Tỳ-kheo :
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, như tại một nơi không rộn ràng, không có người, một con nai tự do lui tới, đi, đứng, ngồi, nằm thoải mái. Tại sao? Con nai hoang đã không đi vào lãnh vực của thợ săn, chính vì vậy nó được tự do đi, đứng, ngồi, nằm. Cũng vậy, này năm Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo đã phá hủy các lậu hoặc thì đạt đến trạng thái vô lậu. Tâm vị ấy được giải thoát, tri kiến vị ấy giải thoát, vị ấy đạt được tri kiến, thâm nhập, chứng ngộ và an trú trong đó. Sanh đã tận.... Tri kiến của vị ấy chân thật. Vị Tỳ-kheo vào lúc ấy giải thoát lúc đi, giải thoát lúc đứng, ngồi, nằm. Tại sao? Vị ấy đã thấy rõ vô số ác bất thiện pháp đã bị phá hủy, cho nên vị ấy giải thoát khi đi, đứng, nằm, ngồi. Này năm Tỳ-kheo, đây gọi là giải thoát không dư tàn. Đây gọi là vô thượng an ổn, sự vô bệnh, Niết-bàn."
P: Không giống. Mặc dù ví dụ ở hai bản giống nhau, bản P giải thích sự giải thoát của vị Tỳ-kheo khi đi, đứng, nằm, ngồi là vì vị ấy có thể thực hành và đạt đến bốn thiền, bốn vô sắc, vượt qua các tưởng cho đến diệt thọ tưởng, cho đến sự tận trừ lậu hoặc. Khi làm như vậy, vị Tỳ-kheo được gọi là đã làm cho ác ma mù mắt, vượt ngoài tầm thấy của ác ma, đã vượt qua sự trói buộc của thế gian.
E. Phần kết C: Đức Phật đã nói như vậy. Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành lời dạy của Thế Tôn.
P: Idam avoca Bhagavà. Attamanà te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandun ti.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:19:20 GMT -5
NC26 C184: Ngưu giác Sa la lâm kinh
P32: Đại kinh rừng Sừng bò
A. Toát yếu kinh C Bảy vị Tôn giả là Xá-lợi-tử, Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà, Ly Bà Đa và A Nan đang ở với đức Phật trong rừng Ngưu giác Sa la. Một ngày kia, các vị ấy đi đến Tôn giả Xá-lợi-tử để luận đàm về pháp và Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi họ, hạng Tỳ-kheo nào sẽ làm đẹp khu rừng Ngưu giác Sa la. Những vị trưởng giả này nói lên quan điểm của họ và vấn đề được mang đến trước Phật. Ngài tán đồng câu trả lời của họ và đưa ra câu trả lời của riêng Ngài cho vấn đề này.
P: Gần giống. Nhưng chỉ có sáu vị trưởng lão. Bản P bỏ Đại Ca Chiên Diên và đưa ra một câu trả lời khác trong phần trả lời của Đại Mục-liền-liên.
B. Nhan đề C: Ngưu giác Sa la lâm kinh, bản kinh nói về một ngôi rừng sa la được gọi là Sừng bò, tức là khu rừng trong đó năm vị trưởng lão đang cư trú.
P: Đại kinh rừng Sừng bò, bản kinh dài về rừng Sừng bò, cũng là ngôi rừng nói trên.
C. Nơi thuyết kinh C: Ở Bhagga, trong rừng sa la gọi là Sừng bò.
P: Gosinga Sàlavana.
D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến việc thuyết kinh này:
C: "Một thời đức Phật du hành trong xứ Bhagga, ở lại trong rừng sa la tên Sừng bò cùng với một số đại đệ tử rất nổi tiếng và thâm niên như các Trưởng lão Xá-lợi-tử, Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà, Ly Bà Đa và Tôn giả A Nan. Các đại đệ tử nổi tiếng và thâm niên này cũng đang du hành ở Bhagga và ở trong rừng sa la tên Sừng bò, cư trú gần chòi lá của Phật. Bấy giờ Trưởng lão Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà khi đêm đã tàn, vào buổi sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-tử. Tôn giả A Nan từ xa trông thấy các vị trưởng lão đi đến liền bảo: 'Hiền giả Ly Bà Đa, hiền giả nên biết, các Trưởng lão Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên và A Na Luật Đà khi đêm đã mãn, vào buổi sáng sớm đã đi đến nơi Tôn giả Xá-lợi-tử. Này hiền giả Ly Bà Đa, nay ta hãy cùng với các Tôn giả ấy đi đến Tôn giả Xá-lợi-tử, để nghe một ít pháp thoại từ nơi Ngài.' Rồi Tôn giả Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà và A Nan khi đêm đã tàn, vào sáng sớm đi đến Tôn giả Xá-lợi-tử."
P: Gần giống. Bản P bỏ: "tại xứ Bhagga, các đại đệ tử, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên." Và bỏ: "các đại đệ tử ấy... cư trú gần chòi lá của đức Phật".
C: Khi đêm đã tàn vào sáng sớm = P: vào buổi chiều hôm. Bản P thêm rằng, chính Tôn giả Đại Mục-liền-liên từ thiền định dậy và gọi Đại Ca Diếp cùng đi đến Tôn giả Xá Lợi Phất; và ba Tôn giả Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp và A Na Luật Đà cùng đi đến nơi Tôn giả Xá Lợi Phất. Bản P thêm rằng, Tôn giả A Nan đà gọi ba trưởng lão ấy là Sappurisa, không có trong bản C.
II. Câu hỏi của Trưởng lão Xá-lợi-tử:
C: "Trưởng lão Xá-lợi-tử trông thấy các vị trưởng lão từ xa đến. Trưởng lão Xá-lợi-tử nói với các vị trưởng lão này rằng 'Thiện lai, thiện giả A Nan, một vị thị giả của đức Thế Tôn, hiểu được tâm tư Thế Tôn, người luôn luôn được đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh đa văn ca ngợi. Nay tôi hỏi hiền giả A Nan, rừng sa la tên gọi Sừng bò này rất khả ái, được thắp sáng dưới ánh trăng, các cây sa la đang tỏa ra hương thơm như hoa ở thiên giới. Này hiền giả A Nan, hạng Tỳ-kheo nào có thể đem lại sức quyến rũ cho ngôi rừng sa la tên Sừng bò này?' "
P: Gần giống. C: Tôn giả Xá-lợi-tử trông thấy từ xa các vị trưởng lão đang đi đến = P: thêm: trông thấy trưởng lão A Nan và Ly Bà Đa. C: hiền giả A Nan là thị giả... bởi các đồng phạm hạnh đa văn = P: hiền giả A Nan, người thị giả, bạn đồng hành thân thiết của đức Thế Tôn. C: cây sa la đang tỏa hương thơm như hoa cõi trời = P: cây sa la đang mùa rộ nở, tưởng chừng như hương cõi trời đang tỏa ra. C: hạng Tỳ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Ngưu giác = P: hạng Tỳ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Ngưu giác.
III. Câu trả lời của Tôn giả A Nan:
C: "Tôn giả A Nan trả lời: 'Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, nếu có Tỳ-kheo nào đã nghe nhiều, đã học nhiều và nhớ kỹ, không quên, tích lũy và lắng nghe các pháp khả ái ở chặng đầu, khả ái ở chặng giữa, khả ái luôn ở chặng cuối, có ý nghĩa, có văn pháp, hiển thị đời sống phạm hạnh đầy đủ và trong sạch, pháp ấy được học một cách rộng rãi, được khéo nghe, khéo tu tập, khéo lập lại, khéo tư duy bằng tâm tư, khéo sáng tỏ với tri kiến và được thực chứng một cách sâu sắc. Vị ấy giảng pháp ấy một cách giản dị và trôi chảy, chỉ cốt để nhổ tận gốc các kiết sử. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như thế sẽ đem lại vẻ mỹ miều cho khu rừng Ngưu giác.' "
P: Gần giống. Bỏ: "Người đã học nhiều không quên, học một cách rộng rãi, khéo tu tập, thực chứng một cách sâu sắc, giảng pháp một cách giản dị và chân xác." Thêm: "Tuyệt đối đầy đủ, vị ấy giảng pháp cho bốn hội chúng, với văn, câu chính xác và lưu loát."
C: để tận trừ kiết sử = P: để tẩy trừ các khuynh hướng tiềm tàng.
IV. Câu trả lời của Ly Bà Đa:
C: "Tôn giả Xá-lợi-tử lại hỏi: 'Hiền giả Ly Bà Đa, Hiền giả A Nan đã nói theo sự hiểu biết của mình, bây giờ tôi lại hỏi hiền giả Ly Bà Đa: Rừng sa la này... gọi là rừng Sừng bò?' Tôn giả Ly Bà Đa trả lời: 'Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, nếu có một Tỳ-kheo nào hoan hỷ trong việc tu thiền định, chuyên tâm nội tĩnh không gián đoạn thiền định, có tuệ, luôn luôn sống độc cư và thích những nơi yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như thế sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la, tên gọi Sừng bò này...' "
P: Gần giống. C: theo sự hiểu biết của mình = P: theo sự hiểu biết của riêng mình. C: vị ấy luôn luôn sống viễn ly = P: vị ấy yêu thích hạnh viễn ly. C: thưởng thức những nơi vắng lặng = P: lui tới những chỗ không nhàn.
V. Câu trả lời của Tôn giả A Na Luật Đà:
C: Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi Tôn giả A Na Luật như đã hỏi Tôn giả Ly Bà Đa và A Na Luật trả lời như sau: "Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, nếu có một Tỳ-kheo đã đạt đến thiên nhãn, có được thiên nhãn, có khả năng thấy được trong một sát na cả ngàn thế giới một cách không cần cố gắng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, như một người có mắt đứng trên lầu cao nhìn xuống khoảng đất trống ở dưới với một ngàn mô đất, vị ấy không cần nỗ lực cũng có thể thấy được tất cả trong nháy mắt. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như thế sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la tên Sừng bò này."
P: Gần giống; nhưng bỏ: "đã đạt đến thiên nhãn, không cần nỗ lực, trong một sát na." Nó thêm: "Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân." C: đứng trên lầu cao = P: đã đi đến đỉnh của một lâu đài tốt đẹp. C: nhìn xuống khoảng đất trống bên dưới với một ngàn mô đất = P: vị ấy nhìn xuống một ngàn vòng tròn đồng tâm (nemimandàla).
VI. Câu trả lời của Đại Ca Chiên Diên:
C: Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi, trưởng lão Đại Ca Chiên Diên trả lời như sau: "Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, như có hai Tỳ-kheo đã nắm vững pháp, đang thảo luận về A-tỳ-đàm sâu sắc. Những gì họ hỏi được khéo hiểu, khéo biết. Câu trả lời của họ không bị vấp và pháp thoại của họ được trôi chảy. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la tên gọi Sừng bò này."
P: không có.
Ghi chú: Ở đây danh từ A-tỳ-đàm được nói đến, chỉ có nghĩa là pháp rất sâu sắc.
VII. Câu trả lời của Tôn giả Đại Ca Diếp:
C: (Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi, Tôn giả Đại Ca Diếp trả lời như sau): "Thưa hiền giả Xá-lợi-tử, nếu có một Tỳ-kheo nào theo hạnh độc cư, tán thán hạnh độc cư; ít dục, tán thán hạnh ít dục; hỷ túc và tán thán hạnh hỷ túc; ưa thích sống viễn ly một mình, tán thán hạnh sống viễn ly một mình; tinh cần tu tập và tán thán sự tinh cần tu tập; có chánh niệm, chánh trí tuệ và ca tụng chánh niệm, chánh tuệ; tự mình đắc định và ca tụng sự đắc định; có tuệ và ca tụng tuệ giác; đã tận trừ lậu hoặc và ca tụng sự tận trừ lậu hoặc; tự mình khuyến cáo, làm phấn chấn, làm hoan hỷ, và ca tụng những việc này. Thưa hiền giả Xá-lợi-tử, một vị Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho khu rừng sa la tên Sừng bò này."
P: Không giống hẳn; bỏ: "tự mình tận trừ lậu hoặc, ca tụng sự tận trừ lậu hoặc ; tự mình khuyến cáo, làm cho phấn chấn hoan hỷ, và ca tụng sự khuyến cáo...." ; thêm: "tự mình ở rừng và ca tụng hạnh ở rừng; tự mình khất thực và ca tụng hạnh khất thực; tự mình mặc giẻ rách và ca tụng hạnh mặc giẻ rách; tự mình giữ ba y và ca tụng hạnh giữ ba y; có tri kiến và giải thoát tri kiến, ca tụng sự có tri kiến và giải thoát tri kiến; tự mình giải thoát và ca tụng hạnh giải thoát". C: người theo hạnh độc cư = P: không lẫn với thế gian. C: ưa thích sống viễn ly một mình = P: sống viễn ly. C: tinh cần tu tập = P: tinh cần. C: có chánh niệm, chánh tuệ = P: thọ giới. Trong bản C, Ma Ha Ca Diếp gọi Xá Lợi Phất là hiền giả và Xá Lợi Phất gọi Ma Ha Ca Diếp là Tôn giả. Nhưng trong bản P, hai vị gọi nhau là hiền giả.
VIII. Câu trả lời của Đại Mục-liền-liên:
C: Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi, Trưởng lão Đại Mục-liền-liên trả lời như sau: "Có Tỳ-kheo có đại thần thông, đại công đức, đại phước đức, có năng lực thần thông lớn, làm chủ vô số năng lực thần thông, và thi triển vô số thần thông: từ một vị ấy biến thành nhiều, từ nhiều vị ấy trở thành một; khi trở thành một vị ấy thành một người có tri kiến; vị ấy đi qua vách, tường không chướng ngại như đi qua khoảng không; vị ấy vào ra trong đất như trong nước; vị ấy đi trên nước không chìm như trên đất; vị ấy bay giữa trời và ngồi kiết già ở đấy như con chim. Với bàn tay vị ấy sờ chạm mặt trời, mặt trăng, những vật có đại oai thần, đại công đức, đại phước đức, đại thần lực như vậy, cho đến đại phạm thiên giới. Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho khu rừng sa la tên Sừng bò này."
P : Hoàn toàn khác. Bản P đặt câu trả lời của Đại Ca Chiên Diên như ta đã thấy trong C ở đây, và không nói gì đến năng lực thần thông của Tôn giả Đại Mục-liền-liên. Câu trả lời như sau: "Ở đây hai vị Tỳ-kheo đang đàm luận về A-tỳ-đàm, họ đặt câu hỏi với nhau và trả lời mà không bị cạn kiệt, và câu chuyện về pháp cứ thế tiếp diễn".
Nhận xét: Ở đây bản C trung thực và đáng tin cậy hơn P, vì Tôn giả Đại Ca Chiên Diên nổi tiếng là bậc có biện tài về pháp và Đại Mục-liền-liên nổi tiếng là đệ nhất về thần thông.
IX. Câu trả lời của Tôn giả Xá-lợi-tử:
Khi Tôn giả Đại Mục-liền-liên trả lời xong, Ngài yêu cầu Tôn giả Xá-lợi-tử cho biết câu trả lời của chính Tôn giả, và đây là câu trả lời của Xá-lợi-tử:
C: "Hiền giả Mục-liền-liên, nếu có Tỳ-kheo nào làm chủ được tâm mình, không bị tâm chế ngự. Bất cứ sự chứng trú nào vị ấy muốn thực hành vào buổi sáng, vị ấy tu tập sự chứng trú ấy vào buổi sáng; bất cứ sự chứng đắc an trú nào vị ấy muốn vào buổi trưa, vào buổi chiều, vị âý tu tập sự chứng đắc, an trú ấy vào buổi trưa, buổi chiều. Hiền giả Mục-liền-liên, như một ông vua hay cận thần của vua có nhiều áo, nhiều y phục đủ màu sắc đẹp; vị ấy muốn mặc áo nào vào buổi sáng thì lấy ra mặc, buổi trưa muốn mặc áo nào, buổi chiều muốn mặc áo nào, vị ấy lấy ra mặc. Hiền giả Mục-liền-liên, cũng tương tự như thế với Tỳ-kheo đã làm chủ tâm ý của mình, không bị tâm chế ngự (như trên). Hiền giả Mục-liền-liên, một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho ngôi rừng sa la tên Sừng bò này."
P: Gần giống với vài dị biệt nhỏ. Bản C nói về sự tu tập buổi trưa và chiều trong cùng một câu, bản P tách làm hai câu. Trong ví dụ, bản P thêm: vua, cận thần của vua có một tủ đủ áo màu sắc đẹp. C: y phục = P: áo quần.
X. Các trưởng lão đi đến đức Phật - Câu trả lời của Phật:
C: (Tôn giả Xá-lợi-tử yêu cầu tất cả các Tôn giả khác cùng đi đến Phật, và tất cả đồng ý. Họ đi đến đức Phật, thuật lại với Ngài toàn bộ cuộc đàm thoại, và xin Ngài xét câu trả lời nào đúng nhất. Phật khen tất cả các câu trả lời, bảo rằng mỗi vị đã trả lời đúng theo sự tu tập của mình, như Tôn giả A Nan đa văn, Tôn giả Ly Bà Đà thích ngồi thiền, Tôn giả A Na Luật Đà có thiên nhãn, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên thiện xảo về phân tích pháp, Tôn giả Đại Ca Diếp là một người theo hạnh độc cư, Tôn giả Đại Mục-liền-liên có đại thần thông và Tôn giả Xá-lợi-tử là người làm chủ tâm mình. Rồi Đức Phật đưa ra câu trả lời của riêng ngài như sau): "Tất cả các câu trả lời đều tốt, tại sao? Vì tất cả các pháp ấy đều do ta nói ra. Này Xá-lợi-tử, hãy lắng nghe, ta sẽ nói hạng Tỳ-kheo làm đẹp khu rừng sa la tên Sừng bò này. Xá-lợi-tử, có một Tỳ-kheo khi cư trú trong thành thị, làng mạc hay chợ búa, khi đêm đã tàn, vào sáng sớm mặc y cầm bát vào làng khất thực. Với thân khéo chế ngự, các căn khéo phòng hộ, vị ấy an trú chánh niệm. Khi ăn cơm xong vào buổi chiều, vị ấy xếp dọn y bát, rửa tay chân, bỏ tọa cụ lên vai, đi vào một nơi vắng vẻ hoặc dưới gốc cây hoặc nơi khoảng trống yên tĩnh. Tại đấy vị ấy trải tọa cụ ngồi kiết già, lập thệ không rời khỏi thế ngồi kiết già cho đến khi đã tận trừ các lậu hoặc. Vị ấy không rời thế ngồi kiết gia và tận trừ các lậu hoặc. Này Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy làm cho ngôi rừng sa la tên Sừng bò này trở thành cao cả."
P: Gần giống, với những dị biệt đã nêu. Trong câu trả lời của Phật, chú ý những chỗ khác nhau: Bản P bỏ đoạn "ở trong thành phố.... vị ấy an trú chánh niệm." Nó cũng bỏ: "vào buổi chiều, vị ấy thu xếp y bát...trải tọa cụ." Nó cũng nói vị Tỳ-kheo lập thệ không rời thế ngồi kiết già cho đến khi tận trừ lậu hoặc; nó thêm: không có dư tàn, nhưng bỏ sự xác quyết rằng vị Tỳ-kheo đã thật sự làm như vậy. Bản P thêm : vị ấy ngồi với thân thẳng.
E. Phần kết C: Phật dạy như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật, hoan hỷ phụng hành.
P: Đức Thế Tôn nói như vậy. Các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:21:08 GMT -5
NC30 C 211: Đại Câu-hy-la kinh
P43: Đại kinh Phương quảng
A. Toát yếu kinh C C: Tôn giả Xá-lợi-tử đi đến Đại Câu-hy-la đặt một loạt câu hỏi về nhiều vấn đề và Đại Câu-hy-la đã trả lời. Những câu trả lời của Tôn giả Đại Câu-hy-la được Tôn giả Xá-lợi-tử ca tụng và đồng ý.
P: Gần giống. Nhưng ở đây chính Tôn giả Đại Câu-hy-la hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất.
B. Nhan đề kinh C: Đại Câu-hy-la kinh, bản kinh nói về Tôn giả Đại Câu-hy-la, tức là tên của vị Tôn giả trả lời những câu hỏi mà Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi.
P: Đại kinh Phương quảng, bản kinh nói về Vedalla, có thể ám chỉ các đề tài khác nhau do Tôn giả Đại Câu-hy-la đặt câu hỏi.
C. Địa điểm thuyết kinh C: Vương Xá thành, trong rừng trúc, vườn Ca Lan Đà.
P: Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.
D. Nội dung kinh I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: "Lúc bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-tử vào buổi chiều từ thiền định trở dậy đi đến Tôn giả Đại Câu Hy La, trao đổi những lời chào hỏi rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá-lợi-tử nói : 'Hiền giả Câu Hy La, tôi muốn hỏi hiền giả vài câu, được không?' Tôn giả Đại Câu si la nói: 'Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, nếu ngài muốn hỏi xin cứ hỏi. Sau khi nghe xong con sẽ suy nghĩ.' "
P: Không giống. Chính Tôn giả Đại Câu-hy-la từ độc cư trở dậy vào buổi chiều đi đến Tôn giả Xá Lợi Phất trao đổi lời chào hỏi với ngài và đặt câu hỏi.
II. Loạt câu hỏi được đặt ra:
Trong bản C có 32 câu tất cả, và ta thấy ở bản P cũng có cùng số lượng; nhưng chỉ có 17 câu hỏi tương ứng với nhau trong hai bản, còn 15 câu không giống nhau.
a) 17 câu tương ứng: C3 = P2; C4 = P3; C5 = P4; C6 = P10; C7 = P11; C9 = P12; C10 = P13; C11 = P15; C12 = P16; C13 = P6; C14 = P8; C16 = P20; C18 = P22; C19 = P24; C20 = P26; C21 = P27; C27 = P32.
b) 15 câu hỏi không có trong bản P: C1, C2, C8, C15, C17, C22, C23 C24, C25, C26, C28, C29, C30, C31, C32.
c) 15 câu hỏi không có trong bản C: P1, P5, P7, P9, P14, P17, P18, P19, P21, P23, P25, P28, P29, P30, P31.
1) Các câu hỏi về thiện ác:
C1 = P không có:
C: Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi: "Hiền giả Câu-hy-la, bất thiện được gọi là bất thiện, gốc rễ bất thiện được gọi là gốc rễ bất thiện. Gì là bất thiện, gì là gốc rễ bất thiện?" Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời: "Thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành gọi là bất thiện. Tham, sân, si là gốc rễ bất thiện. đây gọi là bất thiện, đây gọi là gốc rễ bất thiện." Nghe xong Tôn giả Xá-lợi-tử thốt lên lời khen như sau: "Tốt lắm, tốt lắm, Hiền giả Câu-hy-la." Sau khi thốt lời ca ngợi, Tôn giả Xá-lợi-tử hoan hỷ chấp nhận.
C2 = P không có:
C: (Cách đặt câu hỏi, trả lời và những từ ngữ ca tụng ở cuối mỗi câu hỏi đều giống nhau).
Hỏi: Thiện được gọi là thiện, gốc rễ của thiện được gọi là thiện. Gì là thiện, gì là gốc rễ của thiện? Đáp: Thiện thân hành, thiện ngữ hành và thiện ý hành gọi là thiện, không tham, không sân, không si là gốc rễ của thiện. Đây gọi là thiện, đây gọi là gốc rễ của thiện.
2) Các câu hỏi về tuệ và chánh trí:
C3 = P2:
C: Hỏi: Tuệ được gọi là tuệ. Gì là tuệ? Đáp: Do biết như vậy gọi là tuệ. Biết về cái gì? Biết như thật về khổ, biết như thật nguồn gốc của khổ, biết như thật sự chấm dứt khổ, biết như thật con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Biết như vậy được gọi là tuệ.
P: Gần giống. C: do biết như vậy gọi là tuệ = P: tri kiến được gọi là tri kiến. Khi nói về bốn chân lý, bản P bỏ : như thật. Trong bản P, sau khi Tôn giả Xá Lợi Phất trả lời, Tôn giả Đại Câu-hy-la ca ngợi "Lành thay, Tôn giả" và hoan hỷ về những gì Tôn giả Xá Lợi Phất nói, cảm ơn và hỏi một câu khác.
C4 = P2:
C: Hỏi: Thức được gọi là thức. Gì là thức? Đáp: Nhận biết, nhận biết, do đó được gọi là thức. Nhận biết cái gì? Nhận biết sắc, nhận biết thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nhận biết, đây là lý do gọi là thức.
P: Không giống. Hỏi: Thức được gọi là thức; trong giới hạn nào nó được gọi là thức? Đáp: Thức tri, đó là lý do nó được gọi là thức. Thức tri cái gì? Thức tri lạc, thức tri khổ, thức tri bất khổ bất lạc. Thưa hiền giả, vì thức tri nên gọi là thức.
C5 = P4:
C: Hỏi: Tuệ và thức, hai pháp ấy có tương quan hay tách rời? Có thể nào chỉ rõ hai pháp này riêng rẽ nhau không? Đáp: Hai pháp này có tương quan; hai pháp này không thể được chỉ rõ nếu tách rời nhau. Tại sao? Vì cái gì tuệ biết thì thức cũng biết. Do vậy hai pháp ấy có tương quan. Hai pháp ấy không thể được hiển thị riêng rẽ.
P: Gần giống. C: hai pháp này có thể được hiển thị riêng rẽ không? = P: sau khi phân tích hai pháp này nhiều lần, có thể nào chỉ rõ sự sai biệt của chúng không? C: Tại sao vậy? Vì cái gì tuệ biết thì thức cũng biết. Do đó hai pháp này có tương quan, hai pháp này không thể được hiển thị riêng rẽ = P: Thưa hiền giả, những pháp này, tuệ và thức, là có tương quan, không phải không tương quan. Sau khi phân tích những pháp này nhiều lần, không có thể chỉ rõ sự khác nhau giữa chúng. Hiền giả, cái gì được biết thì được nhận thức, cái gì được nhận thức thì cũng được biết; bởi thế hai pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Sau khi phân tích những pháp này nhiều lần, không thể nào chỉ ra sự khác nhau của chúng.
C6 = P10:
C: Hỏi: Tri thức, nhờ cái gì mà ta biết? Đáp: Tri thức, nhờ tuệ mà ta biết.
P: Hỏi: Hiền giả, nhờ cái gì mà người ta biết được các pháp sở tri. Đáp: Hiền giả, nhờ con mắt tuệ mà người ta biết được các pháp sở tri.
C7 = P11:
C: Hỏi: Tuệ nghĩa là gì? Gì là sự thù thắng của tuệ? Gì là công đức của tuệ? Đáp: Tuệ có nghĩa là nhàm chán, có nghĩa là vô dục, có nghĩa là biết như thật.
P: Hỏi: Gì là mục đích của tuệ? Đáp: Tuệ có mục đích thực chứng, có mục đích hiểu rõ, có mục đích thí xả.
Nhận xét: Trong bản C, chữ "ý nghĩa" nên hiểu là "mục đích".
C8 = P Không có:
C: Hỏi: Gì là chánh kiến? Đáp: Biết như thật khổ là khổ, biết nguồn gốc của khổ, biết sự chấm dứt của khổ, biết con đường đưa đến chấm dứt khổ một cách như thật, đây gọi là chánh kiến.
C9 = P12:
C: Hỏi: Gì là nguyên nhân? Gì là những điều kiện (duyên) cho sự sanh khởi chánh kiến? Đáp: Có hai nguyên nhân, hai điều kiện để sanh khởi chánh kiến. Hai cái đó là gì? Một là nghe từ người khác, hai là tự mình tư duy trong tâm. Đây gọi là hai nhân, hai điều kiện để sanh khởi chánh kiến.
P: Hỏi: Có bao nhiêu duyên để sanh khởi chánh kiến. Đáp: Có hai duyên sanh khởi chánh kiến: tiếng nói của người khác và như lý tác ý.
C10 = P13:
C: Có bao nhiêu yếu tố đi kèm với chánh kiến, để có được kết quả tâm giải thoát, tuệ giải thoát, có được công đức do tâm giải thoát tuệ giải thoát đem lại? Đáp: Có năm yếu tố đi kèm với chánh kiến.... đem lại. Năm yếu tố ấy là gì? 1. Làm bạn với sự thật, 2. Làm bạn với giới, 3. Làm bạn với đa văn, 4. Làm bạn với sự vắng lặng, 5. Làm bạn với tuệ quán.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi khác. Đáp: Có năm yếu tố kết hợp với chánh kiến để đem lại quả tâm giải thoát, lợi ích của tâm giải thoát, để đem lại quả tuệ giải thoát và lợi ích của tuệ giải thoát: giới, văn, thảo luận, tịnh chỉ và tuệ quán.
Trong loạt câu hỏi này, có hai câu chỉ có trong P, không có trong C.
P1: Hỏi: Liệt tuệ được gọi là liệt tuệ. Trong giới hạn nào được gọi là liệt tuệ? Đáp: Không biết, không biết, nên gọi là liệt tuệ. Vị ấy không biết cái gì? Vị ấy không biết khổ, không biết nguồn gốc khổ, không biết sự chấm dứt khổ, con đường đưa đến chấm dứt khổ. Vị ấy không biết, vị ấy không biết, nên gọi là liệt tuệ.
P5: Hỏi: Cái được gọi là tuệ và cái được gọi là thức; chỗ khác nhau giữa hai pháp này là gì? Những pháp này có tương quan hay không tương quan? Đáp: Cái được gọi là tuệ và cái được gọi là thức; hai pháp ấy có tương quan, không phải không tương quan. Tuệ cần phải được đào luyện và thức cần phải được biết rõ, đây là sự khác nhau giữa chúng.
3) Những câu hỏi về hữu:
C11 = P15:
C: Hỏi: Làm thế nào hữu khởi lên trong tương lai? Đáp : Kẻ phàm phu ngu si không biết, không học, bị vô minh che phủ, bị khát ái trói buộc, không yết kiến các bậc đa văn, không biết thánh pháp, không tu tập thánh pháp. Đây gọi là hữu khởi lên trong tương lai.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi khác. Đáp: Đối với các hữu tình bị vô minh ngăn che, bị khát ái trói buộc, tìm hỷ lạc chỗ này chỗ kia, do đó lại có hữu trong tương lai.
C12 = P16:
C: Hỏi: Làm thế nào hữu không khởi lên trong tương lai? Đáp: Nếu vô minh bị phá hủy, minh sanh khởi, thì khi ấy có sự chấm dứt khổ. Đây gọi là không còn hữu trong tương lai.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi khác. Đáp: Với sự trừ khử vô minh, sự sinh khởi tri kiến, sự chấm dứt khát ái, thì không còn hữu trong tương lai.
Trong loạt câu hỏi này, bản P có một câu mà C không có:
C14: Hỏi: Có bao nhiêu hữu? Đáp: Có ba hữu, dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
4) Những câu hỏi về thọ và tưởng:
C13 = P6:
C: Hỏi: Có bao nhiêu thọ? Do gì thọ sanh khởi? Đáp: Có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Do hưởng thụ mãnh liệt, chúng sanh khởi.
P : Gần giống. Hỏi: Thọ được gọi là thọ. Do nhân gì nó được gọi là thọ? Đáp: Cảm giác, cảm giác, nên gọi là thọ. Nó cảm giác gì? Nó cảm giác lạc thọ, cảm giác khổ thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ. Nó cảm giác, nó cảm giác, nên gọi là cảm thọ. Bản P bỏ phần hai của câu hỏi và câu trả lời.
C14 = P8:
C: Hỏi: Thọ, tưởng và tư, ba pháp này có tương quan hay không tương quan? Có thể chỉ riêng ba pháp này không? Đáp: Thọ, tưởng, tư, ba pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Không thể chỉ rõ ba pháp này riêng rẽ, tại sao? Tại vì cái mà thọ cảm nhận cũng chính là cái mà tưởng nhận biết và cũng là cái mà ý tư duy, vì vậy ba pháp này có tương quan, không phải không tương quan; không thể trình bày những pháp này riêng rẽ.
P: Gần giống. Hỏi: Thọ, tưởng và thức, ba pháp này có tương quan hay không tương quan? Sau khi phân tích các pháp này nhiều lần, có thể hiển thị sự khác biệt của chúng hay không? Đáp: Thọ, tưởng và thức, ba pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Sau khi phân tích các pháp ấy nhiều lần, không thể hiển thị sự khác nhau giữa chúng. Cái gì người ta cảm thọ cũng là cái người ta nhận biết, cái gì người ta nhận biết thì người ta cũng ý thức được. Bởi thế ba pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Và sau khi phân tích chúng nhiều lần, không thể chỉ rõ sự khác nhau giữa chúng.
Trong loạt câu hỏi này, có một câu hỏi trong P không có trong C.
P7: Hỏi: Tưởng được gọi là tưởng. Do nhân gì nó được gọi là tưởng? Đáp: Nhận biết, nhận biết, nên gọi là tưởng. Nó nhận biết cái gì? Nhận biết màu xanh, đỏ, trắng. Vì nó nhận biết nên gọi là tưởng.
5. Các câu hỏi về diệt định, năm căn, tâm và mạn:
C15 = P Không có:
C: Hỏi: Diệt định lấy gì làm đối tượng? Đáp: Diệt định không có đối tượng.
C16 = P20:
C: Hỏi: Có năm căn có phạm vi khác nhau, đối tượng khác nhau, mỗi căn có đối tượng riêng, đó là, mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân căn. Năm căn này với phạm vi riêng, đối tượng riêng, mỗi cái có đối tượng riêng. Cái gì thu vào, nhận đối tượng cho chúng? Gì là chỗ nương của chúng? Đáp: Năm căn có phạm vi riêng, đối tượng riêng, mỗi căn nhận đối tượng riêng của nó. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân căn. Năm căn này với phạm vi riêng, đối tượng riêng, mỗi cái nhận đối tượng riêng của nó, nhưng ý nhận tất cả đối tượng cho chúng, ý là chỗ nương của chúng.
P: Gần giống. C: với lãnh vực riêng, đối tượng riêng = P: nànàvisayàni nànàgocaràni. C: mỗi cái nhận đối tượng riêng của nó = P: chúng không cảm thọ đối tượng và lãnh vực của nhau. C: Cái gì nhận tất cả đối tượng cho chúng, cái gì là chỗ nương của chúng?= P: Gì là chỗ nương của chúng? Gì là phạm vi của đối tượng chúng?
C17 = P Không có:
C: Hỏi: Tâm an trú nương vào cái gì? Đáp: Tâm an trú nương vào mạng.
C18 = P22:
C: Hỏi: Y cứ vào gì, mạng an trú? Đáp: Y cứ vào hơi ấm, mạng an trú.
P: Giống nhau. C: mạng = P: tuổi thọ; C: hơi ấm = P: usmà.
C19 = P24:
C: Hỏi: Mạng và hơi ấm, hai pháp này có tương quan hay không tương quan? Có thể chỉ ra hai pháp này một cách riêng rẽ? Đáp: Mạng và hơi ấm, hai pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Không thể chỉ chúng một cách riêng rẽ; tại sao? Do thọ mạng có hơi ấm, do hơi ấm có thọ mạng. Nếu không có thọ mạng thì không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm thì không có thọ mạng. Cũng như do duyên dầu, bấc mà ngọn đèn cháy sáng. Trong ngọn đèn này, do ngọn lửa mà có ánh sáng, do ánh sáng mà có ngọn lửa. Nếu không có ngọn lửa sẽ không có ánh sáng, nếu không có ánh sáng sẽ không có ngọn lửa. Cũng vậy, tùy thuộc thọ mạng có hơi ấm; tùy thuộc hơi ấm có thọ mạng. Nếu không có thọ mạng thì sẽ không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm, không có thọ mạng. Do vậy hai pháp này có tương quan, không phải không tương quan, không thể hiển thị hai pháp này một cách riêng rẽ.
P: Không giống hẳn. Câu hỏi cũng hơi khác. Hỏi: Bây giờ chúng tôi hiểu lời nói của Tôn giả Xá Lợi Phất rằng, thọ mạng tùy thuộc vào hơi ấm để tự duy trì. Bây giờ chúng tôi hiểu lời nói của Tôn giả Xá Lợi Phất rằng, hơi ấm tùy thuộc vào thọ mạng để tự duy trì. Ý nghĩa của lời này cần được hiểu như thế nào? Đáp: Vậy tôi sẽ cho hiền giả một ví dụ, người trí nhờ ví dụ có thể hiểu được ý nghĩa những gì được nói. Như khi một ngòn đèn dầu được thắp, tùy thuộc vào ngọn lửa mà ánh sáng xuất hiện, tùy thuộc vào ánh sáng, ngọn lửa xuất hiện. Cũng vậy mạng tùy thuộc vào hơi ấm để tự duy trì, hơi ấm tùy thuộc vào thọ mạng để tự duy trì.
Trong loạt câu hỏi này, có ba câu không có trong C.
P21: Hỏi: Có năm căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, năm căn này tùy thuộc vào gì? Đáp: Năm căn này tùy thuộc vào mạng.
P23: Hỏi: Hơi ấm tùy thuộc vào gì? Đáp: Hơi ấm tùy thuộc vào mạng.
P25: Hỏi: Các thọ hành với các pháp được cảm thọ này là giống nhau hay khác nhau? Đáp: Nếu các thọ hành là một với các pháp được cảm thọ, thì sự xuất định của một người chứng diệt thọ tưởng không thể chỉ rõ. Vì thọ hành khác với cảm thọ, nên sự xuất định của vị Tỳ-kheo chứng diệt thọ tưởng có thể chỉ rõ.
6. Những câu hỏi về sự chết, về diệt tận định, về tưởng:
C20 = P26:
C: Hỏi: Có bao nhiêu pháp được từ bỏ, khi thân xác chết bị ném vào nghĩa địa như một khúc gỗ vô tri? Đáp: Có ba pháp được từ bỏ khi thân xác chết... như một khúc gỗ vô tri. Ba pháp ấy là gì? 1. Mạng, 2. Hơi ấm, 3. Thức. Ba pháp ấy được từ bỏ khi thân xác chết ....như một khúc gỗ vô tri.
P: Gần giống. Hỏi: Có bao nhiêu pháp được từ bỏ khi thân này được vứt đi, được ném vào trong giấc ngủ như một khúc gỗ vô tri? Câu trả lời cũng giống như trên.
C21 = P27, C22,24,25,26 = P không có.
C27 = P32:
C: Hỏi: Không, vô tướng, vô nguyện, ba pháp ấy có phải khác nhau về nghĩa và về văn, hay đồng nghĩa, khác văn? Đáp: Ba pháp này khác nhau về nghĩa và cũng khác nhau về văn.
P: Không giống hẳn. C: không, vô nguyện, và vô tướng = P: vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát. Trong bản C, câu trả lời chỉ nói chúng khác nghĩa khác văn; nhưng bản P nói tùy theo nhiều phương pháp áp dụng, đôi khi chúng khác nghĩa khác văn, đôi khi chúng đồng nghĩa khác văn. Rồi bản P tiếp tục giải thích rằng do áp dụng phương pháp tu bốn phạm trú, Tỳ-kheo đạt đến vô lượng tâm giải thoát; do áp dụng pháp tu vượt quá thức vô biên xứ nhập vào vô sở hữu xứ, vị ấy chứng vô sở hữu tâm giải thoát; nhờ đi đến một chỗ trống tư duy về tính không của tự ngã và ngã sở, Tỳ-kheo đạt đến không tâm giải thoát; và nhờ không tác ý đến tất cả tướng, nhờ nhập vào định vô tướng, vị ấy chứng đắc vô tướng tâm giải thoát. Vậy đây là phương pháp theo đó bốn trạng thái tâm nói trên khác nhau về cả văn lẫn nghĩa. Rồi bản P lại tiếp tục giải thích rằng nhờ nhổ tận gốc tham, sân, si làm nên các hạn lượng, các chướng ngại, các tướng, mà vị Tỳ-kheo đạt đến tâm giải thoát vô lượng, vô tướng, không, vô sở hữu. Vậy, do phương pháp này, bốn pháp nói trên đồng nghĩa khác văn.
C28 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để đạt đến định bất động? Đáp: Có bốn nhân duyên để đạt đến định bất động. Đó là những gì? Nếu một Tỳ-kheo tránh xa tham dục, xa các ác bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, đây gọi là bốn nhân, bốn duyên để đạt đến định bất động.
C29 = P không có:
C: Hỏi: Có bao nhiêu nhân duyên để đạt đến định vô sở hữu? Đáp: Có ba nhân duyên để đạt đến định vô sở hũu? Gì là ba? Nếu vị Tỳ-kheo vượt qua các sắc tưởng cho đến khi nhập vào vô sở hữu xứ và an trú trong đó, đây gọi là ba nhân duyên để đạt đến định vô sở hữu.
C30 = P không có:
C: Hỏi: Có bao nhiêu nhân duyên để đạt đến định vô tưởng? Đáp: Có hai nhân duyên để đạt đến định vô tưởng. Gì là hai? Một là không nghĩ đến tất cả tưởng, hai là nghĩ đến cảnh giới vô tưởng.
C31 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để trú trong định vô tưởng? Đáp: Có hai nhân duyên để trú trong định vô tưởng. Gì là hai? Một là không nghĩ đến tất cả tưởng, hai là nghĩ đến cảnh giới vô tưởng.
C32 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để xuất định vô tưởng? Đáp: Có ba nhân duyên để xuất định vô tưởng. Gì là ba? Một là nghĩ đến tất cả tưởng, hai là không nghĩ đến cảnh giới vô tưởng, ba là khi thân này và sáu căn liên hệ với đời sống. Đây là ba nhân duyên để xuất định vô tưởng.
Trong loạt câu hỏi này có tám câu chỉ có trong P, không có trong C.
P17: Hỏi: Gì là sơ thiền? Đáp: Khi vị Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với tầm, tứ, hỷ, lạc do ly dục sanh.
P18: Hỏi: Có bao nhiêu thiền chi trong sơ thiền? Đáp: Có năm thiền chi trong sơ thiền. Khi một Tỳ-kheo chứng sơ thiền thì có tầm tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
P19: Hỏi: Có bao nhiêu yếu tố được từ bỏ, và bao nhiêu yếu tố có được trong sơ thiền? Đáp: Trong sơ thiền, năm yếu tố được đoạn tận, năm yếu tố được chứng đắc. Nơi vị Tỳ-kheo nhập sơ thiền thì tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi được đoạn tận; tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm sinh khởi.
P28: Hỏi: Có bao nhiêu duyên để đạt đến tâm giải thoát bất khổ, bất lạc? Đáp: Có bốn duyên để đạt đến tâm giải thoát bất khổ, bất lạc. Vị Tỳ-kheo sau khi đã xả lạc, xả khổ, diệt hỷ và ưu đã cảm thọ trước kia, chứng và trú thiền thứ tư với xả niệm thanh tịnh.
P29: Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện để đạt đến tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để đạt đến tâm giải thoát vô tướng, đó là không tác ý tất cả tướng, và tác ý vô tướng giới.
P30: Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện để trú tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có ba điều kiện để trú trong tâm giải thoát vô tướng, đó là không tác ý tất cả tướng, tác ý đến vô tướng giới, và một sự chuẩn bị trước.
P31: Hỏi: Gì là các điều kiện để xuất khỏi tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để xuất khỏi tâm giải thoát vô tướng, đó là tác ý tất cả tướng, và không tác ý đến vô tướng giới.
P9: Hỏi: Một tâm thanh tịnh không liên hệ đến năm căn thì có thể biết đến cái gì? Đáp: Một tâm thanh tịnh không liên hệ đến năm căn thì có thể biết được không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ.
E. Phần kết C: Hai vị trưởng lão ấy ca tụng nhau, nói: "lành thay, lành thay" với nhau, và lấy làm hoan hỷ. Rồi họ đứng lên khỏi chỗ mà ra đi.
P: Tôn giả Xá Lợi Phất nói như vậy. Tôn giả Đại Câu-hy-la hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:22:26 GMT -5
NC31 C210: Pháp Lạc Tỳ-kheo ni kinh
P44: Tiểu kinh Phương Quảng
A. Toát yếu kinh C
C: Cư sĩ Tỳ Xá Khư đi đến Tỳ-kheo ni Pháp Lạc mà hỏi một loạt những câu hỏi về các đề tài khác nhau, và Tỳ-kheo ni Pháp Lạc trả lời. Những câu trả lời của bà được cư sĩ Tỳ Xá Khư khen ngợi. Rồi Tỳ-kheo ni Pháp Lạc đi đến đức Thế Tôn thuật lại cuộc đàm thoại với cư sĩ Tỳ Xá Khư. Đức Phật đồng ý tất cả những câu trả lời của bà và khen ngợi Tỳ-kheo ni.
P: Gần giống; nhưng bản P đề cập cư sĩ Visàkha là một nam cư sĩ, trước kia là chồng của Dhammadinnà, và chính Visàkha đã thuật lại cuộc đàm thoại với đức Phật chứ không phải Tỳ-kheo ni.
B. Nhan đề kinh
C: Pháp lạc Tỳ-kheo ni kinh, bản kinh nói về Tỳ-kheo ni danh hiệu là Pháp Lạc, người mà nam cư sĩ Tỳ Xá Khư đặt nhiều câu hỏi.
P: Tiểu kinh Phương quảng, bản kinh về Vedalla, đề cập nhiều đề tài khác nhau, được Visàkha nêu lên. Nó mang cùng tên với bản kinh P trước đấy, nhưng thay chữ đại bằng tiểu.
C. Nơi thuyết kinh
C: Xá Vệ, Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc.
P: Vương Xá thành, vườn trúc Ca Lan Đà.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: "Lúc bấy giờ nam cư sĩ Tỳ Xá Khư đi đến chỗ Tỳ-kheo ni Pháp Lạc, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua một bên và hỏi: 'Thưa Tôn giả, tôi xin phép hỏi một số vấn đề.' Tỳ-kheo ni Pháp Lạc trả lời: 'Cư sĩ cứ hỏi nếu muốn. Sau khi nghe xong tôi sẽ suy nghĩ.' "
P: Nói Visàkha là một nam cư sĩ chứ không phải là nữ cư sĩ như trong kinh C. Ông ta đặt câu hỏi cho Tỳ-kheo ni Pháp Lạc ngay, không xin phép trước.
II. Những loạt câu hỏi:
Hai bản kinh có nhiều điểm khác nhau về những câu hỏi được nêu lên. Trong bản C, có 30 câu hỏi, bản P có 34 câu. Những câu hỏi tương đương trong cả hai bản lên đến 22 câu. Trong bản C, có tám câu hỏi không có trong P; và bản P có chín câu không có trong C. Trong số tám câu hỏi không có trong P, có sáu câu đã có trong kinh C 211. Trong số chín câu hỏi có trong P mà C không có, có ba câu đã có trong kinh C 211.
1/- 22 câu hỏi tương đương trong cả hai bản là: C1 = P1,C2 = P6, C3 = P7, C4 = P3, C5 = P5, C6 = P8, C7 = P9, C9 = P10, C12 = P11, C17 = P15, C18 = P17, C19 = P20, C20 = P21, C21 = P22, C22 = P23 và 24, C23 = P25,26,27; C24 = P28 (C25 = P28), C25 = P29, C27 = P30, C28 = P31, C29 = P32, C30 = P34.
2/- 8 câu hỏi có trong C, không có trong P: C8, C10, C11, C13, C14, C15, C16, C26. Sáu câu hỏi sau đây đã có trong các kinh C và P trước: C10 = C15, C11 = P18, C13 = C20, C14 = C21, C15 = C22, C16 = C23.
3/- 9 câu hỏi trong P không có trong C: P2,4,12,13, 14,16,18,19,33. Trong số chín câu hỏi này có ba câu đã tìm thấy trong kinh trước: P16 = C24, P18 = C25, P19 = C26.
Những chỗ gạch dưới chỉ cho các bản kinh C và P trước đấy.
a) Những câu hỏi về tự thân và các uẩn:
C1 = P1:
C: Tỳ Xá Khư hỏi: "Thưa Tôn giả, tự thân được gọi là tự thân. Thế nào gọi là tự thân?" Tỳ-kheo ni Pháp Lạc trả lời: "Đức Thế Tôn nói về năm uẩn tăng trưởng là tự thân, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn tăng trưởng (năm thạnh uẩn). Đấy là những gì đức Thế Tôn nói về năm thạnh uẩn." Tín nữ Tỳ Xá Khư nghe xong khen ngợi nói: "Lành thay thưa Tôn giả." Khen xong tín nữ hoan hỷ lãnh thọ.
P: Gần giống. Câu hỏi giống nhưng trả lời hơi khác. C: 5 thạnh uẩn = P: 5 thủ uẩn. C: Đây là những gì đức Thế Tôn nói về năm thạnh uẩn = P: Năm thủ uẩn này được đức Như lai gọi là tự thân hay thân kiến.
C2 = P6:
C: (Cách đặt câu hỏi và trả lời cũng giống như các câu hỏi còn lại).
Hỏi: Làm thế nào thân kiến sinh khởi? Đáp: Kẻ vô văn phàm phu không yết kiến các bậc đa văn, không biết pháp các bậc thánh, không thuần thục pháp các bậc thánh. Kẻ ấy thấy sắc pháp là linh hồn, thấy linh hồn có sắc, thấy sắc ở trong linh hồn, thấy linh hồn ở trong sắc. (Cũng vậy với bốn uẩn còn lại). Đây gọi là thân kiến.
P: Gần giống. C: kẻ vô văn phàm phu... pháp các bậc thánh = P: kẻ phàm phu không học, không yết kến các bậc thánh, không am tường thánh pháp, không thuần thục về thánh pháp; không yết kiến bậc chân nhân, không am tường pháp của bậc chân nhân, không thuần thục pháp của bậc chân nhân. C: linh hồn = P: tự ngã.
C3 = P7:
C: Hỏi: Làm thế nào thân kiến không sinh khởi? Đáp: (Ngược lại với câu trả lời trên).
P: Cũng nhận xét như trong câu hỏi trước .
C4 = P3:
C: Làm thế nào thân đi đến hủy diệt? Đáp: Sắc thạnh uẩn được tận diệt không dư tàn, được từ bỏ, vứt đi, được dập tắt, không làm ô nhiễm kẻ khác, chấm dứt, dừng lại, biến mất. Các thạnh uẩn thọ, tưởng, hành thức được tận diệt không dư tàn,.... biến mất. Đây gọi là sự chấm dứt của tự thân.
P: Gần giống. Hỏi: Tự thân diệt được gọi là tự thân diệt. Thế nào đức Thế Tôn gọi là tự thân diệt? Đáp: Sự chấm dứt không còn ái luyến, sự từ bỏ, tẩy trừ, giải thoát, đây gọi là tự thân diệt, được đức Thế Tôn nói đến.
C5 = P5:
C: Hỏi: Uẩn được gọi là uẩn. Thạnh uẩn được gọi là thạnh uẩn. Uẩn và thạnh uẩn là một hay là khác? Đáp: Có khi uẩn và thạnh uẩn là một, có khi là khác. Thế nào uẩn và thạnh uẩn là một? Khi sắc pháp có ô nhiễm, có chấp thủ; khi thọ, tưởng, hành, thức có ô nhiễm, có chấp thủ, khi ấy uẩn được gọi là thạnh uẩn. Thế nào là uẩn không phải là thạnh uẩn? Khi sắc pháp không có ô nhiễm, không có chấp thủ; khi thọ, tưởng, hành. thức không có ô nhiễm, không có chấp thủ, khi ấy uẩn không phải là thạnh uẩn.
P: Không giống hẳn. Hỏi: Có phải thủ đồng nghĩa với năm thủ uẩn hay thủ khác với năm thủ uẩn? Đáp: Thủ không là một với năm thủ uẩn, nhưng cũng không khác với năm thủ uẩn. Khi có tham ái và chấp thủ trong năm thủ uẩn, khi ấy có thủ. C: thạnh uẩn = P: thủ uẩn.
Trong loạt câu hỏi này, có hai câu trong P không có trong C:
P2: Hỏi: Tập khởi của thân gọi là tập khởi của thân. Gì là tập khởi của tự thân được đức Thế Tôn nói đến? Đáp: Bất cứ gì có khát ái đưa đến tái sinh, liên hệ đến hỷ và tham, tìm hỷ lạc chỗ này chỗ kia, như dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Đây gọi là tập khởi của tự thân, được đức Thế Tôn nói đến.
P4: Hỏi: Con đường đưa đến chấm dứt tự thân được gọi là con đường đưa đến chấm dứt tự thân. Thế nào được gọi là con đường đưa đến chấm dứt tự thân do đức Thế Tôn dạy? Đáp: Thánh đạo tám ngành này được gọi là con đường đưa đến chấm dứt tự thân do đức Thế Tôn dạy, đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
b) Những câu hỏi về thánh đạo tám ngành:
C6 = P8:
C: Hỏi: Gì là thánh đạo tám ngành? Đáp: Thánh đạo tám ngành là chánh kiến cho đến chánh định, đây gọi là thánh đạo tám ngành.
P: Gần giống. Bản P kể cả tám pháp.
C7 = P9:
C: Hỏi: Thánh đạo tám ngành có phải là một pháp hữu vi không? Đáp: Thánh đạo tám ngành là một pháp hữu vi.
P: Gần giống.
C8 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhóm? Đáp có ba nhóm: nhóm giới, định và tuệ.
C9 = P10:
C: Thánh đạo tám ngành bao gồm ba nhóm, hay là ba nhóm bao gồm tám thánh đạo? Đáp: Thánh đạo tám ngành không bao gồm ba nhóm, mà ba nhóm bao gồm tám thánh đạo. Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, ba yếu tố này được bao gồm trong nhóm thánh giới; chánh niệm, chánh định, hai pháp này bao gồm trong nhóm thánh định; chánh kiến, chánh tư duy, chánh phương tiện, ba pháp này bao gồm trong nhóm thánh tuệ. Bởi vậy thánh đạo tám ngành không bao gồm ba nhóm, mà ba nhóm bao gồm thánh đạo tám ngành.
P : Gần giống, nhưng hình thức câu hỏi đặt ra hơi khác. Hỏi: Ba nhóm được bao gồm trong thánh đạo tám ngành, hay thánh đạo tám ngành được bao gồm trong ba nhóm? Một dị biệt quan trọng ở đây là bản P bao gồm chánh tinh tiến vào trong nhóm định, còn bản C bao gồm chánh phương tiện vào trong nhóm tuệ.
c) Những câu hỏi về diệt (Niết-bàn), sơ thiền và định:
C10 = P không có:
C: Hỏi: Diệt có đối hay không? Đáp: Diệt không có đối.
C11 = P không có:
C: Hỏi: Sơ thiền có bao nhiêu thiền chi? Đáp: Sơ thiền có năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, và nhất tâm. Đây gọi là năm thiền chi.
P: Không có ở đây, nhưng đã có trong kinh trước số 43, P18.
C12 = P11:
C: Hỏi: Định là gì? Gì là định tướng? Gì là sức mạnh của định? Gì là hiệu lực của định? Gì là sự tu tập định? Đáp: Khi thiện tâm trở nên chuyên nhất thì gọi là định. Định tướng là bốn chánh niệm. Sức mạnh của định là bốn chánh đoạn. Hiệu lực của định là bốn thần thông. Khi người ta tu tập các thiện pháp này, dấn mình vào việc tu tập, với sự tinh cần nỗ lực, đây gọi là tu tập định.
P: Gần giống. Hỏi: Gì là định? Gì là định tướng? Gì là định tư cụ? (điều kiện của định). Gì là sự tu tập định? Đáp: Nhất tâm gọi là định; bốn niệm xứ gọi là định tướng; bốn chánh cần là tư cụ của định; sự tu tập, huấn luyện, thực hành liên tục các pháp này gọi là tu tập định.
d) Những câu hỏi về chết, diệt định, định vô tưởng:
(Xin xem đoạn trước nói về định trong C211).
e) Những câu hỏi về cảm thọ:
C20 = P21:
C: Hỏi: Có bao nhiêu cảm thọ? Đáp: Có ba loại thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Chúng khởi lên do duyên gì? Do duyên hưởng thụ mạnh mẽ, chúng khởi lên.
P: Gần giống; nhưng bỏ phần cuối "do duyên gì chúng khởi lên".
C: hưởng thụ mạnh mẽ = P: xúc.
C21 = P22:
C: Hỏi: Gì là lạc thọ? Gì là khổ thọ? Gì là bất khổ bất lạc thọ? Đáp: Khi lạc thọ khởi lên do hưởng thụ mạnh mẽ thì thân và tâm hưởng một cảm giác khả ái, dễ chịu, đây gọi là lạc thọ. Khi khổ thọ khởi lên do hưởng thụ mạnh mẽ, thì thân và tâm trải qua một cảm giác khó chịu, bất lạc, đây gọi là khổ thọ. Khi cảm thọ bất khổ bất lạc khởi lên do hưởng thụ mạnh mẽ, thì thân và tâm kinh nghiệm một cảm giác không vui không khổ, không đáng ưa cũng không đáng ghét, đây gọi là bất khổ bất lạc thọ.
P: Gần giống. Định nghĩa ở đây giản dị hơn: bất cứ cảm thọ thân và tâm nào dễ chịu, khả ái, thì gọi là lạc thọ....
C22 = P23,24:
C: Hỏi: Lạc thọ, gì là lạc? Gì là sự bất lạc của nó? Gì là sự vô thường của nó? Gì là sự nguy hiểm của nó? Gì là khuynh hướng tiềm ẩn trong nó (tùy miên)? (cũng câu hỏi tương tự đối với khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ). Đáp: Lạc thọ khi sinh khởi, khi đang trú, đó là khía cạnh lạc của nó; khi nó biến hoại, đấy là khía cạnh khổ của nó; tính vô thường là nguy hiểm của nó; tham ái là khuynh hướng tiềm tàng trong nó. Đối với khổ thọ, khi nó khởi lên, khi đang trú, đó là khía cạnh khó chịu của nó; khi nó thay đổi thì đó là khía cạnh dễ chịu của nó; vô thường là sự nguy hiểm của nó, sân hận là khuynh hướng tiềm ẩn trong nó; đối với bất khổ bất lạc thọ, khi nó không được biết đến, đấy là sự khó chịu của nó, khi nó được biết đến, đấy là khía cạnh dễ chịu của nó, vô thường là sự biến hoại của nó, vô minh là khuynh hướng tiềm tàng trong nó.
P23: Không giống hẳn, ở đây nói đơn giản hơn. Hỏi: Đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ? Đối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Đối với bất khổ bất lạc thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Đáp: Đối với lạc thọ, trú là lạc, biến hoại khổ. Đối với khổ thọ, trú khổ, biến hoại lạc. Đối với bất khổ bất lạc thọ, biết là lạc, không biết là khổ. Ở đây cách giải thích trong hai bản không giống nhau về cảm thọ bất khổ bất lạc.
P24: Về khuynh hướng tiềm ẩn (anusaya, tùy miên) trong ba cảm thọ, câu trả lời giống với bản C.
C23 = P25,26,27:
C: Hỏi: Có phải tất cả lạc thọ đều có tham tiềm ẩn? Có phải tất cả khổ thọ đều có sân tiềm ẩn? Có phải tất cả bất khổ bất lạc thọ đều có vô minh tiềm ẩn? Đáp: Không phải tất cả lạc thọ đều có tham tiềm ẩn. Không phải tất cả khổ thọ đều có sân tiềm ẩn. Không phải tất cả bất khổ bất lạc thọ đều có vô minh tiềm ẩn. Thế nào không phải tất cả lạc thọ đều có tham tiềm ẩn? Khi một Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú sơ thiền, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đây gọi là lạc thọ không có tham tiềm ẩn. Vì sao? Vì thiền này phá hủy tham. Thế nào không phải tất cả khổ thọ đều có sân tiềm ẩn? Khi một người theo đuổi phúc lạc của giải thoát cao cả, trong sự nỗ lực của vị ấy có khởi lên một khổ thọ, đây gọi là khổ thọ không có sân tiềm ẩn. Tại sao? Vì thiền này phá hủy sân. Thế nào là không phải tất cả bất khổ bất lạc thọ đều có vô minh tiềm ẩn? Với sự chấm dứt lạc, chấm dứt khổ, chấm dứt hỷ và ưu đã cảm thọ trước kia, vị ấy chứng trú thiền thứ tư được thuần tịnh nhờ chánh niệm, bất khổ bất lạc. Đây gọi là cảm thọ bất khổ bất lạc nhưng không có vô minh tiềm ẩn. Vì sao? Vì thiền này phá hủy vô minh.
P25,26,267: Đoạn kinh C bao gồm cả ba câu hỏi trong bản P. Câu hỏi số 25 trong bản P giống với câu hỏi số 23 trong C, nhưng nó chỉ trả lời không. Trong P26, câu hỏi là: Cái gì cần từ bỏ trong lạc thọ, trong khổ thọ và trong bất khổ bất lạc thọ? Và câu trả lời là: Trong lạc thọ cần từ bỏ tham, trong khổ thọ cần từ bỏ sân, trong bất khổ bất lạc thọ cần từ bỏ si. Trong P27, câu hỏi là: Có phải tham sân si cần được từ bỏ trong tất cả lạc thọ, khổ thọ, và bất khổ bất lạc thọ không? Câu trả lời gần giống như trong C. C: Tại sao thế? Vì thiền này phá hủy tham = P: Do thiền này tham ái được phá hủy nên không có tham tùy miên ở đây. C: Khi một người theo đuổi hạnh phúc giải thoát cao cả, trong sự nỗ lực của họ có khởi lên một khổ thọ, đây gọi là khổ thọ không có sân tiềm ẩn = P : Vị Tỳ-kheo nghĩ : "Sau khi đạt đến cảnh giới này, ta sẽ trú trong cảnh giới mà các bậc thánh đã chứng và trú." Đối với Tỳ-kheo đã lập một lời nguyện như vậy, khi bất lạc khởi lên do lời thệ nguyện này mà sân được phá hủy, không có sân tùy miên ở đây. Về câu trả lời đối với cảm thọ bất khổ bất lạc cũng giống như trong C. Nó chỉ thêm rằng "không có vô minh tùy miên ở đây."
f) Những câu hỏi về đối (patibhàga đối xứng và đối nghịch):
C24 = P28:
C: Hỏi: Lạc thọ đối với cái gì? Đáp: Khổ thọ là đối với lạc thọ.
P: Giống nhau.
C25 = P29:
C: Hỏi: Gì là đối nghịch của khổ thọ? Đáp: Lạc thọ là đối nghịch với khổ thọ.
P: Giống nhau.
C26 = P không có:
C: Hỏi: Gì là đối nghịch với lạc thọ, với khổ thọ? Đáp: Bất khổ bất lạc thọ là đối nghịch với lạc thọ và khổ thọ.
C27 = P30:
C: Hỏi: Cái gì là đối nghịch với bất khổ bất lạc thọ? Đáp: Vô minh là đối nghịch với bất khổ bất lạc thọ.
P: Giống nhau.
C29 = P32:
C: Hỏi: Gì là đối xứng với minh trí? Đáp: Niết-bàn là đối với minh trí.
P: Câu hỏi giống nhau nhưng trả lời khác. Bản P trả lời: giải thoát là đối với vô minh. Ở đây bản P thêm một câu hỏi nữa: "Giải thoát lấy gì đối?" Đáp: "Giải thoát lấy Niết-bàn làm đối".
C30 = P34:
C: Hỏi: Niết-bàn lấy gì làm đối? Đáp: Ngươi muốn hỏi một câu hỏi vô giới hạn. Nhưng điều ngươi hỏi không vượt ngoài hiểu biết của ta. Niết-bàn không có đối, Niết-bàn không có khuyết điểm của sự rối ren, tất cả mọi rối ren đều đã được trừ khử. Chính do ý nghĩa (mục đích) này mà người ta sống đời phạm hạnh dưới đức Thế Tôn.
P: Câu hỏi giống nhưng trả lời khác. Trả lời: Câu hỏi của ngươi vượt ngoài giới hạn. Không thể nào nắm được phạm vi của câu hỏi. Đời sống phạm hạnh là để hòa nhập vào Niết-bàn, nhắm vào Niết-bàn, chấm dứt trong Niết-bàn. Nếu muốn, ngươi có thể đến đức Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này. Những gì đức Thế Tôn giải đáp, hãy như vậy mà thọ trì.
Trong bản P có ba câu hỏi không có trong C. Đó là câu 12, 13,14
P12: Hỏi: Có bao nhiêu loại hành? Đáp: Có ba loại hành: thân hành, ngữ hành, ý hành.
P13: Hỏi: Gì là thân hành, gì là ngữ hành, gì là ý hành? Đáp: Thở vô thở ra là thân hành; tầm tứ là ngữ hành; tưởng và thọ là ý hành.
P14: Hỏi: Thế nào thở vô thở ra là thân hành? Thế nào tầm tứ là ngữ hành? Thế nào tưởng và thọ là ý hành? Đáp: Thở vô thở ra thuộc về thân, liên hệ đến thân, nên gọi là thân hành. Trước hết phải suy nghĩ, tức là tầm và tứ, rồi người ta mới nói thành lời, cho nên tầm tứ thuộc về ngữ hành. Thọ và tưởng là những yếu tố tâm lý, là những pháp liên hệ đến tâm nên gọi là ý hành.
III. Cuộc đàm thoại được thuật lại với đức Phật:
C: "Rồi tín nữ Tỳ Xá Khư sau khi nghe Tỳ-kheo ni Pháp Lạc nói pháp, sau khi khéo thọ trì, nắm vững, tụng thuộc và khéo tu tập, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới chân Tỳ-kheo ni Pháp Lạc, nhiễu quanh bà ba vòng rồi ra đi. Tỳ-kheo ni Pháp Lạc, sau khi tín nữ Tỳ Xá Khư đi không bao lâu, liền đến đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân đức Phật, ngồi xuống một bên và tường thuật với Ngài toàn thể cuộc đàm thoại với tín nữ Tỳ Xá Khư. Bà chắp tay hướng về đức Phật mà nói, bạch đức Thế Tôn con đã nói như vậy, đã trả lời như vậy. Con có xuyên tạc lời của đức Thế Tôn không? Con có nói đúng pháp không, con có nói phù hợp với pháp không? Y cứ vào pháp, có điểm nào trong lời nói của con trái ngược với pháp, có gì đáng chất vấn, có gì lỗi lầm không? Đức Thế Tôn trả lời: 'Này Tỳ-kheo, những gì ngươi đã nói, những gì ngươi trả lời, không phỉ báng ta. Ngươi đã nói đúng pháp, phù hợp với pháp, không có gì trái ngược, không có gì đáng chất vấn, không có gì lầm lỗi. Nếu tín nữ Tỳ Xá Khư dùng câu như vậy, lời như vậy đến hỏi ta, ta cũng sẽ dùng nghĩa như vậy, câu như vậy, lời như vậy để giải đáp cho tín nữ Tỳ Xá Khư. Ý nghĩa này là những gì ngươi đã nói. Ngươi nên thọ trì trong tâm. Vì sao? Vì lời này phù hợp với ý nghĩa.' "
P: Không giống hẳn. Ở đây bản P chỉ nói Visàkha hoan hỷ tín thọ lời Tỳ-kheo ni Dhammadinnà và cám ơn bà. Trong bản P, chính nam cư sĩ Visàkha đi đến Phật thuật lại cuộc đàm thoại với ngài. Bản P chỉ nói rằng Phật khen Tỳ-kheo ni Pháp Lạc là đa văn, có đại trí tuệ, và Ngài nói rằng nếu nam cư sĩ đi đến Ngài mà hỏi những câu ấy, Ngài cũng sẽ trả lời y như Tỳ-kheo ni Dhammadinnà đã trả lời. Rồi Ngài khuyên Visàkha thọ trì ý nghĩa ấy.
E. Phần kết
C: Đức Phật nói như vậy. Tỳ-kheo ni Pháp lạc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe lời đức Phật, hoan hỷ phụng hành.
P: Nam cư sĩ Visàkha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:25:11 GMT -5
NC39 C133: Ưu bà lợi kinh
P56: Kinh Upàli
A. Toát yếu kinh C
C: Trường Khổ Hạnh đàm luận với đức Phật, trong đó ông trình bày lý thuyết của Kiền Tử về hình phạt và vai trò nổi bật của thân phạt trong bất cứ hành vi quấy nào. Ngược lại đức Phật trình bày lý thuyết của Ngài về nghiệp và vai trò nổi bật của ý nghiệp trong bất cứ hành vi quấy nào. Trường Khổ Hạnh thuật lại cuộc đàm thoại với Kiền Tử khi có mặt gia chủ Upàli. Khi ấy Upàli được Kiền Tử chấp thuận cho đi đến phản bác quan điểm của đức Phật. Nhưng đức Phật, bằng vài ví dụ, đã cảm hóa được Upàli theo lý thuyết của Ngài, và ông trở thành đệ tử Ngài. Sau đó Upàli trở về công bố đức tin mới của ông, từ bỏ niềm tin cũ đối với Ni Kiền. Kiền Tử, sau khi nghe tin này, đã đích thân đến nhà Upàli, và khi được ông ta cho biết ông đã cải đạo, Kiền Tử đã hộc máu nóng và chết tại Pàvà sau đó.
P : Gần giống nhưng bỏ cái chết của Kiền Tử.
B. Nhan đề kinh
C: Ưu bà lợi kinh, bản kinh nói về Ưu Ba Ly, một người trước đây là đệ tử của Ni Kiền, sau trở thành đệ tử đức Phật.
P: Kinh Upàli, giống như C.
C. Nơi thuyết kinh
C: Na Lan Đà, trong rừng Pàvàrikamba.
P: Nàlandà, Pàvàrikambavana.
D. Nội dung kinh
I. Cuộc đàm thoại giữa Trường Khổ Hạnh và đức Phật:
C: Trường Khổ Hạnh đi đến nơi đức Phật, trao đổi với Ngài và ngồi qua một phía. Đức Phật hỏi ông: "Có bao nhiêu hành vi Ni Kiền Tử chủ trương để diệt trừ ác nghiệp?" Trường Khổ Hạnh trả lời rằng Kiền Tử không nói hành vi để diệt trừ ác hành mà nói phạt. Rồi ông tiếp tục giải thích có ba loại hình phạt, thân phạt, ngữ phạt và ý phạt, ba loại không giống nhau, và thân phạt có vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ tội ác. Khi ấy đức Phật trình bày lý thuyết của Ngài về nghiệp để diệt trừ tội ác, về ba loại nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; mà ý nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự diệt trừ tội ác. Đức Phật và Trường Khổ Hạnh đều nhắc lại ba lần chủ trương của mình; rồi Trường Khổ Hạnh bỏ đi.
P: Gần giống; thêm: Phật nói với Trường Khổ Hạnh: "Có chỗ ngồi; nếu muốn, mời ông hãy ngồi." Rồi Trường Khổ Hạnh lấy một ghế thấp và ngồi xuống. Câu hỏi của đức Phật ở đây hơi khác: "Có bao nhiêu nghiệp Ni Kiền Tử chủ trương, trong sự diễn tiến ác hành, trong sự thực thi tội ác?" C: phạt = P: danda (roi). C: thân phạt đóng vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ ác hành = P: thân phạt sản sanh nhiều phi công đức hơn. C: ý phạt đóng vai trò quan trọng trong việc diệt trừ ác nghiệp = P: ý phạt đóng vai trò quan trọng trong việc diễn tiến ác nghiệp. Giải thích của C gần với quan điểm Kỳ na giáo hơn.
II. Trường Khổ Hạnh thuật lại với Kiền Tử, và Ưu Ba Ly xin đi luận chiến với đức Phật:
C: Trường Khổ Hạnh thuật lại toàn bộ cuộc đàm thoại với Kiền Tử, ông này khen như sau: "Tốt lắm, tốt lắm, ông đã làm tròn phận sự đệ tử đối với bậc đạo sư. Ông là người có hành động thông minh, khôn ngoan, có quyết định chắc chắn, bảo đảm, vô úy, đã đạt đến tự chủ, một người biện luận đại tài, người đã có được cây cờ vinh quang, đã đạt đến cảnh giới bất tử và trú trong đó. Vì sao? Vì ông đã trình bày cho Sa-môn Cồø Đàm thấy rằng, thân phạt đóng vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ ác hành, trong sự không làm ác hành. Ngữ phạt không như vậy. Ý phạt là phần yếu kém nhất. Ngữ phạt và ý phạt không thể so sánh với thân phạt, cái mạnh nhất."
Khi ấy Upàli đang ở trong chúng hội cùng với 500 gia chủ. Ông chắp tay hướng về Kiền Tử và hỏi Trường Khổ Hạnh, có phải ông ta thực đã ba lần làm cho Sa-môn Cồ Đàm xác định vấn đề ấy. Khi Trường Khổ Hạnh trả lời phải, Upàli nói rằng ông ta có thể đè bẹp Sa-môn Cồø Đàm trong vấn đề này, lôi đi xềnh xệch. Rồi Upàli đưa ra bốn (?) ví dụ chỉ rõ ông sẽ lôi kéo Sa-môn Cồ Đàm trong cuộc tranh luận như thế nào: như một người mạnh nắm lấy bờm một con cừu đực mà lôi kéo thỏa thích; như một người mạnh nắm một tấm áo lông cừu, đập nó để giũ bụi; như một con voi chúa 60 tuổi, có ngà lớn, chân và thân khỏe mạnh, được một người đem đi tắm, rửa mông, lưng, bụng, vòi, đầu, và cho nó chơi trong nước. Kiền Tử tin tưởng Upàli sẽ thành công trong cuộc bài bác Sa-môn Cồ Đàm và giục ông ta ra đi. Nhưng Trường Khổ Hạnh lo sợ hậu quả của cuộc đàm thoại này và nói: "Sa-môn Cồø Đàm biết một chú thuật để dụ dẫn người ta trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, tín đồ nam nữ cư sĩ. Tôi sợ rằng gia chủ Upàli sẽ bị Sa-môn Cồ đàm dụ dỗ và trở thành đệ tử của ông ta." Ba lần Trường Khổ Hạnh bày tỏ nỗi lo sợ của ông, cả ba lần Kiền Tử trấn an bảo rằng, có thể có chuyện Sa-môn Cồø Đàm trở thành đệ tử của Upàli, nhưng không thể có chuyện Upàli thành đệ tử Cồ Đàm. Cuối cùng ông ta để cho Upàli đến thách đấu với đức Phật. Gia chủ Upàli đảnh lễ dưới chân Kiền Tử, đi quanh ông ta ba vòng, rồi ra đi.
P: Gần giống. Ni Kiền Tử khen ngợi Trường Khổ Hạnh như sau: "Lành thay, lành thay, Trường Khổ Hạnh đã trả lời Sa-môn Cồø Đàm. Đấy là một đệ tử đa văn, đã khéo hiểu giáo lý của bậc thầy mình. Làm sao một ý phạt nhỏ nhoi có thể bì kịp thân phạt to lớn? Quả thế, thân phạt đáng trách hơn, trong việc diễn tiến, thi hành việc ác. Ý phạt và ngữ phạt không bằng." Trong bản P, Upàli lập lại lời khen của Kiền Tử đối với Trường Khổ Hạnh và bày tỏ ý muốn đi thách đấu với đức Phật. Bốn ví dụ không giống nhau hẳn. Ví dụ thứ nhất cũng như trong bản C. Ví dụ thứ hai khác: "Như một người làm việc trong quán rượu nhúng một chiếc chiếu lớn trong một cái hồ sâu, cầm lấy bốn góc mà kéo." Ví dụ thứ ba cũng không giống: "Như một người chủ quán rượu mạnh mẽ, nắm lấy một góc của đồ lọc mà lắc qua lắc lại." Ví dụ thứ tư nói đến một con voi 60 tuổi, nhào vào trong một ao sâu và chơi trò phun nước. Sự lo sợ của Trường Khổ Hạnh giống nhau trong hai bản.
III. Sự đàm thoại giữa Upàli và đức Phật:
1) Sự gặp gỡ giữa Upàli và đức Phật:
C: Rồi Upàli đi đến nơi đức Phật, trao đổi lời chào hỏi với Ngài, ngồi qua một bên và khởi sự hỏi về câu chuyện giữa Trường Khổ Hạnh và đức Phật. Khi biết được đề tài cuộc đàm thoại, Upàli lập lại lời ca tụng mà ông đã thốt lên để ca tung Trường Khổ Hạnh trước đấy. Khi ấy đức Phật hỏi Upàli, nếu ông sẵn sàng muốn thảo luận để tìm hiểu chân lý, thì đức Phật cũng sẽ sẵn sàng để nói chuyện với ông. Upàli chấp thuận và cuộc đàm thoại bắt đầu.
P: Gần giống. C: trao đổi sự chào hỏi = P: bhagavantam abhivàdetvà.
2) Luận cứ của đức Phật:
Ví dụ 1: C1 = P2:
C: Giả sử có một người theo phái Ni Kiền đến, người ấy thích bố thí, hoan hỷ trong hạnh bố thí, không ham chơi đùa giải trí, tuyệt đối trong sạch và luôn luôn hành trì chú thuật. Nếu trong khi đi qua đi lại, người ấy giết rất nhiều sinh vật lớn nhỏ, sự sát sinh này có đem lại quả báo cho người ấy không? Upàli đáp: "Nếu người ấy cố ý giết, thì là một trọng tội; nhưng nếu người ấy làm một cách vô ý thức thì không phải là trọng tội." Khi ấy đức Phật bảo Upàli hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời, vì những gì ông vừa nói trái ngược với những gì ông nói trước, những gì ông nói trước trái ngược với những gì ông vừa nói, trong khi Upàli đã hứa giữa chúng hội là sẽ thảo luận y cứ trên sự thật.
P: Bản P cũng nói một Ni Kiền Tử được chế ngự trong bốn cách chế ngự, nghĩa là, từ bỏ tất cả các loại nước chưa đun sôi, chỉ sử dụng nước đã đun sôi (hoặc đã từ bỏ tất cả ác hành), đã tránh tất cả ác hành, đã thực hiện tất cả sự chế ngự. Ni kiền tử ấy trong lúc đi lui đi tới, giết nhiều sinh vật nhỏ. Phần còn lại giống nhau. Ở đây bản P thêm : "Ý hành này thuộc về hình phạt nào?", và khi Upàli trả lời nó thuộc về ý phạt, đức Phật bảo ông phải suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời. Bản P thêm Upàli bảo, mặc dù đức Thế Tôn có nói gì, đối với ông ta thân phạt vẫn đáng trách hơn, trong sự diễn tiến và thực thi các việc ác.
Ví dụ 2: C2 = P1:
C: Nếu có một Ni Kiền đi đến, chỉ uống nước sôi, kiêng cử nước lạnh. Trong khi cần uống nước lạnh vì không có nước sôi, ông đã chết vì kiêng nước lạnh. Nơi tái sinh của ông ta sẽ là chỗ nào? Upàli trả lời, có một cõi trời gọi là "Ý trước". Nếu Ni Kiền ấy chết vì tâm ý còn ràng buộc, ông ấy sẽ được tái sinh trong cõi trời ấy. (Phần còn lại về lời cảnh cáo của Phật cũng như trong ví dụ thứ nhất).
P: Gần giống. Bản P thêm rằng Ni Kiền Tử ấy bị đau nặng. C: Ý trước = P: Manosattà. Phần còn lại cũng như trước.
Ví dụ 3: C3 = P3:
C: Giả sử có một người cầm một con dao. Người ấy nói ông muốn giết trong một ngày tất cả dân chúng thành Na Lan Đà, làm chúng biến thành một khối thịt, một đống thịt. Phật hỏi Upàli, người ấy có thể làm được như ý muốn không? Upàli trả lời không thể, vì Na Lan Đà là một nơi phồn thịnh đông dân cư, người ấy chỉ có nhọc xác một cách vô ích, không thể nào giết hết dân chúng của Na Lan Đà, biến chúng thành một khối thịt. Rồi đức Phật hỏi, nếu một Sa-môn, Bà-la-môn đến, người này có đại thần lực, vị ấy có thể do một tâm sân hận, biến toàn tỉnh Na Lan Đà ra tro hay không? Upàli trả lời, không chỉ một Na Lan Đà mà đến hai, ba, bốn Na Lan Đà, người ấy cũng có thể làm ra tro tất cả các xứ sở và dân chúng, với một tâm sân hận. Ở đây Upàli cũng được đức Phật cảnh cáo như trong ví dụ trước.
P: Gần giống, nhưng với nhiều chi tiết hơn. Nó thêm: "Trong một phút chốc, trong một giây lát. Không những một người mà 20, 30, 40, 50 người cũng không thể nào giết hết được dân chúng thành Na Lan Đà, biến chúng thành một đống thịt". Về trường hợp một Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông lực, bản P cũng gần giống, nhưng thêm: Sa-môn, Bà-la-môn ấy không chỉ làm cho một thành Na Lan Đà mà 10, 20, 30, 40, 50 Na Lan Đà hóa thành tro bụi với một tâm sân hận.
Ví dụ 4: C4 = P4:
C: Đức Phật hỏi Upàli, ông có nghe về nơi hoang vu lớn, rừng con sơn dương lui tới, nơi vắng vẻ của những con nai, nơi thanh bình, nơi rừng hoang, đã trở thành rừng hoang vắng vẻ? Khi Upàli trả lời có, đức Phật hỏi Upàli, ai đã làm cho những nơi vắng vẻ ấy trở thành nơi vắng vẻ? Upàli giữ im lặng, đức Phật thúc giục ông ta phải trả lời vì không phải là lúc giữ im lặng, và vì ông ta đã hứa thảo luận căn cứ trên sự thật. Upàli sau một lúc im lặng đã trả lời rằng, không phải vì ông ta muốn giữ im lặng, mà vì ông ta đang nghĩ đến một chuyện. Ông đang nghĩ rằng, Ni Kiền thật điên rồ và ngu si, không biết gì cả, đã lừa dối mình một thời gian dài, đã giục mình đi đến Sa-môn Cồø Đàm để trình bày vai trò ưu thắng của thân phạt trong sự không làm ác nghiệp. Nhưng nhờ đàm thoại với Sa-môn Cồ Đàm, ông ta đã vỡ lẽ rằng, do một tâm niệm sân hận của các vị trời, mà những nơi hoang vu này lại trở thành hoang vu.
P: Không giống. Cũng câu hỏi được Phật đặt ra cho Upàli, nhưng ở đây bốn khu rừng tên là Dandaka, Kàlinga, Mejjha và Màtanga trở thành khu rừng vì một tâm niệm giận dữ của các vị có thần thông trong rừng ấy. Phần còn lại cũng giống như trong ví dụ thứ nhất.
III. Upàli theo đức Phật:
1) Upali quy y Tam bảo lần thứ nhất:
C: Upàli bạch đức Phật rằng, bây giờ ông đã hiểu, đã biết, và ông công bố xin quy y Tam bảo, xin đức Phật nhận ông làm một đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến lúc mạng chung.
P: Ở đây Upàli trả lời rằng, ngay từ ví dụ đầu tiên, ông đã thỏa mãn với lời giải thích của Phật, nhưng ông giả vờ đóng vai chống đối Ngài để được nghe thêm nhiều giải thích khác nhau của Phật. Rồi ông ca tụng sự giải thích của Phật là kỳ diệu, tuyệt hảo như thường lệ, và công bố xin quy y Tam bảo, xin đức Phật nhận ông làm cư sĩ.
2) Quy y Tam bảo lần thứ hai:
C: Đức Phật khuyên Upàli hãy giữ im lặng, đừng công bố ồn ào vì bậc thượng nhân xem sự yên lặng là thù thắng. Upàli sau khi nghe lời khuyên này lại càng hoan hỷ hơn nữa, càng hài lòng với đức Thế Tôn, vì nếu ông ta xin làm đệ tử các Sa-môn, Bà-la-môn khác, họ sẽ trương cờ lọng ra mà công bố cho toàn thể Na Lan Đà biết là ông đã thành đệ tử của họ. Nhưng đức Phật lại khuyên ông giữ im lặng, đừng công bố gì cả. Rồi Upàli lại tuyên bố rằng từ nay trở đi, ông sẽ không để cho Ni Kiền vào nhà ông, ông chỉ mời bốn chúng đệ tử của đức Thế Tôn, nhưng đức Phật bảo Upàli rằng, Ni Kiền từ lâu đã được ông cùng gia đình tôn trọng, cung kính, nên bây giờ nếu họ đến, ông phải cho họ chút gì tùy theo khả năng của ông. Sau khi nghe lời khuyên ấy, Upàli bảo rằng, ông lại càng hoan hỷ và hài lòng với đức Thế Tôn hơn nữa, vì trước đây ông đã nghe nói đức Thế Tôn tuyên bố chỉ nên bố thí cho ngài và các đệ tử của Ngài mới có công đức lớn; bố thí cho người khác và đệ tử của người khác sẽ không đem lại công đức lớn. Khi ấy đức Phật dạy Ngài chưa bao giờ nói vậy, những gì Ngài thật sự nói ra là, nên bố thí cho tất cả mọi người tùy theo ý thích của mình. Bố thí cho những người không tinh tấn sẽ không đem lại quả báo lớn; bố thí cho những người có tinh tấn sẽ mang lại quả báo lớn. Khi ấy Upàli nói rằng, ông thề không làm gì cả, ông biết nên cho hay không nên cho các Ni Kiền. Rồi lần thứ hai ông công bố xin quy y Tam bảo và xin Phật nhận ông làm cư sĩ.
P: Không giống, ở đây đức Phật không khuyên Upàli nên giữ im lặng, mà khuyên ông trước khi làm gì hãy suy nghĩ kỹ. Khi nghe lời khuyên ấy Upàli tuyên bố ông càng hoan hỷ với đức Thế Tôn hơn nữa, vì nếu ông trở thành đệ tử người khác, họ sẽ trương cờ lên mà công bố cho toàn thể Nàlandà biết Upàli là đệ tử của họ. Ở đây bản P nói ngay rằng, Upàli xin quy y Tam bảo lần thứ hai, xin được làm đệ tử. Phần còn lại trong đoạn này ở bản C được để vào đoạn sau ở bản P.
3) Quy y Tam bảo lần thứ ba:
C: Rồi đức Thế Tôn thuyết pháp cho Upàli, khuyên bảo, làm cho ông phấn chấn, hoan hỷ, dùng nhiều cách để giảng pháp cho ông. Sau khi khuyên bảo, khích lệ, làm cho ông hoan hỷ, đức Phật giảng pháp theo cách mà chư Phật lần đầu tiên thuyết chánh pháp, làm cho người nghe hoan hỷ, như pháp thoại về bố thí, về giới, về sự sanh lên cõi trời, quở trách dục vọng đầy nguy hiểm, quở trách sinh tử là bất tịnh, ca tụng sự ly dục là thù thắng, chánh đáng và trong sạch. Đức Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho ông như vậy, biết rằng tâm của Upàli được hoan hỷ, thỏa mãn, mềm mại, nhu nhuyến, được nâng cao, được nhất tâm, hết hoài nghi, hết chướng ngại, có thể đón nhận diệu pháp một cách mạnh mẽ. Rồi giống như chư Phật thuyết giảng tinh túy chân chính của Pháp, đức Thế Tôn giảng cho Upàli về khổ, nguồn gốc khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ. Như một tấm lụa trắng (?) có thể ăn màu nhuộm dễ dàng, Upàli ngay tại chỗ ngồi, đã thấy được bốn chân lý cao cả khổ, tập, diệt, đạo. Thế là Upàli thấy pháp, được pháp, thực chứng pháp bạch tịnh, diệt trừ hoài nghi, vượt qua do dự, không có ai hơn ông, không còn lung lay, đã trú trong sự chứng quả, trở nên vô úy đối với pháp của đức Thế Tôn. Rồi Upàli đứng lên khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ đức Thế Tôn và lần thứ ba ông xin quy y Tam bảo, xin Phật nhận ông làm đệ tử.
P: Lý do thúc đẩy Upàli xin quy y lần thứ ba cũng giống như lý do được đặt ở đoạn trước trong bản C. Bản P bỏ lời tuyên bố của Upàli rằng, từ nay trở đi không sẽ không cho Ni Kiền Tử nào vào nhà ông, và chỉ đón tiếp bốn hạng đệ tử của đức Phật. Ở đây đức Phật khuyên Upàli nên bố thí cho các Ni Kiền Tử vì từ lâu gia đình ông đã giúp đỡ cho họ. Lời khuyên này làm cho Upàli càng hài lòng, hoan hỷ với đức Thế Tôn, vì ông đã nghe nói Sa-môn Cồ Đàm bảo rằng chỉ nên bố thí cho Ngài và đệ tử của Ngài, đừng bố thí cho người khác và đệ tử người khác; sự bố thí cho Ngài và đệ tử của Ngài sẽ có quả báo lớn; bố thí cho người khác và đệ tử người khác không đem lại quả báo lớn. Ở đây bản P bỏ lời phủ nhận của đức Phật. C: Upàli thề không làm gì cả, ông biết nên bố thí hay không nên bố thí cho các Ni Kiền = P: Upàli nói ông biết thời để làm việc ấy. Trong bản P, sau khi Upàli quy y Tam bảo lần thư ba, đức Phật thuyết pháp cho ông. Bản P bỏ: "Đức Thế Tôn khuyên bảo, làm cho ông phấn chấn, hoan hỷ....thuyết pháp cho ông." C: Phật giảng pháp theo cách mà chư Phật lần đầu tiên giảng diệu pháp, làm hoan hỷ những người nghe = P: Phật thuyết pháp theo thứ tự. C: như là pháp thoại về bố thí...thù thắng, chánh đánh và trong sạch = P: như là câu chuyện về bố thí, về giới, về cõi trời, về nguy hiểm của dục lạc, sự hạ liệt, ô nhiễm của nó; và về lợi lạc của xuất ly. C: Đức Thế Tôn sau khi giảng pháp cho ông như vậy, biết tâm Upàli đã được hoan hỷ, hài lòng, mềm mại, dễ sử dụng, nâng cao, nhất tâm, hết hoài nghi, hết chướng ngại, có thể mạnh mẽ tiếp nhận chánh pháp = P: Khi đức Thế Tôn biết tâm Upàli đã sẵn sàng, nhu nhuyến, hết chướng ngại, sung sướng, hoan hỷ. C: Như chư Phật đã giảng tinh yếu chân chính của Pháp, đức Thế Tôn cũng giảng về khổ, tập, diệt, đạo = P: Rồi Ngài giảng cho Upàli các pháp mà các bậc giác ngộ đã khám phá: khổ, tập, diệt, đạo. C: Như một tấm lụa trắng sẽ ăn màu một cách dễ dàng, ngay tại chỗ Upàli thấy được chân lý khổ, tập, diệt, đạo. Như vậy Upàli thấy pháp, được pháp, chứng ngộ pháp bạch tịnh, diệt trừ hoài nghi, vượt qua do dự, không có ai hơn, không còn do dự, đã an trú trong sự chứng ngộ quả, trở thành vô úy đối với pháp của đức Thế Tôn = P: Như một tấm vải sạch không còn vết đen, sẽ ăn màu nhuộm dễ dàng, cũng vậy gia chủ Upàli ngay tại chỗ ngồi, khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu : "Cái gì phải bị sinh thì cũng phải bị diệt." Như vậy gia chủ Upàli đã thấy pháp, đã chứng pháp, đã biết pháp, đã đi sâu vào pháp, đã vượt qua hoài nghi, đã tẩy trừ sự do dự, đã đạt đến tịnh trí trong giáo lý của đấng đạo sư mà không cần người khác dẫn dắt. Ở bản C, sự chứng đắc của Upàli khiến ông công bố lời xin quy y Tam bảo lần thứ ba, nhưng ở bản P chỉ nói rằng Upàli thưa Thế Tôn, ông còn có nhiều việc phải làm.
IV. Upàli dặn dò người gác cổng - Kiền Tử đến thăm và thái độ của Upàli:
1) Upàli dặn dò người gác cổng:
C: Upàli sau khi đã khéo thọ trì lời dạy của đức Thế Tôn, cúi đầu dưới chân Phật, nhiễu quanh Ngài ba vòng, rồi về nhà. Tại đây ông bảo người gác cổng, bây giờ ông đã thành đệ tử của đức Thế Tôn, và từ nay trở đi, không được cho phép các Ni Kiền vào nhà ông. Chỉ có bốn hạng đệ tử của đức Phật được vào nhà, nếu các Ni Kiền đến, người gác cổng nên bảo họ đứng chờ bên ngoài cổng và hãy mang đồ ăn ra cho họ.
P: Gần giống. Trong khi bản C sử dụng một danh từ chung là Ni Kiền, bản P còn thêm các Ni Kiền nam và nữ.
2. Sự viếng thăm của Kiền Tử:
C: Tin tức về thái độ của Upàli đến tai Trường Khổ Hạnh; ông này đi đến Kiền Tử, thuật lại vấn đề cho ông ta và phàn nàn rằng, giáo chủ đã không để ý đến lời cảnh cáo của ông ta, nhưng Kiền Tử vẫn không tin mẩu tin ấy, vẫn nói rằng không thể nào có chuyện Upàli trở thành đệ tử Sa-môn Cồ Đàm, mà Sa-môn Cồ Đàm trở thành đệ tử Upàli thì có. Rồi ông sai Trường Khổ Hạnh đi đến nhà Upàli để thăm dò sự việc tận mắt. Trường Khổ Hạnh đi đến nhà Upàli, khám phá tiếng đồn là chân thật và về thuật lại cho Kiền Tử, nhưng Kiền Tử vẫn không tin. Ông cùng 500 đồ chúng đi đến nhà Upàli, gặp người gác cổng và người này đã thuật lại cho ông lời dặn dò của Upàli. Kiền Tử nói rằng ông không đến xin đồ ăn mà muốn gặp Upàli. Khi ấy người gác cổng bảo Kiền Tử hãy đợi ngoài cổng, để ông ta vào báo tin cho Upàli biết có Kiền Tử đến thăm.
P: Gần giống, với vài dị biệt nhỏ. Trong khi bản C nói một đám đông 500 Ni Kiền, bản P chỉ nói một số lớn Ni Kiền Tử, còn lại cũng giống nhau, với những dị biệt đã thấy ở trước.
3) Thái độ của Upàli và phản ứng của Kiền Tử:
a) Cách đón tiếp của Upàli:
C: Khi người gác cổng báo tin cho Upàli biết có Kiền Tử đem 500 đồ chúng đến thăm, Upàli ra lệnh cho gác cổng sửa soạn chỗ ngồi trong đại sảnh ở giữa. Khi chỗ ngồi đã sẵn, Upàli đi vào tòa đại sảnh chính giữa, ngồi lên chỗ ngồi đẹp nhất, cao nhất, sạch nhất đã soạn sẵn, và bảo người gác cổng đi gọi Kiền Tử và đồ đệ vào. Ông nói: Tôn giả, có chỗ ngồi đó, nếu muốn, xin ngài cứ ngồi." Khi ấy Kiền Tử bảo Upàli tại sao ông cư xử như vậy, ngồi kiết già như một Sa-môn, không khác tí nào. Upàli trả lời rằng, ông có những đồ vật, nếu muốn bố thí ông sẽ bố thí, nếu không muốn bố thí ông sẽ không bố thí. Những ghế ngồi này của ông ta, nên ông bảo: "Có chỗ ngồi đấy, nếu ông muốn ngồi, xin hãy ngồi."
P: Gần giống, với vài dị biệt nhỏ. Bản P thêm rằng trước đấy, mỗi khi Nàtaputta đến, Upàli thường đi ra đón ông, và giành chỗ ngồi cao nhất, tốt nhất cho ông, rồi dùng thượng y của mình để phủi bụi chỗ ấy. Bản P bỏ lời khiển trách của Nàtaputta về Upàli cư xử như một Sa-môn và câu trả lời của Upàli.
b) Cuộc đàm thoại giữa Kiền Tử và Upàli:
C: Kiền Tử khiển trách Upàli đã bị Sa-môn Cồ Đàm chinh phục, mặc dù Upàli đã định chinh phục Cồ Đàm; cũng như một người đi vào rừng để được mắt mà khi trở về lại mất cả hai con mắt; hoặc như người khát nước đi đến hồ rồi lại trở về vẫn còn khát. Upàli dẫn một ví dụ để trả lời Kiền Tử. Giả sử có một Bà-la-môn có người vợ trẻ có bầu. Chị ta bảo người ấy ra chợ mua một món đồ chơi cho đứa con sắp sanh, người Bà-la-môn bảo, nàng hãy đợi cho đến khi sanh con, nếu nó là con trai, anh ta sẽ mua đồ chơi cho con trai; nếu nó là con gái, sẽ mua đồ chơi con gái, nhưng bà vợ trẻ năn nỉ ba lần, và ba lần Bà-la-môn cố lý luận với nàng. Nhưng vì quá yêu vợ, cuối cùng ông hỏi bà thích loại đồ chơi gì. Bà bảo ông đi mua một con khỉ nhỏ. Khi người chồng mua về một con khỉ con, bà không thích màu lông của nó nên bảo chồng đem nó đến thợ nhuộm nhuộm thành màu vàng và đập giũ cho bóng. Người thợ nhuộm nói với ngưòi chồng, con khỉ này có thể nhuộm vàng, nhưng không thể đập cho bóng láng. Rồi ông đọc một bài kệ:
"Con khỉ có thể ăn màu nhuộm, nhưng không thể bị đập;
Nếu bị đập, nó sẽ chết; rốt cuộc không thể nào đập nó.
Cái túi đựng những đồ bất tịnh này có mùi thối;
Con khỉ đầy những bất tịnh.
Cũng thế lý thuyết Ni Kiền không thể chịu đựng nổi sự tra tầm, không thể được đem ra nghiền ngẫm và quán sát.
Nó có thể nhuộm kẻ ngu nhưng không bậc trí."
Khi ấy Upàli ví giáo lý của Phật như một tấm vải hàng Ba La Nại có thể ăn màu nhuộm đẹp nhất, mà cũng có thể đập cho bóng láng. Giáo lý của đức Như lai có thể chịu đựng sự tra tầm, có thể được nghiền ngẫm và quán sát. Nó có thể nhuộm (ảnh hưởng đến) bậc trí, nhưng không thể nhuộm người ngu.
P: Không giống hẳn. Nó thêm Nàtaputta gọi Upàli là đã điên rồ, ngu si khi bị vướng vào cuộc tranh luận lớn lao ấy. Ví dụ thứ nhất không giống. Nó nói đến một người làm nghề đi hoạn súc vật (andàhàrako?) và trở về chính mình lại bị hoạn. Ví dụ thứ hai giống ví dụ đầu trong bản C. Ví dụ về Bà-la-môn và cô vợ giống bản C, nhưng được đặt sau lời cáo buộc của Nàtaputta rằng Upàli đã bị Sa-môn Cồ Đàm dụ dỗ, trong khi ở bản C thì đặt ở trước. Bản P thêm rằng, người chồng đã già, cao tuổi, và tên người thợ nhuộm là Rattapàni. C: đập nó, làm cho nó láng bóng = P: đập xung quanh và cả hai mặt cho thật láng. Trong bản P, người thợ nhuộm không dùng bài kệ để trả lời Bà-la-môn. Ông ta chỉ nói rằng nó có thể ăn màu nhuộm, nhưng không thể đập và làm cho bóng láng cả hai mặt. C: Lý thuyết của Ni Kiền không thể chịu đựng sự tra tầm, không thể được nghiền ngẫm và quán sát; nó có thể nhuộm kẻ ngu chứ không người trí = P: Lý thuyết của Ni Kiền Tử ngu si, chỉ có thể nhuộm người ngu chứ không bậc trí, nó không thể đứng vững trước sự tra tầm, không thể được làm cho bóng láng. Trong ví dụ hai, bản P nói đến cũng người Bà-la-môn ấy vào một lúc khác đem một cặp áo quần đến cho Rattapàni nhờ nhuộm và đập, làm cho láng, trong khi bản C nói đến một ví dụ riêng.
c) Một cáo buộc khác từ Kiền Tử:
C: Kiền Tử cáo buộc Upàli đã bị bùa chú của Sa-môn Cồ Đàm dụ dỗ. Upàli trả lời rằng thần chú của Cồ Đàm thật tốt đẹp, vô cùng tốt đẹp, nó sẽ làm cho cha mẹ ông ta, vợ con, tôi tớ của ông ta, vua của xứ Na Lan Đà và tất cả chúng sinh trong những thế giới với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn và Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên sẽ được thần chú dụ dỗ này làm cho hạnh phúc, an ổn và lợi lạc lâu dài.
P: Gần giống. C: bị thần chú dụ dỗ của Sa-môn Cồ Đàm dụ = P: bị dụ dỗ bởi huyễn thuật của Sa-môn Cồ Đàm. C: rất tốt, vô cùng tốt đẹp = P: rất lành, rất thiện. Bản C nói, cha mẹ ông ta, vợ con, tôi tớ của ông ta, vua của xứ Na Lan Đà và tất cả chúng sanh trong các thế giới với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn và Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên = P: những huyết thống thân yêu, tất cả sát đế lợi và Bà-la-môn, thương gia, thợ thuyền, chúng sanh trong các cõi trời, cõi ma, cõi phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, trời và người.
Bài kệ của Upàli: xem ở trước, chương 7 (các bài kệ).
E. Phần kết
Ở đây bản C có phần kết thông thường, bản P không có.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:26:50 GMT -5
NC40 C14: La Vân kinh
P61: Giáo giới Ràhula ở rừng Ambàlatthika
A. Toát yếu kinh C
C: Phật hiển thị cho Tôn giả La Vân sự nguy hiểm của cố ý nói láo nơi một Tỳ-kheo, Ngài khuyên Tôn giả nên suy nghĩ kỹ trước khi làm một thân hành, ngữ hành và ý hành.
P: Gần giống.
B. Nhan đề kinh
C: La Vân kinh, kinh về La Vân, ám chỉ Tôn giả La Vân mà bản kinh này nhắm đến.
P: Giáo giới La Hầu La ở rừng Ambalatthika, bài kinh nói về sự răn dạy La Hầu La ở Am Bà, ám chỉ bài kinh do đức Phật giảng cho La Hầu La ở Am Bà.
C. Nơi thuyết kinh
C: Đức Phật ở Vương Xá thành, trong rừng trúc Ca Lan Đà. Ngài đi đến Tôn giả La Vân cũng ở thành Vương Xá, trong khu rừng suối nóng, và giảng kinh này cho ngài.
P: Cũng địa điểm trên. Nhưng ở đây Tôn giả Ràhula trú tại Ambalatthika.
Ghi chú: Ambalatthika là một vườn ngự uyển trên đường giữa Vương Xá và Nàlandà. (DPPN i, 158).
D. Nội dung kinh
1. Cuộc gặp gỡ giữa đức Phật và Tôn giả La Vân:
C: Đức Phật khi đêm đã tàn, vào sáng sớm, vào thành Vương Xá để khất thực. Sau khi ăn xong, Ngài đi đến rừng Suối nóng, nơi Tôn giả La Vân ở. Tôn giả La Vân trông thấy đức Phật từ xa đến, đi ra đón tiếp Ngài, cầm y bát của Ngài, trải tọa cụ, đi lấy nước rửa chân. Sau khi rửa chân, đức Phật ngồi trên chỗ ngồi của La Vân.
P: Ở đây đức Phật vào buổi chiều từ độc cư thiền định trở dậy, đi đến Ambalatthika, nơi Tôn giả Ràhula ở. Tôn giả Ràhula khi thấy Phật từ xa đến, soạn sẵn chỗ ngồi và nước cho ngài rửa chân. Đức Phật ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn và rửa chân, sau đó Tôn giả Ràhula đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống một bên.
2. Sự giáo giới thứ nhất:
C: Đức Thế Tôn lấy một ít nước còn lại trong chậu, hỏi La Vân có thấy chút nước ấy không? Khi Tôn giả La Vân đáp có, Phật bảo rằng hạnh sa môn cũng ít như vậy nơi một người cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không ân hận. Không có một ác hành nào mà người ấy không thể làm. Tôn giả phải học tập không được nói dối dù là nói để đùa chơi.
P: Gần giống. Ở đây đức Phật chỉ nói rằng, ít ỏi là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối không hổ thẹn, như chút ít nước còn lại.
3. Giáo giới thứ hai:
C: Sau khi đức Phật đổ chút ít nước ấy đi, Ngài hỏi La Vân có trông thấy chút ít nước ấy đã hoàn toàn bị quăng bỏ. Khi La Vân trả lời có, Phật dạy, hoàn toàn bị quăng bỏ như vậy là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối... dù là nói để đùa chơi.
P: Gần giống. Ở đây đức Phật nói đáng đổ đi là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối không biết hổ thẹn.
4. Giáo giới thứ ba và thứ tư:
C: Rồi đức Phật lật úp cái chậu và lật ngửa cái chậu, mỗi lần như vậy, Ngài bảo hạnh Sa-môn cũng bị lật úp lật ngửa như vậy nơi một người cố ý nói dối... dù là nói để đùa chơi.
P: Gần giống, với những nhận xét như trên. Sau lần giáo giới thứ tư, bản P thêm một giáo giới khác. Phật chỉ ra sự trống rỗng, trống không của cái chậu đã được lật ngữa, và công bố rằng trống rỗng, không ra gì, là hạnh Sa-môn của một người cố ý nói dối không biết hổ thẹn.
5. Giáo giới thứ năm:
C: Như một ông vua có một con voi lớn, khi con voi lâm trận, nó dùng hai chân trước, hai chân sau, đuôi, trán, lưng, mông, cổ, ...., tai, ngà, tất cả thân phần của nó để chiến đấu, nhưng nó bảo vệ cái vòi của nó. Khi ấy người quản tượng nghĩ rằng nó còn kể đến mạng sống của nó. Khi con voi sử dụng tất cả thân phần kể cả cái vòi để chiến đấu, thì người quản tượng nghĩ rằng con voi này không còn kể đến mạng sống của nó. Phật nói rằng con voi này khi lâm trận sẽ làm đủ mọi việc xấu xa. Cũng vậy, đối với một người cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không ân hận, đức Phật công bố rằng, không có hành vi xấu ác nào mà người ấy không thể làm.
P: Gần giống. Con voi được mô tả là ìsàdanto (có vòi dài như một cây sào), ubbùlhavà (khéo nuôi lớn), abhijàto (khéo sinh), sangàmàvacaro (khéo lui tới bãi chiến trường, thiện chiến) còn về các thân phần khác nhau mà con voi dùng khi lâm trận, bản P bỏ: trán, lưng, mông, cổ... nhưng thêm: phần trước của thân, phần sau của thân và cái đầu. C: con voi này còn kể đến mạng sống của nó = P: con voi này không vứt bỏ mạng sống của nó (apariccattam). Ở đây lời giáo giới của đức Phật cũng như trong bản C, nhưng bỏ: không hối hận, không biết hổ thẹn.
6. Bài kệ:
C: Bản C thêm một bài kệ do đức Phật nói liên hệ đến vấn đề này:
"Một người phạm một lỗi lầm là nói dối, Thì người ấy không sợ đời sau, không có điều ác nào nó không thể làm. Thà nuốt hoàn sắt nóng đỏ như lửa, Hơn là phạm giới mà nhận của bố thí của thế gian. Nếu một người sợ khổ, không ưa nghĩ đến khổ, thì không nên làm hành vi xấu xa, một cách bí mật hay công khai. Nếu bất thiện hành đã được làm, đang được làm, Thì cuối cùng người ta không thể thoát khỏi chúng, Và cũng không nơi nào trú ẩn khỏi chúng."
7. Suy nghĩ trước khi làm một thân hành, ngữ hành và ý hành:
a) Ví dụ tấm gương:
C: Phật hỏi Tôn giả La Vân tấm gương dùng để làm gì? La vân trả lời nó dùng để nhìn xem cái mặt của mình là sạch hay không sạch. Khi ấy Phật khuyên Tôn giả La Vân rằng, trước khi làm một thân hành nào, nên suy nghĩ xem thân hành ấy là trong sạch hay không trong sạch, là có lợi cho mình hay có lợi cho người khác không.
P: Gần giống, nhưng bỏ : "để nhìn xem cái mặt của mình sạch hay không sạch." Nó chỉ nói, "để nhìn vào trong đó". Lời khuyến cáo của đức Phật là: "Cũng vậy, sau khi suy nghĩ nhiều lần, thân hành, ngữ hành, ý hành ấy cần được làm."
b) Về thân hành:
(Xem phần trước, chương nói về nghiệp, kinh C14, và nói về giới luật tu sĩ) .
9. Một bài kệ:
(Xem phần trước, chương nói về các bài kệ).
E. Phần kết
Cả hai bản đều có phần kết thông thường, nhưng C thêm rằng, không những La Vân mà các Tỳ-kheo khác đều hoan hỷ trước lời dạy của đức Phật.
|
|
|
Post by TCTV on Jul 8, 2010 4:29:25 GMT -5
NC54 C132: Lại-tra-hòa-la kinh
P82: Kinh Ratthapàla
A. Toát yếu kinh C
C: Lại-tra-hòa-la sau khi nghe pháp của đức Phật giảng, muốn trở thành một Tỳ-kheo, nhưng Phật từ chối vì anh không được sự chấp thuận của cha mẹ. Anh trở về nhà và nhờ hăm dọa tuyệt thực cho đến chết, anh đã được cha mẹ đồng ý và trở thành một Tỳ-kheo đệ tử Phật. Chẳng bao lâu nhờ nỗ lực tinh cần, anh đã đắc quả A-la-hán. Khi ấy Lại-tra-hòa-la về nhà thăm cha mẹ, họ cố làm cho anh từ bỏ đời sống tu hành nhưng không thành công. Rồi Lại-tra-hòa-la gặp vua Chu-lai-po và giải thích cho vua những lý do anh đi tu.
P: Gần giống nhưng có vài dị biệt về chi tiết.
B. Nhan đề kinh
C: Lại-tra-hòa-la kinh, kinh nói về Lại-tra-hòa-la, chỉ thanh niên đã trở thành Tỳ-kheo ngược lại với ý muốn của cha mẹ.
P: Kinh Ratthapàla, cũng nói về một người ấy như ở kinh C.
C. Nơi thuyết kinh
C: Đức Phật ở nước Câu Lâu Sấu, trong làng Uất-lô-tra, trong vườn Bệ Đề Xá Hòa.
P: Đức Phật ở giữa dân chúng Kuru, trong thị trấn của người Kuru, tên gọi Thulakotthika.
D. Nội dung kinh
I. Bài pháp của đức Phật:
C: Đức Phật ở làng Uất-lô-tra, trong vườn Bệ Đề Xá Hòa, tiếng đồn lớn lan khắp mười phương về Sa-môn Cồ Đàm như sau: Sa-môn Cồ Đàm là đức Như lai, không chấp thủ, đã hoàn toàn và chân chánh giác ngộ, có minh và hạnh, bậc thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, bậc hàng phục được đạo và pháp, thầy của chư thiên và người, Phật, đấng che chở tất cả. Ở giữa thế gian này với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên, Ngài đã tự chứng với trí mình, chứng đạt và an trú. Ngài thuyết pháp khả ái ở chặng đầu, khả ái ở chặng giữa và khả ái ở chặng cuối, có nghĩa, có văn, hiển thị đời sống phạm hạnh hoàn toàn trong sạch. Được trông thấy Như lai, người không chấp thủ, bậc hoàn toàn và chân chánh giác ngộ, được đảnh lễ và cúng dường Ngài, sẽ đem lại công đức và lợi lạc nhanh chóng. Khi ấy các Bà-la-môn, gia chủ trong làng Uất-lô-tra đi đến nơi đức Phật, một số cúi đầu chào dưới chân đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số nói lên những lời hỏi thăm đức Phật và ngồi xuống một bên. Một số chắp tay hướng về đức Phật rồi ngồi xuống một bên. Một số từ xa trông thấy đức Phật, giữ im lặng rồi ngồi xuống. Rồi đức Phật bằng vô số phương tiện, đã thuyết pháp cho họ, làm cho họ hoan hỷ, phấn khởi, khích lệ họ. Rồi Ngài im lặng. Các Bà-la-môn, gia chủ của làng Uất-lô-tra sau khi được đức Phật làm cho hoan hỷ, phấn khởi, khích lệ, đã đứng dậy khỏi chỗ ngồi, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh Ngài ba vòng rồi ra về.
P: Gần giống. C: làng Uất-lô-tra = P: thị trấn Thullakotthika. Nó bỏ "trong vườn..." C: người hàng phục đạo và pháp (đạo pháp ngự) = P: purisadammasàrathi, bậc điều ngự những con người. C: đấng che chở tất cả = P: Thế Tôn, Bhagavà. C: sau khi đã tự chứng với trí mình, ngài chứng đạt và an trú = P: tự chứng với thắng trí. C: có nghĩa có văn = P: sàttham savyanjanam. C: được trông thấy đức Như lai, bậc không chấp thủ, bậc hoàn toàn và chân chính giác ngộ, được đảnh lễ cúng dường Ngài, sẽ đem lại công đức và lợi ích nhanh chóng = P: thật tốt lành để yết kiến một vị A-la-hán như vậy. Về các cách chào hỏi khác nhau, bản P thêm rằng, có người sau khi xưng tên, dòng họ, ngồi xuống một bên. Ở đây sự ra về của các Bà-la-môn, gia chủ, được đặt trong đoạn sau, không phải trong đoạn này.
II. Lại-tra-hòa-la xin trở thành Tỳ-kheo, và đức Phật từ chối:
C: Lại-tra-hòa-la vẫn ngồi lại, chờ khi các Bà-la-môn, gia chủ đi khỏi, anh ta đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đắp thượng y chừa một vai và bạch đức Phật rằng, theo như anh ta hiểu qua lời thuyết giáo của đức Phật, nếu anh vẫn làm một cư sĩ thì thật không thể nào sống đời phạm hạnh một cách viên mãn và trọn đời. Bởi thế anh xin đức Phật cho phép mình sống đời tu sĩ, được thọ giới làm Tỳ-kheo. Đức Phật từ chối vì anh chưa được cha mẹ đồng ý, và bảo anh phải về xin cha mẹ.
P: Gần giống. Bản P thêm một đoạn trong đó Ratthapàla suy nghĩ về quyết định của mình trước khi công bố với đức Phật.
III. Cha mẹ từ chối, Lại-tra-hòa-la tuyệt thực và nỗ lực của cha mẹ để khuyên từ bỏ tuyệt thực:
C: Lại-tra-hòa-la về nhà và xin cha mẹ cho phép sống đời xuất gia. Cha mẹ từ chối, nói rằng anh là đứa con trai duy nhất rất yêu quý của họ. Dù anh có chết, họ cũng không vứt đi được, thì làm sao họ có thể chịu nỗi việc không còn trông thấy anh lúc anh đang còn sống. Lại-tra-hòa-la lập lại lời cầu xin ba lần, nhưng cha mẹ vẫn từ chối. Anh bèn nằm xuống giữa nền nhà, không chịu đứng dậy, không ăn uống gì trong hơn bốn ngày. Cha mẹ năn nỉ anh đứng dậy, từ bỏ tuyệt thực, bảo rằng, thân thể của anh suốt đời đã quen với giường nệm êm ái, làm sao bây giờ không thấy đau khổ. Họ khuyên anh ta hãy đứng dậy, hãy làm một cư sĩ để bố thí, gieo trồng phước đức, vì con đường của đức Thế Tôn là khó nhất, và xuất gia học đạo cũng là khó nhất. Lại-tra-hòa-la vẫn im lặng. Khi ấy cha mẹ trước hết đi đến yêu cầu các bà con của họ và những quan chức lớn, kế đến yêu cầu những người nổi tiếng và có học vốn là bạn bè thân hữu của Lại-tra-hòa-la, để nhờ họ khuyên Lại-tra-hòa-la từ bỏ tuyệt thực. Họ đi đến nhưng cũng không thành công trong sứ mạng của mình. Khi ấy họ khuyên cha mẹ Lại-tra-hòa-la nên cho phép anh ta sống đời xuất gia, vì nếu anh ta được hạnh phúc trong đời sống xuất gia, họ còn có thể trông thấy anh trên đời, nhưng nếu anh không được hạnh phúc, anh chắc chắn sẽ chết và điều ấy không có lợi ích gì cả. Cha mẹ Lại-tra-hòa-la nghe lời khuyên ấy và bằng lòng cho Lại-tra-hòa-la xuất gia với điều kiện sau khi hoàn tất việc học pháp, hãy trở về thăm cha mẹ. Các bạn bè thân hữu đem lời chấp thuận của cha mẹ đến cho Lại-tra-hòa-la, anh vui mừng từ bỏ tuyệt thực và ăn uống lại như bình thường.
P: Gần giống. Ở đây cha mẹ Ratthapàla ngăn cản như sau: "Con là đứa con độc nhất của ta, hết sức yêu dấu, con đã quen sống trong tiện nghi, được săn sóc tử tế, không biết gì là đau khổ, con hãy ăn uống, thọ hưởng dục lạc, và làm các việc công đức. Chúng ta không bằng lòng cho con xuất gia, nếu con có chết, chúng ta cũng còn không muốn rời xa con, thì làm sao chúng ta có thể cho phép con xuất gia trong khi con đang còn sống." Ở đây bản P bỏ chi tiết Ratthapàla đã tuyệt thực hơn bốn ngày. Lời năn nỉ của cha mẹ, những phản đối của họ cũng gần giống nhau trong hai bản, ngoại trừ ở đây họ năn nỉ anh hãy đứng dậy. Bản P chỉ nói cha mẹ đi đến bạn bè thân hữu của Ratthapàla. Phần còn lại cũng giống nhau.
IV. Lại-tra-hòa-la xuất gia, chứng quả A-la-hán và trở về thăm cha mẹ:
C: Rồi Lại-tra-hòa-la đi đến đức Phật khi đã được cha mẹ cho phép, và đức Phật cho thọ giới làm Tỳ-kheo. Rồi đức Phật đi đến Xá Vệ, ở lại trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc. Sau khi xuất gia, Lại-tra-hòa-la sống độc cư, tinh tấn thiền định, đắc quả A-la-hán. Sau 9, 10 năm, Lại-tra-hòa-la nghĩ đến việc về thăm cha mẹ như đã hứa. Tôn giả đi đến đức Phật, cho biết quyết định của mình và đức Phật đã cho phép Tôn giả đi vì biết Tôn giả không thể nào trở lại đời sống thấp kém. Lại-tra-hòa-la trở về phòng, thu xếp chỗ nằm, cầm y bát tuần tự đi đến làng Uất-lô-tra, vườn Bệ Đề Xá Hòa. Rồi vào buổi sáng sớm, Tôn giả cầm y đi vào làng khất thực. Ông nghĩ rằng đức Thế Tôn đã ca tụng hạnh tuần tự khất thực, nên Tôn giả đi hết nhà này sang nhà khác và đến nhà cha mình. Lúc ấy người cha đang chải râu tóc, khi trông thấy Lại-tra-hòa-la, ông bảo: "Những Sa-môn trọc đầu này là bọn có hành động đen tối, không con cái, không dòng họ, những kẻ phá hoại gia đình ta, ta chỉ có một đứa con trai yêu dấu, ta vô cùng quyến luyến, thế mà chúng đã đem nó đi mất, cạo đầu cho nó. Nay không cho kẻ này một thứ gì để ăn cả." Thế là Lại-tra-hòa-la không nhận được của bố thí nào từ nhà cha mình, ngoại trừ những lời nguyền rủa. Khi ấy một nữ tỳ trong nhà đem một rỗ đầy thức ăn hôi thối ra đổ vào đống rác. Lại-tra-hòa-la trông thấy và yêu cầu cô đổ vào bát của mình. Trong khi nữ tỳ đổ thực phẩm vào bát khất thực, cô ta nhận ra ngài nhờ hai dấu hiệu: giọng nói và bàn tay, bàn chân. Rồi cô vào báo cho người cha. Khi được tin ông hết sức vui mừng, tay trái cầm áo, tay phải vuốt râu tóc, vội vàng đi đến nơi Lại-tra-hòa-la đang ngồi dựa vào bức tường để ăn thức ăn thiu. Người cha hỏi làm sao Lại-tra-hòa-la có thể ăn thực phẩm đã thối này, vì vốn có thân thể yếu đuối và đã quen với cao lương mỹ vị. Ông hỏi tại sao ngài không vào nhà cha mình khi đã đến làng này. Lại-tra-hòa-la trả lời rằng, ông có đến nhà cha mẹ nhưng không nhận được đồ bố thí, mà chỉ nhận lời nguyền rủa. Khi ấy người cha xin lỗi con trai, kính cẩn đưa ông vào nhà, trải chỗ ngồi và mời ông ngồi xuống. Sau đó ông báo tin cho người mẹ có con trai của họ đến, và bảo bà sửa soạn thức ăn. Bà vui vẻ chuẩn bị thức ăn, sai chất những đồng tiền thành một đống lớn giữa sân, lớn đến nỗi một người đứng bên này không thể thấy được người đứng bên kia. Rồi bà đi đến Lại-tra-hòa-la và nói, đống tiền này là phần của mẹ chia cho, còn phần của cha thì vô số, không thể đếm bằng hàng trăm hàng ngàn. Tất cả tiền này sẽ dành cho Lại-tra-hòa-la nếu ông từ bỏ học giới, từ bỏ đời sống xuất gia, trở về sống bố thí làm phước, vì theo đức Thế Tôn thật khó, sống đời tu sĩ tu theo pháp thật khó. Khi ấy Lại-tra-hòa-la khuyên mẹ hãy làm một túi vải mới, bỏ tất cả tiền này vào trong, chất lên xe đem đến sông Hằng để dìm sâu xuống nước. Vì chính do tiền này mà người ta cảm thọ sầu, bi, khổ, ưu, không có hạnh phúc. Mẹ Lại-tra-hòa-la biết phương pháp này không thể thuyết phục Lại-tra-hòa-la từ bỏ đời sống xuất gia; bà bèn đi đến những người vợ cũ của Lại-tra-hòa-la, bảo họ trang sức bằng chuỗi đeo cổ và đủ thứ y phục, đi đến Lại-tra-hòa-la ôm chân mà nói: "Có những tiên nữ nào có sắc đẹp hơn tôi hay sao mà vì họ ông đã bỏ nhà đi tu?" Những bà vợ theo lời khuyên ấy, nhưng Lại-tra-hòa-la gọi những người vợ cũ bằng chị và bảo rằng không phải vì một tiên nữ nào mà ông đi tu, ông chỉ đi tu vì muốn đạt đến Phật pháp, và bây giờ mục đích của ông đã thành đạt. Những bà vợ cũ đứng qua một bên, khóc mà bảo bây giờ ông lại gọi họ bằng chị. Tôn giả Lại-tra-hòa-la yêu cầu cha mẹ bố thí đồ ăn vì đã đến giờ, đừng quấy nhiễu ông nữa. Khi ấy cha mẹ đứng lên cung cấp nước rửa và tự tay phục vụ đồ ăn ngon lành cho Lại-tra-hòa-la. Sau khi ăn xong, Tôn giả thuyết pháp cho cha mẹ bằng nhiều cách, làm họ vui vẻ phấn chấn, hoan hỷ. Rồi ngài đứng lên khỏi chỗ mà đọc bài kệ sau:
"Hãy nhìn hình dáng được trang sức bằng châu ngọc và chuỗi đeo cổ, Với ngọc quấn vào tóc, lông mày kẻ màu tím, Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến bờ kia. Những màu sắc đẹp đẽ để trang hoàng cái thân hôi thối, Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến bờ kia. Với những mùi hương trét lên thân thể, Chân được sơn màu thổ hoàng, Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến bờ kia. Thân thể được khoác nhiều y phục đẹp lộng lẫy, Tấm thân phù du này, Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến bờ kia. Sau khi đã phá hủy các lưới bẫy để bẫy nai, Sau khi đã đập vỡ cánh cửa nhốt bầy nai, Tôi đã từ bỏ miếng mồi quyến rũ,
Làm sao tôi còn có thể tìm thấy hạnh phúc trong các trói buộc?" P: Không giống hẳn, sự xuất gia và đắc A-la-hán của Ratthapàla thì gần giống. Bản P thêm rằng đức Phật nửa tháng sau khi Ratthapàla xuất gia đã đi đến Xá Vệ quốc, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên. P bỏ việc 9, 10 năm sau khi đắc quả A-la-hán Ratthapàla nghĩ đến việc về thăm cha mẹ, chỉ nói rằng, sau khi đắc quả, Ratthapàla cho đức Phật biết ý định về thăm cha mẹ của mình và đức Phật đã bằng lòng, sau khi biết được tâm của Ratthapàla với tâm của ngài. Khi Ratthapàla đi đến thị trấn Thu La, bản P thêm rằng ông ở lại trong vườn nai của vua Kuru. Khi đi khất thực trong thị trấn, Ratthapàla đi từ nhà này sang nhà khác, nhưng bản P bỏ việc Ratthapàla nghĩ đến đức Phật ca tụng sự khất thực này. Khi Ratthapàla đi đến nhà mình, người cha đang chải tóc giữa một đại sảnh có cửa lớn, trong khi bản C nói rằng, ông chải râu tóc, không nói ở giữa đại sảnh có cửa. Ở bản C, cha Lại-tra-hòa-la thóa mạ Tỳ-kheo là chuyên làm việc đen tối, không có con cái, không dòng họ, phá hoại gia đình ông. Bản P chỉ nói rằng đứa con trai yêu quý độc nhất của ông đã bỏ ra đi vì những Sa-môn trọc đầu này; và thế là Tôn giả Ratthapàla tại nhà của cha mình đã không nhận được bố thí cũng không nhận được lời từ chối mà chỉ nhận lời nguyền rủa. C: một nữ tỳ đem một rỗ đầy thức ăn hôi thối để vứt vào đống rác = P : một nữ tỳ nói cho Ratthapàla biết mình muốn đổ đồ ăn của ngày hôm trước. Trong khi bản C nói nữ tỳ sau khi nhận ra Lại-tra-hòa-la, đã đi thẳng vào báo cho người cha, thì bản P nói cô ta báo tin cho bà mẹ trước, và bà đã thuật lại cho chồng. Bản P thêm, khi người mẹ được báo tin Ratthapàla đã về, bà bảo người nữ tỳ rằng, nếu điều này đúng thật, cô sẽ thoát thân phận nô tỳ. P bỏ: cha của Lại-tra-hòa-la nghe tin hết sức vui mừng, tay trái cầm áo, tay mặt vuốt râu tóc, vội vàng đi đến chỗ Lại-tra-hòa-la. Ở đây bản P thêm một điều mới. Khi trông thấy Ratthapàla đang ngồi dựa tường mà ăn thức ăn ngày hôm trước, người cha đã hỏi: "Có thật con đang ăn đồ thừa hôm qua? Con phải đi vào nhà con". Ratthapàla trả lời ông đâu có nhà, vì ông đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình. Ông không có nhà, và đã đi đến nhà gia chủ, nhưng không nhận được bố thí hay từ chối mà chỉ nhận được sự nguyền rủa. Rồi người cha mời Tôn giả vào nhà nhưng ngài từ chối, bảo đã ăn xong. Khi ấy người cha mời Ratthapàla ngày mai đến dùng cơm và Ratthapàla im lặng nhận lời. Trong khi ở bản C, chính người mẹ sai chất tiền thành đống, và sai các bà vợ cũ trang sức, ở bản P chính người cha làm tất cả việc này. Trong bản C, người mẹ hai lần cố thuyết phục Tôn giả, lúc đầu bằng đống tiền, và khi phương pháp này thất bại, bà bảo các người vợ cũ của Tôn giả trang sức. Trong bản P, người cha dùng môït lúc cả hai phương pháp. Trước hết ông sai chất một đống tiền vàng che khuất sau bức màn, rồi ông bảo các bà vợ cũ của Ratthapàla trang sức. Khi thức ăn đã sẵn sàng, ông sai người đi mời Tôn giả đến, và khi Ratthapàla ngồi xuống, ông vén màn cho thấy đống tiền và bảo con trai: một đống của ông nội, một đống của mẹ và một đống của cha. Rồi ông bảo con từ bỏ học giới, trở về đời sống thấp kém, để hưởng của cải và làm phước. Câu trả lời của Ratthapàla cũng như trong bản C. Bấy giờ các bà vợ cũ đến ôm chân Tôn giả nói: vì tiên nữ nào mà chàng đã sống đời phạm hạnh? Tôn giả trả lời : thưa các chị, không. Các bà vợ cũ nói, chồng ta bây giờ lại gọi ta bằng chị, rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh. Ở đây bản C nhiều chi tiết hơn, Ratthapàla bảo cha hãy đem thức ăn đến, đừng phiền nhiễu ông nữa. Bản P bỏ việc Ratthapàla giảng pháp cho cha mẹ; chỉ nói ăn xong Ratthapàla đứng lên đọc bài kệ. Bài kệ trong hai bản gần giống nhau, mô tả thân thể được làm đẹp với đồ trang sức nhưng lại thối tha ở bên trong, một thân thể như vậy chỉ lừa dối kẻ ngu chứ không lừa dối được những người đã đạt đến bờ kia.
Trong hai câu cuối, bản P hơi khác:
"Người thợ săn nai giăng bẫy, Con nai tránh bẫy. Sau khi ăn mồi nai bỏ đi xa, Thợ săn chỉ còn nước kêu la."
Nhận xét:
Trong bản Tích Lan có thêm rằng cha của Ratthapàla có hai đống của cải, một đống vàng, một đống tiền vàng, và để hai đống chung nhau làm cho một người đứng bên này không trông thấy người đứng bên kia và ngược lại. Điều này chứng tỏ bản Tích Lan gần với truyền thống Sanskrit.
V. Sự gặp gỡ giữa Tôn giả và vua:
1) Vua cố thuyết phục Tôn giả từ bỏ đời sống phạm hạnh:
C: Nói xong bài kệ, Lại-tra-hòa-la dùng thần thông bay vào vườn Uất-lô-tra và ngồi xuống dưới cây Bệ hê lặc, trên tọa cụ của mình. Vào lúc ấy, vua Chu-lai-po đang ngồi với đình thần trong cung điện, đang nói về Lại-tra-hòa-la, ca tụng Tôn giả, và tỏ ý muốn gặp ngài. Rồi vua ra lệnh cho người thợ săn sửa soạn khu rừng Uất-lô-tra để đi săn. Khi người thợ săn đi đến rừng thấy Tôn giả ngồi đấy, bèn về báo cho vua biết, và vua lập tức khởi hành bằng xe đến gặp Tôn giả. Khi trông thấy Tôn giả từ xa, vua xuống xe, đi bộ đến gặp ngài. Khi Tôn giả Lại-tra-hòa-la trông thấy vua, Tôn giả bảo vua nếu muốn hãy ngồi xuống. Vua trả lời rằng, mặc dù nơi này thuộc về vua, ông vẫn muốn được Tôn giả mời ngồi. Rồi Tôn giả Lại-tra-hòa-la mời vua ngồi xuống. Vua hỏi Tôn giả có phải thật ông đi tu vì thiếu tiền; nếu vậy vua sẵn sàng hiến tặng cho ngài tất cả số tiền cần thiết để hoàn tục, hưởng dục lạc, bố thí và làm các việc công đức, vì giáo lý của đức Thế Tôn rất khó, đi tu và học pháp cũng rất khó. Tôn giả trả lời rằng, nhà vua đã dùng những vật bất tịnh để cống hiến, không phải những vật thanh tịnh. Vua hỏi làm thế nào là dùng vật thanh tịnh để cống hiến, không phải vật bất tịnh. Tôn giả nói vua nên làm cho dân chúng xứ này an ổn hạnh phúc, không lo sợ, không bị phiền nhiễu, không xáo trộn, không bị làm nô lệ. Vua nói muốn cống hiến những vật thanh tịnh chứ không phải bất tịnh.
P: Không giống hẳn. Ở đây bản P không nói Tôn giả bay trở về Uất-lô-tra mà đi bộ về vườn nai xứ Kuru, ngồi dưới một cây để nghỉ ban ngày. Không nói vua đang ngồi với đình thần trong cung điện ca tụng Tôn giả, và tỏ ý muốn gặp ngài; chỉ nói vua xứ Kuru ra lệnh cho người bẫy nai sửa soạn khu vườn trong công viên để vua đi ngoạn cảnh. Khi đi đến, trông thấy Tôn giả đang ngồi dưới gốc cây, người bẫy nai bèn trở về báo cho vua, và vua ra lệnh thắng những cỗ xe để đi gặp Tôn giả. Khi gặp Tôn giả Ratthapàla, vua chào ngài và mời Tôn giả ngồi trên nệm lót lưng voi, nhưng Tôn giả từ chối, nói vua hãy ngồi trên đó vì Tôn giả đã có tọa cụ. Bản P không nói vua cố dụ Tôn giả từ bỏ đời sống phạm hạnh như trong C.
2) Những câu hỏi của vua:
C: Vua nói thông thường người ta sống đời phạm hạnh vì bốn loại suy vong: do bệnh, do tuổi già, do mất tài sản, do mất thân quyến. Họ có lòng dục mà không thể hưởng dục nên mới sống đời phạm hạnh. Nhưng Lại-tra-hòa-la không có bất cứ một suy vong nào như vậy, thế thì ngài đã biết, đã thấy gì, nghe gì khiến ngài từ bỏ đời sống gia đình, sống đời không nhà.
P: Gần giống, dù thứ tự hơi khác. Bản P để sự suy vong vì tuổi già trước, rồi đến bệnh suy, tài suy và thân suy. Trong khi ở bản C, trước hết vua đề cập cả bốn suy vong, rồi nêu lên rằng Tôn giả không có bốn sự suy vong ấy; ở bản P vua xứ Kuru sau khi kể ra một suy vong lại chỉ ngay rằng Tôn giả không có như vậy. Phần còn lại cũng giống nhau.
3) Lại-tra-hòa-la trả lời:
C: Tôn giả trả lời rằng vì đã biết, đã thấy, đã nghe bốn điều thuyết giáo của Phật, nên ông sống đời phạm hạnh:
a) Thế gian này không có sự che chở, không có nơi trú ẩn. b) Trong thế gian này mọi sự phải tàn lụi, suy vi. c) Thế gian này vô thường, ai rồi cũng phải từ giã nó. d) Thế gian luôn luôn thiếu thốn, bất mãn, nô lệ cho tham ái.
Vua Chu-lai-po hỏi làm sao thế gian này lại không có sự che chở, không có chỗ trú ẩn, khi mà chính ông có con trai, cháu nội, anh em, quyến thuộc, tượng binh, xa binh, kÿ binh và bộ binh có thể che chở ông. Ông có những hoàng tử anh hùng và dũng cảm, những lực sĩ, những Bát la kiện đề (?), mahànàga (mahànàga? đại long tượng, những người rất có thế lực), những nhà chiêm tinh, chiến lược gia, những nhà kế toán, học giả, nhà hùng biện, đình thần, thân quyến, chú thuật gia, người viết bùa chú; bất cứ nơi đâu có sự rối loạn vì nguy hiểm, họ đều đi đến đánh dẹp và hàng phục. Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi vua, khi vua bị bệnh vì gió máy, khi vua bị đau khổ ghê gớm, những người ấy có thể đến che chở và bảo vệ ông không. Vua buộc lòng phải trả lời không, vì do nghiệp của mình mà vua phải chịu đau khổ khốc liệt; bởi thế điều này chứng tỏ thế gian này không có sự che chở. Rồi vua hỏi tại sao trong thế giới này mọi sự đều đi đến suy vi, tàn tạ. Tôn giả bảo vua hãy so sánh sự nhanh nhẹn, sức mạnh, màu da của mình khi vua còn 24, 25 tuổi với bây giờ; vua phải nhận rằng khi ông còn 24, 25 tuổi, sự nhanh nhẹn, sức mạnh và màu da của ông không ai bì kịp, nhưng bây giờ ông đã quá già, các căn cũng tàn lụi; bởi thế điều này chứng tỏ rằng, như đức Phật đã dạy, trong thế gian này mọi sự đều đi đến suy vi tàn tạ. Rồi vua Chu-lai-po hỏi Tôn giả, tại sao đức Thế Tôn nói, thế gian này vô thường, tất cả rồi phải rời khỏi nó. Tôn giả hỏi vua khi ông sắp chết, bị vô thường đánh gục, vua có thể nào đem theo mình sang bên kia thế giới xứ Kuru phồn thịnh của ông, nội cung dồi dào với những kho đụn, tài sản thịnh vượng của ông không. Vua phải trả lời không, vua phải đi một mình không bầu bạn. Và điều này chứng tỏ rằng thế gian này vô thường, tất cả mọi người đều phải rời khỏi thế gian. Rồi vua hỏi Tôn giả Lại-tra-hòa-la tại sao đức Thế Tôn dạy, thế gian này luôn luôn bất mãn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái. Tôn giả Lại-tra-hòa-la hỏi lại vua, mặc dù vua đã có xứ Kuru phồn thịnh, nội cung và kho đụn, tài sản thịnh vượng, nhưng nếu một người đáng tin cậy từ phương bắc hay từ ba phương khác đến, hoặc từ bờ biển đến nói từ hướng ấy bên kia bờ biển, có một xứ phồn thịnh đông dân nhiều tài sản và nhân công, thì có phải là vua sẽ nỗ lực chiếm lấy xứ sở ấy, dân chúng ấy hay không. Vua trả lời đúng vậy; và điều này chứng tỏ thế gian này luôn luôn bất mãn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái.
P: Không giống hẳn. Bốn điều thuyết giáo của đức Thế Tôn ở đây theo thứ tự như sau: a. thế gian vô thường này phải bị cuốn đi; b. thế gian này không nơi trú ẩn, không người che chở; c. thế gian này không phải là ta, ta phải ra đi để lại tất cả mọi sự; d. thế gian này thiếu thốn, bất mãn, nô lệ cho tham ái. Vì Tôn giả đã thấy, đã biết, đã nghe bốn điều này là đúng sự thật nên Tôn giả đã xuất gia sống đời phạm hạnh. Để chứng minh rằng thế gian vô thường này phải bị cuốn đi, Tôn giả hỏi vua, sức khỏe của ngài ra sao, vào lúc 20, 25 tuổi, trong việc cỡi voi, cỡi ngựa, lái xe, cung kiếm, chân tay ngài lúc ấy mạnh như thế nào, và ngài thiện chiến như thế nào; rồi so sánh tất cả điều ấy với hiện tại. Vua phải trả lời rằng, lúc trẻ vua rất thiện xảo về voi, ngựa, xe, cung kiếm, chân tay khỏe mạnh và thiện chiến, thật thiện xảo đến nỗi như là có thần thông; nhưng bây giờ ở tuổi già, vua đã mỏi mòn, gần chấm dứt, đã 80 tuổi, không còn làm chủ được những động tác của mình. Để chứng minh thế gian này không nơi nương tựa, không người che chở, Tôn giả Ratthapàla hiển thị cho vua thấy rằng, mặc dù vua có tượng binh, kÿ binh, xa binh, bộ binh để bảo vệ vua khi nguy hiểm, nhưng khi vua bị bệnh phong thì không thể nhờ bạn bè thân quyến làm vơi nỗi đau đớn, san sẻ nỗi khổ của vua. Để chứng minh rằng thế gian này không phải của ta, ta phải ra đi để lại tất cả mọi sự sau lưng mình, Tôn giả Ratthapàla chỉ cho vua thấy mặc dù vua có tiền và vàng đầy dẫy, dưới đất hay trên mặt đất, và hiện tại vua có thể thụ hưởng năm dục, nhưng khi vua phải từ giã cõi đời, thì những người khác sẽ thay vua mà hưởng thụ. Để chứng minh rằng thế gian này thiếu thốn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái, Tôn giả Ratthapàla chứng minh cho vua rằng, mặc dầu xứ Kuru của ông đã phồn thịnh, nhưng nếu có người đáng tin cậy từ bất cứ phương nào đến báo tin ở đấy có một nước lớn, phồn thịnh, đông dân, nhiều kÿ binh, tượng binh, xa binh, bộ binh, nhiều vàng, ngà voi và phụ nữ, chắc chắn vua sẽ đến chinh phục xứ sở ấy.
4) Bài kệ của Lại-tra-hòa-la:
C: Rồi Lại-tra-hòa-la thốt lên bài kệ này:
1. "Tôi thấy người trên thế gian, giàu có nhưng ngu si, không quen bố thí; đã có tài sản, chúng lại mong muốn có thêm, tham lam chất chứa, dồn của.
2. Vị vua sau khi đã chinh phục quả đất, trị vì nó tùy theo khả năng; cũng chưa hài lòng với bên này biển, lại còn tính đến bờ biển bên kia.
3. Vua cũng như dân chúng, trong khi vẫn còn tham ái, lại phải chết, vợ con khóc lóc với đầu tóc rũ rượi, than vãn, mếu máo, đau khổ không thể nào ngăn.
4. Bị bọc trong miếng vải liệm để chôn, hoặc bị ném trên đống củi để thiêu xác, mỗi người đều tùy theo nghiệp đi đến đời sau, khi đã bị đốt cháy, họ không có tư tưởng nào giác ngộ.
5. Sau khi chết, tài sản không thể mang theo, cũng vậy, vợ con và nữ tỳ; giàu có cũng như nghèo hèn đều giống nhau, người ngu, kẻ trí đều cùng chung số phận.
6. Bậc trí không ôm giữ sầu khổ, nhưng kẻ ngu thì đầy đau buồn; chính vì thế mà có trí là hơn, nó giúp người ta đạt đến giác ngộ chân chính.
7. Vì bị trói buộc sâu xa vào hữu, kẻ ngu làm những ác nghiệp, làm những hành vi phi pháp, dùng vũ lực để ép buộc kẻ khác làm đúng pháp.
8. Những người vô trí làm nỗ lực lớn, kẻ ngu làm nhiều ác nghiệp, bị sinh trong bào thai, chúng đi đến đời sau, mãi hoài phải chịu sinh tử.
9. Khi đã sinh vào một đời khác, chúng một mình làm các hành vi xấu ác, như những kẻ cướp, chúng bị trói, chúng khổ đau vì ác nghiệp của chính mình.
10. Bằng cách ấy những hữu tình này, sinh vào đời sau. do hạnh nghiệp của chính mình, chúng đau khổ do ác nghiệp của chúng.
11. Như trái chín tự rụng, già và trẻ đều giống nhau, chúng muốn tự trang sức và hưởng thụ, tâm chúng theo đuổi những hình sắc tốt xấu.
12. Chúng bị trói buộc và làm hại bởi dục vọng, do dục, nổi lên sợ hãi, Này đại vương, vì tôi thấy và thực chứng được điều này, Tôi biết rằng hạnh Sa-môn là tối thượng."
P: Cũng vậy với nhiều hoặc ít chi tiết hơn. Bản C có 12 bài kệ, trong khi bản P có 13, nửa cuối của bài kệ thứ tư và thứ bảy trong bản C không có trong P, nửa cuối của bài kệ thứ ba, năm, bảy, có trong P, không có trong C. Những bài kệ tương đương như sau: C1 = P1; C2 = P2; C3 = nửa đầu P3 và nữa đầu P4; nửa đầu C4 = nửa cuối P4; C5 = P6 và nửa đầu P8; C6 = nửa cuối P8 và nữa đầu P9; nửa đầu C7 = nửa cuối P9; C8 = P10; C9 và C10 = P11; C11 = nửa đầu C12 và P13; C12 = nửa sau của P12 và P13.
C1 = P1: Gần giống, chỉ có một giòng khác. C: Sau khi đã được tài sản, Chúng còn muốn có thêm = P: Chúng khao khát có thêm dục lạc.
C2 = P2: Gần giống. Chỉ một giòng khác. C: Trị vì trên nó tùy theo khả năng của mình = P: Trên một mảnh đất được biển làm giới hạn.
C3 = nửa đầu P3 và P4:
C: Khóc lóc mếu máo, không chịu nỗi khổ đau = P: Khóc lóc chúng bảo: than ôi, không phải là ông ta không chết.
Nửa đầu C4 = nửa cuối C4: Bản C thêm: để chôn, trong khi bản P chỉ nói đến hỏa táng.
C5 = P6 và nửa đầu P8: Gần giống. Bản P thêm: những người thừa kế lấy tài sản của vị ấy đi, còn vị ấy đi theo nghiệp của mình. C: Tài sản, vợ con, nữ tỳ = P: Tài sản, con, vợ, tài sản và vương quốc.
C6 = nửa cuối P8 và nửa đầu P9:
C: Bậc trí không ôm giữ buồn phiền nhưng kẻ ngu ưa thích sầu khổ = P: Kẻ ngu nằm lăn ra, như thể bị cuồng điên, trong khi người trí không run sợ khi bị chạm phải.
Nửa đầu C7 = nửa cuối P9: Gần giống.
C8 = P10: Gần giống.
C9 và C10 = P11: Gần giống.
C11 = nửa đầu P12 và P13: C: Như trái chín, chúng tự rụng, già trẻ đều giống nhau, chúng muốn tự trang sức và hưởng thụ, tâm chúng theo đuổi các hình sắc tốt xấu = P: Như trái rụng từ trên cây, cũng vậy, con người, già trẻ đều giống nhau khi thân xác tan rã. Các dục lạc dễ chịu, ngọt ngào và đủ màu sắc nhưng gây nhiều xáo trộn trong tâm.
C12 = nửa sau P12, 13: Gần giống.
E. Phần kết
Bản C nói vua Chu-lai-po hoan hỷ với lời dạy của Tôn giả Lại-tra-hòa-la, nhưng bản P bỏ phần kết.
|
|