|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:05:50 GMT -5
Thiền Vipassana
--------------------------------------------------------------------------------
Phương Pháp Vipassana, nghĩa là thấy sự việc đúng như thật, là một trong những pháp môn thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Nó được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2500 năm và được Ngài giảng dậy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung cho nhân loại, nghĩa là, một Nghệ Thuật Sống.
Phương pháp không tông phái này nhằm để diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát. Mục đích của nó là để chữa trị, không chỉ riêng bệnh tật, nhưng cốt yếu là để chữa trị khổ đau của con người.
Vipassana là đường lối tự chuyển hóa bằng tự quan sát. Nó chú trọng đến sự tương quan mật thiết giữa tâm và thân, là điều có thể cảm nghiệm được trực tiếp bằng cách chú tâm đến những cảm giác thực thụ trên thân, nó luôn luôn liên hệ và chi phối tâm. Căn cứ vào sự quan sát này, và hành trình tự khám phá đi vào gốc rễ chung của tâm và thân để xóa bỏ những bất tịnh tinh thần, đưa đến một tâm quân bình tràn đầy tình thương và lòng từ bi.
Những định luật khoa học chi phối ý nghĩ, cảm tưởng, phán đoán, và cảm giác của con người trở nên rõ ràng. Qua trực nghiệm, trạng thái làm sao ta tiến bộ hoặc thoái hóa, làm sao ta bị khổ hay làm cho ta hết khổ sẽ được hiểu rõ. Cuộc đời được xác định bằng cách gia tăng ý thức, không ảo tưởng, tự chế và an lạc.
--------------------------------------------------------------------------------
Truyền Thống Từ thời của Đức Phật, Vipasssana được lưu truyền, cho tới ngày nay, qua một chuỗi liên tục những thiền sư. Mặc dù là người Ấn độ, vị thiền sư hiện nay, Ông S.N. Goenka, sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian sống tại đây, Thiền sư có diễm phúc được thụ huấn Vipassana từ sư phụ, Sayayi (Đại thiền sư) U Ba Khin, lúc đó là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Sau khi tu tập với sư phụ được mười bốn năm, Thiền sư Goenka trở về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu truyền dậy Vipassana vào năm 1969. Từ đó Thiền sư đã giảng dậy cho hàng chục ngàn thiền sinh thuộc mọi chủng tộc, mọi tôn giáo cả ở Đông phương lẫn Tây phương. Vào năm 1982 Thiền sư bắt đầu bổ nhiệm những thiền sư phụ tá để giúp thỏa mãn nhu cầu càng ngày càng gia tăng về những khóa Thiền Vipasana.
--------------------------------------------------------------------------------
Khóa Thiền Phương pháp thiền được giảng dậy trong những khoá thiền nội trú mười ngày trong đó người tham dự tuân theo một Điều Lệ Về Kỷ Luật, học hỏi những căn bản của phương pháp, và thực tập nghiêm chỉnh để đạt được kết quả hữu ích.
Khóa thiền đòi hỏi sự thực tập chuyên cần, nghiêm túc. Sự thực tập gồm có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trong suốt khóa thiền, tránh không giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, và say sưa. Điều lệ giản dị về đạo đức này dùng để an tâm, nếu không tâm sẽ quá vọng động để làm công việc tự quan sát.
Giai đoạn kế tiếp là để phát triển việc làm chủ được tâm bằng cách giữ sự chú ý vào một thực thể tự nhiên thay đổi không ngừng của làn hơi thở vào ra nơi lỗ mũi.
Vào ngày thứ tư tâm được an tĩnh và chăm chú hơn, để có thể thực tập Vipassana một cách dễ dàng hơn: quan sát cảm giác trên khắp cơ thể, hiểu được bản chất của cảm giác, và phát triển được sự bình tâm bằng cách biết không phản ứng lại cảm giác.
Sau hết, trong suốt ngày cuối cùng, thiền sinh học phương pháp thiền từ tâm và thiện chí đối với mọi người, trong đó sự thanh tịnh phát triển trong khóa thiền được san sẻ với mọi chúng sinh.
Một đoạn video (5.7 MB) về sự quan sát hơi thở và cảm giác trên cơ thể trong phương pháp này có thể coi miễn phí bằng free QuickTime movie player.
Toàn thể phương pháp thực ra là một sự rèn luyện tinh thần. Cũng giống như tập thể dục để trau dồi thể lực, Vipassana có thể dùng để phát triển một tâm hồn lành mạnh.
Bởi vì phương pháp thực sự rất lợi lạc, việc bảo quản phương pháp theo đúng đường lối nguyên thủy, chân nguyên được chú trọng rất nhiều. Nó không được được giảng dậy bằng cách thương mại hóa, nhưng hoàn toàn miễn phí. Không một ai tham gia vào việc giảng dậy nhận bất cứ thù lao nào.
Khóa thiền hoàn toàn miễn phí – ngay cả chi phí về thực phẩm và chỗ ở. Mọi phí tổn đều do sự đóng góp của những người đã tham dự một khóa thiền và hưởng được những lợi lạc từ Vipassana, muốn cho những người khác cũng có cơ hội hưởng được lợi lạc tương tự.
Dĩ nhiên, thành quả đến một cách từ từ qua sự tu tập liên tục. Không thực tế tí nào khi nghĩ rằng mọi khó khăn sẽ biến mất trong mười ngày. Tuy nhiên trong thời gian đó, có thể học được những cốt yếu của Vipassana để có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày. Càng thực tập phương pháp bao nhiêu thì càng thoát khỏi đau khổ bấy nhiêu, và càng đến gần mục tiêu tối hậu của sự hoàn toàn giải thoát. Ngay chỉ mười ngày cũng có thể đưa đến thành quả rất cụ thể và lợi ích rõ rệt trong cuộc sống hằng ngày.
Những người thật tâm đều được chấp nhận để tham dự một khoá thiền Vipassana để tự mình thấy được phương pháp thiền công hiệu như thế nào và thấy được bao nhiêu lợi lạc. Những khóa Thiền Vipassana được giảng dậy ngay cả trong những nhà tù, với rất nhiều thành quả và lợi ích tuyệt vời cho các tù nhân tham dự. Tất cả những ai đã thử qua sẽ thấy rằng, Vipassana là một công cụ vô giá để đạt được và chia sẻ hạnh phúc thực sự với người khác.
Muốn biết thêm chi tiết về những khoá thiền Vipassana tại địa phương của quý vị, xin liên hệ với người đại diện Vipassana tại địa phương.
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:07:28 GMT -5
Nghệ Thuật Sống: Thiền Vipassana
--------------------------------------------------------------------------------
Mọi người đều tìm kiếm an lạc và hài hòa bởi vì đây là điều chúng ta thiếu trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta cảm thấy bứt rứt, bực bội, *không yên*. Và khi bị những nỗi khổ này hành hạ, chúng ta không giữ riêng cho mình mà thường trút đổ sang người khác. Sự buồn phiền nhiễm vào không khí xung quanh những người đang bị đau khổ. Những ai tiếp xúc với những người này đều bị ảnh hưởng lây. Chắc chắn đây không phải là cách sống khôn khéo.
Chúng ta nên sống an lạc với chính mình và an lạc với người khác. Tóm lại, con người là những sinh vật sống hợp quần, tạo thành xã hội và phải giao tiếp với nhau. Nhưng làm sao chúng ta có thể sống an lạc được? Làm sao có thể duy trì được hài hòa nội tâm, duy trì được sự an lạc, hài hòa xung quanh chúng ta để người khác cũng được sống an lạc và hài hòa?
Để thoát khỏi khổ đau, chúng ta phải biết nguyên nhân căn bản, nguồn gốc của khổ đau. Nếu chúng ta tìm hiểu vấn đề này, nó trở nên rõ ràng rằng, mỗi khi trong tâm có những phiền não, bất tịnh, chúng ta trở nên không vui. Phiền não trong tâm, một sự xấu, bất tịnh tinh thần không thể tồn tại chung với an lạc, hài hòa được.
Chúng ta khởi sự tạo ra phiền não bằng cách nào? Một lần nữa nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy rõ. Chúng ta trở nên không vui khi thấy ai hành xử theo lối chúng ta không thích, hoặc ta thấy những gì xẩy ra mà ta không muốn. Những điều trái ý xẩy ra và chúng ta tạo căng thẳng trong tâm. Những cái chúng ta muốn mà không được vì vài trở ngại nào đó và ta trở nên căng thẳng, tạo thành những gút mắc. Và trong suốt cuộc đời, những điều chúng ta muốn có thể hoặc không thể đạt được, những lối phản ứng bằng cách tạo ra gút mắc làm cho toàn bộ tinh thần và thể xác căng thẳng, đầy phiền não khiến cho cuộc đời trở nên đau khổ.
Bây giờ, một cách để giải quyết vấn đề này là dàn xếp để trong cuộc đời không có điều gì trái ý xẩy ra, để mọi điều đều xẩy ra theo ý mình. Một là chúng ta phải có quyền phép nào đó hoặc ai cho chúng ta quyền phép này, để những điều trái ý không xẩy ra và mọi cái chúng ta muốn đều đạt được. Nhưng điều này không bao giờ có thể được. Không một ai trên cõi đời này đạt được mọi mong ước, mọi việc đều xẩy ra theo ý mình mà không có gì trái ý xẩy ra. Sự việc tiếp tục xẩy ra trái với sự mong muốn và ước nguyện. Do đó, câu hỏi được đặt ra là: Làm sao chúng ta ngừng phản ứng mù quáng khi gặp những điều không hài lòng? Làm thế nào để chúng ta ngừng tạo ra căng thẳng và giữ được an lạc và hài hòa?
Tại Ấn độ cũng như tại các nuớc khác, những thánh nhân trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này — vấn đề đau khổ của con người — để tìm ra giải pháp. Nếu điều gì trái ý xẩy ra và chúng ta phản ứng bằng sự tức giận, bằng sợ hãi, hoặc bằng những bất tịnh khác, thì ta lập tức chuyển sự chú tâm vào cái gì khác. Ví dụ như: đứng dậy lấy một ly nước uống, sự tức giận của ta sẽ dịu bớt. Hoặc ta bắt đầu đếm một, hai, ba, bốn. Hoặc bắt đầu lập lại một câu hoặc lời chú hoặc tên của một vị thần linh mà ta tôn sùng, tâm ta sẽ chuyển hướng và ta sẽ bớt được phần nào phiền não, sẽ nguôi bớt giận.
Giải pháp này hữu ích và luôn luôn công hiệu. Giải quyết bằng cách này, tâm ta sẽ bớt bứt rứt. Tuy nhiên giải pháp này chỉ công hiệu ở phần nhận thức. Trên thực tế, bằng cách chuyển sự chú tâm, ta đẩy phiền não sâu vào trong vô thức, và ta vẫn gia tăng gấp bội những phiền não đó. Ngoài mặt có vẻ có an lạc, hài hòa, nhưng trong đáy lòng vẫn còn một núi lửa bị đồn ép đang ngủ yên và sẽ bùng nổ dữ dội không biết lúc nào.
Có những vị khác nghiên cứu sự thật về nội tâm đã tìm hiểu sâu rộng hơn, và bằng cách trực nghiệm sự thật về tâm và thân ngay trong chính họ, nhận ra rằng, chuyển sự chú tâm chỉ là sự tránh né vấn đề. Tránh né không giải quyết được gì cả. Quý vị phải nhìn thẳng vào vào vấn đề. Khi nào phiền não nổi lên trong tâm, cứ quan sát nó, đối diện với nó. Ngay sau khi quý vị khởi sự quan sát, phiền não sẽ giảm cuờng độ và từ từ biến mất.
Giải pháp này rất tốt vì tránh được những cực đoan: không dồn nén cũng không buông thả. Vùi sâu sự phiền não trong vô thức sẽ không loại trừ đuợc nó, và để nó tung hoành bằng những việc làm hoặc lời nói bất thiện chỉ tạo thêm rắc rối. Nhưng nếu quý vị chỉ quan sát thì phiền não sẽ mất đi, và quý vị sẽ loại trừ được nó.
Điều này nghe rất hay, nhưng trên thực tế có thực hiện được không? Đối phó với cái xấu của chính mình không phải là dễ. Khi sân hận nổi lên, lập tức chúng ta bị chế ngự khiến chúng ta không thể nhận ra được. Rồi mù quáng vì sân hận, chúng ta có những hành động và lời nói làm hại chính ta và người khác. Sau đó, khi đã nguôi giận, chúng ta khóc lóc, hối hận, cầu xin được tha thứ của người này, người nọ, hoặc các vị thần linh: “Ôi tôi đã tạo nên lỗi lầm, xin tha thứ cho tôi.” Nhưng rồi lần tới, chúng ta lại rơi vào tình trạng tương tự và cũng hành xử y như thế. Hối lỗi kiểu này không mang lại ích lợi gì cả.
Sự khó khăn là chúng ta không biết khi nào phiền não bắt đầu. Nó khởi sự trong vô thức và khi đã lên đến tầng nhận thức nó đã có đủ sức mạnh chế ngự chúng ta khiến chúng ta không thể quan sát nó được.
Giả thử tôi mướn một thư ký riêng để khi nào sân hận nổi lên, người thư ký nói với tôi: “Coi kìa, sân hận đã bắt đầu”. Bởi vì tôi không biết khi nào sân hận xẩy ra, tôi phải mướn đủ thư ký cho ba ca. Nếu tôi có khả năng làm thư thế, và khi sân hận nổi lên lập tức người thư ký báo cho tôi: “Coi kìa sân hận đã bắt đầu”. Việc đầu tiên tôi làm là mắng người thư ký: “Đồ ngốc, bộ tưởng tôi trả tiền để dậy bảo tôi hả?” Tôi đã bị sự sân hận chi phối nên sự khuyên bảo không giúp ích gì được.
Giả thử tôi vẫn còn đủ trí khôn và không la mắng người thư ký. Trái lại, tôi còn nói: “Cám ơn nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi xuống để quan sát sự sân hận của tôi”. Ngay sau khi tôi nhắm mắt để quan sát, căn nguyên gây ra sân hận hiện ra trong đầu: Người hoặc sự việc gây ra sự sân hận này. Nhưng lúc đó tôi không quan sát sự sân hận mà chỉ quan sát căn nguyên gây ra sân hận. Điều này chỉ làm cho sân hận gia tăng và không giải quyết được gì cả. Thật khó khăn khi quan sát phiền não hoặc cảm xúc trừu tượng và tách riêng được những căn nguyên bên ngoài gây ra chúng.
Tuy nhiên, một người đã giác ngộ đã tìm ra một giải pháp thiết thực. Vị đó khám phá ra rằng khi nào có phiền não trong tâm, về sinh lý có hai việc xẩy ra cùng một lúc: một là hơi thở mất nhịp điệu bình thường. Chúng ta bắt đầu thở mạnh hơn khi phiền não đến trong tâm. Ở mực độ tinh vi hơn, các phản ứng sinh hóa bắt đầu tạo ra những cảm giác. Mọi phiền não đều tạo ra cảm giác này hay cảm giác khác trong cơ thể.
Điều này đưa đến một giải pháp thiết thực. Một người bình thường không thể quan sát được những phiền não trừu tượng trong tâm như sợ hãi, sân hận, si mê. Nhưng với sự hướng dẫn và tập luyện đúng cách thì rất dễ quan sát sự hô hấp và cảm giác, hai cái liên quan trực tiếp với những phiền não trong tâm.
Sự hô hấp và cảm giác sẽ giúp ta hai cách. Thứ nhất, nó giống như người thư ký riêng. Ngay khi phiền não nổi lên trong tâm, hơi thở sẽ mất bình thường. Nó sẽ báo động: “Coi kìa, có cái gì không ổn”. Vì chúng ta không thể la mắng hơi thở, chúng ta phải chấp nhận sự cảnh cáo của nó. Tương tự, cảm giác sẽ cho chúnglta biết có gì không ổn. Khi được cảnh giác, chúng ta có thể bắt đầu quan sát sự hô hấp, bắt đầu quan sát cảm giác, và rất nhanh chóng chúng ta thấy sự phiền não mất đi.
Hiện tượng này giống như hai mặt của đồng tiền kên. Một là ý nghĩ, cảm xúc hiện ra trong tâm, mặt kia là hơi thở và cảm giác trên thân. Bất cứ ý tưởng, xúc động nào, bất cứ phiền não nào trong tâm đều thể hiện bằng hơi thở và cảm giác ngay lúc đó. Do đó, bằng cách quan sát sự hô hấp hoặc cảm giác, chúng ta thực sự quan sát phiền não trong tâm. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta phải trực diện với thực tế hiện hữu. Kết quả ta thấy rằng, phiền não mất đi sức mạnh, chúng không còn trấn áp được ta như trong quá khứ. Nếu ta kiên trì, chúng sẽ hoàn toàn biến mất và ta bắt đầu sống an lạc, một cuộc sống ngày càng ít những điều xấu.
Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy thực tế ở hai trạng thái: bên trong và bên ngoài. Trước đây, chúng ta chi nhìn bên ngoài mà quên đi sự thật bên trong. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm ngoài ta về nguyên nhân của những bất hạnh. Chúng ta luôn luôn đổ lỗi và cố thay đổi sự thật bên ngoài. Vô minh về sự thật bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu rằng nguồn gốc của sự đau khổ nằm trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu.
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:08:22 GMT -5
Bây giờ, với sự tập luyện, chúng ta có thể thấy được mặt kia của đồng bạc. Chúng ta có thể có ý thức về hơi thở của mình cũng như những gì xẩy ra trong người. Dù là hơi thở hay cảm giác, chúng ta biết cách chỉ quan sát mà không mất bình tâm. Chúng ta ngừng phản ứng, ngừng gia tăng sự đau khổ của mình. Trái lại, chúng để cho phiền não thể hiện rồi mất đi.
Càng thực tập phương pháp này, những phiền não càng ngày càng mất đi nhanh chóng hơn. Dần dần tâm ta hết những bất tịnh và trở nên trong sạch. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương không vị kỷ đối với mọi người, đầy lòng từ bi về những đau khổ, những thất bại của người khác, đầy mừng vui vì sự thành công, an lạc của người, đầy bình tâm trong mọi hoàn cảnh.
Khi đạt được trình độ này, mọi thói quen trong đời ta đều thay đổi. Không thể nào có thể có những lời nói hoặc hành động phá rối sự an lạc và hạnh phúc của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những chỉ trở nên an lạc mà bầu không khí chung quanh cũng nhuốm đầy an lạc và hài hòa. Điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến người khác, giúp ích cho họ luôn.
Bằng cách giữ được bình tâm với mọi cảm xúc trong người, ta tìm được cách tách rời những gì ta gặp bên ngoài ta luôn. Tuy nhiên sự thoát ly không phải là cách tránh né hoặc thờ ơ với những khó khăn của cuộc đời. Những người thực tập thiền Vipassana thường trở nên nhạy cảm đối với những khổ đau của người khác và làm hết khả năng mình để xoa dịu những khổ đau này, không phải vì bắt buộc, mà với đầy từ, bi và bình tâm Họ biết cách có được sự vô tư thánh thiện, học được cách tham gia hết lòng, tham dự nhiệt thành trong việc giúp đỡ người khác, cùng một lúc duy trì được sự bình tâm. Bằng cách này, họ giữ được an lạc và hạnh phúc, đồng thời tạo nên an lạc và hạnh phúc cho người khác.
Đây là những gì Đức Phật giảng dậy: Một Nghệ Thuật Sống. Ngài không dậy cho họ những giáo điều, những hình thức nghi lễ rỗng tuếch. Ngài chỉ dậy cho họ quan sát thiên nhiên hiện hữu bằng cách quan sát thực trạng nội tâm. Vì vô minh nên chúng ta cứ hành xử theo lối có hại cho mình và cho người. Nhưng khi đã có trí tuệ - trí tuệ của sự quan sát sự thật đúng như thật — thói quen phản ứng này mất đi. Khi chúng ta ngừng phản ứng mù quáng, chúng ta có khả năng hành xử một cách vô tư với sự bình tâm, một cái tâm thấy và hiểu được chân lý. Lối hành xử như vậy chỉ có thể tích cực, đầy sáng tạo có lợi cho mình và cho người.
Như vậy điều cần thiết là “Biết Mình”, lời khuyên của mọi thánh nhân. Chúng ta phải hiểu chính mình không phải chỉ bằng sách vở, bằng lý thuyết, không phải chỉ bằng cảm xúc, hoặc lòng tin, chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì chúng ta nghe và học được. Sự hiểu biết như vậy không đủ. Tốt hơn hết, chúng ta phải hiểu đươc thực thể của hiện tượng tâm và thân này. Chỉ riêng điều này sẽ giúp chúng ta giải thoát khỏi đau khổ.
Sự trực nghiệm nội tâm của chính mình, phương pháp tự quan sát này được gọi là thiền Vipassana. Theo ngôn ngữ Ấn dộ vào thời của Đức Phật, passana có nghĩa là thấy một cách bình thường với con mắt mở rộng. Nhưng vipassana là quan sát sự thật đúng như thật chứ không phải tưởng như thật. Sự thật hiển nhiên phải được xuyên thủng cho tới khi ta đạt được sự thật tối hậu của toàn thể cấu trúc tâm lý - vật lý. Khi đã chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ biết cách ngừng phản ứng mù quáng, ngừng tạo ra phiền não mới và những phiền não cũ sẽ từ từ mất đi một cách tự nhiên. Chúng ta sẽ hết khổ và hưởng đưọc hạnh phúc thật sự.
Trong một khóa thiền , sự tu tập gồm có ba phần. Đầu tiên ta phải tránh những hành động bằng lời nói hoặc việc làm phá hại sự an lạc, hài hòa của người khác. Ta không thể tu tập để giải thoát khỏi những bất tịnh trong khi có những hành động và lời nói làm gia tăng những bất tịnh này. Do đó, giới luật là điều tối cần trong bước đầu của sự tu tập. Ta thực hành không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không xài độc tố. Bằng cách tránh khỏi những hành động này, ta làm cho tâm đủ tĩnh lặng để tiến xa hơn.
Phần kế tiếp là tu tập làm chủ được cái tâm vọng động bằng cách chú tâm vào một đối tượng: đó là hơi thở. Ta cố gắng giữ được sự chú tâm vào sự hô hấp càng lâu càng tốt. Đây không phải là sự tập luyện về hơi thở, ta không điều khiển hơi thở. Trái lại ta quan sát sự hô hấp bình thường, lúc ra, lúc vào. Bằng cách này, ta làm cho tâm được yên tĩnh, để nó không bị những phiền não chi phối. Cùng một lúc ta định được tâm, làm cho tâm đủ bén nhậy và sâu sắc để đưa đến tuệ giác.
Hai phần đầu này, sống có đạo đức và làm chủ được tâm rất cần thiết nhưng chúng chỉ đưa đến sự dồn nén những phiền não nếu chúng ta không tập phần thứ ba, đó là thanh lọc tâm hết những phiền não bằng cách phát triển huệ nhãn vào chính bản thân mình. Đây là Vipassana: Chứng nghiệm sự thật về bản thân bằng cách quan sát trong ta một cách vô tư, có phương pháp những hiện tượng thay đồi không ngừng của thân và tâm thể hiện qua cảm giác. Đây là tổng hợp những lời dậy của Đức Phật: tự thanh lọc tâm bằng tự quan sát.
Mọi người ai cũng có thể tu tập được. Mọi người đều phải đương đầu với khổ đau. Đây là bệnh chung của con người và cần phải có thuốc chữa chung, không riêng cho ng ười nào. Khi ta đau khổ vì sân hận, nó không phải sân hận của Phật giáo, hoặc sân hận của Ấn độ giáo, hoặc sân hận của Thiên chúa giáo. Sân hận là sân hận. Khi ta bị giao động vì giận giữ, sự giao động này không phải riêng của người theo Thiên chúa giáo, hoặc Do thái giáo hoặc Hồi giáo. Bệnh này là bệnh chung của nhân loại. Thuốc chữa phải chữa được cho mọi người.
Vipassana là loại thưốc n ày. Không ai phản đối lối sống tôn trọng an lạc và hài hòa của người khác. Không ai phản đối việc làm chủ được tâm mình. Không ai phản đối sự phát triển tuệ giác vào chính bản thân mình để có thể giải thoát tâm mình khỏi những phiền não. Vipassana là đường lối chung cho mọi người.
Quan sát thực thể bằng cách quan sát sự thật nội tâm — đây là biết mình trực tiếp và bằng trực nghiệm. Càng thực tập ta càng thoát được đau khổ vì tâm phiền não. Từ một sự thật sơ đẳng, ngoại vi, giả thực, ta xuyên thấu tới sự thật tối hậu về tâm và thân. Khi vượt qua được giai đoạn này, ta chứng nghiệm được sự thật bên kia tâm và thân, vượt thời gian và không gian, vượt môi trường tương đối: chân lý về sự giải thoát hoàn toàn khỏi phiền não, bất tịnh và khổ đau. Bất cứ danh từ nào ta gán cho sự thật tối hậu này đều không thành vấn đề; đó là mục tiêu cuối cùng của con người.
Chúc Quý vị chứng nghiệm được sự thật tối hậu này. Chúc mọi người được giải thoát khỏi khổ đau. Chúc mọi người hưởng được an lạc thật sự, hài hòa thật sự, hạnh phúc thật sự.
NGUYỆN CHO MỌI CHÚNG SINH ĐƯỢC HẠNH PH ÚC
Bài trên đây dựa trên buổi nói chuyện của Ông S.N. Goenka tại Berne, Switzerland.
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:12:28 GMT -5
Hỏi & Đáp về Phương pháp Thiền Vipassana
--------------------------------------------------------------------------------
Tại sao khóa thiền lại dài tới 10 ngày? Thật ra, khóa thiền 10 ngày là thời gian tối thiểu; nó cung cấp một sự giới thiệu về cốt yếu và nền tảng của phương pháp. Để trưởng thành trong sự tu tập là công việc của cả một đời người. Kinh nghiệm của nhiều thế hệ cho thấy rằng nếu Vipassana được giảng dậy trong thời gian dưới mười ngày, thiền sinh không có đủ kinh nghiệm về kỹ thuật. Theo truyền thống, Vipassana đươc truyền dậy trong những khóa dài bẩy tuần. Vào đầu thế kỷ 20, những thiền sư trong truyền thống này bắt đầu thử nghiệm với thời gian ngắn hơn để phù hợp với nhịp độ nhanh hơn của cuộc sống hiện đại. Các thiền sư đã thử 30 ngày, hai tuần, xuống đến bẩy ngày — và họ thấy rằng dưới mười ngày không đủ thời gian để tâm được lắng đọng và ảnh hưởng sâu đậm vào hiện tượng tâm — thân.
--------------------------------------------------------------------------------
Tôi sẽ thực tập bao nhiêu tiếng một ngày? Ngày bắt đầu vào lúc 4:00 giờ sáng bằng một hồi chuông báo thức và tiếp tục cho tới 9:00 giờ tối. Có khoảng mười tiếng hành thiền trong suốt ngày, xen kẽ với những giờ giải lao và giờ nghỉ. Mỗi buổi chiều vào lúc 7:00 giờ, có một buổi pháp thoại bằng video của Thiền sư S.N. Goenka để giảng giải cho thiền sinh hiểu rõ những gì đã chứng nghiệm trong ngày. Chương trình này đã chứng tỏ có hiệu lực và hữu ích cho hàng trăm ngàn người trong nhiều thập niên.
--------------------------------------------------------------------------------
Ngôn ngữ nào được dùng trong khóa thiền? Sự giảng dậy của Thiền sư S.N. Goenka được thâu âm bằng tiếng Anh hay tiếng Ấn, cùng với sự chuyển âm sang tiếng địa phương. Có băng chuyển âm sang hầu hết những tiếng chính trên thế giới, gồm cả tiếng Anh.
Nếu thiền sư hướng dẫn khóa thiền không thông thạo tiếng địa phương, những thông dịch viên sẽ có mặt để trợ giúp.
Ngôn ngữ thường không phải là trở ngại cho những ai muốn tham dự khóa thiền.
--------------------------------------------------------------------------------
Chi phí cho khóa thiền là bao nhiêu? Đây là món quà của thiền sinh cũ hiến tặng cho thiền sinh tham dự khóa thiền Vipassana. Không phải trả tiền cho sự giảng dậy hay nơi ăn chốn ở. Mọi khóa thiền Vipassana trên thế giới được mở ra hoàn toàn dựa trên căn bản đóng góp tự nguyện. Vào cuối khóa thiền, nếu quý vị hưởng được những lợi lạc gì, quý vị cứ tự nhiên đóng góp cho khóa tới tùy theo lòng hảo tâm và khả năng của mình.
--------------------------------------------------------------------------------
Thiền sư được trả bao nhiêu để hướng dẫn khóa thiền? Các thiền sư không nhận thù lao, hiến tặng hay những lợi nhuận về tài vật khác. Họ được đòi hỏi phải có phương tiện để tự sinh sống. Điều lệ này có nghĩa là một số thiền sư có ít thì giờ để giảng dậy hơn, nhưng nó ngăn ngừa sự lạm dụng của thiền sinh và chống lại việc thương mại hóa.
--------------------------------------------------------------------------------
Tôi không thể ngồi xếp bằng. Tôi có thể hành thiền được không? Chắc chắn là được. Ghế ngồi được cung cấp cho những người không thể ngồi trên sàn nhà một cách thoải mái vì tuổi tác hoặc vì lý do sức khỏe.
--------------------------------------------------------------------------------
Tôi ăn kiêng. Tôi có thể mang theo thức ăn riêng được không? Nếu bác sĩ bắt quý vị phải ăn kiêng, xin cho chúng tôi biết để chúng tôi xem có thể cung ứng những gì quý vị cần. Nếu chế độ ăn kiêng của quý vị quá phức tạp và có thể ảnh hưởng đến việc hành thiền, chúng tôi có thể yêu cầu quý vị chờ cho tới khi việc ăn uống đỡ phức tạp hơn. Chúng tôi rất tiếc, nhưng thiền sinh được yêu cầu dùng thức ăn do chúng tôi nấu thay vì tự đem theo thức ăn riêng của mình. Hầu hết mọi người đều thấy rằng có đầy đủ thức ăn và thích thú với những món ăn chay giản dị.
--------------------------------------------------------------------------------
Phụ nữ mang thai có thể tham dự khóa thiền được không? Phụ nữ mang thai chắc chắn có thể tham dự, và nhiều phụ nữ chỉ đặc biệt tới trong lúc mang thai để tận dụng cơ hội tu tập nghiêm chỉnh và yên tĩnh trong thời kỳ đặc biệt này. Chúng tôi đòi hỏi những người mang thai phải cam đoan là không có trở ngại nào khi nạp đơn. Chúng tôi cung cấp thêm thức ăn cho họ và nói họ tu tập một cách thư thả hơn.
--------------------------------------------------------------------------------
Tại sao lại hành thiền trong im lặng? Tất cả các thiền sinh tham dự khóa thiền tuân theo sự “im lặng cao quý” — có nghĩa là, im lặng về việc làm, lời nói, ý nghĩ. Họ được yêu cầu tránh không liên lạc với người đồng tu. Tuy nhiên, thiền sinh được tự do liên hệ với ban quản trị khi có nhu cầu vật chất, và được nói với thiền sư. Tuân theo sự im lặng trong chín ngày đầu. Vào ngày thứ mười, được nói chuyện trở lại để cho quen với sinh hoạt bình thường của cuộc sống hằng ngày. Sự thực tập liên tục là bí quyết của thành công trong khóa thiền này; im lặng là một điều khoản cốt yếu để duy trì sự liên tục trong việc tu tập.
--------------------------------------------------------------------------------
Làm sao tôi biết chắc là tôi có đủ khả năng để hành thiền?Đối với một người có một sức khỏe vừa phải về thể xác và tinh thần, thành thật muốn và sẵn lòng gắng sức thật sự, hành thiền (gồm cả “im lặng cao quý”) không có gì là khó khăn cả. Nếu quý vị có thể làm theo sự hướng dẫn một cách kiên nhẫn và chăm chỉ, quý vị chắc chắn phải gặt hái được thành quả cụ thể. Mặc dù trông có vẻ khắt khe, chương trình hằng ngày không quá ngặt nghèo cũng không quá dễ dãi. Hơn nữa, sự hiện diện của những thiền sinh khác tu tập một cách cần mẫn trong một không khí an lạc và hữu hiệu hỗ trợ rất nhiều cho nỗ lực cá nhân.
--------------------------------------------------------------------------------
Có người nào không nên tham dự khóa thiền không? Dĩ nhiên những người sức khỏe quá yếu để tuân theo chương trình sẽ không có thể được lợi ích từ khóa thiền. Điều đó cũng đúng cho những người bị trở ngại về tâm thần, hoặc những ai đang bị rắc rối về tình cảm. Qua phương cách hỏi và đáp, chúng tôi có thể giúp quý vị quyết định rõ ràng là quý vị có ở trong vị thế hưởng được lợi lạc từ khóa thiền hay không. Trong nhiều trường hợp, thiền sinh phải có sự chấp thuận của bác sĩ trước khi được chấp nhận.
--------------------------------------------------------------------------------
Vipassana có thể chữa khỏi những bệnh về thể xác hay tinh thần không? Nhiều bệnh phát sinh từ sự xáo trộn nội tâm. Nếu sự xáo trộn mất đi, căn bệnh có thể bớt hoặc hết. Nhưng học Vipassana nhằm để chữa bệnh là sự một sai lầm và không bao giờ công hiệu. Những người làm như thế chỉ phí thì giờ bởi vì họ chú trọng vào mục tiêu sai lạc. Họ có thể làm hại chính họ. Họ sẽ không hiểu được thiền một cách đúng đắn cũng như không thành công trong việc chữa lành bệnh.
--------------------------------------------------------------------------------
Còn bệnh trầm cảm thì sao? Vipassana có chữa hết trầm cảm không? Một lần nữa, mục đích của Vipassana không phải là để chữa bệnh. Người thiệt sự tu tập Vipassana biết cách có được hạnh phúc và bình tâm trong mọi hoàn cảnh. Nhưng một người bị trầm cảm nặng lâu ngày không có đủ khả năng để áp dụng phương pháp một cách đúng đắn và không thể đạt được thành quả mong đợi. Điều tốt nhất cho một người như thế là làm việc với người chuyên môn. Thiền sư Vipassana là những người chuyên môn về thiền chứ không phải là bác sĩ tâm thần.
--------------------------------------------------------------------------------
Vipassana có thể làm cho người ta bị mất quân bình về tinh thần không? Không. Vipassana chỉ dậy cho quý vị có ý thức và bình tâm, nghĩa là, quân bình mặc dù những thăng trầm của cuộc sống. Nhưng nếu có người tới khóa thiền mà dấu diếm những rắc rối trầm trọng về tình cảm, người đó có thể không hiểu phương pháp hoặc không áp dụng đúng cách để đạt được thành quả mong muốn. Đây là tại sao rất quan trọng phải cho chúng tôi biết quá trình của quý vị để chúng tôi xét xem quý vị có thể có được lợi ích từ khóa thiền hay không.
--------------------------------------------------------------------------------
Tôi có phải là một phật tử để tu tập Vipassana hay không? Nhiều người thuộc nhiều tôn giáo và không tôn giáo đã nhận thấy khóa thiền hữu ích và có lợi lạc. Vipassana là một nghệ thuật sống, một cách sống. Trong lúc Vipassana là tinh túy của những gì Đức Phật giảng dậy, nó không phải là một tôn giáo; trái lại, nó là sự vun trồng phẩm giá con người đưa đến một cuộc đời tốt lành cho mình và tốt lành cho những người khác.
--------------------------------------------------------------------------------
Tại sao tôi phải ở lại trọn mười ngày? Vipassana được giảng dậy từng bước một, với những bước mới được thêm vào mỗi ngày cho tới cuối khóa. Nếu về sớm, quý vị không học được toàn thể và không cho phương pháp có cơ hội phục vụ quý vị. Cũng thế, bằng cách thực tập một cách nghiêm túc, người tham dự bắt đầu một tiến trình chỉ có kết quả tốt vào lúc kết thúc khóa thiền. Gián đoạn tiến trình trước khi kết thúc là điều không nên.
--------------------------------------------------------------------------------
Rời khóa thiền sớm có nguy hiểm không?Điểm chính là ra về sớm là tự hại mình. Quý vị không cho mình cơ hội học được toàn thể phương pháp và quý vị không thể áp dụng nó một cách thành công trong cuộc sống hằng ngày. Quý vị cũng làm gián đoạn tiến trình ở nửa chừng thay vì để nó kết thúc một cách đúng đắn. Để về nhà một hay hai ngày sớm hơn, quý vị phí phạm những thì giờ mà quý vĩ đã bỏ ra.
--------------------------------------------------------------------------------
Còn ngày thứ mười, khi được phép nói chuyện và sự hành thiền nghiêm chỉnh chấm dứt, thì sao? Khi đó tôi có được về không? Ngày thứ mười là ngày rất quan trọng để chuyển sang cuộc sống bình thường. Không ai được phép ra về vào ngày đó.
--------------------------------------------------------------------------------
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:17:27 GMT -5
Giới thiệu Phương Pháp
--------------------------------------------------------------------------------
Vipassana là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ. Đã mất từ lâu trong dân gian, Vipassana được Đức Phật Gotama tái phát hiện 2500 năm truớc đây. Vipassana có nghĩa là thấy sự việc đúng như thật. Nó là tiến trình tự thanh lọc bằng cách tự quan sát. Ta bắt đầu quan sát hơi thở để định tâm. Với ý thức bén nhậy, ta tiến tới việc quan sát bản chất thay đổi của thân và tâm, và cảm nghiện được chân lý phổ quát về vô thường, khổ, vô ngã. Sự nhận ra chân lý này bằng trực nghiệm là tiến trình thanh lọc. Toàn thể con đường (Dhamma) là thuốc chữa chung cho vấn đề chung, không liên quan đến một tổ chức tôn giáo hoặc tông phái nào. Vì lý do này, Vipassana được mọi người thực tập, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không bị chi phối bởi mầu da, xuất xứ, và nó sẽ chứng minh rằng mọi người ai cũng hưởng được lợi ích đồng đều.
Vipassna không phải là: Nó không phải là nghi lễ, nghi thức dựa trên đức tin mù quáng. Nó không phải là một sự tiêu khiển trí thức hoặc triết lý. Nó không phải là để chữa bệnh, nghỉ mát, hay là một cơ hội để giao du. Nó không phải là sự trốn tránh những thử thách, phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Vipassana là: Nó là phương pháp diệt trừ đau khổ. Nó là phương cách thanh lọc tâm để giúp ta đối phó với những căng thẳng và khó khăn của cuộc đời một cách bình tĩnh, quân bình. Nó là một nghệ thuật sống mà ta có thể xử dụng để đóng góp tích cực cho xã hội. Thiền Vipassana hướng đến mục tiêu tâm linh cao cả nhất của sự hoàn toàn giải thoát và giác ngộ; mục đích của Vipassana không bao giờ chỉ để chữa bệnh. Tuy nhiên, nhờ sản phẩm phụ của sự thanh lọc tâm, nhiều bệnh tâm thần cũng được chữa khỏi. Sự thật, Vipassana loại trừ được ba nguyên nhân chính của mọi bất hạnh: thèm muốn, chán ghét, vô minh. Với sự tu tập liên tục, tu thiền giải tỏa những căng thẳng do cuộc sống hằng ngày tạo ra, tháo mở những khúc mắc do thói quen cố hữu, phản ứng đối với những hoàn cảnh dễ chịu hay khó chịu một cách thiếu bình tĩnh.
Mặc dù Vipassana là phương pháp do Đức Phật tìm ra, sự thực hành không chỉ giới hạn cho Phật tử. Tuyệt đối không có sự cải đạo. Mọi chúng sinh đều có cùng những khó khăn căn bản, và phương pháp có thể diệt trừ những khó khăn này phải được áp dụng chung cho nhân loại. Nhiều người từ nhiều giáo phái đã hưởng được những lợi ích nhờ thiền Vipassana, và thấy không có gì xung khắc với tín ngưỡng của họ.
--------------------------------------------------------------------------------
Thiền và Kỷ luật tự giác Tiến trình tự thanh lọc chắc chắn không bao giờ dễ dàng - thiền sinh phải làm việc rất cần mẫn. Bằng nỗ lực của chính mình, thiền sinh đạt được tự chứng, không một ai có thể làm thay cho họ. Do đó, thiền chỉ hợp với những người sẵn sàng tu tập nghiêm chỉnh và tuân theo kỷ luật được đặt ra vì lợi ích và để bảo vệ người tu tập và là một phần quan trọng trong việc hành thiền.
Chắc chắn mười ngày là một thời gian rất ngắn để thâm nhập tầng lớp sâu nhất của tâm vô thức và học được cách xóa bỏ những bất tịnh nằm tại đó. Liên tục tự mình tu tập là bí mật của sự thành công của phương pháp này. Điều lệ và nội quy được đặt ra với ý niệm về phương diện thực tiễn này. Chúng không phải chỉ vì sự lợi ích của thiền sư hoặc ban quản trị khóa thiền, hoặc chúng là truyền thống tiêu cực, cổ hủ hoặc đức tin mù quáng trong một vài tổ chức tôn giáo. Trái lại, chúng dựa trên kinh nghiệm thực thụ của hàng ngàn thiền giả trong nhiều năm, rất khoa học và hợp lý. Tuân theo điều lệ tạo ra môi trường thuận lợi, bất tuân gây ra ô nhiễm cho việc hành thiền.
Một thiền sinh sẽ phải ở lại trong suốt thời gian khóa thiền. Những điều lệ khác cũng nên đọc kỹ và quan tâm đến. Chỉ những người cảm thấy mình có thể tuân theo một cách thành thật và triệt để mới nên nạp đơn xin tham dự. Những người không sẵn sàng cố gắng tuân theo chỉ phí thì giờ của mình, và hơn nữa sẽ làm phiền những người tu tập nghiêm chỉnh. Thiền sinh cũng phải hiểu rằng, bỏ về không hoàn tất khóa thiền khi nhận ra kỷ luật quá khắt khe, sẽ rất bất lợi và không được phép. Cũng tương tự, thật không may, mặc dù đã được nhắc lại nhiều lần, những thiền sinh không tuân theo kỷ luật sẽ không được tiếp tục.
--------------------------------------------------------------------------------
Những Người bị Bệnh Tâm Thần Nặng Thỉnh thoảng cũng có những người bị bệnh tâm thần nặng tham dự khóa thiền Vipassana với hy vọng không thực tế là phương pháp này sẽ chữa khỏi hoặc bớt bệnh. Bất ổn trong những liên hệ cá nhân và những cách chữa trị khác nhau là những yếu tố khiến những người này khó có được lợi ích hay ngay cả việc hoàn tất khóa thiền mười ngày. Khả năng của chúng tôi, một tổ chức tự nguyện, không chuyên nghiệp khiến chúng tôi không thể nào chăm sóc cho những người này. Mặc dù hữu ích cho hầu hết mọi người, thiền Vipassana không thể thay thế cách chữa trị tâm thần hoặc bằng thuốc và chúng tôi thấy nó không phù hợp với những người mắc bệnh tâm thần nặng.
--------------------------------------------------------------------------------
Điều Lệ về Kỷ Luật Nền tảng của sự tu tập là sīla — hành vi đạo đức. Sīla tạo căn bản cho sự phát triển samādhi — định tâm; và thanh lọc tâm đạt được nhờ paññā — trí khôn của huệ nhãn hay tuệ giác.
Giới Mọi người tham dự khóa thiền Vipassana phải luôn luôn giữ Ngũ Giới sau đây trong thời gian của khóa thiền:
1.tránh không giết hại sinh vật, 2.tránh không trộm cắp, 3.tránh không tình dục, 4.tránh không nói láo, 5.tránh không dùng độc tố, Những thiền sinh cũ (đó là những người đã hoàn thành một khóa thiền với Thiền sư S.N. Goenka hoặc một Thiền sư phụ tá) còn phải tuân theo ba giới luật sau đây:
6.tránh không ăn quá ngọ, 7.tránh không giải trí và trang điểm 8.tránh không ngủ giường cao và sang trọng. Thiền sinh cũ giữ giới thứ sáu bằng cách chỉ dùng trà và nước trái cây trong giờ giải lao lúc 5:00 giờ chiều, trong khi đó thiền sinh mới có thể dùng trà với sữa và trái cây. Thiền sư có thể cho phép một thiền sinh cũ không phải giữ giới này vì lý do sức khỏe. Tất cả đều phải giữ giới thứ bẩy và thứ tám.
Tuân Phục Thiền sư và Phương pháp Trong thời gian khóa thiền, thiền sinh phải hứa sẵn sàng tuân theo mọi sự hướng dẫn và chỉ dẫn cách tu tập của thiền sư; đó là, tuân theo kỷ luật và hành thiền đúng như sự yêu cầu của thiền sư, không bỏ bớt một phần nào cũng như thêm vào điều gì. Sự chấp nhận phải rõ ràng với hiểu biết, chứ không phải là sự phục tùng mù quáng. Chỉ với thái độ tín cẩn này thiền sinh mới có thể làm việc cần mẫn và sốt sắng. Đặt niền tin như thế vào thiền sư và phương pháp tối quan trọng trong sự thành công khi hành thiền.
Những Phương Pháp khác, Nghi Lễ, và những Hình Thức Thờ phưọng Trong khóa thiền, điều tối quan trọng là mọi hình thức cầu nguyện, cúng bái, hay các nghi lễ tôn giáo - nhịn ăn, thắp nhang, lần tràng hạt, tụng niệm, ca hát, nhẩy múa, v.v.v. phải tạm ngưng. Tất cả những phương pháp thiền khác và các loại chữa bệnh hay luyện thần quyền phải chấm dứt. Đây không phải là sự lên án những đường lối hoặc phương pháp khác, nhưng để công bằng mà thử phương pháp Vipassana trong sự thuần khiết.
Thiền sinh được khuyến cáo rõ ràng là nếu cố tình trộn lẫn những phương pháp thiền khác vào Vipasana sẽ ngăn cản hoặc làm thoái hóa sự tiến bộ. Mặc dù được Thiền sư cảnh cáo nhiều lần, trong quá khứ vẫn có những trường hợp thiền sinh cố tình pha trộn phương pháp này với nghi lễ hoặc một phương pháp thiền khác, và đưa đến nhiều tai hại. Mọi nghi ngờ, hoặc không rõ phải được làm sáng tỏ bằng cách gặp thiền sư.
Gặp Thiền sư Thiền sư sẵng sáng gặp riêng từng thiền sinh từ 12 giờ trưa đền 1 giờ chiều. Những câu hiỏ có thể hỏi công khai từ 9 giờ đến 9:30 tối tại thiền đùng. Giờ gặp thiền sư và giờ đặt câu hỏi là để làm sáng tỏ phương pháp và những câu hỏi liên quan đến pháp thoại buổi tối.
Im Lặng Cao Quý Mọi thiền sinh phải giữ Im Lặng Cao Quý từ lúc bắt đầu khóa thiền cho đến buổi sáng ngày cuối. Im Lặng Cao Quý nghĩa là sự im lặng của thân, khẩu, ý. Mọi hình thức liên lạc với người đồng tu, bằng cử chỉ, ra dấu, ghi nốt, v.v.v. đều bị cấm.
Tuy nhiên, thiền sinh có thể nói với thiền sư khi cần thiết và có thể gặp ban quản trị khi có những vấn đề liên quan đến thực phẩm, tiện nghi, sức khỏe, v.v.v. Nhưng những liên lạc này cũng phải giữ ở mức tối thiểu. Thiền sinh phải có quan niệm là mình tu tập tự lập.
Cách biệt giữa Nam và Nữ Phải duy trì sự cách biệt hoàn toàn giữa nam và nữ. Những cặp vợ chồng hay bồ bịch, không được liên lạc với nhau dưới bất cứ hình thức nào trong khóa thiền. Điều này cũng áp dụng cho bạn bè, người trong cùng gia đình, v.v.v.
Đụng Chạm Tay Chân Vì bản chất cô lập của phương pháp thiền, điều quan trọng là trong suốt khóa, thiền sinh tránh mọi sự đụng chạm tay chân với người cùng phái hoặc khác phái.
Yoga và Tập Thể Dục Mặc dù tập yoga và thể dục phù hợp với Vipassana, nhưng phải tạm ngưng vì khu vực dành riêng cho mục đích này không có sẵn tại trường thiền. Chậy bộ cũng bị cấm. Thiền sinh có thể vận động bằng cách đi bộ trong khu vực dành riêng cho nam hoặc cho nữ.
Dụng cụ Tín Ngưỡng, Tràng hạt, v.v.v. Không một thứ nào được mang vào khóa thiền. Nếu vô tình mang theo, phải giao cho ban quản trị giữ dùm trong thời gian khóa thiền.
Chất gây say và Ma túy Ma túy, rượu, hoặc những chất gây say khác không được mang vào khóa thiền; điều này cũng áp dụng cho thuốc an thần, thuốc ngủ, và tất cả các loại thuốc giảm đau. Những người dùng thuốc theo toa bác sĩ nên thông báo cho Thiền sư.
Thuốc lá Vì sức khỏe và tiện nghi cho tất cả thiền sinh, hút, nhai, ngửi thuốc lá bị cấm trong khóa thiền.
Thực phẩm Không thể nào có thể làm thỏa mãn ý thích và nhu cầu của từng thiền sinh. Do đó thiền sinh được yêu cầu vui lòng chấp nhận những món ăn chay được phục vụ. Ban quản trị cố gắng sửa soạn một thực đơn đầy đủ và thăng bằng thích hợp với sự hành thiền, mà không dựa trên một triết thuyết ăn uống đặc biệt nào. Nếu thiền sinh phải dùng những thức ăn đặc biệt vì lý do sức khỏe, nên thông báo cho ban quản trị biết khi nạp đơn. Không được phép nhịn ăn.
Quần áo Quần áo nên giản dị, nhã nhặn, và thoải mái. Không nên mặc quần áo chật bó, mỏng manh, hở hang hoặc sặc sỡ (như quần soọc, váy ngắn, quần hoặc vớ bó, áo quá ngắn hoặc không có tay). Không được phép phơi nắng hoặc hở hang. Luôn luôn kín dáo, nhã nhặn. Điều này quan trọng để giản thiểu sự phân tâm.
Tắm Giặt Vì không có máy giặt hay máy sấy nên thiền sinh cần mang theo đầy đủ quần áo. Có thể giặt bằng tay những thứ nhỏ. Chỉ có thể tắm giặt trong giờ nghỉ, không phải trong giờ thiền.
Liên lạc với Bên ngoài Thiền sinh phải ở trong phạm vi khóa thiền trong suốt khóa. Họ chỉ được phép rời khóa thiền với sự đồng ý đặc biệt của thiền sư. Không được phép liên lạc với bên ngoài trước khi khóa thiền chấm dứt. Đây gồm, thư từ, điện thoại, khách khứa. Điện thoại di động, máy nhắn tin, và mọi dụng cụ điện tử khác phải giao cho ban quản trị cho tới khi mãn khóa. Trong trường khẩn cấp, bạn hoặc thân nhân của thiền sinh có thể liên lạc với ban quản trị.
Âm nhạc, Đọc và Viết Không được phép chơi nhạc, mở radio, v.v.v. Sách báo, giấy bút không được mang vào khóa thiền. Thiền sinh không nên làm mình phân tâm bằng cách ghi nốt. Giới hạn đọc và viết là để nhấn mạnh bản chất thực dụng của lối thiền này.
Máy ghi âm và Máy chụp hìnhĐều không được dùng trừ trường hợp được thiền sư cho phép.
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:21:04 GMT -5
Tài Chánh cho Khóa Thiền Theo truyền thống tinh khiết của Vipassana, những khóa thiền được mở ra hoàn toàn do sự đóng góp thiện nguyện. Chỉ những đóng góp của thiền sinh cũ mới được chấp nhận, nghĩa là, những người đã hoàn tất một khóa thiền với thiền sư S.N. Goenka hay một thiền sư phụ tá.
Bằng cách này, những khóa thiền được trợ giúp bởi những người nhận ra lợi ích của sự thực tập. Mong muốn được chia sẻ lợi ích với những người khác, họ cống hiến tùy theo khả năng và ước muốn. Những sự đóng góp như thế là nguồn tài chánh duy nhất cho những khóa thiền trên khắp thế giới. Không có một hiệp hội hoặc một cá nhân giầu có nào tài trợ cả. Hoặc các thiền sư hay những người tổ chức nhận bất cứ thù lao nào cho sự phục vụ. Do đó, Vipassana được quảng bá với mục đích tinh khiết, không bị thương mại hóa.
Dù là nhiều hay ít, sự đóng góp phải được thực thi với ước muốn giúp đỡ người khác: “Khóa thiền mà tôi đã tham dự được đài thọ do hảo tâm của những thiền sinh cũ: bây giờ để tôi cúng dường cho một khóa sắp tới, để cho những người khác cũng hưởng được những lợi ích của phương pháp này.”
--------------------------------------------------------------------------------
Tóm Tắt Để làm sáng tỏ ý nghĩa về kỷ luật và điều lệ, chúng xin được tóm lược như sau:
Cố hết sức để những hành động của mình không làm phiền người khác. Không để ý đến những phiền nhiễu do người khác gây ra.
Có thể một thiền sinh không hiểu lý do thực sự của một hay nhiều điều lệ trên đây. Thay vì để tiêu cực và nghi ngờ phát triển, nên gặp thiền sư lập tức để tìm hiểu rõ ràng.
Chỉ với sự cố gắng tối đa trong sự tuân theo kỷ luật, thiền sinh mới có thể hiểu được cách tu tập và hưởng được lợi ích. Sự nhấn mạnh trong khóa thiền là làm việc. Lời khuyên quý báu là, hành thiền một cách độc lập, hướng vào nội tâm, bỏ qua mọi bất tiện và phiền toái mà mình có thể gặp.
Cuối cùng, thiền sinh nên lưu ý sự tiến bộ của mình tùy thuộc độc nhất vào phẩm chất tốt của riêng mình và sự phát triển cá nhân, và năm yếu tố: nỗ lực một cách nhiệt thành, tự tin, thành thật, lành mạnh và khôn ngoan.
Nguyện cho những tài liệu trên đây giúp quý vị đạt được lợi ích tối đa trong khóa thiền. Chúng tôi hân hoan có cơ hội được phục vụ, và chúc quý vị được an lạc, hài hòa do kinh nghiệm của quý vị với Vipassana.
--------------------------------------------------------------------------------
Thời Khóa Biểu Thời khóa biểu sau đây được đặt ra để duy trì sự liên tục của sự hành thiền. Muốn có kết quả khả quan, thiền sinh được khuyến cáo nên triệt để tuân theo:
4:00 giờ sáng Chuông báo thức buổi sáng 4:30-6:30 giờ sáng Thiền tại thiền đường, hay phòng riêng 6:30-8:00 giờ sáng Ăn sáng 8:00-9:00 giờ sáng Thiền chung tại thiền đường 9:00-11:00 giờ sáng Thiền tại thiền đường hay phòng riêng tùy theo sự chỉ dẫn của thiền sư 11:00-12:00 giờ trưa Ăn trưa 12noon-1:00 giờ chiều Nghỉ ngơi, và phỏng vấn với thiền sư 1:00-2:30 giờ chiều Thiền tại thiền đường hay phòng riêng 2:30-3:30 giờ chiều Thiền chung tại thiền đường 3:30-5:00 giờ chiều Thiền tại thiền đường hay phòng riêng tùy theo sự chỉ dẫn của thiền sư 5:00-6:00 giờ chiều Giải lao 6:00-7:00 giờ chiều Thiền chung tại thiền đường 7:00-8:15 giờ tối Pháp thoại tại thiền đường 8:15-9:00 giờ tối Thiền chung tại thiền đường 9:00-9:30 giờ tối Giờ hỏi pháp tại thiền đường 9:30 giờ tối Về phòng ngủ: tắt đèn
--------------------------------------------------------------------------------
Quý vị có thể in ra một bản Điều lệ về Kỷ luật trên đây theo dạng Adobe Acrobat tại đây để đọc một cách kỹ lưỡng và duyệt xét lại trước khi ghi tên tham dự một khóa thiền.
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:24:24 GMT -5
Ông S. N. Goenka-------------------------------------------------------------------------------- Tiểu sử Ông Goenka là một cư sĩ Thiền sư Vipassana theo truyền thống của Đại thiền sư quá cố Sayagyi U Ba Khin, người Miến điện (Mayamar). Mặc dù gốc là người Ấn độ, Ông Goenka sinh trưởng và lớn lên tại Miến điện. Trong thời gian cư ngụ tại Miến điện, Ông đã may mắn được gặp U ba Khin và được truyền dậy phương pháp Thiền Vipassana. Sau khi thụ huấn với sư phụ đuợc mười bốn năm, Ông Goenka về cư ngụ tại Ấn độ và bắt đầu giảng dậy Vipassana vào năm 1969. Trong một quốc gia còn nhiều chia rẽ bởi những giai cấp và tôn giáo khác nhau, những khoá thiền do Ông Goenka hướng dẫn đã thu hút hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Thêm vào đó, nhiều người từ những quốc gia trên khắp thế giới đã tới tham dự những khoá Thiền Vipassana. Ông Goenka đã giảng dậy cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa thiền tại Ấn độ và những nước khác, cả Đông phương lẫn Tây phương. Năm 1982, Ông bắt đầu bổ nhiệm những Thiền sư phụ tá để giúp thỏa mãn nhu cầu về thiền càng ngày càng gia tăng. Những Trung tâm Thiền đã được thành lập tại Ấn độ, Gia nã đại, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Nhật, Tích lan, Thái, Miến điện, Nepal, và những nước khác. Phương pháp mà Thiền sư S.N. Goenka giảng dậy tiêu biểu cho một truyền thống có từ thời của Đức Phật. Đức Phật không hề giảng dậy một giáo phái nào; Ngài giảng dậy Dhamma (Pháp) — con đường giải thoát — là đường lối phổ quát. Cùng một truyền thống đó, đường lối của Ông Goenka cũng hoàn toàn không tông phái. Vì lý do này, sự giảng dậy của Ông thu hút mạnh mẽ mọi người thuộc mọi giai cấp, mọi tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào, và từ khắp nơi trên thế giới. -------------------------------------------------------------------------------- U.N. Peace Summit Hội nghị Thượng đỉnh về Hòa bình tại Liên Hiệp Quốc Vào mùa hè năm 2000, Ông Goenka, vị thiền sư chính của Thiền Vipassana viếng thăm Mỹ quốc và cùng với những nhà lãnh đạo tinh thần khác trên thế giới, diễn thuyết tại “Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế Giới” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Nữu ước. S.N. Goenka đọc diễn văn tại Hội Nghị Thượng đỉnh Hòa bình Bill Higgins Ngày: 29 tháng 8 năm 2000 New York — Hôm nay Thiền sư Vipassana S.N. Goenka nói chuyện với những phái đoàn tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế giới tại Đại sảnh đường Liên Hiệp Quốc - lần đầu tiên có sự hiện diện của những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần tại Liên Hiếp Quốc. Bài diễn văn của Ông Goenka, trong phiên họp về Chuyển Hóa Xung Đột, chú trọng vào chủ trương hòa hợp tôn giáo, khoan dung và chung sống hoà bình. “Thay vì hoán chuyển con người từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác” Ông Goenka nói, “chúng ta nên chuyển hóa con người từ đau khổ sang hạnh phúc, từ ràng buộc sang giải thoát và từ tàn ác sang bác ái.” Ông Goenka đọc diễn văn trong phiên họp buổi chiều cho một phái đoàn khoảng 2000 người tham dự và quan sát viên. Ông Goenka nói chuyện sau bài diễn văn của Ông Ted Turner, sáng lập viên của đài CNN. Ông Turner là người tài trợ cho Hội nghị Thượng Đỉnh. Để phù hợp với chiều hướng tìm kiếm hòa bình thế giới, Ông Goenka nhấn mạnh rằng hòa bình trên thế giới không thể đạt được trừ khi có an lạc trong từng cá nhân. “Không thể có hòa bình trên thế giới khi trong tâm người ta còn giận dữ, thù hận. Chỉ với tấm lòng đầy tình thương và bác ái mới có thể có hòa bình thế giới.” Một khía cạnh đặc biệt của Hội nghị Thượng đỉnh là nỗ lực giảm thiểu xung khắc và căng thẳng về tông phái. Về điểm này Ông Goenka nói, “Khi trong lòng có nóng giận và thù hận, ta trở nên khổ sở cho dù ta là người theo Thiên chúa giáo, Ấn độ giáo hay Hồi giáo.” Ông nói tiếp với sự tán thưởng nồng nhiệt của cử tọa, “Người có tình thương và lòng bác ái bằng một tấm lòng thánh thiện hưởng được Vương quốc Thiên đàng nội tâm. Đây là Luật Tự Nhiên, hay nếu ta muốn, ý muốn của Thượng đế.” Phù hợp cho một cử tọa gồm những nhà lãnh đạo tinh thần chính trên thế giới, Ông nói, “Chúng ta hãy chú trọng đến những sự tương đồng của mọi tôn giáo, về cốt tủy bên trong của mọi tôn giáo là sự thánh thiện của tâm hồn. Tất cả chúng ta nên chú trọng đến khía cạnh này của tôn giáo và tránh xung khắc về vỏ bên ngoài của các tôn giáo là những nghi thức, nghi lễ, hội hè, giáo lý khác nhau.” Để tóm tắt, Ông Goenka trích lại lời của Hoàng đế Asoka khắc trên những bia đá, “Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo của ta và lên án những tôn giáo khác. Trái lại, ta nên tôn vinh các tôn giáo khác vì nhiều lý do khác nhau. Làm như thế ta giúp tôn giáo của ta lớn mạnh đồng thời cũng giúp ích cho tôn giáo của người khác. Nếu làm ngược lại, ta tự đào hố chôn tôn giáo của mình và đồng thời cũng làm hại những tôn giáo khác. Những ai tôn vinh tôn giáo của mình và lên án những tôn giáo khác có thể vì sự tôn sùng tôn giáo của mình, nghĩ là, 'Tôi làm cho tôn giáo của tôi được vinh quang!' Nhưng hành động này làm tổn thương trầm trọng đến tôn giáo của họ. Đồng thuận bao giờ cũng tốt. Tất cả hãy lắng nghe và sẵn lòng lắng nghe những giáo lý của người khác.” Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan nói Hội nghị Thượng đỉnh là “một sự quy tụ những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần lớn trên thế giới đồng thanh kêu gọi hòa bình với hy vọng là sẽ củng cố triển vọng về hòa bình khi chúng ta đi vào thiên niên mới.” Những nhà lãnh đạo tinh thần được mời tham dự cuộc họp chưa từng có này của Liên Hiệp Quốc gồm có Pramukh của Phong trào Swami Naryana, Swami Dayananda Saraswati, Swami Agniwesh, Mata Amritanandamayi Devi và Dada Wasvani cũng như những nhà bác học uyên bác như Dr Karan Singh và L.M. Singhvi. Đề cập tới sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa của những người tham dự, Ông Annan nói rằng, “Liên Hiệp Quốc là tấm thảm không những dệt bằng âu phục, sari nhưng còn dệt bằng áo dòng, áo bà sơ, y của lama; mũ, khăn choàng, găng tay.” Mặc dù Ông Annan bị chất vấn liên tục về sự vắng mặt của những nhà lãnh đạo Tây tạng, Ông cố xoay câu hỏi trở về mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh và nói rằng “để đưa tôn giáo về vai trò đúng đắn là tạo ra hòa bình và bình yên — vấn đề của những xung đột không bao giờ là Thánh kinh hoặc kinh Torah (Do thái giáo) hoặc kinh Koran (Hồi giáo). Thật ra, rắc rối không bao giờ là tín ngưỡng — nó là do những tín đồ và cách chúng ta đối xử với nhau. Quý vị phải, một lần nữa, chỉ dậy tín đồ của Quý vị đường lối hòa bình và đường lối dung thứ.” Người lãnh đạo Liên Hiệp Quốc hy vọng rằng vì 83% dân số trên thế giới theo một tôn giáo chính thức hoặc hệ thống đức tin về tâm linh, những nhà lãnh đạo tôn giáo này có thể gây ảnh hưởng cho tín đồ của họ về hòa bình. Liên hiệp Quốc hy vọng rằng hội nghị sẽ đưa cộng đồng trên thế giới, theo một tài liệu, “đểể xác nhận sự quan trọng của tâm linh và công nhận rằng chúng ta có quyền lực diệt trừ hình thức tàn ác nhất đối với con người — chiến tranh — cũng như nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh — nghèo đói. Thời gian đã chín mùi để những nhà lãnh đạo tinh thần trên thế giới làm việc mật thiết với Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực công nhận nhu cầu cấp bách của nhân loại.” Hội nghị Thượng đỉnh sẽ kết thúc vào Thứ năm ngày 31 tháng 8 khi những người tham dự ký vào Bản Tuyên Ngôn về Hòa bình Thế giới và thành lập một Hội đồng Cố vấn Quốc tế cho những nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Tinh thần. Hội đồng sẽ làm việc với Liên Hiệp Quốc và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực tạo ra hòa bình và duy trì hòa bình. Tổng thư ký Hội nghị Thượng đỉnh, Ông Bawa Jain nói, “Mục tiêu của Hội đồng Cố vấn Quốc tế cho những nhà Lãnh đạo Tôn giáo và Tinh thần là để củng cố việc làm của Liên Hiệp Quốc. Hy vọng chân thành nhất của chúng ta là khi có xung đột, những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần vĩ đại nhất thế giới được thả dù vào những chỗ này để tìm ra một giải pháp bất bạo động cho những cuộc xung đột.”
|
|
|
Post by huule on Jul 2, 2010 1:25:41 GMT -5
Diễn văn tại Liên Hiệp Quốc Tâm linh phổ quát cho Hòa bình của S.N. Goenka Tâm linh Phổ quát cho Hòa bình, của S.N.Goenka — Băng Video
Sau đây là trọn vẹn bài diễn văn của Ông Goenka vào thứ ba, ngày 29 tháng 8 năm 2000 tại Đại sảnh đường Liên Hiệp Quốc cho những người tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên về Hòa bình Thế giới.
Khi nào có bóng tối thì cần đến ánh sáng. Ngày nay, với rất nhiều đau thương gây ra bởi xung đột tàn khốc, chiến tranh và đổ máu, thế giới rất cần đến hòa bình và hòa hợp. Đây là một thử thách lớn lao cho những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần. Chúng ta hãy chấp nhận sự thử thách này.
Mọi tôn giáo đều có một hình thức hay cái vỏ bên ngoài và một cốt lõi hoặc tinh túy bên trong. Hình thức bên ngoài gồm có nghi lễ, nghi thức, lễ hội, niềm tin, thần bí và giáo lý. Những hình thức này khác nhau từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Nhưng có một cốt lõi chung cho tất cả các tôn giáo: sự giảng dậy phổ quát về đạo đức và việc từ thiện, và một tinh thần tự kỷ và trong sạch tràn đầy tình thương và bác ái, thiện chí và độ lượng. Những nhà lãnh đạo tôn giáo phải chú trọng vào điểm chung này và tôn giáo phải theo đó mà tu tập. Nếu sự quan trọng đúng đắn được đặt vào tinh túy của mọi tôn giáo và nhiều khoan dung độ lượng hơn đối với những hình thức bề ngoài, xung đột có thể giảm thiểu.
Mọi người phải được tự do thực hành và đi theo tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ phải thận trọng đừng quên tu tập cái tinh túy của tôn giáo của mình, không làm phiền người khác bằng sự thực hành tôn giáo của mình, không lên án hoặc khinh rẻ tín ngưỡng của người khác.
Bởi vì có sự khác biệt lớn lao giữa những tôn giáo, làm sao chúng ta vượt qua những dị biệt và đạt được một kế hoạch chắc chắn cho hòa bình? Đức Phật, bậc Giác Ngộ, thường gặp nhiều người với những quan điểm khác nhau. Ngài thường nói với họ, “Chúng ta hãy bỏ qua một bên những dị biệt. Chúng ta hãy chú tâm đến những gì chúng ta có thể đồng ý, và chúng ta hãy thực hành chúng. Tại sao lại tranh cãi?” Lời khuyên khôn khéo đó cho tới ngày nay vẫn còn giá trị.
Tôi xuất thân từ vùng đất cổ xưa nơi có nhiều trường phái về triết lý và tâm linh khác nhau từ ngàn năm qua. Mặc dù có một vài bạo động lẻ tẻ, nước tôi đã là khuôn mẫu về chung sống hòa bình. Khoảng 2300 năm trưóc đây Ashoka Đại đế trị vì nước này, một đế quốc trải rộng từ Afghanistan tới Bangledesh. Trong thời gian trị vì, vị vua nhiều từ tâm này đã cho khắc nhiều châm ngôn vào bia đá, nói rằng mọi tín ngưỡng cần được tôn trọng; và kết quả là tín đồ của mọi truyền thống tâm linh cảm thấy được an toàn dưới sự trị vì của Ngài. Ngài đòi hỏi dân chúng phải sống một cuộc sống đạo đức, kính trọng cha mẹ và bậc trưởng thượng, và tránh sát sinh. Những lời của Ngài cho tới ngày nay vẫn còn phù hợp:
Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo của mình và lên án tôn giáo của nhũng người khác. Trái lại. ta phải tôn vinh những tôn giáo khác vì nhiều lý do khác nhau. Làm như vậy ta giúp tôn giáo của mình phát triển đồng thời cũng giúp cho tôn giáo của người khác. N ếu làm ngược lại, ta đào hố tự chôn tôn giáo của mình và đồng thời cũng làm hại các tôn giáo khác. Những ai tôn kính tôn giáo của mình và đả kích những tôn giáo khác có thể vì lòng tôn sùng tôn giáo của mình, nghĩ là, “Tôi sẽ làm tôn giáo của tôi được vinh quang”, nhưng hành động này làm tổn thương tôn giáo của người đó rất nhiều. Đồng thuận bao giờ cũng tốt. Mọi người hãy lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe giáo lý của người khác. (Bia Đá số 12)
Hoàng đế Ashoka tượng trưng cho một truyền thồng sáng chói về chung sống hòa hợp và hòa bình trường cửu. Truyền thống đó tiếp tục sống còn trong những chính phủ và các lãnh tụ ngày nay. Một ví dụ là quốc vương thánh thiện của Oman đã cống hiến đất đai cho nhà thờ và chùa chiền của những tín ngưỡng khác trong khi vẫn thực hành tôn giáo của Ngài bằng tất cả sự tôn kính và nhiệt tâm. Tôi tin chắc rằng trong tương lai, sẽ có nhiều nhà lãnh đạo và chính phủ như thế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như thường được nói, “Hãy ban ơn cho những người tạo ra hòa bình, vì họ được gọi là Con của Thượng đế.”
Thật quá rõ ràng là sự tàn bạo trước tiên làm hại những người thân. Họ có thể làm như vậy một cách trực tiếp, qua sự cố chấp, hay gián tiếp, bằng cách tạo ra phản ứng dữ dội lại những hành động này. Một mặt khác, thường được nói rằng, “Lành thay cho dung thứ, vì họ sẽ được dung thứ.” Đây là luật tự nhiên. Nó có thể gọi tương đương với luật đường lối của Thượng đế. Đức Phật nói, “Thù hận không thể xóa bỏ bằng thù hân nhưng chỉ bằng cách làm ngược lại. Đây là Dhamma (Pháp) vĩnh cửu (luật tâm linh).” Cái được gọi là Dhamma không liên quan gì tới Ấn độ giáo, Phật giáo, đạo Jain, Thiên chúa giáo, đạo Hồi, đạo Juda, đạo Sikhi hoặc bất cứ đạo nào khác. Nó chỉ là sự thật giản dị: trước khi quý vị hại người khác, quý vị làm hại mình trước bằng cách tạo ra tiêu cực trong tâm; bằng cách hết tiêu cực, quý vị có thể tìm được an lạc nội tâm và củng cố hòa bình trên thế giới.
An lạc nội tâm cho hòa bình thế giới Mọi tôn giáo xứng với tên gọi đều kêu gọi tín đồ sống một cuộc sống đạo đức và chính đáng, làm chủ được tâm và vun trồng một tâm hồn thánh thiện. Một truyền thống bảo chúng ta, “Hãy thương yêu hàng xóm”; một truyền thống khác nói, Salaam walekum — “Nguyện cho bạn được hạnh phúc”; một truyền thống khác còn nói, Bhavatu sabba mangalan hay Sarve bhavantu sukhinak — “Nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc.” Cho dù là Thánh kinh, Kinh Koran, hay kinh Gita, kinh điển đều kêu gọi hòa bình và hòa hợp. Từ Mahavir cho đến Jesus, tất cả những người sáng lập ra những tôn giáo lớn đều có lý tưởng về khoan dung và hòa bình. Tuy nhiên thế giới của chúng ta thường bị xung đột bởi sự khác biệt giữa các tôn giáo và tông phái, ngay cả chiến tranh - bởi vì chúng ta chỉ chú trọng tới vỏ bên ngoài mà quên đi tính túy của tôn giáo. Đây là hậu quả của sự thiếu tình thưong và lòng bác ái.
Hòa bình trên thế giới không thể đạt được trừ khi có được an lạc trong mỗi cá nhân. Vọng động và an lạc không thể tồ tại chung với nhau được. Một đường lối để đạt được an lạc nội tâm là Thiền Vipassana hay thiền tuệ giác – một phương pháp không tông phái, khoa học và có kết quả thực tiễn, một phương pháp tự quan sát và nhận biết sự thật. Thực tập phương pháp này mang lại sự hiểu biết thực nghiệm về sự tương quan giữa tâm và thân. Bất cứ khi nào tiêu cực nẩy sinh trong tâm như thù hận, nó sinh ra những cảm giác khó chịu trong người. Bất cứ khi nào tâm sinh ra tình thương vô vị lợi, bác ái và thiện chí, toàn thể con người tràn ngập những cảm giác dễ chịu. Thực tập Vipassana cũng cho thấy rằng hành động tinh thần đi trước hành động bằng tay chân và lời nói, quyết định hành động đó là thiện hoặc bất thiện. Tâm quan trọng nhất. Đó là tại sao chúng ta phải tìm ra đường lối thực tiễn để làm cho tâm được an lạc và thánh thiện. Những phương pháp như thế sẽ gia tăng gấp bội sự hữu hiệu của bản hiến chương chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình Thế Giới này.
Nước Ấn độ cổ xưa cống hiến hai phương cách cho thế giới. Một là sự tập luyện yoga (Sanas) và kiểm soát hơi thở (Pranayama) để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh. Thứ hai là sự tập luyện Vipassana để giữ cho tinh thần được lành mạnh. Con người thuộc mọi tôn giáo có thể và đang tập luyện cả hai đường lối này. Cùng một lúc, họ có thể theo tôn giáo của mình một cách bình yên và hòa hợp; không cần thiết phải cải đạo, một nguyên nhân thông thường đưa đến căng thẳng và xung đột.
Để cho một xã hội được hòa bình, càng nhiều dân chúng trong xã hội đó phải được an lạc. Là những nhà lãnh đạo, chúng ta phải có trách nhiệm làm gương và khích lệ. Một hiền nhân đã từng nói, “Một tâm hồn quân bình rất cần để làm quân bình những tâm hồn mất quân bình của người khác.”
Nói rộng hơn, một xã hội hòa bình sẽ tìm được cách sống hòa bình với hoàn cảnh thiên nhiên. Chúng ta đều hiểu sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, chấm dứt làm ô nhiễm môi trường. Cái ngăn cấm chúng ta hành xử được đúng là vì những ô nhiễm trong tâm, như vô minh, tàn nhẫn, và tham lam. Dứt bỏ được nhhững ô nhiễm này sẽ đưa đến hòa bình giữa con người, đồng thời đưa đến một sự liên hệ quân bình và lành mạnh giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên. Đây là cách tôn giáo có thể khuyến khích sự bảo vệ môi trường.
Bất bạo động: Chìa khóa để Định nghĩa Tôn giáo Sự khác biệt giữa các tôn giáo đương nhiên phải có. Tuy nhiên, bằng cách tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình Thế Giới này, những nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn chứng tỏ rằng, họ đều mong muốn làm việc cho hòa bình. Bây giờ hãy để hòa bình là nguyên lý đầu tiên cho “tôn giáo đại đồng”. Hãy để chúng ta cùng tuyên bố rằng chúng ta sẽ tránh không giết hại, rằng chúng ta lên án bạo động. Tôi cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào tuyên ngôn này, trao cho họ vai trò chính yếu trong việc mang lại hòa bình hoặc chiến tranh. Dù họ có hội nhập với chúng ta hay không, ít nhất cũng để chúng ta có lời thệ nguyện nơi đây và ngay bây giờ: thay vì khuyến khích bạo động và giết hại, chúng ta hãy tuyên bố rằng chúng ta lên án vô điều kiện những hành động như thế, đặc biệt là bạo động mượn danh nghĩa của tôn giáo.
Một số các nhà lãnh đạo tinh thần đã có sự thánh thiện và cam đảm để lên án những bạo động dưới danh nghĩa tôn giáo của mình. Có thể có những triết lý và triết thuyết khác nhau trong quan niệm về cách tìm kiếm sự tha thứ và hối hận về sự bạo động và chém giết trong quá khứ; nhưng chính sự xác nhận có bạo động xẩy ra trong quá khứ ám chỉ rằng điều đó là sai trái và không thể khuyến khích trong tương lai.
Dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, chúng ta hãy hình thành một định nghĩa về tôn giáo và tâm linh chú trọng về bất bạo động, và từ chối chấp nhận bạo động và chém giết. Không có bất hạnh nào lớn hơn cho nhân loại cho bằng sự thất bại trong sự định nghĩa tôn giáo cũng đồng nghĩa với hòa bình. Hội nghị Thượng đỉnh này có thể đề xuất một quan niệm về “tôn giáo đại đồng” hoặc “tâm linh không tông phái”, để Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Tôi tin chắc rằng Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ giúp thế giới đặt trọng tâm vào mục đích đích thực của tôn giáo:
Tôn giáo không chia rẽ chúng ta; Tôn giáo giảng dậy tâm an lạc và thánh thiện.
Tôi tán thán nỗ lực và sáng kiến của những người tổ chức Hội nghị Thượng Đỉnh lịch sử này. Và tôi tán thán những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần đã làm việc một cách khôn khéo cho sự hàn gắn, mang lại hy vọng cho nhân loại là tôn giáo và tâm linh sẽ đưa đến một tương lai hòa bình.
Nguyện cho mọi chúng sinh thoát khỏi thù hận và được hạnh phúc.
Nguyện cho hòa bình và hòa hợp đắc thắng.
|
|