Mây Trôi Thong Dong: Tưởng Niệm HT Thích Ân Đức(01/09/2014)
Tác giả : Mushim (Patricia) Ikeda
Mushim (Patricia) Ikeda
(Pháp Hạnh chuyển dịch sang Việt ngữ để tưởng nhớ một vị Thầy khả kính)
Đây là bài viết của bà Mushim (Patricia) Ikeda gửi cho pháp hữu khắp nơi để thông báo tin viên tịch và tưởng niệm thầy Thích Ân Đức, một vị tỳ kheo người Mỹ gốc Châu Phi đầu tiên của Phật giáo. Sự ra đi của thầy đã để lại sự thương tiếc cho hàng ngàn người đã từng có cơ hội tiếp xúc với Thầy.Thầy Thích Ân Đức, nguyên là một chủng sinh thuộc dòng tu Trappist của Giáo Hội Công Giáo. Sau Công Đồng Vatican II, thầy được gửi đi học về Phật giáo tại Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Bhutan, Đài Loan, và Hồng Kông, nhưng lạ thay, nhân duyên thực sự đến với đạo Phật của thầy lại là tại Los Angeles sau khi được gặp gỡ hòa thượng Thích Thiên Ân, vị sơ tổ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Thầy đã quy y Tam Bảo và xuất gia theo bậc ân sư này của mình với pháp danh là Thích Ân Đức. Năm 1975, khi những người tỵ nạn Việt nam đầu tiên đến Mỹ, thầy Thích Ân Đức được gởi đến Căn Cứ Fort Indian Gap Town Camp, gần thành phố Harrisburg, tiểu bang Pennsylvania, để làm việc trong trại tỵ nạn mới được thiết lập tại đây. Trong những năm sau đó, thầy phục vụ với vai trò tuyên uý trong nhiều trại tỵ nạn như thế trong nước. Thầy dành trọn 58 năm cuộc đời tu sĩ Phật giáo của mình phụng sự tha nhân và khuyến hoá mọi người giúp đỡ người yếu thế, lầm lỡ, bệnh hoạn và bất bạnh. Những năm cuối đời, thầy Thích Ân Đức đã phát nguyện đem Phật giáo đến Mễ Tây Cơ.
Bà Mushim (Patricia) Ikeda là một nữ giáo thọ Phật giáo, nhà văn, nhà cố vấn và hoạt động cộng đồng. Bà dạy các khóa thiền cho người da màu, phụ nữ, và các nhà hoạt động công bằng xã hội trên toàn quốc. Bà là một giáo thọ nòng cốt tại Trung tâm Thiền East Bay gần nơi bà sinh sống ở Oakland, California. Bài viết này được đăng tải đầu tiên trên trang nhà Turning Wheel Media ở địa chỉ
buddhistpeacefellowship.org.
Dịch giả là một Phật tử có nhân duyên được gặp gỡ và cộng trú với thầy Thích Ân Đức trong một thời gian ngắn tại tiểu bang Nevada khi dịch giả đang theo học chương trình cao học về công tác xã hội tại đây. Hình ảnh thầy Thích Ân Đức giản dị, hoà đồng, vui vẻ, và khiêm tốn cũng như những câu chuyện về phụng sự tha nhân của thầy đã để lại nhiều kính mến và cảm hứng hoạt động xã hội phụng sự tha nhân của dịch giả. Xin đốt nén tâm hương hướng về giác linh hoà thượng Thích Ân Đức, kính nguyện giác linh Hoà Thượng cao đăng Phật quốc và sớm hồi nhập Ta Bà để tiếp tục hạnh nguyện độ tha.
*
Ngày 28 tháng 12 năm 2013
Hoà thượng Trưởng Lão Thích Ân Đức -- còn có pháp hiệu Suhita Dharma, vị sư gốc Phi Châu đầu tiên xuất gia, truyền giới tỳ kheo bởi Hòa Thượng Thích Thiên Ân, nguyên là linh mục dòng Trappist -- trong 2 bộ y của 2 truyền thống Phật Giáo khác nhau.
Quý pháp hữu thân thương,
Trong niềm đau buồn vô hạn, tôi xin chia sẻ với quý vị rằng một người bạn lâu đời nhất của tôi, thầy Suhita Dharma, có Pháp danh tiếng Việt là Thích Ân Đức, đã qua đời khoảng 5 giờ sáng nay trong liêu phòng của thầy tại Chùa Diệu Pháp ở San Gabriel, California, ở tuổi đời khoảng 73. Tôi biết là thầy sẽ đồng ý cho sử dụng bức hình tôi gởi kèm theo đây trong thư này, bởi vì thầy đã sử dụng nó như là hình trắc diện trên Facebook của mình. Sự ra đi của thầy thật đột ngột và bất ngờ, và rõ ràng là không đau đớn hay vật vã gì cả, có thể vì tim ngừng đập.
Thầy Suhita Dharma là người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được thọ giới tỳ kheo. Thầy là giáo thọ đồng sự với tôi trong nhiều năm hướng dẫn các khoá tu thiền thường niên dành cho người da màu tại Vallecitos Mountain Refuge ngoại ô thành phố Taos, tiểu bang New Mexico. Sinh trưởng ở Texas, thầy là một nhà sư trong 58 năm của cuộc đời mình, bước chân vào đường tu ở đan viện dòng Trappist của Công Giáo khi thầy 14 tuổi rưỡi, và sau đó trở thành một vị tỳ kheo Phật giáo. Thầy không bao giờ thấy bất kỳ mâu thuẫn nào giữa nguồn gốc gia đình Thiên chúa giáo của mình, cuộc sống ban đầu của sư huynh Anthony nơi dòng tu Trappists và đời sống của một nhà sư Phật giáo. Trái lại, thầy thấy tất cả đời sống tu viện về căn bản là rất giống nhau. Thầy thường nói với tôi rằng thầy coi Tu Luật Thánh Biển Đức là tập hợp những quy tắc tốt nhất và toàn diện nhất về các giới luật trong tu viện.
Có lần thầy cũng đã nói rằng khi thầy còn ở trong dòng tu Trappists, một dòng tu tịnh khẩu, thì những sư huynh trong dòng này đều là những người luôn có tâm hoan hỉ và thầy "không bao giờ dù một lần nhìn thấy khuôn mặt u sầu nào cả của ai." Thầy là một trong những người thuộc thế hệ cuối cùng của cái gọi là tu sĩ trẻ em trong dòng Trappist, vì không lâu sau đó họ đã nâng độ tuổi tối thiểu để được thụ phong. Trước khi trở thành một tu sĩ Trappist, thầy Suhita đã từng là một cậu bé giúp lễ sáng chói ở Texas, nơi gia đình thầy đã sống nhiều năm, và thầy luôn kể rằng nhà thờ luôn yêu cầu thầy giúp lễ mỗi khi có một quan chức đến tham dự thánh lễ, bởi vì mặc dù còn rất trẻ, nhưng cậu bé Anthony đã thuộc lòng tất cả các nghi thức và có thể làm tròn sứ mạng một cách hoàn hảo. Thầy nói rằng thầy yêu nghi lễ, và không hài lòng khi các buổi lễ trong Giáo hội Công giáo bị chuyển từ ngôn ngữ Latinh sang tiếng Anh.
Là một Tăng sĩ Phật giáo, thầy rất thích chu du thiên hạ, và đã dành nhiều khoảng thời gian lớn ở Tích Lan (nơi thầy đã được tấn phong lên bậc "Mahathera" tức là bậc tôn túc trưởng lão), Thái Lan, Nepal, và tôi tin rằng ngài cũng đã từng ở Malaysia, và một số quốc gia khác. Cách đây vài năm, thầy đã được trao danh hiệu "Hòa Thượng" trong Giáo Hội của Phật giáo Việt nam, mà thầy kể là chức danh này tương đương với một giám mục trong Giáo Hội Công giáo. Mối liên hệ của thầy trong giới tu sĩ Phật giáo hết sức rộng lớn, và bao gồm các chư Tăng, Ni từ mọi quốc gia Phật giáo. Trong vòng vài năm trở lại đây, thầy phân chia thời gian của mình ở các trú xứ Chùa Diệu Pháp tại San Gabriel, California, tịnh thất ẩn cư, và Tăng thân của mình ở thành phố Juarez, miền bắc của Mễ Tây Cơ. Thầy nói với tôi vài tuần trước rằng thầy hy vọng làm một cuộc hành hương lần chót đến Châu Âu để viếng thăm một số tu viện và các thánh tích tại đây. Thầy cũng nói với tôi rằng một trong số ít những hối tiếc của thầy lúc xưa là thầy đã từng có cơ hội vào dòng tu đan viện Carthusian (Dòng Thánh Brunô) và sống như một đan sĩ tịnh khẩu, nhưng khi đó thầy thầy bị bệnh nặng và phải nhập viện ở Anh Quốc trong một thời gian dài, và sau khi thầy hồi phục, cuộc sống đã đưa thầy đến một phương trời mới.
Thầy Suhita Dharma và tôi đã là những pháp hữu thân thiết nhất khoảng 28 năm nay, kể từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại Trung tâm Thiền Phật giáo Quốc tế (IBMC) ở Los Angeles vào năm 1985. Thầy thường nói với công chúng rằng thầy có năm người bạn tâm linh, và tôi là một trong số họ. Tôi không bao giờ hỏi thầy là bốn người kia là ai, vì tôi suy nghiệm rằng nếu thầy muốn kể thì thầy đã kể ra rồi. Thật ra, thầy đã là một vị thầy và thiện tri thức tốt đẹp của nhiều người rồi, nhưng thầy luôn coi nhẹ vai trò này và không chấp trước hay muốn sở hữu địa vị này. Tôi nghĩ công tâm mà nói thầy muốn mọi người có óc tìm tòi và sự tự do trong tiến trình phát triển tâm linh của họ, và trở nên khôn lanh và tự lực cũng như tin tưởng vào tri giác của mình (mà thầy gọi là "trí khôn của người mẹ") cũng như có sự vững chãi và tính thực tế. Là một trong những Tăng sĩ lão niên nhất ở Bắc Mỹ, thầy có kinh nghiệm nhiều trong các hình thức thiền định và tu tập, nhưng thầy lại luôn dạy mọi người vẫn giữ sự đơn giản, chân thành, và kỷ luật trong đời sống tâm linh, và giữ vững mục tiêu giúp đỡ tha nhân trước và trên hết trong mọi thời điểm. Thầy ít có kiên nhẫn với những Phật tử tại gia nào lãng mạn hoá đời sống tu viện, hoặc cho bất cứ ai, như một thiền sinh Mỹ da màu đã mô tả, "đang lẩn trốn trong cửa Không”. Thầy là một con người thực tế một cách xuất sắc, một tác viên xã hội chuyên nghiệp, và đã trải qua nhiều năm làm việc với những cựu tù, người vô gia cư, bệnh nhân nhiễm HIV - AIDS, làm tuyên úy trong các trại tù, và là người sáng lập nhà chăm sóc người sắp qua đời Metta Vihara ở thành phố Richmond, California.
Thầy Suhita đã sống qua thời kỳ Jim Crow, và thầy kể lại rằng, khi còn là một cậu bé, thầy đã từng đi vào một nhà vệ sinh công cộng ở Texas, nơi một người đàn ông da trắng đã đuổi thầy đi ra. Lúc đó thầy đi với bà ngoại của mình, người mà thầy gọi là “Big Mama” (mẹ lớn), và khi thầy bước ra khỏi nhà vệ sinh và kể lại với bà những gì đã xảy ra, bà đã mở ví ra và lấy ra một con dao găm rồi xông vào nhà vệ sinh của nam giới, nhưng tất nhiên là bà đã kềm hãm được mình không làm việc đó, và gia đình đã đưa người bà ngoại này và đứa cháu trai của bà lên một chuyến tàu đi San Francisco để sống với các thành viên khác của gia đình trong một thời gian.
Thầy Suhita Dharma có nhãn quan rất toàn diện và bao dung về cuộc sống. Pháp ngữ của thầy rất tinh tế, sâu sắc, rộng lớn, và khá vô hình. Thầy không bao giờ muốn được biết đến như một giảng sư Phật giáo và thích sự độc lập và không chấp trước vào hình tướng. Một trong những người cố gắng phỏng vấn thầy cho một tạp chí Phật giáo đã từng trầm ngâm nói, "Không có rất nhiều tự ngã nơi đây." Thầy rất thích ăn kem, món chiên, và phim kinh dị cổ điển. Thầy không thích đậu hũ và kịch tính cá nhân. Bất cứ nơi nào thầy sống, thầy đều luôn mở kênh truyền hình tin tức và nếu tôi muốn tìm hiểu thêm về bất kỳ sự kiện hiện tại nào tôi thường hỏi thầy để biết những tin sốt dẻo đó. Thầy cũng yêu thích sách về đời sống tu viện của Phật giáo và Công giáo và thu thập chúng một cách say sưa. Thầy rất thân thiết với con trai của tôi, vốn biết thầy từ lúc cháu mới sinh ra. Họ đã có một kết nối sâu sắc với nhau thông qua cách tiếp cận những vấn đề tầm thường hàng ngày của Phật giáo và sở thích bình luận sắc bén và các đối chất sôi động.
Bản tiểu sử ngắn gọn, sau bài viết này, được viết bởi thầy cho phần giới thiệu giảng viên của Vallecitos Mountain Ranch, một vài năm trước đây. Thầy đã chọn bức ảnh chính thức kèm theo của mình trong bộ y vàng truyền thống để đi cùng với bản tiểu sử này. Thầy thích ở một mình và luôn nói rằng thầy là một ẩn sĩ chuyên nghiệp và thành viên của tổ chức Raven’s Bread Hermit ministries. Mặc dù thầy biết nhiều người, nhưng từ khi biết thầy đến giờ tôi thấy thầy luôn luôn giữ một sự im lặng nội tâm sâu sắc và ơn gọi ẩn tu. Cội nguồn của chữ unsui trong thiền Nhật Bản đã mô tả rất tốt tinh thần thầy Suhita như tôi biết thầy hơn 28 năm qua - theo Wikipedia, từ unsui, có nghĩa đen dịch là "mây, nước" xuất phát từ một bài thơ của Trung Quốc, "trôi như những đám mây và tuôn chảy như nước ". [2] Helen J. Baroni có viết, "Thuật ngữ này có thể được áp dụng rộng rãi hơn đối với bất kỳ thiền giả nào, bởi vì người tu Thiền nỗ lực lưu chuyển tự tại trong cuộc sống, mà không có sự ràng buộc và hạn chế của chấp trước, giống như những đám mây lững thững trôi hoặc dòng nước tự tại chảy. "
Thầy Suhita Dharma là một Du Tăng, và giờ đây thầy đang bồng bềnh theo dòng nước tiếp chảy. Tôi biết (hoặc tôi nghĩ là tôi biết !) rằng những gì thầy muốn từ chúng ta là mỗi người chúng ta, theo cách riêng của mình, hãy giúp đỡ người khác theo hết sức mình có thể làm được, và trở thành mô hình vị hành giả mô tả trong kinh Từ Bi (Metta Sutta):
Ai khôn ngoan muốn cầu hạnh phúc
Và ước mong sống với an lành
Phải tài năng, ngay thẳng, công minh
Nghe lời phải dịu dàng khiêm tốn
Ưa thanh bần, dễ dàng chịu đựng
Ít bận rộn, vui đời giản dị
Chế ngự giác quan và thận trọng
Không liều lĩnh, chẳng mê tục lụy
Không chạy theo điều quấy nhỏ nhoi
Mà thánh hiền có thể chê bai
Đem an vui đến cho muôn loài
Cầu chúng sinh thảy đều an lạc
Không bỏ sót một hữu tình nào
Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh
Giống lớn to hoặc loại dài cao
Cỡ trung bình, hoặc ngắn, nhỏ, thô
Có hình tướng hay không hình tướng
Ở gần ta hoặc ở nơi xa
Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra
Cầu cho tất cả đều an lạc…(Việt dịch Hòa Thượng Thích Thiện Châu)
*
This is to be done by one skilled in aims
who wants to break through to the state of peace:
Be capable, upright, & straightforward,
easy to instruct, gentle, & not conceited,
content & easy to support,
with few duties, living lightly,
with peaceful faculties, masterful,
modest, & no greed for supporters.
Do not do the slightest thing
that the wise would later censure.
Think: Happy, at rest,
may all beings be happy at heart.
Whatever beings there may be,
weak or strong, without exception,
long, large
middling, short,
subtle, blatant,
seen & unseen,
near & far,
born & seeking birth:
May all beings be happy at heart.
(trans. Thanissaro Bhikkhu)
Thầy luôn vui vẻ chuẩn bị cho cái chết, và khi tôi tham gia giảng dạy cùng với thầy, thỉnh thoảng thầy nói với các học viên trong thiền đường: "Tôi sẽ luôn luôn ở bên các bạn. Nhất là khi các bạn không ngờ tới! "
Xin chấp tay lại, cúi đầu kính lễ vị thiện tri thức của tôi và kính lễ Phật, Pháp, Tăng, *
Mushim
Oakland, California, ngày 28 tháng 12 năm 2013
* Thầy Suhita thường kết thúc thư của mình với dòng chữ, "Phước Lành từ Tam Bảo."
* * *
Thầy Suhita Dharma
Juarez, Mexico
Hoà thượng Suhita Dharma, Trưởng Lão Tôn Túc (môn đồ thường gọi là "Bhante", “tôn sư”), là một vị trưởng lão Tăng nổi tiếng đã thọ giới trong ba truyền thống Phật giáo: Đại Thừa, Nguyên Thủy, và Mật Tông. Thầy là người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên được truyền giới xuất gia trong đạo Phật. Thầy được truyền giới tỳ kheo bởi Hòa Thượng Thích Thiên Ân, vị Thầy đầu tiên của Phật giáo Việt Nam đến Los Angeles. Thầy Suhita đã chu du đến Mexico gần đây trong một cuộc hành hương để tỏ lòng tôn kính các vị thần cổ xưa của các dân tộc bản địa của Mễ Tây Cơ, cầu nguyện để xin phép cho việc thành lập một trung tâm Phật giáo ở Mễ Tây Cơ theo yêu cầu của người Maya, Yaquis, Tarahumaras, Pimas, và Aztec và để gặp gỡ với các pháp sư trưởng trong những truyền thống này. Một nhà hoạt động lâu năm cho công bằng xã hội và một tác viên xã hội (social worker), thầy bắt đầu làm việc với những người tị nạn Đông Dương khi đến Mỹ vào năm 1975 và kể từ đó đã làm việc với những người vô gia cư, những người nhiễm HIV - AIDS, và người có quá khứ tù tội. Thầy dạy thiền từ bi cho cuộc sống hàng ngày và phương pháp tu tập cho những người đang làm việc với những người trong các cộng đồng khác nhau, nhấn mạnh một cách tiếp cận một đối một (one on one) cũng như giới thiệu thiền sinh pháp môn Kalyanamitta (thiện tri thức) và giúp đỡ những người trong biển khổ luân hồi.
(Bản dịch của Pháp Hạnh)