Post by TCTV on Feb 8, 2007 3:03:18 GMT -5
PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỐ ĐÔ HUẾ
Tỳ kheo Thiện Minh
NỘI DUNG
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
1. Niên đại và người khai sáng
2. Nguyên nhân du nhập
3. Những điểm thuận lợi và khó khăn
4. Ðôi nét về cuộc đời người khai sáng và các vị có công truyền bá:
a) Tóm tắt tiểu sử đức Giới Nghiêm, người khai sang Phật giáo Nam tông tại Huế
b) Tóm tắt tiểu sử Hoà thượng Hộ Nhẫn
c) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Viên Minh
d) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Ðịnh Lực
e) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Giới Ðức
f) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Hộ Tịnh
g) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Pháp Tông
h) Tóm tắt tiểu sử Thượng tọa Tuệ Tâm
e) Tóm tắt tiểu sử Ðại đức Giới Hỷ
5. Những thiện nam và tín nữ hộ trì Tam Bảo đầu tiên
II. NHỮNG NGÔI CHÙA Ở CỐ ÐÔ HUẾ
Tăng Quang
Thiền Lâm
Huyền Không
Huyền Không Sơn Thượng
Ðịnh Quang
Pháp Luân
III. ÐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO NAM TÔNG
Nghi thức
Lễ hội
Xã hội
Văn hóa
Nghệ thuật kiến trúc:
a. Chùa Tăng Quang
b. Chùa Thiền Lâm
c. Chùa Huyền Không
d. Chùa Huyền Không sơn thượng
IV.KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
I. Những Giai Thoại
1. Chuyện trong nhà ngoài phố
2. Chuyện nhà sư và chiếc bình bát
3. Chuyện ma
II. Tài liệu tham khảo
-ooOoo-
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
1. Niên đại và người khai sáng.
Có thể nói là Phật giáo Nam Tông ở Huế bắt đầu bằng việc thành lập chùa Tăng Quang vào năm 1954 do Hoà thượng Hộ Tông và Hoà thượng Giới Nghiêm (trực tiếp là Hoà thượng Giới Nghiêm) chủ trương. Lúc đầu, chùa chỉ là một ngôi nhà lá đơn sơ để Ngài Giới Nghiêm dừng chân tu thiền và dạy đạo cho Phật tử hữu duyên. Nhờ oai lực của Tam Bảo và đức độ của Ngài nên Phật tử phát tâm mua đất để xây chùa cho đức Giới Nghiêm và chư Tăng tu hành.
Mãi đến năm 1959, nhờ đức tin trong sạch của Phật tử, chùa Tăng Quang tiến hành trùng tu chánh điện và xây dựng bảo tháp tôn trí Xá lợi Ðức Phật Thích Ca. Ngày lễ khánh thành và kết giới Sìmà có sự chứng minh của Hoà thượng Hộ Tông, Hoà thượng Bửu Chơn và 63 vị Tỳ kheo Phật giáo Nguyên Thủy từ Sài gòn đến dự lễ.
Năm 1963, Xá lợi Ðức Phật Thích Ca chính thức được cung thỉnh về tôn thờ tại bảo tháp của chùa Tăng Quang cho đến ngày nay.
2. Nguyên nhân du nhập
Hoà thượng Giới Nghiêm xuất gia Sa di năm 1930 tại một ngôi chùa ở làng Bãng Lãng, huyện Hương Trà, thành phố Huế theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Tại cố đô Huế, một ngày nọ đức Giới Nghiêm được trông thấy hình bóng các Sa môn của Phật giáo Nguyên Thủy Lào được Hoàng hậu Từ Cung thỉnh vào Thành Nội tụng kinh đầu năm cầu quốc thái dân an. Hình ảnh những vị tu sĩ Phật giáo Lào là một nhân tố vô cùng tươi đẹp cho đức Giới Nghiêm sau này trở thành một tu sĩ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Sau lần gặp gỡ đó, Ngài có ước nguyện được theo giáo phái giống như những vị tu sĩ Lào có Tam y và Quả bát, mà ở Việt Nam lúc bấy giờ vẫn chưa có. Bởi lẽ trước nay Ngài tu theo những gì thầy tổ dạy, một giáo lý có truyền thống rất lâu đời, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa.
Khoảng cuối thập niên 30, đức Giới Nghiêm nghe tin ở Sài gòn - Gia Ðịnh có phái đoàn truyền giáo của Phật giáo Nguyên Thủy do người Việt Nam tu tập ở Campuchia mang về. Nghe tin này Ngài rất mừng, dự định là sẽ tìm gặp phái đoàn truyền giáo do Hoà thượng Hộ Tông lãnh đạo; Ngài cho các huynh đệ đồng tu biết chuyện này. Một hôm, Ngài và chín huynh đệ nữa trực chỉ hướng về Sài gòn - Gia Ðịnh để tận mắt nhìn thấy những vị chân tu theo truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Ðó là các Ngài Hoà thượng Thiện Luật, Hoà thượng Hộ Tông và Hoà thượng Huệ Nghiêm. Nhìn oai nghi tế hạnh của những vị này, Ngài nhớ đến những tu sĩ Lào mà Ngài trông thấy ở Huế gần mười năm trước. Ôi! Sao lạ thế, trông chẳng khác chút nào, quí Ngài đẹp và thanh tịnh làm sao. Ngài nghĩ thầm: "Ta đã tìm đúng giáo phái mà ta đã mơ tưởng trước đây rồi, vậy ta hãy lập tức hành động". Ngài chấp tay xá chào các vị trong phái đoàn của Hoà thượng Hộ Tông và tự giới thiệu về mình và các huynh đệ của Ngài. Trong buổi gặp gỡ hôm đó Ngài đã trao đổi rất nhiều vấn đề đạo pháp với các vị trong phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông. Hoà thượng Hộ Tông giải đáp cho đức Giới Nghiêm những thắc mắc đã cưu mang trong lòng nhiều năm qua. Hoà thượng Hộ Tông nói: "Những thắc mắc của thầy cũng giống như những thắc mắc của tôi ngày xưa khi chưa gặp Phật giáo Nguyên Thủy". Lời lẽ, đạo hạnh của phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông đã thu hút đức Giới Nghiêm và chín huynh đệ. Ðức Giới Nghiêm tiếp tục hỏi Hoà thượng Thiện Luật: "Chúng tôi muốn tu theo quí Ngài có được không; và thủ tục như thế nào?".
- Ðược. Nhưng theo giới luật, thầy phải làm giới tử 3 tháng - Hoà thượng Thiện Luật đáp.
Hoà thượng Thiện Luật hỏi các vị trong phái đoàn và trả lời tiếp:
- Tốt hơn hết là quí thầy nên sang Campuchia làm giới tử và xuất gia ở đó, vì chúng tôi tu theo đạo Phật Nguyên Thủy không được bao lâu. Nếu quí vị đồng ý, chúng tôi sẽ giới thiệu chùa và bổn sư để quí vị tu học.
Ðức Giới Nghiêm trầm tư suy nghĩ trong giây lát và nói: "Vậy xin các Ngài hoan hỷ giới thiệu cho chúng con".
Hoà thượng Thiện Luật đáp: "Sàdhu, Sàdhu, Sàdhu".
Năm 1944, đức Giới Nghiêm giã từ quê hương. Tuy nhiên, trước ngày đức Giới Nghiêm rời quê hương Việt Nam sang đất nước chùa tháp Campuchia tu học chỉ còn ba huynh đệ thôi; những vị kia còn nặng nợ đời thường nên ở lại Sài gòn - Gia định. Khi sang đến Campuchia tu học chỉ còn lại một mình đức Giới Nghiêm, hai vị kia cũng bùi ngùi chia tay trở về đời thường. Nhìn những huynh đệ ra đi, Ngài rất động tâm và lấy điều đó để tự thức tỉnh cho mình.
Trên con đường tu học, dùi mài kinh sách ở đất nước chùa tháp Campuchia, đức Giới Nghiêm tinh tấn không biết mệt mỏi. Kết quả là lúc 20 giờ 20 ngày 08 tháng 3 năm 1947, đức Giới Nghiêm được thầy bổn sư cho thọ đại giới, xuất gia Tỳ kheo theo truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy, thầy thế độ là Hoà thượng Visuddhiransì và thầy Yết ma là Candavijìra. Trong thời gian ở Campuchia, Ngài cũng có dịp sang Thái Lan để tu học thêm.
Sau 9 năm tu học ở Campuchia và Thái Lan, Ngài quyết định trở về Việt Nam để chia xẻ hương vị pháp bảo với đồng bào trong nước, và hợp tác với các vị trong phái đoàn truyền giáo của Hoà thượng Hộ Tông để thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Vì Ngài là người Huế nên muốn đem hương vị pháp bảo này truyền bá trên quê hương của mình, trước là để đền ơn song thân giáo dưỡng, và sau là báo đáp thầy tổ đã nuôi lớn tâm hồn mình. Ðầu tiên, Ngài về thăm cha mẹ, anh em và họ hàng. Ðược biết thân mẫu đã qua đời khi Ngài còn tu học ở xứ người, nhưng gia đình đã không báo tin cho Ngài biết, vì sợ tin buồn đó sẽ chi phối việc học đạo của Ngài; Ngài nén cơn xúc động và giảng cho gia đình nghe về giáo lý vô thường của đạo Phật. Sau đó Ngài ghé thăm một số vị tôn đức Bắc Tông quen biết ngày trước như Ôn Trí Thủ, Ôn Châu Lâm. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, các vị hàn huyên tâm sự về đạo pháp thật nhiều. Các vị đã vấn đạo với nhau nhiều ngày đêm. Ðức Giới Nghiêm có viết một quyển sách mỏng kể lại cuộc đối thoại lịch sử này, với nhiều đề tài như Tiểu thừa, Ðại thừa, ăn chay, ăn mặn, v.v...
Sau đó Ngài dến thăm chùa Phổ Ðà ở Ðà Nẵng, nơi Ngài được thầy truyền thọ đại giới Tỳ kheo theo truyền thống Bắc Tông. Ở đây, Ngài được mời giảng giáo lý Nguyên Thủy cho Phật tử và chư Tăng Bắc tông. Thời giảng của Ngài giúp cho chư Tăng và Phật tử có cái nhìn đúng đắn về Phật giáo truyền thống.
Ðiểm đáng nói là tại chùa Phổ Ðà này, chính là nơi manh nha để hình thành việc ra đời chùa Tam Bảo- Ðà Nẵng năm 1953 - ngôi chùa Phật giáo Nguyên Thủy đầu tiên ở miền Trung. Phật tử thấy đạo mới lạ và phong cách khả kính của đức Giới Nghiêm khiến cho họ tăng thêm lòng tín thành nơi Tam Bảo nên họ rũ nhau đến quy y và học đạo với đức Giới Nghiêm ngày càng đông. Ngoài ra, còn có nhiều vị tu sĩ trong truyền thống Bắc Tông quyết định chuyển sang tu trì theo tông phái Nguyên Thủy của đức Giới Nghiêm, điển hình như Hoà thượng Hộ Nhẫn (Tăng trưởng Phật giáo Nam Tông vừa viên tịch).
Nhờ số lượng tín đồ Phật tử ngày càng đông, người xuất gia tu học cũng khá nhiều nên ở đây đã thành lập được chùa Tam Bảo với sự hỗ trợ của Ngài Hộ Tông và Ngài Bửu Chơn v.v... Ðấy cũng là những nhân tố thuận lợi cho việc thành lập thêm chùa Tăng Quang ở Huế sau này.
3. Những điểm thuận lợi và khó khăn
Việc gì trên đời này để thành công cũng phải có cái giá của nó. Nếu thành công mà không có những khó khăn, trở ngại thì sự thành công ấy sẽ trở nên tầm thường. Việc du nhập luồng tư tưởng Phật giáo Nguyên Thủy vào cố đô Huế của Hoà thượng Giới Nghiêm là cả một quá trình nhiêu khê trong lịch sử hoằng pháp của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Nguyên do là Phật giáo Nguyên Thủy rất xa lạ, mới mẻ đối với cư dân địa phương và có nhiều điểm tu học khá quan trọng tương phản với Phật giáo Bắc tông vốn có nguồn gốc lịch sử, lâu đời trên mảnh đất này. Thế nên Phật giáo Nguyên Thủy truyền bá được trên đất Huế là một thành công lớn của đức Giới Nghiêm. Chúng ta cần tìm hiểu các yếu tố thuận lợi lẫn khó khăn khi Phật giáo Nguyên Thủy được giới thiệu ở cố đô Huế.
a) Thuận lợi:
- Vì đức Giới Nghiêm là người Huế nên sự hiện diện của Ngài trên làng quê của mình để dạy đạo cho Phật tử và thân bằng quyến thuộc theo giáo pháp Nguyên Thủy thì không có gì trở ngại đối với dân làng và chính quyền địa phương. Họ xem Ngài giống như một vị tiên thánh đã học được phép mầu linh nghiệm gì đó ở xứ người và giờ đây Ngài chia xẻ phép mầu đó cho thân quyến và Phật tử. Họ hoc rất chân thành, niềm tin kiên cố và đạo tâm vững chãi. Niềm tin đó dường như bất di bất dịch với thời gian và không gian. Ðến ngày nay con cháu của họ vẫn còn sắt son một lòng vì đạo, xem đạo Phật Nguyên Thủy như là nguồn suối đạo đức tươi mát không thể thiếu trong gia đình.
- Vì đức Giới Nghiêm trước khi xuất gia theo Phật giáo Nguyên Thủy là một vị tỳ kheo của Phật giáo Bắc tông, có thầy tổ và huynh đệ khá đông ở Huế và Ðà Nẵng. Gặp gỡ lại huynh đệ và thầy tổ, mặc dù trong hình thức tông phái khác nhau nhưng các vị tương đối cảm thông cho nhau. Quí Ngài quan niệm vườn hoa chánh pháp phải có trăm sắc nghìn vẻ để tô điểm giáo lý của đức Từ bi, đồng thời khế hợp nhịp nhàng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thuộc nhiều căn cơ của đồng bào Phật tử. Nếu như quá cứng nhắc, cục bộ sẽ có nguy cơ làm cho Phật Pháp khô héo, quần chúng Phật tử không thường đến chùa hoặc bỏ đạo theo những tôn giáo khác. Chính nhờ quan niệm phóng khoáng như vậy, chư vị huynh đệ và thầy tổ của đức Giới Nghiêm ít nhiều cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Ngài truyền bá Phật giáo Nguyên Thủy tại Huế và Ðà Nẵng. Thể hiện như vậy là không phân biệt tông phái trong đạo Phật, giúp cho người huynh đệ cùng lý tưởng trong ngôi nhà Phật giáo.
- Vì đức Giới Nghiêm được sự hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất của các vị Hoà thượng trong phái đoàn truyền giáo miền Nam của Hoà thượng Hộ Tông. Ðồng thời lúc bấy giờ Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam đã được nhà nước thời ấy công nhận, có pháp lý và pháp quyền. Ðức Giới Nghiêm cũng là thành viên trong Ban Chưởng Quản.
- Vì Giáo lý Nguyên Thủy chỉ thẳng những điều thực tế trong cuộc đời với ngôn từ bình dị, dễ hiểu, không dùng nhiều Hán tự. Giáo lý hướng đến tinh thần tự giác, vô ngã, vị tha, lấy nhân quả làm đầu, không chấp nhận mê tín dị đoan. Lại nữa, nhân cách, phương pháp tu tập, nghi lễ của đức Giới Nghiêm và chư Tăng hoàn toàn giản dị nhưng trang nghiêm nên quần chúng rất tín mộ, đến tìm hiểu và học đạo khá đông.
b) Khó khăn:
- Ðạo Phật Nguyên Thủy rất mới lạ ở Việt Nam nên không thể nào không có sự chống đối mãnh liệt của một số người trong các môn phái bạn cổ truyền vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm màu sắc Trung Hoa từ xưa đến nay.
- Tình trạng chia cắt đất nước vào năm 1954 làm giới hạn con đường hoằng pháp của đức Giới Nghiêm, ít nhiều cũng ảnh hưởng rất lớn trong việc khai mở đạo Phật Nguyên Thủy tại cố đô Huế. Chính sách kỳ thị tôn giáo dưới chế độ Ngô Ðình Diệm cũng là một yếu tố bất lợi.
Mặc dù vậy, đức Giới Nghiêm trong tinh thần Từ bi hỷ xả, thực hiện hạnh nhẫn nại của đạo Phật để khắc phục những khó khăn khi đối diện những thử thách lúc đạo Phật Nguyên Thủy mới chập chững đặt nền tảng trên mảnh đất sông Hương, núi Ngự. Nhờ biện tài khôn khéo; ngoại giao, ứng xử thấu tình đạt lý nên đức Giới Nghiêm đã dễ dàng vượt qua mọi cam go, trở ngại.