|
Post by tk on Aug 21, 2012 17:11:29 GMT -5
Tìm hiểu Tam tạng SanskritBản tiếng Phạn của Devīmāhātmya trên lá bối, theo lối viết cổ Bhujimol, của Bihār hoặc Nepāl, thế kỷ 11 NSGN - Lịch sử văn học Ấn Độ là một đề tài khá đồ sộ, với nhiều nền văn hóa khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ trong chiều dài lịch sử. Nền văn học Phạn ngữ (Sanskrit) ra đời từ rất sớm và có nhiều thành tựu đáng kể. Có thể nói, đây là một nền văn học phát triển rực rỡ nhất của các nền văn học Ấn Độ, và có sức mạnh đủ lớn để tồn tại đến ngày nay. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, văn học Phạn ngữ phải trải qua 3 thời kỳ, và thời kỳ thứ ba là thời kỳ văn học Phật giáo. Nền văn học Phật giáo có 2 mảng chính, đó là Pàli và Sanskrit. Trong đó nền văn học kinh tạng Sanskrit xuất hiện muộn hơn. Theo các nhà nghiên cứu thì có thể nó xuất hiện từ thời kỳ phân phái, cùng với sự phát triển của Đại thừa Phật giáo. Sau khi Đức Phật diệt độ chừng hơn 2 thế kỷ, những tác phẩm văn học của Phật giáo trong thời kỳ đầu được viết một phần bằng tiếng Phạn và một phần bằng phương ngữ của vùng Trung Ấn, rồi sau đó đồng hóa thành Sanskrit mà nó được mệnh danh là “Sanskrit pha trộn” (Mixed Sanskrit). Vì nó được pha trộn bằng tiếng Prākrit chứ chưa phải Sanskrit thuần túy, mà có lẽ được tìm thấy trong việc ứng dụng ở hai trung tâm học thuật tại Đại học Nālanda và Takkasilā (Taxila), thuộc vùng phía Bắc và Tây Bắc Ấn. Khoảng đầu thế kỷ thứ 2 TCN (trước Công nguyên), văn chương Sanskrit Phật giáo thuần túy bắt đầu xuất hiện, rõ nét nhất là trong sự ly giáo của giáo đoàn Phật giáo. Trừ 3 Đại hội Kiết tập Tam tạng giáo điển đầu, có lẽ phải kể đến Đại hội Kết tập lần thứ IV được tổ chức tại Kāśmīra (Kế Tân, tức Pakistan ngày nay) chừng hậu bán của thế kỷ thứ I SCN (sau Công nguyên) dưới sự chủ trì của ngài Vasumitra (Thế Hữu) và sự ủng hộ của vua Kaniska (Ca-nị-sắc-ca), mà nó không được đề cập trong biên niên sử của Ceylon; vì Theravādins (những người theo Thượng toạ bộ) đã không tham dự và không chấp nhận Đại hội này. Tiếc rằng Luận tạng của những trường phái khác đã bị thất lạc, ngoại trừ những văn bản hiện còn được duy trì ở Tích Lan, Trung Hoa và Tây Tạng là những Luận tạng của phái Theravāda (Thượng tọa bộ) và Śarvāstivāda (Nhất thiết hữu bộ). Những trường phái từ Tiểu thừa dần dần phát triển thành Mahāsanghikā (Đại chúng bộ) và từ đây nó được đánh dấu bằng mốc lịch sử về sự manh nha và xuất hiện của Phật giáo Đại thừa chừng thế kỷ thứ I TCN và thế kỷ thứ I SCN. Trong thời kỳ đầu, vì sự phát triển mạnh của những đoàn truyền giáo từ Ấn đến các nước lân cận, cho nên Sanskrit được dịch ra thành một vài thứ tiếng khác nhau, như Tây Tạng và Trung Hoa. Văn chương Sanskrit của Phật giáo Đại thừa thật sự đã manh nha từ Đại hội kiết tập lần thứ II, hình thành và phát triển trong Đại hội lần thứ IV. Thêm vào đó, một số tác phẩm Sanskrit Phật giáo đã thật sự xuất hiện trong thế kỷ thứ 2 TCN, khiến Pali trở nên mờ nhạt và suy yếu. Tuy trong hai đại hội kiết tập đã có một số tranh luận về luật và luận, nhưng chưa phát triển mạnh. Mãi đến thế kỷ thứ 2 TCN, nền văn chương Sanskrit Phật giáo mới bắt đầu ảnh hưởng mạnh và được phổ biến, từ đó cho đến thế kỷ thứ 4 SCN ngày càng phát triển và gây ảnh hưởng rất lớn trên toàn lãnh thổ Ấn Độ, thậm chí kéo dài cho đến thế kỷ thứ 12. Để ghi chép lại những lời dạy của Đức Thế Tôn, Tam tạng Pali (P-Tipitaka; S-Tripitaka) đã được kiết tập từ Đại hội kết tập kinh điển lần thứ III, từ đó được truyền bá và trở nên phổ biến khắp nơi. Tam tạng Pali là nền tảng quan trọng để đối chiếu hoặc nghiên cứu khi bàn luận về, hoặc so sánh với giáo điển của Phật giáo Đại thừa và cũng đã cung cấp nhiều phương thức tu tập thiết thực và phổ biến nhất. Bộ Mahāvastu (Đại Sự) bằng tiếng Sanskrit và Prākrit (phương ngữ Ấn) của Lokottaravāda (Thuyết xuất thế bộ), con đẻ của Mahāsanghika, đã được hình thành chừng thế kỷ thứ 2 TCN. Trong Đại hội III, Kathāvatthu (Những điểm tranh luận) được biên soạn bằng Pali, nhưng chỉ liên quan đến Theravāda. Riêng Đại hội IV tổ chức tại Kāśmīra, chừng hậu bán của thế kỷ thứ I SCN, nhưng Theravāda không tham dự. Có rất nhiều nguyên nhân khiến Theravāda không tham dự ở Đại hội lần thứ IV mà chúng đã xảy ra trước đó, bao gồm cả sự bất đồng quan điểm và sự giải thích những giới điều khác nhau, cũng như sự xuất hiện của một số tác phẩm thuộc về văn chương Sanskrit của Phật giáo Đại thừa. Khái quát về Luật tạng Sanskrit Lịch sử Văn học Luật tạng Sanskrit có lẽ được cứ vào thời điểm ly giáo của giáo đoàn Phật giáo. Không những về tư tưởng văn học mà còn về quá trình phát triển Luật tạng của những trường phái nổi bật như Sarvāstivāda, Lokottaravāda làm cơ sở chuyển tiếp từ Hīnayāna đến Mahāyāna xuyên qua cửa ngõ và nhịp cầu của Mahāsanghikā. Phạn bản (có pha trộn phương ngữ Ấn - Prākrit) quan trọng nhất và hoàn hảo nhất trong những bộ luật của các trường phái khác là Mahāvastu. Mahāvastu (Đại Sự) Quan trọng nhất là bộ Mahāvastu của Lokottaravādins (những người theo Xuất thế bộ), cũng được gọi là Caityakas, con đẻ của Mahāsanghikas. Mahāvastu cho chúng ta biết về những chuyện tiền thân của Đức Phật cũng như nhiều vấn đề pha tạp khác, đặc biệt về lịch sử của Ngài, mà được cân nhắc như là chủ đề chính đã đóng góp khá nhiều đến sự phát triển của Đại thừa sau này. Trong phần nội dung chính, bộ này tương đồng với Nidānakathā trong Pali, ghi lại tiểu sử của Đức Phật, mà cuộc đời của Ngài có lẽ được phân ra làm ba thời kỳ: - Cuộc đời của một vị Bồ tát ở vào thời Đức Phật Dīpankara (Nhiên Đăng), và kể lại sự xuất hiện của Ngài trong thời quá khứ. - Giới thiệu cho chúng ta biết rằng Bồ tát đang trú ở cung trời Tusita (Đâu Suất), và xác định sự tái sanh vào thai tạng của Hoàng hậu Ma-gia; kể lại những điều phi thường từ khi Thái tử được sinh ra, sự xuất gia, sự hàng phục ma quân và cuối cùng Ngài đã chứng ngộ tại cội Bồ đề. - Giống như những đặc trưng chính trong Mahāvagga (Đại Phẩm) của Nam tạng, Mahāvastu liên quan đến sự chuyển hóa và những cuộc tọa đàm đầu tiên của giáo đoàn cũng như lịch sử của sự hình thành cộng đồng tu viện. Đây là lý do nó thuộc về Luật tạng. Ngoài ra, Mahāvastu là một tác phẩm định rõ về văn chương nghệ thuật, song không kém phần phức tạp - vì thiếu tính lôgic và những dụ về chuyện tiền thân của Đức Phật còn mang tính giáo điều. Thêm vào đó, cùng một câu chuyện tiền thân, mà nó thường lặp lại đến vài ba lần, ban đầu theo thể văn xuôi nhưng sau bằng những vần kệ; còn về ngôn ngữ của nó thì chưa mấy thống nhất, thậm chí cả kệ tụng đã quá lỗi thời vì ít thông dụng. Về phương diện giáo lý, Mahāvastu duy trì nhiều truyền thống cổ và giáo lý của Đức Phật, như: tất cả các pháp thế gian là không thật, còn tất cả các pháp xuất thế là thật, chứ không phải đơn thuần là những giáo lý đặc thù của riêng Lokottaravādins (những người theo Xuất thế bộ) như: Catvāri-ārya-satyāni (Bốn chân lý), Asta-āryā-mārga (Bát chánh đạo), Pratītyasamūtpada (Duyên sinh), Anitya (Vô thường) về sự hình thành của một chúng sanh (các uẩn), không hiện hữu của linh hồn (ātman)... Mūlasarvāstivādavinaya (Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ Tỳ-nại-gia) Bộ luật Mūlasarvāstivādavinaya của phái Nhất thiết hữu bộ bao gồm nhiều truyền thuyết của Phật giáo liên quan đến Hội nghị ở Kashmir và Tây Bắc Ấn. Mūla-sarvāstivāda này, theo Nalinaksha Dutt, được phát hiện ở Gilgit. Giống như Mahāvastu của Lokottaravādins, Mūlasarvāstivāda giới thiệu nhiều tình huống liên quan đến những đời sống của Đức Phật. Mūlasarvāstivāda bao gồm 15 chương thuộc về Luật tạng. Trên cơ sở của bộ luật Mūlasarvāstivāda, một số truyền thuyết trong Divyāvadāna (Thiên Thí dụ) phần lớn cũng đều được vay mượn từ nó. Khái quát về Kinh tạng Sanskrit Xấp xỉ chừng 5 thế kỷ sau khi Đức Thế Tôn diệt độ, Phật giáo Đại thừa đã bắt đầu xuất hiện và phát triển. Song song với sự phát triển này, những tác phẩm của Đại thừa cũng lần lượt xuất hiện, mà chúng đã đóng góp rất lớn cho sự truyền bá Chánh pháp, lợi lạc nhân thiên, đúng như những lời huấn thị và hạnh nguyện lợi sanh của Đức Thế Tôn cách đây gần 26 thế kỷ. Theo ý kiến của nhiều học giả cho rằng, Đại thừa không có một kinh nào sở hữu của riêng nó bởi lý do đơn giản vì Đại thừa không tiêu biểu cho một trường phái thống nhất nào cả. Ngược dòng thời gian, quả thật có một sự giải thích về Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ IV được tổ chức tại Kāśmīra, nhưng vấn đề này vẫn còn nhiều nghi ngờ; vì không biết có kinh điển nào được thành lập ở Đại hội này hay không, nếu có, chúng bằng ngôn ngữ gì và thuộc về trường phái nào? Trong khi đó, một văn bản Trung Hoa do ngài Huyền Trang dịch liên quan đến Bodhisattva-pitaka (Bồ-tát tạng), bao gồm một danh mục dài của những bản dịch Đại thừa, một Tạng luật và một Tạng luận, và tương tự cũng có một lốc danh mục với rất nhiều kinh điển Đại thừa. Thế nhưng, qua sự cố gắng để phân loại về kinh điển Đại thừa hiện còn bằng Sanskrit, theo Nepál, thì chỉ còn chín kinh, mà chúng được mệnh danh là Vaipulya-sūtras (những kinh Phương Đẳng/Quảng). Chín kinh này là: Astasāhasrikā-prajñā-pāramitā (Tiểu phẩm Bát-nhã), Saddharma-pundarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa), Lalitavistara-sūtra (Kinh Đại Trang Nghiêm), Lankāvatāra hay Saddharmalankāvatāra-sūtra (Kinh Lăng Già), Suvarna-prabhāsa-sūtra (Kinh Kim Quang Minh), Gandavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm), Tathāgata-guhyaka hay Tathāgata-gunajñāna-sūtra (Kinh Như Lai Bí Mật Tạng), Samādhirāja-sūtra (Kinh Thiền Định Vương) và Daśabhūmīśvara-sūtra (Kinh Thập Địa). Nếu dựa vào truyền thuyết, thì người ta cho rằng Đức Phật thuyết Gandavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm) đầu tiên, song vì nghĩa lý quá cao siêu vi diệu, cả hội chúng lúc bấy giờ đều ngơ ngác, chỉ một số ít Bồ tát thượng căn thượng trí mới có thể lãnh hội; vì lý do này, sau khi quán sát lại căn cơ của tất cả chúng sinh, Ngài bắt đầu thuyết kinh Āgama (A Hàm), Prajñā (Bát Nhã), Vaipulya (Phương Đẳng), Saddharma-pundarīka (Pháp Hoa) và Mahānirvāna (Niết Bàn). Khái quát về Luận tạng Sanskrit Sự ra đời của Abhidharma (Luận) đã đánh dấu một thời kỳ cực thịnh của Phật giáo, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn chừng vài thế kỷ. Luận có nghĩa là thích đối pháp, tức hiển thị rõ cái bổn ý của giáo pháp, cần có sự gia tâm để phân biệt đến những ý nghĩa của kinh điển đã nói và chỉnh lý hoặc liễu giải rốt ráo nghĩa lý ấy. Ngoài ra, Luận cũng chỉ cho sự luận nghị, tức nhờ vào vấn đáp để xiển dương giáo nghĩa. Luận tạng là những bộ luận được chư Tổ, những vị Đại Luận sư hay những Tam tạng Pháp sư của Phật giáo bàn luận, trước tác, chú giải rộng những bí tạng của Như Lai trong Kinh hoặc trong Luật. Những bộ luận giải thích và trình bày nhiều lãnh vực khác nhau của Phật giáo, như vấn đề tâm lý, giáo dục và triết học siêu hình... Ngược dòng thời gian, có lẽ phải nói rằng Luận tạng đã có mặt từ thời sinh tiền của Đức Phật, bấy giờ không phải bằng chữ viết nhưng bằng khẩu truyền; vì nó chỉ được lưu truyền và xiển dương, luận bàn và giải thích rộng nghĩa lý mà Đức Phật đã thuyết. Thế nhưng, những giáo pháp mà Đức Phật đã thuyết lắm lúc quá cao siêu và vi diệu, hàm súc và thâm áo; trong khi đó, căn tánh của hội chúng thì bất đồng, một số đủ khả năng am tường và lãnh hội; còn một số khác thì không thể. Giáo pháp ấy, vì lẽ đó, cần phải có những đệ tử nổi bật và thông tuệ như Xá Lợi Phất, Phú Lâu Na, hoặc Ưu Ba Li... thay Ngài để giải thích rộng với nghĩa lý đầy đủ và chi tiết hơn, nhằm giúp cho những người nghe mà căn tánh của họ trì trệ, hoặc khả năng lãnh hội chậm chạp cũng như trí tuệ thấp kém có thể hiểu được. Tương tự, sau khi Đức Phật diệt độ, giáo nghĩa thâm áo và bí tạng của Ngài đều nhờ vào sự phân tích hay giải thích hoặc chú giải nghĩa lý rõ ràng của Luận tạng, khẩu truyền hoặc trùng tuyên. Nếu không có Luận tạng thì khó có thể lãnh hội được tôn chỉ và cốt lõi của kinh. Luận tạng của Phật giáo rất nhiều, sâu và rộng hơn như đại dương. Nó lần lượt được những vị Đại Luận sư, hoặc Tam tạng Pháp sư nổi tiếng của Phật giáo, như: Aśvaghosa (Mã Minh) trước tác bộ Mahāyānaśraddhotpāda śāstra (Luận Đại Thừa Khởi Tín); Nāgārjuna (Long Thọ, 150 - 250) với tác phẩm Mādhyamika-śāstra (Trung Quán Luận); Maitreya (Di Lặc) với tác phẩm Madhyānta-vibhāga-kārikā (Biện Trung Biện Luận Tụng - cũng được gọi là Biện Trung Biên Tụng, Trung Biên Phân Biệt Tụng, hay Trung Biên Tụng); Āsanga (Vô Trước) với tác phẩm Mahāyānasamparigraha (Luận Nhiếp Đại Thừa); Vasubandhu (Thế Thân) trước tác các bộ Vimśatikā (Duy Thức Nhị Thập Tụng), Trimtika (Luận Duy Thức Tam Thập Tụng), Buddhatā (Luận Phật Tánh), Nirvāna-śāstra (Luận Niết-bàn)... cho ra đời trong những thời kỳ khác nhau, chẳng hạn như thời kỳ Phật giáo bộ phái, Đại chúng bộ và Phật giáo Đại thừa. Vai trò của Tam tạng kinh điển Sanskrit trong nền văn học Phạn ngữ Mặc dù ra đời muộn hơn nền văn học thời kỳ Veda, nhưng tầm ảnh hưởng của văn học Phật giáo cũng phát triển mạnh không kém. Là một bộ phận của văn học Phạn ngữ, nên kinh điển Phật giáo cũng đề cập rất nhiều đến lịch sử, văn hóa cổ Ấn Độ; chẳng những thế, kinh điển Phật giáo còn tiếp tục phát triển các thể loại văn học như: thi kệ, các bài kinh dài bằng văn xuôi,… Do đó, cho thấy bên cạnh giá trị văn học, kinh điển Phật giáo cũng mang nhiều giá trị khác về lịch sử, phong hóa cổ của Ấn Độ, là nguồn tài liệu quý giá đối với các nhà Ấn Độ học sau này. Sự xuất hiện của Phật giáo và nền văn học kinh điển Sanskrit đã làm phong phú thêm kho tàng văn học Phạn ngữ. Đồng thời với sự ra đời của mình, Phật giáo đã làm xuất hiện nên một hệ thống tư tưởng triết học lớn với nhiều mảng rất đa dạng, làm thúc đẩy rất nhiều dòng văn học khác nhau phát triển. Bên cạnh việc đa dạng về thể loại, kinh điển Phật giáo còn sử dụng rất nhiều thủ pháp nghệ thuật, làm cho văn học Sanskrit thêm sinh động với nhiều màu sắc. Giai đoạn phát triển của văn học Phật giáo xuất hiện cũng đã làm thúc đẩy sự phát triển của văn học Phạn ngữ thêm phần rực rỡ. Kết luận Văn học Sanskrit ra đời là sự kết tinh văn hóa của đất nước Ấn Độ, là nền văn học thể hiện được bề dày lịch sử của một dân tộc, qua đó thể hiện được những hệ thống tư tưởng triết học huyền bí của nền văn minh Ấn-Hằng. Việc nghiên cứu ngôn ngữ Sanskrit và nền văn học Phạn ngữ cho chúng ta thấy được lịch sử phát triển của một đất nước, thế nên nó thực sự có ích đối với các nhà sử học. Nó không những là một nguồn tài liệu lịch sử quý giá hiếm hoi mà còn mang những giá trị tinh thần rất to lớn, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và hoạt động tâm linh của một khu vực rộng lớn như các nước Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Về phương diện nghiên cứu kinh điển Sanskrit, thì ngôn ngữ Sanskrit là phương tiện chuyển tải đầy đủ các hệ thống tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là hệ thống Đại thừa Phật giáo. Sự đóng góp của kinh điển và đặc biệt là hệ thống Tam tạng kinh điển Đại thừa đã làm cho nền văn học Phạn ngữ có một bước tiến xa hơn, chẳng những trên phương diện tư tưởng mà còn ở phương diện thủ pháp nghệ thuật. Việc sử dụng ngôn ngữ Sanskrit để chuyển tải kinh Phật xuất hiện muộn hơn, nhưng gặt hái được rất nhiều thành công, nhân đây đã xây dựng nên hệ thống Phạn ngữ chuẩn, với Phạn ngữ Phật giáo đặc thù và cấu trúc ngữ pháp hoàn chỉnh. Tam tạng kinh điển Sanskrit không chỉ có giá trị đơn thuần về mặt tôn giáo, mà còn mang giá trị văn học đặc sắc. Nó là nền văn chương cổ kính, được bảo quản và lưu truyền rộng rãi từ các thế hệ trước mãi cho đến ngày nay. Kinh điển Sanskrit là sự kết tinh, hội tụ của những tư tưởng triết học cổ Ấn Độ, là nền tảng cơ sở phát triển cho các học thuyết sau này, đặc biệt đối với Phật giáo. Do đó, có thể nói sự đóng góp của nền văn chương tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, cho nền văn học Phạn ngữ Ấn Độ là hết sức to lớn, những bài kinh, những lời tán tụng tôn giáo đã làm sinh động hơn cho nền văn chương vốn dĩ khô cằn, nặng tính triết lý. Hay nói cách khác, văn học Phật giáo nói chung và kinh điển Sanskrit nói riêng, là những bông hoa rực rỡ nhất, có nhiều màu sắc và tỏa hương ngào ngạt nhất trong vườn hoa văn chương Phạn ngữ và nền văn học Ấn Độ. Nguyên Thế
|
|
|
Post by TCTV on Jun 7, 2013 19:45:00 GMT -5
Lịch sử kết tập kinh luật lần thứ nhấtThích Phước Sơn Không bao lâu sau khi Ðức Thế Tôn nhập Niết bàn, tôn giả Ðại Ca Diếp tập họp 500 vị đại Tỳ kheo tại giảng đường Trùng Các, bên dòng sông Di Hầu, thành Tỳ Xá Ly, để chuẩn bị kết tập kinh luật. Trong số 500 Tỳ kheo này, 499 vị đã đắc quả A La Hán, chỉ trừ tôn giả A Nan. Bấy giờ, tôn giả Ðại Ca Diếp nói với các vị Tỳ kheo: «Này chư hiền, trên đường tôi trở về thành Câu Thi (Kusinàrà) để đảnh lễ Ðức Thế Tôn lần cuối cùng, khi hay tin Ngài nhập Niết bàn, thì có một việc đáng buồn xảy ra: Trong khi các Tỳ kheo khóc than thảm thiết, không thể kiềm chế được lòng thương tiếc Ðức Thế Tôn, có người lảo đảo trên mặt đất, bước đi không nổi, thì Tỳ kheo Bạt Nan Ðà (Upananda) đang đi trước họ, bảo họ im lặng và nói: «Vị trưởng lão ấy thường dạy chúng ta nên làm như thế này, không nên làm như thế kia; nên học những điều này, không nên học những điều kia, thật là phiền toái.Bọn chúng ta ngày nay mới thoát được nỗi khổ ấy, tùy ý muốn làm gì làm, không còn ai ngăn cản nữa.Vì sao các ông lại thương tiếc khóc than?«. Ta nghe lời nói ấy, cảm thấy đau đớn và lo âu. Ngày nay, tuy Phật đã Niết bàn, nhưng giới luật vẫn còn đó, chúng ta phải hợp sức kết tập lại giới luật chớ để cho Bạt Nan Ðà cấu kết cùng bè đảng phá hoại chánh pháp. Các Tỳ kheo đều tán đồng lời nói của tôn giả Ðại Ca Diếp, và thưa rằng: «Thưa trưởng lão, A Nan thường hầu cận Thế Tôn, Thầy ấy thông minh, nghe nhiều, gìn giữ kho tàng chánh pháp đầy đủ, nay ta nên mời Thầy vào trong số những người kết tập luật tạng«. Tôn giả Ca Diếp liền bảo: «A Nan còn ở địa vị cần phải học (hữu học),còn bị tham ái, sân hận, si mê và sợ hãi chi phối, không nên cho tham dự«. Thế nhưng, lúc này tôn giả A Nan đang ở tại thành Tỳ Xá Ly, ngày đêm thường thuyết pháp cho 4 chúng.Mọi người nghe pháp đông đúc chẳng kém gì khi Phật tại thế. Tại đây, có một Tỳ kheo người xứ Bạt Kỳ đang ngồi thiền trên lầu, vì không khí ồn ào không thể du hí trong tam muội giải thoát, bèn quán chiếu xem A Nan đã giác ngộ hay chưa, thì thấy rằng A Nan còn ở bậc hữu học, liền đến chỗ A Nan, đọc lên bài kệ: « Ngồi dưới chỗ cây vắng Tâm hướng đến Niết bàn. Thiền định chớ phóng dật Nói nhiều có ích chi?« A Nan nghe vị Tỳ kheo ấy đọc kệ như vậy, lại biết việc Ca Diếp không cho mình tham dự kết tập luật tạng nên đầu đêm, giữa đêm và cuối đêm đều siêng năng đi kinh hành, mong cầu được giải thoát, nhưng vẫn chưa đạt được. Ðến lúc nửa đêm, thân thể mỏi mệt cực độ, thầy định nằm nghĩ một chút, liền nghiêng đầu xuống gối, khi đầu vừa chấm gối, thì bỗng dưng dứt hết lậu hoặc. Các Tỳ kheo biết thế bèn thưa với Ca Diếp: « Ðêm qua A Nan đã được giải thoát, giờ đây nên cho thầy vào trong số người kết tập luật tạng«. Ca Diếp liền chấp nhận đề nghị ấy. Thế rồi tôn giả chọn thành Vương Xá làm nơi kết tập; vì ở đây có đầy đủ các phương tiện và thực phẩm. Bấy giờ, 500 vị La Hán liền đến thành Vương Xá. Trong tháng đầu mùa hạ, họ lo sửa chữa phòng ốc và chuẩn bị ngọa cụ; tháng thứ hai tọa thiền để hưởng pháp vị giải thoát; đến tháng thứ ba mới tập họp lại một chỗ. Thế rồi, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả Ưu Ba Ly kết tập Luật tạng, và được đại chúng chấp thuận.Ca Diếp bắt đầu hỏi Ưu Ba Ly: Giới nào Phật chế trước nhất, chế tại đâu, người nào sai phạm, phạm về tội gì v.v… Ưu Ba Ly trình bày rằng: Phật chế giới dâm trước nhất, do Tu Ðề Na (Sudinna) vi phạm đầu tiên v.v…Một người hỏi, một người đáp và cuối cùng hỏi lại đại chúng, đại chúng cũng hoàn toàn nhất trí với sự trình bày của tôn giả Ưu Ba Ly. Công việc này kéo dài đến 80 lần mới hoàn tất gồm đủ cả giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni và được đặt tên là Bát thập tụng luật (Bộ luật được đọc đến 80 lần). Tiếp theo, tôn giả Ca Diếp đề cử tôn giả A Nan kết tập kinh tạng và được đại chúng nhất trí.Tôn giả A Nan lần lượt kết tập các kinh sau đây:Tăng nhất, Tăng thập, Ðại nhân duyên, Tăng Kỳ Ðà, Sa môn quả, Phạm Ðộng và những kinh Phật thuyết giảng cho Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, chư Thiên và nhân loại. Những kinh dài kiết tập thành một bộ gọi là Trường A Hàm, những kinh trung bình kết tập lại thành một bộ gọi là Trung A Hàm. Những kinh nói cho nhiều đối tượng như Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và chư Thiên kết tập thành một bộ gọi là Tạp A Hàm. Những kinh lần lượt nói từ một pháp tăng dần đến mười một pháp kết tập thành một bộ gọi là Tăng Nhất A Hàm. ngoài ra tập họp các kinh nói bao quát nhiều vấn đề thành một bộ gọi là Tạp Tạng. Thế rồi,tôn giả Ca Diếp tuyên bố: «Từ nay chúng ta đã kết tập giáo pháp hoàn tất. Từ nay trở đi, những gì Phật không chế định thì không được tùy tiện chế định, những gì Phật đã chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì Phật đã chế định«. Tôn giả A Nan bấy giờ thưa với tôn giả Ca Diếp: «Chính bản thân tôi từng nghe Phật dạy rằng: «Sau khi ta Niết bàn, nếu thấy những giới nào có tính cách nhỏ nhặt, các ngươi có thể loại bỏ«. Ca Diếp liền hỏi: «Thầy cho những giới nào là nhỏ nhặt?«. A Nan đáp: «Không biết«. - Vì sao không biết? - Vì tôi không hỏi Thế Tôn. - Vì sao không hỏi? - Vì bấy giờ thân Phật đang bất an, sợ làm não loạn Ngài. - Vì thầy không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy, nên phạm tội Ðột cát la, phải tự mình nhận tội và sám hối. - Thưa Ðại đức, không phải là tôi không tôn kính giới mà không hỏi ý nghĩa những vấn đề ấy nhưng vì sợ làm phiền Ðức Thế Tôn, nên không hỏi. Trong vấn đề này, tôi không thấy mình phạm tội, nhưng vì kính trọng và tin tưởng Ðại đức, nên tôi xin sám hối. - Khi thầy vá y Tăng già lê cho Thế Tôn, thầy đã dùng chân đạp lên y, do đó, phạm tội Ðột cát la…(nt). - Thưa Ðại đức, không phải là tôi không kính trọng Phật, nhưng vì lúc đó không có ai cầm y,nên tôi phải dùng chân đạp lên y để vá…(nt). - Thầy đã ba lần cầu xin Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia trong chánh pháp, nên phạm tội Ðột cát la…(nt). - Thưa Ðại đức, không phải là tôi không tôn kính pháp, nhưng vì bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề Cù Ðàm Di từng nuôi dưỡng Thế Tôn đến trưởng thành, rồi Ngài đi xuất gia mà thành Chánh giác. Công ơn ấy cần phải báo đáp, nên tôi mới ba lần cầu thỉnh Thế Tôn cho phép nữ giới xuất gia…(nt). - Khi Phật sắp nhập Niết bàn đã hiện tướng nói với Thầy rằng: Nếu người nào đạt được bốn thần túc, muốn giữ thọ mạng một kiếp hoặc hơn một kiếp đều có thể làm được, Ðức Như Lai đã thành tựu vô lượng thiền định, và đã ba lần hiện tướng nói với thầy như thế mà thầy không cung thỉnh Phật trụ thế một kiếp, hoặc hơn một kiếp, nên phạm tội Ðột cát la…(nt). - Thưa Ðại đức, không phải tôi không muốn thỉnh Phật trụ thế lâu dài, nhưng vì ác ma Ba Tuần che mờ tâm trí của tôi, nên tôi không thưa thỉnh… (nt). - Ngày xưa, Phật đã ba lần nhờ thầy đi lấy nước cho Phật uống, mà rốt cuộc thầy không dâng nước cho Phật, nên phạm tội Ðột cát la…(nt). - Thưa Ðại đức, không phải là tôi không dâng nước cho Phật, nhưng vì bấy giờ có 500 chiếc xe vừa đi qua phía trên dòng sông khiến cho nước đục sợ uống vào sinh bệnh, nên tôi không lấy nước cho Thế Tôn…(nt). - Thầy đã cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước mọi người, nên phạm tội Ðột cát la…(nt). - Thưa Ðại đức, không phải tôi muốn cho phép nữ giới lễ Xá lợi Phật trước nhưng vì trời sắp tối,họ vào thành không kịp, nên tôi mới cho phép…(nt). Tiếp theo, đại hội cứu xét những giới nào có thể loại bỏ,tôn giả Ca Diếp trình bày: « Nếu chúng ta xem chúng học pháp (những pháp cần phải học) là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Bốn giới Ba la đề đề xá ni cũng là những giới nhỏ nhặt có thể loại bỏ. Nếu chúng ta bảo bốn giới Ba la đề đề xá ni là những giới nhỏ nhặt, thì các Tỳ kheo khác sẽ bảo: Các giới Ba dật đề cũng là những giới nhỏ nhặt v.v… giờ đây, chúng ta không thể khẳng định giới nào là giới nhỏ nhặt mà loại bỏ một cách tùy tiện thì bọn ngoại đạo sẽ bảo: «Pháp của sa môn Thích tử giống như mây khói, khi thầy còn sống thì những pháp do thầy chế định các đệ tử tuân thủ một cách nghiêm túc, nhưng sau khi thầy nhập Niết bàn, họ không chịu thực hành nữa«. Do vậy, tôi xin khẳng định lại: «Những gì không do Phật chế thì không được tự ý chế định, và những gì do Phật chế định thì không được vi phạm. Chúng ta phải kính cẩn học tập những gì mà Phật đã truyền dạy«. Sau khi nghe trình bày, tất cả đại chúng đồng thanh nhất trí với lời tuyên bố của tôn giả Ca Diếp. Lúc này trưởng lão Phú Lâu Na đang ở phương Nam, nghe Phật Niết bàn tại thành Câu Thi, và các trưởng lão Tỳ kheo đang kết tập Tỳ Ni pháp tạng tại thành Vương Xá, liền dẫn đồ chúng đến đó tham dự. Nhưng khi đến nơi, đại hội kết tập vừa xong.Do đó, trưởng lão yêu cầu đại hội đọc tụng lại một lần nữa để trưởng lão và đồ chúng cùng nghe. Ðại hội đã hoan hỷ đáp ứng lời yêu cầu ấy. Trong đại hội kết tập này, được các trưởng lão sau đây chủ trì: 1. Trưởng lão A Nhã Kiều Trần Như làm đệ nhất Thượng tọa 2. Phú Lâu Na làm đệ nhị Thượng tọa 3. Ðàm Di làm đệ tam thượng tọa 4. Ðà Bà Ca Diếp làm đệ tứ Thượng tọa 5. Bạt Ðà Ca Diếp làm đệ ngũ Thượng tọa 6. Ðại Ca Diếp làm đệ lục Thượng tọa 7. Ưu Ba Ly làm đệ thất Thượng tọa 8. A Na Luật làm đệ bát Thượng tọa. Vì cuộc kết tập này vừa đúng 500 vị La hán, không nhiều, không ít, nên được gọi là cuộc kết tập giáo pháp của 500 vị La hán (ngũ phần luật, ÐTK.1421, tr 190b- 192a). So sánh và nhận xét 1. Nhận xét tổng quát: - Luật ngũ phần trình bày tóm tắt, cô đọng, và chỉ trình bày về sự kết tập. - Luật tứ phần, ngoài phần trình bày sự kiện kết tập, còn nói thêm đôi nét về lúc Phật Niết bàn. - Luật Thập tụng trình bày tương đối phong phú nhất, vì còn thêm nhiều chi tiết lúc Phật Niết bàn. 2. Những vị chủ trì cuộc kết tập: - Luật Ngũ phần (xem lại trước) - Luật Tứ phần ghi: a) Ðà Ê La Ca Diếp, b) Trưởng lão Bà bà Na, c) Ðại Ca Diếp, d) Trưởng lão Ðại Châu Na. Luật Thập tụng ghi: a) A Nhã Kiều Trần Như, b) Trưởng lão Quản Ðà, c) Thập Lực Ca Diếp, d) Ma Ha Ca Diếp. 3. Những vấn đề Ca Diếp chất vấn A Nan: - Luật Ngũ phần (tóm tắt những trình bày trên): a)- A Nan không hỏi Phật những giới nào là nhỏ nhặt có thể loại bỏ, b)- A Nan đạp chân lên y Tăng già lê của Phật, c)- A Nan đã xin Phật cho phụ nữ xuất gia, d)- A Nan không xin Phật trụ thế lâu hơn nữa mà để Phật Niết bàn, e)- A Nan không lấy nước cho Phật uống khi Phật đang cần. f)- A Nan đã cho phép nữ giới lễ xá lợi Phật trước nhất. - Luật Tứ phần: Bộ này đề cập đến 7 điều.Riêng điều thứ hai khác hẳn hai bộ kia, như sau: Phật đã ba lần yêu cầu A Nan làm người cúng dường mà A Nan nhất quyết không nhận. Còn các điều 1, 3 , 4, 5, 6, thì giống như các điều 1-5 của Ngũ phần, chỉ đảo lộn vị trí. Ðiều 7 cuối cùng thì viết: A Nan không ngăn nữ giới khiến họ làm bẩn chân Phật (1) (ÐTK, 1428, tr 966a). - Luật Thập tụng: 5 điều trước giống như Luật ngũ phần, chỉ đảo lộn vị trí. Riêng điều thứ sáu, luật này nói «A Nan đã để lộ âm tàng tướng của Phật cho nữ giới xem (2) (ÐTK 1428, tr 449b). 4- Một số khía cạnh khác: a. Ðịa điểm kết tập: cả ba bộ đều nhất trí cho là tại thành Vương Xá. b. Thời gian kết tập: cả ba bộ đều đồng ý cho rằng vào mùa hạ năm Phật Niết bàn. c. Số người tham dự kết tập: cả ba bộ đều ghi nhận con số 500 vị La hán. d. Người phấn khởi nhất khi hay Phật nhập Niết bàn: cả ba bộ đều cho là Tỳ kheo Bạt Nan Ðà, một Tỳ kheo bán thế xuất gia khi đã lớn tuổi. e. Tất cả đều đồng ý giữ nguyên những gì Phật chế, nhưng tùy nghi áp dụng, không thêm cũng không bớt. g . Vấn đề tạng Luật: cả 3 bộ đều nhất trí cho rằng kết tập Luật tạng trước do Ưu Ba Ly đảm trách, Kinh tạng sau, do A Nan thực hiện, - Bộ Ngũ phần: chỉ nói kết tập tạng Luật và tạng Kinh. Hai bộ kia thì bảo kết tập cả Luận tạng và do A Nan phụ trách, như sau: - Bộ Tứ phần nói: điều gì liên quan đến những việc làm có nạn hay không có nạn, đều tập họp lại thành tạng Luận. - Bộ Thập tụng nói: Phật dạy rằng ai phạm 5 tội – sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn, đó là tạng Luận. Bộ này nói rõ: Từ nay trở đi, mở đầu tất cả các bộ Kinh, Luật, Luận đều dùng câu «Như thị ngã văn, nhất thời ….« (Tôi nghe như vầy, một thuở…) Có một điều khiến chúng ta phải lưu ý:tuy xuất phát từ một đại hội kết tập mà khi tường thuật lại vẫn có những điều dị biệt. Ðó là do trình độ ghi nhận, phương thức trình bày và quan điểm của mỗi bộ phái. Thế nhưng, đặc biệt tư liệu này nằm trong luận tạng, được bảo trì khá tốt, và tương đối còn giữ được tính chất nguyên thủy và trung thực, chưa bị tình trạng «tam sao thất bổn« làm cho sai lạc. Vì vậy, khi đề cập đến lịch sử kết tập Tam tạng giáo điển, chúng ta có thể yên tâm phần nào trong việc dẫn chứng về phương diện sử liệu./. * Chú thích: (1) Tôn giả Ca Diếp chất vấn A Nan: «Vì sao thầy không ngăn cản nữ giới để họ làm bẩn chân Phật?«, A Nan đáp: «không phải tôi cố ý làm như vậy, nhưng vì tâm hồn nữ giới rất mềm yếu, nên khi đảnh lễ chân Phật, họ khóc lóc làm rơi nước mắt trên chân Phật, khiến chân Phật bị nhiễm bẩn«. (2) Tôn giả Ca Diếp hỏi A Nan: «Vì sao thầy để lộ âm tàng của Phật cho nữ giới xem?«, A Nan đáp: «Vì nữ giới phúc đức mỏng manh, nên muốn cho họ xem tướng âm tàng của Phật. Khi thấy rồi họ sẽ nhàm chán cái thân nữ giới, sau đó mong được cái thân nam tử, nên tôi cho họ xem«. Source: Nguyệt san Giác Ngộ
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 18:52:07 GMT -5
Khái quát lịch sử truyền bá kinh điển và những đặc điểm của kinh tạng Nikaya Thích Viên Giác
Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Đây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.
Kinh tạng Nikàya, Pàli và A-hàm Hán tạng là những bộ kinh thuộc Phật giáo truyền thống, còn gọi là Kinh tạng Nguyên thủy. Đó là những bộ kinh chứa đựng những gì Đức Phật đã dạy suốt trong 45 năm truyền giáo, gồm những giáo lý căn bản như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Vô ngã… Các nhà nghiên cứu Phật học, các Sử gia đều coi Kinh tạng Nguyên thủy là tài liệu đáng tin cậy nhất và gần gũi nhất để xác định những gì mà Đức Phật tuyên thuyết.
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn 3 tháng, một đại hội được triệu tập để tụng đọc lại những lời Đức Phật dạy nhằm giữ gìn kho tàng Pháp bảo. Đây là lần kiết tập kinh điển đầu tiên.
Sau khi Phật nhập diệt 100 năm, một đại hội khác được triệu tập để minh định lại những gì là đúng với lời Phật dạy và những gì đi lệch hướng; chủ yếu là một vài vấn đề tranh cãi về giới luật, có 10 điều mới phát sinh : Diêm tịnh, chỉ tịnh, tụ lạc gian tịnh, trụ xứ tịnh, tùy ý tịnh, cửu trụ tịnh, sinh hòa hiệp tịnh, bất ích lũ ni sư đàn tịnh, thủy tịnh, kim tiền tịnh. Những vị cho 10 điều trên là phi pháp đã tách riêng thành Thượng tọa bộ, những vị chủ trương thực hiện 10 điều cải cách thì tách riêng thành Đại chúng bộ – Sự phân chia đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo. Những kinh điển của cả hai bộ phái vẫn là kinh điển Nguyên thủy và vẫn duy trì bằng phương thức đọc tụng thuộc lòng chứ không viết thành văn. Đây là lần kiết tập kinh điển thứ hai.
Lần kiết tập kinh điển thứ ba vào khoảng năm 200 đến 234 năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Hai bộ phái chính là Thượng tọa và Đại chúng sản sinh ra nhiều bộ phái, gồm khoảng 20 bộ phái. Giáo lý được giải thích tùy theo khuynh hướng của bộ phái. Trong đó, Đại Thiên (Mahadeva), một học giả Phật tử khá nổi tiếng đã đưa ra 5 điều giới hạn của quả vị A-la-hán : Dư sở dụ, vô tri, do dự, tha linh nhập và đạo nhân thanh cố khởi. Điều đó làm mọi người hoang mang. Từ ảnh hưởng chủ trương của Đại Thiên và mặt khác – ảnh hưởng của giáo nghĩa Bà-la-môn lẫn lộn vào giáo lý Phật giáo, vua A-dục quyết định ủng hộ triệu tập đại hội Phật giáo dưới sự chủ tọa của ngài Moggalipputta Tissa, thầy của vua A-dục. Kỳ này gọi là lần kiết tập thứ ba, chấn chỉnh lại sự pha tạp trong giáo lý. Thượng tọa bộ lúc bấy giờ được gọi là Phân biệt thuyết bộ (Vibhajyavada), được vua A-dục đỡ đầu và ủng hộ mạnh mẽ. Phân biệt thuyết bộ là cha đẻ của Đồng diệp bộ, chính Đồng diệp bộ (Tamrasatiyah) đã kiết tập 5 bộ Nikàya rất đầy đủ. Năm bộ Nikàya này được hoàng tử Mahinda sau khi xuất gia đem khẩu truyền ở Tích Lan.
Một hệ phái khác khá mạnh cũng phát xuất từ Thượng tọa bộ là phái Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada) không được vua A-dục ủng hộ vì họ chủ trương luận lý hơn là kinh luật. Họ chuyển dần lên Đông bắc Ấn, đặt căn cứ địa tại Ca-thấp-di-la (Kasmira), dần dần họ truyền bá chánh pháp toàn cõi biên cương phía Bắc và sang các nước lân cận. Đến đời vua Ca-nị-sắc-ca (Kaniskha), nhà vua hết lòng ủng hộ và tổ chức đại hội kiết tập kinh điển. Đây được coi như lần kiết tập kinh điển thứ tư, vào khoảng đầu thế kỷ thứ II sau TL. Truyền thống Phật giáo Bắc tông được truyền bá từ phái này qua 4 bộ A-hàm, Luật tạng và một số luận thư. Kỳ kiết tập này mới được chép thành văn.
Riêng 5 bộ Nikàya được Mahinda mang qua Tích Lan vẫn giữ phong cách truyền khẩu cho đến khi một đại hội kiết tập được tổ chức tại Tích Lan ở làng Aluvihata. Đây là lần đầu tiên 3 tạng Pàli được chép bằng chữ trên lá buông vào năm 83 trước TL. Lần này gọi là lần kiết tập kinh điển thứ tư (Kinh tạng Nikàya).
CÁC BỘ A-HÀM VÀ NIKÀYA
1. A-hàm (Agama) dịch là Pháp quy hay Vô tỷ pháp, gồm có 4 bộ : a/. Trường A-hàm (Dirghagama) 22 quyển, do ngài Phật-đà-da-xá (Buddhayasas) và Trúc Phật Niệm dịch (412 TL, y cứ Pháp tạng bộ). b/. Trung A-hàm (Madhyamagama) 60 quyển, do ngài Tăng-già-đề-bà (Sanghadeva) dịch vào khoảng năm 397 TL. Bộ này là nền tảng của Hữu bộ. c/. Tạp A-hàm (Samyukta-agama) 50 quyển, do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch năm 435 TL (y cứ của Hữu bộ). d/. Tăng Nhất A-hàm (Ekottara-agama) 50 quyển. 2. Nikàya bộ gồm 5 quyển : a/. Trường bộ kinh (Dìgha - Nikàya) b/. Trung bộ kinh (Majhima - Nikàya). c/. Tương ưng bộ kinh (Samyutta - Nikàya). d/. Tăng chi bộ kinh (Angttara - Nikàya). e/. Tiểu bộ kinh (Khuddaka - Nikàya).
TRƯỜNG A-HÀM tương đương với TRƯỜNG BỘ – chép những bài pháp dài.
TRUNG A-HÀM và TRUNG BỘ chép những bài pháp bậc trung. TƯƠNG ƯNG BỘ tương đương với TẠP A-HÀM – chép những lời kinh có nội dung tượng tự nhau.
TĂNG NHẤT và TĂNG CHI – chép những bài sắp xếp theo con số. Riêng TIỂU BỘ KINH thì Pàli tạng mới có – ghi chép những câu kệ vắn tắt.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA GIÁO LÝ NGUYÊN THỦY
1. Cả hai truyền thống A-hàm và Nikàya đều thuộc truyền thống Nguyên thủy, mặc dù con đường truyền bá có khác nhưng nội dung thì không khác nhau mấy. Tư tưởng của hai truyền thống đều giữ được phong cách và hương vị của thời Nguyên thủy Phật giáo.
2. Cả hai được giữ gìn bằng phương thức khẩu truyền suốt một thời gian khá dài khoảng 400 năm sau Phật nhập diệt.
3. Thể loại văn tường thuật, ký sự, dùng điệp từ và trùng cú nên rất dễ chán khi đọc. Tuy nhiên kinh phản ánh tư tưởng, học thuật, sinh hoạt, tập quán, tôn giáo của xã hội đương thời.
4. Diễn đạt tư tưởng Phật học một cách thiết thực gần gũi với tâm lý con người, những ví dụ dễ hiểu và lý luận giản đơn nhưng rất chặt chẽ. Nhất là những định nghĩa căn bản của thuật ngữ Phật học rất rõ ràng.
5. Kinh chứa đựng rất nhiều những lời dạy phản ánh quan điểm của Phật về các vấn đề tu tập, phương cách sống, lối ứng xử, về các vấn đề lý luận, xã hội… rất dễ trích dẫn và dễ nhớ.
6. Tư tưởng Nguyên thủy chứa đựng tư tưởng gốc hay tư tưởng nền của tư tưởng Đại thừa.
VẤN ĐỀ ĐẠI THỪA VÀ TIỂU THỪA
Trước đây ta thường cho rằng giáo lý Nguyên thủy là giáo lý Tiểu thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật, chỉ có giáo lý Đại thừa mới là giáo lý chân chính của Phật. Ngược lại, các nhà sư Nguyên thủy thì cho rằng giáo lý Nguyên thủy mới chính truyền là của Phật, còn giáo lý Đại thừa là ngoại đạo. Sự bất đồng quan điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ của hai truyền thống cả ngàn năm. Ngày nay với những phương tiện tiến bộ, mọi mặt trong xã hội đều thay đổi, những quan niệm Tiểu thừa và Đại thừa không còn thích hợp. Qua nghiên cứu cho rằng :
1. Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời kỳ Bộ phái (sau Đức Phật 400 năm) chưa có danh từ Đại thừa hay Tiểu thừa. Danh từ Đại thừa và Tiểu thừa xuất hiện đồng thời với kinh điển Đại thừa khoảng thế kỷ thứ I trước hoặc sau TL.
2. Danh từ Tiểu thừa không nên hiểàu là Thượng tọa bộ, mà là chỉ cho giai đoạn bộ phái, sự tranh chấp về đường lối hành đạo mà lúc bấy giờ các Bộ phái quá chú trọng về lý luận và hình thức.
3. Ngày nay không có hệ Tiểu thừa nào có mặt trên thế giới. Năm 1950, Hội Phật Tử Thân Hữu Thế Giới (World Fellowship Buddhists) họp tại Colombo (Tích Lan) đã nhất trí quyết nghị loại bỏ danh từ Tiểu thừa khi nói đến Nam tông Phật giáo.
4. Giáo lý được phân làm hai truyền thống : Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển. Về mặt địa lý, truyền thừa thì gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển – cả hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó.
5. Mặc dù truyền thống Nguyên thủy và Phát triển có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy không cơ bản. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản như sau :
a/. Cả hai đều nhìn nhận Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bậc Đạo sư. b/. Cả hai đều chấp nhận và hành trì giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi; đều chấp nhận pháp ấn Khổ, Không, Vô ngã; đều chấp nhập con đường tu tập : Giới, định, tuệ. c/. Cả hai đều từ chối về một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.
Tóm lại, Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Đây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.
Tuy nhiên, trải qua hơn 400 năm khẩu truyền và hơn 2000 năm truyền bá, kinh giáo không tránh khỏi sự thiếu sót hoặc thêm thắt của người thọ trì, nghĩa là vẫn không mang tính Nguyên thủy thuần túy. Nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi Kinh tạng Nguyên thủy là thấp kém thì rất là sai lầm và nguy hiểm. Cây đại thọ giáo pháp phải là một cây hoàn hảo từ gốc rễ cho đến ngọn ngành.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 18:54:24 GMT -5
Tìm hiểu kinh Sa Môn Quả Thích Nhuận Thịnh
Kinh Sa-môn quả này dù đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ nhưng nó vẫn giữ được giá nguyên vẹn. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ.
TÌM HIỂU KINH SA MÔN QUẢ
(SĀMAJJAPHALASUTTAṂ)
A. DẪN NHẬP
Phật giáo ra đời, không mục đích gì khác hơn ngoài việc đề ra những phương châm hành động mà nếu cá nhân và xã hội thực hành theo thì đều đạt được những hạnh phúc cơ bản đến tối hậu. Những phương châm ấy cũng chính là phương pháp cụ thể áp dụng vào đời sống hằng ngày. Vì mỗi cá nhân là một hữu thể có lý tính nhưng lại khác nhau về tố chất sinh lý và tâm lý, do đó, đức Phật đã truyền dạy rất nhiều pháp môn nhằm đáp ứng phù hợp cho từng cá nhân. Nhưng dù đó là phương pháp nào cũng nhằm dẫn dắt con người đến hạnh phúc an vui. Và tất nhiên, cá nhân tồn tại là trong không gian và thời gian cụ thể nên Phật giáo cũng hướng đến cá nhân này, với những phương pháp cụ thể nhằm hoàn thiện khả năng hoà nhập của cá nhân với xã hội.
Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, các lời dạy của Ngài đã được kết tập lại với hình thức trùng tụng và giữ gìn bằng trí nhớ siêu việt của các bậc Trưởng lão kỳ túc. Đến khi có chữ viết thì nó được trình bày dưới dạng văn bản. Và ngôn ngữ Pāli đã được sử dụng để ghi chép những lời dạy nguyên thỉ của đức Phật. Nó đã trở thành một nền văn học thuộc loại xưa nhất của nhân loại vẫnđược lưu giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nhưng nó là một nền văn học đặc biệt – nền văn học của trí tuệ giải thoát siêu việt, của những phương pháp đưađến diệt tận khổ đau. Chính nhờ những bản kinh này mà tinh thần, mục đích của người xuất gia và tại gia vẫn tiếp tục được tiếp nối không lệch. Đó là conđường của bậc Thánh. Kết quả của người tu hành là giải thoát khổ đau, khỏi những triền phược của những kiết tập phiền não nằm u ẩn trong tâm mỗi người. Đó cũng chính là nội dung kinh Sa môn quả trình bày và cũng là mục đích tìm hiểu của người viết khi thực hiện thiên tiểu luận này.
B. NỘI DUNG
1. Khái lược lịch sử của Văn học kinh điển Pāli
1.1. Sự hình thành và phát triển
Pāli là ngôn ngữ được sử dụng giao tiếp hằng ngày giữa những người có văn hóa ở phía bắc của Ấn Độ từ thế kỷ 7 B.C. Nó tiếp tục được sử dụng khắp cả Ấn Độ và được mở rộng phạm vi sử dụng như là một ngôn ngữ văn học trong khoảng một nghìn năm và những giai đoạn tiếp theo nó vẫn còn tồn tại nhưng tầm ảnh hưởng và vai trò giảm dần. Nó cũng có xuất hiện trong ngôn ngữ văn học của Miến Điện, Thái Lan, và Tích Lan. Hai nhân tố được kết hợp để đưa ngôn ngữ Pāli trở nên sự quan trọng như là một trong số vài ngôn ngữ văn học lớn của thế giới, đó là chính trị và Tôn giáo. Nhân tố chính trị đã vượt trội trong thời gian thế kỷ 7 B.C ở nền chính trị nước Kośāla.
Trước khi người A-ri-an dọc theo ba con đường xâm nhập của vào nước Ấn Độ, nơi đây đã như là một lãnh thổ độc lập và có những cộng đồng dân cư nhỏ sống cách ly. Ngôn ngữ của họ có quan hệ tới tiếng nói Vedic. Cùng với sự thống nhất của vương quốc Kośāla rộng lớn, một nước đã chinh phục các nước nhỏ và lãnh đạo các dân tộc có văn hoá kém phát triển, nhưng vẫn không thể đi tới việc thiết lập một tiêu chuẩn một ngôn ngữ chung, và ngôn ngữ dùng để giao lưu giữa các cộng đồng là ngôn ngữ ở Savatthi thuộc Nepan và thủ đô Kośāla.
Khi Phật Thích ca, một người sanh ra ở nước Kośāla (nước Kapilavatthu của Ngài vốn là một nước nhỏ, giống như là một nước tự trị thuộc Kośāla),được xác định là đã sử sụng ngôn ngữ Pāli để truyền bá tư tưởng của mình. Ngài và các đệ tử đã làm cho ngôn ngữ Pāli trở nên phong phú và được sử dụng rộng rãi hơn ở những nơi mà ngài đã đặt chân đến. Sau khi đức Phật Níp-bàn, các đệ tử của Ngài đã biên tập một cách trung thực những lời dạy của Ngài và những bản kinh ấy đã nhanh chóng lan truyền và ảnh hưởng mạnh mẽ khắp nơi. Nhưng những ngôn ngữ địa phương vẫn tồn tại song song.
Từ Pāli có ý nghĩa căn bản là “văn bản” hay “những văn bản thiêng liêng” hay “Thánh điển Phật giáo”. Nó ngược với hình thức ghi nhớ và truyền miệng, và dần dần trở thành tên gọi cho ngôn ngữ trong Tam tạng (Tipiṭāka) của Phật giáo Thượng Toạ bộ (Theravada) và các bản sớ giải. Tuy nhiên, các vị Theravada truyền thống (bảo thủ) tuyên bố rằng ngôn ngữ như Magadhi mới là tiếng nói thực tế của Phật Thích ca. Lĩnh vực sử dụng chính của Pāli là tôn giáo và triết học – hai đề tài quan trọng nhất của Tam tạng (Tipiṭāka) của Phật giáo Theravada. Tipiṭāka chứa đựng những lời dạy nguyên thuỷ của Phật Thích ca (Buddhavachana) và Phật giáo Miến Điện và Thái Lan luôn tin tưởng điềuđó. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng rằng điều đó là chưa chắc chắn và có những điều đã bị bỏ sót trong Pāli Tipiṭāka vì có nhiều Tam tạng của những bộ phái khác lại thấy có những điều không có trong Pāli Tipiṭāka, hoặc được viết bằng Sanskrit, hoặc có pha trộn Parkrit cùng tồn tại song song với Pāli Tipitika.
Lịch sử phát triển của kinh điển Pāli chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh. Nó được duy trì bởi tất cả những người theo Phật giáo truyền thống và Tipitikađược biên tập qua nhiều lần kiết tập khác nhau. Kinh điển Nguyên thuỷ được cố định lần cuối cùng và viết ra vào lần kiết tập lần thư tư do vua Vattagamani triệu tập.[1]
1.2. Các cuộc kết tập kinh điển
Cho đến nay, có sáu cuộc kết tập kinh điến Pāli khác nhau:
1.2.1. Kết Tập Đầu Tiên
Ba tháng sau khi Đức Phật tịch diệt (Mahāparinibbāna), một đại hội các vị tu sĩ (Tỳ khưu, Bhikkhu) được tổ chức, ngày nay được gọi là Đại Hội Tăng Già I, tại vùng đồi núi ngoại thành Rājagaha (Vương Xá) với sự bảo trợ của vua Ajātasattu (A-xà-thế) (544B.C). Mục đích là để kết tập các bài kinh giảng và các điều luật thành một hệ thống chặt chẽ hơn. Người chủ trì lần kết tập này là Ngài Mahākassapa, phần Luật là Tỳ khưu Upāli (Ưu Ba Ly), và chủ trì phần Kinh là Tỳ khưu Ānanda (A Nan Đà), là người cận sự với Đức Phật và vì thế có nhiều dịp nhất để nghe và ghi nhớ các bài giảng của Ngài. Đại hội gồm khoảng 500 vị cao Tăng duyệt lại các giới luật và các bài thuyết pháp, sắp xếp thành hai nhóm chính: Luật Tạng và Kinh Tạng. Qua những thu thập lúc đó, Kinh Tạng được phân chia làm 4 Bộ chính: Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, và Tăng Chi bộ.
1.2.2. Kết Tập Lần Thứ 2
Khoảng 100 năm sau lần kết tập đầu tiên, năm 383 B.C., một đại hội kết tập kinh điển được tổ chức tại Vāḷukārāma ở thành Vesāli với sự tham dự của 700 Tỳ kheo, dưới sự bảo trợ của vua Kāḷasoka, do Ngài Revata chủ trì, theo yêu cầu của Tăng chúng thành Vesāli và Vajji. Sau lần kết tập nầy, Luật Tạng được mở rộng với các giới luật mà các đại biểu cho rằng đã không được kết tập trong kỳ Đại Hội I, và một số các bài kinh giảng khác chưa kết tập, tạo thành một bộ kinh thứ 5 của Kinh Tạng (Tiểu Bộ). Sau lần kết tập nầy, Luật Tạng và Kinh Tạng xem như đã thành hình, và các bài giảng có lẽ cũng giống như bài giảng mà chúng ta có được trong bộ Đại Tạng hiện nay.
1.2.3. Kết Tập Lần Thứ 3
Một trăm ba mươi năm sau đó, năm 253 trước CN, vua Asokārāma (A Dục) của Ấn Độ cho triệu tập Đại hội lần thứ III tại Pāṭaliputta với sự tham dự của 1000 vị, do Ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, diễn ra trong 9 tháng. Tiểu Bộ của Kinh Tạng lại được mở rộng và kết tập thêm nhiều bài kinh giảng khác. Quan trọng hơn hết là việc Đại hội đã đúc kết các bài giảng về tâm lý, thể tính và sự tướng của vạn pháp, tạo thành Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma, A TỳĐàm, Vi Diệu Pháp, Luận Tạng).
1.2.4. Kết Tập Lần Thứ 4
Khoảng năm 20 trước CN, 500 năm sau ngày Phật nhập Đại Niết Bàn, vua Vaṭṭagāminī của Tích Lan (Sri Lanka) triệu tập Đại Hội Tăng Già IV tại Aluhivihara, gần thành phố Kandy ngày nay, do Ngài Mahā Thera Rakkhita chủ trì, kết tập lại các phần Kinh, Luật, và đúc kết phần Thắng Pháp Tạng. Để gìn giữ các bài giảng của Đức Phật dù đã kết tập nhưng chỉ truyền khẩu trong 500 năm qua, ba tạng kinh điển được cho viết lại trên một loại giấy bằng lá bối-đa khô. Từ đó Tam Tạng Pāli được thành hình, và không còn thay đổi nào khác.
1.2.5. Kết Tập Lần Thứ 5
Cuộc kết tập này được tổ chức tại Mandalay ở Myanmar vào năm 1871, dưới sự bảo trợ của vua Min Don Min, do Ngài Mahā Thera Jāgarābhivaṃsa, Mahā Thera Narindabhidhaja và Mahā Thera Sumaṅgala Sāmī chủ trì, với sự tham dự của 2400 vị Tỳ kheo.
1.2.6. Kết Tập Lần Thứ 6
Lần kết tập thứ 6 này diễn ra vào tháng 5 năm 1954, tại Yangon (Rangoon) ở Myanmar, bởi sự khởi xướng của Thủ tướng U Nu. Đại hội nàyđã có hơn 2500 vị Tỳ kheo từ Myanmar, Sri Lanka, Thailand, Kampuchea, India… tham dự.
Hai kỳ kết tập 5 và 6 nầy chỉ để làm sáng tỏ các điểm chính trong kinh, nhưng không thay đổi gì trong bộ Tam Tạng.[2]
1.3. Tổng quát về Tam tạng Pāli
1.3.1. Luật Tạng (Vinaya Piṭaka)
Tạng nầy bao gồm các giới luật và nghi lễ cho nam tu sĩ (Bhikkhu, Tỳkhưu) và nữ tu sĩ (Bhikkhuni, Tỳ khưu ni), cách thức gia nhập tăng đoàn, truyền giới luật, sinh hoạt tăng chúng, cách hành xử trong các trường hợp vi phạm giới luật, vv. Tạng nầy thường được chia làm 5 bộ:
1. Ba-la-di (Pārājika), 2. Ba-dật-đề (Pācittiya), 3. Đại Phẩm (Mahāvagga), 4. Tiểu Phẩm (Cūḷavagga), và 5. Toát Yếu (Parivāra).
1.3.2. Kinh Tạng (Sutta Piṭaka)
Gồm 5 bộ chính (Nikāya): Trường Bộ (Dīgha Nikāya), Trung Bộ (Majjhima Nikāya), Tương Ưng Bộ (Saṃyutta Nikāya), Tăng Chi Bộ (Aṅguttara Nikāya), và Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya). Trong hệ Sanskrit (Bắc Phạn), các bộ nầy được gọi là các bộ A Hàm (Agamas). Tuy nhiên, các bộ A Hàm nguyên thủy đã bị thất lạc và chỉ còn tìm thấy các bản kinh tiếng Sanskrit rời rạc, mà hiện nay chỉ còn các bộ Hán dịch từ nhiều nguồn gốc bộ phái và qua nhiều đời khác nhau [6].
Trường Bộ là tập hợp các bài kinh dài, gồm 34 bài kinh, đã được dịch sang Việt ngữ, trong đó có hai quyển phổ thông nhất: Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha Parinibanna Sutta) và Kinh Đại Quán Niệm (Maha Satipattana Sutta). Ngoài các bài thuyết giảng của Đức Phật, Bộ nầy cũng có các bài giảng của ĐạiĐức Sariputta (Xá Lợi Phất), vị đệ tử hàng đầu có tài thuyết giảng hùng biện nhất thời đó, và các vị đệ tử nỗi tiếng khác.
Trung Bộ gồm có 152 bài kinh sắp xếp trong 15 phẩm, theo từng chủ đề. Các bài kinh quan trọng thường có liên quan đến phép hành thiền quán niệm (Satipattana Sutta), chính kiến (Sammaditthi), cách tịnh tâm (Kakacupama), cuộc đời Đức Phật (Ariyaparyesana), Tứ diệu đế (Mahahatthipadopama), không tính (Culasunnata), quán niệm hơi thở (Anapanasati), vv... Có thể nóiđây là một bộ kinh quan trọng nhất, bao gồm các bài giảng thiết yếu trên đường tu tập, thực hành lời Phật dạy.
Tương Ưng Bộ gồm 2,889 bài kinh ngắn, chia làm 5 chương và 56 phẩm. Đây là tập hợp các bài kinh có chủ đề giống nhau về một điểm thảo luận, hoặc về một nhân vật nào đó trong thời Đức Phật. Có những bài giảng quan trọng về 12 nhân duyên và về 37 phần bồ đề (37 phẩm trợ đạo).
Tăng Chi Bộ là bộ kinh dựa theo cách sắp xếp số học (pháp số), từ các chủ đề có liên quan đến 1 phần tử, 1 yếu tố, dần dần lên đến các chủ đề có 11 phần tử hay yếu tố. Vì vậy, bộ kinh được chia làm 11 chương, gồm 2,308 bài kinh.
Tiểu Bộ thật ra không phải là bộ sách nhỏ, mà là tập hợp 15 bộ sách nhỏ:
1. Tiểu Tụng (Khuddaka Pāṭha)
2. Pháp Cú (Dhammapada)
3. Phật Tự Thuyết (Udāna)
4. Như Thị Ngữ (Itivuttaka)
5. Kinh Tập (Sutta Nipāta)
6. Thiên Cung Sự (Vimāna Vatthu)
7. Ngạ Quỷ Sự (Peta Vatthu)
8. Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā)
9. Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā)
10. Bổn Sanh (Jātaka)
11. Nghĩa Thích (Mahāniddesa)
12. Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga)
13. Thí Dụ (Apadana)
14. Phật Sử (Buddhavaṃsa)
15. Sở Hạnh Tạng (Cariyā Piṭaka)
1.3.3. Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma Piṭaka)
Còn gọi là Vi Diệu Pháp hay Luận Tạng, đây là tập hợp các bài giảng củaĐức Phật về thể tính và sự tướng của vạn pháp, phân giải triết học và tâm lý học. Thắng Pháp Tạng gồm có 7 quyển:
1. Pháp tụ (Dhammasaṅgaṇi) 2. Phân biệt (Vibhaṅga) 3. Giới thuyết (Dhātukathā) 4. Nhân thi thiết (Puggala Paññatti) 5. Biện giải (Kathāvathu) 6. Song luận (Yamaka) 7. Nhân duyên thuyết (Paṭṭhāna).
1.3.4. Các thánh điển trọng yếu khác
Ngoài Tam Tạng Kinh Điển còn có các bộ Chú Giải và Phụ Chú Giải Kinh Điển, và một số các tác phẩm Pali quan trọng khác cũng được học tập và lưu truyền cho đến ngày nay:
Đảo sử (Dipavamsa) Đại sử (Mahavamsa) Tiểu sử (Culavamsa) Mi Lan Đa vấn đạo (Milindapañha) Thanh tịnh đạo luận (Visuddhi Magga) Thắng pháp tập yếu luận (Abhidhammattha Saṅghaha)[3]
2.Tìm hiểu kinh Sa-môn quả (Sāmajjaphalasuttaṃ)
2.1. Duyên khởi của kinh
Khi thuyết một kinh, phải có nhân duyên nào đó, hoặc là có người thưa hỏi hoặc là từ những xúc cảm nội tại mà Phật nói ra. Kinh này là có người hỏi vậy.
Vào một đêm rằm tháng tư Komudi, vua Ajātasattu (A-xa-thế) đang ngồi trên lầu cao ngắm trăng thì lòng xúc cảm, ông mới hỏi các triều thần là nên đến chiêm bái vị Sa môn, Bà la môn nào? Các đại thần lần lượt khuyên vua đi đến một số vị Sa môn, Bà la môn nổi danh đương thời nhưng vua đều từ chối. Sauđó, ông quyết định đi đến chỗ đức Thế tôn đang ngự để chiêm bái. Kinh này phát xuất từ nhân duyên này.
Ở đây, chúng ta cũng nên nói một chút về vua A-xà-thế (Ajātasattu). Ông là vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), người trị vì trong 8 năm cuối cùng tại thế của Phật Thích-ca Mâu-ni và 24 năm kế tiếp (khoảng từ 494-462 trước Công nguyên). Ông là người giết vua cha Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và cùng Ðề-bà Ðạt-đa (Devadatta) định ám hại đức Phật, nhưng không thành. Cuối cùng ông tỉnh ngộ theo Phật và phụng sự đạo Phật.
A-xà-thế có nghĩa là “Vị sinh oán” – với ý kết oán trước khi sinh – là kẻđược tiên đoán sẽ giết cha. A-xà-thế muốn đoạt quyền cha quá sớm, cùng với Ðề-bà Ðạt-đa đạt đa âm mưu vừa giết Phật vừa giết vua cha. Âm mưu này bại lộ, vua cha tha tội cho con và giao ngai vàng. A-xà-thế vẫn không yên tâm vì cha còn sống, hạ ngục và bỏ đói cả cha lẫn mẹ. Về sau A-xà-thế hỏi ý kiến đức Phật có nên xâm chiếm nước Bạt-kì (Vajjī) vốn là một nước dân chủ. Ðức Phật cho biết Bạt-kì không bao giờ thua vì dân nước đó rất đoàn kết. Từ đó A-xà-thế coi trọng dân chủ, coi trọng Tăng-già và nhân đây được tỉnh ngộ. Sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, A-xà-thế lập một Tháp thờ Xá-lị của Phật. Ông cũng là người xây dựng một thuyết đường lớn trong lần Kết tập thứ nhất.
2.2. Nội dung của kinh
Mỗi một người trong xã hội đầu làm những công việc nào đó, nhưng mỗi một việc đều có mang lại một kết quả cho bản thân họ hoặc bà con, bạn bè… Thế thì, một vị Sa môn sống đời phạm hạnh có đạt được lợi ích gì? Đây là nghi vấn của vua.
Sau khi nghe đức Phật sau khi nghe vua A-xà-thế thuật lại sự chẳng vừa ý trước các lời phô trương về đường lối tu tập chẳng có kết quả rõ ràng nào của sáu vị sư trưởng ngoại đạo, Ngài liền trình bày đầy đủ chi tiết về các giai đoạn tu luyện của một vị Sa-môn, cùng các lợi ích thiết thực, hiện có trước mắt, ở mỗi giai đoạn tu chứng.
2.3. Phân tích nội dung kinh
2.3.1. Sáu lý thuyết của ngoại đạo
Sau khi đến chỗ của Thế tôn (Tathāgata) vua Ajātasattu đã kể lại sáu lý thuyết của các ngoại đạo mà ông đã từng đến tham vấn:
- Thuyết chẳng có nghiệp báo (Akiriya):
Khi vua Ajātasattu đến chỗ Pūraṇaka Kassapa và đã hỏi: “Ngài Kassapa, cũng như các công nghệ, chức nghiệp này… Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?”.[4]
Nội dung câu hỏi này là nhà vua kể ra một số nghề phổ biến tại Ấn Độ thời ấy như điều tượng sư, điều mã sư… mỗi nghề đều đem lại một kết quả nhất định. Người có nghề nghiệp có thể tư giúp bản thân, cha mẹ, vợ con, bạn bè… sống sung túc an nhàn, hạnh phúc. Đó là những kết quả rất thiết thực, cụ thể rõ ràng, còn các Sa môn sống cuộc đời ly dục, không vợ con, nhà cửa… thì có kết quả thiết thực gì?
Pūraṇa Kassapa đã trả lời như sau: “Này Đại vương, tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu… cũng không vì vậy mà có phước báo”.[5]
Nội dung của câu trả lời này có thể nói là xoay quanh hai hành động trái nhau cơ bản của con người, đó là làm thiện và làm ác. Về hành động ác, ông Kassapa đã nêu lên các hành động như giết hại, đốt nấu, gây phiền muộn, gây áo não, gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá nhà, cướp của… đối với kẻ khác thông qua các cách thực hiện như tự tay mình thực hiện, sai bảo người khác làm cũng không phải là tội ác. Ngược lại, một người đi trên sông Hằng, một nơi mà người ta rất tin tưởng là có chư Thiên thần ngự ở đó, làm các công việc như bố thí, tế lễ… cũng không có phước báo gì. Như vậy, dù ở bất cứ nơi nào, trong bất kì thời gian nào, thì làm hành động gì, cho đến ảnh hưởng đến người khác cũng không có ích gì.
Pūraṇa Kassapa vốn là nhà luận lý hoài nghi. Theo ông thì thiện ác không có tiêu chuẩn nhất định, bất quá là do tập quán xã hội mà gọi thôi. Xã hội gọi là thiện hay ác thì cũng chưa hẳn nó là thiện hay ác. Cho nên ông chủ trương dù làm thiện hay ác không có nghiệp báo.
Ta thấy rằng trong kinh này đức Phật không bình luận gì về câu trả lời này. Tuy nhiên, tất cả hành động có tác ý đều có năng lực sinh ra nghiệp, dù đó là thiện hay ác. Trong kinh đức Phật từng dạy rằng: Đức Phật dạy: “Nầy hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai xác nhận rằng chính Tác ý là Nghiệp. Do có ý muốn mới có hành động, bằng thân, khẩu hay ý”.[6] Trong kinh A-hàm cũng tường thuật tương tự:
"Đã gieo giống nào,
Sẽ gặt quả nấy. Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành. Hành ác sẽ thâu gặt quả dữ. Hãy gieo giống tốt, Ta sẽ hưởng quả lành".[7]
Chính nghiệp này khiến cho chúng sanh khác nhau về tố chất, hưởng quả và chủng loại. Kinh Mi Tiên vấn đáp nói như sau: “Thế nào là được sanh ra bởi nghiệp? Tất cả chúng sanh đời trước làm những việc thiện, ác, tốt, xấu. Những việc làm thiện, ác, tốt, xấu ấy huân tập thành nghiệp nhân, tạo nên sức mạnh đưa chúng sanh đầu thai vào hiện tại này để thọ nhận nghiệp quả của thiện, ác, tốt, xấu”.[8] Như vậy, thuyết vô nghiệp của Pūraṇa Kassapa là hoàn toàn sai lầm. Chính vì thế mà vua Ajātasattu đã kể lại với Thế tôn rằng: “BạchĐại đức, cũng như hỏi vế trái xòa lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài”.[9]
Chúng ta có thể hiểu được tại sao vua Ajātasattu đã nghĩ như thế, tại vì ông tađã giết cha. Đó là hành động mà mọi người nguyền rủa, mà bản thân ông cũng cảm thấy ân hận và đau khổ vô cùng. Nếu không có nghiệp gì thì tại sao mọi người lại oán ghét ông? Do vậy, ông đã nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa môn hay Bà la môn ở trong nước con không được vui lòng?”.[10]Chính vì vậy mà ông đi đến các vị khác để hỏi.
- Thuyết luân-hồi tịnh hoá (Saṃsārasuddhi):
Sau khi không thỏa mãn với câu trả lời của ông Pūraṇa Kassapa, vuaAjātasattu đã đi đến chỗ Makkhali Gosāla và đã lặp lại vấn đề mà ông đã hỏiPūraṇa Kassapa. Makkhali Gosāla trả lời như sau: “Này Ðại vương, không có nhơn, không có duyên… kẻ ngu và người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau”.[11]
Câu trả lời của Makkhali Gosāla có thể tóm tắt trong những vấn đề sau: ông ta cho rằng không có nhân cũng không có duyên, các loài hữu tình (satta)nhiễm ô hay thanh tịnh cũng không do nhân duyên. Tất cả hữu tình đều bị chi phối bởi định mệnh và chúng hưởng thọ khổ hay vui tùy theo bộ loại của chúng. Câu này chúng ta có thể hiểu nôm na là con trâu khổ vì nó là trâu, con chó sướng vì nó là chó vậy. Và câu ông ta chốt lại là kẻ ngu và người hiền sau khi luân chuyển luân hồi sẽ tận trừ khổ đau. Nghĩa là sau khi bị luân hồi lưu chuyển vào các nẻo luân hồi, ai sẽ hưởng thọ khổ vui theo chủng loại mình thác sinh cho đến khi trả hết nợ xưa thì hết khổ đau. Vì quan niệm không nhân duyên nên ông không hề nghĩ đến việc khi đang thọ nghiệp lại thọ thêm nghiệp mới thì khổ đau sẽ mãi mãi khi nào còn tạo nghiệp. Do đó, quan điểm của ông là ấu trĩ và sai lầm rất lớn.
Makkhali Gosāla chủ trương “cực đoan định mệnh luận”, nghĩa là hành vi vận mệnh của con người đều do phép tắc tự nhiên chi phối, không phải con người muốn là được. Khi vận mệnh con người đã định kì giải thoát thì tự nhiênđược giải thoát.
Theo đức Phật thì tất cả đều có nguyên nhân của nó, không có gì là phi nhân duyên và thân dị thục chúng hữu tình đang có là do nghiệp nhân cả: “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là nghiệp cũ. Các hành động của thân, khẩu, ý trong hiện tại là nghiệp mới”.[12]
- Thuyết đoạn diệt (Uccheda):
Không đồng tình với câu trả lời của Makkhali Gosāla vua Ajātasattu điđến chỗ của Ajita Kesakambala và cũng đặt câu hỏi như với hai người trên. Ajita Kesakambala đã trả lời như sau: “Này Đại vương! Không có bố thí, không có lễ hi sinh, không có tế tự… không còn tồn tại sau khi chết”.[13]
Câu trả lời này bao gồm những ý sau: theo ông, tất cả các sự vật hiện tượng… đều là không, con người sau khi chết thì tứ đại trả về cho tứ đại, không còn tồn tại sau khi chết. Chỉ có kẻ ngu si mới tán thán sự bố thí nên lời nói của chúng chỉ là những lời rỗng tuếch, giả dối khi chúng chấp có sự sống. Sau khi chết sẽ đoạt diệt, tiêu mất, không còn tồn tại gì. Thuyết đoạn này của ông ta không những trái với Phật giáo mà trái với cả Bà la môn giáo, vì Bà la môn giáo cũng tin rằng có luân hồi, con người sau khi chết không mất hẳn.
Ajita Kesakambala chủ trương “cực đoan định mạng luận”, cho rằng con người do bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong hợp thành, ngoài vật chất ra không có sanh mạng. Theo ông, chết rồi là hoại diệt, cho nên mục đích của đời sống là hưởng thụ thú vui hiện tại. Ông cật lực bài xích tất cả luân lí đạo đức mà theo ông nó chỉ là những điều khắt khe vô lý.
- Thuyết bảy thân bất hoại
Cũng không đồng tình với luận điểm của Ajita Kesakambala, vua Ajātasattu đi đến chỗ Pakudha Kaccāyana và đặt câu hỏi tương tự, vị này trả lời như sau: “Này Đại vương, có bảy thân không bị làm ra, không làm ra… lưỡi kiếm chỉ rơi vào bảy thân mà thôi”.[14]
Nội dung câu trả lời của ông ta thấy những vấn đề sau: có bảy thân không do bất kì thứ gì sáng tạo ra, nó thường tại như núi, đứng thẳng như đá. Chúng không bị bất kì cảm thọ nào ảnh hưởng. Đối với tân này thì không có yếu tố tá nhân và bị tác nhân. Không ai có thể dùng lưỡi kiếm để giết hại ta cả, chỉ có lưỡi kiếm chém vào bảy thân mà thôi.
Pakudha Kaccāyana chủ trương “cực đoan thường kiến luận” phản đối phái cực đoan đoạn kiến luận củ Ajita Kesakambala. Ông lập thuyết Tâm – vật nhị nguyên bất diệt, cho rằng con người do bảy yếu tố: địa, thủy, hỏa, phong, khổ, lạc và sinh mạng hợp thành. Bản chất của bảy yếu tố này không vì sống chết mà sanh diệt theo. Thí dụ như người bị chém, theo ông, chẳng qua lưỡi dao ấy tạm thời làm cho địa, thủy, hỏa, phong… phân tán mà thôi, không quan hệ đến sự tồn tại của sinh mệnh.
- Thuyết loã-thể với bốn cấm giới
Không thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng từ Pakudha Kaccāyana, vua Ajātasattu đi đến chỗ Nigaṇṭha Nātaputta và cũng đặt câu hỏi như trên, vị nàyđã trả lời như sau: “Này Đại vương, một người Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới… nên vị ấy được gọi là Gatatto, Yatatto và Ṭhitatto”.[15]
Trong câu trả lời của ông ta nhắc đến bốn loại cấm giới, đó là sống giữ gìn đối với tất cả loại nước gìn giữ đối với mọi ác pháp, sống tẩy sạch tất cả ác pháp và sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp. Chúng ta thấy rằng, thân thể con người luôn là sự kết hợp giữa cơ thể sinh lý và tâm lý. Tâm lý dựa trên cơ thể sinh lý mà hoạt động, do đó, nếu cơ thể sinh lý suy nhược quá mức thì làm sao mà tâm lý có thể hoạt động bình thường? Ngược lại, nó khiến tâm lý trở nên ám thị khi cơ thể kiệt quệ. Chính đức Phật Thích Ca trong quá trình tìm đạo đã từng tu khổ hạnh nhưng kết quả Ngài nhận được chỉ là sự mỏi mệt về thân thể và tuyệt vọng về tinh thần.
Nigaṇṭha Nātaputta là vị Tổ rất danh tiếng đã khai sáng Kỳ-na giáo (Jainis) và ông đã chiếm một địa vị quan trọng trong tiến trình phát triển của triết học và tôn giáo Ấn Độ. Khi Phật còn tại thế, tín đồ của đạo này thường tiếp xúc với tín đồ Phật giáo. Trong kinh Phật còn chép nhiều cuộc tranh luận của đôi bên. Giáo lý của họ được xây dựng trên hai cơ sở nhị nguyên là sanh mệnh (jiva) và phi sanh mệnh (ajiva). Về phương diện thực tiễn, họ chủ trương thân hành nghiệp, mọi nghiệp đều bắt nguồn từ thân và diệt nghiệp cũng từ thân nên họ chủ trương khổ hạnh tột độ.
- Thuyết ngụy biện
Thất vọng với những câu trả lời với những vị trên, vua Ajātasattu đi đến chỗ vị Sañcaya Belaṭṭhaputta và hỏi câu như trên, vị này trả lời: “Nếu anh hỏi: Có một thế giới khác hay không? … tôi không nói là không không phải thế”.[16]
Nội dung câu trả lời của ông ta có thể nói là một lý thuyết quanh con, uốn lượn như “con lươn”, lối ngụy biện này không dẫn tới một giá trị thực hành nào mà chỉ dùng để lý luận suông, không có ích lợi cho cả người nói lẫn người nghe. Như vậy, ông không có chủ thuyết nhất định nào. Ngài Xá lợi phất (Sāriputta) và Mục kiền liên (Mahāmoggallāna) trước khi xuất gia theo Phật cũng là đệ tử của vị này
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 18:55:34 GMT -5
2.3.2. Các lợi ích của quả Sa-môn (Sāmaññaphalaṃ) Lợi ích của quả Sa-môn được Phật trình bày từ thấp đến cao, từ quả thế gian đến xuất thế gian: - Được sự kính nể: Xã hội Ấn Độ là một xã hội mà vấn đề phân biệt giai cấp rất sâu sắc, nó xuất phát từ luật Manu nói trong Ṛg Veda. Trong kinh này đã rất khéo dùng vấnđề này để ví dụ nhằm dẫn đến câu trả lời xác thực nhất cho vua hiểu. Hình ảnh đức Phật sử dụng làm điển hình là người nô bộc của vua – thuộc giai cấp Thủ đà la (Sudda). Người này phải lao tác cực nhọc theo sự sai khiến của nhà vua. Khi người này nghĩ rằng nhà vua làm vua được là nhờ có phước đức, vậy ta hãy xuất gia tu đạo và làm các công đức. Sau khi xuất gia, người này thực hành Phạm hạnh, thì bây giờ nhà vua không thể cư xử với vị này như khi chưa xuất gia được. Do đó, Phật kết luận rằng: “Này Đại vương!Đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa- môn mà Ta đã trình bày”.[17] Sau khi nghe xong lợi ích thứ nhất, nhà vua thỉnh Phật cho biết những kết quả thiết thực tiếp theo của hạnh Sa môn, lần này Phật lấy một người thuộc giai cấp thứ ba là Phệ-xá (Vessa) và nếu người này xuất gia thì cũng được kính trọng như người trên. - Giữ được giới đức đầy đủ: + Tiểu giới (Cūḷasīlaṃ) Vua lại thỉnh Phật cho biết một kết quả cụ thể khác của hạnh Sa môn, Phật đã đưa ra một thí dụ. Ví như có một người thuộc giai cấp hạ tiện, sau khi pháp của bậc giác ngộ đi xuất gia. Sau khi đã xuất gia, vị ấy áp dụng giới bổn Pātimokkha nhằm chế ngự thân tâm, đầy đủ oai nghi… Phật giảng tỉ mỉ cho vua hiểu về Tiểu giới mà một vi xuất gia phải giữ. Có thể tóm tắt Tiểu giới như sau: chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà hạnh, chẳng nói dối, chẳng nói hai lưỡi, chẳng nói độc ác, chẳng nói điều vô nghĩa, chẳng ăn phi thời, chẳng xem múa hát, chẳng nằm giường cao, chẳng nhận vàng bạc, chẳng nhận nô tỳ, chẳng nhận gia súc, ruộng vườn, chẳng làm môi giới, chẳng hối lộ, chẳng lừa đảo. Như vậy, Tiểu giới là những pháp đối trị chế ngự thân và khẩu nghiệp. Phạm vi áp dụng của giới này là đối với loài có tình thức. + Trung giới (Majjhimasīlaṃ) Sau khi nói Tiểu giới, Phật nói về Trung giới cho vua nghe. Phạm vi giới này là áp dụng đến loài vô tình như cây cỏ… và các hạnh tiết chế ngũ dục của vị Sa môn. Có thể tóm tắt Trung giới như sau: chẳng làm hại các hột giống, chẳng cất chứa thức ăn và đồ dùng, chẳng dự các trò du hí, các trò giải trí, chẳng dùng chăn len, nệm bông, chẳng dùng đồ trang sức, chẳng bàn phiếm về thời sự, chẳng biện luận, tranh chấp, chẳng đưa tin tức hoặc nói lời siểm nịnh để cầu lợi. Các Trung giới là nhằm chế ngự lòng tham của tâm và những pháp bất tịnh có thể khiến tâm loạn động. Vị Tỳ kheo không làm những việc của thế tục tầm thường nhằm tìm cầu lợi dưỡng. + Đại giới (Mahāsīlaṃ) Có thể tóm tắt Đại giới như sau: tránh xa các tà hạnh như xem tướng,đoán mộng, dùng bùa-chú, tránh xa các tà mạng như tiên đoán thời sự, chiêm tinh, thời tiết, coi ngày giờ tốt xấu, dùng các ảo thuật, chữa trị bịnh, để nuôi mạng sống, mặc dầu đã nhận của tín thí. Chúng ta có thể thấy rằng phần Đại giới này rất quan trọng. Thật tế là ngày nay các vị Tỳ kheo làm những điều Phật đã cấm rất nhiều. Mục đích của họ là lợi dụng lòng mê tín của tín đồ để mưu cầu lợi dưỡng, đây có lẽ là cái tệ lậu của đời mạt pháp. Nếu một vị Tỳ kheo giữ trọn được Pātimokkha thì lợi ích rất lớn nên Phật kết luận rằng: “Cũng vậy, này Đại vương! Tỳ kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩnđục. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật”.[18] - Luôn luôn chánh niệm tỉnh giác: + Chế ngự các căn (indriyasaṃvaro) Chánh niệm tỉnh giác là trong bất kì thời gian, không gian nào cũng luôn ý thức về sự tồn tại của mình trong giây phút đó mà không hồi tưởng về quá khứ hay ảo vọng về tương lai. Đồng thời, không đắm vào tướng của các sắc. Phật dạy: “Đại vương, thế nào là Tỳ kheo hộ trì các căn? Này Đại vương, khi mắt thấy sắc, Tỳ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”.[19] Tướng chung tức là tướng vô thường, vô ngã của tất cả các pháp. Tướng riêng tức là tính chất đặc thù của từng tướng hữu vi. Thí dụ như đất, nước, gió, lửa… đều có tướng vô thường nhưng đất thì có tính cứng, nước thì tính ướt, lửa có tính nóng, gió có tướng động, tớng riêng của mỗi pháp đều khác nhau nên muôn pháp là muôn màu muôn vẻ. Nếu một hành giả chấp tướng chung hay riêng của một pháp nào đó đều là sai lầm cả, nó khiến tâm dao động và dẫnđến phóng tâm theo trần cảnh thì giây phút an lạc hiện tiền đã bị đánh mất. Câu nói thú vị của Ngài Huệ Năng nói với hai vị Tăng “tâm nhân giả tự động”[20]cũng nói lên tinh thần mà Phật đã dạy ở trên. Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc với các pháp cũng không cũng không giữ tướng chung và riêng của chúng. Nếu nắm giữ tướng của chúng và các xúc cảm do chúng mang lại thì tham ái, ưu bi, khổ não và các bất thiện pháp sẽ khởi lên. Khi một Tỳ kheo thực hành chánh niệm được như vậy thì sẽ đạt được an lạc hiện tiền. Phật kết luận: “Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn”.[21] + Chánh niệm tỉnh giác và sống tri túc (satisampajaññaṃ santoso ca) Chánh niệm tỉnh giác là trong bốn oai nghi vị Tỳ kheo luôn ý thức được hành động của mình, luôn hộ trì các căn và ý thức từng cử động, khi nói hay im lặng đều tỉnh giác. Tất cả hoạt động của con người tuy nhiều song có thể gồm thâu vào ba loại: thân, lời và ý. Hoạt động của thân, lời và ý nơi người thường thì ồn ào và đưa đến đau khổ bởi vì một người không tu dưỡng có thể có những hoạt động giết hại, trộm cướp, tà hạnh (thân), nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói thô ác (lời), tham lam, tàn bạo, hiểu sai (ý). Trái lại, hoạt động của thân, lời và ý nơi người tu hành, đạo sĩ, thì tĩnh lặng và đưa đến an vui bởi vì một người hướng đến giác ngộ giải thoát luôn luôn tôn trọng sự sống, tài sản và hạnh phúc gia đình của người khác. Người xuất gia thì phạm hạnh (thân), nói thật, nói hòa giải, nói đúng, nói hiền diệu (lời), giúp đỡ, cho vui, hiểu đúng (ý). Sống tri túc là luôn biết đủ đối với tứ sự cúng dường. Luôn biết bằng lòng với những gì mình đang có. Chỉ cần đủ ba y để che thân và thực hiện Phật sự,ăn chỉ đủ no để nuôi thân tứ đại này không bị kiệt quệ khỏi làm cản trở việc tu và hành đạo. Ngủ chỉ vừa đủ để tinh thần minh mẫn mà không tham ngủ nhiều. + Xả ly năm triền cái (Nīvaraṇappahānaṃ) Triền tức là trói buộc, cái nghĩa là ngăn che. Có năm thứ trói buộc thân tâm con người trong phiền não phải sanh tử luôn hồi và ngăn che trí huệ khiến con người bị vô minh không được giác ngộ. Một là tham dục (kāmarāga), nghĩa là chúng sanh tham muốn những tướng nam nữ, sắc đẹp, âm thanh hay, mùi hương thơm, vị ngon của thức ăn uống, những cảm giác êm dịu của thân khi xúc chạm, những vật quí báu như vàng, bạc… không bao giờ biết đủ. Chính tâm tham này che lấp tâm sáng suốt của chúng sanh, các pháp thiện như thiền định… không thể phát sanh nên phải luân hồi trong tam giới không thể ra khỏi. Hai là sân hận (kodha) tức là tâm tức giận đối với những hoàn cảnh, những người làm trái ý của mình mong muốn. Ba làthụy miên (mê ngủ) (thīnamiddha) và hôn trầm (dã dượi) (middhadhī) nghĩa là chúng sanh vì ham ngủ nên ý thức bị tối tăm, không kiểm soát được các tâm và tâm sở nên không thể thiền định được. Bốn là trạo cử (uddhacca), nghĩa là trong tâm luôn lao chao, dao động, hết suy nghĩ thứ này lại toan tính cái khác. Năm là nghi ngờ (vicikicchā), nghĩa là tâm luôn do dự, không nhất quyết, không dám phân định cái nào chân, cái nào ngụy, không có sự quyết đoán, không tự tin vào khả năng của mình, không tin vào giáo pháp của Phật. Nếu chúng sanh bị năm thứ này ngăn trở thì cuộc sống luôn phải đối diện với đau khổ, không được an lạc nên một vị Tỳ kheo cần phải đoạn trừ chúng thì mới đạt được Níp-bàn trong hiện tại cũng như giải thoát mai hậu. Vậy, phương pháp nào để đoạn trừ năm triền cái này? Phật dạy: “Như vậy, này Đại vương, Tỷ-kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc”.[22] Khi quán như vậy thì vị Tỳ kheo đạt được an lạc và đạt được các thứ lớp thiềnđịnh. Phật phân tích các giai đoạn thiền quán như sau: Sơ thiền (Paṭhamajjhānaṃ): “Khi quán tự thân đã xả ly năm triền cái ấy, hân hoan sanh; do hân hoan nên hỷ sanh; do tâm hoan hỷ, thân được khinh an; do thân khinh an, lạc thọ sanh; do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần”.[23] Kết quả Sơ thiền này là do ly được triền cái thứ nhất là tham dục và các ác pháp mà đạt được. Đây chính là kết quả lợi ích của bậc Sa môn xuất thế gian vậy. Do đó, Phật khẳng định rằng: “Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước”.[24] Nhị thiền (Dutiyajjhānaṃ): “Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần”.[25] Như vậy, vị Tỳ kheo diệt được tầm và tứ tâm sở nên đạt được hỉ lạc dođịnh sanh. Nhị thiền này còn thù thắng hơn Sơ thiền. Tam thiền (Tatiyajjhānaṃ): “Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là ‘Xả niệm lạc trú’, chứng và an trú thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần”.[26] Tứ thiền (Catutthajjhānaṃ): “Lại nữa, này Đại vương, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần”.[27] Như vậy, chúng ta thấy rằng, cốt tủy của Thiền mà đức Phật ở trên chính là chánh niệm (sammāsati). Khi đang làm gì ta có ý thức trọn vẹn về công việc ta đang làm, khi có ý thức, có tự chủ và có sự trầm tĩnh tức là chúng tađang có chánh niệm, có sự tự chủ. Ngược lại, lúc làm mà chúng ta không biết là ta đang làm, lúc đi mà không biết mình đang đi v.v…tức là ta đang ở trong tình trạng thất niệm quên lãng vì tâm ý không có mặt một cách trọn vẹn với giây phút đang là. Chánh niệm là một nguồn năng lượng rất sáng đẹp và quý báu; nếu không biết thực tập, không biết sống trọn vẹn với nguồn năng lượng ấy với mỗi phút giây hiện tại thì chúng ta sẽ không thể nào tạo nên nguồn an lạc, vững chãi và hạnh phúc chân thật được. Chánh niệm là viên bảo ngọc thiền định trong đạo Phật, là khả năng mà ai cũng có thể có được, chỉ cần có phương pháp và nỗ lực quyết chí, nó là nguồn năng lượng quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả. Thực tập chánh niệm đưa đến định lực và tuệ giác. Thành tựuđược định lực thì ta sẽ thành tựu được tuệ giác, và nhờ tuệ giác mà ta thấyđược chân tướng của sự vật và của cuộc đời. Ta có thể xây dựng đời sống an vui và hạnh phúc cho chính mình và mọi người xung quanh. + Hướng tâm đến chánh trí (vipassanāñāṇaṃ) Sau khi trình bày con đường đi đến Tứ thiền, đức Phật tiếp tục hướng dẫn phương pháp để đi đến những tầng bậc cao hơn của thiền định. Đó là sau khi đạt được trạng thái Tứ thiền, hành giả phải hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Đây chính là phương pháp đoạn trừ ngã chấp cơ bản mà Phật chỉ dạy:“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chánh trí, chánh kiến. Vị ấy biết: Thân này của ta là sắc pháp, do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt, trong thân ấy thức ta lại nương tựa và bị trói buộc”.[28] Đây là cách quán về thân, khi biết thân này do tinh cha huyết mẹ, do tứđại hợp thành, nó vốn luôn vô thường nên trong thân này không có gì là ngã cả thì không còn chấp nó nữa. Không còn chấp thân là ngã chính là đã vượt qua cửa ải quan trọng nhất dẫn đến vô sanh, vì chỉ cần một niệm chấp ngã tức là đã còn phải thọ thân để chịu luân hồi. + Chứng các thần thông và đạt giải thoát Ý sanh thân (manomayiddhiñāṇam): Khi đã thuần hóa được tâm thì vị Tỳ kheo có thể tùy ý hóa hiện ra một thân khác. Thân đó với những đặcđiểm giống như thân này, không khác gì cả. Các vị này tùy theo căn cơ, nhân duyên của tửng chúng sanh mà hóa hiện ra thân khác để hóa độ. Đây cũng chính là những thân mà hình tượng Quán Thế Âm với ba mươi hai ứng thân trong Phật giáo Đại thừa diễn tả vậy. Nhiều thứ thần thông (iddhividhañāṇam): Với tâm đã thuần hóa, vị Tỳ kheo có thể chứng được nhiều loại thần thông như một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Thiên nhĩ thông (dibbasotañāṇaṃ): Là khả năng nghe hai loại tiếng chư Thiên và người, xa và gần một cách rõ ràng. Tha tâm thông (cetopariyañāṇaṃ): là khả năng biết tất cả tâm niệm của chính mình và chúng sanh. Chẳng hạn như Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham. Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân. Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si. Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn. Đại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng, Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát. Túc mạng thông (pubbenivāsānussatiñāṇaṃ): Là khả năng nhớ đếnđời sống và các hoạt động tiền kiếp của mình. Chẳng hạn như nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trămđời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta đã sinh ra tại nơi này, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Thiên nhãn thông (dibbacakkhuñāṇaṃ): Có thể nhìn thấy toàn bộ tiến trình lưu chuyển của chúng sinh qua các cõi luân hồi. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng sanh. Lậu tận thông (āsavakkhayañāṇaṃ): là biết như thật về Tứ diệu đế, biết như thật "đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là conđường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị Tỳ kheo ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Vì biết như thật như vậy nên vị ấy tự biết rằng mình đã: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.[29] Tóm lại, kết quả tối hậu của người tu hành cần hướng đến là vô sanh.Đây chính là quả Sa-môn tối cao. Phật khẳng định qua lời kết luận với vua Ajātasattu rằng: “Này Đại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước. Này Đại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn này”.[30] Sau khi vua nghe Phật dạy như vậy, đã phát tâm quy y Tam bảo và sám hối tội lỗi của mình. C. KẾT LUẬN Kinh Sa-môn quả này dù đã được đức Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ nhưng nó vẫn giữ được giá nguyên vẹn. Nội dung tất cả các phương pháp Phật trình bày trong kinh này đều xoáy sâu vào ba vô lậu học là giới – định – tuệ. Tìm hiểu kinh Sa-môn quả nói riêng và kinh điển nói chung là chúng ta đang thừa hưởng gia tài phương pháp luận chặt chẽ nhất mà cũng là kho tàng tuệ giác vô tận. Đức Phật đã thiết lập một nền tảng mà từ đó có thể xây dựng một thế giới hoà bình và đạo đức. Tuy rằng, con người, với giới hạn tri thức không thể nào đạt được sự toàn hảo nhưng có quyền hi vọng về việc ấy. Mỗi cá nhân hãy tự đặt ra châm ngôn cho chính mình, đồng thời hãy hành động sao cho nó biến thành một quy luật thực hành phổ biến. Đây là trách nhiệm không của riêng một cá nhân mà là toàn xã hội. Khoa học có thể mang lại tiện nghi vật chất cho đời sống nhưng nó chưa phải là điều kiện đủ để con người sống hạnh phúc. Chỉ và duy chỉ đạo đức mới làm được điều ấy. Ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của khoa học về tất cả phương diện, vật chất hầu như đã đáp ứng được nhu cầu của con người. Nhưng trái lại, các giá trị đạo đức truyền thống đã bị mai một, đẩy con người tiến tới bờ vực thẳm của sự phá huỷ “nhân tính”. Chiến tranh, đói kém… khi tìm đến nguyên nhân sâu xa của nó, ta sẽ thấy rằng chính ta, chứ không phải thần thánh nào, đã tự xa rời hạnh phúc và tự tìm đến khổ đau. Chúng ta hãy tìm lại những giá trị tư tưởng giải thoát mà đức Phật đã để lại và đạt giá trị ấy vào đúng vị thế mà nó vốn phải được. Làm như thế chúng ta không những tự cứu mình thoát khỏi tiến trình “động vật hoá” mà cũng là tự tìm hạnh phúc cho chính mình. Đó là điều tiên quyết trước khi chúng ta hướng đến quả Níp-bàn vô sanh. Và tất nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng mình hạnh phúc chỉ khi nào toàn xã hội đã được hạnh phúc hay nói khác hơn chúng ta phải có đủ phước – trí trang nghiêm thì mới đúng với bản nguyện của chư Phật vậy. Chúng ta hãy kiên định trên conđường này như Phật đã khuyến khích: Chúng ta tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của Phật giáo, vừa nhận thấy trách nhiệm trạch pháp quan trọng, đó là minh định rõ ràng đâu là giáo lí của Phật, đâu là của tà giáo, đâu là hố thẳm ngũ dục mình cần phải tránh xa. Vượt lên tất cả chướng ngại, chúng ta hãy nỗ lực tu hành và thực hiện bản nguyện của Phật: "Này các Tỷ kheo, các người cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của Chư Thiên và Loài người. Các người hãy thuyết giảng Chánh pháp tuyệt diệu trong ban đầu, tuyệt diệu ở chặng giữa, tuyệt diệu ở đoạn cuối, đầy đủ trong ý nghĩa và ngôn thuyết. Các người hãy đề cao đời sống Phạm Hạnh toàn diện và thanh tịnh". (Mahavagga 19) THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Dr. Priyatosh Banerjee, Literature – Pāli, Resume from Internet. 2. Dhammagiri Pāli ganthamālā, Dīghanikāyo, Vipassana research Institute Preface, Indian, 2001. 3. www.buddhasasana.com4. Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 5. Anguttara Nikaya, iii, 415. 6. Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm), Quyển 1. 7. Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT. Giới Nghiêm dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003. 8. Tương Ưng IV, Phẩm Mới và Cũ, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005. 9. 六祖大師法寶壇經, 大正新脩大藏經, 第 48 冊, No. 2008. 10. Friedrich Nietzsche, Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Văn Học, 2008. 11. Thích Tâm Minh, Khảo cứu về Văn học Pāli, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2006. [1] Dr. Priyatosh Banerjee, Literature – Pāli, Resume from Internet. [2] Dhammagiri Pāli ganthamālā, Dīghanikāyo, Vipassana research Institute Preface, Indian, 2001, xi – xix, và tham cứu: Thích Tâm Minh, Khảo cứu về Văn học Pāli, NXB Phương Đông, Tp. Hồ Chí Minh, 2006. [3] Dẫn theo: http://www.buddhasasana.com\budsas_m\uni\1-bai\phap011.htm và Sđd 2. [4] “Yathā nu kho imāni, bho Kassapa, puthusippāyatanāni… sakkā nu kho, bho kassapa, evameva diṭṭheva dhamme sandiṭthikaṃ sāmaññaphalaṃ paññapetu”.Đại tạng kinh Việt Nam, kinh Trường bộ, kinh Sa môn quả, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, trang 102 – 103. [5] “Karoto kho, mahārāja, kārayato, chindato chedāpayato, pacato pācāpayato socayato, socāpayato… natthi puñ- ñasā āgamo”. Sđd 4, trang 103 – 104. [6] Anguttara Nikaya, iii, 415 [7] Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm), Quyển 1, trang 227. [8] Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT. Giới Nghiêm dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, trang 197 – 198. [9] “Seyyathāpi, bhante, ambaṃ vā puṭṭho labujaṃ byākareyya, labujaṃ vāpuṭṭho ambaṃ byāka-reyya”. Sđd 4, trang 104. [10] “Kathañhi nāma mādiso samaṇaṃ vā brahmaṇaṃ va vijite vasantaṃ apasādetabbaṃ maññeyyā”. Sđd 4, trang 104. [11] “Natthi Maharāja natthi hetu natthi paccayo… evameva bale ca paṇḍite ca sandhāvitvā saṃsaritvā dukkhas-sāntaṃ karissanti”. Sđd 4, trang 105 – 106. [12] Tương Ưng IV, Phẩm Mới và Cũ, tr. 141. [13] “Natthi, Maharāja, dinām, natthi yiṭṭhaṃ, natthi hutaṃ… na honti paraṃ maraṇā”. Sđd 4, tr. 107 - 108. [14] “Sattime, Mahārāja, kāyā akaṭā akaṭvidhā… sattannaṃ tveva kāyānamantarena satthaṃ vivara-manupatatī”. Sđd 4, 109 – 110. [15] “Idā, Māharāja, Nigaṇṭho cātuyāmasaṃvarasaṃvuto… Nigaṇṭho Gatatto ca Yatatto ca Ṭhitatto vā”. Sđd 4, trang 111 – 112. [16] “Atthi paro lokoti it ice maṃ pucchasi, atthi paro lokoti it ice me assa… no notipi me no”. Sđd 4, trang 113 – 114. [17] “Idaṃ kho te, mahārāja, mayā paṭhaṃ diṭṭheva dhamme sandiṭṭhikaṃ sāmaññphalaṃ paññatta”. Sđd 4, tr 118. [18] “Evameva, kho, mahārāja, bhikkhu evaṃ sīlasampanno na kutoci bhayaṃ samanupassati, yadidaṃ sīlasaṃ-varato. So iminā ariyena sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajjasukhaṃ paṭisaṃ- vedeti. Evam, kho, mahārāja, bhikkhu sīlasampanno hoti”. Sđd 4, trang 134. [19] “Kathañca, Mahārāja, bhikṣu indriyesu guttadvāro hoti? Idha, mahārāja, bhikṣu cakkhunā rūpaṃ dikhā na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī”. Sđd 4, trang 134. [20] “時有風吹旛動, 一僧曰: ‘風動’. 一僧曰: ‘旛動’. 議論不已. 惠能進曰: ‘不是風動,不是旛動, 仁者心動’”. 六祖大師法寶壇經, 大正新脩大藏經, 第48 冊, No. 2008. [21] “So iminā ariyena indriyasaṃvarena samannāgato ajjhattaṃ abyāsekasukhaṃ paṭisaṃvedeti. Evaṃ kho, Mahārāja, bhikkhu indriyesu guttadvāro hoti”. Sđd 4, trang 135. [22] “Evameva kho, Mahārāja, bhikkhu yathā iṇaṃ yathā rogaṃ yathābondhanāgāraṃ yathā dāsabyaṃ yathā kantāraddhānamaggaṃ, evaṃ ime pañca nīvaraṇo appahīne attain samanupassati”. Sđd 4, trang 138. [23] “Tassime pañca nīvaraṇe pahīne attain samanupassato pāmojjaṃ jāyati, pamuditassa pīti jāyati, pītimanassa kāyo passambhati, passaddhakāyo sukhaṃ vedeti, sukhino cittaṃ samādhiyati. So vivicceva kāmehi, vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. So immeva kāyaṃ vivekajena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti paripphareti, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa vivekajena pītisukhena apphuṭaṃ hoti”. Sđd 4, trang 139. [24] “Idampi kho, Māharāja, sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ purimehi sandiṭṭhikehi sāmaññaphalehi abhikkan-tatarañca paṇītatarañca”. Sđd 4, trang 139. [25] “Puna caparaṃ, Mahārāja, Bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodi-bhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. So imameva kāyaṃ samādhijena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa samādhi-jena pītisukhena apphuṭaṃ hoti”. Sđd 4, trang 140. [26] “Puna caparaṃ, Māharāja, Bhikkhu pītiyā ca virāgā upekkhako ca viharati sato sampajāno, sukhañca kāyena paṭisaṃvedeti, yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti ‘upekkhako satimā sukhavihārī’ ti, tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja viha-rati. So imameva kāyaṃ nippītikena sukhena abhisandeti parisandeti paripūreti parippharati, nāssa kiñci sab-bāvato kāyassa nippītikena apphuṭaṃ hoti”. Sđd 4, trang 141. [27] “Puna caparaṃ, Mahārāja, bhikkhu sukkhasā ca pahānā dukkhassa ca pahānā, pubbeva somanassadomanas-sānaṃ atthaṅgamā adukkhamasukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati, so imameva kāyaṃ parisuddhena cetasā pariyodātena pharitvā nisinno hoti, nāssa kiñci sabbāvato kāyassa pari-suddhena apphuṭaṃ hoti”. Sđd 4, trang 142. [28] “So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āne-ñjappatte ñāṇadassanāya cittaṃ abhinīharati abhininnāmeti. So evaṃ pajānāti ‘ayaṃ kho me kāyo rūpo cātumah -ābhūtiko mātāpettikasambhavo odanakummāsūpacayo aniccucchādana-parimaddana-bhedana-viddhaṃsana-dhammo; idañca pana me viññāṇaṃ ettha sitaṃ ettha paṭibaddha’nti”. Sđd 4, trang 142 – 143. [29] “Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyā”ti pajānāti. Sđd 4, trang 155. [30] “Idaṃ kho, Mahārāja, sandiṭṭhikaṃ sāmaññaphalaṃ purimehi sandiṭṭhikehi sāmaññphalehi abhikkantatañca paṇītatarañca. Imasmā ca pana, Mahārāja, sandiṭṭhikā sāmaññaphalā aññaṃ sandiṭṭhikaṃ sāmaññphalaṃ uttari- taram vāpaṇītataraṃ vā natthī”. Nguồn: Nhuận Thịnh Bhikṣu blog
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 18:57:21 GMT -5
Giới thiệu kinh Trung Bộ 10/03/2013 05:21:00Gs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch Đã đọc: 988 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font image Bộ sưu tập này gồm những bài Kinh có độ dài tương đối được làm thành từ một trăm năm mươi hai bài Kinh trong ba tập được gọi là Paṇṇāsa (năm mươi).
Cuốn đầu tiên được gọi là Mūlapaṇṇasā, đề cập đến năm mươi bài Kinh đầu tiên trong năm chương. Cuốn thứ hai, Majhimapaṇṇāsa, gồm năm mươi bài kinh thứ hai cũng trong năm chương; và năm mươi hai bài Kinh cuối cùng được đề cập trong năm chương của cuốn thứ ba Uparipaṇṇāsa, nghĩa là hơn năm mươi.
Những bài Kinh trong Bộ này chiếu nhiều ánh sáng vào những ý tưởng và thể chế xã hội vào những ngày thời đó, và cung cấp những tin tức tổng quát về đời sống kinh tế và chính trị.
A. CHƯƠNG MŪLAPAṆṆĀSA PĀḶI
I. PHẨM PHÁP MÔN CĂN BẢN (MŪLAPARIYĀYA VAGGA)
1. Kinh Pháp Môn Căn Bản (Mūlapariyāya Sutta)
Đức Phật giải thích cơ bản của tất cả các hiện tượng, đặc biệt hai mươi bốn phạm trù như tứ đại (đất, nước, gió, lửa); chúng sanh hữu tình, chư thiên, cái thấy, cái nghe, cái nghĩ về, cái biết; cái nhất thể, cái đa thể, cái toàn thể; và thực tại của Niết bàn. Người đời chưa được hướng dẫn không thể quan niệm bản chất thực của các hiện tượng này; chỉ những bậc giác ngộ mới có thể thấy chúng trong cái nhìn chân thực.
2. Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (Sabbāsava Sutta)
Trong bài Kinh này, định nghĩa các lậu hoặc (các chất say làm mê mờ tâm trí) vây bủa người đời không được hướng dẫn, và giải thích bảy pháp hành để diệt trừ chúng.
3. Kinh Thừa Tự Pháp (Dhammadāyāda Sutta)
Bài Kinh này gồm hai bài pháp khác nhau, bài đầu tiên được đức Phật thuyết, bài thứ hai do đại đức Sāriputta. Đức Phật sách tấn chư Tỳ khưu thừa tự Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo như là Pháp sản của Như Lai trao truyền, và không phải vật chất sản như tứ vật dụng. Đại đức Sāriputta khuyên chư Tỳ khưu sống đời độc cư để đắc các tầng thiền và phấn đấu diệt tận tham, sân và si để hưởng Niết bàn.
4. Kinh Sợ Hãi và Uế Nhiễm (Bhayabherava Sutta)
Bài Kinh này mô tả làm sao một vị Tỳ khưu sống đời độc cư trong khu rừng hẻo mang tai họa và nguy hiểm đến cho chính mình do tư tưởng, lời nói và việc làm không trong sạch và làm sao đức Phật đã sống bình an và vô hại trong rừng nhờ rèn luyện tư tưởng, lời nói và hành động trong sạch và cuối cùng dẫn ngài đến giác ngộ.
5. Kinh Không Uế Nhiễm (Anangaṇa Sutta)
Trong bài Kinh này theo lời yêu cầu của đại đức Mahā Mogallāna, đại đức Sāriputta giải thích bốn loại người:
- Người không trong sạch biết mình không trong sạch;
- Người không trong sạch không biết mình không trong sạch
- Người trong sạch biết sự trong sạch của chính mình.
- Người trong sạch khôn biết sự trong sạch của chính mình.
6. Kinh Ước Nguyện (Ākankheyya Sutta)
Bài Kinh này mô tả cách chư Tỳ khưu phát triển Giới, Định và Tuệ như thế nào, thay vì khao khát lợi và danh; các vị ấy nên thu thúc lục căn, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhất như thế nào.
7. Kinh Ví Dụ Tấm Vải (Vattha Sutta)
Trong bài Kinh này đức Phật giải thích tâm không trong sạch và tâm trong sạch bằng cách đưa ví dụ về tấm vải dơ và tấm vải sạch. Chỉ có tấm vải sạch mới thấm thuốc nhuộm được; cũng vậy chỉ có tâm trong sạch mới nhớ giữ được Pháp.
8. Kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta)
Trong bài Kinh này đức Phật giải thích cho Mahā Cunda cách các tà kiến về ngã và thế giới có thể từ bỏ nhờ Tuệ Quán. Pháp hành để đắc thiền không phải pháp hành khổ hạnh có thể diệt trừ các phiền não, hành để đắc thiền chỉ dẫn đến đời sống an lạc.
Chỉ ngăn không làm bốn mươi bốn điều bất thiện gồm pháp hành khổ hạnh nhằm diệt trừ phiền não. Chỉ có tác ý làm một việc thiện là đủ sản xuất ra quả tốt; khi tác ý đó đi cùng với hành động thực sự thì tích lũy được vô số quả ích lợi. Một người chìm ngập trong vũng lầy dục lạc bất tịnh thể cứu người khác cũng đang chìm đắm như vậy trong vũng lầy sa đọa đó.
9. Kinh Chánh Tri Kiến (Sammādiṭṭhi Sutta)
Bài Kinh này là một bản giải thích về chánh kiến được đại đức Sāriputta thuyết tại thành Sāvatthi. Khi những hành động về thân, khẩu, ý bị tham, sân và si xúi giục, thì những hành động đó đều xấu. Khi chúng sanh khởi nhờ vô tham, vô sân và vô si, những hành động này ắt là tốt. Chánh kiến là hiểu biết hành động tốt là gì và hành động xấu là gì; chính là sự hiểu biết tròn đủ Tứ Diệu Đế và không nắm giữ thường kiến liên quan đến ‘bản ngã’.
10. Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta)
Bài Kinh này được thuyết tại thị trấn Kammāsadhamma là bài Kinh quan trọng nhất cho những lời hướng dẫn thực tiễn về phép tu tập chánh niệm. Bài Kinh mô tả Bốn Phương Pháp Chánh Niệm, đó là, quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp như là con đường số một và duy nhất để thanh tịnh chúng sanh, vượt qua sầu não, đoạn tận khổ ưu, thành tựu Thánh Trí, và chứng ngộ Niết bàn.
Bài Kinh này xuất hiện tương tự như trong Trường Bộ Kinh.
II. PHẨM SƯ TỬ HỐNG (SĪHANĀDA VAGGA)
1. Kinh Tiểu Sư Hống (Cūḷasīhanāda Sutta)
Trong bài này, được thuyết tại Sāvatthi, đức Phật tuyên bố dũng mãnh rằng Bốn Bậc Thánh, đó là, Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A-la-hán chỉ hiện hữu trong giáo pháp của đức Phật và không nơi nào khác.
2. Kinh Đại Sư Hống (Mahāsīhanāda Sutta)
Trong bài Kinh này, được thuyết tại Vesālī, đại đức Sāriputta bạch đức Phật về sự thóa mạ những đức tính của đức Phật gây ra do Sunakkhatta người đã từ bỏ giáo pháp. Đức Phật nói rằng Sunakkhatta không được trang bị một cách có tri thức để có cái nhìn lướt qua rất mờ nhạt về phẩm tính của đức Phật chẳng hạn như Thập Lực, Bốn Loại Tự Tín Siêu Việt, Trí Tuệ Toàn Tri Không Bị Thoái Hóa cho đến lúc nhập Niết bàn. Sau đó, ngài mô tả năm nơi đến và những hành động dẫn dắt chúng cũng như những tà kiến và những pháp hành của những ẩn sĩ lõa thể mà Sunakkhatta bây giờ thuộc về trại của chúng.
3. Kinh Đại Khổ Uẩn (Mahādukhakkhandha Sutta)
Bài kinh này được thuyết ở thành Sāvatthi để phản bác lại những ẩn sĩ lõa thể ngoại đạo khi họ cố gắng tỏ ra rằng họ cũng đi theo cùng một con đường và dạy cùng một pháp với đức Phật. Đức Phật cũng giải thích cho chư Tỳ khưu những lạc thú của giác quan là gì, cái gì là lỗi lầm và nguy hiểm của chúng, và con đường thoát khỏi chúng. Đức Phật giải thích thêm rằng ngoài giáo pháp của Như Lai những pháp này không được biết đến và không ai mà chỉ có đức Phật và chư đệ tử của Ngài có thể dạy những pháp như thế.
4. Kinh Tiểu Khổ Uẩn (Cūḷadukkhakkhandha Sutta)
Bài kinh này đức Phật thuyết ở Kapilavatthu cho Hoàng tử Mahānāma dòng Sakyan để giải thích cho ông, theo lời yêu cầu của ông, làm sao tham, sân và vô minh gây ra phiền não và khổ đau.
5. Kinh Tư Lượng (Anumāna Sutta)
Bài kinh nầy được đại đức Moggallāna thuyết cho nhiều Tỳ khưu ở Susumāragiya trong xứ Bhagga. Họ bị buộc để thấy nếu họ tự tẩy rửa chính họ khỏi mười sáu tính cố thủ bướng bỉnh như khao khát quá đáng, lăng nhục người và tự ca ngợi mình (tự tán hủy tha), sự phẫn nộ, v.v... Nếu mười sáu tà kiến, v.v... Nếu mười sáu loại pháp bất thiện được nhận ra trong chính mình, nên kiên quyết nổ lực để diệt trừ chúng.
6. Kinh Tâm Hoang Vu (Cetokhila Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết thành Sāvatthi, đề cập đến năm loại gai trong tâm: Nghi ngờ Phật, nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng, nghi ngờ về hiệu quả của pháp hành trong Giới, Định và Tuệ, ác ý và oán hận đối với chư Tỳ khưu đồng môn... Bài kinh cũng nhắc đến năm thằng thúc: Dính mắc vào dục trần, dính mắc vào tự ngã, dính mắc vào những đối tượng vật chất,; không điều độ trong ăn ngủ và hành theo đời sống phạm hạnh chỉ với mục tiêu đạt được đời sống an lạc mà thôi. Những loại gai tâm và thằng thúc này là chướng ngại cho việc thoát chúng nên được bỏ đi và diệt trừ để chứng ngộ Niết bàn.
7. Kinh Khu Rừng (Vanapattha Sutta)
Bài kinh này, thuyết tại thành Sāvatthi, liên quan đến việc chọn lựa một địa điểm thích hợp cho chư Tỳ khưu. Tỳ khưu phải tùy thuộc vào khoảng rừng thưa hay một ngôi làng, hay một tỉnh lỵ hay một cá nhân để có nơi cư ngụ và hộ độ. Nếu người ấy tìm ra một nơi đặc biệt nào không được như ý cho cả hai việc phát triển tinh thần và hộ độ vật chất, vị ấy nên từ bỏ địa điểm đó ngay lập tức.
Nếu vị ấy tìm được nơi như ý có sự tôn kính để hộ độ vật chất, nhưng không lợi ích cho việc phát triển tinh thần, vị ấy cũng nên từ bỏ nơi ấy. Nhưng khi nơi ấy chứng tỏ có lợi ích cho sự phát triển tinh thần, thậm chí việc hộ độ vật chất kém cỏi đạm bạc, vị Tỳ khưu nên tiếp tục ở lại đó. Khi đầy đủ duyên cho cả hai việc phát triển tinh thần và hộ độ vật chất, vị ấy rất nên sống trọn đời trong một nơi như thế.
8. Kinh Mật Hoàn (Madhupiṇḍika Sutta)
Hoàng tử dòng Sakyan, tên là Daṇḍapāni, một lần hỏi đức Phật tại thành Kapilavatthu ngài dạy học thuyết gì. Đức Phật trả lời rằng học thuyết ngài là một điều mà không có người Bà-la-môn hay Ma vương nào có thể nắm được. Đó là thế này: Không sống bất hòa với bất cứ ai trên đời; không bị ám ảnh bởi những ấn tượng giác quan nào (tưởng); không bị quấy rối bởi nghi ngờ; và không tham đắm vào bất cứ hình thức nào trong đời.
9. Kinh Song Tầm (Dvedāvitakka Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi để giải thích hai loại tư duy: Thiện và bất thiện. Tỳ khưu nên thực hành để thấy lợi ích của việc tham dự vào những tư tưởng thiện và những nguy hại của tư tưởng bất thiện.
10. Kinh An Trú Tầm (Vitakkasaṇṭhāna Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi về việc làm sao chiến đấu với sự phát sanh của những ý tưởng bất thiện với những ý tưởng thiện. Ví dụ, tham dục và những ý tưởng khoái lạc nên được trục xuất bằng cách quán bất tịnh vô thường về vật tham muốn; ác ý và sân hận phải được đối trị bằng tâm từ ái; và vô minh có thể vượt qua bằng cách tìm sự soi sáng và hướng dẫn của đạo sư.
III. PHẨM VÍ DỤ (OPAMMA VAGGA)
1. Kinh Ví Dụ Cái Cưa - (Kakacūpama Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi có liên quan đến Tỳ khưu Moḷiyaphaguna người thân mật với chư Tỳ khưu ni. Khi những Tỳ khưu khác chỉ trích ông vì quá thân mật với chư Tỳ khưu ni, ông mất bình tĩnh và cãi lộn với chư Tỳ khưu phê bình ông.
Khi đức Phật khuyến cáo và khuyên ông nên xa lánh chư ni và giữ bình tĩnh, ông vẫn ngoan cố. Đức Phật chỉ ra sự tác hại của tính nóng nảy và khuyên chư Tỳ khưu khác kiềm chế vững, không để mất bình tĩnh thậm khi có ai cưa tay chân họ thành từng mảnh.
2. Kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddūpama Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi. Tỳ khưu Ariṭṭha hiểu lầm lời dạy của đức Phật và duy trì rằng đức Phật chỉ dạy làm sao để hưởng lạc thú mà không ảnh hưởng gì đến việc tiến bộ trên đường Đạo. Khi đức Phật quở trách ông vì những tư tưởng sai lầm, ông vẫn không ăn năn hối lỗi.
Sau đó, đức Phật dạy chư Tỳ khưu về con đường sai và con đường đúng của việc học Đạo, cho ví dụ về người bắt rắn và ví dụ về cái bè.
3. Kinh Gò Mối - (Vammika Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi. Đại đức Kumārakassapa được một thiện nam hỏi một loạt mười lăm câu hỏi rồi ông đem đến đức Phật để làm sáng tỏ. Đức Phật giải thích cho ông ý nghĩa các câu hỏi và giúp ông giải quyết chúng.
4. Kinh Trạm Xe - (Rathavinīta Sutta)
Bài kinh này kể lại cuộc đối thoại giữa đại đức Sāriputta và đại đức Puṇṇa tại thành Sāvatthi về bảy giai đoạn thanh tịnh, như Giới tịnh, Tâm tịnh, Kiến tịnh v.v.. phải chứng nghiệm qua trước khi thành tựu Niết bàn.
5. Kinh Bẫy Mồi (Nivāpa Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi về những con rắn mai phục chư Tỳ khưu trên đường đạo. Dùng ví dụ của tên thợ săn, những kẻ theo tên thợ săn, đồng cỏ xanh tươi và bốn đàn dê khác nhau với bốn loại ẩn sĩ ngoại đạo đã từ bỏ đời sống gia đình.
6. Kinh Thánh Cầu (Pāsarāsi Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi được biết với tựa đề là Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana). Đức Phật tường thuật lại cuộc đời của Ngài từ lúc được sanh ra ở cõi người như là con của vua Suddhodana đến lúc thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên, tường thuật chi tiết về việc xuất gia của ngài, những pháp hành sai lầm ban đầu của phép khổ hạnh cực kỳ và cuối cùng khám phá Con Đường Cao Thượng gồm Tám Chi. Đặc biệt, nhấn mạnh loại tầm cầu, Cao Thượng và Thấp hèn. Ngài giải thích rằng, thật cực kỳ dại khờ tìm cầu dục lạc mà phải chịu già, bệnh, chết. Cuộc tầm cầu cao thượng nhất sẽ tìm thấy sẽ giải thoát khỏi già, bệnh và chết.
7. Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cūḷahatthipadopama Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi. Ông Bà-la-môn Jāṇussoṇi hỏi du sĩ Pilotika, mới từ đức Phật trở về, liệu ông có biết hết mọi đức tính và sự thành đạt của đức Phật không. Ẩn sĩ ngoại đạo trả lời rằng chỉ một đức Phật - người có thể ngang tài ngang đức với một đức Phật khác trong những thành đạt mới biết tất cả những đức tính của vị Phật khác. Đối với ông, ông chỉ có thể dùng trí tưởng tượng của ông trong sự tôn kính này chỉ như tên thợ săn đoán kích thước tầm cỡ của con voi từ cỡ dấu chân voi.
Sau đó ông Bà-la-môn Jāṇussoṇi đi gặp đức Phật, và tường thuật lại cuộc đối thoại với ông du ẩn sĩ. Đức Phật nói với ông rằng cỡ của dấu chân voi vẫn còn có thể bị lầm đường lạc lối, chỉ khi người nào theo dấu chân voi, và con vật được nhìn thấy tổng quát, tầm cỡ thực sự của nó có thể được phán đoán chính xác. Cũng vậy, những đức tính của đức Phật cũng như giáo lý của Ngài có thể được đánh giá và hiểu trọn vẹn khi người đó chấp nhận theo giáo pháp và thực hành được như ngài dạy mãi cho đến khi đạt được mục đích cuối cùng của quả vị A-la-hán.
8. Đại Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Mahāhatthipadopama Sutta)
Bài kinh này được đại đức Sāriputta thuyết cho chư Tỳ khưu tại thành Sāvatthi dùng ví dụ của dấu chân voi. Ngài giải thích rằng chỉ như dấu chân của những con vật khác có thể chứa trong dấu chân voi, tất cả các thiện pháp đều bao gồm trong Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế).
9. Đại Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Mahāsāropama Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Rājagaha liên quan đến Devadatta vẫn còn bằng lòng với danh và lợi bởi vì ông đắc thần thông và từ bỏ giáo Pháp và gây chia rẽ Tăng đoàn. Đức Phật nói rằng giáo pháp này không nhằm mục đích đạt danh và lợi - mà chỉ ví như những chồi và cành cây bên ngoài; không chỉ thành tựu giới luật - có thể ví như là vỏ cứng bên ngoài của cây; cũng không chỉ an định để đạt những thần thông - như vỏ cây. Pháp được dạy để đắc A-la-hán quả mà chỉ mình nó tượng trưng cho cái lõi cây.
10. Tiểu Kinh Ví Dụ Lõi Cây (Cūḷasāropama Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi liên hệ đến ông Bà-la-môn Pingalakoccha người hỏi đức Phật liệu sáu ông đạo sư tuyên bố là các vị Phật có thực sự giác ngộ không. Đức Phật giải thích rằng pháp hành phạm hạnh được đức Phật dạy dẫn đến quả vị A-la-hán, chứ không phải để đạt danh và lợi hay thần thông.
IV. PHẨM SONG ĐỐI (MAHĀYAMAKA VAGGA)
1. Kinh Cūḷagosinga
Đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya và đại đức Kimila đang cư ngụ tại vùng rừng cây Sala Gosinga. Đức Phật viếng thăm họ và ca ngợi cách sống của họ, thực hành đời sống phạm hạnh trong sự hài hòa và tương hợp với nhau thật hoàn hảo, như thế tạo nên một loại trang sức để tô điểm cho vùng rừng xinh tươi đáng quý này.
2. Kinh Mahāgosinga (Mahāgosinga Sutta)
Một thời trong lúc đức Phật đang ngự tại vùng rừng cây Sala Gosinga, đại đức Sāriputta hỏi đức Phật: “Ai sẽ tô điểm nhiều nhất cho vùng rừng này và làm tăng thêm vẻ đẹp của nó?” Bài pháp này tường thuật lại những câu trả lời khác nhau do đại đức Revata, Anuruddha, Mahā Kassapa, Mahā Moggallāna, Sāriputta và chính đức Phật.
3. Đại Kinh Người Chăn Bò (Mahāgopālaka Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi, giải thích những duyên đưa đẩy nhờ đó giáo Pháp sẽ phát triển, thịnh vượng và những duyên khiến cho giáo Pháp suy đồi và thoái hóa. Người chăn bò được đưa ra làm ví dụ. Khi người chăn bò có mười một cách điều khiển khéo léo và săn sóc đàn súc vật của nó, thì công việc của nó có sự tiến bộ và phát triển. Cũng vậy, khi vị Tỳ khưu có kỹ năng và hoàn thành mười một yếu tố như tri thức chân chánh, về Ngũ Uẩn, thực hành Giới, Định, và Tuệ..., thì giáo Pháp sẽ phát triển và thịnh vượng.
4. Tiểu Kinh Người Chăn Bò (Cūḷagopālaka Sutta)
Bài kinh này đề cập đến mười một yếu tố, vì không thực hiện như vậy sẽ tạo thêm sự suy vi và huỷ diệt của giáo Pháp. Tương tự như súc vật dưới sự chăm sóc của tên chăn bò khờ dại và vụng về băng qua từ một bến cảng lầm lạc trên bờ và gặp sự hủy diệt thay vì đến bờ kia, cũng vậy những người theo các bậc đạo sư mà không thành tựu trong tri thức chánh về Ngũ Uẩn, v.v... sẽ chỉ chấm dứt trong tai họa.
5. Tiểu Kinh Saccaka (Cūḷasaccaka Sutta)
Bài kinh này được thuyết tại thành Vesālī, cho một bản tường trình về cuộc tranh luận giữa đức Phật và Saccaka, du sĩ ngoại đạo về đề tài ‘Bản ngã’. Saccaka duy trì quan niệm sai lầm rằng vật chất, thọ, tưởng, hành, thức là bản ngã của con người. Chính bản ngã hưởng quả của thiện nghiệp và chịu hậu quả của bất thiện nghiệp. Đức Phật bác bỏ học thuyết của ông, chỉ ra rằng không có cái gì trong ngũ uẩn là ta cả, mỗi chúng sanh phải chịu luật vô thường, khổ và vô ngã, và không tuân theo sự điều khiển của con người. Saccaka phải công nhận sự thất bại của mình trong sự hiện diện của đồ chúng ông.
6. Đại Kinh Saccaka (Mahāsaccaka Sutta)
Cũng là du sĩ ngoại đạo Saccaka, lại đến với Phật vào ngày hôm sau và hỏi về việc tu dưỡng thân và tâm. Ông chỉ những phương pháp sai để định tâm. Đức Phật giải thích cho Saccaka nhiều phương pháp khác nhau mà chính ngài đã hành theo và phạm sai lầm cho đến khi ngài tìm ra Trung Đạo mà cuối cùng dẫn ngài đến chứng ngộ Niết bàn.
7. Tiểu Kinh Đoạn Ái (Cūḷataṇhāsankhaya Sutta)
Thiên Vương suy xét làm sao đệ tử của đức Phật tự rèn luyện để chứng ngộ Niết bàn. Đức Phật miêu tả ngắn gọn về làm sao một gia chủ sau khi từ bỏ gia đình, tự đặt mình trong quá trình huấn luyện, dần dần thanh lọc tâm khỏi mọi phiền não và dẫn đến mục đích cuối cùng.
8. Đại Kinh Đoạn Tận Ái (Mahātaṇhāsankhaya Sutta)
Một đệ tử của đức Phật, tên là Sati, giữ quan điểm do đức Phật dạy: “Cùng một tâm nhập vào và đi lang thang”. Những đệ tử khác cố đưa ông ra khỏi quan niệm sai lầm nhưng không có hiệu quả. Đức Phật bảo ông rằng ngài không bao giờ dạy những quan niệm sai lầm như thế. Ngài chỉ dạy “Thức sanh do duyên (điều kiện); không có sự sanh khởi nào của thức mà không có duyên cả”.
9. Đại Kinh Xóm Ngựa (Mahā-asapura Sutta)
Người dân Xóm Ngựa, ở trong một thị trấn của xứ Anga, có tín tâm nhiệt thành với đức Phật, Pháp và Tăng, giúp đỡ và hộ độ chư Tăng bằng cách dâng cúng cho chư vị những vật dụng. Để tỏ lòng tri ân sự hộ độ như thế, đức Phật sách tấn chư Tỳ khưu nỗ lực tinh tấn trong việc tu và hành đạo, lên dần từng giai đoạn, bắt đầu từ tránh làm các việc ác bằng cách chế ngự những hành động về thân và khẩu, tiến đến những thu thúc về tâm nhờ hành thiền, rồi tiến dần đến thành tựu bốn tầng thiền, và cuối cùng đến giai đoạn nơi tất cả các phiền não đều được diệt trừ và Niết bàn được chứng đạt.
10. Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cūḷa- assapura Sutta)
Để tỏ lòng tri ân sự hộ độ của những thiện tín Xóm Ngựa, một thị trấn trong xứ Anga, đức Phật sách tấn chư Tỳ khưu hãy xứng đáng với danh nghĩa Sa-môn và Bà-la-môn. Sa môn có nghĩa là người đã vắng lặng tham ái; Bà-la-môn có nghĩa là người đã thoát khỏi mọi phiền não. Do vậy một Tỳ khưu nên tự tuân phục và hành pháp như đã được đức Phật đề ra cho đến khi vị ấy diệt trừ mười hai phiền não như ganh tỵ, sân hận, ngã mạn, tà kiến.
V. PHẨM TIỂU SONG ĐỐI (CŪḶAYAMAKA VAGGA)
1. Kinh Sāḷeyyaka (Sāḷeyyaka Sutta)
Bài này trình bày cho dân làng Sāla về mười bất thiện nghiệp dẫn đến cảnh khốn khổ và mười thiện nghiệp đưa đến tái sinh vào cõi an lạc.
2. Kinh Verañjaka (Verañjaka Sutta)
Bài này được thuyết cho những gia chủ Verañja đề cập đến những vấn đề tiêu biểu như trong kinh Sāḷeyyaka.
3. Kinh Đại Phương Quảng (Mahāvedalla Sutta)
Đại đức Mahākoṭṭhika hỏi đại đức Sāriputta nhiều câu hỏi tại thành Sāvatthi liên quan đến người đời không được chỉ dạy không có trí tuệ, và người được chỉ dạy có trí tuệ; nhiều câu hỏi liên quan đến thức, thọ, về sự khác nhau giữa tuệ và thức, và nhiều điều khác. Đại đức Sāriputta hoan hỷ giải rất chi tiết cho vị ấy.
4. Kinh Tiểu Phương Quảng (Cūḷavedalla Sutta)
Tỳ khưu ni Dhammadinnā được gia chủ Visākha hỏi nhiều câu hỏi về nhân cách (sakkāya), nguồn gốc của nhân cách, sự diệt của nhân cách. Con đường dẫn đến sự diệt của nhân cách. Tất cả câu hỏi này đều được Tỳ khưu ni trả lời một cách thỏa đáng.
5. Kinh Tiểu Pháp Hành (Cūḷadhammasamādāna Sutta)
Bài kinh này diễn tả bốn pháp hành liên quan đến (i) Cuộc sống hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ; (ii) Cuộc sống hiện tại khổ, tương lai quả báo cũng khổ, (iii) Cuộc sống hiện tại khổ, tương lai quả báo lạc, (iv) Cuộc sống hiện tại lạc, tương lai quả báo lạc.
6. Đại Kinh Pháp Hành (Mahādhammasamādāna Sutta)
Trong bài kinh này, bốn pháp hành như được mô tả trong kinh Tiểu Pháp Hành được giải thích với nhiều chi tiết hơn cho nhiều ví dụ về nước trái cây có độc, việc chuẩn bị nước thuốc đặc biệt từ nước tiểu của bò.
7. Kinh Tư Sát (Vīmaṃsaka Sutta)
Trong bài kinh này cung cấp việc thử thách gay go có thể được đặt ra để trắc nghiệm bất cứ lời tuyên bố đắc quả vị Phật nào. Tiến trình xem xét cẩn thận những việc tuyên bố như thế được đề ra ở đây.
8. Kinh Kosambiya (Kosambiya Sutta)
Bài kinh này bàn về làm sao tâm từ nên là cơ bản cho những quan hệ của họ được đức Phật thuyết cho nhóm Tỳ khưu Kosambī đang sống trong bất hòa bởi vì không đồng ý về những vấn đề tế toái.
9. Kinh Phạm Thiên Cầu Thỉnh (Brahmanimantanika Sutta)
Phạm Thiên Baka giữ quan niệm sai lầm về thường kiến, tin vào sự thường hằng, bền vững, và kiên trì. Đức Phật chỉ cho ông niềm tin của ông thật sai lầm làm sao.
10. Kinh Hàng Ma (Mātajjanīya Sutta)
Đây là bản tường thuật do đại đức Mahā Moggallāna thuyết giảng về Ma vương có lần gây rối ngài bằng cách gây đau và nhức trong bao tử. Ngài phải thuyết phục nó thôi đừng quấy nhiễu ngài bằng cách kể cho nó nghe rằng ngài đã từng là chú của Ma vương vào thời của đức Phật Kakusandha.
B. MAJJHIMA PAṆṆĀSA PĀḶI
I. PHẨM GIA CHỦ (GAHAPATI VAGGA)
1. Kinh Kandaraka
Bài kinh này được thuyết tại Campā liên quan đến Kandaraka, du sĩ ngoại đạo, và Pessa, con trai ông nài voi, người kinh ngạc khi chứng kiến sự tĩnh lặng duy trì trong đại hội tăng chúng Tỳ khưu, không có một âm thanh nào, ngay cả hắt hơi hay ho. Đức Phật giải thích rằng sự tĩnh lặng của họ nhờ vào sự đắc định và rèn luyện Tứ Niệm Xứ. Đức Phật cũng giải thích bốn loại người tham gia hành thiền.
2. Kinh Bát Thánh (Aṭṭhakanāga Sutta)
Gia chủ Dasama của Aṭṭhaka muốn biết liệu có một pháp duy nhất nào có thể đưa đến giải thoát và chứng ngộ Niết bàn. Đại đức Ānanda báo ông rằng có một nhóm gồm mười một pháp, đó là, bốn tầng thiền, pháp hành Tứ Vô Lượng Tâm, và Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ và Vô Sở Hữu Xứ. Quán bản chất vô thường của mỗi pháp đó sẽ dẫn đến Niết bàn.
3. Kinh Hữu Học (Sekha Sutta)
Bài kinh này do đại đức Ānanda thuyết cho những người dòng Sakyan dẫn đầu là Hoàng tử Mahānāma. Đại đức Ānanda giải thích con đường gồm ba bước, Giới, Định, và Tuệ được người người nguyện đạt được thượng trí lên đến đỉnh cao là tuệ dứt sạch Các Lậu Hoặc.
4. Kinh Potaliya
Potaliya đã từ bỏ việc đời lại với ý định sống đời phạm hạnh. Khi đức Phật thấy ông mặc quần áo ngày thường, đức Phật gọi ông như ‘gia chủ’, khiến ông hối hận. Đức Phật giải thích cho ông rằng trong ngôn ngữ của giới luật một người được gọi tự từ bỏ mình ra khỏi đời thường chỉ khi người ấy ngăn mình không sát sanh, không trộm cắp, không nói láo, không vu khống, và chỉ khi người ấy ăn uống điều độ, không ngã mạn và luôn bình tĩnh.
5. Kinh Jīvaka
Bài kinh này được thuyết tại thành Rājagaha liên quan đến Jīvaka, vị thầy thuốc vĩ đại, người điều tra xem liệu có đúng là đức Phật độ thịt thú được giết có ý dành cho ngài hay không. Đức Phật bảo ông rằng ngài đã ban hành luật cho tất cả chư Tỳ khưu không được độ bất cứ thịt gì mà họ thấy, nghe hay có lý do để nghi ngờ được chuẩn bị đặc biệt dành cho họ. Hơn nữa, một Tỳ khưu không nên tỏ ra thiết tha với vật thực cũng không nên tham ăn; vị ấy nên quán tưởng khi dùng vật thực chỉ để duy trì thân này để theo đuổi con đường giải thoát.
6. Kinh Upāli
Một đệ tử cư sĩ giàu có và lỗi lạc của Nigaṇṭha Nāṭaputta được thầy ông gởi đến để gặp đức Phật và đánh bại ngài trong cuộc tranh luận về vài phương diện nào đó của thuyết về Nghiệp. Trong khi Nigaṇṭha nhấn mạnh những hành động về thân và khẩu sản sinh ra nhiều hiệu quả hơn, đức Phật giữ vững rằng chính tác ý hay hành động về tâm là quan trọng nhất. Nhờ bài pháp này, đức Phật cải tâm Upāli, và Nāṭaputta đầy phẫn nộ thổ huyết chết vì bị mất một người đệ tử xuất sắc nhất.
7. Kinh Hạnh Con Chó (Kukkuravatika Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho hai ẩn sĩ ngoại đạo lõa thể tên là Puṇṇa và Seniya tại thị trấn Koliya, đề cập đến bốn loại hành động và bốn loại kết quả phát sanh từ đó: (i) Nghiệp đen đưa đến quả báo đen, (ii) Nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, (iii) Nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng và (iv) Nghiệp không đen không trắng đưa đến quả báo không đen không trắng.
8. Kinh Vương Tử Vô Uý (Abhayarājakumāra Sutta)
Bài kinh này được Nigantha gởi đến để hỏi đức Phật liệu ngài nói lời không được ưa thích về số phận của Devadatta. Đức Phật kể ra sáu loại lời nó trong đó ngài thường sử dụng hai loại lời nói: Những lời chân thật, có lợi ích nhưng không được người khác ưa thích và những lời chân thật có lợi ích và được người khác ưa thích.
9. Kinh Nhiều Cảm Thọ (Bahuvedanīya Sutta)
Bài kinh này được thuyết tại thành Sāvatthi để giải thích những loại thọ khác nhau, có thể có hai loại: Thọ lạc và thọ khổ; hay ba loại kể cả thọ lạc; hay năm hoặc sáu, mười tám hay ba mươi sáu, hay một trăm lẻ tám, tùy theo phương pháp liệt kê. Những cảm thọ thông thường phát sanh từ những khoái cảm của các giác quan được xem như Sukha (lạc). Nhưng đức Phật giải thích rằng tột đỉnh của hạnh phúc là sự thành đạt Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha samāpatti).
10. Kinh Không gì Chuyển Hướng (Apaṇṇaka Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho dân làng Sala trong xứ Kosala, người chưa chấp nhận được bất cứ một trong những giáo lý nào được những vị lãnh đạo của những giáo phái khác nhau đến viếng thăm làng họ. Đức Phật chỉ họ con đường đúng hầu không dẫn họ lạc đường. Những tà kiến của những kẻ bè phái trái ngược với chánh kiến được đức Phật soi sáng rất sâu sắc; những bất lợi của tà kiến, và những lợi ích của chánh kiến được giải thích.
II. PHẨM TỲ KHƯU (BHIKKHU VAGGA)
1. Kinh Giáo Giới Rāhula ở Ambala (Ambalaṭṭhikarāhulovāda Sutta)
Trong bài kinh này được thuyết tại Rājagaha, đức Phật sách tấn Rāhula, con ngài, một Sa di bảy tuổi, về việc cần thiết vâng giữ giới luật cơ bản một cách chân thật, và cần thiết thực hành chánh niệm, bằng cách cho ví dụ về chậu nước úp ngược, con voi hoàng gia và chiếc gương.
2. Đại Kinh Giáo Giới Rāhula (Mahārāhulovāda Sutta)
Bài kinh này về ngũ uẩn, được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi cho Rāhula lúc mười tám tuổi. Đại đức Sāriputta cũng dạy Rāhula thiền Niệm Hơi Thở (Ānāpāna). Đức Phật giải thích thêm về lợi ích của thiền Niệm Hơi Thở và thuyết cho sư một bài kinh khác về tứ đại.
3. Tiểu Kinh Mālukya (Cūlamālukya Sutta)
Bài kinh này được thuyết tại thành Sāvatthi cho Tỳ khưu Mālukya. Tỳ khưu Mālukya gián đoạn hành thiền một buổi chiều và hỏi đức Phật những câu hỏi cổ điển nổi tiếng: Thế giới là thường còn hay không v.v...; có phải linh hồn với thân xác là như nhau, linh hồn là một và thân xác là một thứ khác, v.v...; có phải đời sống tồn tại sau khi chết hay không tồn tại sau khi chết.
Đức Phật giải thích cho ông rằng thực hành đời sống phạm hạnh không tùy thuộc vào những quan niệm này. Một người có thể nắm giữ bất cứ quan niệm gì về chúng, vẫn sẽ có sanh, già, hoại, tử, sầu, ưu, khổ, não và thất vọng. Đức Phật nói rằng Như Lai chỉ dạy về khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ và con đường diệt khổ.
4. Đại Kinh Mālukya (Mahāmālukya Sutta)
Bài kinh này được thuyết cho Mālukya tại thành Sāvatthi để giải thích năm kiết sử, đó là, thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ (chấp vào pháp hành sai lầm), tham dục và sân hận, dẫn chúng xuống cảnh giới thấp hơn.
5. Kinh Bhaddāli
Bài kinh này, được thuyết tại thành Sāvatthi cho Tỳ khưu Bhaddāli, người từ chối không chấp hành học giới không ăn sau giờ ngọ và buổi chiều; Đức Phật giải thích tại sao chư tỳ khưu trong giáo Pháp Như Lai nên tôn trọng học giới đã được Như Lai ban hành.
6. Kinh Ví Dụ Con Chim Cáy (Laṭukikopama Sutta)
Bài kinh này được thuyết cho đại đức Udāyi liên hệ đến việc vâng giữ giới luật và các học giới. Khi ngũ lực (bala), đó là, tín, tấn, niệm, định và tuệ không được phát triển tốt, Tỳ khưu sẽ thấy ngay cả những thu thúc nhỏ nhặt như ngăn không ăn chiều và tối rất khó chịu và phiền hà. Nhưng khi ngũ lực phát triển đầy đủ, thì ngay cả những giới luật chặt chẽ nhất vẫn có thể vâng giữ mà không có chút gì khó khăn hay không thoải mái.
7. Kinh Cātuma (Cātuma Sutta)
Bài kinh này được thuyết tại Cātuma cho chúng đệ tử của đại đức Sāriputta và đại đức Mogallāna, họ đến cùng với năm trăm Tỳ khưu đến yết kiến Thế Tôn. Năm trăm Tỳ khưu gây nhiều tiếng động ồn ào trong lúc ổn định chỗ ở. Trước tiên, đức Phật từ chối không gặp họ, nhưng sau đó nguôi đi và dạy họ những hiểm nguy trong đời của Tỳ khưu. Chỉ như có những nguy hiểm và rủi ro trong biển như sóng biển, cá sấu, chỗ nước xoáy, và cá mập, cũng vậy có những nguy hiểm chống lại mà Tỳ khưu phải luôn canh phòng, đó là, phẫn não chống lại những ai chỉ bày và hướng dẫn họ; bất mãn với những học giới như những điều liên quan đến tham ăn, hay liên quan đến phụ nữ; và năm dục trưởng dưỡng.
8. Kinh Naḷakapāna (Naḷakapāna Sutta)
Bài kinh này được thuyết cho đại đức Anuruddha và cho dân làng Naḷakapāna để giải thích rằng trừ phi Tỳ khưu đã đạt được những tầng cao hơn của Đạo và Quả, thành tựu những năng lực siêu nhiên có thể chứng minh là có phương hại đến vị ấy. Đức Phật nói về nơi đến của những người đã quá vãng không phải để được khen ngợi hay cảm phục mà để khơi dậy lòng nhiệt tình và tịnh tín trong chúng đệ tử ngài.
9. Kinh Goliyāni (Goliyāni Sutta)
Bài kinh này được đại đức Sāriputta thuyết ở Rājagaha cho Tỳ khưu Oliyāni liên quan đến mười tám pháp mà Tỳ khưu ngụ trong rừng phải hành theo.
10. Kinh Kīṭāgiri (Kīṭāgiri Sutta)
Bài kinh này được thuyết tại thị trấn Kīṭāgiri về những lợi ích của dùng bửa trước ngọ và những bất lợi của ăn chiều.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 18:58:26 GMT -5
III. PHẨM DU SĨ (PARIBBĀJAKA VAGGA)
1. Kinh Vacchagota về Tam Minh
Vacchagotta, du sĩ ngoại đạo, hỏi đức Phật liệu có đúng thật khi nói rằng Tri Kiến Toàn Tri của Thế Tôn hiện hữu thường xuyên và liên tục trong mọi thời điểm, trong lúc đi hay đứng, ngủ hay thức. Đức Phật trả lời rằng nói vậy không đúng. Chỉ nên nói rằng đức Phật thành tựu tam minh, đó là, Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh.
2. Kinh Vacchagota Về Lửa
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi liên quan đến Vacchagota rất thường đến gần đức Phật để hỏi nhiều vấn đề ngã (atta). Vào dịp này ông cũng hỏi đức Phật có ngã hay không, ngã có trường tồn hay không, v.v... Đức Phật bảo ông rằng ngài không nắm giữ bất cứ một lý thuyết nào về ngã bởi vì ngài đã thấy bản chất của sự vật như chúng đang là. Sau đó giải thích Pháp cho ông trong vài chi tiết.
3. Đại Kinh Vaccha (Mahāvaccha Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho Vacchagotta tại Rājagaha. Vào lúc ông viếng thăm đức Phật một khoảng thời gian dài, ông không còn quấy rầy đức Phật về những phỏng đoán của ông về ngã và thế giới v.v...; thay vào đó, ông thỉnh đức Phật dạy vắn tắt về những hành động thiện và bất thiện (Kusalākusalam Kammam). Đức Phật giải thích cho ông pháp về thiện và bất thiện vắn tắt cũng như chi tiết.
Vacchagotta trở thành đệ tử của đức Phật và được nhận vào Tăng đoàn. Sau đó thực hành pháp như được chỉ dẫn, cuối cùng ông đắc A-la-hán quả, chứng ngộ Niết bàn. Những vấn về ngã (atta) và thế giới (loka) v.v...; không còn ám ảnh ông nữa.
4. Kinh Trường Trảo (Dīghanakha Sutta)
Bài kinh quan trọng này được đức Phật thuyết trong động Sūkarakhata gần Rājagaha, cho du sĩ ngoại đạo Dīghanakha, cháu trai của Sāriputta, để ông từ bỏ thuyết Đoạn Kiến. Khi đức Phật dạy ông về Pháp quán thân và quán thọ (Lạc, khổ, không lạc không khổ), cậu ông, đại đức Sāriputta đang đứng sau đức Phật và quạt cho Ngài. Chỉ cách đây mười lăm ngày, đại đức Sāriputta được đức Phật nhận vào Tăng đoàn. Trong lúc theo dõi tiến trình của bài pháp dường như chia thức ăn được chuẩn bị cho người khác, tâm đại đức Sāriputta tiến nhanh từ tầng thánh Nhập Lưu mà đại đức đã đạt, và đắc tầng Thánh tuyệt hảo của quả vị A-la-hán với Tứ Tuệ Phân Tích (Paṭisambhidā Ñāṇa). Vào cuối bài pháp, du sĩ ngoại đạo Dīghanakha trở thành thánh Nhập Lưu.
5. Kinh Māgandiya
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thị trấn Kammāsadhamma trong xứ Kuku liên hệ đến Māgandiya, du sĩ ngoại đạo, phẫn nộ đức Phật đã phê bình những niềm tin sai lầm của ông. Đức Phật thúc giục ông thực hành kiểm soát các căn và tư tưởng khoái lạc. Ngài kể cho du ngoại đạo chuyện ngài xuất gia. Làm sao ngài rời bỏ những cung điện lộng lẫy xa hoa, và làm sao, khi khám phá ra Chân Lý, ngài tìm thấy hạnh phúc trong A-la-hán quả thù thắng hơn bất cứ khoái lạc nào. Māgandiya từ bỏ mọi tà kiến và trở thành đệ tử của đức Phật.
6. Kinh Sandaka
Bài kinh này được đại đức Ānanda thuyết tại Kosambi cho du ngoại đạo Sandaka, và đồ chúng của ông. Đại đức Ānanda giải thích cho họ bốn tà kiến của những đạo sư ở các trường phái, họ cho rằng không có sự sống sau khi chết, rằng không có thiện và ác, không có nhân duyên cho bất cứ hiện tượng nào, và không chỉ có uẩn của bảy yếu tố. Cuối cùng ngài dạy các du ngoại đạo pháp như đã được đức Phật tuyên thuyết... Như là kết quả việc giảng dạy của ngài Ānanda, Sandaka và các đồ chúng của ông từ bỏ những tà kiến đó và trở thành đệ tử của đức Thế Tôn.
7. Đại Kinh Sakuludāyi
Vào một thời đức Thế Tôn và chúng Tỳ khưu của ngài đang ngụ tại thành Rājagaha nơi sáu đạo sư của các trường phái cũng đang an cư mùa mưa cùng với đồ chúng riêng của họ. Lúc bấy Udāyī, du ngoại đạo, được đức Phật viếng thăm, ông ca ngợi những đức tính của đức Phật nói rằng những đạo sư khác đôi khi cũng bị đồ chúng của chính họ chỉ trích, trong khi đó, đức Phật là trường hợp ngoại lệ. Thậm chí nếu những đệ tử của đức Phật đã rời bỏ Tăng đoàn cũng không thấy lỗi nào ở đức Phật, cũng không thấy lỗi nào trong giáo Pháp. Họ chỉ tự trách họ không có khả năng hành theo giáo Pháp. Udāyī quy sự khác nhau này vào việc cung kính tôn trọng cúng dường Phật vào năm khía cạnh trong những đức tính của Ngài. Đức Phật phủ nhận Udāyī liệt kê những đức tính của ngài mà hầu hết đều thuộc những pháp hành khổ hạnh, và giải thích cho ông nguyên nhân thực sự để tỏ hết lòng cung kính cúng dường ngài là sống nương tựa vào ngài.
8. Kinh Samaṇamuṇḍika
Du sĩ ngoại đạo Uggahamana, con trai của Samaṇamuṇḍika, đang dạy rằng bất cứ một ẩn sĩ ngoại đạo nào ngăn ngừa không làm các việc ác, nói lời sai trái, suy nghĩ tà vạy, và nuôi mạng không chân chánh là đủ để trở thành một vị A-la-hán. Đức Phật bác bỏ lời ông khẳng định, nói rằng trong trường hợp đó, thậm chí một bé sơ sinh ngây thơ đang ngủ trên giường có thể tuyên bố đắc quả vị A-la-hán. Đoạn Ngài giải thích chỉ có Con Đường Cao Thượng gồm Tám Chánh (Bát Chánh Đạo) dẫn đến Chánh Tri Kiến và Chánh Giải Thoát mà có thể đưa đến chứng ngộ quả vị A-La-Hán.
9. Tiểu Kinh Sakuludāyi
Bài kinh này được thuyết tại thành Sāvatthi. Du sĩ ngoại đạo Sakuludayi hỏi đức Phật nhiều câu hỏi về Ngã và Giới, và đức Phật giải thích cho ông pháp hành trong giáo Pháp bắt đầu với học giới không sát hại một sanh mạng nào và chấm dứt với sự chứng ngộ Niết bàn.
10. Kinh Vekhanasa
Bài kinh này được thuyết tại Sāvatthi. Đức Phật giải thích cho Vekhanasa, du sĩ ngoại đạo, cách có thể tích lũy pháp lạc từ sự thành đạt tinh thần là vi diệu và thù thắng hơn từ dục lạc. Đức Phật bảo đảm rằng bất cứ ai thực hành theo lời ngài chỉ dẫn một cách chân thật sẽ hưởng được niềm tịnh lạc từ những thành tựu tinh thần.
IV. PHẨM VUA (RĀJA VAGGA)
1. Kinh Ghatṭikāra
Bài kinh này, được đức Phật thuyết trong lúc du hành ở Kosala, tường thuật sự tích về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của người thợ gốm Ghaṭikāra, thường chăm sóc cha mẹ mù lòa và cùng một lúc hầu đức Phật Kassapa với lòng vô cùng tôn kính. Cũng có sự tích về cách Ghaṭikāra thuyết phục bạn, thanh niên Jotipāla, cùng đi đến nơi đức Phật Kassapa ngụ, để đảnh lễ. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp thanh niên Jotipāla từ bỏ gia đình và được đức Phật Kassapa nhận vào Tăng đoàn. Tình tiết cổ xưa hấp dẫn này đã xảy ra vào thời đức Phật Kassapa cách đây nhiều đại kiếp được đức Phật Gotama kể lại cho đại đức Ānanda, ngài đang đứng ngay tại vị trí mà cách đây nhiều đại kiếp có lần ngài đã đứng, tại ngôi nhà của Ghaṭikāra, người thợ gốm. Đức Phật kết thúc câu chuyện bằng cách tiết lộ rằng thanh niên Jotipāla đó là không ai khác hơn đức Phật Gotama hiện tại này.
2. Kinh Raṭṭhapāla
Raṭṭhapāla, con trai của ông Bà-la-môn giàu có sau khi khổ công xin nhiều lần, ông được phép cha mẹ cho trở thành một vị Tỳ khưu dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Sau mười hai năm tinh cần nỗ lực, khi trở thành vị A-la-hán đầy đủ cụ túc, ngài về thăm gia đình cha mẹ ngài. Cha mẹ ngài nỗ lực dụ dỗ ngài bằng tài sản và thê thiếp để ngài trở lại đời sống tại gia nhưng vô hiệu quả. Ngài dạy cha mẹ ngài luật vô thường (anicca); ngài nói ngài không thấy có chút quyến rũ nào trong tài sản và thê thiếp cả.
3. Kinh Maghadeva
Bài kinh này được thuyết tại rừng xoài hoàng gia ở Mithilā. Đức Phật tường thuật đại đức Ānanda về truyền thống tốt đẹp được vua Maghadeva đề ra. Khi tóc ông bắt đầu bạc, ông từ bỏ đời sống gia đình nhường vương quốc cho hoàng thái tử của ông. Truyền thống được truyền từ vua đến con từ thế hệ này sang thế hệ khác, hơn hằng ngàn năm mãi cho đến triều đại vua Nimi.
Vua Nimi có một hoàng tử tên là Kaḷārajanaka không xuất gia từ bỏ gia đình sống đời vô gia đình khi đến thời như chư vị tiên vương của ông. Kaḷārajanaka chấm dứt hạnh cao thượng do truyền thống đó đề ra.
Đức Phật tiết lộ rằng ngài là vua Maghadeva vào thời xa xưa đó đặt ra truyền thống tốt đẹp này. Đức Phật nói rằng truyền thống tốt đẹp đó không dẫn đến tịch tịnh, thượng trí. Chỉ dẫn đến cõi Phạm thiên. Nhưng pháp hành cao thượng mà ngài đang hành bây giờ với tư cách là một vị Phật chắc chắn sẽ dẫn đến vỡ ảo tưởng của ngũ uẩn, từ bỏ sự dính mắc và tận diệt khổ; dẫn đến tịch tịnh, thượng trí, tuệ quán thấu suốt, và chứng ngộ Niết bàn. Đoạn đức Phật sách tấn, “Ānanda, hãy tiếp tục theo pháp hành tốt đẹp do Như Lai đã đặt ra này. Con chớ là người chấm dứt truyền thống của Như Lai”.
4. Kinh Madhura
Bài kinh này được đại đức Mahākaccāna thuyết tại Madhura. Ông bác bỏ lời tuyên bố của người Bà-la-môn rằng chỉ có người Bà-la-môn là cao thượng và siêu việt, và những người khác là thấp kém. Ông giải thích cho đức vua rằng chính giới hạnh của con người, chứ không phải dòng tộc làm nên tính cao thượng của người đó. Bất cứ ai dù Bà-la-môn, Sát đế lỵ, Vessa hay Sudda phạm ác nghiệp bị tái sanh vào cảnh khổ; bất cứ ai làm làm thiện nghiệp sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lạc. Sau khi nghe đại đức Mahā Kaccāna thuyết bài kinh này xong, vua Madhura, trước kia có đức tin khác, quy y Phật, Pháp và Tăng.
5. Kinh Vương Tử Bồ Đề
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Susumāragira trong xứ Bhagga liên quan đến câu phát biểu của Vương tử Bồ Đề rằng “(sukha), lạc, không thể đạt được nhờ (sukha), lạc; (sukha), lạc, chỉ có thể đạt được nhờ (dukkha), khổ”. Đức Phật nói rằng ngài có lần cũng nghĩ trong cách tương tự như vậy, và tường thuật lại toàn bộ câu chuyện về việc xuất gia của ngài, ngài phấn đấu với những pháp hành sai lạc, cuộc thiết tha tầm cầu Chân Lý, và sự giác ngộ tối thượng.
6. Kinh Angulimāla
Bài kinh này, được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi, mô tả làm sao Angulimāla, tên cướp và sát nhân khét tiếng, được đức Phật thuần hóa, và làm sao ông quy y Phật, Pháp và Tăng. Mặc dầu tên ông là Vô Hại (Ahimsaka), trước kia ông tàn bạo và ác độc và bị dân chúng gọi Angulimāla. Bây giờ được đức Phật thuần hóa, ông không còn hại bất cứ ai cả, và bắt đầu cuộc sống đúng thật với cái tên của ông. Ông trở thành bậc A-la-hán.
7. Kinh Ái Sanh (Piyajātika Sutta)
Một gia chủ ở thành Sāvatthi có đứa con trai khả ái chết đi đến gặp đức Phật, ngài nói với ông rằng những người khả ái đáng yêu là nguồn gốc của buồn rầu vì chúng đem lại khổ và ưu. Gia chủ này không hài lòng với những điều đức Phật nói. Những kẻ đánh bạc đang chơi xúc xắc rất gần tịnh xá của đức Phật bảo ông một cách khác, chúng nói rằng những người khả ái đáng yêu chắc chắn đem lại niềm vui và hạnh phúc. Vua Pasenadi đồng tình với những kẻ đánh bạc nhưng hoàng hậu Mallikā vẫn tin những gì đức Phật nói ắt là đúng. Bà chứng minh đức tin trong sạch vào đức Phật bằng cách cho nhiều dẫn chứng trí tuệ sáng ngời và sâu sắc của đức Phật. Cuối cùng vua Pasenadi bị quan niệm của bà thuyết phục.
8. Kinh Bahitika (Bāhitika Sutta)
Bài kinh này được đại đức Ānanda thuyết cho vua Pasenadi tại thành Sāvatthi trên bờ sông Aciravatī. Ngài đề cập đến những hành động, lời nói, tư tưởng bất thiện đáng bị chê trách và những hành động, lời nói và tư tưởng thiện đáng ngợi khen. Vua Pasenadi hài lòng với bài pháp và dâng tặng vải từ xứ Bāhiti cho đại đức Ānanda.
9. Kinh Pháp Trang Nghiêm (Dhammacetiya Sutta)
Vua Pasenadi xứ Kosala một lần đến diện kiến đức Phật. Vào nơi đức Phật đang cư ngụ, vua cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật. Khi được đức Phật hỏi tại sao vua tỏ ra cực kỳ khiêm tốn như thế và cung kính tôn trọng thân Phật, vua bắt đầu một bài ngợi ca đức Phật, ngợi ca đức tính của ngài. Đức Phật bảo chư Tỳ khưu rằng những lời được vua ca ngợi đó tạo thành đài kỷ niệm để tôn vinh Pháp và khuyến khích họ học bài kỷ niệm này và thường xuyên tụng đọc nó.
10. Kinh Kaṇṇakatthala (Kaṇṇakatthala Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Uruññā, gồm những câu trả lời cho những câu hỏi của vua Pasenadi xứ Kosala về bốn hạng người và nơi đến của họ sau khi chết, về Trí Tuệ Toàn Tri, và về Đại Phạm Thiên.
V. PHẨM PHẠM THIÊN (BRAHMAṆA VAGGA)
1. Kinh Brahmāyu
Ông Bà-la-môn Brahmāyu khi nghe đến danh tiếng của đức Phật đã một trăm hai mươi tuổi. Ông phái đệ tử của ông Uttara người tinh thông Vệ đà để tìm ra bằng cách khảo sát ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân liệu Gotama thực sự là đức Phật Toàn Giác không. Khi tường thuật xong việc trắc nghiệm những tướng tốt của đức Phật, Brahmāyu tự đến gặp đức Phật. Hoàn toàn hài lòng, sau khi nghe bài pháp giá trị, rằng Gotama thực sự là vị Phật Toàn Giác, ông trở thành đệ tử tận tuỵ và đạt được tầng Thánh thứ ba của Đạo và Quả, Bất Lai trước khi qua đời.
2. Kinh Sela
Sela là người Bà-la-môn ở thị trấn Āpaṇa, nghe danh của đức Phật từ ẩn sĩ ngoại đạo Keṇiya đi gặp đức Phật cùng với ba trăm thanh niên Bà-la-môn trẻ. Sau khi nghe bài pháp từ đức Phật ông trở nên hoàn toàn bị thuyết phục đến nỗi ông thực sự thấy đức Phật Toàn Giác. Tất cả họ đều thỉnh và xin phép đức Phật được gia nhập vào Tăng chúng.
3. Kinh Assalāyana
Năm trăm Bà-la-môn nào đó đã đến thành Sāvatthi nhằm thử thách đức Phật về quan điểm của ngài liên quan đến sự trong sạch và cao thượng của bốn hạng người. Họ phái Assalāyana, một thanh niên có tài cao, tinh thông Vệ Đà, đến thử thách với đức Phật. Cuộc gặp gỡ của thanh niên này với đức Phật chấm dứt với sự chuyển đạo của thanh niên ấy.
4. Kinh Ghoṭamukha
Cuộc thảo luận xảy ra giữa đại đức Udena và ông Bà-la-môn tên là Ghoṭamukha về chủ đề hành phạm hạnh. Đại đức Udena mô tả bốn loại người thực hành khổ hạnh. Sau bài pháp này ông Bà-la-môn trở thành đệ tử của đại đức Udena và quy y Phật, Pháp và Tăng...
5. Kinh Cankī
Cankī, người Bà-la-môn của làng Opāsāda, đến gặp đức Phật với một nhóm đông người, trong đó có thanh niên Bà-la-môn tên là Kāpātika. Thanh niên này vào thảo luận với đức Phật về ba cuốn Vệ Đà mà đã từng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong truyền thống không hề bị gián đoạn. Truyền thống mà người Bà-la-môn tin là Chân Lý duy nhất được đức Phật xem như một đoàn người mù mỗi người nắm vào chéo áo người đi trước.
6. Kinh Esukārī
Bài kinh này được thuyết tại Sāvatthi liên hệ đến Bà-la-môn tên Esukārī. Trong bài kinh này đức Phật cũng bác bỏ sự phân chia giai cấp trong xã hội của Bà-la-môn thành bốn đẳng cấp tuyên bố giai cấp Bà-la-môn ở địa vị cao nhất trong xã hội... Không những chỉ có người Bà-la-môn mới có thể huân tập tâm từ. Những thành viên trong những giai cấp khác cũng có thể huân tập tâm từ. Không phải dòng tộc sản sanh ra mà chính là thực hành các thiện pháp làm cho con người trở nên cao thượng.
7. Kinh Dhanañjāni
Dhanañjāni là lão đệ tử cư sĩ thuần thành của đức Phật. Sau khi người vợ thứ nhất của ông có đức tin mãnh liệt vào Phật, Pháp và Tăng chết, ông không còn tinh tấn và chánh niệm hành đạo nữa. Người vợ thứ hai của ông không có đức tin vào giáo Pháp của đức Phật. Để nuôi sống gia đình ông dùng đến những phương tiện sai trái để sinh sống. Đại đức Sāriputta đưa ông trở lại con đường chánh. Trên giường lâm chung, ông phái người thỉnh đại đức Sāriputta, đại đức an ủi ông trong chánh pháp. Điều này khiến ông khi chết được tái sanh vào cõi Phạm Thiên. Đức Phật hỏi đại đức Sāriputta tại sao lại đưa ông lão Bà-la-môn chỉ trên con đường đến cõi Phạm Thiên thấp hơn trong khi ông có thể đạt đến cõi cao hơn.
8. Kinh Vāseṭṭha (Vāseṭṭha Sutta)
Cuộc thảo luận giữa hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja về nguồn gốc của người Bà-la-môn. Bhāradvāja vẫn cho đó là do sanh trong một gia đình, dòng dõi và đẳng cấp cao làm người đó trở thành Bà-la-môn. Vāseṭṭha tin phẩm hạnh đạo đức và sự hoàn thành những bổn phận theo phong tục tập quán là những phẩm chất chủ yếu được xem là Bà-la-môn. Họ cùng đến gặp đức Phật để giải quyết cuộc tranh luận này.
Đức Phật bảo họ rằng một người không phải là Bà-la-môn chỉ bởi vì dòng tộc của người đó nếu người ấy đầy dính mắc vào đời hay bị tham, sân, ái dục và vô minh điều khiển. Một người trở thành Bà-la-môn bất kỳ thuộc dòng tộc nào, khi người ấy có thể cắt bỏ những kiết sử, với chướng ngại của vô minh và thành đạt trí tuệ Tứ Thánh Đế, người Bà-la-môn hoàn hảo nhất là Bậc thánh A-la-hán.
9. Kinh Subha
Bài kinh này được thuyết tường thuật về Subha, con trai ông Bà-la-môn Todeyya, tại thành Sāvatthi. Như những người Bà-la-môn khác, Subha tin rằng chỉ có những gia chủ mới có thể hoàn thành thiện nghiệp đúng cách, chứ không phải những ai xuất gia từ bỏ đời sống gia đình. Nghề nghiệp của gia chủ phát sanh nhiều lợi ích hơn trong lúc đó nghề của ẩn sĩ mang lại ít lợi ích. Đức Phật xóa tan tà kiến đó và Subha trở thành đệ tử thuần thành của đức Phật.
10. Kinh Sangārava
Sangārava là một ông Bà-la-môn đầy tự hào trong việc học Vệ Đà, ấp ủ những tà kiến về dòng tộc ông. Ông đi đến hỏi đức Phật liệu đức Phật có tuyên bố, như là Sa-môn và Bà-la-môn, đã đạt được ngay trong kiếp sống này, tri kiến đặc biệt, và đạt đến bờ kia. Đức Phật giải thích có ba hạng Sa-môn và Bà-la-môn đã tuyên bố như thế này; những ai tuyên bố nhờ tin đồn, có biết mọi sự chỉ do tin đồn; những ai tuyên bố chỉ bằng lập luận có logic; và cuối cùng những ai tuyên bố bằng tự thân chứng nghiệm tuệ quán sâu sắc của Pháp chưa bao giờ nghe trước đây.
Đức Phật bảo Sangārava rằng ngài là loại thứ ba này và tường thuật lại làm sao ngài đã hoàn thành trong pháp bằng thực hành và tự chứng ngộ.
C. UPARIPAṆṆĀSA PĀḶI
I. PHẨM DEVADAHA
1. Kinh Devadaha
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Devadaha trong xứ Sakyans để bác bỏ tà kiến của Nigaṇṭha. Phái Nigaṇṭha tin rằng bất cứ những gì một người trải qua trong kiếp này là do những hành động kiếp trước tạo ra. Họ thực hành khổ hạnh như là hình phạt để chấm dứt quả của những hành động trước kia. Đức Phật dạy họ con đường đúng để dẫn đến diệt khổ.
2. Kinh Năm và Ba (Pañcattaya Sutta)
Đức Phật giảng tại Savatthi về các tà kiến của ngoại đạo về thế giới thường có giới hạn hay không giới hạn v.v...
3. Kinh Nghĩ như thế nào (Kinti Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Kusinārā. Đức Phật giải thích rằng ngài dạy pháp không phải vì lợi ích được lợi lộc như y phục, thực phẩm, sàng tọa v.v..., cũng không mong đợi kiếp sống hạnh phúc tương lai. Giáo Pháp của ngài, đó là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, v.v... tóm lại, Ba Mươi Bảy Bồ Đề Phần nhằm đạt thượng trí, chấm dứt khổ. Bất cứ khi nào có tranh luận về học thuyết liên quan đến nghĩa và lời, nên được giải quyết chính xác rõ ràng liên quan đến những pháp này.
4. Kinh Làng Sāma (Sāmagāma Sutta)
Nigaṇṭha Nāṭaputta vừa mới từ trần tại Pāvā và đồ chúng ông chia thành hai nhóm. Khi được Ānanda báo vậy, ngài lo lắng kẻo không sẽ có sự chia rẽ trong Tăng chúng, sau khi đức Phật Niết bàn, đức Phật dạy bài kinh này về những đạo sư và đồ chúng không hoàn hảo và hoàn hảo, về những cuộc tranh luận và nguồn gốc của chúng, và về những tinh yếu trong giáo pháp của Ngài.
5. Kinh Thiện Tinh (Sunakkhatta Sutta)
Tỳ khưu Sunakkhatta, trước kia là hoàng tử xứ Licchavi, một lần điều tra về đức Phật liệu tất cả chư Tỳ khưu đến với đức Phật và tuyên bố sự thành tựu quả vị A-la-hán có thực sự đạt được như vậy không. Đức Phật nói vài người trong họ đã đắc A-la-hán trong khi những người khác tự dối chính họ; lại còn những người khác tuyên bố đắc A-la-hán quả, biết rất đầy đủ nhưng họ không được quyền đó chỉ vì họ không muốn bị quấy rầy vì những câu hỏi vô ích không cần thiết. Sau đó đức Phật dạy ông ta những pháp tinh yếu trong đó một người phải hoàn thành trước khi tuyên bố đắc quả vị A-la-hán.
6. Kinh Bất Động Lợi Ích (Āneñja -sappāya Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết trong lúc ngài đang ngự một lần tại Kammāsadhamma, trong xứ Kurus. Đức Phật giải thích với chư Tỳ khưu những nguy hiểm của hưởng dục lạc, nó chóng tàn, trống rỗng và lừa dối. Ngài nói, ngài đã từng chỉ cho họ con đường đến bất động lợi ích, đến Không Vô Biên Xứ, đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, và cuối cùng đến Niết bàn. Đoạn Ngài thúc giục chư Tỳ khưu: “Hãy đi vào rừng, đến nơi ẩn dật yên tĩnh. Hãy nỗ lực hành thiền”.
7. Kinh Gaṇaka mogallāna (Gaṇakamogallāna Sutta)
Một thời đức Phật được ông Bà-la-môn Gaṇakamogallāna hỏi liệu trong giáo Pháp của Ngài có những điều luật, pháp hành và phương pháp có hệ thống không. Đức Phật kể ông về Pháp cho chi tiết về những học giới phải tuân giữ, những giới luật phải hành theo, nhiều loại định khác nhau được phát triển, các tầng thiền và các tuệ được hoàn thành từng bước từng bước.
8. Kinh Gopakamogallana (Gopakamogallāna Sutta)
Hai vị Bà-la-môn lãnh đạo của thành Rajāgaha hỏi đại đức Ānanda liệu đức Phật đã bổ nhiệm một vị trưởng lão đặc biệt nào cho Tăng chúng y chỉ sau khi đức Phật diệt độ không. Ānanda báo cho họ biết không có một người nào như vậy. Không có người nào có thể thay thế đức Phật. Họ muốn biết lúc bấy giờ Tăng chúng đã đồng ý một vị Tỳ khưu nào đó là người cho họ y chỉ chưa. Khi Ānanda bảo họ không có người nào như vậy, họ tự hỏi làm sao Tăng đoàn có thể duy trì sự nhất trí và đoàn kết. Lúc đó, Ānanda giải thích cho họ rằng Tăng chúng thực nương nhờ Pháp và cách Tăng chúng trong mỗi địa phương tuyên đọc Giới Bổn Patimokkha, Toát Yếu của giới luật, mỗi nửa tháng.
9. Kinh Đại Mãn Nguyệt (Mahāpuṇṇama Sutta)
Đức Phật ngự ở giữa số đông chư Tỳ khưu ở ngoài trời vào một đêm trăng rằm. Tất cả chư Tỳ khưu đều chú tâm hành thiền. Cảnh tĩnh mịch ban đêm bị xáo động bởi vị đại trưởng lão thiền tăng, với sự cho phép của đức Phật, người cất tiếng lên hỏi đức Phật về ngũ uẩn chấp thủ, tham ái phát triển như thế nào liên quan đến mỗi uẩn và tham ái diệt như thế nào. Đức Phật giải thích mỗi điểm được vị Tỳ khưu này đưa ra nhằm đem lại lợi ích cho hội chúng Tỳ khưu.
10. Kinh Tiểu Mãn Nguyệt (Cūḷapuṇṇama Sutta)
Bài kinh này được thuyết về làm sao phân biệt được giữa người tốt và người xấu, với những mô tả chi tiết về tính cách của người tốt và người xấu.
II. ANUPADA VAGGA
1. Kinh Bất Đoạn (Anupada Sutta)
Bài kinh được thuyết tại Sāvatthi. Đức Phật đưa ra đầy đủ chi tiết về đức hạnh của một trong hai vị đại đệ tử của đức Phật, đại đức Sāriputta, ca ngợi trí tuệ bao quát của ngài rộng như đại địa, mô tả cách nào, không giống với những đệ tử bình thường khác đã đạt được quả vị A-la-hán, đại đức Sāriputta đi xuyên suốt các pháp hành để phát triển giới, định và Tuệ trong cách rất triệt để, từng bước một, quán rất kỹ về sự ‘sanh và diệt’ của những hiện tượng nhỏ nhất mãi cho đến khi ngài đạt được mục tiêu cao nhất của đời sống Phạm Hạnh. Đức Phật cũng giải thích đại đức Sāriputta hoàn thành tròn đủ trong Pháp như thế nào để xứng đáng với danh hiệu là đại đệ tử của đức Phật.
2. Kinh Sáu Thanh Tịnh (Chabbisodhana Sutta)
Đức Phật nói rằng khi Tỳ khưu nào tuyên bố thành đạt quả vị A-la-hán, thì lời tuyên bố của người đó không nên được chấp nhận hay bác bỏ ngay lập tức. Lời tuyên bố của ông nên được xem xét tỉ mỉ cẩn thận theo những nguyên tắc chỉ đạo được cung cấp trong bài kinh này.
3. Kinh Chân Nhân (Sappurisa Sutta)
Bài này mô tả một người tốt có giá trị được phân biệt tách khỏi người xấu không có giá trị như thế nào bằng cách liệt kê hai mươi sáu tính cách qua đó mỗi người được đánh giá.
4. Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì (Sevitabbāsevitabba Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết ngắn gọn và được đại đức Sāriputta tiếp tục giải thích bài kinh cặn kẽ hơn. Nó liên quan đến những pháp hành và hành động mà một Tỳ khưu nên hay không nên dụng đến. Bất cứ hành động hay pháp hành hay đối tượng nào dẫn đến sự tiến bộ và phát triển tinh thần của người đó nên được dụng đến và sử dụng; bất cứ cái gì làm phương hại đến sự tiến bộ tinh thần nên bị từ chối.
5. Kinh Đa Giới (Bahudhātuka Sutta)
Bài pháp này là một nghiên cứu có phân tích về các giới (dhātu), xứ (āyatana); Luật Duyên Khởi; và những nhân đúng hay sai. Chỉ Tỳ khưu nào có kỹ năng trong những nghiên cứu này mới có thể được xem như là người thông thái.
6. Kinh Isigili
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại Isigili, một trong những ngọn đồi bao quanh thành Rajāgaha. Đây là bản tường trình tại sao ngọn đồi này được gọi bởi cái tên đó và về nhiều vị Độc Giác Phật đã cư ngụ ở đó.
7. Đại Kinh Bốn Mươi (Mahācattārīsaka Sutta)
Bài pháp này là một bản giải thích chi tiết về Chánh Định có nền tảng của nó trong bảy thành phần khác của Con Đường Cao Thượng, về hai mươi pháp thiện và hai mươi pháp ác.
8. Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Ānāpānasati Sutta)
Quán Niệm Hơi Thở như là phương pháp thiền được giải thích cho hội chúng Tỳ khưu lớn gồm tất cả những vị đệ tử thâm niên nổi tiếng như đại đức Sāriputta, Mahā Mogallāna, Mahā Kassapa, Anuruddha, Ānanda, v.v... Phát triển Chánh Niệm về sự hô hấp thiết lập trong con người Bốn Phép Chánh Niệm. Bốn Phép Chánh Niệm được phát triển, thành lập bảy Yếu Tố Giác Ngộ trong người đó. Bảy Yếu Tố Giác Ngộ trong người đó được phát triển, đem lại Tuệ Minh Sát và giải thoát.
9. Kinh Thân Hành Niệm (Kāyagatāsati Sutta)
Bài pháp này mô tả pháp hành thiền liên quan đến ba mươi hai thể trược. Những bước thực tiễn trong phương pháp này cũng như những tiến bộ của nó được giải thích đầy đủ.
10. Kinh Hành Sanh (Sankhārupapatti Sutta)
Bài kinh này giải thích có thể có nguyện ước của một người được hoàn thành như thế nào nếu người đó thiết lập vững vàng trong năm thiện pháp, đó là: Tín, giới hạnh có đạo đức, học nhiều hiểu rộng, bố thí và trí tuệ.
III. PHẨM TÁNH KHÔNG (SUÑÑATA VAGGA)
1. Kinh Tiểu Không (Cūḷasuññata Sutta)
Một thời đức Phật bảo Ānanda rằng ngài thường an trú trong sự giải thoát của tánh không, suññata - vihāra. Khi được Ānanda thỉnh cầu, ngài giải thích sự giải thoát tánh không nghĩa là gì - giải thoát nhờ Minh triết phân tích tánh không của ngã.
2. Kinh Đại Không (Mahāsuññata Sutta)
Thấy chư Tỳ khưu sống với nhau trong chỗ cư ngụ đông đúc, đức Phật bảo Ānanda rằng vị Tỳ khưu không nên thích cùng chung sống có bầu bạn. Sống một mình là lợi ích nhất cho vị Tỳ khưu. Ngài khuyến khích chư Tỳ khưu nhìn ngài như người bạn chân thành người thường chỉ ra lỗi lầm của họ để giúp họ chỉnh đốn lại.
3. Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp (Acchariya-abbhuta Sutta)
Bài pháp này là một bản tường trình về hai mươi thuộc tính phi thường của đức Phật như đã được đại đức Ānanda xưng tán.
4. Kinh Bāhula (Bāhula Sutta)
Tỳ khưu Bāhula, một trăm sáu mươi tuổi, sau khi đã sống tám mươi năm trong Tăng đoàn của đức Phật gặp lại người bạn cũ, ẩn sĩ lõa thể Kassapa. Ẩn sĩ Kassapa hỏi ông: Ông đã hành dâm bao nhiêu lần trong suốt tám mươi năm qua. Bāhula kể với bạn ông rằng những thuộc tính phi thường mà ông có được như một A-la-hán, kể cả sự kiện rằng ông đã trở thành A-la-hán sau bảy ngày tích cực nổ lực hết mình, sau đó ông hoàn toàn dứt sạch mọi uế nhiễm trong tâm.
5. Kinh Điều Ngự Địa (Dantabhūmi Sutta)
Trong bài kinh này đức Phật giải thích cho Sa di làm sao vương tử như vương tử như Jayasena, con vua Bimbisāra không thể hy vọng biết, thấy, chứng ngộ những pháp như thế này như nhất tâm và các tầng thiền, sống giữa các dục, thọ hưởng các dục, bị tư tưởng dục nhai nghiến, bị nhiệt não dục thiêu đốt. Đức Phật chỉ ra sự khác nhau trong quan điểm của vị A-la-hán và người bình thường không được chỉ dạy cho ví dụ về con voi được thuần hóa và con voi hoang dại ở rừng.
6. Kinh Bhūmija (Bhūmija Sutta)
Bài kinh này được đại đức Bhūmija thuyết cho cháu trai ông, Vương tử Jayasena để giải thích làm sao Quả vị sẽ có kết quả bằng cách thực hành Bát Thánh Đạo. Đức Phật khẳng định rằng chỉ nhờ theo Chánh Đạo, đó là, Bát Thánh Đạo và không phải Đạo nào khác, Quả Vị sẽ kết. Đức Phật cho ví dụ về việc nỗ lực chiết dầu từ cát, vắt sữa bò từ sừng bò, đánh nước để làm bơ, và cọ hai mảnh cây tươi và ướt để mồi lửa.
7. Kinh Anuruddha (Anurudha Sutta)
Bài kinh này được đại đức Anuruddha thuyết cho Pañcakanga, người thợ mộc, để giải thích sự khác nhau giữa Vô Lượng Tâm Giải Thoát (Appamāna cetovimutti), giải thoát nhờ thực hành Tứ Vô Lượng Tâm và Đại Hành Giải Thoát (Mahaggata Cetovimutti) giải thoát nhờ thiền Kasiṇa. (Kasiṇa là một thiết bị được dùng để tập trung vào cho dễ định tâm).
8. Kinh Tuỳ Phiền Não (Upakilesa Sutta)
Một thời Thế Tôn rời Kosambī bởi vì cuộc tranh cãi, những Tỳ khưu thích tranh cãi đi đến công viên Pācinavamsa nơi đại đức Anurudha, đại đức Nandiya và đại đức Kimila đang cư ngụ. Khi đó những Tỳ khưu này bạch đức Phật về hào quang và sự hiện khởi sắc pháp khác nhau mà họ nhận thấy trong quá trình thiền, đức Phật dạy họ về tùy phiền não (Upakilesa), mà chúng xuất hiện ở giai đoạn nào đó trong tiến trình hành thiền. Chúng nên được canh phòng và đừng để bị lệch sang bởi những phiền não dối lừa.
9. Kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍita Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết tại thành Sāvatthi về người ngu và cách cư xử đặc biệt của người ngu; về làm sao tư tưởng, lời nói và hành động xấu của người ngu làm hại chính họ và những người khác; và về làm sao những hành động xấu này dẫn người ngu đến những khổ cảnh và khốn khổ. Cảnh hoàn toàn thống khổ và đau đớn vô vàn trong những trạng thái như thế làm sa đọa không thể mô tả được. Một lần một kẻ ngu, do những hành động xấu của nó, tự thấy chính nó ở một trong những cõi địa ngục, có rất ít khả năng cho nó tái sanh lên những cảnh giới cao hơn. Cơ hội là rất hiếm hơn con rùa mù có thể chui đầu cái lỗ trong cái ách đang bị bão biển nhồi.
Bài kinh cũng đề cập đến người trí và những tính cách của họ, tư tưởng, lời nói và việc làm thiện của người trí, những thiện nghiệp của họ cho họ quả thiện và niềm an lạc được hưởng trong cảnh giới an lạc.
10. Kinh Thiên Sư (Devadūta Sutta)
Đây là bài kinh về quả xấu phát sanh do nghiệp xấu, cho nhiều chi tiết về khổ trong cảnh giới khốn khổ và bất hạnh.
IV. PHẨM PHÂN BIỆT
1. Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (Bhaddekaratta Sutta)
Bài kinh này nghĩa là ‘bài kinh về một đêm hành thiền tốt’ mô tả chi tiết về thiền Minh Sát. Đức Phật khuyên bảo chư Tỳ khưu không truy tầm quá khứ đã qua, không mơ ước tương lai chưa đến, nhưng nhận biết các pháp đang xảy ra trong hiện tại, cùng một lúc không liên can vào và không dính mắc đến chúng.
2. Kinh Ānanda Nhất Dạ Hiền Giả (Ānanda-bhaddekaratta Sutta)
Đây là bài kinh trong đó đại đức Ānanda lập lại cho chư tỳ khưu bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả, vì lý do đó Ānanda được đức Phật ngợi khen.
3. Kinh Mahākaccāna Nhất Dạ Hiền Giả (Mahākaccāna- bhaddekaratta Sutta)
Đây là bản tường trình chi tiết của đại đức Mahā Kaccāna về Thiền Minh Sát đối với Ngũ Uẩn như được đức Phật giải thích trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả. Đại đức Mahā-Kaccāna được đức Phật ngợi khen bài trình bày này.
4. Kinh Lomasakangiya- bhaddekaratta
Đây là bản tường trình chi tiết của đại đức Lomasakangiya về thiền Minh Sát đối với Ngũ Uẩn như được giải thích trong kinh Bhaddekaratta.
5. Tiểu Kinh Nghiệp Phân Biệt (Cūḷakamma-vibhanga Sutta)
Thanh niên Subha, con trai của ông Bà-la-môn, hiếu kỳ muốn biết tại sao một số người được sinh ra trong gia đình thuộc đẳng cấp cao, một số trong những gia đình hạ tiện; tại sao người thì giàu, kẻ thì nghèo; tại sao người thì đẹp kẻ thì xấu; tại sao người khỏe mạnh, sống lâu, kẻ thì đau yếu, chết yểu v.v... Cậu ấy đến gần đức Phật và hỏi tất cả là mười bốn câu hỏi để thỏa lòng hiếu kỳ của cậu. Đức Phật thuyết một bài kinh dài về Nghiệp và quả của nghiệp. Hành động, lời nói, tư tưởng có hậu quả bất tận về vui và buồn được kinh nghiệm ngay trong kiếp sống này và kiếp sau. Con người tùy thuộc vào hành động của chính họ và không có cái gì khác làm duyên cho họ và địa vị họ trong xã hội.
6. Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt (Mahākamma-vibhanga Sutta)
Đây là bài kinh khác về Nghiệp và Quả của Nghiệp mà rất khó thấy trước. Sự vận hành của nghiệp thật lạ kỳ và đáng ngạc nhiên nhất được giải thích như thế nào liên quan đến bốn loại người.
7. Kinh Phân Biệt Sáu Xứ (Saḷāyatana-vibhanga Sutta)
Bài kinh này là bản tường trình do đức Phật phân tích chi tiết về sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, sáu loại tâm phát sanh từ sáu loại tiếp xúc v.v...
8. Kinh Tổng Thuyết và Biệt Thuyết (Uddesa-vibhanga Sutta)
Trong bài kinh này, đức Phật dạy vắn tắt làm cách nào thu thúc tâm liên quan đến sáu ngoại xứ và không dính mắc vào sáu nội xứ, dẫn đến diệt khổ. Đại đức Kaccāna tường trình về chủ đề này được đức Phật ngợi khen.
9. Kinh Vô Tranh Phân Biệt (Araṇa- Vibhanga Sutta)
Bài kinh này là lời cổ vũ về pháp hành Trung Đạo, tránh hai cực đoan đắm say trong dục lạc và hành khổ hạnh ép xác, và về các loại đạo đức; không nói xấu sau lưng; không dùng tiếng lóng địa phương và không bác bỏ cách sử dụng ngôn ngữ đã quy ước và nên nói thanh tao và chậm rãi.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:01:13 GMT -5
10. Kinh Giới Phân Biệt (Dhātu-vibhanga Sutta)
Đây là bài kinh quan trọng được dạy cho Pukkusati, một ẩn sĩ ngoại đạo - đã từ bỏ đời sống gia đình, có cảm ứng với danh tiếng của đức Phật Gotama- người mà ông chưa gặp và người mà ông đã gặp trên đường. Đức Phật đi nhằm mục đích gặp ẩn sĩ ngoại đạo này trong một cái lều của người thợ gốm để dạy bài kinh này: Con người làm bằng sáu yếu tố, đó là, đất, nước, lửa, gió, hư không và thức. Khi phân tích không có yếu tố nào được tìm thấy là ‘của ta’ hay ‘ta’ hay ‘tự ngã của ta’. Tất cả chúng đều chịu luật vô thường, ba loại cảm thọ cũng vậy. Khi vị Tỳ khưu nhận thức bản chất thực của các hiện tượng tâm vật lý, vị ấy trở nên có trí tuệ tuyệt đối. Trí Tuệ về Chân Lý Cao Thượng.
11. Kinh Phân Biệt về Sự Thật (Sacca-Vibhanga Sutta)
Trong bài kinh này đức Phật dạy chư Tỳ khưu Tứ Diệu Đế như ngài đã dạy vào lúc thuyết bài kinh Chuyển Pháp Luân tại Isipatana ở Bārānasī. Sau đó ngài khuyên bảo chư Tỳ khưu tìm sự hướng dẫn từ hai vị trưởng lão, đại đức Sāriputta và đại đức Mogallāna, đại đức Sāriputta giống như người mẹ và đại đức Mogallāna giống như mẹ nuôi. Đại đức Sāriputta có thể phân tích và giải thích chi tiết Tứ Diệu Đế và dẫn họ đến tầng Đạo và Quả đầu tiên. Sau đó đại đức Mahā Mogallāna có thể dẫn họ đạt dần cho đến Đạo và Quả cao nhất, quả vị A-la-hán.
12. Kinh Phân Biệt về Cúng Dường (Dakkhiṇā-vibhanga Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho dì mẫu của ngài- Mahāpajāpati vào dịp bà cúng dường đức Phật một bộ y do chính tay bà làm. Đức Phật khuyên dì mẫu nên cúng dường Tăng đoàn, hội chúng Tỳ khưu. Đức Phật liệt kê mười bốn loại cúng dường cá nhân và bảy loại cúng dường cho Tăng đoàn, giải thích lợi ích thù thắng đạt được từ việc dâng cúng cho Tăng đoàn.
V. PHẨM LỤC XỨ (SALĀYATANA VAGGA)
1. Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍikovāda Sutta)
Bài kinh này được đại đức Sāriputta thuyết cho ông Anāthapiṇḍika trên giường trước khi ông qua đời. Đại đức Sāriputta ban lệnh ông đừng nắm giữ sáu nội căn, cũng chẳng chấp vào sáu ngoại trần, cũng đừng chấp giữ vào các cảm thọ phát sanh trong sự liên hệ với chúng, cũng đừng dính mắc vào sáu yếu tố (kể cả: Hư không và thức), cũng chẳng dính mắc vào ngũ uẩn, cũng không tha thiết mong các cảnh giới Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Vô Tưởng Phi Phi Vô Tưởng Xứ. Khi không dính mắc vào bất cứ cái gì trong chúng, giải thoát sẽ đến.
2. Kinh Giáo Giới Channa (Channavada Sutta)
Đại đức Channa bệnh rất nặng. Đại đức Sāriputta và Cunda đến thăm ông. Họ hướng dẫn ông hành thiền Minh Sát. Đại đức Channa từ trần và đắc A-la-hán.
3. Kinh Giáo Giới Puṇṇa (Puṇṇovāda Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho Puṇṇa về cách thực hành đời sống độc cư phạm hạnh. Khi đức Phật hỏi ông làm sao ông chiến đấu với nhũng tai họa đầy dẫy ở vùng ông sắp cư ngụ, ông bạch đức Phật về sáu loại can đảm chịu đựng ông có được kể cả việc giữ tâm xả với sự công kích ảnh hưởng ngay cả mạng sống của ông.
4. Kinh Giáo Giới Nandaka (Nandakovāda Sutta)
Bài kinh này được đại đức Nandaka thuyết cho năm trăm vị Tỳ khưu ni trong sự hiện diện của đức Phật vào một đêm trăng rằm. Đại đức đề cập đến mười hai phạm trù của nội ngoại xứ, sáu loại tâm thức, bản chất vô thường của chúng và làm sao thực hành Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Thất Giác Chi). Đại đức được Thế Tôn ủng hộ về việc trình bày pháp một cách rõ ràng mạch lạc.
5. Tiểu Kinh Giáo Giới Rāhula (Cūḷarāhulovāda Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho con trai của người Rāhula, lúc bấy là một vị Tỳ khưu trong Tăng đoàn, đủ chín chắn để nhận pháp tối thượng. Đức Phật thiết tha khuyên bảo ông trong hình thức hỏi và đáp về bản chất vô thường của mười hai xứ, nhờ đó đại đức Rāhula đắc A-la-hán quả.
6. Kinh Sáu Sáu (Chacchakka Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết thường xuyên cho nhiều Tỳ khưu về sáu nội xứ, sáu ngoại xứ, sáu loại tâm thức, sáu loại xúc, sáu loại thọ, sáu loại ái và mối tương quan của chúng dẫn đến sự tương tục của các hiện tượng từ đời này sang đời khác như thế nào.
7. Đại Kinh Sáu Xứ (Mahāsaḷāyatanika Sutta)
Bài kinh này là một bản trình bày về vô minh của sáu phạm trù pháp như sáu nội xứ, v.v... phát sanh tham ái và tham ái phát sanh khổ như thế nào. Nó cũng giải thích làm sao, khi nào chúng được thấy như chúng thực đang là bằng cách hành theo Bát Chánh Đạo, hiểu biết về Thất Giác Chi sanh khởi, và gặt kết quả là sự an lạc tịch tịnh Niết bàn.
8. Kinh Nói Cho Dân Chúng nghe (Nagaravindeyya Sutta)
Đây là bài kinh trong đó đức Phật giải thích cho dân làng Nagaravinda tính ưu việt thù thắng giữa Sa-môn và Bà-la-môn được cung kính tôn trọng và những ai không được. Chỉ những đạo sư người đã diệt trừ tham ái phát sanh từ Pháp xứ mới đáng cung kính tôn trọng.
9. Kinh Khất Thực Thanh Tịnh (Piṇḍapatapārisudhi Sutta)
Đây là bài kinh sách tấn chư Tỳ khưu giữ tâm trong sạch trong lúc trì bình khất thực hay trong lúc trai phạn, bằng cách từ bỏ tham ái, diệt trừ năm Triền Cái và phát triển hiểu biết về Thất Giác Chi nhờ thực hành liên tục.
10. Kinh Căn Tu Tập (Indriyabhāvanā Sutta)
Bài kinh này được đức Phật thuyết cho đại đức Ānanda chỉ rõ sự khác nhau giữa thu thúc lục căn do vị A-la-hán thực hành và do người vẫn còn tu tập thực hành. Đức Phật giải thích cảm giác thích và không thích hay xả phát sanh từ những hiện tượng hữu vi có thể sớm được diệt trừ bằng thực hành Thiền Minh Sát.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:03:09 GMT -5
Giới thiệu Tương Ưng Bộ Kinh U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch Bộ sưu tập này gồm những bài kinh trong Tạng Kinh được gọi Tương Ưng Bộ Kinh gồm 7.762 bài có độ dài không đều. Bộ sưu tập này gồm những bài kinh trong Tạng Kinh được gọi Tương Ưng Bộ Kinh gồm 7.762 bài có độ dài không đều, đa số là ngắn, được sắp xếp trong một thứ tự đặc biệt tùy theo chủ đề thành năm phần chính gọi là Năm Thiên: (a) Thiên có kệ (Sagāthā Vagga), (b) Thiên Nhân Duyên (Nidāna Vagga), (c) Thiên Uẩn (Khandha Vagga), (d) Thiên Sáu Xứ (Saḷāyatana Vagga) và (e) Thiên Đại Phẩm (Mahā Vagga). Mỗi thiên chính được chia thành năm sáu nhóm gọi là Tương Ưng - kết nhóm theo chủ đề liên quan. Sau khi thấy có những chủ đề liên quan tương ứng với nhau nên được gọi là Tương Ưng, ví dụ Tương Ưng Giác Chi về Bảy Yếu Tố Giác Ngộ, hay sau vài nhân vật chính như đại đức Sāriputta, vua Pasenadi xứ Kosala, hay Sakka. Tương Ưng Kosala là một nhóm những bài kinh liên đến vua Pasenadi xứ Kosala, Tương Ưng Devatā đề cập đến chư thiên như Sakka, Indra, Brahma, v.v... Mỗi Tương Ưng được chia lại thành nhiều phần làm thành những bài kinh riêng. Như vậy, bài kinh Chuyển Pháp Luân nổi tiếng là bài kinh thứ nhất trong phần thứ nhì của Tương Ưng Sự Thật nằm trong Thiên Đại Phẩm của Tương Ưng Bộ Kinh. Trong những đoạn trích sau đây chỉ trích ít bài kinh đại diện cho mỗi phẩm chính. A. THIÊN CÓ KỆ (Sagāthā Vagga Samyutta Pāḷi) Thiên chính này của Sagāthā Vagga Samyutta Pāḷi gồm mười một tương ưng có những bài kinh kết nhóm theo tính chất xuất hiện trong chúng, Vua cõi trời, Chư Thiên, Phạm Thiên, Ma vương, Vua xứ Kosala, Tỳ khưu, Tỳ khưu ni. Tên của Thiên Sagāthā, được chiết ra từ sự kiện rằng những nhân vật khác nhau xuất hiện trong những bài kinh tiến hành những cuộc đàm thoại hay phỏng vấn với đức Phật đa số bằng kệ. 1. Tương Ưng Chư Thiên (Devatā Samyutta) Thể theo lời thỉnh cầu của Phạm Thiên, đức Phật giải thích trong bài kinh Oghatarana của Tương Ưng này rằng vị ấy vượt bộc lưu ái dục, bộc lưu hữu, bộc lưu tà kiến, và bộc lưu vô minh không bằng cách dừng lại, cũng không bằng cách bước tới. Bằng cách dừng lại vị ấy sẽ bị chìm trong cơn xoáy; bằng cách bước tới vị ấy sẽ bị cuốn trôi theo dòng lũ. Vị ấy theo trung đạo. Đức Phật cũng dạy những bài kinh khác trong Tương Ưng này rằng tất cả chúng sanh bị vướng trong lưới của tham ái sản sinh ra do sáu nội căn và sáu ngoại trần. Con đường để thoát khỏi những vướng mắc này là trở nên an trú trong Giới, phát triển Thiền Định và Thiền Tuệ để hoàn mãn trí tuệ giải thoát. Tham ái (Taṇhā) vẫn còn có thể phát sanh, mãi cho đến khi người đó hoàn toàn phát triển trong tuệ Đạo. Sự kiện này được minh chứng nhờ sự tích của một thiên nam tên Samaṇa, trong kinh Acchrā. Một thanh niên nào đó có đức tin trong giáo Pháp của đức Phật xin được gia nhập Tăng đoàn. Sau đó nhận đề mục hành thiền theo ý thích, vị ấy chuẩn bị chốn độc cư trong rừng và tận tụy không ngừng vào việc hành thiền. Vị ấy nổ lực hành thiền rất tích cực. Như vậy, ngày và đêm cố gắng và bị mất sức vì thực phẩm thiếu chất bổ dưỡng, vị ấy đột nhiên bại liệt và gây tử vong ngay. Dù đã nổ lực hết sức trong việc hành thiền, vị ấy qua đời mà không đạt được tầng Nhập Lưu, Sotāpanna. Do tham ái chưa diệt trừ được, vị ấy phải chịu luân hồi; nhưng do quả của thiện nghiệp tích lũy được nhờ hành thiền, thiên cung nguy nga tráng lệ đang chờ vị ấy ở cõi trời Tāvatimsa (Đâu Suất). Bởi do hóa sanh ngay, vị ấy xuất hiện dường vừa thức giấc, ở cổng của sảnh đường, một thiên sanh rực rỡ trong thiên phục lộng lẫy. Vị ấy không nhận ra đã có một kiếp sống mới trong cõi giới mới. Chư thiên đang chờ vị ấy đến, đem cái gương lớn bằng thân người và đặt nó trước thiên nam này. Khi thấy hình phản chiếu của mình trong gương, cuối cùng vị ấy nhận ra mình đã bỏ kiếp sống Tỳ khưu và đã sanh vào cõi trời. Lúc bấy giờ, thiên nam Samaṇa rất lo sợ. Ông suy tưởng rằng ông hành thiền không phải được tái sanh vào cõi trời nhưng để đạt được mục đích cuối cùng là quả vị A-la-hán. Vì vậy, không vào thiên cung, ông vội vã đến yết kiến đức Phật. Ông hỏi đức Phật làm sao tránh, và bước qua vườn Mohana, cõi trời Tam Thập Tam Thiên (Tāvatiṃsa), đầy các thiên nữ, nhưng đối với ông họ giống như quỷ dạ xoa. Đức Phật khuyên ông rằng, con đường thẳng để nhanh chóng thoát khỏi là Bát Chánh Đạo sử dụng cỗ xe Minh Sát hai bánh, hợp với hai bánh sử dụng thể chất và sử dụng tinh thần. Trong lúc đức Phật đang dạy Pháp trong ba bài kệ, thiên nam Samaṇa, có khả năng phát triển nhanh những Tuệ Minh Sát liên tiếp nhau từng bước mãi cho đến khi đạt Đạo và Quả thứ nhất. 2. Tương Ưng Thiên Tử Trong bài kinh Rohitassa của Tương Ưng này, thiên nam Rohitassa đến với đức Phật với một vấn đề khác. Ông kể đức Phật rằng trong một kiếp trước ông là một ẩn sĩ có thần thông làm ông có khả năng du hành khắp vũ trụ với tốc độ cực kỳ nhanh. Ông đã du hành với tốc độ đó trong hơn một trăm năm đến tận cùng thế giới nhưng ông đã không thành công. Ông muốn biết, liệu có thể biết, thấy hay đến tận cùng thế giới nơi không sanh cũng không tử bằng cách du hành đến đó không. Đức Phật nói ngài không tuyên bố rằng có tận cùng thế giới nơi không sanh cũng không tử được biết hoặc thấy hay nghe hoặc đến bằng cách du hành đến đó. Tuy nhiên ngài không nói rằng có dứt khổ mà không đạt đến Niết bàn. Chính trong tấm thân dài một trượng này cùng với nhận thức và tâm của nó mà đức Phật mô tả thế giới, thế giới sanh, thế giới diệt và con đường dẫn đến sự tận diệt thế giới. Con đường của đức Phật dẫn đến sự tận diệt thế giới là con đường Bát Chánh Đạo. 3. Tương Ưng Kosala Trong Tương Ưng này là những bài kinh rất thú vị mô tả những lần gặp gỡ thường xuyên của đức Phật với Vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua đã từng nghe danh tiếng của đức Phật qua hoàng hậu Mallikā nhưng chưa gặp ngài. Nhưng khi cuối cùng, vua diện kiến đức Phật như được mô tả trong kinh Dahara, ông đặt câu hỏi trực tiếp liệu đại đức Gotama tuyên bố đã đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vua nói rằng có mấy đạo sư ở các giáo phái khác như Pūraṇa Kassapa, Makkhali Gosāla, Nigaṇṭha Nāṭaputta, Sañcaya, Pakudha và Ajita, với hệ thống riêng của họ, cùng với đồ chúng riêng của họ, những đạo sư đó cao tuổi hơn đức Phật và nói chung đều được xem là A-la-hán. Ngay cả những đạo sư này cũng không tuyên bố đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đức Phật trả lời rằng nếu điều đó có thể được nói một cách chính xác về bất cứ ai đã đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì điều đó chỉ có thể nói một cách chính xác về chính ngài. Đức Phật nói thêm rằng, có bốn điều không nên coi thường và kinh chê bởi vì chúng trẻ. Chúng là vương tử trẻ, rắn, lửa và Tỳ khưu. Ấu Chúa của dòng dõi cao thượng không nên bị khinh chê. Một ngày nào đó có thể trở thành một vị vua hùng mạnh và tiến hành trả thù hoàng gia. Con rắn quặn đau bò rất nhanh; nó có thể tấn công và cắn người bất cẩn. Lửa nhỏ, khi thờ ơ không hay biết có thể phát triển dữ dội và gây tai họa không lường. Người nào khinh thường Tỳ khưu có giới hạnh trong sạch sẽ đem lại quả bất thiện cho chính ông như hao tán tài sản và thiếu con cháu kế thừa từ đó. Kinh Dutiya Aputtaka mô tả một dịp khác vua Pasenadi viếng đức Phật sau khi vua vừa mới tịch biên tài sản tích lũy vô số của ông triệu phú vừa mới qua đời. Người chết để lại tài sản trị giá hơn trăm triệu mà không có người kế thừa nên trở thành tài sản của đức vua. Đức vua tường thuật rằng ông triệu phú là người đại keo kiệt, người bủn xỉn, ganh tỵ ngay với chính mình cuộc sống tiện nghi thoải mái. Ông chỉ mặc vải thô, mòn sơ cả chỉ, ăn thực phẩm thô xấu và đi bằng xe cũ, ọp ẹp và không có trần. Đức Phật xác định những gì vua nói về ông triệu phú là hoàn toàn đúng và kể cho đức vua lý do keo kiệt của ông triệu phú. Trong một trong những kiếp quá khứ, ông gặp một vị Phật Độc Giác đang trì bình khất thực. Ông cho phép gia đình ông cúng dường Độc Giác và ra đi để trông coi công việc. Trên đường trở về, ông gặp Vị Phật Độc Giác, ông hỏi ngài liệu gia đình ông đã dâng cúng thực phẩm cho ngài chưa và nhìn vào trong bát. Khi nhìn vào trong bát một ý nghĩ bất thiện đột khởi lên trong tâm ông rằng thật lợi ích hơn cho đầy tớ ông ăn những thực phẩm như thế hơn là cho vị Phật Độc Giác. Đối với hành động tốt cho phép gia đình ông cúng dường Phật Độc Giác ông được tái sanh vào cõi trời bảy lần và thành triệu phú bảy lần ở cõi người. Nhưng như là quả của ý nghĩ xấu mà ông đã đùa trong kiếp trước đó, ông không bao giờ có ý hướng thọ dụng quần áo đẹp, thức ăn ngon, và đi xe tiện nghi. Bây giờ ông triệu phú đã hưởng tận quả tốt cũng như quả xấu của ý nghĩ và hành động của ông liên quan đến dâng cúng thực phẩm cho vị Phật Độc Giác. Nhưng bất hạnh thay ông phải đương đầu với hành động xấu nghiêm trọng hơn, đó là gây ra cái chết của chính đứa cháu trai ông. Trong một kiếp quá khứ. Đức Phật kể đức vua rằng vì vậy sau khi chết ông được tái sanh vào cõi người, trong tình trạng đau khổ vô cùng, Mahāroruva. 4. Tương Ưng Phạm Thiên (Devata Samyutta) Nhiều người Bà-la-môn trong dòng Bhāradvāja trở thành đệ tử tận tụy với đức Phật, cuối cùng đắc A-la-hán quả. Trước tiên, tất cả họ đều hoàn toàn không thân thiện, nếu không nói tỏ ra thù nghịch công khai. Bhāradvāja Gotta, đề cập trong kinh Dhanañjanī, là một Bà-la-môn như vậy. Mặc dầu vợ ông Dhanañjanī là một đệ tử của đức Phật, rất tận tụy với Phật pháp. Bhāradvāja Gotta và những ông thầy Bà-la-môn coi khinh đức Phật và giáo Pháp của ngài. Vào một dịp khi Bhāradvāja đang đãi tiệc cho các ông thầy Bà-la-môn của ông, vợ ông trong lúc đang bưng dọn cho mấy ông Bà-la-môn này đột nhiên trượt chân và khi cố gắng lấy lại thăng bằng, bà buột miệng hứng khởi với tâm thành kính hướng đến đức Phật: “Cúi đầu đảnh lễ Đấng Từ Tôn, bậc Chánh Biến Tri Đáng Cúng Dường”. Khi nghe đến từ ‘Phật’, mấy ông thầy Bà-la-môn này nhổm dậy khỏi ghế và chạy tan tác mỗi người một ngã như bầy quạ bị một hòn đá ném vào giữa chúng. Giận dữ bảo vợ ông rằng ông sẽ đánh bại đức Phật trong cuộc luận chiến, Bhāradvāja đi gặp đức Phật. Cuộc diện kiến chấm dứt với việc Bhāradvāja xin phép đức Phật được vào Tăng đoàn. Cuối cùng ông đắc A-la-hán quả. Kinh Mắng Nhiếc (Akkosa) đề cập đến em trai của ông Bhāradvāja Gotta - Akkosa Bhāradvāja, khi nghe rằng anh ông đã gia nhập Tăng đoàn của đức Phật, ông rất bực tức. Cuồng nộ ông lao đi gặp đức Phật phỉ báng và mắng nhiếc, nói lời không tốt đẹp, ác ngữ. Rất từ hòa và đầy lòng bi mẫn, đức Phật hỏi thanh niên Bhāradvāja liệu ông có từng tặng quà cho bạn hay bà con không. Khi thanh niên Bhāradvāja trả lời rằng ông thực sự thường tặng quà cho bạn ông và thân quyến ông, đức Phật hỏi ông, “Điều gì sẽ xảy ra đối với quà của ông nếu bạn ông và thân quyến ông không nhận chúng?”. Được thôi thì lúc đó giữ chúng lại là tài sản của tôi, Bhāradvāja trả lời. Sau đó đức Phật nói, “Ông đã chất thành đống những lời mắng nhiếc xỉ vả chúng tôi mà chúng tôi không thốt một lời mắng nhiếc xỉ vả ông. Ông đã xúc phạm và gây rối chúng tôi mà chúng tôi không xúc phạm cũng chẳng quấy rối ông. Thanh niên Bhāradvāja, chúng tôi không nhận những lời xỉ vả, xúc phạm và quấy rối của ông. Chúng ở với ông như tài sản của chính ông.” Ngạc nhiên bởi phản ứng bất ngờ này, Bhāradvāja hoảng sợ với ý nghĩ rằng đây có thể là phương pháp ném câu thần chú vào ông bằng cách trả đũa của một ẩn sĩ. Ông hỏi đức Phật liệu ngài có giận ông vì thái độ thô lỗ không. Đức Phật trình bày rằng ngài đã không sân hận từ lâu. Được thoát khỏi mọi cấu uế trong tâm làm sao ngài có thể bực mình ông! Cuối bài kinh này, Akkosa Bhāradvāja, người em trai cũng từ bỏ gia đình để gia nhập Tăng đoàn của đức Phật. Đúng thời, ông cũng hoàn thành trong thượng trí và đắc A-la-hán quả. Trong bài kinh Kasi Bhāradvāja là một bản tường trình về cuộc gặp gỡ của đức Phật và ông Bà-la-môn Kasi Bhāradvāja, chủ đất giàu có. Bấy giờ là lúc gieo mạ và Kasi Bhāradvāja đang sửa soạn để bắt đầu cày với năm trăm lưỡi cày. Đó là vào một dịp tốt để phân phát thức ăn và các lễ vật. Đức Phật đi đến nơi thức ăn đang được phân phát và đứng bên vệ đường. Thấy ngài chờ thực phẩm, Kasi Bhāradvāja nói với ngài rằng, “Sa môn, tôi cày và tôi gieo. Đã cày và gieo, tôi ăn. Sa môn, ngài cũng vậy, nên cày và gieo; đã cày và gieo, ngài nên ăn.” Đức Phật trả lời, “Bà-la-môn Như Lai cũng cày và gieo, và sau khi cày và gieo, Như Lai ăn”. “Chúng tôi không thấy ách, cày hay cột hay bò của ông đâu cả. Thế mà ông tuyên bố ông là người cày ruộng. Làm sao ông có thể giải thích cho chính ông” ông Bà-la-môn hỏi. “Đức tin mà Như Lai đã có từ thời còn là ẩn sĩ Sumedha, là hạt giống. Nó sẽ mọc để kết quả Niết bàn. Giới mà Như Lai luôn gìn giữ để thu thúc lục căn là mưa. Hai loại trí tuệ trần thế và siêu thế, Như Lai có là cày và ách. Tàm và quí (hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi) là cột và cán cày. Tinh tấn của Như Lai là con bò, và định của Như Lai là sợi dây cột con bò vào cái ách. Niệm của Như Lai là lưỡi cày và gậy. Canh giữ lời nói và tiết độ trong ăn uống, những việc tự kiềm chế nầy là hàng rào quanh ruộng Pháp của Như Lai. Với con bò đã chế ngự như tinh tấn của Như Lai, Như Lai cứ tiếp tục cày, không bao giờ trở lại cho đến khi hạt giống phát sanh quả Niết bàn, bất tử. Sau khi đã cày như thế, bây giờ Như Lai ăn những gì Như Lai đã gieo và Như Lai thoát khỏi mọi loại khổ ải”. Trong bài kinh Gahaṭṭhavandana đức Phật giải thích rằng người Bà-la-môn tinh thông Vệ Đà cũng như các vị vua trị vì cõi người, và chư thiên ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương và Tam Thập Tam Thiên đảnh lễ Thiên Vương, Sakka. Thiên Vương tôn kính và tuân phục không những chỉ chư vị Sa môn hằng sống đời phạm hạnh không hề vi phạm một học giới nào trong nhiều năm mà còn đối với những cư sĩ của đức Phật, những người đã có đức tin vững chắc và đã làm những thiện nghiệp như bố thí, thọ trì Ngũ Giới, Bát Giới hay Thập Giới và chu toàn mọi bổn phận trong gia đình. B. THIÊN TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN (Nidāna Vagga Samyutta Pāḷi) Phần chính hai này của Thiên Nhân Duyên gồm mười bài kinh liên quan đến những phương diện cơ bản của học thuyết. Những bài kinh đa phần liên quan đến sự tương duyên và phụ thuộc lẫn nhau, được giải thích trong công thức chi tiết gọi là ‘Paṭiccasamuppāda’ Thập Nhị Nhân Duyên. Những phương diện khác nhau của Thập Nhị Nhân Duyên, cùng với sự trình bày về lý thuyết liên quan đến pháp hành trong đời sống phạm hạnh hình thành chủ đề chính của những bài kinh đầu tiên trong tương ưng này. 1. Tương Ưng Nhân Duyên (Nidāna Samyutta) Trong bài kinh Thập Nhị Nhân Duyên, bài kinh đầu tiên của tương ưng này phác thảo dạng công thức được đức Phật giải thích ngắn gọn cho năm trăm vị Tỳ khưu mà đức Phật đã nhận biết họ đã phát triển đầy đủ và chín muồi quả vị A-la-hán. Trong bài kinh Phân Biệt (Vibhanga Sutta), bài kinh thứ hai của tương ưng này, Lý Duyên Khởi được giải thích đầy đủ chi tiết hơn cho cùng những vị Tỳ khưu đó. Trong bài kinh Sợ Năm Kẻ Thù, đức Phật đặt ra những tiêu chuẩn qua đó có thể đánh giá địa vị của thánh Tăng. Nếu một Tỳ khưu thoát khỏi năm mối nguy hiểm phát sanh từ năm hành động xấu, đó là, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say; nếu vị ấy có được bốn điều thành tựu của bậc thánh Nhập Lưu, đó là, tín tâm kiên trì và đức tin vào giới và những ân đức của Phật, Pháp và Tăng, và sự trong sạch hoàn toàn trong giới; và nếu vị ấy có kiến thức phân tích sâu sắc về Lý Duyên Khởi, vị ấy chắc chắn sẽ có tương lai tươi sáng, không có nguy hiểm sanh vào những khổ cảnh, khốn khổ và chắc chắn phát triển thêm lên trong đời sống phạm hạnh. Trong kinh Nhục Tử Dụ giải thích rằng bốn thực phẩm (āhāra) là ‘những duyên’ cần thiết cho sự sống và tương tục của chúng sanh: (i) Vật Thực (Kabalīkārāhāra), (ii) Xúc Thực (Phasa); sự tiếp xúc giác quan với giác trần, (iii) Thức Thực (viññāṇa) và (iv) Tư Niệm Thực (manosañcetanā). Bài kinh này thuyết đặc biệt cho chư Tỳ khưu trẻ vừa mới được gia nhập vào Tăng đoàn. Họ được lệnh khi dùng bửa phải quán tưởng bản chất uế trược của vật thực hầu không bị tham lam và dính mắc vào vật thực chế ngự. Một Tỳ khưu nên dùng bửa không phải để vui đùa hay ham mê vô độ, nhưng chỉ để thân này được duy trì mạnh khỏe, để trợ duyên phạm hạnh. Đức Phật cho một ẩn dụ đặc biệt để minh họa ở đây: Một cặp vợ chồng khởi một cuộc hành trình rất dài cùng với đứa con yêu của họ, giữa lộ trình họ thiếu thực phẩm. Không có cách nào có đồ dự trữ tươi. Nguy cơ chết đói ở trước mắt họ. Đứa bé sớm bị đói và chết. Ông và vợ ông quyết định cứu mạng họ bằng cách ăn thịt chết đứa con họ. Họ ăn không có chút hứng thú nào cũng chẳng vui thích gì mà chỉ để duy trì mạng sống cho họ đi tiếp phần còn lại của cuộc hành trình. Đức Phật cho những ẩn dụ thông minh khác nhằm hiểu ba loại thực phẩm còn lại. Khi hiểu bản chất thực của thực phẩm mà mạng sống con người tùy thuộc vào người ấy hiểu tham ái (taṇhā), có trách nhiệm với mọi nỗi khổ. Từ đó mở ra con đường đến giải thoát siêu việt, quả vị A-la-hán. Kinh Ẩn Sĩ Ngoại Đạo (Susima Paribbājaka Sutta) tường thuật về ẩn sĩ ngoại đạo, Susima là một trong những người gia nhập Tăng đoàn với những động cơ kín đáo. Sau khi an cư mùa mưa nhiều Tỳ khưu đến đảnh lễ đức Phật để bạch ngài về việc thành tựu A-la-hán quả của họ. Khi ông biết từ những vị A-la-hán này rằng họ không có thần thông nào cả chẳng hạn như Thiên Nhãn Thông, Thiên Nhĩ Thông hay Tha Tâm Thông, ông rất thất vọng. Ông vào Tăng đoàn chỉ để đạt được những thần thông như thế với những thứ đó ông sẽ gặt hái được nhiều danh và lợi cho chính bản thân ông. Ông đến gần đức Phật và tìm hiểu làm sao những Tỳ khưu đó có thể tuyên bố quả vị A-la-hán khi họ không có thần thông nào cả. Đức Phật giải thích cho ông rằng họ giải thoát nhờ Tuệ Minh Sát thuần túy không có đắc các tầng thiền. Chỉ nhờ thiền Tuệ họ đã thấy thực chất của danh (nāma) và vật chất (rūpa) (những thực tại của pháp, dhammaṭṭhiti) tiếp theo sau đó nhờ chứng ngộ Niết bàn qua Tuệ đạo. Đức Phật đưa ông đi qua cùng một khóa, kiểm tra bằng vấn đáp hiểu biết của ông về ngũ uẩn, bản chất thực của chúng về vô thường, khổ và vô ngã, cuối cùng an định trong ông tuệ quán rằng không có gì trong ngũ uẩn này có thể xem như, “Đây là của tôi, đây là Tôi; Đây là sở hữu của tôi”. Cuối thời pháp ông hoàn toàn hiểu được pháp cùng với thành tựu quả vị A-la-hán. Khi ông tự chứng ngộ quả vị A-la-hán mà không sở hữu một thần thông nào, ông sám hối đức Phật về việc trước kia ông gia nhập Tăng đoàn với động cơ kín đáo đó và xin được tha thứ cho ông về những ý định xấu như vậy. 2. Tương Ưng Giới (Dhātu Samyutta) Luật hấp dẫn tự nhiên được đức Phật chỉ rõ trong bài kinh Cankama của Tương Ưng này trong lúc ngài đang ngự tại đồi Gijjhakūṭa gần thành Rājagaha (Vương Xá). Ngài nhắc chư Tỳ khưu chú ý đến ngoại cảnh nơi chư đệ tử cao hạ của ngài đang tản bộ được đồ chúng riêng của họ theo hầu. Ngài nói: “Này chư Tỳ khưu, những Tỳ khưu dưới sự lãnh đạo của đại đức Sāriputta đều thông minh có kiến thức sâu rộng về Pháp. Những ai vây quanh đại đức Mahā Moggallāna đều thành tựu nhiều thần thông. Đại đức Kassapa và chúng đệ tử của ông đều thọ trì giới luật nghiêm nhặt về hạnh ‘Đầu Đà’ (Dhutanga). Chư Tỳ khưu do đại đức Anurudha hướng dẫn đều có đủ Thiên Nhãn Thông. Đại đức Punna và chúng đệ tử ông đều thành thạo trong việc giảng dạy giáo pháp. Đại đức Upāli và những đệ tử ông đều tinh thông giới luật và chư Tỳ khưu dưới sự hướng dẫn của đại đức Ānanda được biết là có kiến thức về nhiều mặt. Devadatta và nhiều đồ chúng của ông nổi tiếng bởi những tà hạnh, tư ý và tham muốn của họ. Chư Tỳ khưu chúng sanh tụ hội với nhau tùy theo xu hướng và thiên hướng tự nhiên của họ. Luật hấp dẫn hoạt động trong cách như vậy mà những sự đồng cảm tụ họp lại với nhau, những ai có thiên hướng xấu thành một nhóm, những ai có thiên hướng tốt thành một nhóm khác. Luật hấp dẫn này đã từng chứng tỏ đúng trong quá khứ, như nó đúng trong hiện tại và sẽ đúng trong tương lai. 3. Tương Ưng Anamatagga (Anamatagga Vagga) Trong những bài kinh khác của Tương Ưng này, đức Phật dạy vòng luân hồi (saṃsāra) đại diện cho sự sanh diệt liên tục của uẩn (khandhas), xứ (āyatana) và giới (dhātu). Tiến trình tiến hóa và hủy diệt không dứt của giới (dhātus) (những yếu tố tâm và vật chất cơ bản) và ngũ uẩn (hợp chất của các giới) là vô tận. Bị vô minh (avijjā) và triền cái (nīvaraṇas) che phủ, và tham ái (taṇhā) ràng buộc, chúng sanh đã từng thác sanh từ kiếp này sang kiếp khác quanh quẩn trong vòng luân hồi (saṃsāra) mãi mãi trong những thời kỳ không thể đếm được. Để là sáng tỏ nỗi khổ vô vàn của chúng sanh phải trải qua, đức Phật đã cho nhiều ví von trong tương ưng này, sự ví von minh họa rõ nhất là chúng sanh trong bốn đại dương và núi Vepulla được cho trong bài kinh Assu. Nước mắt đã đổ xuống qua nhiều thời đại bởi mỗi chúng sanh vì nỗi khổ của bệnh tật, tử vong, ái biệt ly, oán hội ngộ sẽ làm đầy tới bờ bốn đại dương. Xương của mỗi chúng sanh sau khi chết để lại trong mỗi kiếp sống, nếu chất lại một chỗ và bảo quản khỏi bị mất mát và hư hoại, sẽ cao bằng núi Vepulla nằm ở phía bắc đồi Gijjhakūṭa. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luân hồi khổ bất tận này là nhận rõ bản chất thực của ngũ uẩn (khandhas) bằng phương tiện hành thiền Minh Sát mãi cho đến khi vỡ tan ảo mộng với chúng; và như vậy diệt trừ tham ái dính mắc vào chúng và vị ấy được giải thoát và chứng ngộ Niết bàn. Đức Phật dạy trong nhiều bài kinh khác rằng một người trong cùng lúc đó phát triển tâm từ đến tất cả chúng sanh với nhận thức rằng, suốt trong cuộc hành trình dài không thể đo lường được qua vòng luân hồi, không có chúng sanh nào đã không là mẹ, cha, chị anh, hay con trai, con gái, bà con hay bằng hữu của mình. 4. Tương Ưng Kassapa (Kassapa Samyutta) Trong bài kinh Nguyệt Dụ (Candupama) của Tương Ưng này đức Phật đặt ra những quy tắc đạo đức cho chúng Tỳ khưu, cho ví dụ của mặt trăng chỉ như mặt trăng toả ánh sáng trên người và vật một cách bình đẳng cũng vật một Tỳ khưu nên đối xử bình đảng với tất cả mọi người, trẻ hay già hoặc trung niên, không tỏ ra ưa thích một ai cũng chẳng oán thù người nào. Người ấy phải đối xử họ với sự quan tâm thích đáng, khiêm tốn và ngoan hiền. Chánh niệm nên hằng hiện hữu trong mọi quan hệ với mọi tầng lớp nhân dân. Ví dụ, khi một người nào đó cố gắng lấy nước uống từ cái giếng cũ hay từ bờ sông có cát sụt hay từ dưới một vách nước đứng, người ấy rất thận trọng đến gần nguồn nước, điều khiển tác phong và hành động của mình. Cũng giống như vậy một Tỳ khưu nên hành xử với đại chánh niệm trong lúc liên hệ với người ở mọi tầng lớp. Trong khi dạy pháp cho cư sĩ, nếu động cơ của vị ấy là để có lợi và danh cho chính mình, thì việc giảng dạy đó nên xem là không trong sạch. Pháp nên luôn luôn được dạy chỉ vì lòng từ và với tư tưởng trong sạch hầu Pháp được hoàn thiện ở phần đầu, hoàn thiện ở phần giữa và hoàn thiện ở phần cuối, đó là, Pháp về Giới (sīla), Định (Samādhi) và Tuệ (Paññā) có thể được nghe, hiểu và thực hành bởi thính giả. Trong bài kinh Saddhammappatirupaka, đức Phật phác thảo những nhân duyên do đó giáo Pháp sẽ hoại diệt và do nhân duyên nào nó sẽ phát triển... Đức Phật cho bài pháp nhằm trả lời vấn đề do đại đức Mahākassapa hỏi tại sao ngày trước đức Phật ban hành chỉ có ít điều luật mà đã có một số lớn A-la-hán; ngày nay giới luật nhiều gấp bội chỉ có số ít đắc quả vị A-la-hán. Đức Phật giải thích rằng một số điều luật tăng thêm cho cân xứng với tình trạng thoái hoá đạo đức của chúng sanh. Bao lâu giáo Pháp không xuất hiện sai lạc và giả dối trong ba ngành của giáo Pháp (pariyatti: Học lý thuyết; paṭipatti: Thực hành; paṭivedha: Quả của pháp hành: thành tựu): học, hành và thành, thì giáo Pháp sẽ vẫn còn chân chính, trong sạch và không bị lu mờ. Nhưng khi giáo pháp sai lạc và giả dối xuất hiện, giáo pháp này cùng với ba ngành của nó sẽ sa sút dần cho đến khi nó cùng biến mất, cũng vậy khi vàng thật biến mất thì vàng giả sẽ thế vị trí đó. Đức Phật kết luận: “Và Kassapa, chỉ như sắc bị hủy vì gỉ, chính những thành viên trong Tăng đoàn hư hỏng, trái đạo đức, thì không thể hy vọng đạt được thượng trí, những người đó sẽ làm suy vi giáo Pháp”. Trong mấy bài kinh cuối của Thiên Nhân Duyên là những bài kinh mô tả số mệnh kinh khủng của những Tỳ khưu và Tỳ khưu ni đồi bại và những người đời đã làm những ác nghiệp trong những kiếp trước. Đại Đức Moggallana thấy họ thống khổ vô vàn trong cảnh giới ngạ quỷ (Peta) và mô tả sống động những hoàn cảnh của họ. Đức Phật xác định những gì đại đức Moggallana đã tường thuật.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:03:54 GMT -5
C. THIÊN UẨN (Khandha Vagga Samyutta Pāḷi)
Chủ đề chính của hầu hết các bài kinh trong thiên này là, như tên ám chỉ, ngũ uẩn (khandha) gồm những gì được xem là chúng sanh. Mỗi thành phần của các uẩn này, đó là, vật chất, thọ, tưởng, hành, và thức được chỉ như một chùm khổ (dukkha). Thiên Uẩn gồm mười ba bài tương ưng hình thành một bộ sưu tập những luận thuyết về những chủ đề như thế nầy atta, anatta, thường kiến và đoạn kiến.
Kinh Nakulapitu cho một bài tường thuật về lời khuyên Nakulapita, một vị đệ tử cao tuổi của đức Phật. Vị ấy xin đức Phật cho lời khuyên về làm sao cư xử và giữ chính mình khỏi những nỗi đau của tuổi già và bệnh tật. Đức Phật giải thích rằng Vật Chất Uẩn (rūpakkhandha), thân vật chất là một chùm khổ, thường xuyên phải chịu nỗi đau của tuổi già và bệnh tật. Tâm cảm có thể giữ cho thoát khỏi những thống khổ và đau đớn bằng cách giữ nó không bị ô nhiễm với những bất tịnh. Đại đức Sāriputta cho Nakulapita một bản trình bày chi tiết hơn về lời giải thích ngắn gọn này của đức Phật. Người đời thông thường không được hướng dẫn bám vào ngũ uẩn do tham ái và ngã mạn, và giữ tà kiến rằng mỗi trong những uẩn này (vật chất, thọ, tưởng, hành, và thức) là ngã (atta). Ngay cả khi ông bám vào năm uẩn như atta, những uẩn này biểu thị những đặc tính bức bách riêng của chúng bởi nỗi đau quấy rầy của tuổi già, của bệnh tật và nỗi đau của cấu uế (kilesa). Bởi những nỗi đau bức bách này người đời thông thường không được hướng dẫn phải chịu sầu, ưu, khổ, não và thất vọng. Nhưng khi người đời trở nên được hướng dẫn và trở nên hoàn thành trong Ba Mươi Bảy Yếu Tố Giác Ngộ, người đó không bám níu vào ngũ uẩn do tham ái, ngã mạn và nắm giữ những tà kiến về ngã. Sau đó mặc dù ngũ uẩn biểu thị những đặc tính bức bách riêng của chúng, người đó không còn chịu những nỗi đau khổ về tinh thần của sầu, ưu, khổ, não, và thất vọng nữa.
Trong kinh Bhāra, ngũ uẩn chấp thủ (pañcuppādāna-kkhandha) được xem như là gánh nặng. Chính tham ái dính mắc vào những đối tượng giác quan - dục ái - hữu ái và vô hữu ái có trách nhiệm với gánh nặng được mang theo này. Chứng ngộ Diệt đế, Niết bàn, nơi ái hoàn toàn diệt trừ, nơi gánh nặng này cuối cùng được vất bỏ.
Kinh Song Đối (Yamaka Sutta) giải thích rằng ngũ uẩn có bản chất vô thường; chúng nên được xem như kẻ thù của chính mình. Hiểu bản chất thực vô thường, bất toại nguyện và không bền vững của chúng; hai mươi loại tà kiến về ngã nên được diệt trừ hầu người đó có thể không bị những kẻ thù này chiếm đoạt.
Kinh Vakkali tường thuật về lần đức Phật viếng thăm Vakkali, một Tỳ khưu bệnh theo lời thỉnh cầu của ông. Lòng đại bi của đức Phật trở nên rõ ràng trong bài này. Khi Vakkali bạch Phật rằng từ lâu ông từng mong được ghé mắt chiêm ngưỡng đức Phật, đức Phật nhẹ nhàng lại gần ông: “Vakkali, Có gì khi nhìn thấy cái thân đang thối rữa của Như Lai? Thấy Pháp là đủ. Người nào thấy Pháp là thấy Như Lai. Cái thân này của Như Lai đây cũng giống như tất cả các thân khác - luôn mục nát, hoại diệt dần”. Sau đó, đức Phật dạy ông Pháp về tính cách vô thường của tất cả các pháp, tính bất toại nguyện và không vững bền của chúng và cuối cùng chỉ ông con đường giải thoát.
Về ngũ uẩn, đức Phật dạy tốt hơn một người nên hiểu lầm thân vật lý của mình như ngã (atta), hơn là tâm hay thức, bởi vì thân vật lý tỏ ra cứng rắn và có vật chất hơn tư tưởng hay tâm thường xuyên thay đổi nhanh hơn thân vật lý.
Kinh Khemaka tường thuật cuộc đối thoại giữa Tỳ khưu Khemaka và một nhóm Tỳ khưu muốn xác nhận giai đoạn thành tựu của họ. Khi chư Tỳ khưu hỏi ông liệu ông thấy ngã hay bất cứ cái gì chứa ngã trong ngũ uẩn không, Khemaka trả lời “Không”. Nhưng khi chư Tỳ khưu đề nghị rằng, nếu vậy ông hẳn là A-la-hán thoát khỏi mọi uế nhiễm, Khemaka trả lời rằng mặc dầu ông không thấy ngã hay bất cứ cái gì liên quan đến ngã trong ngũ uẩn, ông không phải là A-la-hán thoát khỏi mọi lậu hoặc. Ông vẫn còn cảm giác mơ hồ “ta là” dầu ông không thấy rõ ‘Đây là ta’ liên quan đến vật chất, thọ, tưởng, hành và thức.
Cảm giác mơ hồ của ông giống như mùi của hoa: Nó không giống mùi của cánh hoa, cũng không phải mùi của sắc hoa, cũng không phải của nhụy, nhưng mùi của hoa. Rồi ông tiếp tục giải thích rằng ngay cả một người giữ lại cảm giác “tôi là” ở những giai đoạn của chứng ngộ, khi người ấy tiến bộ hơn và đạt những tầng cao hơn, cảm giác của “Tôi là” biến mất luôn, chỉ như mùi của xà phòng bám vào áo quần mới giặt và biến mất sau một thời gian khi được cất trong thùng.
Trong kinh Hoa (Puppha Sutta), đức Phật tuyên bố rằng ngài không tranh cãi cũng không biện luận với đời; chỉ có thế giới có chư thiên của cõi đó, ma vương, vua và dân chúng đang tranh cãi với ngài. Tuyên bố sự thật không bị vướng vào tranh cãi. Ngài nói chỉ với bậc trí giữ đúng sự thật. Bậc trí nói rằng không có vật chất, thọ, tưởng, hành và thức nào mà vững chắc, trường tồn, kiên trì được cả. Ngài cũng nói như vậy. Bậc trí nói rằng chỉ có vật chất, thọ, tưởng, hành, và thức là không bền vững, vô thường và khổ. Ngài cũng nóivậy.
“Trong thế giới luôn thay đổi này, chỉ có các thứ thường xuyên chịu sự thay đổi và hoại diệt. Nhận thức được bản chất thực của chúng, Như lai tuyên bố rằng thế giới là tập hợp các thứ phải chịu hoại diệt và tan rã, đó là vật chất uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn, chúng không ngừng sanh rồi diệt. Không có cái gì khác ngoài các uẩn đang băng hoại nầy. Chư Tỳ khưu, Như Lai dạy pháp này một cách vắn tắt, Như Lai cũng dạy Pháp này một cách sâu sắc hơn và hoàn tất hơn. Nhưng nếu người đời tầm thường không được hướng dẫn vẫn không nhận thức và không biết bất chấp nghe được những bài pháp rất sáng tỏ để giác ngộ, thì Như Lai làm sao có thể giúp được? Chư Tỳ khưu, hoa sen nhiều loại khác nhau mọc trong nước, phát triển trong nước, trồi lên trên mặt nước, và không bị ô nhiễm bởi nước bùn; cũng vậy Như Lai được sanh ra trong đời này, Như Lai trưởng thành trong đời này và vươn cao lên trên đời này mà không bị dính mắc vào đời, không bị ảnh hưởng bởi đời”.
Trong bài kinh Pheṇapiṇḍūpama, vật chất uẩn giống như bọt nước; nó không bền vững, vô thường, luôn sanh và diệt. Do đó nó không có ngã. Thọ uẩn giống như bong bóng khí, biến mất nhanh, vô thường, không đáng tin vào bản chất vô thường, khổ và vô ngã. Tưởng uẩn được hiểu là bất cứ cái gì được thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, chạm hay biết, đều giống như ảo ảnh. Trong thực tế, nó chỉ là những hiện tượng sanh diệt không ngừng. Hành uẩn, những hoạt động có tác ý, giống như thân cây chuối. Thân cây chuối được làm bằng những lớp có vật liệu sơ, không có cái lõi cứng, chắc nịch bên trong. Hành uẩn như thân cây chuối không có lõi bên trong. Thức như trò ảo thuật. Nó sanh và diệt không ngừng. Thức sanh khởi không theo ý muốn của con người, nhưng duyên theo bởi nguyên nhân và hoàn cảnh của nó.
D. THIÊN SÁU XỨ (Saḷāyatana Vagga Samyutta Pāḷi)
Thiên này gồm mười tương ưng hay nhóm. Liên quan chủ yếu đến sáu giác quan hay các xứ của xúc gọi là nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), sáu đối tượng tương ưng, được biết là ngoại xứ (hình dáng có thể thấy được, âm thanh, hương, vị, vật có thể xúc chạm). Có thể trình bày về bản chất vô thường của những xứ này và làm cách nào từ bỏ sự dính mắc vào chúng đem đến kết quả giải thoát. Cảm thọ sanh khởi từ sự gặp gỡ của các xứ và thức được chỉ rõ trong ba loại: Lạc, khổ và xả, không có cái nào trong những cái này là thường hằng; mỗi một cảm thọ nào trong những thứ này đều là nhân của tham ái, nguồn gốc của mọi nỗi khổ. Súc tích nhưng trình bày có minh hoạ về Niết bàn được tìm thấy trong nhiều bài kinh. Cũng vậy có nhiều hướng dẫn thực tiễn cho việc hành thiền Minh Sát.
Trong hai bài kinh đầu tiên nhất, đức Phật giải thích rằng sáu nội xứ và sáu ngoại xứ có bản chất vô thường; là vô thường, chúng thực sự khổ và vô ngã. “Chư Tỳ khưu, nhận thấy bản chất thực của chúng, các con không nên xem mười hai xứ này như là ‘Đây là của ta’, ‘Đây là ta’ ‘Đây là tự ngã của ta’. Kiên trì và thường xuyên quán trên chúng cho đến khi Tuệ Minh Sát chiếu soi vào bản chất thực của chúng sanh khỏi”. Đức Phật tiếp tục giải thích rằng minh sát vào bản chất thực của mười hai xứ sẽ phát triển sự nhàm chán và vỡ mộng về chúng. Bị vỡ mộng về chúng thì không còn tham ái, chấp thủ, từ đó đạt được Đạo và Quả.
Trong bài kinh nổi tiếng Āditta, bài kinh Lửa, thuyết cho một ngàn ẩn sĩ trước đây thờ thần lửa nhưng mới cải đạo và được gia nhập vào Tăng đoàn như là Tỳ khưu, đức Phật giải thích rằng mỗi một trong sáu nội xứ và sáu ngoại xứ đang bốc cháy; mỗi xứ đang cháy với lửa tham dục, với lửa sân hận, với lửa vô minh. Mỗi xứ đang cháy với lửa sanh, già và chết; với lửa sầu, ưu, khổ, não, và thất vọng. Sáu dạng thức sanh khởi trong mối liên hệ với sáu nội xứ cũng đang bốc cháy, sáu loại xúc và sáu loại cảm thọ cho quả từ chúng cũng đang bốc cháy.
Đức Phật giải thích thêm rằng khi vị Tỳ khưu hành thiền phát triển Tuệ Minh Sát và nhận thức rằng mỗi một xứ đều đang bốc cháy, vị ấy trở nên vỡ mộng với nó. Rồi tham ái diệt. Nhờ tham ái giải tán, vị ấy giải thoát. Và khi được giải thoát, có trí tuệ biết rằng vị ấy được giải thoát. Cuối thời pháp một ngàn người trước đây thờ lửa đều đắc quả vị A-la-hán.
Trong bài kinh Paṭhama Migajāla, đức Phật định nghĩa Tỳ khưu sống độc cư có tính giáo dục cao. Khi vị Tỳ khưu không chánh niệm vui thích trong sáu ngoại xứ (sáu trần cảnh), nhận lầm chúng như là ‘Đây là của ta’, ‘Đây là ta’, ‘Đây là tự ngã của ta’, tham ái vào chúng sanh khởi lên trong vị ấy và vị ấy trở nên dính mắc vào các kiết sử. Tỳ khưu có tham ái đã phát sanh trong tâm vị ấy như thế thì xem như vị ấy sống có bầu bạn, thậm chí nếu vị ấy sống một mình trong rừng sâu tách rời thị phường và làng mạc. Tuy nhiên khi vị ấy một cách chánh niệm nhận thức bản chất thực của sáu nội và ngoại xứ, vị ấy không nắm giữ một cách sai lầm về chúng như là. ‘Đây là của ta’, ‘Đây là ta’, ‘Đây là tự ngã của ta’ và tham ái đối với chúng không còn phát sanh trong vị ấy. Tỳ khưu không có tham ái không sanh khởi trong tâm vị ấy như vậy được cho là sống độc cư không có bầu bạn thậm chí nếu vị ấy sống giữa dân chúng, trong thị phường hay làng mạc.
Kinh Puṇṇa tường thuật về Tỳ khưu Puṇṇa xin đức Phật hướng dẫn cho một đề mục thích hợp để vị ấy có thể hành thiền độc cư. Đức Phật khuyên ông nên quán vào bản chất thực của sáu nội và ngoại xứ. Khi ông nhận thức được bản chất thực của chúng thì tham ái về chúng sẽ không sanh khởi trong ông. Tận diệt tham ái sẽ có kết quả trong giải thoát và đắc quả vị A-la-hán. Sau khi nhận được lời chỉ dẫn, Tỳ khưu này bạch Phật về ý định cư ngụ trong một vùng đất xa xôi hẻo lánh. Đức Phật bảo ông rằng đó là vùng hoang dã, có nhiều bộ lạc man rợ ở, và hỏi ông làm sao ông có ý định đương đầu với nguy hiểm và rủi ro sẽ xảy ra cho ông. Tỳ khưu này trả lời cung cấp một bài học mẫu mực về tính can đảm và chịu đựng.
Tỳ khưu này nói, nếu ông bị đe dọa bằng cách lăng mạ và chửi rủa hay đập đánh, hay nếu ông bị ném đá vào người hay nếu ông bị đánh bằng gậy, hay gươm chém, hay lao đâm, ông sẽ chịu đựng chúng với sự can đảm chịu đựng mà không nhục mạ chống lại những bộ lạc hoang dã đó. Thậm chí ông bị chặt đầu ông sẽ cảm thấy may mắn hơn những người cao thượng phải tự tử để thoát khỏi cái khổ của ngũ uẩn.
Đức Phật nhận định, “Lành thay, Tỳ khưu, lành thay. Như Lai tin con có đủ phẩm chất để hành thiền độc cư trong xứ hoang dã đó. Con sẽ vượt qua mọi khó khăn”.
Như đức Phật đã báo trước, Tỳ khưu này có khả năng vượt qua tất cả sự thù nghịch và khó khăn khi mới đến cư ngụ và chuyển hoá được năm trăm đàn ông và năm trăm đàn bà hầu họ quy y Phật, Pháp và Tăng. Và trong chính mùa an cư đầu tiên này, Tỳ khưu này đã đắc quả vị A-la-hán, với đầy đủ Tam Minh.
Trong kinh Bhāradvāja, cuộc đối thoại thú vị giữa vua Udena và đại đức Piṇḍola Bhāradvāja được mô tả. Vua Udena lại gần đại đức Piṇḍola Bhāradvāja trong lúc ngài hành thiền dưới bóng cây trong vườn thượng uyển. Đức vua nhận xét nhiều thanh niên đã từ bỏ lạc thú và sống đời phạm hạnh. Họ duy trì hành phạm hạnh suốt đời. Đức vua điều tra, “Bằng cách gì họ duy trì sự trong sạch trong đời sống phạm hạnh của họ?” Tỳ khưu trả lời họ sống đời trong sạch bằng cách tự rèn luyện như được đức Phật chỉ dẫn xem đàn bà ở tuổi mẹ họ là mẹ họ, đàn bà ở tuổi chị họ là chị họ, con gái ở tuổi con gái họ như con gái họ.
Đức vua không hài lòng với câu trả lời đó. Ông lý luận rằng thậm chí một Tỳ khưu tự rèn luyện trong cách đã nói, thật không bảo đảm cho vị ấy không sanh khởi những tư tưởng bất tịnh trong tâm trong khi liên hệ đến người nữ. Đại đức Piṇḍola Bhāradvāja giải thích thêm họ hành về đề mục bất tịnh của thân bằng cách quán ba mươi hai thể trược của thân. Đức vua vẫn không được thuyết phục; ông vẫn duy trì tư tưởng rằng, đối với Tỳ khưu lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm chín chắn hơn, có chánh niệm và an định vững vàng, quán ba mươi hai thể trược của thân có thể chứng minh là bổ ích; nhưng loại thiền này đối với Tỳ khưu trẻ có thể có hiệu quả ngược lại, bị kích động bởi tham ái và đam mê thay vì ác cảm với thân người. Chỉ khi đại đức Piṇḍola Bhāradvāja bảo ông rằng Tỳ khưu hành thu thúc lục căn, luôn canh phòng cẩn mật ở sáu nội căn, lúc đó đức vua đồng ý rằng sự trong sạch của đời sống phạm hạnh có thể thực hiện được trong tình hình như thế.
Trong kinh Ví Dụ Khúc Gỗ Thứ Nhất (Paṭhama Dārukkhandhopama Sutta) được đức Phật thuyết trên bờ sông Ganges xứ Kosambi, đức Phật dùng ví dụ khúc gỗ trôi dưới sông. Ngài nói rằng nếu khúc gỗ không bị tấp vào một trong hai bờ sông, không chìm xuống giữa dòng, cũng không bị nhặt lên và cất giữ trên bờ bởi ai đó, chẳng bị người hay chư thiên lấy lại, cũng không bị mắc trong vòng xoáy, và nếu nó không bị huỷ hoại trên đường, nó sẽ được dòng chảy cuốn đi tới nơi đến của nó, đại dương.
Trong ẩn dụ nầy, bờ gần nghĩa là sáu nội xứ; bờ xa đại diện cho sáu ngoại xứ; chìm giữa sông nghĩa là đắm vào dục lạc; bị nhặt lên và cất giữ trên bờ nghĩa là bị cản trở bởi tâm ngã mạn của người đó; bị người lấy lại nghĩa là làm công việc nào đó hay chạy việc vặt cho người; bị chư thiên lấy lại nghĩa là hành phạm hạnh với mục tiêu được tái sanh vào cõi trời; bị mắc kẹt trong vòng xoáy nghĩa là đắm mình trong vòng dục lạc; bị hủy hoại trên đường nghĩa là trở nên đồi bại, trái đạo đức, coi thường giới luật. Nếu Tỳ khưu điều hành để lái chính mình trong sạch vượt qua những chướng ngại này, vị ấy sẽ được dòng chảy Chánh Kiến kéo đi cho đến khi vị ấy tới nơi đến của vị ấy Niết bàn.
Kinh Chappāṇakopama, đức Phật dạy rằng một Tỳ khưu hành phạm hạnh phải tập thu thúc lục căn. Lục căn có thể giống như sáu con vật, đó là, rắn, cá sấu, đại bàng, chó, chó rừng và khỉ. Giả sử mỗi con vật được cột bằng sợi thừng và những sợi đó được gút lại với nhau. Khi chúng được thả ra, mỗi con vật đều gắng trở về chỗ ở riêng của chúng, con rắn về cái lỗ ở dưới đất của nó, cá sấu về sông, v.v... Trong cách này chúng sẽ kéo và tranh nhau cho đến khi chúng kiệt sức và bị kéo dài bởi con mạnh nhất trong chúng. Tâm Tỳ khưu có lục căn không thu thúc sẽ bị xâm chiếm bởi các căn đối với các trần cảnh tương đương.
Kinh Dukkarapañhā nói rằng trong giáo Pháp của đức Phật, cái khó trước tiên là trở thành thành viên của Tăng đoàn như là Sa di và như là Tỳ khưu. Cái khó thứ hai là hoan hỷ và thoải mái trong Tăng đoàn có giới luật rõ. Ba là thậm chí ở trong chúng, Tăng đoàn có giới luật, thật khó cho người ấy hành thiền định hay thiền tuệ để đạt những tầng tuệ cao hơn. Khi có đầy đủ ba la mật hộ trì, một Tỳ khưu nhận lời chỉ dẫn buổi sáng và bắt đầu hành thiền trong buổi sáng có thể hoàn toàn giác ngộ vào buổi chiều; nếu vị ấy nhận lời chỉ dẫn buổi chiều và bắt đầu hành thiền buổi chiều, vị ấy có thể hoàn toàn giác ngộ vào buổi sáng hôm sau.
Một gia chủ giàu có tên Citta đặt biệt nổi bật trong vài bài kinh của thiên này. Trong kinh Nigaṇṭha Nātaputta, Nigaṇṭha Nātaputta tự thấy không có khả năng chấp nhận quan điểm của đức Phật rằng có thiền và Định thoát khỏi tầm (vitakka) và tứ (vicāra). Ông thảo luận vấn đề này với Citta, một gia chủ giàu có, là Thánh đệ tử của đức Phật. Citta bảo ông: “Tôi tin có thiền (jhāna) và định (samādhi) thoát khỏi tầm và tứ, không phải vì đức tin của tôi trong đức Phật nhưng vì tôi thành đạt và chứng ngộ”. Citta giải thích rằng ông đã thân chứng thiền định không có tầm và tứ đi cùng và không cần dựa vào ai khác về niềm tin này.
Cùng một ông Citta vào thời còn trẻ có người bạn thân sau này trở thành ẩn sĩ lõa thể Kassapa. Mỗi người đã đi một con đường riêng khác biệt nhau và chỉ sau ba mươi năm sau hai người bạn này gặp lại nhau. Citta hỏi bạn ông liệu nhờ sống đời ẩn sĩ ông có đạt được cái gì hơn những gì có thể đạt được nhờ người đời làm việc thiện. Ẩn sĩ lõa thể Kassapa thú nhận rằng ông không có gì để khoe ngoài thân hình ông lõa thể với cái đầu cạo trọc và thân chưa đầy cáu bẩn. Đến lượt ông hỏi lại bạn ông đã đạt được gì nhờ là đệ tử của đức Phật và theo con đường được bậc Đạo Sư chỉ dẫn, Citta báo cho ông rằng ông đã hoàn thành trọn vẹn bốn tầng thiền, và đã diệt trừ được năm kiết sử, bây giờ là bậc Thánh Bất Lai - Anāgāmī, nhờ có ấn tượng mạnh bởi những thành tựu của bạn, ẩn sĩ loã thể bảo Citta rằng ông muốn làm đệ tử của đức Phật. Citta giới thiệu ông với chư Tỳ khưu trưởng lão và giúp ông được nhận vào Tăng đoàn. Nhờ sự hướng dẫn của chư vị trưởng lão và động viên của bạn Citta, Kassapa trước kia là ẩn sĩ lõa thể nỗ lực hành thiền và không chậm trễ ông đạt mục đích tối thượng - quả vị A-la-hán.
Trong bài kinh Sankhadhama, đức Phật chỉ ra những kiến mà Nigaṇṭha Nātaputta nắm giữ về nghiệp và quả của nó. Theo ông làng trưởng Asibandhakaputta, đạo sư Nigaṇṭha Nātaputta dạy rằng ai phạm tội ác như sát sanh, nói dối, v.v..nhất định bị sanh vào đọa xứ. Bất cứ hành động nào được thực hiện rất thường xuyên, hành động đó có khuynh hướng quyết định vận mệnh của chúng sanh đó. Đức Phật chỉ ra ngụy biện của hai câu này, câu này mâu thuẫn với câu kia. Một cá nhân nào không thường phạm ác nghiệp, ví dụ, ác nghiệp về sát sanh. Những hành động khác ngoại trừ sát sanh được ông ta thường xuyên thực hiện hơn; từ đó, theo Nigaṇṭha, Nātaputta, số phận sẽ không bị định đoạt sanh vào đọa xứ vì ác nghiệp sát sanh.
Lúc đó đức Phật giải thích rằng chỉ những cực trọng nghiệp như giết cha mẹ của chính mình, chia rẽ Tăng đoàn, v.v... hậu quả chắc chắn sẽ là bị sanh vào đọa xứ. Những hành động sai lầm khác về thân, khẩu, ý, không thể được xem như nhân chính dẫn đến số phận bất hạnh. Thay vì chỉ là cảm thấy ăn năn hối lỗi về hành động xấu, sai trái nào đó, người ấy nên nhận ra là sai trái hay xấu, và quyết định không lập lại hành động bất thiện đó, và sau đó thực hành thiền định và thiền Minh Sát.
Như vậy từ bỏ ác nghiệp và chỉ làm việc thiện cùng với phát triển thiền Tứ Vô Lượng Tâm cho đến khi đắc các tầng thiền, người đó có thể thoát khỏi hậu quả xấu của hành động bất thiện của mình và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Bài kinh Sankhadhama cho thấy sự kiện rằng như trong việc hành thiền cũng như trong vấn đề quan niệm, đức Phật chọn Trung Đạo.
Trong bài kinh Bhadraka, đức Phật giải thích nguồn gốc đau khổ bằng cách cho ví dụ dẫn chứng. Ông làng trưởng Bhadraka muốn biết nguyên nhân nào khiến nhân loại thống khổ. Để trả lời, đức Phật hỏi ông nghĩ gì về con trai ông và tưởng tượng rằng con trai ông đang gặp những hạnh bất ngờ, hay bị bắt vì lệnh của vua hay đương đầu với những hình phạt nghiêm trọng. Bhadraka tưởng tượng như đức Phật bảo và thấy rằng những tư tưởng như vậy làm cho ông sầu, ưu, khổ, não, buồn tiếc và thất vọng. Khi ông tưởng tượng một người lạ được ở vào trong tình huống tương tự, đương đầu với những tình trạng khó khăn tương tự, ông thấy ra rằng ông không bị nỗi khổ tinh thần quấy rầy một chút nào cả. Ông giải thích cho đức Phật ông có phản ứng tinh thần khác nhau trong hai tình huống nằm trong sự kiện rằng ông yêu thương con trai ông với tình cha con và rất thích cậu con ông, trong lúc đó ông không có những tình cảm như thế với người lạ.
Kế đó, đức Phật hỏi ông liệu bất cứ tình yêu, đam mê hay tham muốn sanh khởi trong ông trước khi ông gặp người hay thấy hoặc nghe về người phụ nữ đã trở thành vợ ông. Bhadraka trả lời rằng chỉ khi ông gặp, thấy, nghe về nàng rằng ông phát sanh đam mê và luyến ái đối với vợ ông. Khi đức Phật hỏi thêm liệu ông sẽ chịu đau khổ từ sầu, ưu, khổ, não, buồn tiếc và thất vọng, nếu bất cứ điều gì như vậy xảy ra đối với vợ ông, ông thú nhận rằng những thống khổ này sẽ làm ông khổ hơn; ông có thể mất hết ý nghĩa trong cuộc sống vì nỗi thống khổ vô vàn này. Lúc đó, đức Phật chỉ ra rằng nguyên nhân căn rễ của nỗi khổ trong đời là tham ái, tham lam, đam mê và khao khát vây bủa nhân loại. Nó đã từng là như vậy trong quá khứ, nó cũng như vậy trong hiện tại và sẽ như vậy trong tương lai.
E. THIÊN ĐẠI PHẨM (Mahā Vagga Samyutta Pāḷi)
Thiên cuối của Tương Ưng Bộ Kinh được gộp lại từ mười hai bài tương ưng, danh sách chỉ rõ chủ đề liên quan trong thiên này: Tương Ưng Đạo, Tương Ưng Giác Chi, Tương Ưng Niệm Xứ, Tương Ưng Căn, Tương Ưng Chánh Cần, Tương Ưng Lực, Tương Ưng Như Ý Túc, Tương Ưng Anuruddha, Tương Ưng Thiền, Tương Ưng Hơi Thở Vào Hơi Thở Ra, Tương Ưng Nhập Lưu, Tương Ưng Sự Thật. Những học thuyết chính hình thành nền tảng cơ bản của giáo lý đức Phật được ôn lại trong những tương ưng này, bao gồm hai phương diện lý thuyết và thực hành. Trong những bài kinh kết thúc thiên này, mục đích tối hậu của đời sống phạm hạnh, quả vị A-la-hán, Niết bàn, chấm dứt khổ hoàn toàn, thường xuyên có quan niệm đầy đủ cùng với sự mô tả chi tiết về cách thực hiện nó, đó là, Tứ Diệu Đế và Bát Thánh Đạo.
Trong những bài kinh mở đầu chỉ ra làm sao tình bằng hữu trong việc thân gần người tốt, người đạo đức đem lại sự giúp đỡ vô hạn trong việc thực hành trên con đường Đạo và tích lũy ba la mật. Đó chính là một trong những yếu tố hỗ trợ dẫn đến sự hướng thượng của một vị Tỳ khưu. Không có bạn có giới hạnh và người cố vấn giỏi là một khiếm khuyết lớn đối với người đó trong việc phấn đấu đạt Đạo.
Trong kinh Kuṇḍaliya, vị ẩn sĩ ngoại đạo Kuṇḍaliya hỏi đức Phật mục tiêu của ngài là gì trong việc thực hành đời sống phạm hạnh. Khi đức Phật trả lời rằng ngài sống đời phạm hạnh để hưởng các quả của Đạo và niềm an tịnh của tuệ giải thoát, ẩn sĩ ngoại đạo muốn biết làm sao thành tựu những kết quả này. Đức Phật khuyên ông rèn luyện và thường xuyên thực hành thu thúc ngũ căn. Điều này sẽ an định phẩm hạnh tốt trong ba chi tư tưởng, lời nói và hành động. Khi phẩm hạnh ba chi này được rèn luyện và thường xuyên thực hành, Tứ Niệm Xứ sẽ được thiết lập. Khi Tứ Niệm Xứ được thiết lập vững vàng, Thất Giác Chi (Bảy Yếu Tố Giác Ngộ) sẽ được phát triển và thường xuyên áp dụng, các quả của Đạo và Tuệ Giải Thoát sẽ được thành tựu.
Trong kinh Udāyi, có một bài tường thuật về Udāyi, ông đã khẳng định những thành tựu như vậy nhờ tự thân chứng nghiệm. Ông kể làm sao ông biết được ngũ uẩn từ các bài kinh, làm sao ông thực hành quán sự sanh diệt của những uẩn này, từ đó phát triểnTuệ Sanh Diệt (Udayabbaya Ñāṇa), nhờ thường xuyên rèn luyện, chín muồi thành Tuệ Đạo. Vẫn tiến lên thêm bằng cách phát triển và thường xuyên áp dụng Bảy Yếu Tố Giác Ngộ cuối cùng ông đắc quả vị A-la-hán. Trong nhiều bài kinh được tường thuật về sự tự thân chứng nghiệm của nhiều vị Tỳ khưu và cư sĩ, những người đang bị bệnh trầm trọng làm khổ được khuyên rèn luyện và thực hành Bảy Yếu Tố Giác Ngộ. Họ tường thuật lại làm sao bệnh họ được thuyên giảm không những chỉ nỗi đau của bệnh mà còn nỗi khổ phát sanh từ tham ái.
Trong Sakuṇagghi, chư Tỳ khưu được đức Phật sách tấn phải cư trú trong địa phận của riêng mình, nghĩa là Tứ Niệm Xứ, đó là, niệm thân, thọ, tâm, và pháp (đối tượng của tâm)... Họ có thể đi tự do lang thang trong vùng nghỉ an toàn được những tiền đồn của Tứ Niệm Xứ canh gác, không bị tham, sân và si làm hại. Một khi chúng lạc ra ngoài địa phận riêng của chúng, chúng tỏ bị hấp dẫn bởi dục giới. Truyện ngụ ngôn về chim ưng và chim chiền chiện minh hoạ điểm này. “Một con chim ưng hung hãn đột nhiên bắt con chim chiền chiện đang ăn trong ruộng ngoài. Bị vồ trong móng vuốt của kẻ bắt, con chim nhỏ bất hạnh buồn vì sự ngu ngốc của mình trong khi rong chơi ngoài địa phận của chính mình để thành nạn nhân của con chim ưng đột kích.” Nếu tôi chỉ ở trên địa phận riêng của mình do cha mẹ tôi để lại, tôi có thể dễ đánh lại cuộc tấn công của con chim ưng này. Buồn cười bởi tự thoại thách thức này, con chim ưng hỏi chim chiền chiện đất nào là đất được thừa kế từ cha mẹ ngươi. Chim chiền chiện trả lời, “Trong khoảng không giữa những cục đất trong những thửa ruộng đã cày là đất thừa kế từ cha mẹ tôi”.
“Được rồi, nhóc con, ta sẽ thả mày bây giờ. Hãy xem mày có thể thoát khỏi móng vuốt của ta ngay cả trên địa phận của mày hay không”.
Sau đó đứng trên chỗ nơi có ba cục đất dính nhau, chim chiền chiện chế giễu mời chim ưng, “Đến và bắt tôi, ông khổng lồ ác ôn”. Giận điên lên, chim ưng sà nhanh như vũ bão xuống bắt chim chiền chiện nói móc bằng móng vuốt của nó. Chim chiền chiện nhanh chóng biến mất vào trong khoảng không của những cục đất, nhưng chim ưng to lớn, không có khả năng bắt tốc độ riêng của nó, đập vào cục đất cứng nhô ra để chết rất đau khổ.
Trong bài kinh Bhikkhunupassaya, đức Phật giải thích cho Ānanda lợi ích hai phương pháp thiền. Khi an định trong Tứ Niệm Xứ, vị Tỳ khưu sẽ kinh nghiệm kết quả có lợi ích, dần dần gia tăng. Nhưng tâm vị ấy bị phóng bởi đối tượng bên ngoài suốt trong thời gian quán thân, thọ, tâm hay đối tượng của tâm, Tỳ khưu nên hướng tâm trực tiếp đến vài đối tượng gây đức tin, như quán tưởng những đức tính của đức Phật. Bằng cách làm vậy vị ấy kinh nghiệm trạng thái hỷ, lạc, an tịnh và dẫn đến định tâm. Sau đó ông trở lại với đề mục chính của thiền. Khi tâm không bị xao lảng bởi những thứ bên ngoài, thì không cần hướng tâm đến bất cứ đối tượng gây đức tin nào. Đức Phật kết thúc lời sách tấn như sau: “Ānanda, đây là rừng cây thanh vắng. Hãy hành thiền, Ānanda. Chớ dễ duôi sau này ân hận”.
Như đề ra trong kinh Ciraṭṭhiti, đại đức Ānanda tự tâm nhận pháp lệnh này và xem việc thực hành Tứ Niệm Xứ như là vấn đề tối quan trọng. Khi một Tỳ khưu tên là Badda hỏi đại đức Ānanda, sau khi đức Phật nhập diệt, điều gì khiến giáo Pháp của đức Phật biến mất, đại đức Ānanda trả lời, “Bao lâu việc thực hành Tứ Niệm Xứ không bị lãng quên, thì giáo pháp của đức Phật còn tồn tại và phát triển; Nhưng khi việc thực hành Tứ Niệm Xứ suy thoái, thì giáo Pháp sẽ dần dần biến mất”.
Thiền Ānāpānassati - Niệm Hơi Thở, một trong những phương pháp của quán thân, gồm theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra và được đa số cho là rất có lợi ích. Trong kinh Mahā Kappina, một Tỳ khưu bạch Phật, “Chúng con để ý rằng Tỳ khưu Mahā Kappina lúc nào cũng an tịnh trong thân và tập trung trong tâm, cho dù khi ở trong chúng hay ở một mình trong rừng.” Chư Tỳ khưu, đúng vậy. Ai hành thiền hơi thở (ānāpānassati) với chánh niệm và ý thức đầy đủ thân luôn an tịnh và tâm luôn tập trung, không xao động chẳng hưng phấn”.
Kinh Icchānangala mô tả làm sao đức Phật có lần an cư mùa mưa ba tháng trong rừng Icchānangala hành hạnh độc cư, hành thiền Niệm Hơi Thở hầu hết thời gian Thiền Niệm Hơi Thở được biết như là địa hạt của Bậc Giác Ngộ, bậc Cao Thượng.
Khi hoàn thành trọn vẹn việc rèn luyện trong Bảy Yếu Tố Giác Ngộ, nhờ quán thân hay niệm hơi thở, vị ấy trở nên có niềm tin bất động trong Phật, Pháp và Tăng. Phẩm hạnh đạo đức của người như thế, nhờ thọ trì giới luật, cũng không bị hoen ố. Vị ấy đã đạt, trong sự phát triển tinh thần, tầng Thánh Nhập Lưu Đạo, nhờ đó vị ấy sẽ không bao giờ tái sanh vào đọa xứ và chịu khổ cảnh. Con đường của vị ấy chỉ hướng thượng, về phía hoàn thành ba tầng thánh cao hơn. Vị ấy chỉ kiên đi tới không ngoái lại.
Điều này được giải trong kinh Paṭhama Mahānāma, bằng ẩn dụ cái bình đất đổ đầy một phần sạn, đá và một phần bằng mỡ và bơ. Bằng cách ném bình này vào nước và dùng cây đập bể nó, sẽ được thấy rằng sỏi và đá nhanh chóng chìm xuống dưới đáy trong lúc mỡ và bơ nổi lên mặt nước. Cũng vậy, khi một người đã ở trong năm thiện pháp của tín, giới hạnh, hiếu học, bố thí và trí tuệ qua đời, thân xác vị ấy cũng bị thối rửa mục nát nhưng tiến trình tâm cực kỳ trong sạch rồi sẽ tiếp tục trong những cảnh sống cao hơn như kiết sanh thức, (paṭisandhi).
Trong những bài kinh kết thúc là những bản tường trình về Trung Đạo, Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
Đức Phật không tuyên bố Toàn Giác cho đến khi ngài hoàn toàn hiểu được Tứ Diệu Đế. “Này chư Tỳ khưu, bao lâu trí tuệ về thực tại của Như Lai và Tuệ Quán liên quan đến Tứ Diệu Đế trong ba vòng và mười hai cách không hoàn toàn sáng tỏ đối với Như Lai, thì Như Lai không công nhận với thế giới có Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, cùng với đại chúng có những vị ẩn sĩ, Bà-la-môn, các vị vua và nhân dân rằng Như Lai đã tự mình hiểu, đạt và chứng ngộ sự Giải Thoát Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.
Đức Phật kết thúc bài kinh đầu tiên với lời “Đây là kiếp cuối cùng của Như Lai. Bây giờ Như Lai không còn tái sanh nữa”.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:05:51 GMT -5
Giới thiệu Tăng Chi Bộ Kinh U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch Tăng Chi Bộ Kinh thành cuốn sách có xuất xứ quan trọng về đạo đức và tâm lý Phật giáo, cung cấp một bản tóm tắt có liệt kê của tất cả các đặc trưng tinh yếu liên quan đến lý thuyết và thực hành pháp. Bộ sưu tập những bài kinh này, Tăng Chi Bộ Kinh chứa 9.557 bài kinh ngắn được chia thành mười một chương được gọi (Nipāta). Mỗi chương được chia lại thành nhiều nhóm được gọi là phẩm (vagga) thường có mười bài kinh. Những bài kinh được sắp theo pháp số thứ tự lớn dần, mỗi chương gồm nhiều bài kinh có Pháp số, bắt đầu với pháp số một lên đến pháp số mười một trong mỗi kinh của chương cuối cùng. Từ đó tên là Tăng Chi nghĩa là ‘tăng lên từng pháp số’. Chương đầu tiên cho trong mỗi bài kinh mỗi pháp gọi là pháp số một; chương thứ hai trong mỗi bài kinh chứa hai pháp gọi là pháp số hai và chương cuối được gom từ những bài kinh có mười một pháp trong mỗi bài kinh gọi là pháp số mười một. Tăng Chi Bộ Kinh thành cuốn sách có xuất xứ quan trọng về đạo đức và tâm lý Phật giáo, cung cấp một bản tóm tắt có liệt kê của tất cả các đặc trưng tinh yếu liên quan đến lý thuyết và thực hành pháp. Một phẩm độc nhất vô nhị có tựa đề là phẩm Etadagga của chương Pháp số một liệt kê danh tánh chư vị đệ tử xuất sắc nhất giữa hàng chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, thiện nam và tín nữ, những người đã thành đạt lỗi lạc nhất trong lãnh vực thành tựu hay làm việc thiện, chẳng hạn đại đức Sāriputta trong Trí Tuệ ; đại đức Mahā Mogallāna trong Thần Thông; Tỳ kheo ni Khemā trong lãnh vực Trí Tuệ, Tỳ kheo ni Uppalavaṇṇa trong Thần Thông; thiện nam Cấp Cô Độc và tín nữ Visākhā trong lãnh vực bố thí; và v.v... 1. CHƯƠNG MỘT PHÁP (Ekaka Nipāta Pāḷi) Phẩm này chứa một pháp thành chủ đề của các bài kinh được đức Phật thuyết tại Sāvatthi cho nhiều Tỳ khưu cư ngụ ở đó. Nhưng vài bài kinh được đại đức Sāriputta hay đại đức Ānanda thuyết. - Không có sắc, thanh, hương, vị và xúc nào khác hơn sắc, thanh, hương, vị và xúc của người đàn bà có thể giam cầm và làm xao lãng tâm trí của người đàn ông; ngược lại không có sắc, thanh, hương, vị và xúc nào khác hơn sắc, thanh, hương, vị và xúc của người đàn ông có thể giam cầm và làm xao tâm trí của người đàn bà. (đoạn 1-10) - Không có gì đem tai hại và bất hạnh quá nhiều như tâm không rèn luyện và phát triển. Tâm được rèn luyện và phát triển đem lại lợi ích và hạnh phúc. (đoạn 28-31) - Không có gì thay đổi nhanh hơn tâm. Bản chất tâm là trong và sáng; nó bị ô nhiễm bởi tham, sân và si. (đoạn 48, 49) - Nếu Tỳ khưu thực hành thiền tâm từ, và phát triển nó ngay cả trong thời gian ngắn bằng búng ngón tay, người ấy được xem như hành theo lời khuyên của đức Phật, làm theo lời ngài chỉ dẫn. Tỳ khưu như thế xứng đáng độ thực phẩm được dân chúng dâng cúng. (đoạn 53, 54) - Chỉ có một người duy nhất xuất hiện trong đời đem lại lợi ích và hạnh phúc cho nhiều người ,đem lại lợi ích cho chư thiên và nhân loại. Đó chính là Như Lai, bậc Toàn Giác. Thật không thể có hai bậc Toàn Giác xuất hiện đồng thời trên cùng một hệ thống thế giới. (đoạn 170-174) - Đối với người có chánh kiến, nghĩa là bậc Nhập Lưu, thật không thể xem các pháp hữu vi là thường, lạc và ta (nicca, sukha, atta). - Nếu một pháp được phát triển và thường xuyên thực hành, thân được an tịnh và tâm cũng an tịnh, không còn suy nghĩ lý luận, hết vô minh, trí tuệ phát sanh, ảo tưởng về ngã được diệt trừ, những khuynh xấu cũng được trừ diệt, các xiềng xích được loại bỏ. Pháp duy nhất đó là Niệm Thân. (đoạn 571-576) 2. CHƯƠNG HAI PHÁP (Duka Nipāta Pāḷi) - Có hai điều ghi nhớ trong tâm là: Không bằng lòng với những gì đã đạt được trong tiến trình phát triển tâm, nghĩa là ngay cả đắc các tầng thiền hay cả ánh sáng bên trong (chỉ cho biết ở giai đoạn nào đó của thiền tuệ), và kiên quyết đấu tranh không mệt mỏi và nỗ lực cho đến khi chứng ngộ mục đích tối thượng, giải thoát. (đoạn 5) - Có hai tiềm lực trong con người, làm điều thiện hay làm điều ác. Thật có thể từ bỏ điều ác; từ bỏ điều ác đem lại lợi ích và hạnh phúc. Cũng có thể huân tập điều thiện. Huân tập điều thiện cũng mang lại lợi ích và hạnh phúc. (đoạn 19) - Hai pháp đưa đến giải thoát trong hai cách: Thiền Định và Thiền Tuệ. Nếu định phát triển, tâm cũng phát triển và tham ái không còn đưa đến kết quả tâm giải thoát. Nếu tuệ quán phát triển, trí tuệ phát triển và vô minh tan biến đưa đến kết quả tuệ giải thoát. - Có hai ân nhân mà người ta không bao giờ trả được: Mẹ và Cha. Ngay cả nếu người đó có thể sống một trăm năm để phụng dưỡng cha mẹ chăm sóc tận tình, thương yêu và phụ giúp mọi điều, người đó cũng không bao giờ trả hiếu được cho cha mẹ được vì họ đã bảo dưỡng và dìu dắt người đó trong suốt cuộc đời. Nhưng nếu người đó khiến cha mẹ những người không có đức tin thành người có đức tin và quy y Phật, Pháp và Tăng; nếu người ấy làm cho cha mẹ không giữ giới trở nên người thọ trì giới; nếu người ấy khiến cha mẹ có tính keo kiệt trở nên rộng lượng hầu họ có thể san sẻ của cải họ cho người nghèo và người cần; nếu người ấy khiến cha mẹ không biết gì về giáo pháp trở thành người hiểu biết Tứ Diệu Đế, lúc đó người như thế mới có thể trả hiếu cho cha mẹ và trả nhiều hơn những gì họ đã cho người ấy. (đoạn 33, 34) - Có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc trong đời sống gia đình và hạnh phúc trong đời sống vô gia đình. Hạnh phúc trong đời sống vô gia đình thù thắng hơn. Hạnh phúc của các dục và hạnh phúc xả ly; hạnh phúc xả ly thù thắng hơn. Hạnh phúc có cấu uế và hạnh phúc không ô uế;... Hạnh phúc nhục dục và hạnh phúc không nhục dục... và hạnh phúc thấp hèn và hạnh phúc cao thượng;.... Hạnh phúc thể xác và hạnh phúc tinh thần; hạnh phúc tinh thần là thú thắng hơn. (đoạn 65-71) 3. CHƯƠNG BA PHÁP (Tika Nipāta Pāḷi) * Kẻ ngu có thể được nhận biết qua ba điều, bằng cách cư xử của nó trong hành động, lời nói và tư tưởng; cũng vậy người trí cũng được biết qua ba điều, qua cách ứng xử của người đó trong hành động, lời nói và tư tưởng. (đoạn 3) * Có ba nơi một vị vua đang trị ví không nên quên: Nơi sinh, nơi đăng quang và nơi chiến thắng quân thù. Có ba nơi một vị Tỳ khưu không nên quên: Nơi xuất gia, nơi thành tựu trí tuệ trong Tứ Thánh Đế và nơi đắc quả vị A-la-hán. (đoạn 12) * Ai làm việc tích cực hết mình vào buổi sáng, trong ngày và vào chiều tối, sẽ phát đạt, và trở nên giàu có; vị Tỳ khưu cống hiến hết mình vào việc phát triển định vào buổi sáng, trong ngày và buổi chiều sẽ tiến bộ và thăng tiến trong sự nghiệp phát triển tinh thần của vị ấy. (đoạn 13) * Trên đời này có ba hạng người được tìm thấy: Một hạng có tâm như vết thương há miệng; một có tâm như đèn nháy; một hạng có tâm như kim cương. Ai là người rất dễ nổi giận và dễ bị kích động, hiện ra sự tức giận, căm thù và hờn dỗi; người như thế được cho là người có tâm như vết thương há miệng. Ai là người hiểu đúng Tứ Diệu Đế được cho là người có tâm như đèn nháy. Ai là người đã hủy diệt mọi ô nhiễm trong tâm và chứng ngộ sự giải thoát tâm và giải thoát tuệ được cho là người có tâm như kim cương. (đoạn 25) * Trên đời này có ba loại người: Người nói lời có mùi hôi thối khó chịu; người nói lời có hương thơm, và người nói lời ngọt như mật. (đoạn 28) * Có ba nhân căn để của sự phát sanh mọi hành động (nghiệp): Tham, sân và si. Một hành động được làm bằng tâm tham, sân và si sẽ chín muồi bất cứ ở cảnh giới nào người ấy tái sanh vào; và bất cứ ở đâu hành động đó chín muồi, ở đó người ấy gặt quả (vipāka) của hành động đó,ở với nó trong đời này, trong đời sau và trong nhũng vị lai. (đoạn 38) * Người nào ngăn cản người khác bố thí, tức là ngăn cản và gây chướng ngại cho ba người. Người ấy gây chướng ngại đến những việc thiện của thí chủ; người ấy ngăn cản người nhận nhận tặng vật; người ấy phá ngầm và làm hại tính cách của riêng mình. (đoạn 58) * Ba nguy hiểm mà người mẹ không thể che chở cho con trai và con trai không thể che chở cho mẹ: Già, bệnh và chết. (đoạn 63) * Kinh Kesamutti cũng được biết như là kinh Kālāma, xuất hiện như bài kinh thứ năm trong Đại Phẩm của chương có Pháp Ba Số. Tại Kesamutta, một thành phố nhỏ trong vương quốc của xứ Kosala, đức Phật đã khuyên nhủ dân Kālāma ở trong thành phố này: “Chớ có tin vì nghe báo cáo, chớ có tin vì truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống. Chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có tin vì lý luận suy diễn, chớ có tin vì diễn giải tương tự, chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với định kiến, chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì sa môn là bậc đạo sư của mình. Này Kālāma, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là sai, bất thiện, thì từ bỏ chúng; Các pháp này là pháp thiện, các pháp nào đó là đúng, thiện, tốt, thì chấp nhận chúng, và hành theo chúng”. (đoạn 66) * Một vị Tỳ khưu tận tụy với đời sống phạm hạnh nên chú tâm quân bình vào ba yếu tố thay phiên nhau, đó là, định, tinh tấn và xả, và không chú tâm quá vào duy nhất một pháp nào. Nếu vị ấy thường xuyên chú tâm vào mỗi pháp nào trong chúng, tâm vị ấy sẽ trở nên mềm dẻo, dễ uốn, trong sáng và tập trung tốt, sẵn sàng hướng tâm tới bất cứ trạng thái tâm nào đều có thể nhận thức được nhờ trí tuệ siêu nhiên. (đoạn 103) * Có ba người hiếm quý nhất trên đời: Như Lai là Bậc Toàn Giác là hiếm có trên đời; người có thể tuyên thuyết Giáo Pháp và Giới Luật như đã được đức Phật giảng dạy là hiếm có trên đời này; và người biết ơn và đền ơn là người hiếm có trên đời này. * Cho dù Như Lai xuất hiện trên đời này hay không, sự kiện này vẫn giữ duyên tồn tại một cách vững chắc, không thể thay đổi được rằng tất cả sự hình thành các pháp hữu vi là vô thường, rằng tất cả sự hình thành các pháp hữu vi là khổ, rằng tất cả các pháp đều vô ngã. (đoạn 137) 4. CHƯƠNG BỐN PHÁP (Catuka Nipāta Pāḷi) * Bốn người này được tìm thấy trong đời: Người đi thuận dòng; người thì đi ngược dòng; người đứng vững vàng, người đã vượt qua bờ kia và đứng trên đất khô ráo. Người nào đắm say dục lạc và phạm ác nghiệp là người là người đi thuận dòng. Người không đắm say dục lạc hay không phạm ác nghiệp, mà sống đời trong sạch trinh tiết, phấn đấu rất vất vả và khó khăn để làm được vậy, là người đi ngược dòng. Người đứng vững vàng là người đã tận diệt năm hạ phần kiết sử sẽ được hóa sanh vào cõi Phạm thiên, từ đó vị ấy chứng ngộ Niết bàn mà không từng trở lại dục giới. Người đã đến bờ kia đứng trên đất khô là người đã tận diệt mọi lậu hoặc trong tâm, và ai đã tự thân chứng ngộ, ngay trong kiếp sống này, tâm giải thoát và tuệ giải thoát. (đoạn 5) * Có bốn Chánh Tinh Tấn: (i)Tinh tấn nỗ lực tránh tâm ác và bất thiện phát sanh; (ii) Tinh tấn nỗ loại bỏ tâm ác, bất thiện đã phát sanh rồi; (iii) Tinh tấn nỗ lực khới sanh tâm tốt, thiện chưa sanh; (iv) Tinh tấn nỗ lực phát triển và thực hiện hoàn hảo tâm tốt, thiện đã sanh rồi. (đoạn 13) * Như Lai nói như thế nào thì Như Lai làm như vậy; Như Lai làm như thế nào thì Như Lai nói như vậy. Do đó được gọi là Như Lai. (đoạn 23) * Có bốn loại đức tin cao nhất: Như Lai, Bậc Toàn Giác và Tối Thượng, là cao nhất trong tất cả chúng sanh. Trong tất cả các pháp hữu vi, Bát Chánh Đạo là pháp cao nhất. Trong tất cả các pháp hữu vi và vô vi, Niết bàn là pháp cao thượng nhất. Trong tất cả các đoàn thể, Tăng đoàn của Như Lai, Tăng đoàn gồm các bậc cao thượng bốn đôi, tám Bậc Thánh, là cao nhất. Đối với những ai có đức tin trong những pháp cao nhất, đó là đức Phật, Con Đường, Niết bàn và Chư Thánh sẽ gặt hái được quả của nghiệp cao nhất cho họ. (đoạn 34) * Có bốn cách ứng xử với các câu hỏi (i) Vài câu nên được trả lời trực tiếp, (ii) Những câu khác nên được trả lời bằng cách phân tích chúng, (iii) Vài câu nên được trả lời bằng cách hỏi ngược lại, (iv) Cuối cùng, vài câu hỏi nên chỉ đơn giản dẹp qua một bên. (đoạn 42) * Có bốn loại xuyên tạc (vipallāsa) trong nhận thức, tư tưởng và quan niệm. Nghĩ rằng có thường trong vô thường; cho rằng có hạnh phúc trong khổ; nghĩ rằng có ngã trong vô ngã; cho rằng có tịnh trong bất tịnh. (đoạn 49) * Khi Nakulapitā và Nakulamātā bày tỏ mong ước của họ đối với đức Phật là có tham vọng khác bao lâu đời sống hiện tại còn kéo dài và đời sống vị lai cũng vậy, đức Phật khuyên chúng cố gắng có cùng một đức tin, cùng một giới hạnh, cùng bố thí và cùng trí tuệ; rồi họ sẽ đạt được như nguyện (đoạn 55-56) * Người bố thí vật thực cho bốn pháp đến người nhận vật thực đó. Người ấy cho họ trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh. Chính thí chủ cũng sẽ được trường thọ, sắc đẹp, an vui và sức mạnh bất cứ nơi nào người ấy được sinh vào cõi người hay cõi trời. (đoạn 57) * Có bốn chủ đề không thích hợp với tư tưởng suy đoán (Acinteyyāni). Chúng là: Những phẩm tính đặc biệt của đức Phật (Buddhavisayo); việc đắc thiền của một người; quả của nghiệp và bản chất của thế giới tâm (lokacintā). Những điều không thể nghĩ bàn này là không được nghĩ về; nếu nghĩ về chúng sẽ dẫn người đó bị tâm thần và mất trí. (đoạn 77) * Có bốn pháp liên quan mà không ai cho dù Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên, ma vương hay ai khác trong thế gian này có thể bảo đảm được: - Đó là những gì phải chịu hoại diệt không nên hoại diệt. - Đó là những gì phải bệnh không nên ngã bệnh. - Đó là những gì phải chịu chết không nên chết; và - Đó là không có quả nào đến trước do những ác nghiệp trước kia đã làm. (đoạn 182) * Có bốn cách qua đó tính cách của một người có thể phán đoán: Phẩm hạnh của người đó được người thông minh và có trí tuệ biết bằng cách quan tâm kề cận sau khi sống chung với người đó một thời gian rất dài. Phẩm chất trung thực của người đó có thể được người thông minh và có trí tuệ biết bằng cách giao dịch với người đó. Tính can đảm chịu đựng có thể được người thông minh có trí tuệ biết bằng cách quan sát với sự chú tâm cận kề trong thời kỳ khốn khổ. Trí tuệ của người đó có thể được người thông minh và có trí tuệ biết khi nói chuyện với người đó về những đề tài khác nhau trong một thời gian dài. (đoạn 192) * Có bốn pháp đưa đến sự phát triển trí tuệ: Thân cận với người tốt; nghe Pháp hay; duy trì thái độ đúng của tâm và sống hành theo pháp. (đoạn 248) 5. CHƯƠNG NĂM PHÁP (Pañcaka Nipāta Pāḷi) * Có năm sức mạnh con người có được trong khi rèn luyện đạt được thượng trí: Tín, tàm quí, tinh tấn và trí tuệ. Vị ấy tin tưởng vào sự giác ngộ của đức Phật; vị ấy cảm thấy xấu hổ vì tà hạnh trong việc làm, lời nói và tư tưởng; vị ấy sợ bất cứ điều xấu và bất thiện; vị ấy sanh khởi năng lượng để diệt trừ mọi thứ bất thiện và đạt được mọi điều thiện; vị ấy nhận thức các hiện tượng thường xuyên sanh, diệt và như thế được tuệ quán trang bị, cuối cùng sẽ dẫn đến Niết bàn, chấm dứt khổ. (đoạn 2) * Cũng có năm pháp khác, đó là tín, tấn, niệm, định và tuệ. Sức mạnh của tín được thấy trong bốn phẩm chất đặc biệt của bậc Thánh Nhập Lưu; sức mạnh của tấn được thấy trong Chánh Tinh Tấn; sức mạnh của niệm được thấy trong Tứ Niệm Xứ và sức mạnh của định được thấy trong bốn tầng thiền; sức mạnh của tuệ được thấy trong sự nhận thức các hiện tượng thường sanh rồi diệt, tuệ mà cuối cùng dẫn đến Niết bàn. (đoạn 14) * Các chất ô nhiễm làm hỏng vàng là sắc, thiếc, chì, bạc, và các kim loại khác. Các chất ô nhiễm làm tâm ô nhiễm là tham dục, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối quá và nghi. (đoạn 23) * Người bố thí vật thực thù thắng hơn người không bố thí vật thực về năm phương diện, về tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, danh tiếng và quyền lực, dù cả hai đều được tái sanh vào cõi trời hay cõi người. Sự khác nhau về năm phương diện này sẽ tiếp tục mãi cho đến khi giải thoát được đạt. Lúc đó không có sự phân biệt giữa giải thoát của một người hay người khác hay giữa một A-la-hán với một A-la-hán khác. (đoạn 31) * Có năm điều quán tưởng mà mọi người, Tỳ khưu hay cư sĩ, đàn ông hay đàn bà phải thực hiện: (i) Tôi chắc chắn phải già. Tôi không thể tránh tuổi già. (ii) Tôi chắc chắn sẽ ốm yếu và bệnh hoạn. Tôi không thể tránh khỏi bệnh tật. (iii) Tôi chắc chắn phải chết. Tôi không thể tránh cái chết (iv) Tất cả những thứ yêu và thương sẽ không kéo dài lâu. Chúng sẽ phải chịu sự thay đổi và phân ly. (v) Nghiệp của tôi (hành động ở quá khứ và hiện tại) là tài sản của tôi, nghiệp là người thừa kế của tôi, nghiệp là nhân duyên duy nhất của tôi là, nghiệp là quyến thuộc của tôi, hộ trì duy nhất cho tôi. Bất cứ những hành động nào tôi làm, tốt hay xấu, tôi sẽ trở thành người thừa kế của chúng. (đoạn 57) * Năm tiêu chuẩn được thiết lập cho việc giảng dạy Pháp: Pháp nên được dạy từ chưa biết đến biết, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó; Pháp được dạy nên được dạy như những bài kinh có lý luận giỏi; Pháp nên được dạy vì lòng bi mẫn và cảm thông; pháp không nên được dạy vì danh và lợi thế gian; Pháp nên được dạy mà không ám chỉ chính mình hay ám chỉ người. (đoạn 159) * Có năm cách để thoát khỏi sự uất: Nếu phẫn uất phát sanh đối với bất cứ người nào, thì vị ấy nên tu tâm từ, bi hay xả đối với người đó. Hay vị ấy không nên chú ý đến người đó và chớ nghĩ gì về người đó cả. Hay vị ấy có thể dụng đến ý nghĩ rằng: Hành động của người đó là tài sản duy nhất của người đó; bất cứ điều gì người đó làm, tốt hay xấu, người đó sẽ là người thừa kế những hậu quả của hành động đó. Trong cách này, mọi phẩn phát sanh lên đều có thể tiêu tan. (đoạn 161) * Cư sĩ không nên sống theo các tà mạng sau đây: Buôn bán súng ống và các loại vũ khí giết hại; buôn bán chúng sanh sống (nô lệ); buôn bán thịt; buôn bán rượu và các chất say; buôn bán chất độc. (đoạn 177)
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:06:37 GMT -5
6. CHƯƠNG SÁU PHÁP (Chakka Nipāta Pāḷi)
* Có sáu pháp không thể vượt trội: Những pháp cao thượng nhất được thấy, những pháp cao thượng nhất được nghe; đạt được pháp cao thượng nhất, học pháp cao thượng nhất, phục vụ pháp cao thượng nhất, và quán tưởng pháp cao thượng nhất. Hình ảnh Như Lai và chư vị đệ tử ngài là pháp cao thượng nhất được thấy. Nghe Pháp từ kim khẩu của Như Lai hay chư vị đệ tử ngài là pháp cao thượng nhất được nghe. Có đức tin trong sạch vào Như Lai và chư vị đệ tử ngài là đạt cao thượng nhất. Học giới thù thắng (adhisīla), phát triển tâm siêu việt (adhicitta) và trí tuệ siêu việt (adhipaññā) là học cao thượng nhất. Phục vụ Như Lai và chư vị đệ tử ngài là phục vụ cao thượng nhất. Quán tưởng giới hạnh của Như Lai và chư vị đệ tử ngài là quán tưởng cao thượng nhất. (đoạn 30)
* Có sáu loại khổ trên đời đối với người đắm say dục lạc: Nghèo khổ, mang ơn, nợ nần, nợ buộc phải trả, bị cưỡng bức bởi luật vua phép nước, tù tội.
Tương tự trong giáo pháp của chư vị Thánh, người bị coi là nghèo khổ và cơ cực là người thiếu đức tin vào những điều thiện, không có tàm quí, không có tinh tấn và không hiểu pháp nào là tốt, và người cư xử tồi với chính mình trong hành động, lời nói và tư tưởng. (đoạn 45)
* Có sáu bước để được giải thoát: Thu thúc lục căn cung cấp nền tảng cơ bản cho giới. Giới cung cấp nền tảng cho Chánh Định. Chánh Định cung cấp nền tảng cho hiểu thực tướng của các hiện tượng tâm vật lý. Nhờ hiểu biết bản chất thực của các hiện tượng tâm vật lý đưa đến sự từ bỏ và xả ly. Ở đâu có từ bỏ và xả ly ở đó phát sanh trí tuệ và tri kiến giải thoát. (đoạn 50)
* Có sáu pháp được biết: Tham dục, thọ, tưởng, lậu hoặc (āsava), nghiệp và khổ nên được biết, nhân duyên sanh khởi của chúng nên biết, sự thay đổi đa dạng của chúng nên biết, hậu quả của chúng nên biết sự diệt của chúng và con đường dẫn đến sự diệt của chúng nên được biết.
Con đường dẫn đến sự diệt của tất cả các pháp này là Bát Chánh Đạo. (đoạn 63)
* Có sáu pháp xuất hiện rất hiếm trên đời: Hiếm thay có bậc Toàn Giác xuất hiện trên đời. Hiếm thay có người giảng dạy Giáo Pháp và Giới Luật như đức Phật đã tuyên thuyết. Hiếm thay được tái sinh trong vùng đất của chư vị Thánh; hiếm thay có lục căn hoàn hảo; hiếm thay không bị câm ngọng và ngu dốt; hiếm thay có tâm ham thích làm việc phước thiện. (đoạn 96)
* Có sáu lợi ích khi chứng ngộ quả Nhập Lưu: (i) Tín tâm bất động trong Pháp; (ii) Không thể rơi trở lại; (iii) Giới hạn khổ trong vòng luân hồi (chỉ còn bảy kiếp nữa); (iv) Có được trí tuệ siêu nhiên mà không thể chia xẻ với người đời bình thường; (v) và (vi) Hiểu biết rõ ràng nhân duyên và các hiện tượng sanh khởi từ đó. (đoạn 97)
7. CHƯƠNG BẢY PHÁP (Sattaka Nipāta Pāḷi)
* Có bảy yếu tố dành được sự tôn trọng và cung kính của chư huynh đệ đồng đạo: Không tham lợi; không muốn được người cung kính nhưng bàng quang với chú ý; hổ thẹn làm điều xấu ác (tàm); sợ hãi điều xấu ác; và ít muốn; và có chánh kiến. (đoạn 1)
* Vị Tỳ khưu trở nên ruộng phước màu mỡ, khi vị ấy biết văn bản của giáo Pháp, biết nghĩa của giáo Pháp, cũng biết chính mình, biết giới hạn để nhận vật cúng dường, biết đúng cho nhũng hoạt khác nhau, biết tâm lý của thính giả, và biết khuynh tâm linh của mỗi người. (đoạn 68)
* Nếu vị Tỳ khưu phát triển tâm trong Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Bảy Yếu Tố Giác Ngộ, Bát Chánh Đạo, vị ấy sẽ thoát khởi lậu hoặc, không còn dính mắc gì cả, cho dù vị ấy muốn giải thoát hay không. (đoạn 71)
* Đời người ngắn ngủi như giọt sương rơi trên đầu ngọn cỏ; như bong bóng nước khi mưa rơi; như một đường được cái que vạch trên nước; như thác nước trên núi, như cục nước miếng trên đầu lưỡi; như miếng mỡ được ném vào trong chảo sắt cực nóng; và như con bò cái bị dẫn đi làm thịt, mỗi khi cất một bước chân đi, sẽ càng gần đến người đồ tể, càng gần cái chết hơn. (đoạn 74)
* Những pháp nào dẫn đến từ bỏ, hoàn toàn lánh xa thế tục, xả ly, diệt và an tịnh, chánh trí, giác ngộ và Niết bàn - những pháp như thế có thể được xem là Chân Pháp và giới Luật, như giáo Pháp của đức Phật. (đoạn 83)
8. CHƯƠNG TÁM PHÁP (Aṭṭhaka Nipāta Pāḷi)
* Có tám lợi ích tích lũy từ pháp hành về tâm từ: Hễ ai hành thiền tâm từ đều được ngủ ngon, thức dậy tươi, khoẻ, không bị ác mộng quấy rối, được người và phi nhân cung kính tôn trọng, được chư thiên theo hộ trì, không bị lửa, thuốc độc và khí giới làm hại và khi chết nhất định được tái sanh vào cõi trời Phạm Thiên. (đoạn 1)
* Có tám ngọn gió đời, sự thăng trầm vần xoay của cuộc đời: Được - mất, thành - bại, khen - chê, vui - khổ. (đoạn 546)
* Có tám lực: Lực của đứa bé nằm trong tiếng khóc; của đàn bà trong cơn giận; của kẻ cướp trong vũ khí của nó; của ông vua trong vương quyền của nhà vua, của kẻ thiếu trí trong chỉ trích và chửi rủa; của bậc trí trong sự suy xét cân nhắc cẩn thận về tiến hay thoái;của người có tri thức trong sự cẩn trọng; và sức mạnh của vị Tỳ khưu nằm trong sự can đảm và nhẫn nhục của vị ấy. (đoạn 27)
* Tám đại quán tưởng của đại đức Anurudha về pháp: Pháp này dành cho người ít muốn (thiểu dục) không phải dành cho người nhiều ham muốn (đa dục). Pháp này dành cho người biết đủ, không phải dành cho người không biết đủ.. Pháp này dành cho người thích độc cư, không phải cho người thích bầu bạn. Pháp này dành cho người có chánh niệm tỉnh giác, không phải cho người bất cẩn. Pháp này dành cho người có tâm tập trung, không phải cho tâm tán loạn. Pháp này dành cho người trí, không phải cho người không có trí thông minh. Pháp này cho người vui thich Niết bàn, không phải cho người vui thích chuyện đời (ngã mạn, tham ái và tà kiến). (đoạn 30)
* Bậc Thánh có tám cách nói: Không thấy, vị ấy nói không thấy; không nghe vị ấy nói không nghe; không cảm giác, vị ấy nói không cảm giác; không biết vị ấy nói không biết. Đã từng thấy, vị ấy nói đã từng thấy; đã từng nghe, vị ấy nói đã từng nghe; đã từng cảm giác, vị ấy nói đã từng cảm giác và đã từng biết vị ấy nói đã từng biết. (đoạn 68)
9. CHƯƠNG CHÍN PHÁP (Navaka Nipāta Pāḷi)
* Bậc A-la-hán không tham đắm trong chánh pháp: Bậc A-la-hán không có ý định sát hại một chúng sanh nào; không lấy với ý định ăn cắp của không cho; không hành dâm; không nói những gì không thật biết rằng nó không thật; không hưởng lạc thú; không thành kiến vì ưa thích, vì sân hận, vì si mê hay vì sợ. (đoạn 7)
* Nơi cư ngụ của người đời có chín đặc điểm mà vị Tỳ khưu không nên viếng thăm hay ở lại: Nơi vị Tỳ khưu không được chào đón hay được tỏ ra hoan hỷ hay được mời ngồi; nơi vật thực được cất giấu; nơi ít thì cho đi mặc dầu nhiều cũng cung cấp được; nơi thực phẩm kém được dâng cúng mặc dầu có sẵn thực phẩm tốt hơn; nơi vật dâng cúng được làm một cách không tôn kính; nơi người đời không đến gần tỳ khưu để nghe pháp, và nơi khi giảng pháp cho thấy ít quan tâm. (đoạn 17)
* Có chín cách trong đó hình thành sự phẫn uất: Nó đã hại ta, nó đang hại ta, nó sẽ hại ta; nó đã hại người ta thương yêu, nó đang hại người ta thương yêu, nó sẽ hại người ta thương yêu; nó đã làm điều tốt cho người ta không thích, nó đang làm điều tốt cho người ta không thích; nó sẽ làm điều tốt cho người ta không thích. (đoạn 62)
* Có chín pháp nên được diệt trừ để hoàn thành việc chứng ngộ A-la-hán quả: Tính dục, ác ý, sân hận, phẫn uất, vô ơn, đố kỵ, ghen tị, keo kiệt. (đoạn 62)
10. CHƯƠNG MƯỜI PHÁP (Dasaka Nipāta Pāḷi)
* An trú trong giới có mười lợi ích: Người an trú trong giới cảm thấy hài lòng; hài lòng nên cảm thấy vui; vui nên toại nguyện; toại nên cảm thấy an tịnh, khi an tịnh thì cảm thấy an lạc; khi cảm thấy an lạc thì tâm vị ấy tập trung; nhờ tâm tập trung, vị ấy thấy pháp như chúng đang là; thấy pháp như chúng đang là, vị ấy trở nên vỡ mộng và bình thản đối với tất cả các pháp; khi không còn đam mê hay dính mắc, vị ấy đạt được tâm giải thoát và tuệ giải thoát. (đoạn 1)
* Có mười kiết sử: Thân kiến, (Sakkāyadiṭṭhi), hoài nghi, thực hành lầm lạc chỉ thuần nghi thức và tế lễ như là con đường chân chánh (giới cấm thủ), tham dục, sân hận, sắc ái và vô sắc ái, ngã mạn, trạo cử. (đoạn 112)
* Chỉ như người đàn ông hay đàn bà nhìn vào trong gương để tìm ra liệu có vết bẩn nào trên mặt không, cũng vậy vị tỳ khưu cần thiết thỉnh thoảng tham gia vào cuộc tự - khảo sát để thấy liệu có tham, sân, hôn trầm thụy miên sanh trong tâm vị ấy không; liệu có lo lắng và hồi hộp, và nghi ngờ còn tồn tại không; liệu vị ấy thoát khỏi sân và tâm vị ấy bị ô nhiễm bởi những tư tưởng bất thiện hay không; liệu thân vị ấy có dễ chịu không bị trạo cử; liệu vị ấy bị lười biếng hay không; và liệu vị ấy có tâm định với sự ý thức rõ ràng hay không. (đoạn 51)
* Có mười pháp có được bởi người đã hoàn thành, bậc A-la-hán: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Tuệ và Chánh Giải Thoát. (đoạn112)
11. CHƯƠNG MƯỜI MỘT PHÁP (Ekādasaka Nipāta Pāḷi)
* Có mười một loại hủy hoại, bất cứ loại nào trong số này đều có khả năng làm xảy vị Tỳ khưu người chửi rủa chư Tỳ khưu đồng đạo: Vị ấy tinh tấn nhưng thiếu tiến bộ; suy thoái từ giai đoạn đã thành tựu; vị ấy hiểu pháp nhưng bị ô nhiễm và cấu uế; bị tính tự kiêu ngã mạn của mình khống chế; không an lạc trong đời sống phạm hạnh; có khả năng phạm những tội lỗi trái với giới luật; có khả năng trở lại đời sốnng tại gia, có khả năng bị khổ sở vì bệnh bất trị; có khả năng bị rối loạn tâm thần; tâm lú lẫn hỗn loạn khi chết và có khả năng bị đoạ địa ngục. (đoạn 6)
* Có mười một điều lợi ích rút ra từ việc huân tập và phát triển tâm từ, khi thực hành thường xuyên và an trú vững vàng: Vị ấy ngủ ngon và thức giấc an lành không có ác mộng; vị ấy được người đời tôn kính, được phi nhân kính trọng, được chư thiên hộ trì; không bị lửa, thuốc độc và khí giới làm hại; tâm vị ấy dễ tập trung; nét mặt vị ấy trong sáng; vị ấy khi chết, tâm sáng suốt, không lú lẫn; nếu vị ấy không đắc quả vị A-la-hán, vị ấy sẽ tái sanh vào cõi Phạm Thiên. (đoạn 15)
***
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:08:35 GMT -5
Giới thiệu Tiểu Bộ KinhGs. U KO LAY - Tỳ khưu ni Huyền Châu dịch Tính chất tập hợp của bộ sưu tập này, gồm không những chỉ những bài kinh do đức Phật thuyết mà còn là bộ sưu tập những ghi chú lý thuyết ngắn gọn hầu hết bằng kệ thơ, những bản hùng ca của cuộc tự phấn đấu và thành đạt của chư vị Trưởng lão Tăng cũng như Trưởng lão Ni, sự tích tiền thân, lịch sử đức Phật v.v... có thể giải thích cho tiêu đề của nó. Trong số năm bộ kinh, tập hợp bộ kinh (Tiểu bộ kinh) chứa một số lớn nhất những luận thuyết (như được liệt kê dưới đây) và nhiều phạm trù pháp nhất. Mặc dù từ ‘khuddaka’ nghĩa đen là ‘tiểu’ hay ‘nhỏ’, nội dung thực sự của bộ sưu tập này không vì lý do gì có thể bị xem là tiểu, nó gồm tương đương hai tạng chính, đó là, tạng Luật và Tạng Kinh, theo hệ thống phân loại. Tính chất tập hợp của bộ sưu tập này, gồm không những chỉ những bài kinh do đức Phật thuyết mà còn là bộ sưu tập những ghi chú lý thuyết ngắn gọn hầu hết bằng kệ thơ, những bản hùng ca của cuộc tự phấn đấu và thành đạt của chư vị Trưởng lão Tăng cũng như Trưởng lão Ni, sự tích tiền thân, lịch sử đức Phật v.v... có thể giải thích cho tiêu đề của nó. Sau đây là danh sách những luận thuyết như đã được Hội Nghị Kết Tập Tam Tạng lần thứ sáu (Yangon, Myanmar) công nhận: TẬP HỢP BỘ KINH: (a) Tạng Luật. (b) Tạng Luận. (c) Những bài kinh không gồm trong bốn bộ kinh đầu tiên. 1) Tập Hợp Kinh. 2) Kinh Pháp Cú. 3) Phật Tự Thuyết. 4) Phật Thuyết Như Vậy. 5) Kinh Tạng. 6) Vimānavatthu. 7) Ngạ Quỷ sự. 8) Trưởng Lão Tăng Kệ. 9) Trưởng Lão Ni Kệ. 10) Chuyện Tiền Thân. 11) Niddesa Đại, Tiểu. 12) Phân Tích Đạo. 13) Apadāna. 14) Phật Sử. 15) Hạnh Tạng. 16) Netti. 17) Petakopadesa. 18) Mi Tiên Vấn Đáp. 1. TẬP HỢP KINH Phần đầu trong Tập Hợp Kinh này, Khuddaka pātha, gồm có “những bài học về những đoạn nhỏ” hầu hết cũng được tìm thấy trong những phần khác của Tam Tạng Kinh Điển. Đó là bộ sưu tập gồm chín công thức ngắn và những bài kinh được dùng như sách giáo khoa cho sa di đang học tập, đó là (a) Tam Quy, (b) Thập Giới, (c) Ba mươi hai thể trược (d) Những Pháp đơn giản cho sa di dưới dạng sách Giáo Lý Vấn Đáp, (e) Hạnh Phúc Kinh, (f) Linh Bảo Kinh, (g) Kinh Tirokutta, (h) Kinh Nidhikanda và (i) Kinh Từ Bi. Quy y Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng, bằng cách cung kính đọc ba câu sau đây, “Con đem hết lòng thành kính quy y Phật, Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp, Con đem hết lòng thành kính quy y Tăng”. Là hành động có ý thức diễn tả đức tin trọn vẹn vào Tam bảo, không chỉ là lời bày tỏ niềm tin hời hợt thiển cận cũng không phải nghi lễ của lòng mộ đạo theo truyền thống. Hành dộng nầy gồm (i) Thái độ khiêm tốn của mình; (ii) Nhận Tam bảo như là những nguyên tắc chỉ đạo và lý tưởng của mình; (iii) Nhận là đệ tử và (iv) Tỏ lòng tôn kính Tam bảo. Trong phần về “Câu hỏi dành cho bé”, pháp được cắt xén cho thích hợp với tư duy của trẻ. Một là gì? Chất bổ dưỡng duy trì mạng sống của chúng sanh. Hai là gì? Tâm và Vật Chất. Ba là gì? Ba loại cảm thọ: Lạc, Khổ và Trung tính. Bốn là gì? Bốn Sự Thật Cao Quý. Năm là gì? Năm Uẩn chấp thủ. Sáu là gì? Sáu cơ quan cảm giác (lục căn). Bảy là gì? Bảy Yếu Tố Giác Ngộ. Tám là gì? Con Đường cao thượng gồm Tám chi. Chín là gì? Chín Cảnh Giới hay chín loại chúng sanh. Mười là gì? Mười Bất Thiện Nghiệp. Mahā Mangala Sutta, bài kinh về phúc lành cao thượng, là bài kinh được Phật tử trong nhiều nước có Phật giáo là quốc giáo ưa thích đọc và áp dụng nhiều nhất. Đó là bản tóm tắt toàn diện về đạo đức Phật giáo đối với cá nhân cũng như xã hội, được viết thành văn vần rất hay. Ba mươi tám điều hạnh phúc được liệt kê trong bài kinh như những lời hướng dẫn chắc thật xuyên suốt đời người bắt đầu với lời khuyên ‘Không gần gũi kẻ ác’ và đưa ra lý tưởng và các pháp hành cơ bản hầu tiến bộ về đạo đức và tâm linh, đem lại lợi ích và hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Hạnh phúc cuối cùng là tâm phát triển cao, luôn giữ được trầm tĩnh trước những thay đổi thất thường của vận mạng, không bị ưu sầu làm ảnh hưởng, tẩy sạch mọi phiền não và như thế đạt giải thoát - tâm của bậc Thánh A-la-hán. Khuddaka pātha là một bộ sưu tập gồm chín công thức và những bài kinh được sắp xếp trong cách như thế để hình thành một chủ đề liên tục chứng minh pháp hành của đời sống phạm hạnh: Cách một người chấp nhận giáo lý của đức Phật bằng Quy y Tam bảo, rồi phép thọ trì Thập Giới để thanh tịnh tâm. Kế đó, người ấy nhận đề mục thiền, quán ba mươi hai thể trược, phát triển tâm không dính mắc. Kế đến, người ấy được chỉ về giới và phước của việc cho ra, cách người ấy đem lại thiệt thòi cho chính mình vì không thực hành việc phước thiện. Trong lúc đó, người ấy thường đọc tụng Hạnh Phúc Kinh để bảo vệ mình và đọc Linh Bảo Kinh để hộ trì người. Cuối cùng người ấy rải tâm từ đến tất cả chúng sanh, nhờ đó giữ mình an toàn khỏi tai hại, cùng lúc đó đắc định ở các tầng thiền, cuối cùng sẽ dẫn đến mục đích của đời sống tâm linh, Niết bàn, bằng Tuệ - Đạo. 2. KINH PHÁP CÚ Kinh Pháp Cú là một cuốn sách trong Tam Tạng Kinh Điển phổ biến và nổi tiếng trong các nước quốc giáo và ở các nước khác nữa. Kinh Pháp Cú là một bộ sưu tập những lời dạy của đức Phật hay những nguyên tắc tinh yếu và cơ bản của giáo Pháp. Sách gồm 423 bài kệ được sắp xếp theo những chủ đề trong 26 chương. Bài kệ 183 ghi lại cô đọng giáo pháp của đức Phật. Không làm các việc ác. Chăm làm các việc lành, lọc tâm ý trong sạch. Mỗi bài kệ gói gọn tinh hoa của chân lý soi sáng con đường của người lữ hành. Nhiều bài kệ Pháp Cú được tìm thấy trong bài viết và lời nói hằng ngày của Phật tử. Người ta có thể tiếp nhận được nhiều dưỡng chất và nguồn động viên tinh thần trong kinh Pháp Cú không chỉ để phát triển tâm mà còn trong sinh hoạt hằng ngày nữa. Kinh Pháp Cú mô tả con đường mà người lữ hành nên theo. Trong ba bài kệ 277, 278 và 279 nói rằng tất cả các pháp hữu vi đều thoáng qua và vô thường, tất cả các pháp hữu vi đều khổ, tất cả các pháp hữu vi đều không có thực chất, không thể có khả năng được gọi là của ta (vô ngã). Khi người ấy thấy bản chất thực của các pháp với Tuệ Quán, vị ấy sinh nhàm chán thân ngũ uẩn. Lúc vỡ ảo tưởng như thế dẫn đến con đường thanh tịnh (Niết bàn). Bài kệ 243 định nghĩa dạng cao nhất của bất tịnh là vô minh (avijja) và diễn đạt rằng nỗi khổ trên đời có thể chấm dứt chỉ bằng quá trình diệt trừ tham ái, hay trước hết xa lánh tham đắm dục trần. Tham, sân, si được mô tả nguy hiểm như lửa và nếu chúng không bị kiềm giữ trong vòng thu thúc lục căn, thì đời sống hạnh phúc không thể có tại đây và sau này. Tránh hai cực đoan, đó là đắm say dục lạc và hành khổ hạnh ép xác, con người phải theo Trung Đạo, Bát Chánh Đạo - Con Đường Cao Thượng gồm tám chi để đạt đến an lạc tuyệt hảo - Niết bàn. Đạt đến Thánh đạo thấp nhất - Nhập Lưu - trên lộ trình này do đức Phật chỉ dạy được ưa chuộng hơn thậm chí có tài sản khắp nơi trên thế giới (kệ 183). Kinh Pháp Cú nhấn mạnh rằng tự mình làm nên hay tự mình làm hại chính mình, và không ai khác có thể giúp mình diệt trừ bất tịnh (vô minh). Ngay cả chư Phật không thể giúp được; quý ngài chỉ có thể chỉ đường hướng dẫn; một người chỉ có thể chỉ đường và hướng dẫn; tự mỗi người phải nổ lực. Kinh Pháp Cú chứa những viên ngọc văn chương tuyệt hảo, có nhiều ví dụ thích hợp và những chân lý phổ biến và như thế được tìm thấy bởi độc giả trên thế giới lời kêu gọi và mở mang trí tuệ. Kinh Pháp Cú phục vụ như bản tóm tắt những nguyên tắc và đặc tính tinh yếu của Phật pháp cũng như của trí tuệ trong tất cả mọi thời đại. 3. PHẬT TỰ THUYẾT - KINH UDĀNA Udāna là lời cảm ứng thốt lên do cảm xúc mạnh đặc biệt nào đó. Tập này gồm tám mươi lời cảm hứng hoan hỷ do đức Phật thốt lên vào những trường hợp độc nhất vô nhị của niềm tịnh lạc hoàn mãn; mỗi lời cảm hứng bằng văn vần được ghi cùng với một bản văn xuôi mô tả hoàn cảnh đưa đẩy để Ngài thốt lên những lời đó. Ví dụ, trong chương Bồ đề, bài kinh thứ nhất được ghi lại lời đầu tiên được đức Phật vừa mới chứng Chánh Đẳng Chánh Giác cảm hứng ngân lên trong ba khổ thơ đầu với lời mở đầu tuyệt vời: ‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền’. Trong bảy ngày sau khi Ngài Giác ngộ. Đức Thế Tôn ngồi dưới bóng cây Bồ đề cảm nghe niềm tịnh lạc giải thoát. Vào cuối bảy ngày, Thế Tôn xuất định này (Phala samāpatti), cân nhắc đến lý Duyên Khởi: Khi cái này có thì cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh; khi cái này diệt, cái kia diệt. Trong đêm canh thứ nhất, khi duyên của tập khởi khổ uẩn này được quán triệt đến từng chi tiết theo chiều thuận (sanh), Thế Tôn thốt lên khổ thơ thứ nhất tràn đầy niềm vui: ‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền, Thì mọi nghi hoặc biến mất Bởi vị ấy hiểu pháp cùng với nhân.’ Trong đêm canh thứ nhì, tâm Thế Tôn đang nghĩ đến lý Duyên Khởi theo chiều nghịch (diệt). Khi khổ diệt theo cách này được thấu hiểu hoàn toàn, Thế Tôn lại xúc động ngân lên khổ thơ thứ hai với lòng hân hoan. ‘Khi thực chất các pháp trở nên rõ Đối với ẩn sĩ tinh cần hành thiền Thì mọi nghi hoặc đều tiêu tan Vì nhận thức sự diệt của nhân.’ Trong đêm canh thứ ba, đức Thế Tôn soát xét rất chi tiết công thức của lý duyên khởi Paticca Samuppada, trong cả hai cách sanh và diệt. Sau khi quán triệt rất thấu suốt học thuyết Duyên Khởi, đức Thế Tôn ngân lên lời tuyên bố long trọng: “Khi bản chất thực của các pháp trở nên rõ. Đối với vị ẩn sĩ đang tinh cần hành thiền thì như mặt trời rạng soi bầu trời đen tối. Vị ấy dũng mãnh cự tuyệt đám quân Ma-Ra.” 4. KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY (ITIVUTTAKA PĀḶI) Cuốn thứ tư nầy gồm cả 112 bài kinh được chia thành bốn chương gồm cả văn vần lẫn văn xuôi, cái này bổ sung cái kia. Mặc dầu bản sưu tập này chứa những lời đầy hứng thú của đức Thế Tôn như trong Udāna. Mỗi đoạn đều có câu ‘Phật thuyết như vậy’ đi trước và đọc như sổ tay cá nhân trong đó được ghi chép lại những lời súc tích ngắn gọn của đức Thế Tôn. Các chương (nipāta) biểu thị rằng bản sưu tập được liệt kê theo thứ tự pháp số như trong Tăng Chi Bộ Kinh. Như vậy Ekaka Nipāta là những đoạn đề cập đến một pháp: “Này chư tỳ khưu, tận diệt tham ái; Như Lai bảo đảm sẽ chứng ngộ bậc Bất Lai (Anāgāmī), nếu các con tận diệt tham ái”. Trong Duka Nipāta, mỗi đoạn đề cập đến hai pháp: Có hai loại Niết bàn - Niết bàn Hữu Dư (còn gọi là Phiền Não Niết bàn), vẫn còn ngũ uẩn và Niết bàn Vô Dư, không còn Ngũ uẩn. 5. KINH TẬP (SUTTANIPĀTA PĀḶI) Cũng nổi tiếng như kinh Pháp Cú, Suttanipāta cũng là một tác phẩm văn vần thỉnh thoảng có đôi lời giới thiệu bằng văn xuôi. Nó được chia thành năm Phẩm (i) Phẩm Rắn gồm 12 kinh; (ii) Tiểu Phẩm: 14 kinh; (iii) Đại Phẩm:12 kinh; (iv) PhẩmTám:16 kinh và (v) Phẩm Trên Đường Đến Bờ Kia (Pārāyana): 16 câu hỏi. Vài lời dạy quan trọng của đức Phật được tìm thấy trong 12 bài kinh của Phẩm Rắn, có thể được thực hành trong đời sống hằng ngày: “Bạn chân chính đời nay khó tìm; Rất thường có bạn giấu lợi riêng Tâm người bị ô nhiễm vì tự lợi Vậy, phá tan ảo mộng; đi lang thang Cô đơn, như con tê ngưu một sừng.’ (Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng) “Không do dòng tộc thành kẻ bần cùng Chẳng do nòi giống thành Ba-la-môn Duy do hành động mỗi người mà ra. Bần cùng - sang cả - cũng do tâm này.’ (Kinh Kẻ Bần Cùng) “Như mẹ giàu tình thương Suốt đời luôn che chở Đứa con một của mình Hãy phát tâm vô lượng Cùng tất cả sanh linh.” (Kinh Từ Bi) Phẩm Trên Đường Đến Bờ Kia đề cập đến mười sáu câu hỏi do mười sáu thanh niên Bà-la-môn hỏi trong lúc Thế Tôn ngự tại điện Pāsānaka trong xứ Magadha. Thế Tôn trả lời từng câu hỏi cho nhóm thanh niên này. Biết ý nghĩa của mỗi câu hỏi và trả lời của Thế Tôn, nếu ai hành pháp như được chỉ dẫn trong kinh này, người đó có thể chắc chắn đến Bờ Kia - Niết bàn. 6. THIÊN CUNG SỰ KINH (VIMĀNA VATTHU PĀḶI) Vimāna nghĩa là nhà lớn đẹp, cung điện. Ở đây chỉ cõi trời có được do chúng sanh đã làm thiện nghiệp. Có 85 bài kệ chia thành 7 chương trong văn bản này; trong bốn chương đầu, chư thiên nữ đã cho một bản tường trình về những thiện nghiệp họ đã làm trong những kiếp trước khi còn là con người và làm sao họ làm thế nào họ được tái sanh vào cõi trời nơi những thiên cung huy hoàng tráng lệ đang chờ họ xuất hiện. Chư thiên nam kể chuyện của họ trong ba chương cuối. Đại đức Mahā Moggallāna. Có thể viếng cõi trời thuật lại cho Thế Tôn những câu chuyện mà chư thiên có liên hệ đã kể cho Ngài. Đức Phật khẳng định những sự tích này bằng cách cung cấp thêm chi tiết cho bối cảnh của những sự tích đó. Những bài kinh này cho thấy quan điểm rằng cõi người có rất nhiều cơ hội để thực hành thiện nghiệp. Những bài kinh này có mục đích là phủ nhận tà kiến của những ai tin rằng không có gì tồn tại sau đời này (Đoạn Kiến) và những ai duy trì niềm tin rằng không có hiệu quả gì đối với bất kỳ hành động nào. Về sự tích được miêu tả, năm sự tích liên quan đến những người đã được tái sanh vào cõi trời do tu tập đến quả Nhập Lưu trong những kiếp trước, hai sự tích về những người dã chấp tay tôn kính đức Phật, một sự tích những người đã nói lời chúc mừng đến buổi lễ xây dựng Tăng viện; hai sự tích về những người đã vâng giữ giới luật trong sạch và bố thí vật thực và phần còn lại kể về những ai đã được sanh vào cõi trời như quả thiện nhờ chỉ bố thí vật thực. Những bản tường trình sinh động về đời sống của chư thiên trong những cõi trời khác nhau nhằm chỉ rõ rằng những chúng sanh ở cõi cao hơn không phải là những người bất tử, cũng chẳng phải là những người bất tử, cũng chẳng phải những đấng sáng tạo, mà cũng bị tiến hóa, duyên theo những quả của thiện nghiệp đời trước; rằng chúng cũng phải chịu những quy luật của vô thường, khổ và vô ngã và phải tự nổ lực để đạt đến trạng thái bất tử - Niết bàn. 7. NGẠ QUỶ SỰ KINH (PETA VATTHU PĀḶI) “Sự tích về ngạ quỷ” là bản tường trình sinh động về tình trạng khốn khổ của những chúng sanh bị đọa vào khổ cảnh như quả của ác nghiệp. Có 51 sự tích miêu tả đời sống khốn khổ của những người làm ác, trái hẳn đời sống xa hoa của chư thiên. Nhằm nhấn mạnh lại hiệu quả ích lợi của bố thí; đố kỵ, ghen ghét, keo kiệt, tham lam và tà kiến chứng tỏ là nguyên nhân đọa vào khổ cảnh của loài ngạ quỷ. Cảnh khổ chính của cảnh này là chúng sanh bị án rất thiếu vật thực, áo quần và chỗ ở. Nếu thân quyến trước kia của người đó thực hành thiện nghiệp và chia phước đến người bất hạnh đó thì người ấy liền thoát khỏi khổ cảnh như thế. Trong Ngạ Quỷ Sự Tirokutta có bản tường trình đầy đủ chi tiết làm sao vua Bimbisāra làm vơi nỗi khổ ngạ quỷ của thân quyến trước kia của vua bằng cách dâng cúng vật thực, y phục và chỗ ở đến đức Thế Tôn và hội chúng Tỳ khưu, và chia phước đã tạo như vậy, đến ngạ quỷ - những người trước đây là thân bằng quyến thuộc của đức vua. 8. TRƯỞNG LÃO TĂNG KỆ VÀ TRƯỞNG LÃO NI KỆ Hai cuốn này tạo thành một bộ sưu tập những bài kệ hân hoan mãn nguyện của chừng 264 vị Trưởng lão Tăng và 73 vị Trưởng lão Ni đã ngâm lên những bài này phát xuất từ nguồn cảm hứng và lòng tận tụy với đạo Pháp. Những bài kệ cảm hứng này tuôn phát ra từ trong tâm của chư vị Tỳ khưu Tăng - Ni sau khi đạt A-la-hán quả như là lời tuyên bố sự thành đạt của quý Ngài và cũng là tự sự nổ lực của quý ngài để dẫn đến giác ngộ cuối cùng. Chúng ta có thể học từ những bài kệ hân hoan này, làm sao từ những sự kiện vặt vảnh trong đời sống, tình huống tầm thường có thể trở thành điểm xuất phát cho nổ lực tinh thần lên đến đỉnh cao là giải thoát tuyệt đối. Nhưng đối với vài vị trưởng lão tăng, tiếng gọi đó đã đến sớm với quý ngài, để từ bỏ đời sống gia đình và sống đời vô gia đình. Cuộc chiến đấu nội tâm gian khổ giữa hai lực lượng thiện ác. Quý Ngài đã chiến thắng nhờ quyết tâm và kiên định. Những thằng thúc tham, sân và si đã dứt lìa tan nát cả và quý ngài đã giải thoát. Trong lúc hân hoan toại nguyện, quý ngài đã ngâm lên những bài kệ hứng thú này để tuyên bố tự do và chiến thắng ba đám ma quân này. Vài vị Trưởng lão Tăng có những bài kệ đạt đến đỉnh cao của thơ ca khi họ kể lại đời sống độc cư an tịnh trong rừng thanh vắng, thiên nhiên xanh tươi cùng với môi trường thanh bình và trầm lắng thuận duyên cho việc hành thiền của quý ngài. Mặc dầu những bài thơ trong Trưởng Lão Ni Kệ không xuất sắc nên thơ bằng Trưởng Lão Tăng Kệ trong việc diễn đạt sôi nổi tình yêu đời sống độc cư. Tuy nhiên, chúng cũng phản ảnh lòng kính yêu vô hạn và quyết tâm không sờn của Trưởng lão Ni đã phấn đấu đạt đến mục tiêu cuối cùng. Một điểm đặc trưng trong cuộc đấu tranh của Trưởng lão Ni là rằng nhiều vị trong số họ nhận động lực cuối cùng tìm khuây khỏa trong đời sống phạm hạnh từ sự mất quân bình về tình cảm mà họ đã cam chịu, ví dụ, mất những người thương yêu như trong trường hợp Patācārī, hay vì nỗi khổ vô cùng về cái chết của đứa con yêu như Kisā Gotami đã trải qua. Cả hai Trưởng lão Tăng và Trưởng lão Ni Kệ cung cấp cho chúng ta những mẫu chuyện tuyệt vời cảm hứng và sáng ngời, đầy cảm thông, quá thăng hoa, đầy nhân tính và trung thực đối với đời sống, dẫn chúng ta đi trên con đường phạm hạnh làm hưng phấn khi tâm ta buồn nản, dẫn dắt ta vượt qua những xung đột và cản trở nội tâm. Những bài kệ này có thể thưởng thức đơn giản như những bài thơ có sức tưởng tượng tuyệt vời và lời thơ ý vị hay chúng có thể quan niệm như những thông điệp cảm hứng có ý nghĩa sâu sắc để nâng cao tâm hồn đến những mức độ cao nhất của sự thành tựu tâm linh. “Lạy Trời mưa xuống! Nhà con giờ có mái che Cho con sống bình an và thoải mái Chở che con khỏi mưa bão đầu mùa. Lạy Trời mưa xuống! Mưa trút xuống mảnh đất tâm người Tâm con giờ lặng yên và bất động Bao xiềng xích tham sân si giờ đã lìa tan Nhiệt tâm tinh cần, tâm bất thối chuyển Lạy Trời mưa xuống! Hãy trút xuống cho mảnh đất tâm người.” (Bài kệ 325) Vị Tỳ khưu giờ đã có ‘nhà ngũ uẩn’ được ‘mái và tường’ của thu thúc lục căn và trí tuệ che chở, phòng hộ kỹ. Như vậy vị ấy sống thoải mái, được hộ trì kỹ khỏi mưa bão của tham ái và dính mắc. Không bị quấy rầy bởi mưa sân hận, vô minh trút xuống và gió ngã mạn quay cuồng, vị ấy vẫn lặng yên trầm tĩnh, vô nhiễm. Mặc dầu vị ấy sống bình an tự tại và giải thoát như vậy, vị ấy vẫn chánh niệm tỉnh giác, luôn sẵn sàng ứng xử với sự khẩn cấp nào có thể phát sanh do thiếu chánh niệm. 9. SỰ TÍCH TIỀN THÂN CỦA ĐỨC PHẬT (JĀTAKA PĀḶI) Có nhiều sự tích về những kiếp trước của đức Phật Gotama, trong khi ngài chưa thành Phật vẫn còn là Bồ tát. Jātaka là một tác phẩm văn vần lớn về số lượng gồm 547 sự tích hay tiền kiếp được đức Phật kể lại, (thường tham khảo trong các chương (nipāta) theo số của bài kệ liên quan đến mỗi sự tích, những sự tích có một bài kệ được xếp loại Ekaka Nipāta v.v... Chính Chú Giải căn cứ vào các loại kệ đã ghi lại hoàn tất sự tích tiền thân. Trong những sự tích tiền thân này in sâu những nguyên tắc đạo đức và các pháp hành mà bồ tát đã ứng dụng để tự phát triển và hoàn thiện hầu viên thành quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. 10. NIDDESA PĀḶI Cuốn này trong tập hợp bộ kinh gồm hai phần: Mahā Nidesa, phần trình bày chính, theo chú giải thuộc chương thứ tư (Atthaka) của Sutta Nipāta và Culla Nidesa, phần trình bày phụ, theo chú giải thuộc chương thứ năm (Pārayana) và về những bài kinh Khaggavisāna ở chương đầu tiên. Những tác phẩm bình luận nầy được quy cho đại đức Sāriputta gồm nhiều dữ liệu về Vi Diệu Pháp và tạo thành dạng sớm nhất của chú giải, cung cấp nhiều bằng chứng cho truyền thống chú giải nhiều thế kỷ trước khi đại đức Buddhaghosa (Phật Âm) xuất hiện trên văn chương Phật giáo. 11. PHÂN TÍCH ĐẠO (PATISAMBHIDA MAGGA PĀḶI) Luận thuyết này, có tựa là Phân Tích Đạo, được quy cho đại đức Sāriputta. Đề cập có tính phân tích những giáo lý nổi bật của đức Phật, được chia thành ba phẩm chính, đó là Đại Phẩm, Yuganaddha Phẩm và Tuệ Phẩm. Mỗi phẩm gồm 10 nhóm phụ, gọi là Kathā, chẳng hạn Trí Kathā, Kiến Kathā v.v... Cách lý giải mỗi chủ đề rất chi tiết và cung cấp nền tảng lý thuyết rõ ràng cho pháp hành trên con đường giải thoát. 12. APADĀNA PĀLI Là tác phẩm sử học về sự tích cuộc đời đức Phật (quá khứ và hiện tại) và các đệ tử A-la-hán của Thế Tôn. Nó được chia thành hai phần: Therāpadāna cung cấp sự tích cuộc đời đức Phật, về 41 vị Độc Giác Phật và về 559 vị A-la-hán từ đại đức Sāriputta đến đại đức Ratthapāla; và Therīpadāna có sự tích cuộc đời của 40 vị A-la-hán trưởng lão ni từ Trưởng lão ni Sumedhā đến Trưởng lão ni Pesalā. 13. PHẬT SỬ (BUDDHAVAMSA PĀLI) Phật sử là một bản tường trình ngắn về lịch sử đức Phật Gotama và về 24 vị Phật trước kia đã thọ ký cho ngài viên thành Chánh Quả Vị Phật - Chánh Đẳng Chánh Giác. Cuốn này gồm 29 phần bằng văn vần. Phần đầu tiên là bản tường trình về cách đại đức Sāriputta hỏi đức Phật vào lúc ngài mới lần đầu tiên quyết định phục vụ nhằm Viên Thành Quả Vị Chánh Đẳng Chánh Giác và những ba la mật gì ngài phải thực hiện để hoàn thành mục đích Toàn Giác. Trong phần thứ hai, đức Phật miêu tả cách đức Phật Dīpankara gây cảm hứng cho ngài khi ngài còn là ẩn sĩ Sumedha và ngài phát nguyện thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, và cách đức Phật Dīpankara ban phước cho ẩn sĩ Sumeddha sẽ thành Phật hiệu là Gotama sau quãng thời gian là bốn A tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Từ đó trở đi, Bồ tát Sumedha tiếp tục thực hành mười ba la mật, đó là bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ và xả. Đức Phật liên hệ cách ngài thực hành mười ba la mật này, từ kiếp này qua kiếp khác, và cách trong mỗi trong hai mươi bốn vị Phật, xuất hiện sau Phật Dīpankara vào những khoảng giữa của mỗi đại kiếp, tiên đoán lại rằng ngài sẽ thành Phật có danh hiệu là Gotama. Trong phần từ ba đến hai mươi bảy là những bản tường trình về hai mươi lăm vị Phật kể cả Phật Gotama, giới thiệu chi tiết về mỗi vị Phật có liên quan đến nơi sinh, địa vị, danh tánh của phụ mẫu, danh tánh hiền thê và hiếu tử, tuổi thọ, cách xuất gia, thời kỳ nổ lực để thành quả vị Phật, giáo lý của kinh Chuyển Pháp Luân tại rừng Migadāya, danh tánh các vị Đại Đệ Tử và những đệ tử cư sĩ chính của chư Phật. Mỗi phần được khép lại với bản tường trình về nơi chư Phật nhập diệt và cách xá lợi của chư Phật được phân chia và thờ phụng. Trong phần thứ hai mươi tám là danh tánh của ba vị Phật, đó là:Tanhankara, Medhankara và Saranankara sống trước đức Phật Dipankara vào khoảng cách khác nhau của cùng một đại kiếp. Danh tánh của chư vị Phật khác (cho đến Phật Gotama) cũng được liệt kê cùng với tên của đại kiếp trong đó chư Phật xuất hiện trên đời sau Phật Gotama. Phần cuối tường trình cách xá lợi của Phật được phân chia và nơi chúng được tôn thờ và bảo quản. 14. HẠNH TẠNG (CARIYĀ PITAKA) Tạng này có ba mươi lăm sự tích về tiền thân của đức Phật được kể lại theo lời thỉnh cầu của đại đức Sāriputta. Trong lúc Jātaka liên quan đến tiền thân của đức Phật từ thời ẩn sĩ Sumedha, đến khi thành Phật Gotama, Hạnh Tạng chỉ nhắc đến ba mươi lăm tiền thân của Bồ tát trong đại kiếp cuối này. Vị bồ tát này xuyên suốt vô số thời đại đã hoàn thành mười ba la mật trong thời gian dài không thể đếm được, Hạnh Tạng tường thuật lại những hoàn thành như thế trong ba mươi lăm kiếp, chọn ra bảy trong mười Ba la mật và kể lại mỗi ba la mật được hoàn thành như thế nào trong mỗi của những kiếp này. Mười sự tích trong phẩm đầu tiên liên quan đến việc tích lũy những đức tính trong bố thí vật thực, phẩm thứ hai có mười sự tích liên quan đến xuất gia ba la mật, một sự tích: Quyết định ba la mật, sáu sự tích: Chân thật ba la mật, hai sự tích: Từ tâm ba la mật và một là Xả ba la mật. 15. NETTI VÀ PETAKOSADESA Hai tác phẩm nhỏ, Netti, có bảy chương, và Petakopadesa, có tám chương. Khác xa những cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển bởi vì bản chất chúng thuộc thể loại bình luận và có phương pháp hệ. 16. MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDAPAÑHĀ PĀLI) Mi Tiên Vấn Đáp là cuốn cuối tạo thành Hỗn Hợp Bộ Kinh. Sách tường thuật những câu hỏi của vua Milinda và những câu trả lời của đại đức Nagasena khoảng 500 năm sau đức Phật Niết bàn, vua Milinda là nhà cai trị Yonaka (Hy Lạp) của xứ Sāgala. Vua là người rất uyên bác và rất khôn khéo trong thuật tranh luận. Đại đức Nagasena, vị A-la-hán tròn đủ Tứ Vô Ngại Giải, trong chuyến viếng thăm xứ Sāgala theo lời thỉnh cầu của Tăng đoàn. Vua Milinda, người muốn được sáng tỏ vài điểm về Pháp, hỏi đại đức Nāgasena những câu hỏi khó hiểu liên quan đến bản chất con người, sự tồn tại của con người sau khi chết, và những phương diện học thuyết khác của Pháp. Đại đức Nāgasena đã cho vua những câu trả lời rất thỏa mãn về mỗi vấn đề được hỏi. Những câu hỏi và trả lời uyên bác về giáo Pháp của đức Phật được biên thành cuốn sách có tên là Mi Tiên Vấn Đáp.
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:11:58 GMT -5
Kinh tạng Pali trích dẫn: Khi Một Người Ra ĐiNguyên Giác Trích từ Kinh Phật, Tạng Pali Dịch từ Pali sang Anh văn: Tỳ Kheo Thanissaro Nguồn: accesstoinsight.org Dịch từ Anh sang Việt: Nguyên Giác * Sn 3.8 (Kinh Tập) Chúng sinh sẽ từ trần, ngay cả khi được trường thọ. Y như trái chín rồi sẽ rơi, con người khi ra đời sẽ mang nỗi nguy thường trực là sự chết. Như các bình đất sét của thợ gốm, lớn & nhỏ, đã nung & chưa nung, tất cả đều sẽ tan vỡ, đời người cũng thế sẽ tới cái chết. Trẻ & già, trí & ngu, giàu & nghèo: tất cả đều bị cái chết lôi kéo, tất cả đều có điểm đến là sự chết. * Thig 3 (Trưởng Lão Ni Kệ) “’Jiva, con gái tôi,’ ngươi khóc trong rừng. Ubbiri, hãy tỉnh thức đi. Có 84,000 người cùng tên là Jiva đã được hỏa thiêu nơi nghĩa địa này. Ngươi khóc cho ai trong đó?” Đã kéo ra rồi – hoàn toàn bứt ra – mũi tên rất khó để thấy, từng ghim sâu trong tim tôi, Đức Phật đã xóa tan nỗi đau đớn thương con trong tôi, người từng đau đớn khóc con mình. Hôm nay -- với mũi tên đã rút ra, tâm không hề tham gì nữa, hoàn toàn Giải Thoát – tôi xin quy y Phật, Pháp và Tăng. * SN 2.19 Tại thành Vương Xá. Trong khi đứng hầu một bên, Uttara là con của một vị thiên đã đọc bài kệ này trước Đức Phật: Đời người bị cuốn trôi, ngắn ngủi như không. Với người bị tuổi già cuốn trôi, sẽ không nơi nào để trú ẩn. Thấy hiểm nguy trong cái chết, chúng sinh nên làm việc thiện để có phước lạc. [Đức Phật nói:] Đời người bị cuốn trôi, ngắn ngủi như không. Với người bị tuổi già cuốn trôi, sẽ không nơi nào để trú ẩn. Thấy hiểm nguy trong cái chết, con nên xa lìa mồi thế gian và hãy tìm sự an tĩnh. * SN 55.21 [Đức Phật nói với Mahanama:] “Như khi một người ném chiếc bình đựng bơ hay bình đựng dầu xuống hồ nước sâu, nơi đó bình sẽ bể. Những mảnh bình vỡ sẽ chìm xuống, trong khi bơ hay dầu sẽ nổi lên và tách riêng ra. Cũng thế, khi tâm của con từ lâu trưởng dưỡng với thâm tín, trưởng dưỡng với giới đức, trưởng dưỡng với tu học, trưởng dưỡng với hạnh xả ly, trưởng dưỡng với tuệ giác, rồi khi thân xác... bị ăn bởi quạ, kên kên, diều hâu, chó, linh cẩu, hay mọi loài khác, tuy nhiên tâm thức... vẫn hướng thượng và tách riêng ra. “Hỡi Mahanama, đừng sợ gì hết! Đừng sợ gì hết! Cái chết của con sẽ không phải là xấu, con từ trần sẽ không phải là xấu.” * Thag 14.1 (Trưởng Lão Tăng Kệ) Và ta phát triển được tâm thiện lành, vui với tâm thiện lành -- thường trực. Kiên tâm, không lay động, ta hỷ lạc với tâm mình. Ta tới được nơi an ngụ tối thượng, nơi kẻ hạ liệt không tới được. Thành tựu vô niệm, người đệ tử của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác tới được với sự tĩnh lặng cao quý tức khắc. Như ngọn núi đá bất động và vững chắc, một nhà sư cũng thế, khi vọng tâm đã kết thúc, y hệt ngọn núi không lay động. * Dhp 16 (Pháp Cú) Sống an vui kiếp này, sống an vui kiếp sau. Trong cả 2 cõi, người tạo phước lành được an vui. Sẽ an vui khi thấy việc mình làm thanh tịnh. Dhp 18 Sống an vui kiếp này, sống an vui kiếp sau. Trong cả 2 cõi, người tạo phước lành được an vui. Người vui với ý nghĩ, ‘Ta đã tạo phước lành.’ Sinh vào cảnh giới lành, sẽ an vui thêm nhiều nữa. Dhp 21 Tinh tấn tu học: đường tới Bất tử. Không tu học: đường chết. Người tinh tấn không chết. Người không tu học tuy sống nhưng đã chết. Dhp 23 Thường trực an trụ trong định, thường trực vững vàng tinh tấn: người giác ngộ đạt Niết Bàn, bậc tối thượng xa lìa mọi ràng buộc. Dhp 24 Người quyết tâm, tỉnh thức, hạnh lành, làm cẩn trọng, tinh tấn, tự chế, sống Chánh Pháp: vinh quang trưởng dưỡng. Dhp 319 Có lỗi, biết có lỗi; không lỗi, biết không lỗi. Chúng sinh có chánh kiến sẽ tới cõi an lành. Dhp 421 Trong quá khứ, hiện tại và vị lai, người không sở hữu gì, người không có gì để dính mắc: người này được ta gọi là bậc Phạm hạnh. * Sn 5.15 [Mogharaja:] ... Vì Đức Thế Tôn là đấng đã nhìn thấy xa thật xa, con có một câu hỏi: Chúng sinh nên nhìn thế giới như thế nào để không bị Thần Chết nhìn thấy mình? [Đức Phật:] Mogharaja, hãy nhìn thế giới này như rỗng không – hãy luôn luôn tỉnh thức để gỡ bỏ bất cứ cái nhìn nào về tự ngã. Với cách này, con sẽ bước cao hơn và vượt qua cái chết. Đó là cách hãy nhìn thế giới như thế, để không bị Thần Chết nhìn thấy. Băng hình có thể xem ở đây: youtu.be/AOgsxivuWOYHẾT When Someone Is Gone Excerpts from Buddhist Pali Canon Translated from Pali into English by Thanissaro Bhikkhu Source: accesstoinsight.org Translated from English into Vietnamese by Nguyen Giac * Sn 3.8 (Kinh Tập) Beings are subject to death even when they attain old age. Like ripe fruits whose downfall, whose danger is falling, so for mortals, once born, the constant danger is death. As a potter's clay vessels, large & small, fired & unfired, all end up broken, so too life heads to death. Young & old, wise & foolish, rich & poor: all come under the sway of death, all have death as their end. * Thig 3 (Trưởng Lão Ni Kệ) "'Jiva, my daughter,' you cry in the woods. Come to your senses, Ubbiri. 84,000 all named Jiva have been burned in that charnel ground. For which of them do you grieve?" Pulling out — completely out — the arrow so hard to see, embedded in my heart, he expelled from me — overcome with grief — the grief over my daughter. Today — with arrow removed, without hunger, entirely Unbound — to the Buddha, Dhamma, & Sangha I go, for refuge to the Sage. * SN 2.19 At Rajagaha. As he was standing to one side, Uttara the deva's son recited this verse in the Blessed One's presence: Life is swept along, next-to-nothing its span. For one swept on by aging no shelters exist. Perceiving this danger in death, one should do deeds of merit that bring about bliss. [The Buddha:] Life is swept along, next-to-nothing its span. For one swept to old age no shelters exist. Perceiving this danger in death, one should drop the world's bait and look for peace. * SN 55.21 [Buddha said to Mahanama:] "Suppose a man were to throw a jar of ghee or a jar of oil into a deep lake of water, where it would break. There the shards & jar-fragments would go down, while the ghee or oil would rise upward and separate out. In the same way, if one's mind has long been nurtured with conviction, nurtured with virtue, nurtured with learning, nurtured with relinquishment, nurtured with discernment, then when the body... is eaten by crows, vultures, hawks, dogs, hyenas, or all sorts of creatures, nevertheless the mind... rises upward and separates out. "Have no fear, Mahanama! Have no fear! Your death will not be a bad one, your demise will not be bad." * Thag 14.1 (Trưởng Lão Tăng Kệ) And I develop a mind of good will, delighting in non-malevolence — always. Unvanquished, unshaken, I gladden the mind. I develop the sublime abiding, not frequented by the lowly. Attaining no-thinking, the disciple of the Rightly Self-awakened One is endowed with noble silence straightaway. As a mountain of rock is unmoving, firmly established, so a monk, with the ending of delusion, like a mountain, doesn't quake. * Dhp 16 (Pháp Cú) Here he rejoices, he rejoices hereafter. In both worlds the merit-maker rejoices. He rejoices, is jubilant, seeing the purity of his deeds. Dhp 18 (Pháp Cú) Here he delights he delights hereafter. In both worlds the merit-maker delights. He delights at the thought, 'I've made merit.' Having gone to a good destination, he delights all the more. Dhp 21 (Pháp Cú) Heedfulness: the path to the Deathless. Heedlessness: the path to death. The heedful do not die. The heedless are as if already dead. Dhp 23 (Pháp Cú) The enlightened, constantly absorbed in jhana, persevering, firm in their effort: they touch Unbinding, the unexcelled rest from the yoke. Dhp 24 (Pháp Cú) Those with initiative, mindful, clean in action, acting with due consideration, heedful, restrained, living the Dhamma: their glory grows. Dhp 319 But knowing error as error, and non-error as non-, beings adopting right views go to a good destination. Dhp 421 He who has nothing — in front, behind, in between — the one with nothing who clings to no thing: he's what I call a brahman. * Sn 5.15 [Mogharaja:] ... So to the one who has seen to the far extreme, I've come with a question: How does one view the world so as not to be seen by Death's king? [The Buddha:] View the world, Mogharaja, as empty — always mindful to have removed any view about self. This way one is above & beyond death. This is how one views the world so as not to be seen by Death's king. The video can be watched here: youtu.be/THE END
|
|
|
Post by tk on Jan 9, 2014 19:13:44 GMT -5
Thừa tự phápMinh Tuệ Thế nào là thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật? Thế nào là thừa tự tài vật, không thừa tự Pháp? Phật kể câu chuyện để minh họa: Có hai Tỷ-kheo từ xa đến thăm Phật sau khi Phật vừa dùng bữa xong. Thừa tự Pháp của Phật để làm lợi ích cho chính mình, và mang lợi lạc cho cuộc đời là trách nhiệm cao quý thiêng liêng của hàng xuất gia đệ tử Phật, những người được tôn xưng là sứ giả Như Lai. Phật pháp có được hưng thịnh, có thật sự mang lại niềm tin yêu và lợi lạc cho cuộc đời hay không tùy thuộc vào việc xây dựng chùa to Phật lớn mà cơ bản nằm ở chỗ chư Tăng có sống Phạm hạnh thanh tịnh đúng như lời Phật dạy hay không. Nhận rõ vấn đề này, Đức Phật đã có lời khuyên nhắc các Tỷ-kheo hãy là người thừa tự Pháp, chớ có thừa tự tài vật. Trong bài kinh Thừa tự Pháp (Dhammadàyàdasutta) thuộc tuyển tập Trung Bộ, Ngài ân cần nhắn nhủ: “Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”. Nhưng này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Thầy trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật”. Thế nào là thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật? Thế nào là thừa tự tài vật, không thừa tự Pháp? Phật kể câu chuyện để minh họa: Có hai Tỷ-kheo từ xa đến thăm Phật sau khi Phật vừa dùng bữa xong. Cả hai đi đường xa bị đói khát nên rất mệt. Phật dùng bữa xong còn lại một ít thức ăn trong bình bát. Ngài bảo hai vị Tỷ-kheo ai thấy cần thì dùng, nếu không Ngài sẽ đổ thức ăn ấy vào chỗ không có cỏ xanh hay bỏ xuống chỗ nước không có côn trùng sinh sống. Dù rất đói, vị Tỷ-kheo thứ nhất nghĩ nhớ đến lời khuyên “thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật” của Phật nên quyết tâm nhẫn chịu qua đêm với cái bụng cồn cào. Vị thứ hai nghe Phật Như vậy, ý nghĩa thừa tự Pháp mà Đức Phật muốn khuyên nhắc các đệ tử mình là hết sức rõ ràng. Ai quyết tâm sống trọn lời Phật dạy, người ấy thừa tự Pháp, có khả năng kế thừa đại nghiệp của Phật, xứng đáng là bậc sứ giả của Như Lai. Phật khen vị Tỷ-kheo thứ nhất bởi vì vị này thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật, tức quyết tâm tu tập, uốn nắn bản thân theo đúng lời Phật dạy, không ăn phi thời, không vì cảm giác đói khát khó chịu nhất thời mà bỏ qua lời Phật. Đây là công phu tu trì, tức quyết tâm nghiêm trì giới luật của Phật nhằm khắc phục các thói quen tham muốn dục lạc, chuyển hóa chúng thành nếp sống tri túc, nhờ đó con người dần dần được tự do, hoặc nói theo lời Phật là trở nên “ít dục, biết đủ, có khả năng kham nhẫn, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn”2 hoặc “ít lăng xăng, lắng dịu, hoan hỷ với sự hiến cúng của người khác, sống với tâm tư như con thú rừng”3. Đây cũng chính là kết quả cụ thể của nếp sống thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật, tức dấu hiệu tiến bộ của hành giả tu Phật trong vấn đề điều phục và chuyển hóa bản thân, khiến cho thân tâm trở nên thư thái nhẹ nhàng, không còn bị các ham muốn dục lạc hay dục vọng lôi kéo và chi phối, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước hành tập sâu hơn về hướng đi giải thoát, tức sự đào luyện nội tâm hay thực hành thiền định. Trong phần tiếp theo của bài kinh, Tôn giả Sàriputta làm rõ hơn ý nghĩa và tinh thần thừa tự Pháp của Phật. Tôn giả cho rằng có ba trường hợp người xuất gia được xem là kẻ thừa tự Phật pháp, xứng đáng được tán thán. Thứ nhất là sống hạnh viễn ly giống như bậc Đạo sư, tức thể hiện một nếp sống rời xa ái dục, chuyên tâm hành trì thiền định để chứng ngộ tâm giải thoát, tuệ giải thoát hay thực chứng Niết-bàn. Thứ hai là tuân thủ đầy đủ các học giới do bậc Đạo sư ban hành, tức những gì bậc Đạo sư dạy nên từ bỏ, không nên vi phạm thì cần phải quyết tâm từ bỏ, không có vi phạm. Thứ ba là thực thi đời sống Phạm hạnh một cách tinh chuyên, tức sống nếp sống tri túc giản dị của người xuất gia, không xem trọng vật chất, tinh cần tinh tấn tu tập, không lười biếng, không sa đọa vào thế giới dục lạc, có ý thức trách nhiệm đối với mục tiêu giải thoát của bản thân, thuật ngữ gọi là “không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly” (na paviveke nikkhittadhurà). Và Tôn giả nhấn mạnh: “Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh năng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Trung tọa Tỷkheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Trung tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Trung tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷkheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, không dẫn đầu về đọa lạc, không bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán”4. Nhìn chung, thừa tự Pháp là thừa tự sự nghiệp giác ngộ của Phật, được thể hiện qua nếp sống thực hành nghiêm túc con đường giới-định-tuệ, hướng đến mục tiêu giải thoát giác ngộ. Phật mong muốn các học trò mình thừa kế đúng đắn đường hướng giác ngộ của Phật để đạt được tiến bộ lợi lạc trong đời sống tu học và để tiếp nối sự nghiệp chia sẻ kinh nghiệm giác ngộ an lạc cho mọi người. Đây được xem là trách nhiệm lớn của người xuất gia trong ý nghĩa nỗ lực hành trì và thực chứng lời Phật dạy vì mục đích tự lợi và lợi tha. Cuộc đời có lắm khổ đau bởi mê lầm, luôn cần đến những con người giác ngộ để giúp cho chúng sinh bớt mê lầm khổ đau. Những người học Phật biết rất rõ rằng Phật chỉ có một bộ y (ba y) và cái bình bát là vật sở hữu nhưng Phật làm lợi ích cho vô số chúng sinh. Sở dĩ như thế là vì Phật là bậc giác ngộ, có đầy đủ giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức. Tài sản Phật để lại cho đời cũng không có gì ngoài những lời dạy về tăng trưởng giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức. Nhưng đó là tài sản vô giá, có khả năng giúp cho con người tự tìm thấy hạnh phúc cho chính mình và đem lại hạnh phúc cho người khác. Bởi Pháp của Phật có ý nghĩa và giá trị to lớn như vậy đối với sự sống hạnh phúc của muôn loài chúng sinh, cho nên Phật khuyên nhắc người xuất gia phải thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật; vì chỉ có Pháp, tức sự thành tựu giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức mới thực sự khiến cho người xuất gia sống hạnh phúc an lạc và giúp cho người khác được hạnh phúc an lạc. Ngài nêu rõ kết quả lợi lạc, đáng nỗ lực theo đuổi của nếp sống xuất gia thừa tự Pháp5. “Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người. Thế nào là năm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; Tự mình đầy đủ thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ thiền định; Tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; Tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; Tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đem lại hạnh phúc cho mình và đem lại hạnh phúc cho người”. Chú thích: 1. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ. 2. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ. 3. Kinh Ví dụ con chim cáy, Trung Bộ. 4. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ. 5. Kinh Hạnh phúc cho ai (4), Tăng Chi Bộ. Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 138
|
|