|
Post by tk on Jul 25, 2012 19:13:17 GMT -5
Chùa Phật Tích (phần 1)
Bài và ảnh: Trần Công Nhung Từ Vườn Tháp nhìn xuống “Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, dân gian quan niệm lễ chùa hay dự hội vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch sẽ được nhiều phước báu. Tôi cũng dành ngày này đi thăm một số chùa cổ nổi tiếng ở Bắc Ninh. Chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du, hỏi thăm đường đi không ai biết chính xác, đành nhờ ông Google. Phải công nhận khoa học tiến bộ đến mức gần như đạt được “lục thông” của bậc Giác Ngộ. Google ở bên trời Tây, mà biết rõ mọi thứ, biết đường từ Hà Nội, Sài Gòn về các vùng quê heo hút, vùng núi xa xôi. Google chỉ cho tôi qua Cầu Đuống rẽ phải tỉnh lộ 179, rẽ trái qua đường liên xã Phù Chẩn, tiếp tục mấy lần rẽ nữa là đến chùa. Tượng thú “Nói vậy mà không phải vậy”, qua cầu Đuống có lối rẽ phải nhưng đường không tên, hỏi đường 179 không ai biết. Anh tài xế taxi bảo qua đền Đô có đường đi Phật Tích. Taxi thì chắc nói không sai, tôi lên đền Đô, đúng đường đi chùa Phật Tích. Đường rộng thênh thang như xa lộ. Nhưng, lúc gặp giao lộ vòng đi mấy ngả: Hà Nội, Bắc Ninh, Từ Sơn… thì chịu thua. Thấy có khu công nghiệp, hỏi anh gác cổng mới hay phải lui lại chuyển qua cao tốc đi Lạng Sơn chừng 2 cây số sẽ thấy bảng chỉ đường về Phật Tích. Thứ gì cũng phải nhờ người địa phương mới chính xác, lý thuyết sách vở lắm khi chỉ mất thì giờ, nhất là sách vở tài liệu Việt Nam chẳng trúng trật vào đâu. Từ chỗ rẽ đi 7km là đến chùa Phật Tích. Chỉ mấy phút, từ xa đã thấy trên đỉnh đồi cao một tháp bút, một tượng Phật. Đến gần, người đi lễ, xe cộ tấp nập, cổng chùa nằm ngay bên trái. Cổng chùa bỏ ngõ, bốn trụ biểu làm thành ba lối đi. Hai trụ cao treo hai khẩu hiệu: “Mừng đảng mừng xuân mừng đất nước đổi mới. Lễ hội khán hoa mẫu đơn xuân Nhâm Thìn 2012”(1). Từ ngoài nhìn vào, con đường lát gạch lên chánh điện khá xa, rộng rãi, cảnh chùa khá cổ kính nhờ hai cây cổ thụ tỏa rợp tàng trước sân chùa. Nếu trước cổng đừng có những quầy hàng lem nhem thì đẹp hơn. Qua cổng chùa mới thấy bên trong là cả một tụ điểm mua bán cờ bạc huyên náo lộn xộn. Ô tô chạy trong sân chùa còi thét in ỏi, chẳng còn gì là nơi tôn nghiêm lễ bái. Tôi có cảm tưởng chùa đền là nơi để bá tánh đến ăn chơi khoe áo khoe quần, nơi trai gái hẹn hò đấu hót. Lên mấy chục tam cấp rồi qua một nhà bỏ trống kiểu phương đình mới vào sân chính của chùa. Sân chùa khang trang không bầy hầy như dưới kia, có hai dãy nhà dài cho khách thập phương chuẩn bị đồ lễ trước khi lên thượng điện. Thượng điện xây trên tầng cao mấy chục cấp, móng kè đá tảng, chắc chắn nhưng không đẹp. Dưới hàng hiên có 10 tượng thú bằng đá đen: Sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa. Đây là những tượng thú bằng đá đặc biệt của chùa được truyền tụng xưa nay. Tôi đi một vòng xem ngoại cảnh của chùa trước khi vào thăm bên trong. Bên phải chùa là miếu thờ Đức Bà Trần Thị Ngọc Am, đệ nhất Cung Tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này. Bà chẳng những có công lớn trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân Thập Tam Trại (2) dựng đình. Bên trái là nhà thờ Mẫu. Tượng và Tháp trên núi Lạn Kha Vòng ra sau ven sườn núi Lạn Kha là một vườn 32 bảo tháp xây bằng gạch và đá là nơi cất giữ xá lợi của các sư trụ trì, phần lớn được dựng vào thế kỷ 17. Những tháp lớn nhỏ, hai tầng, ba tầng cao thấp không đều. Một vài tháp khoét rỗng trong có tượng, còn đa phần xây bít. Tháp vuông dưới lớn trên nhỏ, chóp tháp gắn búp sen. Lên trên đồi cao là Tháp Bút (3) và tượng Phật bằng đá cao 27 mét được coi là lớn nhất Việt Nam sắp hoàn thành. Bên cạnh khu vườn tháp cổ kính trang nghiêm vẫn kèm theo nhiều lều bạt buôn bán tùy tiện nhìn chẳng đẹp tí nào. Vườn Tháp sau lưng chùa Bảy gian chánh điện, gian giữa thờ Tam Bảo, tượng đồng bóng loáng. Đặc biệt có tượng đá xanh A Di Đà tọa thiền đài sen, đế tượng nét chạm tinh vi, hoa văn ảnh hưởng nét tạc của người Chăm. Nhiều khách đi lễ tỏ ra hiểu biết cho là ngày xưa tượng đất do khuôn in mới sắc sảo như vậy, qua nhiều trăm năm đất biến thành đá (!) Đây là một trong những bảo vật của chùa. Ngay dưới tượng Di Đà là dấu tích móng tháp khai quật để lộ những lớp gạch xây (4). Các gian hai bên thờ Đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương, Hộ Pháp. Sau chánh điện là 5 gian nhà Tổ rộng rãi, nơi tiếp khách bàn ghế bằng mây tre rất trang nhã lịch sự. Phía trong là bàn thờ và nhục thân thiền sư Chuyết Chuyết (5). Bàn thờ tổ Huyền Quang, hai bên thờ tượng thiền sư Chân Nguyên và Minh Thành. Nhìn chung, chùa Phật Tích ban bệ thờ được thiết trí gọn gàng ngăn nắp, có chỗ để Phật tử lễ bái và cũng không nhiều “hòm công đức”. Nhà chùa có viết chỉ dẫn “Không cài tiền lên tượng”, nhưng nhiều ông veston cà vạt vẫn vói lên nhét tiền vào tay Phật. Do vậy, thỉnh thoảng các sư sãi lại đi nhặt tiền cho vào hòm công đức. Đường lên Chánh Điện Phật tử đa số còn trai trẻ, rất thành tâm, lễ lạy cúng dường không sót nơi nào. Bàn thờ nào cũng có tiền, người đi lễ cho thế là lòng thành nhưng người ngoài thấy đây là chuyện mua bán mặc cả với Thánh Thần. Phật tử quên câu Phật dạy “Vô trụ tướng bố thí, công đức bất khả tư lường” (Không vì hình tướng mà bố thí, công đức nhiều vô lượng). (Còn tiếp) Tháng 2-2012 (1) Theo dư luận thì phải có đất trời, có tổ quốc, có mùa xuân mới có Đảng, nên mừng Xuân trước. Có lẽ điều này hữu lý nên qua các chùa cổ nổi tiếng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp… hay nhiều nơi công cộng đều thấy khẩu hiệu “Mừng Xuân, mừng Đảng…”. Riêng chùa Phật Tích mừng Đảng trước mừng Xuân. Còn “Lễ hội khán hoa” thì không thấy hoa mẫu đơn trong sân chùa. Nhưng theo tài liệu cũ “Chùa được kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, sân chùa là một vườn hoa mẫu đơn rực rỡ”. Thực tế chùa chỉ có một ít hoa cúc vàng rải rác mấy gốc cây và hai bên đi. Theo tương truyền, bậc nền thứ nhất là sân chùa với vườn hoa mẫu đơn, nơi xảy ra câu chuyện Từ Thức gặp Tiên: “... Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên...”. Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng Giêng để khách xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ. (2) Đền Voi Phục trang 130 QHQOK tập 13. (3) Tháp nằm trên một diện tích rộng hàng chục mét vuông. Tương truyền, khi ngọn tháp này đổ, lộ ra một pho tượng Phật A Di Đà (cao 1,85 mét) bằng đá xanh làm từ thời Lý lớn nhất Việt Nam, được coi là bảo vật quốc gia. Các bảo tàng lớn đều chế phiên bản tượng này để trưng bày. Dựa vào móng tháp, người ta ước tính ngọn tháp cao khoảng 42 mét. Việc trùng tu ngôi tháp cổ nằm trong tổng thể dự án trùng tu chùa Phật Tích - với tổng dự toán khoảng 35 tỷ đồng, đã hoàn thành vào năm 2010. (4) Khi đào xuống nền ngôi chùa này, đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m. (5) Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tất cả 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi. Dựa vào các xương chi, thì chiều cao của nhà sư khoảng 1,6 m. Qua phân tích cấu tạo các nhà khoa học khẳng định đây là di hài của một vị sư nam khoảng 65 - 70 tuổi. Nghiên cứu cũng tìm thấy một đoạn dây đồng đã rỉ màu xanh, chứng tỏ sau khi cải táng, người ta lấy xương dựng khung tạo thành hình ngồi thiền, rồi mới bồi ra bên ngoài để tạo tượng. Điều này khác với nhục thân của nhà sư Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu. Để phục nguyên di hài thiền sư ở chùa Phật Tích, ngày 12 tháng 1 năm 1993, các nhà khoa học Việt Nam (có giáo sư Nguyễn Lân Cường) đã áp dụng phương pháp Guerasimov phục hồi mặt theo xương sọ... Sau khi tượng được hoàn thành, lễ rước tượng về chùa Phật Tích với sự tham dự của hàng nghìn người dân. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phục nguyên thành công một pho tượng theo phương pháp Guerasimov kết hợp với sơn ta cổ truyền.
|
|
|
Post by tk on Jul 25, 2012 19:16:05 GMT -5
Chùa Phật Tích (phần 2)Bài và ảnh: Trần Công Nhung Vườn Tháp chính Nói về lịch sử chùa thì nhiều nguồn tài liệu ghi chép khác nhau. Tạm tóm tắt sự tích theo bảng giới thiệu (1) treo trước chùa như sau: Chùa Phật Tích tên chữ là “Vạn Phúc Tự”, nằm trên sườn núi Tiên Du (núi Lạn Kha) nay thuộc xã Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phật Tích là nơi đầu tiên Phật giáo Ấn Độ truyền vào nước ta. Sử cổ kể rằng nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La vào thế kỷ thứ II sau công nguyên đến lập am tu tại núi Phật Tích, dùng mật chú cầu mưa thuận gió hòa giúp dân bản địa có cuộc sống yên ổn. Từ đó có sự hòa hợp giữa Phật Giáo và tín ngưỡng của dân địa phương. Qua thế kỷ V đến thế kỷ VI, Phật Tích là nơi hội tụ nhiều dòng Thiền như Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Đời Tùy (589-617) có Thiền Sư Pháp Hiền tu Thiền tại đây. Năm 826 sư viên tịch, được đệ tử của Vô Ngôn Thông là Cảm Thành trụ trì trên núi Tiên Du hỏa thiêu. Xá lợi của sư đặt trong tháp dựng trên núi. Tượng HT Chuyết Chuyết Đời vua Lý Thái Tông (1028-1054) hay tin có các nhà sư tu khổ hạnh trên núi Tiên Du suốt 6 năm không xuống núi, vua mấy lần tìm đến thăm và cho xây tự viện thờ Phật Di Lặc. Năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho xây trên sườn núi Tiên Du ngọn bảo tháp cao 10 trượng, bên trong thờ một tượng Phật bằng đá ngồi trên tòa sen cao 5 thước (2m10). Nhà vua đặt pháp hiệu cho chùa là Vạn Phúc Tự. Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đi du ngoạn khắp vùng Phật Tích và viết chữ "Phật" dài tới 5m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Bà Nguyên Phi Ỷ Lan cũng đóng góp quan trọng trong buổi đầu xây dựng chùa Phật Tích. Đến năm 1129 vua Lý Thần Tông khánh thành 8 vạn 4 ngàn bảo tháp bằng đất nung đặt chung quanh Phật Tích. Qua đời Trần (1225-1400) Phật Tích còn là trung tâm văn hóa chính trị của Đại Việt, nhà Vua cho xây một thư viện lớn gọi là viện Lạn Kha. Năm 1383, vua Trần Nhân Tông đã cho xây tại chùa một thư viện lớn và cung Bảo Hoa. Sau khi khánh thành, vua Trần Nhân Tông đã sáng tác thi phẩm "Bảo Hoa dư bút" dày tới 8 quyển. Vua Trần Nghệ Tông đã tổ chức cuộc thi Thái Học Sinh (thi Tiến si) trên quy mô toàn quốc tại chùa Phật Tích năm 1384. Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Bia đá còn ghi lại cảnh chùa thật huy hoàng: “... Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh… Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), một đại yến hội đã được mở ở đây”. Tượng cổ bằng đá xanh Nhưng rồi vẻ huy hoàng và sự hưng thịnh của chùa Phật Tích cũng chỉ được non 300 năm. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, chùa bị quân đội Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947. Từ ngày cuộc chiến Việt Pháp chấm dứt (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn Hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-Di-Đà bằng đá quý. Tháng 4 năm 1962, nhà nước Việt Nam công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử-văn hoá. Năm 2008, chùa được phục hồi tôn tạo kinh phí lên hàng trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là trong quá trình tôn tạo đã khám phá ra móng nền tháp thời Lý xây gạch ở cấp nền thứ hai. Những di vật tìm được ở chùa Phật Tích sẽ giúp cho công việc nghiên cứu về kiến trúc nghệ thuật thời Lý trước đây. Nền tháp cổ Theo Vietnamnet, ngày 23 tháng 11 năm 2008, khi các đoàn khảo cổ học quốc tế về Hoàng thành Thăng Long, có các chuyên gia Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Pháp, Bỉ, do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam tổ chức đến nghiên cứu chùa Phật Tích, đã chứng kiến một thực trạng tan hoang tại nơi đây. Nền chùa cổ đã bị đào phá bằng máy xúc và đang xây mới, các hiện vật quý bị vứt ngổn ngang khắp nơi. Nhà cầm quyền lúc nào cũng hô hào “bảo tồn văn hóa, nâng cao văn minh, giữ gìn bản sắc dân tộc”. Thực tế như đã thấy: Giới cầm quyền chẳng hiểu gì văn hóa mà chỉ lạm dụng, lạm phát văn hóa, chẳng hiểu gì “bản sắc dân tộc” nhưng cứ kêu gào, cốt đánh lạc hướng dư luận để làm chuyện trái ngược… Không riêng gì chùa Phật Tích bị phá bảo tháp trọm của quý mà nhiều nơi như chùa Tây Phương bức tượng nặng hàng tấn, kẻ gian đã bê nhẹ từ trên núi cao xuống mang đi… Tại sao? Do đâu? Thăm chùa Phật Tích để thấy phần nào đạo Phật thời xa xưa. Từ nơi chốn dựng chùa đến công phu tu hành của chư Tổ, trải qua cả nghìn năm dấu tích vẫn còn. Tự Viện là nơi quảng bá đạo lý, nơi thanh tịnh cho bá tánh tu tập chứ không là nơi khai thác kinh doanh, không là nơi phô trương thanh thế, nơi mua tiếng tăm gửi gắm tên tuổi. Thế nhưng ngày nay đã nhiều đổi thay làm cho thiền môn ngày một giảm trang nghiêm thanh tịnh. Một dân tộc từng có 4000 năm văn hiến sao có thể chấp nhận cảnh “buôn thần bán thánh” trong chùa đền khắp mọi nơi? Nên chăng mỗi tự viện đền đài có một ban hướng dẫn nghi thức lễ bái, cúng dường để giữ phần nào ý nghĩa chốn thiền môn. Trong Ức Trai Thi Tập, Nguyễn Trãi có bài thơ vịnh cảnh chùa Phật Tích: Đoản trạo hệ tà dương Thông thông yết thượng phương Vân quy thiền sáp lãnh Hoa lạc giản lưu hương Nhật mộ viên thanh cấp Sơn không trúc ảnh trường Cá trung chân hữu ý Dục ngữ hốt hoàn vương. Đào Duy Anh dịch: Bóng xế thuyền con buộc Vội lên lễ Phật đài Mây về giường sãi lạnh Hoa rụng suối hương trôi Chiều tối vượn kêu rộn Núi quang, trúc bóng dài Ở trong dường có ý Muốn nói bỗng quên rồi. Tháng 2 - 2012 (1) Điều khó hiểu là đến những nơi được thừa nhận là “Di tích văn hóa quốc gia” nhưng rất nhiều nơi chẳng văn hóa tí nào. Không nói đến những sinh hoạt nhếch nhác sống bám chung quanh cảnh quan di tích, ngay bảng giới thiệu di tích cũng rất nhiều thiếu sót, sai chính tả, nói ngọng, nguệch ngoạc, thể hiện trình độ văn hóa hết sức sơ đẳng và vô trách nhiệm.
|
|
|
Post by tk on Jul 25, 2012 19:22:17 GMT -5
Chùa Cổ Thạch (kỳ 1)Bài và ảnh: Trần Công Nhung/Viễn Đông Kéo lưới 4 giờ sáng chúng tôi đã sẵn sàng lên đường, theo QL1 ra hướng Bắc chừng vài cây số gặp thị trấn Phan Rí Cửa, rẽ phải về phía biển. Trời khuya rất mát, cảm giác khoan khoái dễ chịu. Tôi ngồi chung xe với Vũ, mỗi lần qua một chiếc cầu, Vũ giới thiệu tên: Cầu Sông Cạn, cầu Nam. Nhiều chục năm trước, có lần đi săn ảnh, con đường này như một đường làng, cát đất quanh co, nay tráng nhựa rộng rãi, nhà cửa cũng đàng hoàng hơn. Con đường biển chạy ra Cổ Thạch cũng làm lại mấy năm nay. Việt Nam một trong những nước tương đối có bờ biển dài, gần như suốt từ Nam chí Bắc. Một con đường Bắc Nam theo ven biển quả là con đường lý tưởng cho khách du lịch, sẽ không thua gì Freeway 101 ở Mỹ. Hiện nay, mỗi tỉnh đã thực hiện dần đoạn đường thuộc địa phận mình. Nhiều người cho rằng như thế hợp lý và hữu dụng hơn con đường Trường Sơn, tốn cả núi tiền rồi bỏ không. Nói về xây dựng ở Việt Nam đôi khi đồng nghĩa với phá hoại. Báo chí trong nước (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vnexpress…) vẫn thường đưa tin: Đại lộ Thăng Long, đại lộ “hoành tráng” nhất nước, mừng nghìn năm Thăng Long xong là nứt sập lở lói, cầu Khe Dầu (Quảng Bình) lòi cốt tre, lầu 5 tầng (Hà Nội) tự nhiên rụng cái ào, cầu Cần Thơ chưa xong đã sập…. Có phải vì thiếu người tài? – Chắc chắn là không, trên hành tinh này không nơi nào tiến sĩ nhiều bằng Việt Nam. Bộ giáo dục còn ra chỉ tiêu mỗi năm phải đào tạo (sản xuất) 3000 (nếu không nhầm) tiến sĩ. Người Việt có quyền “hãnh diện” về trí tuệ của đất nước mình. Nếu Liên Hiệp Quốc (bắt chước Việt Nam) bình chọn “trình độ văn hóa”, Việt Nam nhất định đoạt giải quán quân. Phan Rí Cửa nay là phố thị, không còn cái xôn xao rầm rập của dân chài chuẩn bị ra khơi, không còn tiếng gọi nhau ơi ới của bạn ghe đánh cá. Thị trấn đang ngủ mê. Con đường biển quá vắng vẻ, trời khuya, chạy xe qua những khu rừng phi lao tối om, nếu chạy một mình thì hơi phiêu lưu, bất cứ ai trên đoạn đường này cũng dư sức trấn lột mình. Tôi ngồi núp sau lưng bạn nên không thấy lạnh lắm, nhưng hơi ghê ghê khi nghĩ đến kẻ gian. Cổ Lai Viện - Ở đây có khi nào xẩy ra chuyện cướp bóc không? - Không đâu, dân biển hiền lành, không như dân thành phố. Mình ít khi đi, thấy ngại chứ dân họ còn đi xe đạp đi bộ cũng chẳng sao. - Tôi cũng nghĩ thế nhưng đường tối quá lại không nhà ở, toàn rừng phi lao. Từ thị trấn Phan Rí Cửa ra chùa Cổ Thạch chừng 20km, anh em quay phim dự tính có một vài “shot” lúc mặt trời lên, bình minh trên biển mà tiền cảnh là bãi đá màu thì hết chê. Lúc trời hừng sáng màu xanh nhạt, phơn phớt tí hồng, tôi biết không có cảnh bình minh rực rỡ như mình mong đợi. Ngay lúc này xe Tú bị xẹp bánh sau, giữa rừng dương không hàng quán, thật nan giải. Tôi và Vũ chạy đi tìm thợ sửa, cũng may chừng hơn cây số gặp quán sửa xe, cửa đóng im ỉm. Gọi mãi mới nghe có tiếng người. Anh thợ trẻ độc thân nên mọi việc mau mắn, anh chạy xe theo chúng tôi đến chỗ bãi dương, tháo bánh xe mang về quán thay ruột... trở lại ráp, mất hơn nửa giờ. Trong khi chờ đợi, dưới bãi biển, mộât tốp chừng mươi người, đàn ông đàn bà ra sức kéo lưới. Họ làm việc trong yên lặng, có vẻ uể oải, không nghe “Tiếng dân chài” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tuy nhiên trong khi chụp ảnh tôi cũng mường tượng một sân khấu với lời hò reo của người kéo lưới: Dô dô dô hò hò Tay bàn tay siết chặt trôi mau Sông sâu (là) sông sâu Sông này nuôi sống dân chài nghèo. Anh em cùng ra đây khoang thuyền Đây tay chài tay lưới. Ấy đời nhọc nhằn mà vui. (Tiếng dân chài, nhạc Phạm Đình Chương) Đặc sản tại Cổ Thạch Tuy bình minh không rực rỡ nhưng cũng được đôi ba ảnh hay hay. Xe đã sửa xong, chỉ trả 80 nghìn đồng (chưa được 5 đô la), khó có nơi nào mà con người tử tế như vậy. Vũ trêu anh thợ: “May mà ông này chưa vợ, chứ có thì đừng hòng bỏ ổ giờ này”. Chỗ ngả ba cuối xóm có bảng chỉ hướng đi chùa Cổ Thạch. Chạy thêm mấy cây nữa, ra đến Cổ Thạch, mặt trời đã lên hơn cây sào. Đường đường ngắn mà phải xuyên qua đồi, sỏi đá lởm chởm rất khó chạy xe, tôi lấy làm lạ, du lịch vầy thì làm sao có khách. Đến nơi mới biết đấy là đường tắt, đường chính tráng nhựa, đi vòng xa hơn. Chúng tôi gửi xe đi bộ lên dốc thoai thoải, dễ đi không mệt như leo núi. Tự viện đầu tiên nằm lưng chừng dốc, kiến trúc mới mẻ, không tam quan, không có gì gọi là Cổ Thạch. Gặp chú điệu chừng 12 tuổi đi ra, tôi hỏi: - Điệu cho hỏi thăm, đây là chùa Cổ Thạch? - Dạ không, chùa Cổ Thạch lên tuốt trên kia. - Tôi thấy tên chùa 3 chữ Hán, chữ đầu là chữ Cổ, vậy đây chùa gì? - Dạ con không biết. Kế bên có một ngôi nhà rường cổ, bên trong bày biện liễn đối, bàn ghế xưa, có treo bức vẽ lớn, chân dung một vị hòa thượng. Một bà vải đang quét dọn cho biết chân dung của Hòa Thượng Thích Minh Đức tịch năm 2007. - Hòa Thượng trụ trì từ năm nào thưa cô? - Dạ, dạ đã lâu trước năm 75. Tôi thì mới xuất gia. - Bây giờ vị nào trụ trì? - Sau khi sư ông tịch thì Sư phụ Thích Tường Minh lên thay. Sư phụ mới 41 tuổi. - Chùa bên đây mới xây cũng thuộc chùa Cổ Thạch? - Dạ đúng, nhưng đấy chỉ là nơi cho khách vãng lai nghỉ chân. Trước kia có 5 phòng nay xây thành tự viện. Tam quan lên chùa Từ đây lên chùa, lối đi vừa tráng nhựa vừa lát đá, rộng rãi sạch sẽ, hai bên là quán bán các thứ đặc sản, hình tượng lưu niệm. Có một vài món tôi chưa hề biết: Mủ cây trôm, mủ cây gòn ngâm nước nở bung như chè thạch, ăn mát và bổ dưỡng. Một bác bán hàng cho biết, mủ trôm ở mình (180 nghìn 1 kilo), mủ gòn từ Cambodia mang về, không phải gòn cho bông làm gối nằm. Nhiều món thuốc Nam chữa trị tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ, nói chung là “bệnh thời đại”, chẳng biết hiệu quả ra sao, toàn là theo lời đồn. Kiến thức về y khoa dân “An Nam” vẫn còn như ngày nào. Có một thực tế: Ai cũng biết ngày nay, từ nước uống đến khí trời, nơi nơi đều ô nhiễm độc hại, nhưng không ai nói ra. Ai cũng biết trong thực phẩm thứ gì cũng chứa mầm độc song mọi người đều làm ngơ như không biết để mua bán đổi chác, và, chấp nhận hấp thụ chất độc cho đến lúc vỡ bệnh hết chữa chạy, đành ra đi. Có nhiều người bi quan kết luận: “Sức khỏe mà bấp bênh èo uột thế thì nòi giống sao khá nổi”. Hàng quán kéo dài chừng hơn trăm mét thì có tam cấp lên cổng chùa. Tam quan chùa khá lớn, hoa văn, rồng lân đắp nổi, gắn mảnh chén kiểu, màu sắc lung tung chẳng nguyên tắc gì. Điều hơi lạ là trong phạm vi chùa, bà con mua bán lộn xộn, không ngăn nắp như hai dãy quán dưới kia. Muốn chụp tấm hình cổng chùa tôi phải đợi khá lâu cho bớt người qua lại. Lại còn bao nhiêu ông già bà cả ăn xin ngồi đầy, một di tích danh lam mà để nhếch nhác quá thật không đẹp tí nào. Qua khỏi tam quan mới biết đây chưa phải Cổ Thạch Tự, chỉ là những công trình phụ xây dựng sau này để đáp ứng cho sự phát triển của chùa. Tôi đang quan sát cảnh quan chung chung thì chú điệu lúc nãy chạy tới vừa thở vừa nói: “Chùa lúc nãy chú hỏi là Cổ Lai Diệm” – “Điệu mới hỏi ai hả?” – “Con hỏi sư phụ”. Tự nhiên tôi có cảm tình với chú điệu, nhưng có lẽ “Cổ Lai Viện” thì đúng hơn. (còn tiếp) Tháng 4 – 2011
|
|
|
Post by tk on Jul 25, 2012 19:27:13 GMT -5
Chùa Cổ Thạch ( tiep theo) Nhìn quanh một vòng tôi chưa biết đâu là Chùa Hang (1), đó đây có những tự viện xây cất lộ thiên, như các nơi khác, không thấy thập phương bá tánh. Chưa kịp tìm hiểu thì có mấy bà tay xách giỏ bông hoa nhang đèn đi thẳng vào một cổng điện thờ nhỏ như cổng nhà. Tôi nghi họ vào cúng nơi thờ tự chính. Đúng vậy, một bác làm công quả cho biết “Chùa Cổ Thạch trong đó”. Cổng chùa xây theo kiểu vọng lâu thu nhỏ đơn giản, tầng trên có tượng Phật đản sanh, có 3 chữ Hán “Cổ Thạch Tự”, hai bên 2 câu đối chữ Tàu. Hầu hết hoa văn hình tượng đều đắp nổi cẩn mảnh sành, màu sắc và trang trí chung chung một nét, không có gì là cổ xưa. Cổng chùa chỉ vừa một người qua. Bên trong cổng, một quần thể các ngôi điện nhỏ xây trong hóc những khối đá khổng lồ, hoặc xây dựa vào vách núi. Đây là điểm chính của Cổ Thạch Tự. Trong không gian chừng trăm mét vuông, có 4 điện thờ. Trước tiên là chánh điện, nằm bên góc trái từ ngoài vào. Đây hẳn là khởi điểm của Chùa Hang. Hai khối đá lớn châu đầu làm thành mái chùa. Hang không rộng lắm, ngang khoảng hơn 2 mét, cao cũng ngần ấy, chiều sâu chừng 4 mét, vừa đủ bày biện một bàn thờ và chỗ cho một người hành lễ. Khuôn viên chánh điện là một hình tam giác, cạnh đáy là cửa ra vào, do đó tượng Phật Thích Ca thiết trí ở góc chẹt trong cùng. Bệ thờ xây 3 tầng cũng theo dạng tam giác. Đồ tế tự không rườm rà nhưng chuông mõ quá lớn không tương xứng so với tượng Phật. Trong khi tôi xem xét ghi chép, hai bạn quay phim lẳng lặng làm phần việc của mình. Thỉnh thoảng anh em cũng yêu cầu tôi một vài thao tác cho việc thu hình được gọn và đầy đủ hơn. Kế bên chánh điện là nơi thờ Tam Bảo, có tượng Phật Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Tượng Phật Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền. Tiếp đến là điện thờ Phật Chuẩn Đề Thiên Thủ Thiên Nhãn. Một bác đang lau chùi đèn dầu “hột vịt” cho biết, hang này trước kia thờ chúa Tiên chúa Ngọc, nay thờ Phật Bà (Chuẩn Đề). Trước mặt chánh điện cách mươi mét là hang thờ Tổ khai sơn: Sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của các sư trụ trì kế tiếp. Trong chánh điện Một cách tổng quát, Cổ Thạch Tự khai sơn vốn không có gì qui mô, chỉ là những hang đá nhỏ hẹp, ban sơ các sư tạo dựng nơi thờ Phật. Điều mà Tổ Khai Sơn, sư Bảo Tạng thấy, chính là cuộc đất hạp Đạo. Từ đó, theo ngày tháng Cổ Thạch Tự đã lan tỏa ra một vùng hơn 14 hectare. Đạo Phật như ai nấy đều biết, không tranh giành nơi chốn ồn ào phố thị, chùa chiền thường mọc lên nơi hoang vắng, nơi đồi cao núi thẳm, hang động thâm nghiêm. Ai đã lên chùa Bà Đen (núi Bà Đen), chùa Kim Quang (núi Thần Đinh) (2), ai đã đi chùa Hương (Hà Tây) (3), chùa Đọi (Hà Nam) (4), chùa Đồng (Yên Tử) (5)… tất hiểu xưa kia các nhà sư đã vất vả thế nào để có được một nơi chốn tu hành thanh tịnh. Thưở khai thiên hẳn là thâm nghiêm cổ kính, qua thời gian do trùng tu sửa đổi, dấu tích xưa mất dần. Đã là Chùa Hang trăm năm mà nền lát gạch bông, đồ tế tự toàn thứ hiện đại thì sao còn gọi cổ tự chùa xưa. Cứ nền lát đá, bệ thờ cứ giữ dạng nguyên sơ, sẽ không làm thất vọng du khách mà còn thu hút khách về thăm. Chung quanh tâm điểm chùa Cổ Thạch, ngày nay có vô số công trình mới xây cất để thích nghi với việc hoằng hóa đạo pháp. Quanh quả núi cao trên 60 mét, với nhiều khối đá nổi, vừa to lớn, hình thù kỳ lạ, có nhiều hạng mục: Bảo Tháp, tượng Phật… nhiều điện thờ, nhà trai tăng. Núi 5 ngón tay Như Lai Từ điện thờ Tổ bước xuống tam cấp nhìn ra biển, du khách sẽ thấy những bảo tháp rải rác trước mặt, rồi phóng tầm nhìn xa hơn, một bãi biển cong cong chạy từ chân đồi Cổ Thạch về hướng Nam nơi ngày xưa có tên mũi “La Gà” (?), nay là mũi Cổ Thạch. Nếu so sánh vẻ đẹp của bãi biển thì đây chưa thể so sánh với nhiều nơi khác, như Đại Lãnh (Khánh Hòa), Quang Hải (Đồng Hới)… bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh), bãi biển Cổ Thạch toàn đá cuội viên bằng nắm tay nhẵn thính, nhiều màu nên có biệt danh “bãi đá màu”. Suốt bờ biển dài trên hai nghìn mét chỉ ở Bình Thạnh (huyện Tuy Phong Bình Thuận) có bãi đá nhiều màu: Vàng, trắng, tím, đen… khi có nước biển lùa lên màu càng đậm tươi rất đẹp, bãi dài khoảng mấy cây số về phía mũi Cổ Thạch, sách báo có tên “bãi Cà Dược”, dân địa phương thường gọi bãi “Đá Con” (6). Hai bên cổng Cổ Thạch Tự có tháp chuông, lầu trống xây trên đỉnh những tảng đá cao to, vách đá có bài thất ngôn bát cú vịnh chùa Cổ Thạch: Thạch Tự mấy từng chiếu ánh quang Danh lam giục bước khách du nhàn Cây chen gác trống chen hoa núi Đá đội lầu chuông đội gió ngàn Sóng biển dạt dào gieo mặt bãi Chim rừng ríu rít nhộn lòng hang Ai hay cảnh trí mang màu phật Sự tích kiên cường biết mấy trang (Mùa hè 1985 – Thu Lâm) Chùa đền nơi hang động thường có những bài vịnh của tao nhân mặc khách, tuy nhiên hay dở thì khó nói, coi như một dấu tích kỷ niệm. Bài vịnh Cổ Thạch Tự “treo” ngay trước cổng chùa như là “biểu tượng” chính thức vì không còn bài nào khác. So với bài thơ Cảnh Hương Sơn của Chu Mạnh Trinh thì hai đàng khác xa. Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái Lững lờ khe Yến cá nghe kinh Thoảng bên tai một tiếng chầy kình Khách tang hải giật mình trong giấc mộng (trích Cảnh Hương Sơn) Hay Trời Nam khéo đúc cảnh thiên nhiên Đệ nhất là đây động vẫn truyền Quanh quất đường đi non với nước Mơ màng dấu cũ Phật hay Tiên? (trích: Đệ Nhất Động - Đoàn Như Khuê) Tượng Phật nằm (Niết Bàn) Mấy ngôi tự viện dùng làm nhà Thiền, nhà khách. Nơi đây rộng rãi nên việc xây dựng qui mô hơn, hình tượng trang trí rất công phu, các cột hàng hiên đắp hình long giáng. Lần ra phía sau và dần lên cao còn nhiều hạng mục khác: Bảo Tháp Hòa Thượng trụ trì Thích Minh Đức tịch năm 2007, Tháp Tượng Di Lặc, Tượng Thích Ca và các điện thờ chư Bồ Tát. Tôi đang quan sát và chụp ảnh thì chú điệu ban nãy chạy lên có ý muốn hướng dẫn tôi đi xem các công tình của nhà chùa. Chú điệu chỉ cho tôi một hang thờ và nói: - Kia là năm ngón tay của Phật Như Lai chú à. Bên kia có tượng Phật nằm, có núi Địa Tạng… Đặc sản Bảo Tháp HT. Thích Minh Đức Chú điệu xem ra rất nhiệt tình. Lúc xuống chỗ am thờ, khách hành hương vào ra làm lễ, tôi hỏi một bà vừa cúng ra: “Am này thờ ai, thưa bà?” – “Tôi cũng không biết”. Bên trong có hình tượng nhưng viết toàn chữ Hán nên không ai hiểu. Tôi hỏi chú điệu: - Đây thờ ai? - Dạ thờ mẹ Chúa Tiên Chúa Ngọc. - Điệu nói nhà chùa viết chữ Việt cho bá tánh biết chứ vầy khấn vái làm sao? Đối diện điện thờ Chú Tiên Chúa Ngọc là điện thờ một vị tuy có tượng nhưng tôi chưa từng thấy trong chùa. - Còn phía bên kia thờ ai? - Dạ giám trai sứ giả Bồ Tát. - Nghĩa là sao? - Đó là vị Bồ Tát chuyên lo việc trai tăng. - Ngôi nhà rường có dãy bàn ghế xưa rất giá trị mà chung quanh trống trơn? - Dạ, nhà trai tăng chỉ dùng vào những ngày lễ. Chúng tôi đi dần xuống, mặt trời đã lên cao, mấy tiếng đồng hồ xem chừng ai cũng thấm mệt và đói. Một bạn đề nghị: “Bây giờ mình xuống kiếm gì ăn sáng rồi ra làng du lịch và bãi đá màu”. Mục chùa Cổ Thạch tạm khép lại, tôi có cảm tưởng như vừa khám phá một cảnh trí khá lạ nhưng không đậm nét. Bao la mà không đồ sộ, nhiều hạng mục mà kém phần cổ xưa. Tháng 4 - 2011 (1) Chùa Hang, tên gọi chung những ngôi chùa lớn nhỏ, dựng trong các hang đá. Theo thống kê toàn quốc có những Chùa Hang các địa phương sau đây: 1. Chùa Hang (Phước Điền tự), Châu Đốc, tỉnh An Giang 2. Chùa Hang (Thạch Cốc tự hay Thiên Sanh Thạch tự), xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, Bình Định 3. Chùa Hang (Cổ Thạch tự), xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, Bình Thuận 4. Chùa Hang (tức Chùa Hải Ấn), Nha Trang, Khánh Hòa 5. Chùa Hang, xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang 6. Chùa Hang, Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 7. Chùa Hang, thị trấn Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên 8. Chùa Hang, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên 9. Chùa Hang, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh 10. Chùa Hang (tức Chùa Hương Nghiêm), xã An Khang, Yên Sơn, Tuyên Quang 11. Chùa Hang, làng Úc, xã Tân Lập, Lục yên, Yên Bái. (2) Trang 129 QHQOK tập 3 (3) Trang 67 QHQOK tập 3 (4) Trang 25 QHQOK tập 8 (5) Trang 135 QHQOK tập 10 (6) Một vài tỉnh có bãi biển dạng đặc biệt (một đoạn ngắn) như Biển Gò Công bùn sình, biển Tuy Hòa có ghềnh đá dĩa (huyện Tuy An), Quảng Bình có bãi Đá Nhảy (Lý Hòa)...
|
|
|
Post by tk on Jul 25, 2012 19:31:07 GMT -5
Chùa Phật Bốn TayBài và ảnh: Trần Công Nhung Cổng chùa. Thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, có một ngôi chùa mang tên rất lạ, tên nôm na dân dã: Chùa Phật Bốn Tay. Vùng đất Hậu Giang xưa là của Phù Nam, nên chùa chiền đa số đều ảnh hưởng phong cách chùa Miên. Tên chùa thường bằng tiếng Khmer: Chrui Tim Chás, Kleang, Sàlôn... (1), người Việt cứ theo âm Miên đọc tiếng Việt như ThomMăNiMíth là chùa “Thơ Mít” (2), Hoăïc giả theo nét đặc biệt của chùa mà đặt tên như chùa Chén Kiểu (Sóc Trăng) do toàn bộ mặt ngoài của chùa (mái, tường, cột…) đều được cẩn miểng chén kiểu (xưa), hay chùa có nhiều dơi gọi là chùa Dơi v.v.. Chùa Phật Bốn Tay là chùa thờ tượng Phật 4 tay. Xưa nay không hề có Phật 4 tay, chỉ có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn (ngàn mắt ngàn tay, nhưng cũng chỉ 18 tay tượng trưng thôi). Theo lời truyền tụng thì vào năm 1913, khi người Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây bót Ba Thê, người dân tìm thấy được một Pho tượng bằng đá có bốn tay, cao 1m70 còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2m. Người Khmer quanh vùng tập họp thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng tượng về núi để thờ, vì cho đó là tượng Neata Phrom tức Thần Núi (theo tín ngưỡng Niết-Tà của người Cambodia). Nhưng tượng quá nặng, không sao xê dịch nổi. Sau nhờ những người kinh lớn tuổi đứng ra lập hương án khấn vái, lúc ấy pho tượng mới được khiêng đi nhẹ nhàng. Trước đó, hai tấm bia đá bùn cũng đã được tìm thấy. Mỗi bia cao khoảng 1m80, dày khoảng 22 cm, bề ngang khoảng 82 cm. Trên bia có khắc nhiều chữ cổ không ai đọc được. Đặc biệt, khi đặt tượng Phật vào giữa hai tấm bia này thì rất khít khao. Từ đó chùa Linh Sơn được dân chúng chung sức xây dựng để tôn thờ tượng Phật bốn tay, và chùa có tên chùa Phật Bốn Tay đến ngày nay. Từ chợ Ba Thê qua một hai lối xóm, không hẳn đường làng, đường tráng nhựa, không lớn, cư dân vẫn cuộc sống đạm bạc muôn thuở như nhiều nơi, không có nét gì của kỷ nguyên mới. Chẳng mấy chốc cổng chùa đã hiện ra trên đồi cao trước mặt. Chùa Chén Kiểu. Từ dưới đường nhìn lên cổng chùa, tôi có cảm tưởng như sắp bước vào nơi có nhiều điều bí ẩn, như đi tìm cái gì đó mới lạ, khác với những lần đến thăm các ngôi chùa khác. Chùa Long Sơn (Nha Trang), chùa Thầy (Hà Tây), chùa Từ Hiếu (Huế)… lúc thấy cổng chùa là đã hình dung phần nào được những gì bên trong chứ không như ở đây… Từ hai chú sư tử xanh trên đầu hai trụ cổng sắt thành ngoài, đến cổng chính vào chùa và rừng cây sao vắng lặng bên trong, rõ là có sức khêu gợi trí tò mò. Điều khác thường đầu tiên là cổng chùa. Thông thường chùa nào cũng dựng cổng tam quan, lớn nhỏ, một hay hai tầng mái tùy nơi. Chùa Phật Bốn Tay mô phỏng tam quan cổ, nhưng xây theo lối nửa Á nửa Âu. Cửa vòm cách điệu (3 đường cung), cổng có vọng lâu đặt tượng Phật Di Lặc nhìn ra. Hai bên cổng có 4 câu đối và 4 đại tự. Mặt trong của tam quan cũng nhiều câu đối và thơ. Hai cột ngoài: Bên trái: Khuyên nhau tưởng niệm Di Đà, Hồng danh sáu chữ thật là cao siêu. Bên phải: Niệm Phật tương tự tội tiêu, Sống an thác ổn tiêu diêu Lạc thành. Hai trụ giữa: Đèn Tịnh độ soi đường dẫn chúng (trái) Đuốc Liên tông rọi khắp độ sanh (phải). Ngoài ra còn 3 bài thơ lục bát khuyến tu tác giả Bùn Sen, được khắc nghiêm chỉnh trên tường tam quan. Bài 4 câu treo ngay trên vòm cửa tam quan: Cát rơi xuống nước phải chìm, Đá to tuy nặng không chìm nhờ ghe. Niệm Phật sức Phật chở che, Nghiệp to như đá nhờ ghe qua bờ. Có lẽ Chùa Phật Bốn Tay là ngôi chùa nhiều “văn thơ” hơn hết mọi chùa. Về hình thức, nét chữ màu son trên đá xanh, hay màu xi măng, dễ đọc và đẹp, rất đáng ca ngợi. Đây là cách khuyến khích tu học, chứ không phải mục đích phô diễn thi ca. Khuôn viên chùa. Từ tam quan một lối lát gạch đi thẳng vào chánh điện. Trong khuôn viên chùa nhiều cây đại thụ hàng trăm năm tuổi, rợp bóng mát quanh năm... Ngôi chùa na ná căn nhà ở 1 gian 2 chái, không mang nét chùa cổ như chùa miền Bắc hay chùa ở Huế. Vào chánh điện có hai cửa ván hai bên. Mái chùa lợp ngói vảy cá đã cũ đen, chỉ 2 góc mái trước được đắp rồng uốn trang trí đơn giản. Có mái phụ nhỏ, nhô lên như chóp tháp. Cửa chùa đóng kín, không một bóng người, tôi vào cửa hông và lên tiếng gọi, một Ni Cô ra tiếp. Tôi xin phép lễ Phật, Ni Cô hướng dẫn tôi ra trước chánh điện... Cúng Phật xong tôi đến gần bệ thờ quan sát pho tượng Phật 4 tay. Rất lạ! Ngay từ nét mặt cũng đã không có gì giống như tượng Phật thường thấy. Hình thức phốp pháp nét tạc bình dân, màu sắc mộc mạc. Tượng đắp y phái Tiểu Thừa, vai phải không để trần, mắt mở lớn như người thường, ngồi kiết già và mỗi tay cầm một vật nhỏ. Tôi chụp mấy tấm ảnh rồi quay sang hỏi Ni Cô: - A Di Đà Phật, thưa cô, pho tượng khi tìm thấy nguyên như hiện nay? - Nguyên thủy tượng bằng đá đen, bán thân, về sau được gia cố thành tư thế ngồi kiết già. - Thưa ngoài tay phải trên cầm xâu chuỗi, còn các tay kia? - Tay trái trên bắt ấn, tay phải dưới cầm cái linh (chuông nhỏ), tay kia cầm trái châu. - Thưa cô, hình như tượng không giống tượng chư Phật xưa nay? - Theo các nhà khảo cổ thì tượng có nét mỹ thuật của đạo Bà La Môn ở Ấn Độ. - Như vậy chùa có trước khi khai quật pho tượng, thưa cô? - Chùa do Sư tổ Thiết Ma Nhiên Chánh khai sáng năm 1912, tượng có sau một năm. Chùa được trùng tu năm 1983. Hòa Thượng Thích Thiện Trí trụ trì đã 40 năm nay. Tượng Phật 4 tay. Trước Tượng Phật Bốn Tay, Tượng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Phật Thích Ca Mâu Ni, Hộ pháp, Thổ địa và Thánh tăng… được thiết trí trang nghiêm. Như vậy việc thờ phượng không khác với hệ Bắc Tông (Đại Thừa), còn tượng Phật 4 tay là một di sản văn hóa của địa phương Óc Eo được ký gửi vào chùa Linh Sơn. Các nhà khảo cổ cho đây là di chỉ văn hóa Óc Eo, theo mỹ thuật đạo Bà La Môn gốc Ấn Độ giống như tượng Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc, nơi nổi tiếng linh thiêng, hàng năm thu hút cả triệu người về trẩy hội. Cũng theo nhận định trên, tượng Phật bốn tay là tượng thần Visnu-Ananta có rắn thần Naga 7 đầu tạo thành tán che phía sau. Về mặt khảo cổ, người ta đã sai lầm khi thêm thắt sơn phết pho tượng. Pho tượng đá đen có trên 2.000 năm tuổi nay trông như tượng đất sét sơn màu. Tôi e rằng tay cầm chuỗi cũng không có từ lúc đầu. Tay “bắt ấn” cũng không giống kiểu bắt ấn của chư Phật. Riêng 2 bia đá chữ khắc chưa được giải mã, nhưng có cùng gốc với chữ Brami của người Ấn Độ, được sử dụng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ V sau Công nguyên. Loại chữ này cũng được khắc trên những thạch thư thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo. Ngày 24-5-2009, tượng Phật bốn tay và hai bia đá Chùa Linh Sơn được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận và trao danh hiệu “Lâu năm nhất, lớn nhất nước”. Như nhiều nơi tôi đã đến, cái thiên hạ tán dương ca ngợi thực chất không bao nhiêu, trái lại cái không ai đề cập, đối với tôi là điều lý thú mới lạ. Thăm chùa Phật Bốn Tay, tôi thích quang cảnh tĩnh mịch của chùa, nhất là rừng cây cổ thụ rợp bóng quanh năm. Lại có dịp qua các làng mạc thôn xóm, gặp nhiều sinh hoạt dân dã đời thường, có những hình ảnh “đặc sản Việt Nam”, sẽ khó tìm trong một tương lai không xa. Chùa Phật Bốn Tay được cái không khí tĩnh lặng linh thiêng. Có nhiều Chùa, Đền rầm rập như hội chợ, dù cúng tiền trăm bạc vạn, công đức cũng khó thành, trái lại còn thêm phiền não. Trần Công Nhung 09 - 2010 (1). Lễ hội Dolta trang 12 QHQOK tập 10 (2). Bài Sóc Trăng trang 11 QHQOK tập 5
|
|
|
Post by tk on Dec 24, 2012 0:18:02 GMT -5
Từ Ngôi Chùa Thời Phật Đến Chùa Việt Trên Đất Mỹ Thời NayTác giả : Thích Nữ Giới Hương (Bài tham luận trình bày trong “Hội Luận 2012 - Phật giáo Việt Nam tại Mỹ - Nhìn về Tương Lai, Cơ hội và Thách thức"” của Hội Phật học Đuốc Tuệ tại California, ngày 16/12/2012)I. DU TĂNG Hầu như tất cả chúng ta đều biết rằng trong những năm đầu hoằng pháp, Đức Phật và chư tăng thật ra đã sống đời du tăng, du cư, chưa có chùa và trú xứ nhất định. Các ngài sống bằng cách khất thực qua ngày và lấy gốc cây, rừng rậm, thi lâm hay hang đá làm nơi tránh nắng mưa, trú qua đêm. Đó cũng là những nơi tu tập và độ sanh như Kinh Du Bộ (Trường A Hàm, số 2) có chàng Phúc-quý từ thành Câu-thi-na-kiệt đi đến thành Ba-bà, giữa đường chàng thấy Đức Phật ngồi thiền dưới bóng cây giữa rừng chứ không phải trong phòng hay thiền đường như sau: “Từ Câu-thi-na-kiệt đi đến thành Ba-bà, giữa đường rừng chàng Phúc-quý trông thấy Phật ngồi thiền bên gốc cây, dung mạo đoan chính, các căn tịch tịnh, tâm ý nhu thuận trong cảnh tịch duyệt tuyệt đối.” Chính bản thân Đức Thế Tôn cũng thường khuyên các tỳ kheo hãy đến rừng cây, chỗ thanh vắng hay bãi đất trống để tinh tấn tu tập như sau: “Này các Tỳ-kheo, hãy ở chỗ thanh vắng, sơn lâm yên tĩnh, dưới gốc cây hay bãi đất trống, tinh cần thiền toạ tư duy, chớ nên phóng dật buông lung. Hãy chuyên cần tinh tấn, đừng để về sau phải hối hận.” (Kinh A-ma-trú, Trường A Hàm, số 20) “Này các tỳ kheo, Ta sống cô độc tại nơi xa vắng, ở trong rừng vắng, trong rừng sâu, dưới gốc cây, những nơi trống vắng yên tĩnh, sườn non, động đá, đất trống, lùm cây, hoặc đến trong rừng, hoặc giữa bãi tha ma. Ta sau khi ở trong rừng vắng, hoặc đến gốc cây, những chỗ nhàn nhã yên tĩnh, trải ni-sư-đàn, ngồi xếp kiết già, chánh thân chánh nguyện, hướng niệm nội tâm, Ta đoạn trừ tâm tham lam, không có não hại.” (Trung A Hàm, Kinh Thuyết Trí, Phẩm 15, số 187). II. NHỮNG NGÔI CHÙA VÀO THỜI PHẬT CÒN TẠI THẾ Năng lực từ bi trí tuệ và đức độ cảm hóa của Đức Phật ngày càng vang xa khắp các làng xã thành phố, nên người dân Ấn bắt đầu tìm đến tăng già để học đạo và quy y Tam bảo rất nhiều. Từ dân làng mộc mạc cho đến giới thức giả, vua chúa, đã tìm được nguồn an lạc và giải thoát cho chính đời sống của mình hiện tại, nên số lượng người đến quy Phật ngày càng đông. Do nhu cầu cần một không gian cho Phật tử tu tập, nghe pháp thoại và nhất là do thấy Đức Phật và chư tăng quá vất vả trong đời sống du cư, rày đây mai đó trong nắng mưa, nóng lạnh bất thường của khí hậu Ấn độ khắt nghiệt; rồi những mùa hạ mưa dầm ướt đẫm, các ngài phải băng mình trong sương gió để khất thực và dễ dẫm đạp sát hại các loài côn trùng nhỏ nhít nên nhiều thí chủ khá giả đã phát tâm xây dựng chùa tháp cúng dường Đức Phật và tăng già để các ngài có chỗ trú ổn định mà chuyên tâm tu tập và hoằng pháp. Nhờ thế hình ảnh ngôi chùa bắt đầu xuất hiện trong lịch sử Phật giáo. 1. Chùa Trúc Lâm (Veluvanarama) Ngôi chùa đầu tiên phải kể đến là chùa Trúc Lâm do vua Bình-Sa-vương (Bimbisara) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) xây cúng dường. Trúc là cây trúc, lâm là rừng, nghĩa là nhiều trúc, cả rừng trúc. Bình-Sa-vương là vị thí chủ đầu tiên của Đức Phật trong hàng vua chúa. Nguyên nhân là khi vua trông thấy sa môn Cù-đàm thiền hành rất uy nghi, trang nghiêm và thanh thoát, vua lấy làm cảm kích. Vua liền cung thỉnh sa môn về trú trong kinh thành để hàng ngày chu cấp cúng dường, nhưng sa môn Cù Đàm hứa rằng sau khi tìm thấy đạo sẽ về thăm vua. Đúng như lời hứa, sau khi thành đạo dưới gốc cây bồ đề, Đức Phật cùng đi với các đệ tử A-la-hán từ thành Gaya đến Vương Xá (Rajagaha) và Đức Phật thuyết một thời pháp về Túc Sanh Truyện (Maha Narada Kassapa, Chương 7, số 544) dạy rằng trong một tiền kiếp Ngài là Narada đã dìu dắt Đại Đức Ca Diếp (Kassapa) và nhiều người giác ngộ giống như thời hiện tại đây. Vua Bình-Sa-vương nghe Đức Phật thuyết giảng xong, ánh sáng giác ngộ bừng đến và vua liền đắc quả Tu-đà-hoàn, xin quy y Tam Bảo và thỉnh Đức Phật cùng chư vị đệ tử về cung điện thọ trai ngày hôm sau. Khi mọi người độ ngọ xong, vua tỏ ý muốn biết nơi nào thích hợp để Đức Phật lưu ngụ. Đức Phật trả lời: "Một nơi hẻo lánh, không xa mà cũng không gần thành thị để những ai muốn viếng Ngài, có thể đến dễ dàng. Một nơi mát mẻ, ban ngày không đông đảo ồn ào, ban đêm yên tĩnh, khoảng khoát và kín đáo, nơi ấy sẽ thích hợp." (Đức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/dp-pp11.html ) Nghe xong, vua Bình-Sa-vương nghĩ rằng vườn thượng uyển Trúc Lâm của vua có thể hội đủ những yếu tố cần thiết ấy, nên vua xin dâng lên Đức Phật và chư Tăng khu vườn này. Do đó, địa điểm nầy là nơi được dâng cúng đầu tiên đến Đức Phật và chư tăng. Tại chùa Trúc Lâm (Veluvanarama) yên tĩnh này, Đức Phật và tăng đoàn yên ổn tu tập và nhiều bài Pháp thoại của Đức Phật trong năm bộ Nikaya được tuyên thuyết tại đây. Đức Phật đã nhập ba mùa hạ an cư liên tiếp (từ mùa hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) và ba hạ nữa nhưng cách thời gian nhau. Từ ngày có ngôi chùa Trúc Lâm này, vua Bình Sa Vương, nhiều quan chức, thức giả và dân làng đã đến quy y Phật và thường xuyên về chùa thính pháp tu học nhất là trong những ngày Bố tát (Uposatha) với tăng đoàn. Đây là ngôi chùa đầu tiên hiện diện trong lịch sử Phật giáo. 2. Chùa Kỳ Viên (Jetavanarama) Ngôi chùa kế tiếp là Kỳ Viên tịnh xá (Jetavanarama) hoặc Kỳ Hoàn tịnh xá (http://www.quangduc.com/TruyenNgan/104truyenco1-6.html) hoặc còn gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên tọa lạc tại thành Xá Vệ (Sravatthi), kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala), do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị. Nguyên trưởng giả Cấp Cô Độc còn gọi là Tu-đạt-đa (Anathapindika) muốn mua khu vườn thượng uyển lý tưởng của thái tử Kỳ Đà để xây chùa cúng Phật. Thái tử Kỳ Đà không muốn bán nên nói giỡn cho qua chuyện: “Trong khu vườn này, nếu trưởng giả trải vàng đến đâu thì tôi bán cho trưởng giả đến đó”. Nghe như vậy, trưởng giả về kêu gia nhân khiêng vàng ra và lót đầy vườn của Thái tử. Thái tử không ngờ trưởng giả Cấp Cô Độc lại giàu có đến thế và nhất là cúng dường một cách rộng rãi như thế. Thái tử liền tìm hiểu và sau khi nghe trưởng giả Cấp Cô Độc tán thán về Đức Phật - một bậc thánh hi hữu đã xuất hiện trên đời- một bậc thầy của cõi trời và người để làm lợi ích cho số đông giải thoát. Thái tử vô cùng cảm kích và phát tâm muốn góp phần trong công đức đó, nên thái tử xin cúng dường toàn bộ số cây trong vườn thượng uyển cho Đức Phật. Vì thế, chùa Kỳ Viên còn có tên là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên. Kỳ thọ là cây cối của thái tử Kỳ Đà (Jeta), con vua Ba Tư Nặc. Cấp Cô Độc viên là vườn đất của Cấp Cô Độc. Đức Phật và Tăng đoàn đã trải qua mười chín mùa an cư kiết hạ tại chùa này. Đây là ngôi chùa thứ hai và lớn nhất mà lịch sử Phật giáo đã đề cập đến. 3. Chùa Ku-Ku-Ta-Ra-Na (Kukkutarama) Chùa Ku-Ku-Ta-Ra-Na toạ lạc tại thành Kausambi, do thí chủ Kukkuta xây cúng dường vào năm 318. Đây là một nơi rất tốt, khí hậu điều hòa ấm áp ở tiểu bang Pataliputta, phía đông Ấn Độ. Bộ luật Mahavagga (Vinaya, tập I, trang 300) ghi nhận có các tỳ kheo như Nilavasi, Sanavasi, Gopaka, Bhagu, và Phalikasandana đã trú tu tập tại ngôi chùa đây. Bộ Tương Ưng Bộ kinh (The Samyutta Nikaya, tập 5, kinh số 15, trang 171) đã ghi nhiều cuộc hóa đạo giữa tôn giả A-nan (Ananda) và Bhadda tại đây. Trung Bộ kinh (tập 1 trang 349) và Tăng Chi Bộ kinh (tập 5, trang 342) ghi ngôi chùa này là một trong những nơi mà tôn giả A-nan rất thích ở để tu học và nhà của gia chủ Dasama của làng Atthakanagara cũng ở gần đây. Cũng trong Tăng Chi Bộ kinh (tập 3, trang 57), có ghi tôn giả Narada (người đã cảm hóa vua Munda), Sonaka (Siggava) và tôn giả Candavajji (thầy của Mogaliputta-Tissa) đã trú tại chùa đây. (http://www.palikanon.com/english/pali_names/ku/kukkutarama.html) 4. Chùa Kỳ Bạt (Jivakarama) Chùa Kỳ Bạt do Jivaka, một vị lương y nổi tiếng thời Đức Phật, đã xây cúng dường cho Đức Phật và tăng đoàn. Chùa Kỳ Bạt toạ lạc tại khu ngoại ô của thành Vương-xá (Rajagadha). 5. Chùa Cù Sư La (Ghositarama) Chùa Cù Sư La tọa lạc tại Kausambi, tiểu bang Uttar Pradesh, phía Bắc Ấn Độ, do chàng Ghosita cùng hai người bạn là Kukkuta và Pavariya xây cất và cúng dường cho Phật và chư tăng. Nhiều bộ kinh quan trọng trong năm bộ Nikaya đã được Đức Phật thuyết giảng tại đây. 6. Chùa Vườn Xoài (Ambapali) Chùa do nàng Am-ba-ba-li (Ambapali), một kỹ nữ hạng sang sống tại thành Tỳ-xá-li (Vaishali), cúng dường lên Phật và chư tăng (khoảng thế kỷ thứ năm trước công nguyên). Nàng Am-ba-ba-li rất giàu, có nhiều của cải, trong đó có một khu vườn xoài rất rộng mát và nhiều trái sum suê tươi tốt quanh năm. Nàng đã thỉnh chư Phật và tăng đoàn về Vườn xoài để nàng cúng dường trai tăng và sau đó xin dâng Vườn Xoài nổi tiếng này lại cho Đức Phật và tăng đoàn. Tại chùa Vườn Xoài này, Đức Phật đã ban pháp thoại về Tứ Niệm Xứ là con đường để thoát khỏi sầu ưu bi khổ não trên đời và đưa đến giải thoát Niết Bàn. Nghe xong bài kinh (Ambapali Sutta) này, nàng Am-ba-ba-li liền chứng A-la-hán (Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, trang 140). (http://en.wikipedia.org/wiki/Ambapali) Ngoài các ngôi chùa đã nêu trên, trong năm bộ Nikaya có kể đến những ngôi chùa lớn nhỏ khác như chùa Hậu Trạch (Markathrada) ở thành Tỳ-xá-li (Vesali); chùa Udambari-Karama ở bờ sông Sappini gần thành Vương Xá, chùa Pavaxikanivana ở thành Kausambi; Chùa Ni-câu-đà (Nigrodharama) ở thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu); Chùa Lộc Uyển (Isipatana) ở thành phố Ba-la-nại (Baranasi) và nhiều chùa khác được thí chủ xây rải rác các nơi mà dấu chân hoằng hóa của Đức Phật đã đi qua hoặc sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Các chùa tháp Phật giáo khác cũng được các vua chúa như Vua A Dục lập lên để tưởng niệm thờ Đức Phật Thích Ca và là nơi trú tu tập của chúng xuất gia thời đó. Hiện nay, các chùa này đã sụp đổ, chỉ còn lại tàn tích nền móng chứng tích nơi đó đã từng là những đại tùng lâm tu tập sầm uất, đã từng là một thời Phật giáo huy hoàng hưng thịnh. Tất cả đã sụp đổ theo quy luật thành trụ hoại không và theo thời gian trôi qua. Tuy nhiên, từ hình ảnh chùa tháp trong thời Phật còn để lại đó mà dần dần kiến trúc chùa tháp, tự viện được hình thành và hình ảnh mái chùa cổ kính ấy trở thành quen thuộc trong các nước Phật giáo cho đến ngày nay. Mái chùa hình vòm cong chạm trổ, đỉnh tháp cao ngất tầng mây, cổng tam quan rồng lượn, gác chuông hình bát giác, mỗi điêu khắc hoa văn đa dạng đều mang đậm dáng dấp nền văn hóa, nghệ thuật, phong tục và tập quán của tuỳ mỗi một đất nước Phật giáo. III. VAI TRÒ LÝ TƯỞNG CỦA NGÔI CHÙA Ngôi chùa là nơi tưởng niệm kính thờ các Đức Phật, các Bồ tát, hiền thánh tăng và hiện tiền tăng quá vãng. Ngôi chùa là nơi tôn nghiêm thánh thiện, giúp các bậc xuất gia tránh được những chướng duyên ô nhiễm trần thế, sống một chỗ hoàn toàn riêng biệt độc lập, không đồng cách mặc và cách sống với người thế gian, không bị cảnh duyên bên ngoài phá rối cám dỗ để thực hành lý tưởng giải thoát của mình. Như thế, quý thầy cô Sa di/Sa di ni, Thức xoa và Tỳ kheo/ Tỳ kheo ni từ biệt gia đình, sống trong nhà chùa, cạo đầu, đắp y, mặc áo nâu sòng giản dị, hàng ngày gột rửa tham sân si, hàng ngày hiển lộ uy nghi, tế hạnh, từ bi, trí tuệ trong sáng để làm bậc thầy gương mẫu mô phạm cho cuộc đời. Các bậc xuất gia hoàn toàn sống theo lời dạy của Đức Phật Thích Ca, y theo giáo pháp của Phật mà suy ngẫm an định để giải thoát những ràng buộc thế gian và thoát vòng sanh tử tái sanh, như thế gọi là các bậc thánh Thanh văn - đại đệ tử của Đức Phật. Thanh là âm thanh của Phật thuyết pháp. Văn là nghe. Nghe âm thanh của Phật, sống hoàn toàn với lời dạy của Phật, một bề vâng theo giáo pháp của Phật, trì giới, tụng kinh và nhiếp tâm an định tinh thần tu tập. buông hẳn chuyện thế gian, chuyện đời cho đến chuyện quyến thuộc họ hàng, cha mẹ, bà con cũng tạm xa lìa, để một bề lo chuyện chuyên tu giải thoát như thế gọi là bậc Thanh văn hiếm có trong đời. An lạc tu tập ở trong chùa không có những ràng buộc trong thế gian, không có những vọng riêng ở đời. Một lòng tha thiết buông đi vọng cảnh, vọng tâm, quay ngó lại tâm của chúng ta xem còn chấp nhân, chấp ngã nữa không thì nên bỏ, để trở về với tâm thật của mình. Như vậy, ngôi chùa là thắng duyên để giúp chư tăng ni và Phật tử chuyển hóa những thói quen nghiệp xấu của mình mà bước lên nấc thang thánh vị, thực hiện lý tưởng giải thoát của các đệ tử Phật. Đó là vai trò chủ yếu then chốt của các chùa dù chùa đó nhỏ hay lớn, thuộc đất nước nào và đang toạ lạc ở đâu. Tuy nhiên, vì Phật pháp bất ly thế gian pháp, và vì hạnh nguyện bồ tát đạo, nên ngày nay, hầu hết các chùa còn mang thêm chức năng của một trung tâm văn hóa giáo dục để phục vụ cho chúng sanh trong cộng đồng dân cư quanh chùa. Dù được xây giữa thị tứ náo nhiệt hay nơi thôn dã quê mùa, chức năng phụ đó của ngôi chùa làm cho vai trò của chùa như một hoa sen giữa đầm lầy. Cộng sinh để tứ chúng đồng tu, thỏng tay vào chợ “mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó cũng là một hình ảnh lý tưởng rất biểu trưng tinh thần nhập thế của ngôi chùa Phật giáo thời hiện đại. IV. CHÙA VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ 1. Số lượng Chùa Danh sách số lượng Chùa Việt trên đất Mỹ thay đổi tùy theo nguồn thông tin: - Theo Webside “Quảng Đức”, hiện có 131 ngôi chùa tính đến ngày 9-10-2012. (http://quangduc.com/DiachichuaUc/chuaviethaingoai.html ) - Theo sổ địa chỉ của Tổ Đình Minh Đăng Quang in năm 2008 thì có 121 ngôi chùa tại tiểu bang California, còn các tiểu bang khác thì có 195 ngôi chùa. Tổng cọng là 316 ngôi chùa Việt tại Mỹ. - Theo website “Directory of Charities and Nonprofit Organizations”, danh sách của các chùa đăng ký với chánh phủ Mỹ (IRS/Internal Revenue Service) dưới danh nghĩa là Buddhist Charities and Nonprofit Organizations (Hội Từ Thiện Không Vụ Lợi của Phật Giáo) cho đến ngày 18/11/2012 liệt kê 163 ngôi chùa hoặc cơ sở từ thiện Việt Nam trên toàn nước Mỹ. (http://www.guidestar.org/nonprofit-directory/religion/buddhist/1.aspx) - Trang blog “thebuddhagarden” liệt kê danh sách địa chỉ của 248 chùa Việt trong 34 tiểu bang (và Washington DC) tính đến ngày 30/3/2012. Đây là dữ liệu tương đối đáng tin vì phương pháp thu thập và cập nhật thông tin của họ có vẽ khoa học hơn cả. (http://www.thebuddhagarden.com/blog/vietnamese-temples-usa/#california) Nói tóm lại, để xác định chính xác số lượng các chùa Việt tại Mỹ thì rất khó vì số lượng chùa ngày càng tăng (tự phát tự lập, không có một cộng đồng thống nhất/a united community, hay một giáo quyền trung ương /central authority); vả lại, có nhiều cơ sở không/chưa đăng ký với chánh phủ Mỹ, cho nên đây chỉ là những con số tạm thời. Nếu phải dùng một con số để tham chiếu cho năm 2012, thì có lẽ viết “từ 250 đến 300 chùa hành trì theo truyền thống Phật giáo Việt Nam tại Mỹ” là gần đúng nhất. 2. Vai trò Giáo Dục và Văn Hoá của Ngôi Chùa Ngôi chùa lý tưởng thời Phật là nơi tu tập của chư tôn đức tăng ni và các Phật tử, để un đúc các bậc hiền nhân thánh thiện tiếp nối tương tục truyền đăng đèn Phật pháp. Tuy nhiên, Phật giáo của thế kỷ 21 là Phật giáo nhập thế vào lòng xã hội, nên ngôi chùa của ngày nay không những là nơi tu tập tâm linh giải thoát của tôn giáo, mà thực sự đã trở thành những trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục và xã hội cho cộng đồng quần chúng. a) Hoạt động giáo dục Ngôi chùa nhập thế hôm nay là kết hợp giáo dục giữa tri thức đạo lẫn đời, đi đôi giữa kiến thức Phật học và kỹ năng xã hội, cho nên ngôi chùa không những chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, cầu nguyện, hướng dẫn Phật pháp (cho mọi tầng lớp, ứng dụng Phật pháp vào mọi mặt của đời sống), dạy thiền, niệm Phật, thọ Bát quan trai giới, ban pháp thoại, khóa tu mùa xuân hạ thu đông, khóa học nghi lễ phổ thông, học cách ứng xử, nếp sống đạo đức của nhà Phật … mà còn tổ chức các lớp học về kiến thức xã hội phổ thông, dạy ngôn ngữ như Việt Văn cho các em thiếu niên nhi đồng gốc Việt nhưng sanh trưởng tại Mỹ, hướng dẫn các tri thức khoa học, những kỹ năng khoẻ (dưỡng sinh, thể dục yoga, tập võ, khí công), âm nhạc và nghệ thuật Phật giáo, vv… giúp thế hệ trẻ gắn bó hơn với nền giáo dục Việt Nam và Phật pháp. Rất nhiều ngôi chùa Việt tại đất Mỹ đã có những hoạt động giáo dục đáng kể đó giữa Phật học và xã hội, đã duy trì và hoà nhập giáo dục Phật giáo Việt Nam vào xã hội Mỹ. b) Hoạt động văn hóa Một số hoạt động văn hóa gắn liền với tôn giáo và lễ hội dân gian do nhà chùa đứng ra tổ chức như Tết Nguyên Đán, rằm thượng nguyên, rằm trung nguyên, rằm hạ nguyên, Vu Lan, Phật Đản, tết trung thu, lễ vía của Phật, Bồ tát, ngày giổ Tổ và chư Hiền thánh tăng, vv… thực sự đã đem lại đời sống tinh thần phấn chấn và hiệu quả tốt cho kiều bào Việt-Mỹ. Theo tục lệ truyền thống Việt Nam, Phật tử và đồng hương xa gần thường tìm nương tựa đến chùa khi gia đình họ có hữu sự, tang chế, rước vong siêu độ, cúng thất đám giỗ, cưới hỏi hiếu hỉ, tân gia, xây cất nhà cửa, cầu an khi sinh nở hay bịnh hoạn, vv... Nhà chùa tận tâm tư vấn hỗ trợ tinh thần của Phật tử, nhất là khi gia đình Phật tử có hữu sự như trên. Tuy nhiên, nhu cầu này cũng dần giảm bớt đi vì sống trong xã hội kỹ nghệ, tri thức khoa học hiện đại của Mỹ, người dân quá bận rộn cho việc đi làm, con cái gia đình, phương tiện đi lại khó khăn, cho nên đời sống tôn giáo của một số Phật tử hình như cũng đơn giản đi nhiều. Những hình thức tín ngưỡng dân gian như dâng sao giải hạn, phong thủy, tử vi, tướng số, xin xâm, xem ngày, giờ tốt, cũng rất ít thấy ở các ngôi chùa Việt tại Mỹ. Ví dụ, chọn ngày lành tháng tốt để nhập liệm, thiêu chôn, cưới hỏi, tân gia… thì nhà chùa và gia đình đều đồng ý thường tổ chức vào cuối tuần. Vì vào các ngày thứ bảy hay chủ nhật thì các con cháu, gia đình, thân quyến mới được nghỉ làm hay nghỉ học để tham dự làm lễ được. Tuy nhiên, nhìn chung khách quan, vai trò tín ngưỡng, tâm linh của số đông các chùa Việt tại Mỹ đã thể hiện hữu hiệu tích cực thông qua các hoạt động điển hình của giáo dục và văn hóa xã hội. 3. Phát huy Vai trò của Chùa Việt trên Đất Mỹ Để hình ảnh các ngôi chùa thực sự sống mãi và bóng y vàng của chư tăng ni giải thoát hiện diện, các chùa thường nên mở hạ an cư, bố tát tự tứ, tổ chức dạy kinh luật luận cho chúng xuất gia. Cần phát huy sự tu tập tâm linh, giữ giới định tuệ để un đúc nếp sống thánh hiền. Quý sư là những nhà mô phạm xuất thế, ngôi chùa thể hiện nếp sống thiền môn siêu thoát để thế gian kính ngưỡng học theo. Đây là vai trò chủ chốt của ngôi Tam bảo. Ngoài ra, các chùa nên tổ chức các lễ hội Phật giáo ở quy mô lớn, kết hợp với văn nghệ ca nhạc góp vui thu hút quần chúng nhất là giới trẻ hiện nay, để giới trẻ tiếp cận được các nghi lễ truyền thống Phật giáo. Các chùa cũng nên thường xuyên tổ chức các khóa tu cho giới trẻ vì tre già măng mọc. Sau này thế hệ trẻ sẽ giữ gìn, duy trì và tiếp nối được Phật giáo truyền thống của tổ tiên ông bà cha mẹ mình. Tam tạng kinh điển của Đức Phật là phương thuốc hữu hiệu để đối trị các tham lam, sân hận, ích kỷ, buồn phiền, bực dọc mà hàng ngày dễ xảy ra trong tâm chúng ta. Phật pháp giúp chúng ta biết quán chiếu để cân bằng và làm lắng dịu những lo toan căng thẳng của cuộc sống. Phật pháp giúp chúng ta chánh niệm hiện tại, biết tránh những khổ tương lai và mang lại hạnh phúc hiện tại. Cho nên, các chùa thường tổ chức các buổi pháp thoại/hội thảo/pháp đàm song ngữ (Anh-Việt) về các đề tài Phật pháp ứng dụng trong đời sống để giúp các Phật tử tại gia vững chải hơn trong cuộc sống lứa đôi, trong trách nhiệm làm cha mẹ, anh em, con cháu theo như lời Phật dạy. Nhịp sống xã hội Mỹ bận rộn, hối hả, sôi động, gấp gáp thì một không gian già lam tĩnh mặc uy nghiêm sẽ rất cần thiết, để giúp cho chúng ta trở lại thăng bằng tâm tư, tĩnh tâm, buông bỏ những phiền muộn, thư thái tâm hồn. Mái chùa, tiếng chuông, sự yên tĩnh của thiền môn là một cái gì rất thiêng liêng không thể thiếu được trong lòng người con Phật, nhất là những kiều bào Mỹ gốc Việt. Sau những giờ bận rộn nơi công sở, mỗi khi đến chùa như thấy lại hình ảnh của quê hương Việt Nam với những nét trang trí hiền hòa theo văn hóa Việt Nam, được dùng cơm chay Việt Nam, được nghe ngôn ngữ Việt Nam, được thấy hình ảnh thân thương của quý thầy cô Việt Nam, được quỳ lạy Phật cầu ngài che chở, được thanh thản lắng lòng theo nhịp mõ, tiếng chuông trong không gian tĩnh lặng, vv… tâm hồn của những người xa xứ trong giây phút ấy như được đánh thức trở về với tận cõi lòng bên trong sâu lắng, cho nên bản sắc của ngôi chùa thiền môn lý tưởng rất quan trọng, đóng một vai trò rất lớn trong tâm hồn của người dân Việt-Mỹ. Do đó, ngôi chùa nên được tôn trí đơn giản, gần gũi với cây cỏ thiên nhiên nhưng lại toát đầy sức sống thiền vị và nghệ thuật. Biểu tượng của ngôi chùa là biểu tượng của bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Phật giáo cao đẹp và bản sắc giá trị truyền thống địa phương của chùa Việt đất Mỹ. Vị Trụ trì cùng tứ chúng (quý thầy, quý sư cô, cư sĩ nam, cư sĩ nữ) trong chùa như là một mô hình nhỏ của tăng già, mỗi vị có những trách nhiệm riêng để duy trì sinh hoạt trong chùa. Vị trụ trì cũng là pháp nhân đại diện cho chùa để đối nội đối ngoại. Đối nội là tổ chức sao cho tứ chúng hòa hợp cùng chia đều công việc để chấp tác và cùng an tu theo tinh thần lục hòa, giới định tuệ của nhà Phật, khiến cho chùa ngày càng phát triển như một mô hình của thánh chúng xuất thế. Đối ngoại là sắp xếp giấy tờ hợp lệ với chánh quyền các cấp để hình thành một cơ sở tôn giáo chính thức như đăng ký với chánh phủ Mỹ (IRS/Internal Revenue Service) là Hội Từ Thiện Không Vụ Lợi của Phật Giáo (Buddhist Charities and Nonprofit Organizations). Đối ngoại còn là phải giữ an hòa và thân thiện đối với hàng xóm láng giềng với nhiều nguồn gốc sắc tộc khác nhau (người Mỹ trắng, Mỹ gốc Châu Phi, Mỹ gốc châu Mỹ La-tinh, Mỹ gốc Châu Á…), tham gia giao lưu văn hóa cộng đồng và hoạt động xã hội với các chùa khác và các tôn giáo khác lân cận để tạo cơ cấu liên tôn giáo với nhau. Vị trụ trì hay chư tăng ni nên giỏi ngôn ngữ bản xứ (Anh ngữ chẳng hạn) để có thể tham dự các buổi tìm hiểu tôn giáo, dấn thân vào các nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà tù hầu hướng dẫn niệm Phật, tu thiền, học Phật pháp để giúp Phật tử vững chải tâm linh theo lời Phật dạy. Đây là những hạnh nguyện Bồ tát nhập đời cứu thế và giúp cho đạo Phật có chỗ đứng vững chải giữa lòng xã hội Mỹ như các tôn giáo khác. Ngôi chùa nên truyền bá Phật pháp bằng song ngữ Anh-Việt để giá trị văn hóa Phật giáo đến được với người bản xứ và nhất là cho giới trẻ người Mỹ gốc Việt. Những phương tiện tiên tiến của công nghệ thông tin hiện đại đã giúp cho việc hoằng pháp lợi sanh (giảng dạy, học Phật pháp, phổ biến sinh hoạt của chùa, tìm tài liệu online, băng đĩa DVD, CD, MP3) có hiệu quả với tốc độ nhanh chóng đáng kể. Internet giúp cho không gian cách trở của năm châu đất nước không còn là vấn đề. Một vị sư thuyết pháp ở một nơi, nhưng với sự trợ giúp của các công cụ truyền thông như YouTube, Facebook, PallTalk, Twitter ... khiến ở các nơi trên quả đất đều có thể nghe và thấy được. Một cuốn kinh để trên website thì mọi Phật tử ở góc trời xa xôi nào cũng có thể đọc và in ra được. Ngôi chùa bây giờ là lên online và năng suất truyền đạo của ngôi chùa đó không chỉ giới hạn cho Phật tử địa phương mà còn cho Phật tử toàn cầu. Đây là một hiện tượng hiếm có, tiên tiến của khoa học kỹ thuật của thế kỷ 21 mà chúng ta có được. Một số ngôi chùa lớn khá thích hợp trong bối cảnh hội nhập và giao lưu đa văn hóa, song làm thế nào để duy trì không gian tu tập linh thiêng và hạnh giải thoát nơi chùa chiền? Đây là một vấn nạn cần suy nghĩ. Làm thế nào để ngôi chùa phát huy được chức năng truyền thống tu tập giải thoát thiêng liêng vốn có của nó, đồng thời vẫn phát huy và điều tiết hợp lý được những chức năng phục vụ thực tiễn khách quan như sinh hoạt cộng đồng, nơi dạy chữ, dạy triết lý đạo Phật và truyền dạy đạo lý làm người cho cộng đồng cư dân trong đời sống đa văn hóa của kiều bào Việt Mỹ (của hai thế hệ: một là sanh và lớn lên ở Việt Nam, hai là sanh và lớn lên ở Mỹ nhưng gốc là Việt Nam)? Đây là những bước đột phá, những bước thử thách cho chùa Việt trên đất Mỹ. Đây cũng là những bước đồng sự trong Tứ nhiếp pháp, là “Bồ đề bất ly thế gian giác” (Lục Tổ Huệ Năng – Kinh Pháp Bảo Đàn), nghĩa là không thể rời bỏ cuộc sống thế gian này mà có tâm hạnh bồ đề, phải ngay giữa xã hội này mà hạnh nguyện từ bi trí tuệ mới nảy mầm, sanh trưởng, ra hoa kết trái. Thế nên trong thế kỷ 21 này, lý tưởng của bồ tát được thể hiện rõ nơi các ngôi chùa hơn, tinh thần của chư tăng ni hòa đồng nhập thế với xã hội hơn, lòng từ bi cứu đời của Đức Quan Thế Âm được hiển lộ rõ hơn; trong khi vào thời Phật, lý tưởng A-la-hán, lý tưởng sớm thành Phật, lý tưởng sớm giải thoát khỏi các triền cái, ngũ trược được thể hiện rõ hơn (như những đoạn trên đã minh chứng). V. DỰ PHÓNG VỀ TƯƠNG LAI CỦA CHÙA VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ Sự hiện diện của chùa Việt trên đất Mỹ, cả về bản sắc cũng như số lượng, tùy thuộc vào sự hiện diện của chính bản thân Phật giáo Việt Nam trên đất Mỹ. Mà Phật giáo Việt Nam, sau 37 năm tính từ năm 1975, vẫn đang trong quá trình hình thành với tất cả những biến số do cơ hội và thách thức mà xã hội và văn hóa Mỹ đặt ra. Do đó, dự phóng chính xác về tương lai của chùa Việt là một điều bất khả thể. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận diện và đánh giá sơ khởi ba yếu tố chính yếu sẽ tác động lên “sinh mệnh” của chùa Việt trên đất Mỹ trong một tương lai không xa: - Trước hết, và quan trọng nhất, nói đến chùa Việt là nói đến sự hiện diện của một Tăng đoàn Việt chủ yếu được đào tạo và tu tập theo truyền thống Phật giáo Việt Nam để trụ trì các ngôi chùa đó. Quý Thầy Cô nên sống và ứng xử theo văn hóa Việt Nam. Nếu vị trụ trì một ngôi chùa (và các chư Tăng Ni đồng trú) mà không có “tính Việt Nam” đó trên cả hai truyền thống Phật giáo Việt và bản sắc Văn hóa Việt, thì ngôi chùa đó khó có thể gọi là một ngôi chùa Việt Nam được dù nó ở Mỹ, Úc, Đức hay ngay cả ở trên đất Việt Nam. Với hai điều kiện đó, có vẽ như theo thời gian, và với hiện tượng tiếp biến văn hóa (acculturation) tại Mỹ, một Tăng đoàn thuần Việt sẽ càng ngày càng nhỏ lại khiến cho lượng chùa Việt Nam sẽ ít đi, có thể dần dần biến mất để hóa thân thành một ngôi chùa “X phần Việt, Y phần Mỹ”, mà giáo sư Phật học Charles Prebis gọi là hiện tượng “hybridity” trong Phật giáo. (Xin lưu ý rằng các tôn giáo độc thần và giáo quyền tập trung không có hiện tượng hybridity nầy. Chỉ riêng Phật giáo, với đặc tính tùy duyên bất biến, mới đủ nội lực để thiên biến vạn hóa trong một không gian văn hóa mới như thế nầy). - Thứ nhì là sự hiện diện của một cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ, vốn là lực lượng hộ pháp của ngôi chùa. Thống kê Dân số của US Census Bureau 2010 cho biết số người gốc Việt ở Mỹ là 1,550,000 người, trong đó 25% dưới 17 tuổi. Độ tuổi trung bình là 35 năm và già đi 20% so với 10 năm trước. Census 2010 không cho biết tôn giáo của người gốc Việt, nên ta không biết có bao nhiêu Phật tử Việt tại Mỹ (và tăng trưởng/suy giảm như thế nào so với năm 2000), nhưng hai dữ liệu trên cho ta thấy người Mỹ gốc Việt đông người trẻ mà lại già nhanh, vốn là hai yếu tố bất lợi cho các chùa Việt Nam tại Mỹ: Trẻ thì ít đến chùa, mà già thì khả năng hộ pháp bị giới hạn. Hiện nay, trong hạnh nguyện phục vụ chúng sanh, chùa Việt đang được xây thật lớn và thật nhiều tại Mỹ. Những bài học của chùa Trung Quốc tại California rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ hầu tìm ra một cách thế phát triển chùa bền vững và hiệu quả hơn, dù thuần Việt hay hybrid Việt-Mỹ. [Theo Wikipedia và PEW: Tại California, năm 1875 chỉ có 8 chùa Trung Hoa. Năm 1900, nhờ cuộc xuất cảnh nhân công để làm đường sắt xuyên lục địa Pacific Railroad, Phật tử người Hoa xây thêm 400 chùa mới. Và lên đến cao điểm gần 900 chùa nhờ chương trình di dân (1945-1965) của chính phủ Mỹ sau khi ông Mao Trạch Đông chiếm toàn Hoa Lục. Hiện nay, sau gần 50 năm, chỉ còn lại không đến 10 chùa lớn, loại Đại Tùng lâm như chùa Vạn Phật Thánh Thành (1974, Mondecino) hay chùa Tây Lai Phật Quang Sơn (1986, Los Angeles)]. - Thứ ba là không gian xã hội và cảnh quan văn hóa Mỹ đang có những trở mình thuận lợi cho Phật giáo. Cuộc khủng hoảng bốn-tầng về giáo lý, giáo chế, giáo quyền và giáo sản của tôn giáo chủ đạo tại Mỹ là Thiên Chúa giáo (Tin Lành và Công giáo) đã mở ra một cơ hội cho người Mỹ thử nghiệm Phật giáo như một con đường tâm linh mới gần gũi với họ hơn, và có khả năng giải quyết một cách hiệu quả những vấn nạn đời thường của họ. Theo phúc trình năm 2008 và 2012 của Trung tâm Nghiên cứu PEW thì Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ 170% (trong 10 năm 1990-2000) và chúng ta có cơ sở để tin rằng xu thế nầy là khó có thể đảo ngược được. Tín đồ (Mỹ, hay Mỹ gốc Việt thế hệ sau) tăng thì cơ sở tu tập, trong đó có các chùa, hầu như cũng phải tăng. Vậy thì kiến trúc và nội thất, nghi thức và ngôn ngữ, tông phái và hành trì … trong các chùa Việt Nam có phải thay đổi không? Nếu có thì thay đổi như thế nào? Tác động sẽ ra sao trên bản sắc “thuần Việt” của nó? VI. KẾT LUẬN Tóm lại, nhìn lại chặng đường dài của 26 thế kỷ đã qua, sau khi Đức Thế Tôn du hành từ Bồ-đề-đạo-tràng đến Lộc Uyển và thành lập tăng đoàn Phật giáo, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm, suy hưng của thời thế, dù trải bao giai đọan thành trụ hoại không của quy luật vô thường nhưng hình ảnh ngôi chùa với sứ mạng mang thông điệp giải thoát thực tiễn của Đức Phật vào cuộc đời vẫn còn mãi trên thế gian và được truyền bá rộng rãi trên khắp năm châu thế giới. Ngôi chùa tâm linh Phật giáo thực sự đã có chỗ đứng vững chải trong lòng yêu đạo của những người con Phật, nhất là thế kỷ 21 này, với sự góp mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và tăng đoàn Tây Tạng của ngài, cũng như với Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai của Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo lớn và được nhiều giới trí thức Âu Úc Mỹ biết đến và tu tập theo. Trong khuynh hướng tiến triển chung đó, chùa Việt trên đất Mỹ đã thực sự khởi sắc và góp mặt cho đời. Dù lý tưởng giải thoát hay lý tưởng nhập thế thì ngôi chùa vẫn là một cõi tâm linh thiêng liêng để mọi người lắng lòng hướng về. Ngôi chùa thực sự đã góp phần như một biểu tượng của tâm linh hướng thượng và của bản sắc văn hóa Phật giáo truyền thống nước Việt tại xứ Hoa Kỳ này. Chư tôn đức Tăng Ni đã vượt nhiều khó khăn, nhiều trở ngại giữa những bất đồng văn hóa để thành lập được những ngôi chùa thiêng liêng, để toả sáng những giá trị tâm linh quý giá. Các ngài đã hy sinh vì đạo, vì đời để duy trì và phát triển nếp sống văn hóa của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ này. Thật là công đức cao vời! Đúng như ông Thị trưởng thành phố Santa Ana Miguel Pulido, nhân đại lễ khánh thành Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo – Chùa Bảo Quang tại Santa Ana, California, vào ngày 14/10/2012, đã đại diện cho các cấp chánh quyền trong Quận Cam, California, Hoa Kỳ, để biểu dương công đức tốt đời đẹp đạo của chư Tôn đức Tăng Ni như sau: “Chúng tôi xin cảm ơn sâu sắc Hòa Thượng Thích Quảng Thanh đã mất nhiều công sức tạo dựng nên ngôi chùa đẹp đẻ nầy cho thành phố Santa Ana, [Hòa Thượng cũng] đã phát cơm miễn phí cho người nghèo vô gia cư trong hai mươi năm qua. Chúng tôi rất hãnh diện về hành động tốt lành đó của Hòa Thượng. Ngoài chùa Bảo Quang, còn có chín ngôi chùa khác tại Quận Cam nữa như chùa Bát Nhã, chùa Huệ Quang, chùa Liên Hoa, chùa Phổ Đà, chùa Việt Nam, chùa Điều Ngự, chùa Dược Sư, chùa Diệu Quang và chùa của Thầy Hằng Trường đang được xây cất. Mười ngôi chùa này cùng các chùa khác cũng giống như những viên ngọc quý làm đẹp thành phố Santa Ana của chúng ta. Những ngôi chùa [Việt Nam] này cũng đã đóng góp vào việc giáo dục người dân thành những công dân tốt, và góp phần xây dựng xã hội chúng ta được hoàn hảo trong nhiều lãnh vực. Chúng tôi thành thật ghi ơn toàn thể chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử về công trình cao quý này.” (We would like to show my deep thankful feelings to Ven. Thich Quang Thanh who spent lot of hard works to build a beautiful temple for Santa Ana city, has given a lot of foods to homeless people in the past twenty years. We are so proud of his good deeds. Besides Bao Quang temple, our Orange County also has another nine temples such as Bat Nha, Hue Quang, Lien Hoa, Pho Da, Viet Nam, Dieu Ngu, Duoc Su, Dieu Quang, and the other from Ven. Hang Truong is undercontructed. These ten temples and others are as the valuable jewels to make our Santa Ana city beautiful. These temples also have contributed in educating people to be good citizens and building our society to be perfected in many fields. Our sincere acknowledgements go to all the abbots, abbesses, and Buddhist followers for this noble work). Lập Đông, Hương Sen Tự, 14/12/2012 Thích Nữ Giới Hương Xin xem Slideshow: www.chuahuongsen.com/Vietnamese/HinhAnh.html/slideshow Chùa Việt Đất Mỹ do Ni Sư Giới Hương Thuyết Trình. ppsx
|
|
|
Post by tk on Dec 25, 2013 20:41:37 GMT -5
chùa Thiền Lâm. Độc đáo ngôi chùa Phật đứng - Phật nằm 13/06/2012
Tham quan chùa Thiền Lâm, khách thập phương sẽ cảm nhận được nét khác biệt trong cách bố trí cũng như kiến trúc của các công trình giữa Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông. Chùa Thiền Lâm (hay còn gọi chùa “Phật đứng - Phật nằm”) được sư Hộ Nhẫn xây dựng năm 1960 với hình hài ban đầu chỉ là một Cốc nhỏ. Đến hiện tại, chùa là quần thể gồm nhiều công trình kiến trúc như tượng, tháp mộ, tháp Phật, nhà tăng chúng... ở nhiều vị trí khác nhau.
Cổng chùa Thiền Lâm. Khác với bất kỳ những ngôi tự của Phật giáo Bắc Tông với cổng tam quan dẫn lối vào vườn thiền, chùa Thiền Lâm mở cửa đón đồ chúng bằng cổng chào mang phong cách Phật giáo Nam Tông, nhẹ nhàng nhưng ấn tượng.
Bên ngoài chùa có pho tượng “Thế Tôn khất thực” cao khoảng 8 mét, rất uy nghiêm và từ ái. Vào đến chùa, tận cùng khuôn viên ở bên trái là ngôi bảo tháp màu trắng đỉnh vàng cao vút, uy nghi mà thanh thoát giữa nền trời. Bảo tháp có 2 phần: tầng dưới là chánh điện; tầng trên tôn trí Xá lợi Phật Thích Ca và chư Thánh tăng.
Dáng nằm và gương mặt của bảo tượng Thế Tôn Niết Bàn thể hiện vẻ an lạc, giải thoát của Ðức Thế Tôn. Là ngôi chùa Phật giáo Nam Tông nhưng chất thiền vẫn rõ nét trong không gian và các công trình kiến trúc của chùa. Không mang trên mình bề dày như những ngôi chùa Bắc Tông trên vùng đất xứ Huế, chùa “Phật đứng - Phật nằm” gợi đến cảm giác “là lạ”, nhẹ nhàng và tĩnh tại toát lên từ những gì mà ngôi tự đang có. Theo Kiến thức
|
|
|
Post by tk on Dec 25, 2013 20:53:06 GMT -5
ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ / LỊCH SỬ - TỔ CHỨC / NGUỒN KHẤT SĨ NAM VIỆT Tâm Nguyên , Thứ Tư 19-06-2013 Ban Biên Tập Ánh Nhiên Đăng trân trọng giới thiệu đến quý đọc giả một tư liệu lịch sử vô cùng quan trọng, do chính người trong cuộc tự bạch qua bài viết của mình, đã được in thành sách Chơn lý, xuất bản rất nhiều trước và sau khi người ấy mất vào tháng 5 năm 1954. Qua tư liệu này, có những thông tin căn bản đã được khẳng định, mà không ai có thể nói khác đi được như sau: 1– Khất sĩ Minh Đăng Quang xuất gia năm 1944. 2– Khất sĩ Minh Đăng Quang xuất gia tại Vĩnh Long. 3– Sau khi xuất gia, ngài tự tìm tòi tu học theo hai nguồn giáo lý của Phật giáo Cao Miên và Phật giáo Việt Nam. 4– Năm 1946 ngài rời Cao Miên về Việt Nam tu hành tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Tại đây ngài đã khai sáng Giáo pháp Khất Sĩ. 5– Năm 1948 Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn. Bấy giờ Sài Gòn là thủ đô của nước Quốc gia Việt Nam mới thành lập, thuộc Liên hiệp Pháp. Trong câu “Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn”, ta hiểu được lúc ấy mối đạo này chưa chính thức là một tổ chức hợp pháp. 6– Năm 1950 ngài Minh Đăng Quang dẫn các đệ tử Tăng Ni quay về vùng Vĩnh Long hành đạo. 7– Vào ngày rằm tháng 7 năm Quý Tỵ 1953, ngài Minh Đăng Quang thành lập Đoàn Du Tăng Khất Sĩ. Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là mô hình hoằng pháp điển hình của Giáo pháp Khất Sĩ do ngài Minh Đăng Quang khai sáng. Đến đây, công đức lập đạo của ngài đã thành tựu. Ban Biên Tập Ánh Nhiên Đăng xin trích dẫn nguyên văn tư liệu: ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ NGUỒN KHẤT SĨ NAM VIỆT Khất sĩ là nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy. Minh Đăng Quang khất sĩ xuất gia (1944 tại Vĩnh Long) đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam. 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm, Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thật hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn năm 1948, ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng tản cư khắp xứ kéo nhau quay về kỷ luật. Năm 1950 huỳnh y trở gió bay về hướng nam Hậu Giang, nổi lên lố nhố những núi vàng, pháp tháp. Nhất là ở tại giữa sông Cửu Long, Trung Giang, bửu tháp vượt cao hơn hết, năm 1953 Quý Tỵ. Và cũng là nơi đó tại xứ Vĩnh Long ngày rằm tháng bảy năm Quý Tỵ 1953, Đoàn Du Tăng Khất Sĩ chiếc thuyền trí huệ tạo thành, tách bến, lướt sóng ngược dòng trở lại miền trên, trở nên thuyền tế độ. Đoàn Du Tăng hay thuyền tế độ lúc nào cũng đang bọc gió rẽ nước giữa dòng sông, đứng giữa trung gian của đời và đạo; mục đích là đang tu tìm học, học để mà tu, vì đạo quả tương lai hơn là hiện tại. Cái sống của khất sĩ là đang vay của tất cả chúng sanh vạn vật các pháp, vay xin từ vô thỉ đến bây giờ, cho đến sau này khi đạt thành Chánh đẳng Chánh giác, chừng ấy mới sẽ đem giáo lý ánh sáng trả lại ơn người. Khất sĩ là những học sinh nghèo, xin ăn tìm học, mục đích tu học. Người giúp cho khất sĩ là giúp cho sự học tu, khất sĩ sẽ trả lại pháp thí sau này, chớ không đền ơn của tiền ăn mặc, sống bằng nô lệ! Bởi xét rằng: tự mình không ai có sẵn cái chi được trong mỗi lúc trước khi sanh, sau khi chết, hay ngày hiện tại, nên khất sĩ đang sống trong sự xin học, là nợ vay của tất cả, chỉ tạm xin để sống qua ngày, không dám cất để dư, phí thì giờ tu học, và cũng không muốn làm nặng lòng riêng một hai người, nên mới phải đi khắp đó đây, xin nơi người thú cỏ cây, tạm sống để nuôi cái Biết – Linh cho mau thành tựu. Tuy nói là sự xin vay, chớ trong phận sự vừa học tu, vừa bố thí pháp giáo hóa cho kẻ tối tâm kém trí mỗi ngày, ấy cũng là sự trả nợ, hay trao đổi pháp tài với nhau, để tạo nên một lối sống, một con đường sán lạn, cho kẻ đàng sau. Giáo lý Khất Sĩ, một là dứt các điều ác; hai là làm các điều lành tùy theo nhơn duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thời giờ dư giả, và cũng biết rằng: các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch. Khất sĩ là danh từ chơn lý của tất cả chúng sanh, là sống xin, để cho được Biết – Linh tu học, chớ không vì tư kỷ. Khất sĩ mặc dầu là đang mang hình thức đạo Phật, nhưng khất sĩ cũng cố sức để hiểu rằng: Phật là giác chơn, là cái biết thật tự nhiên, là nghĩa lý của tiếng “Phật”, mục đích của cái biết nơi mình, chớ không phải mê tín mờ quáng, mà tự trói mình trong chữ “Phật”, tiếng “Đạo”, hay tông giáo riêng biệt! Nghĩa là, khất sĩ là đang học pháp Phật, mà cũng như là đang học với các giáo lý khác, học chung với các pháp trong võ trụ, tách mình xa với tất cả sự trói buộc, mực giữa không không, không dính nhập vào riêng với ai hết! Bởi lẽ khất sĩ là đang tập tu tìm học, lẽ phải nào, sự ích lợi nào, đời đạo cái chi tốt đẹp là khất sĩ sẽ về theo tu học. Quyến thuộc của khất sĩ may ra tạm có, ấy là những ai đã nhận ra và thật hành đúng chơn lý Khất sĩ như nhau, chớ ngoài ra tất cả chúng sanh là bạn chung, đang sống chung tu học. Khất sĩ là như của tất cả, tất cả cũng là như của khất sĩ. Khất sĩ như lòng võ trụ, trong đó bao bọc chung những chúng sanh, các pháp và vạn vật. Giáo lý Khất Sĩ là con đường sáng của nhật nguyệt tinh quang, là ánh sáng để chỉ rõ con đường trong sạch giải thoát, là hạnh phúc quý báu của cuộc sống chung tu học, yên vui, tiến hóa; là cảnh sáng giữa ban ngày, cũng là con mắt mở sáng tỏ rõ phân biệt, hay là con đường Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, là con đường tạm đi đến nơi chơn thật. Khất Sĩ là con đường tạm đi đến nơi chơn thật! Kìa Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là con đường tạm hiện tại để đi đến nơi chơn thật.
|
|
|
Post by tk on Dec 25, 2013 20:54:28 GMT -5
NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM Sách được xuất bản năm 1971 do Tịnh xá Trung Tâm - Phú Lâm ấn hành khổ 15 x 22cm, gồm 20 trang cả bìa. NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM Thượng tọa Giác Lý LỜI NÓI ĐẦU Kính bạch chư tôn Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni. Kính thưa quý ông bà thiện nam tín nữ cùng toàn thể Phật tử xa gần. Thời gian đã trôi qua, tôi muốn ôn lại những gì của dĩ vãng hay hiện tại và tương lai, của nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, để cho tất cả các hàng Phật tử chúng ta, kẻ tại gia cũng như người xuất gia xem qua được am tường, để tri nguyên nguồn gốc nhận thức và thực hành đúng theo đường lối của Tổ Thầy chỉ dạy, ngỏ hầu đoạt được mục đích thành công của đạo quả. Đạo Phật Khất Sĩ do đâu mà có? Và tại sao xuất hiện ra đời ở xứ Việt miền Nam này?... Tôi sẽ trình bày rõ rệt đường lối nguyên nhân và kết quả trong quyển sách nhỏ nhen này để cho quý vị thấy rõ nhơn duyên của Phật pháp. Trong quyển Lược sử đức Tôn sư Minh Đăng Quang đã có nói rõ nguyên nhân của nguồn gốc Giáo lý Khất Sĩ rồi. Nhưng tôi xin trình bày thêm về cơ duyên Phật pháp ra đời đã hợp thời hợp lý trong thế kỷ XX đời mạt pháp này, với mỹ ý là để khơi thêm ngọn đèn Chơn Lý của Tôn sư Minh Đăng Quang sáng rỡ trên vòm trời xứ Việt Nam này, ngỏ hầu rước đưa những người có duyên với Phật pháp hãy quy tựu về nơi ánh sáng đạo vàng, để chúng ta tiến bước trên con đường giải thoát và an lạc. Viết tại Tịnh xá Trung Tâm Phú Lâm Ngày mùng 1 tháng 9 năm Tân Hợi, tức ngày 19/10/1971 Trưởng Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Việt Nam Thượng tọa Giác Lý NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM Ánh bình minh vừa chói rạng phương đông, cảnh trời tươi đẹp, trăm hoa đua nở muôn sắc khoe màu, gấm vóc điểm tô nhuộm sơn hà cẩm tú, để làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên của kiền khôn vũ trụ, nhơn duyên hội đủ vị Bồ-tát lâm phàm… Cơ duyên Chánh pháp ra đời Nguồn gốc Đạo Phật Khất Sĩ có ra là do đức Tôn sư Minh Đăng Quang khai sáng, ngài xuất hiện tại xứ Việt miền Nam này. Trong quyển Lược sử Minh Đăng Quang có nói rõ, đây xin miễn bàn tổng quát, chỉ nói đại khái những yếu lý và đường lối phát huy của đạo pháp mà thôi. Nhìn về quá khứ chúng ta đã thấy nghe và hiểu biết, đạo Phật phát huy từ Ấn Độ, rồi lần truyền sang các nước và đến Việt Nam của chúng ta. Nhất chi sanh ngũ diệp Từ khi Thích-ca Mâu-ni di truyền Chánh pháp Nhãn tạng cho ngài Đại Ca-diếp, đến Bồ-đề-đạt-ma là 28 vị Tổ, ở bên xứ Ấn Độ thảy đều thật hành theo giáo lý Y bát Chơn truyền. Bồ-đề-đạt-ma truyền giáo lý Y bát qua xứ Trung Hoa cho 5 vị Tổ là: Huệ Khả, Đạo Tín, Tăng Xáng, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng, nên gọi là Nhất chi sanh ngũ diệp. Đến Huệ Năng Lục Tổ, thì giáo lý Y bát chấm dứt tại Trung Hoa. Vì trong thời kỳ thế kỷ thứ III Phật giáo Trung Hoa bị ảnh hưởng của Nho giáo và Lão giáo, nên không còn thật hành theo giáo lý Y bát Khất sĩ nữa. Nam tông và Bắc tông Từ khi đức Thích-ca Mâu-ni ngài tịch diệt thì chư đại đệ tử của ngài truyền bá giáo lý lan rộng ra khắp các nước trên thế giới: có chia làm 2 miền Nam tông và Bắc tông. Nam tông do ngài Ưu-ba-ly truyền sang các nước như: Tích Lan, Miến Điện, Xiêm La, Ai Lao, Cao Miên và Việt Nam. Bắc tông do ngài Ca-diếp truyền giáo sang các nước: Trung Hoa, Cao Ly, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bổn và Việt Nam. Sự trình bày trên đây chúng ta xét thấy rằng: xứ Việt Nam của chúng ta không có đạo Phật nên thường hay bị các tôn giáo khác họ mỉa mai rằng: “Nam vô Phật”, nghĩa là Việt Nam không có Phật. Phật giáo Việt Nam có ra là do 2 con đường truyền giáo của Nam tông và Bắc tông, Bắc tông từ Trung Hoa truyền qua, Nam tông từ Cao Miên truyền lại, nước Việt Nam của chúng ta nằm chính giữa của 2 con đường truyền giáo ấy. Bởi thế cho nên nhơn duyên Phật pháp ra đời, đức Tôn sư Minh Đăng Quang xuất hiện ra đời là mục đích nối liền 2 giáo phái giữa Nam tông và Bắc tông. Vì thế ngài lấy danh hiệu là: NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM. Giáo lý Khất Sĩ không phải Nam tông mà cũng không phải là Bắc tông; hành Y bát Giới luật thì Nam tông, kinh kệ tụng niệm Phổ Môn, Di-đà, Pháp Hoa, Địa Tạng là Bắc tông. Như vậy Giáo lý Khất Sĩ ra đời là để phối hợp thống nhất giữa 2 giáo phái Nam tông và Bắc tông. Thành phần của Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam Gồm có Tăng, Ni và thiện nam, tín nữ gọi là tứ chúng. Chư Tăng, Ni hành đạo khắp nơi lập thành giáo hội đạo tràng trong toàn quốc: như miền Nam, miền Trung và Cao nguyên của nước Việt. Nơi nơi đều có tịnh xá đạo tràng, chốn chốn đều có ánh đạo vàng của Tăng, Ni xuất hiện. Từ thành đến thôn quê, thị xã, tỉnh, quận, phường, xã, ấp, đâu đâu cũng có 5, 10 ngôi tịnh xá chư Tăng, Ni rất đông và thiện nam tín nữ cũng rất nhiều không sao lường đếm được. Nói tóm lại: trong toàn quốc, miền Nam, miền Trung và Cao nguyên, chư Tăng, Ni khất sĩ trên 4000, phần nhiều là các vị đạo cao đức trọng, kẻ hành đạo đầu đà độc giác ở rừng, ở núi, ở cốc, ở hang, ở động, ở đảo, ở hòn… người hành đạo Bồ-tát hóa duyên khắp nơi thôn quê, thành thị; còn thiện nam tín nữ số đông vô số lượng, thảy đều nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo; tịnh xá, cốc, am, tự viện cũng không thể đếm xiết được… Về việc công tác từ thiện xã hội Gồm có trường học, dưỡng lão đường, cô nhi viện, trại dục anh, chư Tăng, Ni tận tâm săn sóc dạy dỗ trẻ em. Ban Hoằng Pháp đi thuyết pháp khắp nơi tịnh xá, chùa chiền, bịnh viện, đề lao, công sở… Nếu nơi nào thỉnh rước thì giáo hội cũng không nài gian lao khó nhọc, cố gắng làm tròn bổn phận sứ giả Như Lai. Hằng năm thường có tổ chức ủy lạo, cứu trợ, tùy theo phương tiện giúp đỡ cho đồng bào nạn nhơn hỏa hoạn, thủy tai trong cơn khốn khổ; vật chất lẫn tinh thần, vật chất để nuôi thân, tinh thần nuôi tâm. Nhờ vậy mà Giáo hội Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam hành đạo đến đâu cũng được đa số đồng bào hoan hô nhiệt liệt ủng hộ cúng dường, tận tâm giúp đỡ. Nếu nơi nào muốn cất tịnh xá, cốc am, giảng đường rất mau thành tựu và chánh quyền các nơi cũng tận tâm giúp đỡ mọi phương diện. Cơ duyên phát triển của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam Từ ngày mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954 đức Tôn sư Minh Đăng Quang vắng bóng, thì chư đại đệ tử kiên trì giới luật, tinh tấn dõng mãnh cố gắng tu hành lập công bồi đức, chia nhau đi hành đạo khắp nơi, thâu thập được nhiều kết quả khả quan, thành lập được 5 đoàn, tổ hợp lại thành một Đại giáo hội, phần nhiều là các bậc cao Tăng đại đức đạo cao đức trọng, từ bi trí huệ, biện tài vô ngại. Thành phần hành đạo kết quả của 5 đoàn Kỳ đại hội tại Hội sở Trung ương Tịnh xá Trung Tâm số 98 đường Nguyễn Trung Trực, Gia Định, điện thoại số 40420, tất cả 5 đoàn đều có về tham dự vào ngày 28 tháng 8 năm Tân Hợi 1971. 1- Đoàn Thượng tọa Giác Chánh gồm có Tri sự trưởng lão Giác Như, Giác Trang, Giác Giới, Giác Tường, Giác Nhu, Giác Thiền, Giác Long, Giác Hưng, Giác Hương, Giác Nghĩa v.v… Đoàn Thượng tọa Giác Chánh phần nhiều đa số chuyên tu giới luật hạnh đức đủ đầy, hành đạo độc giác khổ hạnh đầu đà ngủ mồ ngủ mả gốc cây động đá, ăn ngọ ngủ ngồi, lo phần tự độ. Thâu thập chư Tăng rất đông, tịnh xá cũng rất nhiều và thiện tín rất đông nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo. Sư trưởng lão Tri sự Giác Như thì lo chăm nom dạy dỗ chư Tăng, nhắc khuyên thiện tín, giữ gìn tịnh xá, cốc am cho giáo hội, để chư Tăng hành đạo, khi Tăng tín về có chỗ nghỉ ngơi an trụ, lo phần tự độ, độ tha. Bình phẩm về đức hạnh, thành thật mà nói: sư Thượng tọa Giác Chánh, sự khổ hạnh của ngài không ai bì kịp. Sư trưởng lão Tri sự Giác Như hạnh đức đủ đầy đáng làm gương mẫu cho giáo hội, và trong đoàn còn có nhiều cao Tăng đại đức khác nữa. Đoàn Thượng tọa Giác Chánh chư Tăng phần nhiều thích tu tịnh hạnh, ít hay hoạt động. Cách hành đạo của 5 đoàn Từ khi đức Tôn sư vắng bóng thì chư đại đệ tử của ngài phân công đi hành đạo khắp nơi, đoàn sư Thượng tọa Giác Chánh hành đạo miền Nam, Hậu Giang các tỉnh như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Bình. Phần nhiều các vị hành đạo đầu đà độc giác ít trụ trì nơi tịnh xá, thật là đúng với tinh thần của bài kệ khất thực dưới đây: Nhất bát thiên gia phạn Cô thân vạn lý du Dục cùng sanh tử lộ Khất hóa độ xuân thu. Nghĩa là: Một bát cơm ngàn nhà Dạo chơi muôn dặm xa Muốn dứt đường sanh tử Khất hóa độ bốn mùa. Gương khất thực thật là hy sinh và cao cả, hạnh độc giác đầu đà ít có người hành nổi, nên lúc ban đầu phát tâm hành đạo rất đông, dõng mãnh tinh tấn chuyên tu thiền định, ăn ngọ ngủ ngồi, lần lần rơi rớt không còn mấy vị. Vậy chúng ta nên giác ngộ, không nên thái quá bất cập là tốt hơn, hành theo phép trung đạo. Hạnh giải thoát Gót khất sĩ bốn phương trời rảo bước Cõi Ta-bà đâu chẳng phải nhà ta Một mình đi với bình bát, cà-sa Đói xin ăn, dưới gốc cây nằm ngủ. Mùi phú quý mặc ai người hưởng thú Bả vinh hoa ta nào có ngại gì Chỉ một niềm chuyên học đạo từ bi Hạnh giải thoát trì trai và diệt dục. 2- Đoàn sư Trưởng lão Giác Tánh hành đạo miền Trung: Gồm có đức Thầy Tịnh với các vị tài năng và sáng kiến, đại đức Giác Vĩnh, Giác Dung, Giác Kiên, Giác Thanh, Giác Thường và nhiều cao Tăng đại đức khác nữa. Tầm hoạt động ban đầu rất mạnh, nhưng vì đức Trưởng lão càng ngày càng già yếu nên sự hoạt động trở lại mức bình thường. Nhưng còn hy vọng sau này chư đại đệ tử sẽ phát huy đạo đức thêm hơn. Hiện nay chư Tăng hành đạo trong đoàn cũng rất đông, tịnh xá cũng rất nhiều, hàng muôn ngàn thiện nam tín nữ nhiệt tâm hộ trì Tam Bảo. Nên có bài kệ kết luận dưới đây: Cỡi thuyền lướt sóng vượt ra Trung Bão tố phong ba rất hãi hùng Lèo lái sửa sang cho vững chắc Buồm chèo sắp đặt phải bền công Thầy trò hiệp trí nhau chèo chống Huynh đệ đồng tâm ráng vẫy vùng Qua khỏi những cơn giông gió lớn Thì đoàn Tăng lữ mới thung dung. 3- Đoàn cố Trưởng lão Giác An: ngài vừa mới viên tịch, hành đạo miền Trung. Ban đầu thật rất gian nan gặp nhiều thử thách, nhưng ngài vẫn kiên tâm và bền chí theo bản nguyện cứu khổ độ đời, theo hạnh vô úy, bố thí máu cho bịnh nhân, thật là một tấm gương hy sinh cao cả mà ít có người làm được. Nên có bài kệ khen rằng: Đại hùng, đại lực, đại từ bi Cao cả nêu gương ít kẻ bì Bố thí mạng thân không úy tử Cứu người bịnh hoạn lúc lâm nguy Thân tàn sức kiệt không ngần ngại Kỷ trưởng niên cao chẳng quản gì Để lại mảnh gương đời sáng tỏ Sau này đệ tử rán hành y. 4- Đoàn Thượng tọa Thích Giác Nhiên: hành đạo miền Nam nhưng phần nhiều phát huy đạo đức miền Đông Nam phần nhiều hơn và mở cơ quan Hội sở Trung ương tại thủ đô Sài Gòn. Tầm hoạt động rất mạnh mẽ không đoàn nào sánh kịp, chư Tăng sư cũng rất nhiều, thiện nam tín nữ cũng rất đông, tịnh xá khắp đều có; nhưng lắm lúc cũng gian nan, vào tù ra khám vì tai nạn. Nên có câu: Chữ Tài liền với chữ Tai một vần… Nhờ sự kiên tâm bền chí và nhẫn nại nên rồi việc gì cũng qua, tiền hung hậu kiết, và hy vọng của ngài còn nhiều kết quả thành công vĩ đại. Nên có bài kệ rằng: Pháp sư hoạt động thật là hay Tất cả 5 đoàn chẳng nhượng ai Tả giục hữu xông dường dõng tướng Tung hoành ngang dọc tợ anh tài, Thao thao bất tuyệt truyền chơn pháp Lẩm lẩm oai nghi thọ đức dày Vui vẻ nói năng thường bặt thiệp Đáng làm mô phạm để tương lai. 5- Đoàn đức Thầy Lý: đoàn Thượng tọa Giác Lý hành đạo khắp cả 2 miền Nam Trung nước Việt, chư Tăng cũng rất đông, thiện nam tín nữ và toàn thể Phật tử trên 20.000 người, tịnh xá chừng gần 30 ngôi, tầm hoạt động cũng mức bình thường, thâu thập được nhiều kết quả, trong đoàn cư xử với nhau rất nên êm đẹp. Sự hành đạo phát triển rất nhanh chóng, mặc dù đoàn ra sau mà sự kết quả không kém gì các đoàn khác, chỉ có thua đoàn Pháp sư thôi. Lúc ban đầu mới ra hành đạo thật là rất gay go và khổ sở, bị ngăn chận đủ điều. Nhưng nhờ sự bền chí và nhẫn nại đối nội đối ngoại rốt cuộc rồi cũng được toại kỳ sở nguyện. Nên có bài kệ kết luận rằng: Trưởng đoàn Giác Lý thật từ bi Khiêm tốn tu hành, cố gắng ghi Vâng lịnh Tổ Thầy truyền Giáo lý Nhủ khuyên đệ tử rán hành y, Lướt thuyền đại nguyện ra sông biển Bão tố phong ba chẳng ngại gì Vững lái êm chèo thuyền tế độ Đưa người đến tận cửa Từ Bi. BÀI KỆ SAU ĐÂY ĐỂ TÓM KẾT 5 BÀI KỆ TRƯỚC Minh Đăng xuất hiện cõi Ta-bà Khắp cả Việt Nam được sáng lòa Khất Sĩ ra đời truyền chánh giáo Du Tăng mở đạo dẹp đường tà (1) Nối liền chính giữa hai tông phái Nam Bắc quy lai hiệp một nhà Quả thật nhất chi sanh ngũ diệp Đạo thành hiện tại Việt Nam ta. CHÚ THÍCH: (1)Giáo lý Khất Sĩ không bày âm thinh, sắc tướng, không làm bùa chú ngải nghệ, mê tín dị đoan. (2)Tôn sư Minh Đăng Quang truyền giáo cho các đệ tử gồm có 5 vị dẫn đoàn hành đạo truyền bá giáo lý mãi mãi về sau đến khi đức Phật Di-lặc ra đời trở lại thời kỳ Chánh pháp cũng gọi là Nhất chi sanh ngũ diệp, đúng với bài kệ: Nhất chi sanh ngũ diệp Kết quả tự nhiên thành Lưu truyền vi hậu thế Bất diệt thị vô sanh. NGHĨA LÀ: Năm đoàn họp lại thành một Đại giáo hội (khổng lồ) không thêm không bớt, vĩnh cửu trường tồn, không dời không đổi, bất di bất dịch. Bình luận Chúng ta xem qua quyển Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam chúng ta sẽ thấy rằng: cơ duyên của Phật pháp vận chuyển nên Đạo Phật Khất Sĩ mới ra đời. Đạo Phật Khất Sĩ ra đời với mục đích để khêu ngọn đèn Chơn Lý giữa cõi đời chiến tranh đau khổ u tối này, để thấy được ánh sáng huy hoàng, hầu quay về với nẻo đạo, sẽ cải tạo được con người mình được toàn chơn mỹ thiện, sống theo lẽ thật đúng y chân lý vũ trụ, bỏ kiếp phàm phu, trở nên Phật Thánh. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra đời là: với mục đích KHAI THỊ CHÚNG SANH NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT. Đức Tôn sư Minh Đăng Quang khất sĩ ra đời là: mục đích NỐI TRUYỀN THÍCH-CA CHÁNH PHÁP, gắn liền giữa hai giáo phái Nam tông và Bắc tông cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời. Như vậy chúng ta xét thấy rằng: mặc dù là thời kỳ mạt pháp này mà không cố gắng tu hành lập công bồi đức, đến khi thời kỳ Chánh pháp làm sao mà gặp được Phật pháp? Không gieo nhơn làm sao kết quả được? Vậy nên chúng ta cố gắng tu hành đừng lùi sụt, hễ bất thối chuyển đạo là sẽ đắc đạo. Mặc dù chúng ta chưa đắc quả kiếp này chớ khi gặp Phật ra đời thọ ký thì ta sẽ đắc quả hiện tại. Cũng như thời kỳ Chánh pháp đức Phật thọ ký cho các vị thọ giới Tỳ-kheo cụ túc trong 7 ngày thì liền đắc quả A-la-hán thần thông quảng đại tự tại vô biên. Nên đức Tôn sư Minh Đăng Quang ngài có nói rằng: Thời kỳ sắp mạt pháp cũng như ngọn đèn sắp tắt, nhưng trước khi tắt nó chớp lên một cái rồi mới tắt. Kết luận Như vậy chúng ta nhận thức xét thấy rằng: đức Tôn sư Minh Đăng Quang có trách nhiệm rọi truyền giáo lý Y bát Khất sĩ tại xứ Việt Nam này, cho đến khi đức Phật Di-lặc ra đời cũng thật hành y bát như các đức Phật quá khứ: đức Phật Tỳ-bà-thi, Thích-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm-mâu-ni, Ca-diếp và Thích-ca Mâu-ni để lưu truyền mãi mãi trên thế gian này bất dịch. Phật pháp ra đời rất thậm thâm Ai người trí thức rán suy tầm Thích-ca Chánh giáo lưu muôn thuở Y bát Chơn truyền mãi vạn năm. Khất Sĩ ra đời dường nhật chiếu Minh Đăng xuất hiện tợ trăng rằm, Ta mau giác ngộ tri nguồn gốc Tinh tấn hành theo khỏi lạc lầm. Trước khi gác bút, tôi thành tâm cầu nguyện ơn trên Tam Bảo chư Phật mười phương và đức Tôn sư Minh Đăng Quang từ bi ai mẫn chứng minh gia hộ cho chư đệ tử Tăng, Ni, thiện tín cùng toàn thể Phật tử đồng xem qua quyển Nguồn Gốc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam này với kiến thức tinh tường, đặt vào một niềm tin vững chắc cố gắng tu hành, để khỏi phụ cái bản hoài công lao của Thầy Tổ, Bồ-đề tâm kiên cố, chúng sanh dị độ, đạo quả chóng viên thành, cùng cả thảy chúng sanh đều đồng thành Phật đạo. NAM-MÔ BỔN SƯ THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT (3 lần) Trưởng Đoàn Du Tăng Khất Sĩ Việt Nam Thượng tọa THÍCH GIÁC LÝ
|
|
|
Post by tk on Dec 26, 2013 16:25:10 GMT -5
Chùa Một CộtNguyễn Nam Kinh (1) Chùa Một Cột ở Hà Nội hiện nay là tên quen thuộc của Liên Hoa Ðài dựng trong khuôn viên của một quần thể kiến trúc chùa, gồm chính điện thờ Tam Bảo, nhà Tổ, nhà khách v.v. được gọi chung là chùa Diên Hựu (lấy tên đầu của Liên Hoa Ðài). Chùa Một cột nổi danh vì kiến trúc độc đáo là một lầu gỗ hình vuông đặt trên một cột đá trồng giữa một hồ nước. Lầu được củng cố bằng một hệ thống con sơn sóc nách bằng gỗ. Tất cả tượng hình cho một bông sen vươn lên khỏi mặt nước, do đó mà có tên là Liên Hoa Ðài. Liên Hoa Ðài theo sử biên niên đã được dựng vào thời Lý năm 1049. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi: "Mùa đông tháng 10 âm lịch, dựng chùa Diên Hựu ở vườn Tây cấm (bên phía Tây cấm thành Thăng Long). Trước đấy vua Lý Thái Tông (1028-1054) chiêm bao thấy Ðức Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi vua tỉnh dậy, vua đem việc đó nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột trụ như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh, cầu cho vua trường thọ". Vì thế gọi là chùa Diên Hựu (kéo dài tuổi thọ). Năm 1105 vua Lý Nhân Tông lại cho sửa sang, tô điểm Liên Hoa Ðài, đào thêm hồ, xây tháp báu ở phía trước. Văn bia tháp Sùng thiện Diên Linh trên núi Ðọi (tỉnh Hà Nam) có đoạn ghi tả chùa Diên Hựu (Một Cột) ở Thăng Long như sau: "Ðảo ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột đá hoa sen nghìn cánh xòe ra. Trên hoa dựng một ngôi đền đỏ xẫm, trong đền đặt một pho tượng Quan Âm sắc vàng. Vòng quanh ao có dẫy hành lang trang trí bằng những hình vẽ bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, mỗi phía đều bắc cầu cong để đi lại. - sân trước mặt, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly..." Hai tháp báu này xây bằng gạch nung đất trắng, một cạnh gạch có chạm rồng (kiểu rồng thời Lý) ngoài cũng phủ men trắng mà khoảng năm 1954 đã được tìm thấy trong khuôn viên chùa Diên Hựu. Thiền sư Huyền Quang, đệ tam tổ phái Trúc Lâm thời Trần có làm thơ vịnh cảnh Diên Hựu Tự dưới trăng thu, có đề cập đến những ngọn tháp này: "Thượng Phương thu dạ nhất chung lan, Nguyệt sắc như ba phong thu đan, Xi vần (chi vẫn)* đảo miên phương kính lãnh, Tháp quang song chĩ, ngọc tiêm hàn" Phương trượng đêm thu vẳng tiếng chuông, Lá bàng đỏ xẫm ánh trăng suông, Gương hồ in ngược chim đầu nóc, Một đôi tháp ngọc nhọn đầu vươn. Vua Lý Nhân Tông còn cho xây thêm một gác chuông bằng đá cao mấy trượng và đúc một quả chuông thật lớn định để treo lên, nhưng chuông rè, không kêu nên để bỏ ở thửa ruộng bên chùa. Ruộng trũng nhiều rùa, nên được gọi là chuông Qui điền. Chuông này sau Vương Thông nhà Minh bị Bình Ðịnh Vương vây hãm, phá đi để lấy đồng đúc khí giới (T.K.X.V). Vào những ngày sóc (mồng một), ngày vọng (rằm) mỗi tháng nhà vua thường đến lễ chùa và hàng năm đến ngày Phật Ðản (mồng 8 tháng tư ta) vua đều đến dự lễ tắm Phật. Ðó là thời cực thịnh của chùa Diên Hựu. Từ đó đến nay, chùa cùng với đất nước trải qua bao cuộc thịnh xuy nhưng vẫn tồn tại và đã được tu sửa nhiều lần. Ý niệm xây dựng chùa Một Cột có lẽ đã phát xuất từ thời Ðinh Lê (T.K.X.) bằng chứng là ở Hoa Lư cũng còn di tích của một chùa Một Cột. Còn chùa Một Cột thời Lý tức Diên Hựu Tự là "Hoa sen nghìn cánh nở trên cột đá " trên dựng điện Phật, mặc dù «hoa sen nghìn cánh" có là mỹ tự đi nữa thì kiến trúc xưa cũng to lớn huy hoàng hơn bây giờ. Một số nhà khảo cứu đã đưa những con số chiều cao, chiều rộng to lớn gấp bội hiện nay nhưng không biết căn cứ vào đâu. Những hình ảnh xưa nhất của Liên Hoa Ðài, được ghi lại là những tấm hình chụp về cuối thế kỷ XIX (khoảng trên một trăm năm trước đây) cho ta thấy chùa Một Cột bấy giờ trông tương tự như bây giờ, nhưng tình trạng bắt đầu hư nát và quang cảnh xung quanh khá hoang tàn. Ðến năm 1923 chùa Một Cột được trường Viễn Ðông Bác Cổ xây cất lại và xây bao lan bọc quanh 4 phía hồ. Nhưng cuộc trùng tu này vì thiếu kinh nghiệm nên kết quả không được mỹ mãn lắm. Kích thước thì nhỏ hẹp đi, mái cũng thấp hơn, quang cảnh có gọn gàng phong quang hơn nhưng đường nét cũng khô khan hơn. Nhưng từ đây trở đi nhờ phương tiện truyền thông, sách vở, báo chí hình ảnh, chùa Một Cột được phổ biến, thậm chí nha bưu điện Ðông Dương cũng dã mấy lần phát hành tem chùa, nên càng ngày kiến trúc này càng được biết đến, không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới nữa. Ðến cuối năm 1954 khi thi hành hiệp định Genève, quân Pháp sửa soạn rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc Việt Nam thì có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một Cột ngày 11-9-1954 (rằm tháng tám ta). Liên Hoa Ðài bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được dấu ở dưới bát hương. Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây, vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp. Sau khi tiếp quản Hà Nội, được mấy tháng thì chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa và ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo Tồn Cổ Tích Nguyễn Bá Lăng, nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. Họa đồ đã được nghiên cứu căn cứ theo một ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Ðông Bác Cổ. Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái kể cả chi tiết tầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác. Cột đá đường kính 1m20 và bộ con sơn sóc nách bên dưới vẫn được giữ nguyên, còn bên trên bình đồ vuông nay được phục nguyên mỗi mặt rộng 4m20, chiều cao từ sàn đến diềm mái là 2m20. Chi tiết trang trí trên nóc mái là đôi rồng ngoảnh cổ lại chầu mặt nguyệt, là đặc điểm trang trí từ thời cuối Lê sang Nguyễn được đắp lại như cũ. Bốn góc mái đao được làm cong hớt lên hơn trước một ít. Những hình đắp trang trí trên bốn góc đao trong hình chụp không rõ vì đã hư mòn thì được đắp lại theo hình đầu rồng lá lật như kiểu cuối thời Lê, còn thấy khá phổ thông ở các kiểu kiến trúc cổ tại miền Bắc. Vách gỗ bao quanh cung thờ được làm theo kỹ thuật cổ truyền là vách nong đố gỗ. Lan can được làm con tiện và cái "vỉ ruồi" trang trí ở hai đầu hồi thì được chạm theo kiểu chép ở nhà thủy tạ chùa Tam Sơn, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Bên trong, phía sau bên trên bàn thờ Ðức Quan Thế Âm, được trang trí bằng một giải ván thượng diệp chạm lưỡng long chầu nguyệt dập theo một kiểu chạm gỗ ở đình làng Ðình Bảng (Bắc Ninh). Cũng ở đây bên trên giáp mái treo tấm bảng chữ Hán "Liên Hoa Ðài". Tòa Liên Hoa đài này đã được dập kiểu để dựng trong vườn của một bảo tàng viện tại Varsovia (Ba Lan) nhưng theo tỷ lệ thu nhỏ ơ và thay thế cầu thang gạch bằng cầu thang gỗ. Làm như vậy có lý hơn vì rất có thể là trước kia người ta leo lên Liên Hoa đài bằng một thang gỗ, rồi đến cuối thế kỷ trước Kinh lược Hoàng Cao Khải trong đợt tu bổ cổ tích mới cho xây bằng gạch như hiện nay: Liên Hoa đài nằm chếch phía sau, bên phía Tây Bắc chính điện thờ tam bảo trong khu vườn riêng của chùa, thì nay vườn này được mở rộng thành công viên của thành phố, mé bên kia khu vực chùa Diên Hựu thì khoảng thập niên 80 dùng để xây tòa nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh đồ sộ cao lớn ở gần xát ngay bên, không biết tôn trọng di sản lịch sử văn hóa xưa. Tuy nhiên khách vào thăm chùa Một Cột vẫn đông đảo vì ai cũng nhận thức là chùa Một Cột đích thực là kiến trúc văn hóa Việt Nam. Nguyễn Nam Kinh (1) * Một loại chim, đắp bằng sành để trang trí trên đầu nóc mái _______________________ (1) - Nguyễn Nam Kinh là một bút hiệu của Nguyễn Bá Lăng. Bài này được đăng lần đầu tiên trên báo Hương Sen số 60 - Ngày 19-2-1996 Xuân Bính Tý. (Trên báo Hương Sen, sau bài chùa Một cột, các bài khác, trong những số kế tiếp, đều được ký tên thật là Nguyễn Bá Lăng). Vào năm 1996, tác giả có gửi kèm theo ba tấm ảnh: - Chùa Một cột trước khi bị phá năm 1954 - Chùa Một cột đang cất dựng lại hồi đầu năm 1955 - Chùa Một cột ngày nay. Lúc đó, điều kiện kỹ thuật không cho phép in lại ảnh trên báo Hương Sen. Ngày nay, dù bản thảo ngày xưa của tác giả còn giữ được, nhưng rất tiếc các ảnh đã thất lạc, nhất là ảnh Chùa Một cột trong khi đang cất dựng lại năm 1955. Tác giả đã qua đời. Chúng tôi (chủ biên CVCN, cũng là chủ biên báo Hương Sen 1990-2000) đã tìm cách liên lạc với gia đình của tác giả , hy vọng còn giữ được hình ảnh nào chăng, nhưng chưa được. ***************** Hiên ngang đứng giữa đất trờiNguyễn Dư Ngày bé, mình xem Chùa Một Cột, thấy cái cột bằng gỗ, chứ không xây như bây giờ. Cột mà xây thì còn gì là hay nữa. (Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nhớ và ghi về Hà Nội, nxb Trẻ, 2004, tr. 117).Hay hay không hay ? Cột xây hay cột gỗ ? Muốn biết thì... dựa cột mà nghe! Đại Việt sử kí toàn thư chép : năm 1049, vua Lý Thái Tông cho xây chùa Diên Hựu. Trước đấy, vua chiêm bao thấy phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua dựng cột đá ở giữa ao, làm toà sen của Phật Quan Âm ở trên cột, giống như đã thấy trong mộng. Một tấm bia, khắc năm 1665, kể rằng : " Năm đầu niên hiệu Hàm Thông đời Đường [...], dựng một cột đá ở giữa hồ. Trên cột xây một toà lầu ngọc, trong đó đặt tượng Phật Quan Âm để thờ cúng " (...). (Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, Khoa Học Xã Hội, 1978, tr. 59). Chùa Một Cột năm 1884 (ảnh Hocquard) Chùa được sửa chữa nhiều lần. Năm 1847 : " May nhờ các quan Đốc bộ đường trước nay và các viên văn vũ bản tỉnh, xúc cảm trước cảnh chùa, phát lòng bồ đề, gia công tu bổ, khiến cho cửa Thiền lộng lẫy, tượng Phật huy hoàng, sánh với hoàng đô muôn đời bất diệt, so cùng cột đá, lâu mãi vững bền. Công này, đức này, tiếng để ngàn năm " (...). (sđd, tr. 61). Cái cột đá của chùa Một Cột đã có từ thời nhà Lý, hay trễ nhất cũng là từ thế kỉ 17. Tháng 5 năm 1884, bác sĩ Hocquard dạo chơi quanh Hà Nội, có ghé thăm chùa Diên Hựu. " Hai cụ từ giữ chùa ở trong một ngôi nhà rất ngộ nghĩnh. Nhà được xây cất trên cột đá dựng giữa một cái ao đầy bèo và sen. Trông như một cái tổ chim. Ngôi nhà được mấy thanh gỗ ngang gắn vào cột đá chống đỡ. Giống mấy cái nan ô được gắn vào cán ô ". (Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 266). Ngày xưa, đã có lúc chùa Một Cột được dùng làm chỗ ở của người trông coi chùa Diên Hựu. Mấy tấm ảnh của Hocquard (bản khắc tr. 211, sđd), của Dieulefils (Indochine pittoresque & monumentale ( Annam - Tonkin ), của trường Viễn Đông Bác Cổ, của bưu ảnh, chụp trong khoảng từ cuối thế kỉ 19, sang đầu thế kỉ 20, cho đến năm 1950, đều cho thấy cái cột đá. Chưa thấy tài liệu nào đả động đến cái cột gỗ của Nguyễn Công Hoan. Năm 1954, thực dân Pháp sửa soạn rút khỏi Hà Nội. Ngày 11 tháng 9, chùa Một Cột bị đặt chất nổ ! Tan tành. Cái cột bị huỷ hoại.(Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Fayard, 2001, tr. 84). Rất may, thông tin của Papin không hoàn toàn chính xác. Có người chụp ảnh chùa bị phá. Cột đá chỉ hơi bị nghiêng. Hai tảng đá vẫn còn nguyên vẹn. (Carnet du Viêt Nam, tháng 8/2004, tr. 33). Chùa Một Cột năm 1954 Năm 1955, chùa Một Cột được xây cất lại. Chuyên viên Sở Bảo Tồn Cổ Tích Nguyễn Bá Lăng được uỷ nhiệm nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. (Nguyễn Nam Kinh, Chùa Một Cột, Hương Sen số 60, Hội Phật Tử Việt Nam tại Pháp, 1996, tr. 27). Chính Nguyễn Bá Lăng đã công nhận : " thành phần (của chùa Một Cột) mà ta có thể tin được là nguyên vẹn từ triều (Lý) này thì chỉ có cây cột đá gồm hai khúc tròn chồng khớp lên nhau đường kính 1m20 đội toà chùa bên trên như thể một cái cuống đưa đoá hoa sen nổi trên mặt một hồ nước vuông nhỏ mỗi bề rộng khoảng 16m ". (Nguyễn Bá Lăng, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1972, tr. 85). Ai phá hoại chùa Một Cột ? Nhiều người nghi là quân đội Pháp. (France Mangin,Hanoï, Edition Recherches, Ipraus, 2001, tr. 149) . Nghi vấn này bị Duyên Anh bác bỏ : - (...) Cuối năm 1954, đảng Đại Việt (không phải nước Đại Việt) gài mìn cho nổ sập Chùa Một Cột. Nói rằng, Chùa Một Cột phải tan nát, " quân ta " mới có ngày về " giải phóng " ! Báo chí quốc gia chửi đảng Đại Việt thậm tệ, gọi Đại Việt là bọn phá hoại ngu dốt. Phật giáo phẫn nộ. Chúa đảng Đại Việt, Nguyễn Hữu Trí, bị bắn chết ở Tân Sơn Nhất, hôm di cư vào Nam (...). (Duyên Anh, Ca dao quyện lấy miếng ngon dân tộc, Vũ Trung Hiền xuất bản, 1995, tr. 186). Chùa Một Cột bị phá nhưng cái cột đá vẫn hiên ngang đứng giữa đất trời. Ngạo nghễ giữa bùn, sen, mưa, nắng ! Nguyễn Công Hoan nhớ sai. Cột đá mới vững, mới bền, mới... hay! Nguyễn Dư (Lyon, 3/2010)
|
|
|
Post by tk on Dec 26, 2013 16:35:58 GMT -5
Chùa Kim LiênNguyễn Dư Mời bạn "đi thăm" chùa Kim Liên, một ngôi chùa cổ nổi tiếng của Hà Nội. "Chùa ở làng Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm. Nguyên xưa là chùa Ðống Long, dựng từ thời nhà Trần (1225-1413) trên cái nền nhà cũ, nơi công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông ra đời. Sau chỗ này lập trại trồng dâu nuôi tằm nên gọi là làng Nghi Tàm. Năm Dương Hòa thứ 5 (1639), chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Ðại Bi. Ðến năm Lê Cảnh Hưng thứ 32 (1771), lại có cuộc trùng tu, và chùa mang tên Kim Liên. Chùa được đại tu vào năm 1792 và trùng tu nhiều lần về sau. Chùa hiện nay là di sản nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn...". (Võ Văn Tường: Việt Nam danh lam cổ tự, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 393) "Bên bờ hồ Mù Sương giáp liền bờ sông Cái, trại tằm lớn của Kinh thành. Ngàn dâu xanh ngắt một màu chạy suốt dọc bờ đê. Những ngôi nhà tằm, ở đó vất vả đêm ngày những "tang thất phụ", những phụ nữ có tội phải làm lao dịch hái dâu chăn tằm, kéo kén, ươm tơ để cung nữ dệt lụa là gấm vóc. Giữa khu nhà tranh mọc lên cung Từ Hoa mái ngói vàng chanh. Công chúa Từ Hoa nhân từ và mặt đẹp như hoa chán cảnh cung đình tẻ nhạt, nằng nặc xin vua cha Lý Thần Tông ra ở trại ngoài, chăn tằm, sướng khổ với đàn bà bị tội khổ sai. Ngày công chúa qua đời thì cung Từ Hoa cũng trở thành ngôi chùa công của phường Nghi Tàm, với kiểu kiến trúc là lạ...". (Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa, NXB Sở Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1975, tr 156) "Ðây là chùa Kim Liên, còn có tên là chùa Ðống Long, nhưng tên cũ là chùa Từ Hoa. Nguyên con gái Lý Thần Tông (thế kỷ 13) (1) là nàng Từ Hoa, ra tu ở đó, nên vua sai làm cung cho ở. Có người lại nói là vua sai ra học nuôi tằm. Ðến các đời sau, lại có những quan thị và những phi tần ra ở, hóa ra trong chùa có tượng một thái giám (có người cho đó là tượng chúa Trịnh) và chùa cũng được vua chúa sửa sang. Có thể nói Kim Liên là ngôi chùa cổ và đẹp nhất vùng Tây Hồ...". (Hoàng Ðạo Thúy: Thăng Long Ðông Ðô Hà Nội, NXB Hội Văn Nghệ, Hà Nội, 1971, tr 35) Ba lời giới thiệu chùa Kim Liên gần giống nhau. Cả ba cùng nói đến công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông. Nhưng cũng khác nhau ở một điểm: Võ văn Tường cho rằng chùa được xây về đời Trần, trên cái nền nhà cũ nơi công chúa Từ Hoa ra đời. Trần Quốc Vượng và Hoàng Ðạo Thúy thì lại cho rằng chùa có từ đời Lý, do cung Từ Hoa sửa chữa tạo thành. Hai tác giả này còn cho biết thêm là công chúa Từ Hoa ra ở nơi đây để "chăn tằm, sướng khổ với đàn bà bị tội khổ sai" hoặc cũng có thể "ra tu ở đó, nên vua sai làm cung cho ở". Ðọc ba lời giới thiệu này tôi thích quá. "Em là ai, cô gái hay nàng tiên?" (Tố Hữu). Xin phép được phạm thượng... mê công chúa Từ Hoa. Vừa đẹp người, vừa đẹp nết. "Nhân từ, mặt đẹp như hoa" lại còn thích gần gũi đám dân bị tội khổ sai. Biết đâu trong đám dân lam lũ đó lại chả có cả tổ tiên mấy chục đời của tôi? Mê công chúa Từ Hoa, tôi đâm ra mến lây cả vua cha Lý Thần Tông. Chắc hẳn đây phải là một ông vua đức độ, một vị minh quân. Tôi háo hức lật "Ðại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên (NXB Khoa học Xã hội, tập 1, Hà Nội, 1967, tr. 259-274), để "tìm hiểu" công chúa Từ Hoa và cha nàng. Vua Lý Thần Tông, tên là Dương Hoán, con Sùng-hiền hầu, sinh năm 1116. Năm 2 tuổi được bác là vua Lý Nhân Tông đem vào nuôi trong cung, lập làm hoàng thái tử. Năm 1127 vua Nhân Tông băng, Dương Hoán lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Thần Tông (vua được 12 tuổi ta). Lên trị vì, vua tự thấy rằng "Trẫm còn trẻ thơ, nối nghiệp lớn của tiên thánh, mà thiên hạ yên tĩnh, trong cõi sợ uy, đều là nhờ sức của các khanh, các khanh nên cẩn thận chức vụ, chớ có lười biếng, để giúp trẫm những chỗ thiếu sót". Năm 1130 (vua được 15 tuổi), xuống chiếu rằng con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển mới được lấy chồng! Sứ thần Lê văn Hưu can đảm nhận xét rằng: "Trời sinh ra dân mà đặt vua để chăn nuôi, không phải để cho vua tự phụng. Lòng cha mẹ ai chẳng muốn con cái có vợ có chồng (...). Thần Tông xuống chiếu cho con gái các quan phải đợi thi tuyển vào cung không trúng rồi mới được lấy chồng thì là tự phụng cho mình, có phải là lòng làm cha mẹ dân đâu?". Phải chăng nhờ "chính sách kiểm duyệt" này mà vua cứ tha hồ "vùng vẫy trên lưng ngựa" đến nỗi năm 1136 mắc bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, thân mang ác tật. Có sách ghi rằng vua bị bệnh "hóa hổ". May được "Lý triều quốc sư" Nguyễn Minh Không chữa khỏi. Vua Lý Thần Tông chết năm 1138, thọ 23 tuổi. Ông vua trẻ này "quá ưa thích điềm lành vật lạ, sùng thượng đạo Phật, chẳng đáng quý gì". Vua có 5 người con - Hoàng thứ trưởng tử Thiên Lộc sinh năm 1132, sau phong làm Minh Ðạo Vương. - Hoàng trưởng nữ sinh rồi chết (cùng năm 1132). Ngô Sĩ Liên không ghi tên là gì. Theo tục xưa thì đứa bé con đầy tháng hoặc đầy năm mới được đặt tên. Ta có thể đoán là hoàng trưởng nữ sống chưa được một tháng hoặc một năm. - Hoàng trưởng tử Thiên Tộ sinh năm 1136 - Hoàng tử thứ ba sinh năm 1137 - Hoàng nữ thứ hai sinh cùng năm 1137, sau phong làm Thụy Thiên công chúa. Tôi ngạc nghiên và ... thất vọng, không thấy bóng dáng công chúa Từ Hoa. Rõ ràng một bên là "ba mặt một lời", một bên là sử gia Ngô Sĩ Liên. Có thể nào có sự nhầm lẫn công chúa Từ Hoa với hoàng trưởng nữ hoặc công chúa Thụy Thiên không? Chắc là không vì tính đến năm cha chết (1138), Thụy Thiên được 2 tuổi, hoàng trưởng nữ cho dù có sống lại cũng mới được 7 tuổi. Một công chúa 2 tuổi, hoặc 7 tuổi, mà đã "nằng nặc xin vua cha ra ở trại ngoài" để chăn tằm với dân nghèo, hoặc để đi tu, quả là một điều khó tin. "Cái nền nhà cũ, nơi công chúa Từ Hoa, con gái Lý Thần Tông ra đời" cũng đặt cho chúng ta một dấu hỏi lớn. Tuy sử không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng vua gặp gỡ các cung phi ở trong cung thành. Và các hoàng tử, công chúa đều được sinh ra trong cung. Ðịa điểm chùa Kim Liên (hoặc cung Từ Hoa) nằm ngoài kinh thành nhà Lý. Như vậy lại phải đưa ra thêm một giả thuyết là mẹ của công chúa Từ Hoa bị hắt hủi, bị đuổi ra ngoài cung thành. Mẹ phạm lỗi gì đó để bị đuổi thì con đẻ ra chắc chắn không được gọi là công chúa. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng, cả ba ý kiến cho rằng chùa Kim Liên bây giờ, trước kia là cái nền nhà cũ nơi công chúa Từ Hoa ra đời, hoặc là chỗ công chúa Từ Hoa chăn tằm, hoặc là chỗ công chúa Từ Hoa ra tu, đều đáng nghi ngờ. Không đủ tài liệu để tra cứu thêm về nhân vật Từ Hoa, chúng ta tạm ngưng nơi đây. Mời bạn rời chùa Kim Liên sang thăm chùa Trấn Quốc, một chùa nổi tiếng khác của Hà Nội. Chùa Trấn Quốc, cách chùa Kim Liên không xa lắm, "xưa ở bãi An Hoa, giáp sông Hồng, dựng từ đời Lý Nam Ðế (544-548) gọi là chùa Khai Quốc, sau đổi là chùa Trấn Quốc. Năm 1615 bãi sông bị lở, chùa được dời tới làng Yên Phụ, cạnh Hồ Tây, dựng trên nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần, cũng là nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý" (Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, NXB Khoa học Xã hôi, Hà Nội, 1978, tr 33). Cung Thúy Hoa và cung Long Thụy được vua Lý Thái Tổ dựng năm 1010 để cho cung nữ ở. Cung nằm trong kinh thành Thăng Long. Lịch sử chùa Trấn Quốc có bãi An Hoa, có nền cũ điện Hàm Nguyên đời Trần, nền cũ cung Thúy Hoa đời Lý. Tôi cho rằng tên Thúy Hoa đã bị nhầm thành Từ Hoa. Võ Văn Tường (sđd, tr. 390) cho biết một chi tiết khác về chùa Trấn Quốc: "đến đời Lê Kính Tông (1600-1618) chùa được dời vào hòn đảo Cá Vàng ở giữa Hồ Tây, tức địa điểm hiện nay". "Cá Vàng" chữ Hán có thể viết là Kim Liên. Chữ liên nghĩa là cá liên ít dùng lại đồng âm và viết gần giống chữ liên thường dùng nghĩa là hoa sen, một hình tượng của đạo Phật, chùa chiền. Ðảo "Cá Vàng" trở thành chùa "Kim Liên" cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ rằng người ta đã nhầm lẫn các tên gọi, rồi gán lịch sử chùa Trấn Quốc cho chùa Kim Liên. Kim Liên = Cá vàng Kim Liên = Sen vàng Nguyễn Dư
|
|
|
Post by tk on Dec 29, 2013 22:31:31 GMT -5
|
|
|
Post by Chua VietNam on Jul 22, 2017 13:07:22 GMT -5
CHÙA KỲ VIÊN
Địa Chỉ: 610 Nguyễn Ðình Chiểu
Phường 3, Q. 3
TP. HCM
Điện Thoại: 08. 3832 5522; 3830 0845; 3830 5135; 3830 0846; 0903 870 370
Trụ Trì: Tỳ khưu TĂNG ÐỊNH
Chùa Kỳ Viên thành lập vào năm nào không có tài liệu để chứng minh cụ thể, nhưng theo bảng chùa Kỳ Viên hiện nay vẫn còn treo ở trước chánh điện thì trong bản chùa đó có ghi hai dòng chữ Tàu có thể giúp chúng ta xác định được niên đại của chùa. Dòng thứ nhất phía bên phải có ghi:
THIÊN VẬN NHÂM TUẤT NIÊN LỤC NGUYỆT THẬP CỬU NHẬT KÍNH TẠO.
Dòng thứ hai phía bên trái có ghi:
THÍ CHỦ LÊ VĂN THỤ THẤT CHUNG NGUYỄN THỊ TRUNG ÐỒNG PHỤNG CÚNG.
Qua hai dòng chữ trên, chúng ta có hai giả thuyết:
1) thứ nhất, nếu ngày tháng năm ghi trên bảng của ông bà họ Lê và họ Nguyễn hiến cúng bảng chùa dựa theo ngày, tháng, năm lập bảng thì có lẽ chùa được thành lập trước năm 1922, lý do là xây dựng chùa trước rồi thí chủ cúng dường bảng chùa sau;
2) thứ hai, nếu bảng chùa đó căn cứ vào ngày thành lập chùa thì chắc chắn chùa Kỳ Viên được thành lập vào ngày 19 tháng 6 năm 1922.
Theo lịch sử chùa Kỳ Viên được viết trong văn bản ngày 09-01-1957, vào năm 1947 chùa này do bà Bùi Thị Ngọc (thường gọi là bà Năm Chùa hay bà Năm Ngọc) trụ trì, bà tu theo truyền thống Phật giáo Bắc tông. Những người hộ pháp ở đây có lòng tin với Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên là ông Huờn, ông Ðội Hậu, ông Chín Cửu, cô Năm Mập và bà Chín Cửu. Thỉnh thoảng ở đây có một nhà sư khất sĩ được mời đến giảng đạo, đó là sư Năm, sau này là tổ Minh Ðăng Quang của Phật giáo Khất Sĩ.
Năm 1948, do tình hình chiến tranh, Chùa Bửu Quang bị tàn phá. Cụ Nguyễn văn Hiểu cùng với nhóm cư sĩ chùa Bửu Quang đến mượn chùa Kỳ Viên của bà Năm Ngọc để làm địa điểm luận đạo, thuyết pháp. Không lâu sau, chùa Kỳ Viên bị giải tỏa phóng đường cho xe cứu hỏa lưu thông. Thừa lúc đó, nhóm cư sĩ Nguyễn văn Hiểu thấy đối diện có đất trống của gia đình Hui Bổn Hỏa (Chú Hỏa) nằm góc đường Phan đình Phùng và Bàn Cờ nên họ đến mướn đất để xây chùa với ý định sau này sẽ làm trụ sở Phật giáo Nguyên thủy tại Sài Gòn.
Ngày 21 tháng 7 năm 1949, Ðô thành Sài Gòn cấp giấp phép cho xây lại chùa Kỳ Viên mới. Từ ngày khởi công cho đến hoàn thành chỉ mất có ba tháng, và lễ nhập tự và lễ An vị Phật được cử hành vào ngày 9 tháng 10 năm 1949 .
Từ ngày xây cất xong, chùa Kỳ Viên sinh hoạt thuần túy theo Phật giáo Nguyên thủy nhưng chùa còn ở trong tình trạng đất mướn. Bổng nhiên có hai vị chư hộ pháp xuất hiện phát tâm trong sạch xuất tiền mua toàn bộ khu đất chùa Kỳ Viên mà nhóm cụ Hiểu đang mướn đất, để dâng cúng Tam bảo. Hai người đó là ông Kim Long và bà Lâm thị Thiệt. Vào ngày 16/ 2/ 1952 (nhằm ngày 21 tháng Giêng, Nhâm Thìn), ông bà và chư thiện tín cư sĩ long trọng cử lễ dâng đất và chùa đến chư Tăng Phật giáo Nguyên thủy. Ðại diện chư Tăng nhận đất và chùa là Hòa thượng Hộ Tông dưới sự chứng minh của ngài Sư Cả trụ trì chùa Mahàmontrey ở Campuchia.
Năm 1953, một trận hỏa hoạn thiêu hủy gần hết xóm Bàn Cờ và chùa Kỳ Viên bị lửa táp cháy xén một gốc nhà bếp. Qua cuộc hỏa hoạn đường xá trong Xóm Bàn Cờ được mở rộng và chánh quyền thời bấy giờ nối dài con đường Richaud (Phan đình Phùng), chính vì thế mặt tiền chùa Kỳ Viên bị khuất sau những dãy phố cất trên khoảng đất trống trước cửa chùa. Do đó, nhóm cư sĩ hộ pháp Nguyễn Văn Hiểu bàn tính lên kế hoạch kêu gọi bá tánh hùn phước cùng nhau trùng tu lại chùa Kỳ Viên để xoay mặt tiền chùa ra đường mới, nay là đường Nguyễn đình Chiểu. Thời gian trùng tu lần này bắt đầu từ 12 tháng 2 năm 1954 kéo dài đến tháng 11 năm 1954 mới hoàn thành, và từ đó Chùa giữ nguyên dạng cho đến ngày nay. Tổng chi phí xây dựng trên tám trăm ngàn đồng, một số tiền rất lớn vào thời đó. Lúc đó ở Sài gòn, chùa Kỳ Viên được xem là một trong những ngôi chùa đẹp nhất.
Về mặt kiến trúc, chùa KỳViên từ lúc thành lập cho đến năm1947 hoàn toàn theo lối kiến trúc và cách thờ phượng của Phật giáo Bắc Tông. Từ khi chuyển sang Phật giáo Nguyên thủy, kiến trúc và cách thờ phượng chuyển sang truyền thống Phật giáo Nam tông. Nhưng lúc này kiến trúc cũng không có gì nổi bật lắm chỉ xây thêm một chánh điện thờ Phật, trên nóc giữa chánh điện xây một ngọn tháp hình tứ giác và trên phía tháp mặt tiền có đề hàng chữ Kỳ Viên Tịnh Xá.
Khi chùa Kỳ Viên được trùng tu lại vào năm 1954 thì lúc này mới có nét kiến trúc của Phật giáo Nguyên thủy. Nóc chánh điện xây theo kiểu hai máy. Ðứng trước mặt tiền nhìn vào, phía trên cao nhất xây theo kiểu tam giác, trong đó có hàng chữ KỲ VIÊN TỰ, điều này cho thấy người chủ trương thể hiện dân tộc tính. Tam giác thứ hai, viết chữ chùa Kỳ Viên bằng tiếng Pàli mẫu tự Latinh: JETAVANA- VIHÀRA. Dưới tam giác thứ hai là một hình bầu dục nhìn vào trông có vẻ uy nghiêm và trầm hùng.Mặt tiền chánh điện có cả thảy là ba ngưỡng cửa để đi vào chánh điện, một của chính và hai cửa phụ hai bên, phía trên ba ngưỡng cửa này đều có xây hình bầu dục,song sắt của hình bầu dục là những chiếc là Bồ đề trông thật đẹp và dễ thương.
Chánh điện thờ Phật theo dạng tam cấp, từng cao nhất là thờ Xá Lợi Phật, từng thứ hai là an vị tượng Phật tổ Thích Ca, tầng thứ ba thờ Phật chuyển pháp luân và phía dưới có một bộ ghế sơn son thép vàng để thờ những tượng Phật Thích Ca loại nhỏ, và có chưng bông hoa. Bộ ghế này do quân đội hoàng gia Thái Lan hiến tặng. Bức tường phía sau nơi thờ xá lợi và Phật có vẽ nhiều ngọn tháp nhìn vào thật đẹp trông giống như bồng lai tiên cảnh. Không gian chánh điện rất rộng và cao nên mỗi lần tụng kinh âm vang nhè nhẹ, vang dội bốn phương khiến cho người tụng kinh và người ở ngoài chánh điện nghe lời kinh tiếng kệ rất hay, âm diệu nhẹ nhàn uyển chuyển.
Phía sau chánh điện là một trai đường, gác trên trai đường là tăng xá dành cho chư Tăng nghỉ, phía trước dãy phòng tăng xá là một hội trường nho nhỏ dành để chư Tăng hội họp bàn luận về Phật pháp, trên hội trường này có một tủ thờ rất nhiều tượng Phật trên thế giới do Hòa thượng Bửu Chơn hiến tặng sau mỗi lần dự hội nghị Phật giáo. Cổng tam quan chùa Kỳ Viên ngày nay xây theo lối kiến trúc Thích Ca Phật đài ở Vùng Tàu không giống như cổng tam quan ngày xưa.
Chùa Kỳ Viên thời đức Phật do ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng rất đặc biệt. Ðức Phật cư ngụ ở đây rất lâu và nhiều bài pháp ngày nay còn ghi trong kinh điển cũng được Ngài thuyết giảng tại đây. Chùa Kỳ Viên ở Việt Nam cũng thật xứng đáng với tên gọi Kỳ Viên ở Ấn Ðộ. Vì ở đây có nhiều sự kiện quan trọng và là điểm son của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.
Nhắc đến Kỳ Viên ở giai đoạn đầu, chúng ta không thể nào quên một vị pháp sư tài ba lỗi lạc, đó là Pháp sư Thông Kham. Ngài thông thạo Tam Tạng, thuyết pháp giảng đạo thật lưu loát. Nhờ có ngài nên Phật tử mới am tường chánh pháp Phật giáo Nguyên thủy và cứ thế quần chúng Phật tử đến quy y tại chùa Kỳ Viên càng ngày càng đông. Ngày nay chúng ta vẫn còn thấy những quyển sách của pháp sư như Ba Mươi Tám Pháp An Lành, Phật Tổ Cồ Ðàm, Giải Ðáp Thắc Mắc Người Cư Sĩ, Tìm Hiểu Phật giáo v.v. Người thứ hai là Pháp sư Hòa thượng Narada người Tích Lan. Ngài đến đây dâng Xá Lợi cho chùa Kỳ Viên và ngài từng thuyết pháp giảng đạo bằng Anh ngữ qua sự thông ngôn của đạo hữu Phạm Kim Khánh cho Phật tử Việt Nam. Những bài pháp của ngài là những viên ngọc quý cho thiện nam tín nữ noi theo tu hành. Ngài có rất nhiều quyển sách được dịch sang Việt ngữ để phổ biến cho người Việt Nam nương theo đó tu hành. Kể từ ngày có hai vị pháp sư trên, chùa Kỳ Viên là một vị sao Bắc Ðẩu trên bầu trời Sài Gòn. Nhắc đến Kỳ Viên ai cũng biết và dần dần trở nên nổi tiếng ở trong nước cũng như trên thế giới.
Tại địa điểm quan trọng này, vào ngày 14-05-1957 được sự cho phép của chánh phủ, cụ Nguyễn Văn Hiểu thành lập TỔNG HỘI PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VIỆT NAM. Ðồng thời vào ngày 18-12-1957, quý vị Hòa thượng Bửu Chơn, Thiện Luật, Hộ Tông, Kim Quang, Giới Nghiêm, Tối Thắng và Giác Quang thành lập GIÁO HỘI TĂNG GIÀ NGUYÊN THỦY VIỆT NAM. Kể từ đó cho đến năm 1981, chùa Kỳ Viên là trụ sở của Giáo hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Các vị Hòa thượng Tăng thống của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam đều là những vị trụ trì chùa Kỳ Viên, đến nay đã trải qua những đời trụ trì:
- Hòa thượng Hộ Tông
- Hòa thượng Bửu Chơn
- Hòa thượng Tối Thắng
- Hòa thượng Giới Nghiêm
- Hòa thượng Thiện Thắng
- Hòa thượng Ẩn Lâm
- Thượng tọa Viên Minh
- Hòa thượng Siêu Việt
- Thượng tọa Tăng Ðịnh
Tuy nhiên, đời trụ trì Thượng tọa Viên Minh và Thượng tọa Tăng Ðịnh là thời điểm Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, cho nên hai vị không còn đảm nhận chức vụ Tăng thống nữa. Về mặt hành chánh, kể từ ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập, chùa Kỳ Viên mặc nhiên không còn là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam nữa. Những vị trụ trì trên đã đóng góp rất tích cực và phát huy Chùa Kỳ Viên nổi bật theo từng giai đoạn khác về mọi mặt như xã hội, văn hóa, hoằng pháp v.v.
Chùa Kỳ Viên hiện nay tọa lạc tại số 610, đường Nguyễn Ðình Chiểu, phường 3, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Thượng tọa Tăng Ðịnh được Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm giữ chức trụ trì từ năm 1992 cho đến nay. Ðây là một trong những điểm hoằng pháp chính của Thành phố Hồ Chí Minh: Chùa Xá Lợi, Chùa Aán Quang, Chùa Kỳ Viên, Chùa Vĩnh Nghiêm và Tịnh xá Trung Tâm.
Mỗi Chủ Nhật đều có tổ chức thuyết giảng Phật pháp cho chư Phật tử, số Phật tử đến tham dự khoảng 500 người. Trong hai ngày sám hối có tổ chức hành thiền và thuyết pháp, số lượng khoảng 800 người đến tham dự. Ðặc biệt mỗi tháng có hai ngày mùng một và mười lăm, có mở khóa tu thiền Tứ niệm xứ dành cho các hành giả muốn tu tập pháp hành thiền, suốt ngày từ 8 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, do quý thiền sư Tăng Ðịnh và Hộ Tịnh đảm nhiệm. Mỗi ngày trong tuần đều có tổ chức những lớp giáo lý dành cho Phật tử. Môn học gồm có Vi Diệu Pháp, Thanh Tịnh đạo, Phật pháp chuyên đề, Trung bộ kinh, Pháp cú kinh, kinh tụng Pàli. Thành phần giảng sư gồm những vị có trình độ Phật học uyên thâm.
Ðặc biệt gần đây, Thượng tọa Tăng Ðịnh có tổ chức tái bản tất cả kinh sách của chư vị tiền bối của Phật giáo Nguyên thủy và cho ấn hành những bản dịch của Hòa thượng Pháp Minh và Tỳ kheo Thiện Minh để đáp ứng nhu cầu học Phật của chư Phật tử.
Tóm lại, chùa Kỳ Viên trong quá khứ là trụ sở của Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, cơ sở hoằng pháp chính của Phật giáo Nguyên thủy và là nơi tiếp đón các phái đoàn Phật giáo quốc tế. Còn chùa Kỳ Viên ngày nay là trung tâm văn hóa của Phật giáo Nam tông, một địa điểm vừa diễn dương pháp học lẫn pháp hành.
Chùa Kỳ Viên ở trong quá khứ lẫn trong hiện tại là một điểm son xiển dương Phật pháp vô cùng quan trọng và lợi lạc cho tứ chúng. Tuy nhiên, về hạ tầng cơ sở đã bị lạc hậu với thời đại và mỗi ngày số lượng tín đồ càng đông sợ e sức chứa bị quá tải. Hy vọng trong tương lai chùa Kỳ Viên sẽ được trùng tu và thiết kế lại cho có tầm cỡ để xứng đáng với tên gọi và vị trí của nó trong lịch sử.
|
|
|
Post by Chua VietNam on Jul 22, 2017 13:11:12 GMT -5
XÁ LỢI PHẬT ÐÀI
Địa Chỉ: Khu tái định cư Long Sơn
P. Long Bình, Q.9, Tp.HCM
Điện Thoại: 0913119094
Trụ Trì: Tỳ-khưu THIỆN NHÂN
Chùa Xá Lợi Phật Đài tọa lạc tại số 246/5 Vĩnh Thuận, P. Long Bình, Q.9, Tp. HCM, nằm trên một khu đồi do Bác sĩ Bùi Kiến Tín hiến cúng cho Giáo hội vào năm 1969. Người dân ở đây thường gọi là đồi Viễn.
Sau khi tiếp nhận khu đất diện tích 4.2ha, HT. Hộ Giác giao cho HT. Pháp Tri quản lý để xây dựng chùa nhằm mục đích hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu học. Đầu tiên Hòa Thượng Pháp Tri xây tạm một chánh điện để tôn thờ Phật và một số liêu thất cho chư tăng cư ngụ. Quả đồi đất sỏi khô cằn và hoang vắng cách xa Tp. Sài Sòn khoảng 16 km, tuy nhiên với bàn tay và khối óc của HT đã biến quả đồi đó trở thành xanh tươi, nhiều hoa trái và là vùng đất để canh tác làm kinh tế nhà chùa. Hòa Thượng trồng nhiều loại cây như râu mèo, xiêng tâm liên để làm thuốc.Trồng mít, cây bạch đàn, hoa kiểng, lập lò thiêu v.v… để thu huê lợi tạo thành nguồn tài chánh để xây dựng.
Đầu năm 1984, Hòa thượng Pháp tri vận động Chư tăng và Phật tử xây ngôi bảo tháp xá lợi phỏng theo kiểu dáng Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, gồm một tầng trệt, có 4 cạnh mỗi cạnh 24m, cao 6m. Tầng trên, ở giữa một ngọn tháp, có 4 cạnh dưới lớn, lên trên nhỏ dần cao khoảng 28m và có 4 gốc là 4 tháp nhỏ. Công trình làm được xong phần móng và đổ 1 tấm thì HT lâm bịnh nên tạm ngưng
Đến năm 1992, vì nhu cầu Phật sự tại bổn tự, cũng như cần có người trực tiếp để quán xuyến công việc chùa, nên HT đã đề xuất bổ nhiệm TT. Thiện Nhân hiện là trợ lý cho HT. Siêu Việt về trụ trì chùa Xá Lợi Phật Đài. Được sự chấp thuận của BTS Thành Hội, nên ngày 12 tháng 5 năm 1992 lễ tiếp nhận quyết định trụ trì được tổ chức với sự tham dự của chư tôn giáo phẩm Thành hội Phật giáo Tp. HCM, Chư tăng Phật giáo Nguyên thủy và đông đảo chư Phật tử tham dự. Trong thời gian đầu, TT cho xây một tăng xá và nhiều liêu cốc để chư tăng có nơi cư ngụ. Ba năm sau, TT lập đề án xin phép xây dựng bảo tháp con dỡ dang thì mới hay toàn bộ quả đồi chùa Xá Lợi Phật Đài nằm trong khu quy hoạch Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Thượng tọa đã xin ý kiến của Chư tăng Phật giáo Nguyên Thủy, kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để giữ lại ngôi chùa Xá Lợi Phật Đài trên quả đồi của BS. Tín, nhưng vì đây là một công trình quốc gia mang tính chất văn hóa dân tộc là nơi để tưởng niệm các vua Hùng nên không được chấp thuận.
* Ngày 8 tháng 10 năm 2004, Ủy ban Nhân Dân Tp. HCM do Ông Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua ký quyết định giao cho chùa Xá Lợi Phật Đài 7200m nằm trong khu tái định cư Long Sơn, cũng thuộc phường Long Bình, Q.9
* Ngày 9 tháng 11 năm 2004, Phó giám đốc Sở xây dựng Lê Văn Trung ký quyết định cấp phép xây dựng cho chùa Xá Lợi Phật Đài.
* Ngày 10 tháng 1 năm 2006, Ông Giám đốc Sở tài Nguyên Môi Trường Trần Thế Ngọc ký cấp 7200m cho chùa Xá Lợi Phật Đài địa chỉ 246/5 Vĩnh Thuận, P. Long Bình,Q.9, Tp. HCM.
* Ngày 24 tháng 3 năm 2005, Đại diện Chư tôn Giáo phẩm Thành hội Phật giáo Tp.HCM, Chư tăng Phật giáo nguyên thủy, lãnh đạo chánh quyền quận Q.9 và đông đảo Phật tử tham dự lễ động thổ xây dựng theo mô hình: Chánh điện dài 30m, ngang 15m, Tăng xá dài 24m, ngang 7m, Trai đường dài 24m, ngang 7m, Nhà bếp dài 32m, ngang 7m, cổng Tam quan dài 6m, cao 6m. Còn lại 2 công trình đang xây dựng: Bảo tháp Xá lợi hình lục giác cao 28m, đường kính 6m, Tháp chuông cao 12m, đường kính 6m. Thời gian xây dựng có thể còn vài ba tháng nữa mới hoàn thành.
* Ngày 15 tháng 9 năm Đinh Hợi, để chuẩn bị cho chư tăng có trú xứ thích hợp để An cư kiết hạ nên Đại lễ An Vị Phật và Kết giới Sima diễn ra vô cùng trang nghiêm và đông đảo Tăng Ni và Phật tham dự. Trong buổi lễ có HT. Kim Minh phó Pháp chủ, HT. Viên Minh trụ trì Chùa Bửu Long, HT. Thiện Tâm ủy viên thường trực HĐTS. GHPGVN, Phó ban trị sự Thành Hội Phật Giáo Tp. HCM. TT. Minh Giác ủy viên kiêm phó thư ký ban trị sự thành hội Phật giáo TP. HCM.
Chùa Xá Lợi Phật Đài mỗi năm có tổ chức những ngày lễ hội như rằm tháng Giêng: lễ kỷ niệm Đại hội Thánh Tăng, Phật hứa với ma vương 3 tháng nữa sẽ Níp Bàn; Rằm tháng Tư Âl: Đại lễ Tam hợp - Đản sanh- Thành Đạo- Níp bàn; Rằm tháng 7 Âl: Lễ hội Vu Lan - mùa báo hiếu; ngày 22 Tháng 9 Âl: Đại lễ Dâng y Kathina; Ngày 16 tháng 10 Âl: Lễ giổ tưởng niệm cố HT. Pháp Tri.
Chùa Xá Lợi Phật Đài trong điều kiện thuận lợi hiện có (không xa thành phố, đường đi tiện lợi) hy vọng trong tương lai sẽ là địa điểm hoằng pháp thích hợp, vừa là điểm tham quan của khách du phương, vừa là nơi tôn nghiêm để phật tử đến lễ bái cúng dường.
Thượng tọa Thiện Nhân xuất gia Sa di năm 1969 với HT. Thiện Luật tại chùa Pháp Quang và xuất gia tỳ khưu với HT. Ân Lâm vào năm 1981 tại chùa Giác Quang. Thượng tọa Nguyên là Phó trụ trì chùa Nam Tông, quyền trụ trì chùa Kỳ Viên từ năm 1987 đến năm 1992. Hiện nay TT là giảng sư Ban Hoằng Pháp TW. GHPGVN, thư ký Ban Đại Diện Phật giáo Q.9.
|
|
|
Post by Chua VietNam on Jul 22, 2017 13:13:16 GMT -5
CHÙA SIÊU LÝ (Phú Định)
Địa Chỉ: 681/6 Hậu Giang, Phường 11, Q. 6
Tp. HCM
Điện Thoại: 08. 3876 1635 - 08. 3876 7570 - 08. 3876 7614 - 0903 856 825
Trụ Trì: Tỳ-khưu PHÁP NHIÊN
Ngày 19 tháng 8 năm 1970, tín nữ Định Tri thế danh Lê Thị Lộc, phát tâm trong sạch mua lô đất 410m của bà Trần Thị Chưởng ở số 811 Hậu Giang, Quận 6, Sài Gòn, nhằm lô B/620 chiết ra trong bất động sản 620 Chợ Lớn - Phú Lâm; bằng khoán số 780 do ty Điền Địa Sài Gòn cấp ngày 10 tháng 6 năm 1972. Tác ý của tín nữ là cúng dường lô đất này cho thầy của mình là Hoà thượng Tịnh Sự (Huệ Lực) thế danh Võ Văn Đang lập giảng đường để giảng dạy môn Vi Diệu Pháp, và phiên dịch luận Tạng Pāli. Thế nên giảng đường chùa Siêu Lý có mặt từ đó và tồn tại đến ngày hôm nay.
Lúc đầu chỉ là một ngôi nhà lá đơn sơ để Hoà thượng Tịnh Sự tu học và giảng dạy Vi Diệu Pháp cho chư Tăng và phật tử; càng ngày số lượng đăng ký tham dự học Vi Diệu Pháp càng đông, nên nhu cầu phát triển chùa cần phải có.
Năm 1975, Hoà thượng Tịnh Sự cho tiến hành xây dựng chánh điện thờ Phật và Tam Tạng (Pali, Thái, Hán, Việt), chỗ ở chư Tăng, khu nhà bếp, khu vệ sinh trong diện tích 230m, phần còn lại làm không gian và cảnh trí trong chùa. Kiến trúc lúc này là mái tôn, bê tông cốt sắt, có điều thoáng mát và rộng rãi đủ chỗ chư Tăng tu học. Tại địa điểm này đào tạo nhiều nhân tài cho Phật giáo Nguyên Thuỷ Việt Nam, đặc biệt là môn Vi Diệu Pháp học, đào tạo nhiều vị pháp sư nổi tiếng của Phật giáo Nguyên Thuỷ.
Ngày 5 tháng 6 năm 1984 Hoà thượng Tịnh Sự viên tịch, Thượng toạ Tịnh Thân, thế danh Nguyễn Hữu Báu sanh ngày 14 tháng 11 năm 1934 tại Chợ Lớn được kế nhiệm trụ trì. Thượng toạ tiếp tục gìn giữ ngôi Tam Bảo, mở lớp dạy Vi Diệu Pháp, dịch kinh điển, thuyết giảng Phật pháp. Thượng toạ còn là vị giảng sư của thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, chùa Kỳ Viên quận 3 và các chùa của Phật giáo Nam Tông.
Tháng 10 năm 2001, do tuổi cao sức yếu, Thượng toạ mời Đại đức Pháp Nhiên về phụ tá cho Thượng toạ. Trong năm này Đại đức vận động phật tử xây dựng Tăng xá để đào tạo chư Tăng tu học ở Học Viện Phật giáo Việt Nam.
Tháng 10 năm 2004, sau khi Thượng toạ Tịnh Thân viên tịch, duyên lành đến, Đại đức Pháp Nhiên cho đại trùng tu Giảng đường chùa Siêu Lý, tháng 9 năm 2005 hoàn thành; tháng 10 năm 2005 lễ khánh thành được long trọng tổ chức có sự tham dự của các vị Tôn túc Trưởng lão hệ phái Nam Tông, Ban Trị Sự Thành Hội Phật giáo TP. HCM, đến tham dự và cắt băng khánh thành. Tổng chi phí xây dựng 1.600.000.000 đồng; nguồn kinh phí do chư Tăng, tu nữ và phật tử Phật giáo Nam Tông cúng dường xây dựng.
Mặc dù khuôn viên chùa không được rộng lắm, nhưng kiến trúc chùa Siêu Lý khéo phối hợp nên rất uy nghi, thanh thoát trầm hùng, ẩn hiện dưới bầu trời Quận 6. Một Đại hùng Bửu Điện, hai dãy Tăng xá và một cổng Tam quan đều bố cục theo lối kiến trúc Nhật Bản và Trung Hoa. Hoa văn thuần tuý Việt Nam. Bên trong chánh điện tôn tạo bài trí theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Nguyên Thủy, có một pho tượng Thích Ca bằng đồng được đúc tại cố đô Huế. Có thể nói đây là một ngôi chùa có kiến trúc rất độc đáo, biết kết hợp, cách điệu, nhưng vẫn thể hiện truyền thống Phật giáo và tinh thần dân tộc.
Đại đức Pháp Nhiên xuất gia năm 1982 với Hoà thượng Pháp Tuệ tại chùa Siêu Lý Tỉnh Vĩnh Long. Tốt nghiệp cử nhân Phật Học, Học Viên Phật Giáo Việt Nam khoá IV tại TP. HCM. Ban Trị Sự Thành Hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh quyết định bổ nhiệm Đại đức Pháp Nhiên trụ trì chùa Siêu Lý năm 2003. Hiên nay Đại đức là Ủy viên trợ lý văn phòng Ban Đại Diện Phật Giáo Quận 6, Ủy viên đoàn giảng sư Phật giáo TP. Hồ Chí Minh.
|
|