BỐN TẤM LÒNG RỘNG LỚN
(tứ vô lượng tâm)
Danh từ Phật học Hán Việt gọi bốn tấm lòng rộng lớn là “tứ vô lượng tâm”. Chữ “vô lượng” trong kinh luận Phật giáo thường dùng, bao giờ cũng có nghĩa là rất nhiều, không thể đếm, đo đạc, hay đong lường được. Riêng ở đây, chữ “vô lượng” hay “rộng lớn” còn mang ý nghĩa là bao trùm tất cả, không hạn hẹp bởi không gian và thời gian; bình đẳng, không phân biệt ta - người, thân - sơ, bạn - thù, người - vật, trí - ngu, lành - dữ, sang - hèn, v.v... Bốn tấm lòng rộng lớn là bốn đức tính cao thượng mà các đức Phật và các vị Bồ-tát luôn luôn thực hiện trong việc độ sinh để đem lại lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh.
1. Lòng từ rộng lớn (từ vô lượng tâm)
Từ là trang trải niềm vui đến tất cả mọi người, mọi loài. Do có lòng từ rộng lớn cho nên hành giả có thể giúp ích cho tất cả đều được lợi ích, an vui, về cả vật chất lẫn tinh thần. Tình thương rộng lớn bao giờ cũng là vô điều kiện, chứ nếu là có điều kiện thì không phải là “từ vô lượng tâm”. Để thể hiện lòng từ, trước hết chính ta phải là nguồn vui rồi mới san sẻ niềm vui cho người, chứ nếu lấy niềm vui của người này đem cho người khác thì không phải là lòng từ.
2. Lòng bi rộng lớn (bi vô lượng tâm)
Bi là lòng xót xa khi thấy mọi người, mọi loài đang bị dày vò trong khổ đau. Do có lòng bi rộng lớn mà hành giả biết buồn cái nỗi buồn của người, khổ đau vì sự khổ đau của người, từ đó hành giả sẽ khám phá ra các nguyên nhân và tìm phương pháp hành động chính đáng để chấm dứt niềm đau nỗi buồn ấy. Phải đem người đau khổ ra khỏi cảnh khổ mới gọi là “bi vô lượng tâm”, và đó mới là ý nghĩa của sự cứu khổ; còn nếu lấy cái khổ của người này để dời sang cho người khác thì không phải là lòng bi, mà chỉ là hành động của kẻ ác mà thôi.
3. Lòng hỉ rộng lớn (hỉ vô lượng tâm)
Hỉ là niềm vui có được khi hành giả trông thấy người khác đã thoát được khổ đau và đang có an lạc. Do có lòng hỉ rộng lớn mà hành giả luôn luôn biết vui cái vui của người. Đó là niềm vui trong sáng trong một không khí an lạc, hạnh phúc chân thật; hoàn toàn trái ngược với niềm vui gượng gạo do lòng đố kị vì thấy người khác được an lạc, hoặc niềm vui kiêu hãnh, tự mãn vì nghĩ rằng niềm an lạc của người là do mình mà có.
4. Lòng xả rộng lớn (xả vô lượng tâm)
Xả là sự buông bỏ, không chấp trước, không ôm giữ tri kiến, không phân biệt, không bị vướng mắc bởi thành bại, khen chê.
Do có lòng xả rộng lớn mà hành giả trừ khử được lòng tham dục, hận thù và đố kị. Do có lòng xả rộng lớn mà hành giả có thể chịu đựng, hy sinh vì người, cũng như không từ bỏ bất cứ công tác độ sinh nào.
Do có lòng xả mà hành giả dứt bỏ được ý thức tự mãn, kiêu mạn hoặc niềm thất vọng, buồn phiền bởi những thành công và thất bại trong các công tác phục vụ xã hội.
Do có lòng xả mà hành giả bỏ được những “sở tri” của mình để lắng nghe kẻ khác và tiếp nhận những kiến thức đúng đắn mới, hầu có thể thẳng tiến mãi trên đường giác ngộ.
Tóm tắt lại, chỉ khi nào có được “xả vô lượng tâm” thì hành giả mới có được niềm vui hồn nhiên, trong sáng và thanh thoát (tức là hỉ vô lượng tâm) của một người giải thoát, đạt đạo.
Bốn tấm lòng rộng lớn Từ, Bi, Hỉ, Xả là bốn đức tính khác nhau, nhưng cùng liên quan mật thiết với nhau, trong đó, Xả được coi là đức tính bao trùm, là chất liệu cần thiết để làm nên ba đức tính kia. Thật thế, nếu có Từ mà không có Xả thì tình thương tuy có nhưng cũng chỉ vì ta mà thương; nếu Bi mà không có Xả thì sự xót xa kia cũng chỉ là xót xa cho chính ta; Hỉ mà không có Xả thì niềm vui kia có được là chỉ vì ta mà thôi; hoàn toàn đều không phải là rộng lớn. Cho nên có thể nói, nếu không có lòng Xả thì cả “bốn tấm lòng rộng lớn” đều không thành đạt được.
Lại nữa, bốn đức tính trên đây cũng có khi được gộp lại thành hai cặp: “từ bi” và “hỉ xả”. Sự gộp lại này cho thấy một điều rất quan trọng, là Từ và Bi bao giờ cũng phải đi đôi với nhau, không thể nào có Từ mà không có Bi, hoặc có Bi mà không có Từ; trong khi đó, Hỉ và Xả cũng như vậy. Phải thấy rằng, từ bi là đặc tính khởi đầu và căn bản của tinh thần đạo Phật; bởi vì, như trong mục “Bốn Sự Thật” ở trên vừa nói, đạo Phật được xây dựng bắt đầu bằng sự nhận thức rõ rệt về khổ đau, nhưng muốn có được cái nhận thức ấy thì trước hết phải có lòng từ bi.
Không có lòng từ bi sẽ không bao giờ nhìn thấy được khổ đau, do đó cũng không thể nào có được ý thức và hành động cứu vớt khổ đau. Cho nên đôi khi đạo Phật còn được gọi là đạo Từ Bi là vì vậy. Trong khi đó, hỉ xả là nếp sống thường trực của những bậc đạt ngộ trong đạo Phật. Thật vậy, chỉ có những bậc đã giải thoát, an lạc, tự tại mới thực sự có được nếp sống hỉ xả, cho nên đôi khi đạo Phật còn được gọi là đạo Hỉ Xả.
Xét cho cùng thì chúng ta phải nói cho đầy đủ rằng, đạo Phật là đạo Từ Bi Hỉ Xả, vì đã có từ bi thì đồng thời cũng có hỉ xả, đã có được hỉ xả thì tức là cũng đã có từ bi; không thể có từ bi nếu không có hỉ xả, cũng như không thể có hỉ xả nếu không có từ bi; Từ Bi Hỉ Xả là nếp sống toàn bộ, trọn vẹn của hạnh Bồ-tát.