|
Post by tk on Sept 25, 2011 4:58:05 GMT -5
Hoằng pháp là một công tác quan trọng để con người thấm thuần chính pháp, giác ngộ giáo lý của Chư Phật. Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo, Ngài cũng nghĩ đến việc hoằng pháp trước tiên, chính vì thế nên Ngài thành lập giáo Hội Tăng già để Chư tăng lên đường hoằng dương chính pháp. Trước khi Chư tăng lên đường vận chuyển pháp luân, Đức Phật có nhắn nhủ: Các thầy vì lợi ích lớn của Chư Thiên và loài người, nên Quý thầy không đi hai người một ngả. Qua lời dạy của Đức Phật Thích Ca chúng ta thấy Ngài rất quan tâm đến tầm quan trọng của việc hoằng pháp lợi sinh. Nếu đi hai người một ngả thì chỉ có ba mươi nẽo đường hoằng pháp, còn mỗi người một ngả thì được sáu mươi ngả đường có đệ tử của Phật Thích Ca hoằng pháp.
Ngày nay Quốc gia nào có giáo hội thì Quốc gia đó chắc chắn có Ban Hoằng Pháp. Đôi khi phương tiện hoằng pháp mỗi nơi có khác nhau, nhưng đều nhắm đến chúng sinh am tường chính pháp của Đức Từ bi.
I. HOẰNG PHÁP XƯA
1. Ý nghĩa và lợi ích: là giúp cho chúng sinh hiểu được thiện ác. Nhằm phát huy điều thiện và xa lìa điều ác, vì mục tiêu của đạo Phật là không làm điều ác, thực hành các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch. Hoằng pháp ở đây chúng ta hiểu đa diện chứ không chỉ đơn thuần là giảng dạy giáo pháp hay biên soạn giáo lý.
Ngày xưa Đức Phật và chư thinh văn đệ tử của Ngài đi trì bình khất thực mỗi buổi sáng cũng là hình thức hoằng dương chính pháp. Hình thức này rất hữu hiệu và thực tiễn trong đời sống hằng ngày. Có rất nhiều người khi thấy Đức Phật trì bình khất thực khởi lòng tín thành và quy y. Đi khất thực là hình thức nhập thế của Đức Phật Thích Ca, vừa chứng tỏ con người có hoạt động xã hội, tạo duyên lành cho chúng sinh gieo duyên lành trong chính pháp; cơ hội giảng dạy giáo lý bằng phương pháp lý thuyết và thực hành; Khất thực là hình thức thể hiện hạnh Từ bi bác ái, tinh tiến và nhẫn nại trong giáo lý đạo Phật. Trong kinh luật truyền thống hạnh đi trì bình khất thực là đời sống của chư phật, chứ không phải là tài sản riêng của Phật Thích Ca.
2. Phương tiện: Thông thường chúng ta thấy Đức Phật hoằng pháp ngày xưa bằng hai phương tiện, đó là: đi bộ và thần thông. Trong Tăng Chi bộ kinh, chúng ta thấy lịch sinh hoạt của Đức Phật mỗi ngày:
- Buổi sáng đi trì bình khất thực - Buổi chiều thuyết pháp độ chúng sinh - Buổi tối dạy đạo Chư Tăng - Khuya giải đáp thắc mắc của chư thiên - Rạng đông nhập từ bi quán để tìm chúng sinh hữu duyên tiếp độ.
3. Tư cách: Người hoằng pháp phải có tư cách đạo đức. Thiếu yếu tố này công cuộc hoằng pháp bị hạn chế. Người hoằng pháp, Đức Phật không giới hạn là người xuất gia. Là bậc xuất gia thì phải có Tam y và quả bát, gìn giữ giới học cho trang nghiêm và thanh tịnh. Người cư sĩ thì tối thiểu nghiêm trì tốt đẹp năm giới. Vì nền tảng giáo dục căn bản của Phật giáo là: Giới- Định- Tuệ. Ba thành phần này không thể tách rời nhau được, mà phải liên kết với nhau chặt chẻ như hình với bóng. Giới năng sinh định và tuệ, không giới là không có định và tuệ.
Người hoằng pháp thiếu giới luật giảng dạy phật pháp người nghe cũng thiếu tập trung. Vì thông thường người thầy phải gương mẫu. Trong luật tạng Đức Phật cấm giảng pháp với những hạng người vô bịnh có cầm: dù, gậy, dao gươm, súng đạn, mang giầy dép, ngồi hoặc nằm trên giường, đội khăn, ngồi cao hơn mình, đi trước mình. Tất cả những giới Đức Phật cấm trên nhắm đến người nghe phải tuyệt đối tôn kính Pháp bảo. Người nghe phải có lòng tin nơi người thuyết giảng, phải hiểu và hành phật pháp thì mới có kết quả. Thiếu niềm tin là thiếu tất cả. Có tin thì mới có tấn, niệm, định và tuệ.
4. Bốn cách thuyết giảng của Đức Phật: Thường trong một bài thuyết pháp của Đức Phật, Ngài sử dụng bốn phương pháp để người nghe dễ lãnh hội: Giải thích, Thuyết phục, Sách tấn, Khích lệ.
Giải thích giáo lý để người nghe nhận chân được nhân quả rõ ràng để bỏ tà quy chính, lìa bờ mê hướng bến giác, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Thuyết phục là Ngài chỉ cho người nghe thấy được giá trị của Pháp bảo, không dám dễ duôi quên mình .
Sách tấn nhằm động viên người nghe nhiệt tâm tinh cần trong chính pháp, giảm thiểu lười biếng, vì lười biếng không tiến bộ trong nhà phật, gia tăng hạnh tinh tiến và nhẫn nại.
Khích lệ là Ngài chỉ cho người nghe thấy được điều lợi ích khi thực hành chính pháp.
5. Nhiệm vụ người giảng và kết quả của người nghe: Trong Tăng chi kinh, Đức Phật dạy người giảng pháp phải có và thông hiểu năm phận sự của mình (dhammadesakadhamma):
- Thuyết tuần tự thứ lớp, có nghĩa là từ thấp lên cao - Thuyết y cứ theo pháp môn và kinh điển - Thuyết vì lòng từ bi, muốn cho người khác được lợi ích - Thuyết không vì lợi lộc, không muốn được lợi hay được đền đáp - Thuyết không đụng chạm mình và người khác, không cố ý châm chích, khen mình chê người.
Người giảng pháp thiếu một trong năm chi phần này xem như là nhiệm vụ người hoằng pháp không hoàn hảo. Thuyết pháp chứ không phải là hùng biện như những nhà tâm lý và chính trị. Không nên mượn diễn đàn phật pháp để thể hiện tri kiến cá nhân của mình, không nên lấy hiểu biết thế học của mình hay một danh nhân nào đó cho là Phật thuyết giảng. Lại càng không nên lấy giáo lý của Đức Phật châm chích, chê bai người này nguời nọ, không nên lấy giáo lý của Đức Phật để làm vũ khí bắn phá những học thuyết khác nhằm để tô điểm bản ngả cá nhân của mình.
Người giảng pháp, Đức Phật dạy phải giảng bằng ngôn ngữ từ bi hỷ xả, chí công vô tư, không vì lợi lộc. Chỉ nhằm mục đích duy nhất để người nghe hiểu được lời Phật dạy, áp dụng tu hành, đoạn trừ tham sân si, chấm dứt sinh tử luân hồi.
Trong Tăng chi kinh quyển ba, Đức Phật cũng dạy năm lợi ích của người nghe pháp (Dhammassavanànisamsa):
- Nghe được pháp chưa từng nghe - Thông suốt pháp đã nghe - Đoạn trừ được nghi hoặc - Giúp tri kiến đúng đắn - Nội tâm trong sáng
Trí tuệ phát sinh là nhờ đọc kinh sách, nghe thuyết giảng, chiêm nghiệm những gì đọc và nghe phật pháp, tu tập thiền quán. Như vậy nghe Phật pháp là một trong những điều kiện trí tuệ gia tăng. Có nghe thì mới hiểu, có hiểu thì mới hành, có hành thì mới thành. Đa số Chư thiên và nhân loại giác ngộ và giải thoát nhờ nghe Phật pháp.
II. HOẰNG PHÁP NGÀY NAY
1. Tụng kinh: Ngày nay đa số các chùa Phật tử đến tụng kinh công phu chiều rất đông, thậm chí tụng tam tạng. Đây là hình thức hơi khác biệt với thời Đức Phật còn sinh tiền. Việc làm đó không ngoài mục đích để người Phật tử thấm nhầm chính pháp sau mỗi ngày tụng kinh. Người tụng kinh phải có chính niệm và tỉnh thức thì mới tụng không lầm lẫn. Như vậy tụng kinh công phu cũng là hình thức gia tăng chính niệm trong đời sống tu tập. Người tổ chức tụng kinh công phu cũng là người hoằng pháp.
Những lễ nghi trong đời sống của người cư sĩ như: đám ma, đám cưới, đám giổ đều cung thỉnh Chư tăng đến tụng kinh cầu nguyện và ban phúc lành, hình thức lễ nghi như vậy cũng là hoằng pháp. Thường những lễ nghi đó có tổ chức thuyết giảng phật pháp để thí chủ tròn đủ tài thí, vật thí và pháp thí. Đám ma là một nghi lễ để giảng giải phật pháp trong tang quyến có hiệu quả thiết thực. Vừa tụng kinh vừa giảng giáo lý vô thường để chỉ cho tang quyến thấy được sự tạm bợ của thế gian, nhằm nhàm chán để tu hành.
2. Viết kinh, dịch sách: Là bộ phận hoằng pháp lợi ích lớn và có giá trị cao. Thuyết pháp giống như gió thoảng mây bay, người nghe khó lãnh hội hoàn toàn. Nhưng kinh sách để đầu giường ghiền ngẫm năm này qua tháng nọ, giúp Phật tử dễ chiêm nghiệm và thực hành chính pháp hơn.
Xuất bản một quyển kinh và một tác phẩm thiền là một món quà tinh thần tuyệt vời, có khả năng chuyển đổi đời sống nội tâm của người Phật tử. Ấn tống, biếu tặng một quyển kinh cũng là nghệ thuật hoằng pháp. Ngày sinh nhật của vua Thái Lan, ông cho tái 45 quyển Tam tạng và 92 quyển chú giải để biếu tặng cho những ngôi chùa vùng sâu vùng xa để chư tăng có đủ điều kiện học phật pháp.
3. Xây một mái chùa: Nhiều ngôi chùa ở các nước Phật giáo cũng như ở Việt Nam thể hiện nghệ thuật kiến trúc khá độc đáo. Đường nét kiến trúc gắn liền với chính pháp. Nhìn mái chùa cong cong giúp tâm hồn người phật tử cũng như không phật tử làm nhẹ bớt đi những ưu phiền trong cuộc sống. Người có tâm hồn nghệ sĩ nhìn mái chùa học được giáo lý của Đức Phật qua việc ẩn dụ trong đường nét nghệ thuật kiến trúc. Đúng là mái chùa che chở hồn dân tộc, mái chùa là bài pháp vô ngôn.
4. Phương tiện: Có thể nói phương tiện hoằng pháp ngày nay có phần thuận lợi hơn thời Đức Phật. Nói là thuận lợi nhưng chưa dám nói là thành công. Chư tăng hoằng pháp từ tỉnh này qua tỉnh khác, từ Quốc gia này sang Quốc gia khác phương tiện di chuyển bằng xe và bằng mái bay hay bằng điện thoại. Có thể trong một ngày, sáng Chư tăng thuyết pháp ở Quốc gia này, chiều thuyết pháp ở Quốc gia khác.
Có những trường hợp người Phật tử hấp hối trong bệnh viện ở bên kia bán cầu cần nghe lời kinh và đạo từ của sư phụ họ, bằng phương tiện điện thoại là họ có thể thực hiện được tâm nguyện của người hấp hối.
Đoàn từ thiện của Phật giáo phát quà cho những người bị thiên tai và vùng sâu vùng xa cũng thể hiện tinh thần hoằng pháp lợi sinh. Buổi cơm cho người già, giếng nước làng quê, nhà tình thương được xây dựng, những trẻ em lang thang đường phố và những trẻ em bất hạnh thiếu cha mẹ được giới Phật giáo chăm sóc và nuôi nấng ăn học nên người. Những nghĩa cử đó chỉ tỏ tấm lòng từ thiện, nhưng tính chất hoằng pháp không thể không có. Vì họ phải tự nhủ ai lo cho mình, câu trả lời là Phật giáo.
Hoằng pháp xưa và nay tuy hình thức khác biệt theo biến thiên của thời gian và sự tiến bộ văn minh của con người, nhưng mục đích đều hướng dẫn đại chúng thâm nhập và liễu ngộ chính pháp. Xưa phương tiện có phần nhiêu khê và vất vả nhưng phẩm chất và kết quả thì vẫn chiếm ưu thế. Ngày nay nền khoa học tiến triển phương tiện hiểu và biết phật pháp rất dễ dàng.
Có thể ngồi trên máy vi tính chúng ta có thể giải đáp và học được tất cả kinh điển Phật giáo bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng thông thường văn minh và thuận lợi chừng nào thì con người dẫn đến tinh trạng lười biếng và phẩm chất đạo đức suy giảm.
Tác giả: ĐĐ Thiện Minh
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:49:38 GMT -5
Trở về cố hương
HT. Thích Thanh Từ Chúng ta cứ ngỡ rằng vào Niết bàn là vào một cảnh giới rực rỡ, có đủ thứ sung sướng, tươi đẹp.... Tưởng Niết bàn như vậy là Niết bàn tưởng tượng. Niết bàn là vô sanh, vô sanh mà hằng tri hằng giác, chứ không phải vô sanh mà vô tri vô giác. Cái hằng tri hằng giác đó cũng gọi là Phật tánh. Như vậy được cái vô sanh hằng tri giác đó là nhập được Phật tánh của mình. Nếu nhập được Phật tánh của mình thì gọi là Phật chứ gì! Chúng ta cứ mong thành Phật được ngồi trên tòa sen có hào quang rực rỡ, vậy ông Phật đó là ông Phật gì? Ông Phật đó là ông Phật sinh tử, hoặc là báo thân, hoặc là hóa thân. Nhưng Phật Pháp thân thì không có hình tướng. Như vậy người có tu sẽ được kết quả rất cụ thể, còn người không biết tu hết nghĩ chuyện này đến nghĩ chuyện nọ liên miên. Trong khi cái biết thầm lặng luôn ở bên mình thì lại không hay, không nhớ tới. Do không nhận được cái hằng tri hằng giác thầm lặng ấy, nên chỉ nghĩ hơn nghĩ thua, nghĩ phải nghĩ quấy, cho đó là tâm. Chấp giữ khư khư thân sinh diệt và tâm sinh diệt là mình thì trách gì không đi trong luân hồi muôn kiếp sao được. Bởi cho cái sinh diệt là mình nên vừa mất cái sinh diệt này liền ôm cái sinh diệt khác, cứ liên miên như vậy, nên đi trong luân hồi vô số kiếp. Nếu bây giờ biết rõ thân này là vô thường sinh diệt, tâm phân biệt hơn thua phải quấy cũng vô thường sinh diệt; chỉ có cái hằng tri hằng giác, không hình không tướng đó mới thật là mình. Cái đó có bị lửa đốt cháy không? Không. Vì vậy nên nói hoa sen trong lò lửa. Nói thân vô thường vì thân bị lửa vô thường thiêu đốt, cháy mòn dần. Thí dụ như một cây củi tươi, đút vô lò lửa. Ban đầu củi tươi cháy chậm, lần lần củi khô cháy nhanh hơn, cuối cùng nó bắt cháy hết. Cũng như vậy, hồi ta sinh ra đến lớn lên năm mười tuổi, đầu tóc xanh. Năm tháng chất chồng, lửa vô thường đốt riết bây giờ đầu bạc trắng. Hồi xưa mặt mày no đầy, bây giờ bắt đầu nhăn nheo. Nó hiện tướng khô đó, khô rồi thì tới cháy rụi. Rõ ràng chúng ta mang thân vô thường, bị lửa vô thường đốt cháy. Có khi nó cháy gấp, có khi nó cháy muộn, nhưng nhất định phải cháy. Song trong cái vô thường đó, ngầm có một cái chân thường, tức là cái không có hình tướng, hằng giác hằng tri. Không hình tướng nên đâu bị vô thường, hằng giác hằng tri nên đâu phải là không. Trong nhà Phật nói chỗ đó "không phải có, không phải không" (phi hữu, phi vô). Bởi vì nó không phải có theo hình tướng vô thường, không phải không vì nó hằng giác hằng tri. Trên đường tu chúng ta nghiệm, nhận kỹ mới thấy, từng phút từng giây chúng ta đang tiến chứ không phải là vô ích. Nhưng vì lâu nay không ai giảng trạch cho mình biết, cứ cho rằng ngồi thiền phải yên, phải lặng; mà sao mình ngồi vọng tưởng hoài, chưa yên chưa lặng nên coi như mình tu chưa có kết quả. Năm năm, mười năm nhìn lại thấy cũng còn vọng tưởng, bèn than: Ôi, mười năm rồi mà tu vẫn không có kết quả gì, nên thối Bồ đề tâm. Nếu quý vị ngồi thiền từ đầu giờ đến cuối giờ, chịu khó để ý ngày nay nghĩ mười lần, ngày mai còn chín lần, ngày khác còn tám lần.... Như vậy là đã thấy bước tiến của mình. Niệm khởi là vô thường là điên đảo. Qua những cái đó chúng ta có những phút giây sống với cái chơn thường. Từ niệm điên đảo mà thức tỉnh, chúng ta sống lại với cái bình lặng vô thượng chánh giác. Như vậy là mình có giác, chứ đâu phải hoàn toàn mê. Giả sử chúng ta còn vọng tưởng mà ông chủ vẫn hiện tiền hoài thì có thiệt thòi gì đâu. Mỗi niệm dấy lên ông chủ thấy quở nó, nó liền mất. Lát sau nó dấy lên niệm khác, ông chủ thấy lại quở nó, nó liền mất. Cứ như vậy, trong nhà có khách bước vô, chủ chào hỏi, xong khách bước ra. Đến người khác bước vô, chủ cũng chào hỏi.... Cả ngày khách tới lui tấp nập, nhưng ông chủ vẫn có mặt để chào hỏi khách thì có thiệt thòi gì đâu! Chỉ sợ không có ông chủ, khách vô làm quyền ở trong nhà thì mới nguy. Chứ còn trong nhà có chủ, khách bước vô, chủ chào rồi đưa ra. Như vậy ông chủ có thiếu vắng lúc nào đâu? Vậy mà nhiều người than thở hoài, "tu lâu mà không có kết quả", vì quên ông chủ của chính mình. Nên biết giờ ngồi thiền không phải thiệt thòi, mà chẳng những giờ ngồi thiền thôi, cho tới giờ đi tưới hoa, nhổ cỏ, nấu cơm, lặt rau, v.v., quý vị cũng biết rõ từng niệm khởi. Đó là quý vị không thiếu ông chủ. Ông chủ vừa thấy dấy nghĩ liền đuổi đi, như vậy có gì mất mát đâu? Nếu giờ nào cũng có ông chủ, tức là giờ nào mình cũng có ông Phật. Tuy tu chưa thành Phật, mà lúc nào cũng có Phật hộ cho mình. Đó là Phật luôn luôn gia hộ cho mình không bị mấy đứa phàm tục chen vô. Ngược lại cứ rong ruổi, thả trâu chạy cùng đường cùng sá, chiều lại thắp hương cầu Phật phù hộ cho con, mà không chịu nhận ông Phật thường trực gia hộ bên mình. Đó là lối tu quên gốc chạy theo ngọn ngành. Cái gốc đó không xa, ở gần bên mình. Nên chúng ta thường hay nói tu là cốt trở về cố hương. Cố hương ở đâu? Nếu nghĩ cố hương cách đây chừng năm trăm hay một ngàn cây số là sai lầm. Chúng ta phải nhớ cố hương ở ngay dưới gót chân mình chứ không ở đâu xa hết. Chúng ta đang đứng trên cố hương mà quên mình đang đứng trên cố hương, cứ nhìn đằng này đằng kia kiếm tìm cố hương. Đang đứng trên đất cố hương, mà cứ nhìn ra ngoài nên nói quê hương xa mù, không biết ở đâu. Như vậy mới thấy chúng ta hết sức điên đảo. Cái thật hiện tiền lại quên, chỉ đuổi theo cái tưởng tượng, cái mình ước mơ. Bây giờ muốn trở về cố hương, chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải chịu khó nhìn xuống chân mình thì thấy chớ gì. Vì muốn cho quý vị thấy cố hương nên tôi mới khuyên mỗi khuya mỗi tối, quý vị ngồi dòm xuống một chút. Đừng nhìn đi xa, nhìn xa thì quên bẵng quê mình. Nhìn xuống để thấy mình đang ngồi, đang đứng tại quê hương cũ của mình. Đó là chúng ta tỉnh, chúng ta giác. Còn nếu quên, chạy đi tìm đầu này góc nọ là chúng ta mê. Quên là mê. Mê cố hương hiện tiền nên chạy tìm nơi nọ nơi kia. Tất cả chúng tu hành là quay lại, nhận thẳng nơi mình, chứ không có ở đâu xa. Như vậy ngay nơi thân phàm tục này cũng vẫn có Niết bàn. Nhưng Niết bàn đó chưa trọn vẹn, chỉ là Niết bàn từng chặng, từng khoảng thôi. Lát thì sinh tử, lát thì Niết bàn, còn chập chờn chứ chưa hoàn tất Niết bàn. Chừng nào như Tổ Huệ Khả, mọi duyên đều sạch, không còn một niệm nào nữa, lúc đó chúng ta vẫn sống, vẫn đi lại, mọi công tác chúng ta vẫn làm mà tâm hằng giác, hằng thanh tịnh, đó là Hữu dư y Niết bàn. Như vậy Niết bàn xa không? Kiếm ở đâu? Chúng ta có quyền được Niết bàn không? Có ai không có quyền đó không? Lâu nay chúng ta cứ nghĩ Phật, Bồ tát mới có Niết bàn, còn mình là phàm phu ngu si nên vô phần. Bởi vì chúng ta cứ ngỡ Niết bàn chỉ có khi tu đến hoàn toàn viên mãn. Chúng ta biết mình có nhân Niết bàn rồi, thì quả Niết bàn sớm chầy gì cũng sẽ được. Như vậy ai cũng có khả năng, ai cũng có thể tu được quả Niết bàn. Khi niệm khởi là sanh tử, khi lặng lẽ hằng tri là vô sanh. Sanh tử với vô sanh ở cạnh bên, một giờ ngồi thiền ít ra cũng được phân nửa thời gian của vô sanh. Như vậy có buổi nào quý vị không có Niết bàn đâu. Ngày nào cũng có Niết bàn nhưng nhiều ít vậy thôi. Do đó trên đường tu không có chuyện luống công vô ích mà chỉ vì chúng ta không nhận ra. HT. Thích Thanh Từ
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:51:29 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Kỳ 01Thường mình hay nghĩ rằng thiền tức là Phật giáo, chỉ đó đạo Phật mới có thiền là cứu cánh, và tất cả các loại thiền khác là ngoại đạo. Gần đây phát sinh ra nhiều pháp môn hay cách tu đốt giai đoạn, cách thiền làm sao để thấy Phật cho mau, điện chạy khắp người, hay làm sao khống chế não bộ cho không có tư tưởng... Có đủ loại thiền, người nào cũng nói tới thiền. Cho nên thiền cần được đề cập rõ ràng để mọi người, trong thời đại này, đều có thể học được mà không bị tẩu hỏa nhập ma. Tẩu hỏa nhập ma là một vấn đề khiến nhiều người không dám tu thiền. * Định nghĩa Thiền Trước hết nên minh định lại là thiền không phải của duy nhất Phật giáo. Tất cả các tôn giáo đều có một phương pháp khiến tâm của người thực hành trở vào trạng thái vắng lặng. Vậy thiền có làm cho mình tịnh tâm không? Nhiều người nói: “Thưa thầy, mỗi lần con ngồi là đầu óc tán loạn. Chừng nào đầu óc con nhẹ nhàng trở lại thì con sẽ ngồi thiền”. Thật ra không phải chờ đến lúc óc hết tán loạn rồi mới ngồi thiền, mà vì tư tưởng mình không rõ ràng, đầu óc đầy dẫy vô minh, nên mình mới phải ngồi thiền. Thiền có phải là sự lắng đọng của tâm không? Thiền để tâm mình không vọng tưởng có phải là mục đích đầu tiên và cuối cùng của thiền hay không? Điều này không nhất thiết. Mỗi tôn giáo đều có phương pháp thiền riêng và thực ra, mỗi chúng ta ai cũng thiền hàng ngày mà mình không biết đó thôi. Như vậy, mình phải định nghĩa thiền như thế nào đây? Nếu dùng ngôn ngữ của thời đại thì thiền là phương pháp khiến cho tâm mình vắng lặng nhưng cởi mở, không khoáng, thoáng. Nói cách khác, thiền là làm cho tâm mình không ngừng khai mở. Tại sao? Nếu đi sâu vào triết lý của thiền - không phải phương pháp - thì đạt được trạng thái giác ngộ, sẽ rỗng lặng vô cùng. Trạng thái rỗng lặng này gọi là như thị như thị, vượt ra ngoài mọi thế tục trần gian, nhưng đồng thời lại bao hàm tất cả chuyện của trần gian mà không bị ô nhiễm. Nói vậy, các bác nghe khó hiểu. Nhưng đó là định nghĩa mà người ta thường nghe nói tới. Bây giờ mình chỉ cần biết một chuyện vô cùng quan trọng: càng ngồi thiền tâm mình càng khai mở, càng tiến hóa hơn. Nếu mình đi tới trạng thái vắng lặng lúc ngồi thiền, nhưng khi xả thiền thì vợ, mình không muốn nói chuyện cùng; cha, mình cũng thèm chào; con, mình cũng mặc kệ; trạng thái như vậy là hư rồi. Còn nếu mình là một đạo nhân bỏ lên núi ngồi tu hành một mình, cho rằng dưới này là địa ngục trần gian, tôi lên niết bàn tu, thì cũng trật luôn. Người tu thiền phải có một sự khai mở gì đó, phải là một người đầy tình thương, đầy lòng từ bi, một người có trí huệ siêu việt, có thể cống hiến tích cực trong xã hội. Nếu tu thiền chỉ để trở thành một đám mây bay lơ lửng trên trời, thành một hòn đảo không ai đụng tới, thì tu như vậy là không đúng. Nếu vì đời này có nhiều chuyện khổ, mình muốn tu tới chỗ hoàn toàn yên tịnh, vắng lặng; như vậy cũng không có ý nghĩa gì trong vũ trụ nhân loại này. Thời đức Phật, lúc đầu ngài dạy về Khổ, Tập, Diệt, Đạo: thế giới này là khổ, nguyên nhân của khổ từ đâu, làm sao giải được khổ, trạng thái cuối cùng khi không còn khổ nữa được gọi là Niết Bàn. Nhưng đến cuối đời ngài, khi giảng về Pháp Hoa và Niết Bàn thì ngài lại nói như vầy: “Mỗi người đều có một đặc tính gọi là Phật tánh. Làm sao khai mở Phật tánh đó ra, như thị như thị, Phật tánh đó làm cho mình có con mắt nhìn mọi sự là như vậy. Nếu có con mắt đó thì mình thực sự giải thoát và nếu có con mắt đó thì cái khổ cũng tương đối. Khổ đó chỉ là một ảo ảnh do bản ngã của mình nhận ra và chấp trước vào mà thôi”. Nói một cách khác, tu thiền là sự không ngừng khai mở chân tâm. Do đó, người ta thường nói “kiến tánh thành Phật”. Cũng thường nói “khai ngộ”, khai là mở ra, ngộ là giác ngộ. Ngay chữ khai ngộ đã nói lên mục đích và phương pháp của thiền. Nếu các bác đồng ý như như vậy thì sẽ thấy rằng, té ra mỗi ngày mình cũng có thiền rồi. Có bác nọ, thầy gặp trên đường đi ở Mile Square Park, ngồi co tay chân lên xuống, thầy mới hỏi: “Bác làm chi đó?” “Tôi tập thể thao hàng ngày” “Bác tập môn gì đây?” “Tui tập sao cho tay tui mở ra, chân tui mở ra, người tui cũng mở ra, là tui thấy khỏe rồi”. “Ồ, vậy môn tập này có tên gì không?” “Dạ không, chỉ có chừng ấy thôi”. Thầy mới hỏi tiếp: “Vậy bác ở đó tập như vậy có vui không?” “Có, đây là hạnh phúc lớn nhất của tui hàng ngày. Tui tới đây hàng ngày, ngồi dở tay chân lên xuống, mà không ai quấy rầy. Tâm tôi hân hoan vì bầu trời xung quanh tôi rộng mở, tâm tôi cũng rộng mở, nên tui cảm thấy sung sướng”. Đương nhiên là lời nói của bác đó không như vậy nhưng ý của bác là vậy. Thưa các bác, vị cao niên này đang làm gì đây? Ông đang thiền. Ông mở tay mở chân, rồi ông mỉm cười, ông nhìn bầu trời bát ngát, tâm ông rộng mở: đó là thiền. Các bác có thể hỏi: “Trời ơi, thiền kiểu đó làm sao giác ngộ được?” Thiền không phải là sự giác ngộ, thiền là sự khai mở để giác ngộ từng tầng tâm thức một. Nếu tầng tâm thức của bác cao niên này ở chỗ đó, thì đó là sự giác ngộ của bác. Đôi khi mình có những truy cầu rất lạ lùng. Mình muốn làm sao được khai ngộ bằng như Phật và mình cố chạy đua làm sao để tới được mục đích đó. Mình còn thi đua với nhau như tôi ngồi thiền được ba giờ, cô ngồi được bao lâu? Tôi thấy được năm ông Phật, còn bác thấy được bao nhiêu? Tôi chuyển được luân xa trong người tôi như vậy đó, còn bác chuyển được bao nhiêu luân xa rồi? Thành ra, tu hành nay biến thành một sự tranh đua. Tranh đua thì tâm đóng lại. Tâm đóng lại thì làm sao gọi là khai mở được. Cho nên, mình thường mắc vào trong cạm bẫy của bản ngã: mình so sánh với nhau, đố kỵ với nhau, mình ghen với nhau mà quên rằng thiền là sự chấm dứt của đố kỵ, ghen tuông. Khi mình không đóng tức là mở, khi mở tức là thiền. Do đó, nếu mở một lần thì chỉ thiền một lần thôi. Còn khai mở không ngừng thì tức là thiền. Như vậy, thiền là cách làm sao cho tâm mình không bị đóng lại. Nhiều khi không phải vì lý do tôn giáo mà là do bản năng con người, mình không muốn nói chuyện với ai cả, mình ngồi đó nhắm mắt lại để cõi lòng mở ra. Nhưng nhiều khi mình phải làm ngược lại, phải ra nói chuyện với người này, người nọ để tâm mình mở ra. Nói một cách khác, bản năng muốn khai mở là động lực sống của con người chớ không phải thiền là ngồi khoanh chân lại. Thiền là khả năng khai mở không ngừng. Một ông thiền sư ngồi im lặng thiền suốt 7 giờ. Ông ở trong một trạng thái rất nhập định thâm sâu nhẹ nhàng, lỗ tai ông thính vô cùng. Ông vừa mới xuất định và đứng lên thì sư phụ cho người xuống gọi, bảo ông ra đồng làm việc. Khi làm việc, ông thấy tất cả mọi việc xung quanh đều im lặng và ông cũng thanh tịnh vô cùng. Sư phụ bắt ông làm tới tối mịt mới thôi. Ông mệt vô cùng, nhưng với công phu thiền 7 giờ, ông vui vẻ, yên tịnh nhắm mắt nằm nghỉ. Nhưng ngủ chưa được bao lâu, mới 3, 4 giờ sáng, ông sư phụ lại bảo ông ra ngoài giặt quần áo sớm. Cứ vậy, sư phụ quần thảo ông luôn 10 ngày khiến ông không có giờ rảnh để nghỉ ngơi hay ngồi thiền được. Sau 10 ngày thì chân tay ông rã rời, ông mệt không thể tưởng tượng được. Trí não ông không thể duy trì được trạng thái như trước đó 10 ngày. Ông nằm xuống ngủ và nghĩ 3 giờ sáng sẽ dậy. Nhưng vừa nằm xuống là ông sư phụ gọi và bảo ông: “Mái ngói trên nóc nhà bị bể, con hãy lên đó thay giùm thầy”. “Bây giờ là 11:30 đêm rồi, thưa sư phụ”. Ông lên giọng gắt gỏng, khó chịu, vì thiếu ngủ và mệt. Thưa các bác, bao nhiêu công năng thiền định suốt 7 giờ biến đâu mất rồi. Sư phụ nói: “Không sao, con cứ lên thay đi”. Ông cũng leo lên thay nhưng trong miệng lầm bầm không vui. Khi ông trở xuống, sư phụ mỉm cười hỏi: “Sao, con có muốn ngồi thiền chút xíu không?” Ông đệ tử đáp: “Thưa thầy, bây giờ con chỉ muốn nằm xuống ngủ thôi, không muốn ngồi thiền gì cả”. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:53:14 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 02)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại
Và ông được phép đi ngủ. Sáng ra, ông sư phụ gọi đệ tử mình lên nói rằng: “Này con, cách thiền của con là khiến cho tâm tịnh xuống chớ không phải thiền để tâm con thấy được sự như thị của vạn sự”. Có nghĩa là ông đệ tử đã không theo lối thiền cho tâm khai mở nên khi đụng chuyện, khi mệt mỏi, không chịu nổi sự căng thẳng, bực bội của thân thể, thì bao nhiêu công phu, sự vắng lặng trong 7 giờ ngồi thiền ngày trước bây giờ không còn nữa. Đó là sự sai lầm về thiền của ông. Ông đã định nghĩa sai: thiền là ngồi cho yên tịnh. Thật sự thiền là sự không ngừng khai mở. Cũng như bầu trời lúc nào cũng bao la bát ngát, có mây bay nhiều hay ít không thành vấn đề, mình chỉ chú trọng tới bầu trời mênh mông thì lúc nào cũng cũng thấy nhẹ nhàng. Khi mình chú trọng vào bầu trời đủ rồi thì những đám mây cũng từ từ bớt đi. Thiền là sự không ngừng khai mở của mình. Đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Mình ngồi thiền nhiều thiệt, nhưng vừa xả thiền, bà vợ không pha ly cà phê cho mình đúng giờ, mình cảm thấy khó chịu rồi. Hoặc giả bà nấu cơm không ngon, pha trà hơi đậm, là mình giận rồi. Những việc đó khiến tâm mình đóng lại. Tuy thiền nhiều nhưng tâm mình vẫn đóng. Hoặc đôi khi điệu bộ mình ra vẻ cao siêu vô cùng, không dám cười, lúc nào cũng giữ thái độ trang nghiêm. Không phải vậy, thiền là lúc nào cũng vui vẻ như đức Di Lặc, lúc nào cũng tươi cười, nhẹ nhàng. Thiền là gì? Nếu nói thiền là sự không ngừng khai mở, thì đúng là tinh thần Bát Nhã. Thế nào là Bát Nhã? Là không ngừng siêu việt ra khỏi cặp đối tượng và chủ thể. Đối tượng và chủ thể lúc nào cũng hiện hữu để cột mình vào cặp âm dương đó. Cho nên Bát Nhã là cái trí không ngừng siêu thoát, thiền là không ngừng khai mở. Chữ khai mở và siêu thoát có ý nghĩa không khác nhau lắm. Có khai mở mới có siêu thoát. Khai mở chính là ra ngoài cái âm dương, cái đối tượng và chủ thể. Nếu bắt đầu hiểu định nghĩa của thiền là vậy thì mình có thể nói tới những phương thức thiền, những giai đoạn tập thiền. Nếu các bác suy nghĩ và đồng ý rằng thiền là sự không ngừng khai mở thì các bác sẽ thấy rằng mỗi lần mình có được sự nhẹ nhàng của tâm thức thì là thiền. Sáng dậy, mình ra ngoài, mở tay ra hít thở không khí, thấy bầu trời to rộng, cảm nhận được sự khai mở của bầu trời. Đó là một điểm thiền của mình. Rồi bây giờ, cầm ly trà lên uống với một tâm thái nhẹ nhàng, không một lay động, cho ngụm nước ấm vào cổ họng, đi xuống bụng. Mình theo hơi ấm đó để cảm nhận rằng cổ họng mình cũng mở rộng, trong người mình mở ra đón nhận sự ấm áp của nước trà mà không hề kháng cự lại. Tâm mở như vậy là thiền rồi. Thiền ngay trong lúc uống trà. Thành ra các bác biết đó, có vô số vô biên thời khắc trong ngày để các bác khai mở. Thiền như vậy sẽ có ý nghĩa vô cùng. Người nào cũng có thể thiền hằng ngày mà không cần phải ngồi khoanh chân lại thành hình bán già hay kiết già. Nếu ngồi như vậy thì, thưa các bác, một ngày mình chỉ thiền được tối đa một, hai tiếng là nhiều. Như vậy chẳng lẽ thời đại 21 này người ta không tu được sao? Không phải vậy, thiền ở mọi chỗ, mọi nơi. Có người định nghĩa thiền là làm sao khiến cho đầu óc đừng vọng tưởng. Muốn đầu óc đừng vọng tưởng thì cũng như mong cho bầu trời đừng có mây. Não bộ của mình lúc nào cũng sinh ra tư tưởng cả. Thật ra, làm sao mong bầu trời đừng có mây được; có mây mới có mưa, có nước. Trong “Cảnh Diệt Tận Định” nói rằng “Đúng là mình không nên có vọng tưởng”. Nhưng thực ra phải nên nói là mình thiền làm sao để không ngừng khai mở, để vọng tưởng không trở ngại trong bầu trời chân tâm của mình. Như vậy có lẽ đúng hơn. Đó là lý do mà sau này mình từ từ hiểu được, trong thời đại này, ở thế kỷ 21, thiền phải càng ngày càng dễ thực tập và tâm thức mình càng cao, thì mình càng phải tìm đủ mọi cách để khai mở. * Các giai đoạn khi ngồi thiền hay tu luyện thiền Ở đây mình nói tới các giai đoạn tu luyện chớ không phải tu hành. Tu luyện là giai đoạn thay đổi của não bộ, của con tim và của khí lực trong người mình. 1. Tự ngã khẳng định: Là mình khẳng định chủ thể này là ai? Là bản ngã của mình tu hay cái Phật tánh của mình tu? Nghiệp chướng của mình tu hay là cái gì tu? Tự ngã khẳng định nói như vầy: Vừa sáng dậy, bắt đầu ngồi thiền, mình ở trong một căn phòng, một khuôn viên. Tức là sự khởi đầu tiến trình tu luyện, câu đầu tiên mình nói, mình khẳng định ngay chân tâm của mình. Chân tâm không nhỏ hẹp, chân tâm không phải là một đám mây trong một bầu trời vô tận. Bầu trời đó không có thời gian và không gian. Đây là một dấu hiệu tu hành của thế kỷ 21, tức là mình phải nhận diện ra Phật tánh của mình ở ngay bước đầu tiên. Không phải Phật tánh là bước cuối cùng mình đạt được. Và cuối cùng của con đường tu thì mình trở lại bước đầu tiên đó, là Phật tánh ra ngoài không gian và thời gian, vô lượng, vô biên, vô tận. Khẳng định Phật tánh là thế nào? Khi đứng bên ngoài một căn nhà và nhìn vào, bác có thể nói: “Ồ, căn nhà rộng quá”. Đó là quan điểm của một người đứng từ bên ngoài cửa sổ nhìn vô. Nhưng người đứng bên trong cửa sổ, sẽ nói khác: “Tôi cảm thấy rộng ghê, cảm thấy thoải mái ghê”. Cũng như khi đứng ngoài, bác có thể nói: “Ồ, đó là Phật tánh”. Nhưng khi bác ở trong Phật tánh, Phật tánh đã khai mở trong bác, bác đã ở trong căn nhà Phật tánh nhìn ra, bác sẽ nói: “Ồ, tôi cảm thấy khai mở (I am open)”. Ở bên ngoài nhìn vào thì mình thấy Phật tánh, thấy một chữ; nhưng từ bên trong nhìn ra thì là một sự cảm nhận. Cảm nhận đó ở trên thân thể của mình, trên tâm thức của mình, trên da trên thịt. Cảm nhận đó rất mạnh mẽ vì mình ở trong cảm nhận đó thì mình sẽ thấy toàn diện; và trong cuộc hiện sinh của mình, mình cảm nhận từ trong tâm thức đó. Dấu hiệu Phật giáo của thế kỷ 21 khác với thế kỷ 12. Ở thế kỷ 12, mình đứng ngoài chỉ tay vào nói: “Đây là ‘Ưng vô sở trụ như sanh kỳ tâm’, đây là ‘sắc tức thị không, không tức thị sắc’, đây là cái chỗ ‘Bất khả tư nghị’”. Nhưng sự tu hành của Phật giáo thế kỷ 21 đặt ngược lại. Quan điểm này thực sự không phải là quan điểm của thế kỷ 21, mà đã bắt nguồn từ kinh Hoa Nghiêm; từ chỗ ngài Thiện Tài Đồng Tử trở đi, thay vì nói “sắc tức là không, không tức là sắc”, tức là mình diễn tả thì bây giờ mình đứng trong này nói “Ồ, tôi không khoáng, tôi thoáng”. Tôi đây là gì? Tôi đây không phải là bản ngã, mà là Phật tánh. Thay vì nói “Ồ, Phật tánh là không, Phật là không có chỗ nào dựa vào, Phật tánh là không có tư tưởng vọng tưởng”, thì mình nói ngay cảm nhận của Phật tánh là gì: là sự thông thoáng (I am open). Thưa bác, mình có một loạt những lời tự ngã để giúp các bác có thể ở ngay trong cảm nhận của Phật tánh mà nhìn ra. Do việc ở trong cảm nhận mà nhìn ra, sự tu hành của mình không những dễ dàng hơn mà bất kỳ nơi nào, chỗ nào, mình cũng có thể tu mà không gặp trở ngại. Đó là sự quan trọng nhất của câu “Tự ngã khẳng định”: tự mình không đứng từ cương vị của bản ngã ở ngoài nhìn vào, mà đứng ở cương vị Phật tánh từ bên trong nhìn ra. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:54:11 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 03)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Cho nên thí dụ đứng từ bên ngoài căn nhà nhìn vào và đứng từ bên trong căn nhà nhìn ra là một thí dụ nói rằng bản ngã đứng từ bên ngoài nhìn vào, còn sự nhận biết của chân tâm thì từ bên trong nhìn ra. Nếu bắt đầu nhận được như vậy rồi thì sự tu hành của mình càng ngày càng rõ ràng hơn. Từng bước mình đi là từng bước hạnh phúc, không phải chờ đi hết con đường rồi mới thấy hạnh phúc. Đó là tự ngã khẳng định đầu tiên và quan trọng nhứt. Khi tập thiền theo kinh Hoa Nghiêm của ngài Thiện Tài đồng tử, tức là cảm nhận từ bên trong ra, tức là mình nói “Tôi khai mở”. Có một loạt rất nhiều khẳng định. Hôm nay thầy chỉ giới thiệu tới các bác một khẳng định là “Tôi khai mở”. * Làm sao tập? Mỗi buổi sáng, mình lắng lòng, bước ra mở cửa sổ, nhìn bầu trời và cảm nhận sự khai mở của mình. Khi đối diện với một vật gì đó, mình có thể thấy tâm, mắt và óc mình đóng lại vì đối tượng mình nhìn. Thí dụ bác nhìn một món ăn rất ngon trước mặt, lòng ham muốn làm bác đóng lại, không còn thấy món ăn đó đẹp hay gì khác nữa, mà bây giờ bác đang muốn ăn cho mau, cho lẹ. Bây giờ đứng trước một bức tranh đẹp, nếu mình cảm nhận được vẻ đẹp của bức tranh tức là mình khai mở. Nhưng khi nhìn bức tranh đẹp, mình lại có ý nghĩ muốn mua. Ý tưởng muốn mua tranh đã đóng mất tâm trạng khai mở. Cũng vậy, nếu các bác đi ngang qua một căn nhà đẹp và ước mong mua được căn nhà đó. Sự tri nhận cái đẹp của căn nhà đã khai mở cõi lòng; khi cõi lòng khai mở thì bác thấy được chân thiện mỹ. Nhưng khi tư tưởng muốn chiếm hữu nổi lên thì tâm mình đóng lại, mình mất đi chân thiện mỹ. Trong khi thiền là sự không ngừng khai mở. * Không ngừng khai mở cái gì? Khai mở tâm mình. Nhưng khai mở tâm mình cũng chưa đủ mà phải nói là khai mở chân tâm. Chân tâm khai mở trên quan niệm bản ngã khai mở. Thí dụ đứng trước một bầu trời trong sáng, mênh mông vô tận, có những đám mây mù bay lãng đãng, thì sự chú ý vào bầu trời quan trọng hơn sự xua đuổi những đám mây. Mình muốn ngừng những đám mây, nhưng khó quá. Đám mây tượng trưng cho vọng tưởng, suy nghĩ lung tung của mình. Nếu nói đừng chú ý vào đám mây tức là chưa nói tới nhìn vào bầu trời. Nhìn vào bầu trời tức là nhìn vào chân tâm, nói đúng hơn là khai mở chân tâm. Có nhiều phương thức, nhưng việc đầu tiên là sự khẳng định, Ta, tức là tôi, là chân tâm. Đầu tiên mình nói lên sự khẳng định để cho mình có một hình ảnh: “Tôi khai mở, I am open”. Nhưng đây chỉ là giai đoạn thứ nhất, bắt đầu bằng lời nói, sự suy nghĩ. Mình nói rồi mình quán tưởng (visualization), hình dung mình là bầu trời vô tận. Đây chỉ là một sự hình dung, hoàn toàn giả, không thật. Nhưng trong ý thức học có nói “Đới chất cảnh”, trong cảnh ấy có một chút thật. Bầu trời vô tận đó không hoàn toàn giả mà nó tượng trưng cho tâm thức vô biên vô tận, ra khỏi không gian và thời gian, mình dùng cái quan niệm “tôi là bầu trời vô tận” hay đúng hơn “tôi khai mở”. Sau khi dùng một thời gian rồi thì nó bắt đầu ảnh hưởng tới thân xác của mình. Làm như thân xác mình bắt đầu cảm nhận sự khai mở đó, khiến đôi khi mình ngồi mà cảm thấy thân thể như tan biến mất. Nhưng chỉ chợt biến mất rồi lại chợt hiện hữu. Những thay đổi này thuộc về sắc ấm. Nhưng điều này không quan trọng bằng giai đoạn từ lúc mình bắt đầu cảm nhận cho tới giai đoạn thấy, nghe..v.và cuối cùng, qua được giai đoạn hai thì mình đi vào giai đoạn ba, là mình thực sự đi vào cảnh giới khai mở. Do đó bắt đầu bằng những lời khẳng định và sự quán tưởng. Kế đó là cảm nhận được thân xác, thấy, nghe, ngửi, nếm; và cuối cùng đi vào cảnh giới thực sự khai mở. Tất cả những giai đoạn này đều có sự tập luyện cả, nhưng đầu tiên là các bác nói “tôi khai mở” giống như tâm mình là một bầu trời vô tận. Điều này giúp mình nhiều lắm. Nếu có những người tới la lối hay làm mất lòng mình, ngày xưa thì tâm mình đóng lại, nhưng bây giờ mình thấy tâm mình nhẹ nhàng. Hay nhiều khi mình có một món đồ gì mà ngày xưa mình không cho ai mượn, nhưng bây giờ, vì nghĩ rằng mình là bầu trời vô tận, nên mình dễ dàng cho họ mượn hay cho luôn cũng được. Sự khai mở bắt đầu bằng những chuyện nho nhỏ: bố thí, cho ra; mình mở tâm cho thoáng, hoàn toàn nhẹ nhàng. Đó là giai đoạn đầu tiên của tu thiền, là sự khẳng định, bước đầu tiên đặt làm nền tảng để tiến tới. 2. Điều thân - thư giãn thân thể Thân thể thư giãn rất quan trọng. Nếu thân thể quá mệt mỏi thì làm cách gì cũng không mở mắt ra nổi, chỉ muốn nhắm lại để ngủ thôi. Nếu có chuyện gì buồn phiền, thân thể uể oải đứng lên không nổi, ngồi ủ rũ một chỗ. Thân thể đang bị căng thẳng sẽ trở nên lừ đừ, mà thân xác lừ đừ rất khó có khai ngộ, khai mở. Nhiều người khi ăn bột ngọt bị nổi mề đay, lưỡi khô, chảy nước mắt, người mệt mỏi. Lúc đó các bác có muốn khai mở cũng không nổi. Do đó, thân thể rất quan trọng. Khi các bác tập thiền, mình phải nhận ra rằng thân thể mình bị căng thẳng nhiều quá. Bây giờ làm sao trạng thái khai mở phải tương đương với sự khai mở, thư giãn (relaxation) của thân thể. Chữ khai mở dùng cho tâm, nhưng khi dùng cho thân thể thì gọi là thư giãn. Khi thân thể mình lúc nào cũng đầy những căng thẳng, bực tức thì bắp thịt lúc nào cũng co cứng, không giãn ra nhẹ nhàng. Hai vai cứng lại thành hai thanh sắt thay vì mềm mại, nhẹ nhàng; cổ quay qua không được; ngồi xuống rồi đứng lên là đau lưng. Có người nói với thầy, con đang đánh răng, cúi người xuống, rồi ngẩng lên không được vì phần dưới của lưng đã quá mỏi mệt. Nói một cách khác, thân thể tương ứng với tâm. Thân thể căng thẳng cực độ như vậy thì làm sao tâm mình có thể nhẹ nhàng được. Đó là lý do tại sao người tu thiền càng tu, tâm thức càng khai mở, thì họ càng vui, từ lời nói cho tới hành động, nụ cười càng lúc càng dễ chịu và nhẹ nhàng hơn, chớ không phải càng lúc càng nghiêm nghị, nghiêm trang, khó khăn đến độ những người xung quanh không muốn nói chuyện cùng. Họ sợ mình vì chưa bao giờ thấy mình cười cả. Họ thấy điệu bộ, cách ăn mặc, cử chỉ của mình giống như ăn trên ngồi trước khiến họ sợ. Sự khai mở của thân thể là sự thư giãn. Phương pháp: Thư giãn từ trên đầu trở xuống. Các bác chú ý trên đỉnh đầu, tự nói cho mình biết là “tôi thư giãn đỉnh đầu”, thả lỏng phần đỉnh đầu ra. Rồi mình nói tiếp “tôi đang thư giãn phần trán”, làm cho các bắp thịt nơi phần trán giãn ra; rồi thư giãn mắt, lông mày; thư giãn gò má, lỗ tai, môi, cằm, hàm dưới và lưỡi. Rồi xong tới cổ, vai, tay, ngón tay, ngực, bụng, sau lưng, hai bắp đùi, bắp chân và hai bàn chân…. Khi làm cho thân thể thư giãn như vậy, mình dùng lời nói trong đầu, chú ý tới chỗ muốn thư giãn rồi nói chỗ đó thư giãn thì bác thấy lạ lắm vì vùng da thịt đó sẽ nghe lời mình mà thư giãn theo. Sự thư giãn này có nhiều tầng, tầng đầu tiên là thư giãn bên ngoài (surface relaxation). Sự thư giãn bên ngoài này mình mới làm sơ sơ thôi, nhưng hiệu quả vô cùng vì sự căng thẳng trên thân mình sẽ giảm đi rất nhiều. Sau đó mình phải thực hành sự thư giãn ngũ tạng bên trong như tim, gan, tỳ, phế, thận, v.v.. Kế tiếp mình còn có sự thư giãn sâu hơn nữa là thư giãn nội khí trong người, khiến nội khí này chạy điều hòa, năng lượng của mình sẽ không chạy lung tung. Nói chung, khi tu thiền, các bác đừng nghĩ là tu tâm không thôi, phải nghĩ rằng tu tâm và thân. Tu tâm mà không tu thân là trật rồi. Bệnh hoạn sẽ ngăn cản không cho mình làm những việc mà mình muốn thực hiện. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:55:10 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 04)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại
Thí dụ, có một bác rất thích tu thiền, bác nói rằng tôi sẽ không ăn chay, tôi ăn mặn vì tôi thích ăn cua. Đây là một sở thích cá nhân. Nhưng sau khi tu thiền một thời gian rồi, bác ấy mới phát giác ra rằng càng tu thì càng đòi hỏi mình phải có một năng lực để mình có thể ngồi được lâu, để mình có thể khai mở. Càng ngồi lâu, càng khai mở, càng thư thái thì mới biết rằng nếu tâm thức, thân thể mình khai mở, thì những tham muốn tự nhiên đóng lại. Mỗi lần ngồi thiền mà mình cứ tham muốn ăn cua thì tâm sẽ bị kẹt, cứ ngồi nghĩ tới chuyện ăn đó, tâm sẽ không mở ra được; và thân thể khi có tư tưởng đó thì tự nhiên đau chân. Bác mới biết vì sự không thư giãn của thân mà không ngồi thiền lâu được, cứ nghĩ đến cua thì chân đau, mà chân đau thì không thiền được. Cuối cùng bác quyết định không ăn cua nữa. Khi bác ngừng không ăn cua nữa thì chuyện gì xảy ra? Bác ngồi đó mà không còn tư tưởng tới cuối tuần hay giữa tuần sẽ đi ăn cua; và bác khám phá ra là khi không còn tư tưởng tham đắm thì ngồi thiền tâm sẽ mở, chân cũng bớt đau nhiều, từ 100% nay còn chừng 3%, nhẹ vô cùng. Té ra là bác thả lỏng thân thể. Thân và tâm đi với nhau, những đau đớn của tâm phản ảnh lên thân, và những đau đớn của thân phản ảnh lên tâm; hai bên ảnh hưởng lẫn nhau. Càng tu mình càng thấy thân và tâm ảnh hưởng lẫn nhau cực kỳ sâu sắc. Càng muốn tâm khai mở thì thân phải càng phải được thư giãn. Cho nên, định luật quan trọng khi bắt đầu ngồi thiền là phải ngồi sao cho thật thư giãn. Khi thư giãn, từ từ mình sẽ tới trạng thái bất động. Khi nói tới trạng thái bất động, thì xin các bác nhớ cho rằng khi ngồi thiền mình không được động đậy. Gần đây có nhiều người nói với thầy rằng: “Thưa thầy, con ngồi thiền đạt tới trạng thái cao rồi. Thân thể con dao dộng, lắc qua lắc lại, giống như con đang ở trên một cõi cực lạc hay cảnh trời nào đó. Vậy là con tu cao hay tu thấp?” Câu trả lời là không phải là bác tu cao hay thấp mà là bác tu trật rồi. Thiền là càng ngày càng bất động chớ sao lại càng ngày càng dao động, chao qua chao về. Đây là hiện trạng đầu tiên trong kinh Lăng Nghiêm gọi là “phi tinh phú nhân”, tức là ma quỷ sẽ phóng một năng lượng để phú vô người mình, khiến mình không thể nào yên được. Trạng thái bất động, thư giãn là trạng thái của tâm khai mở, trạng thái chân chính tu hành; còn trạng thái ma quỷ thì lúc nào cũng dao động. Nhiều khi mình không nghiên cứu nên không biết nếu bác kêu được một con quỷ ngồi yên trong năm phút thôi thì đó là một chuyện lạ thường vô cùng, vì con quỷ không thể ngồi yên được dù chỉ trong một phút giây thôi. Do đó, khi năng lượng tà, gọi là phi tinh, vô người mình thì mình chao động vô cùng. Sự dao động nếu chỉ là lắc qua lắc về, là nhẹ, thì có thể trị được. Nếu sự dao động đó vô được những vùng luân xa thì những trung tâm năng lượng này sẽ chao động nhiều lắm. Nói theo người Yoga thì thay vì quay thuận chiều, các luân xa sẽ quay nghịch chiều, quay lung tung, khiến người mình càng ngày càng lạnh không ấm áp. Sự giao động này có thể ở trong can, trong tạng của mình khiến mình ngày càng bệnh hoạn và đi tới chỗ tẩu hỏa nhập ma. Thư giãn và ngồi bất động chính là chìa khóa để biết là chính hay tà. Trong đời này chuyện tà nhiều vô cùng. Chuyện ngồi giao động, lắc qua lắc về, nghiến răng, hò hét bị nhiều người hiểu lầm cho rằng đó là những trạng thái cao siêu. Cao tới độ sắp sửa tẩu hỏa nhập ma. Do đó trạng thái thư giãn thân thể đưa tới trạng thái tĩnh lặng, nhẹ nhàng, không có một căng thẳng nào, là một tiền đề quan trọng của việc ngồi thiền. Nó không phải là việc sống thiền mà là ngồi thiền, cho mình có một sự dễ dàng đi tới tâm khai mở. 3. Điều tức - thư giãn hơi thở Sau khi thân thể đã thư giãn, mình làm gì để tiến sâu hơn nữa? Bước kế tiếp là mình cần làm cho hơi thở của mình cũng được thư giãn. Thế nào là hơi thở thư giãn? Đó là hơi thở thiệt chậm, thiệt nhẹ. Phổi làm việc rất ít mà mình vẫn có thể sống được. Hơi thở đi rất sâu trong các tế bào mà không bị một ngăn trở nào. Đây là một công phu. Ngày xưa, ngài Trí Giả đại sư gọi là điều tức, điều hòa hơi thở của mình. Bây giờ mình gọi là Breathing relaxation. Hơi thở càng lúc càng chậm lại, nhẹ lại, còn chút chút thôi, khiến cho não bộ mình làm việc. Đây là một bước quan trọng cho những người ngồi thiền. Khi ngồi thiền mà các bác thở phì phò như thở bò, thì sẽ mau mệt, rồi có trăm ngàn tư tưởng nổi lên. Té ra khi bác thở chậm và nhẹ thì mức độ oxygen trong máu sẽ bớt lại, não cũng bớt oxygen, như vậy tiến trình sống của mình sẽ chậm lại; đồng thời vì lượng oxygen lên não ít đi, nên não bộ sẽ phải quyết định để vùng nào hoạt động, vùng nào đóng lại, vùng nào bớt hoạt động và vùng nào phải hoạt động nhiều hơn. Cũng như nếu một tháng bác chỉ có 200 đô la thôi thì bác phải quyết định việc nào quan trọng cần tới tiền, như mua gạo cơm, việc nào có thể để chậm lại, hoặc không cần tới. Với 200 đô la mà bác muốn đi Fashion Island một ngày ba lần thì khó có thể xẩy ra được. Do đó, não bộ trở rất rất hữu hiệu. Não bộ sử dụng số năng lượng ít ỏi vào chuyện gì? Giữ cho con người mình sống còn. Số năng lượng còn lại, não bộ sẽ tập trung vào chuyện mà mình đang làm. Khi não tập trung như vậy thì sẽ thư giãn vô cùng, sẽ không còn đầy những tư tưởng loạn xạ. Não bộ sẽ cảm giác là có đầy đủ năng lượng, đầy đủ sức sống hơn, thay vì loạn xạ vì đủ thứ tư tưởng trong đầu, trăm ngàn thứ. Bây giờ não bộ chỉ còn nghĩ vài ba chuyện thôi. Sự tập trung đó là điều phước lành cho não bộ của mình. Do đó, nếu các bác thư giãn thân thể rồi mà không thư giãn hơi thở, thì não bộ chưa nhận được một ảnh hưởng mạnh mẽ nào. Cho nên, khi các bác ngồi yên rồi thì nên hít thở thiệt chậm, thiệt chậm. Có người hỏi: “Thưa thầy, con đếm từ một tới mười được không?” Bác đếm từ một tới mười không hiệu quả bằng trong một phút bác thở chừng mười hơi hay năm hơi thôi, như vậy hiệu quả hơn. Trong một phút mà bác thở như vậy thì não bộ sẽ chậm lại và tinh tế hơn. Còn nếu bác cứ đếm hơi thở từ một tới mười, rồi đếm trở lại thì mình không biết là mười hơi thở đó tốn bao nhiêu thời gian, mau hay chậm. Nếu mà mau thì não bộ chưa được điều hòa, chưa nhẹ nhàng, chưa tĩnh lặng được. Mình cần cho não bớt căng thẳng, bớt đi những tư tưởng hỗn loạn, không cần thiết. Cho nên hơi thở cần được thư giãn, chậm lại. Điều này quan trọng vô cùng. Khi hơi thở chậm lại thì cuộc sống của bác cũng thay đổi. Vì sao? Thở là sự sống, sống tức là thở. Nếu bác không tin chuyện này cứ thử ngồi xuống nín thở trong 10 phút xem, bác thấy mình sẽ như thế nào. Nhưng nói vậy thôi chớ các bác đừng làm nhé. Các bác mà làm thì nguy to. Và sự thật là mỗi người mình đều biết thở thật chậm thì không những não bộ sẽ tốt mà mình cũng bớt căng thẳng. Do đó chuyện ngồi cho thân thể thư giãn ra, tâm khai mở nhưng đồng thời hơi thở cũng phải chậm, hết sức thư giãn, thì thân thể mới giảm bớt căng thẳng. Do đó mình thấy tâm khai mở thì thân thư giãn, đi chung với hơi thở chậm rãi và nhẹ nhàng. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:56:07 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 06)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Em này nghe nói vậy liền bằng lòng, vì chuyện này cũng dễ. Nhưng ông sư phụ lại nói: “Khi con viết, tay cầm bút không được tỳ lên bàn, tức là phải “huyền không đả tự”, viết mà tay ở trên không trung”. Em này nghe vậy lấy làm thích thú. Mỗi ngày em ngồi xếp bằng lấy bút ra, viết câu: Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã Ba La Mật. Mỗi ngày em viết được một hai chữ, thấy chữ nào không đẹp, em bỏ đi, viết lại, rồi đưa lên trình thầy. Ông sư phụ xem rồi lắc đầu cho biết chữ viết chưa đẹp, cần viết lại cho thẳng và sắc bén. Ngày nào em cũng đưa lên một hai chữ và ngày nào ông sư phụ cũng lắc đầu chê chưa đẹp và em viết lại nữa. Dần dần em khám phá ra rằng chữ viết nhòe nhạt, không thẳng hàng, sắc bén vì tay không được tỳ vào bàn. Cứ như vậy trong vài tháng mà không có tiến bộ gì. Một ngày nọ, ông sư phụ mới bảo em hãy ngồi đây viết cho ông xem, ông sẽ chỉ chỗ sai của em. Em lấy giấy bút ra ngồi xuống bắt đầu viết. Ông sư phụ nói: “Đây là điều con cần chú ý. Khi viết, con chỉ muốn viết cho xong chữ đó. Nhưng ta muốn rằng khi con viết nét nào thì tâm con trụ vào nét đó.” Em bé nghe xong thoát nhiên đại ngộ: “Ồ, như vậy sao.” Trong vòng hai tuần lễ em không viết 5, 6, 7, 10 hay 15 chữ mà em chỉ viết một hai chữ thôi. Nhưng khi viết chữ nào thì tâm em trụ vào từng nét của chữ ấy. Em đi từng nét, viết nét nào trụ vào nét ấy, không để ý tới việc làm sao chấm dứt nét này. Từ từ an trụ vào từng nét như vậy. Nhờ vậy em mới khám phá ra rằng việc mà em chú ý tới không phải là cùi chỏ tay mà là cái đầu của ngọn bút. Em không ngờ đã bỏ hết sức mạnh tâm linh của em vào đầu ngọn bút. Bây giờ em mới khám phá ra rằng, mỗi nét mình có thể ngừng trụ lâu hơn một chút. Cuối cùng, khoảng ba tháng sau, em không viết xong chữ nào cả. Nhưng khi em cầm cây bút lên viết chữ, từng nét, từng gạch, người nào trông thấy cũng cảm nhận được cả một sức mạnh tâm linh ở trong nét chữ ấy. Ông thầy lúc đó mới gọi em lên hỏi: “Cả mấy tháng nay thầy không thấy con đưa lên một chữ nào cả.” Em bèn trả lời: “Thưa thầy, con hiểu thầy muốn rèn luyện định lực của con. Con không cần phải viết nguyên bài, mà tập làm sao dừng trụ trong nét bút của con.” Em liền ngồi xuống lấy giấy bút ra viết, từng nét, từng chữ, Lúc này tâm em không còn náo loạn, chạy lung tung. Khi viết một nét, em không nghĩ nét đó sẽ ngừng như thế nào. Em cũng không để ý đến chuyện viết xong rồi thử coi lại xem có đẹp hay không. Em không ngừng trụ ở chỗ nét chữ này dài quá hay ngắn quá mà em chỉ an trụ tâm mình trong nét chữ thôi. Câu chuyện hơi dài dòng, nhưng rất có ý nghĩa. Đôi khi chúng ta nhìn và muốn có cái đẹp bên ngoài, nhưng định lực lại là một phương pháp hoàn toàn ở bên trong. Đức Phật có nói trong kinh Di Giáo, kinh để lại cho đời sau: “Chế tâm nhất xứ, ngô sự bất biện.”Khi mình có thể giữ tâm ở một chỗ thì không có chuyện gì có thể không làm xong trong vũ trụ này. Em bé này học viết, từ viết cho xong, viết cho đẹp, tới chỗ viết cho rồng bay phượng múa, cho lưu loát: em chỉ dừng trụ tâm trong thời điểm ngay bây giờ, mà không cần nghĩ tới chữ viết sẽ xong, xấu hay đẹp. Kết quả là mỗi chữ em viết ra đẹp vô cùng, có sức mạnh vô cùng. Đây là câu chuyện một vị thiền sư huấn luyện một em bé 13 tuổi làm sao tập trung. Trong câu chuyện này, đối tượng tập trung là chữ viết, cái kính lúp hay phương tiện là môn viết. Đối tượng này nằm ngay chỗ đầu ngọn bút khiến cho mình nhớ rằng, trong cuộc sống, sự dừng trụ của tâm mình quan trọng vô cùng. Cả nghệ thuật ở đây là sự phát huy những điểm hay của nội tại, tâm linh. Do đó, Chỉ là phương pháp đầu tiên khiến mình ngưng trụ lại. Bây giờ có một câu chuyện khác. Các bác có biết rằng cái tháp nước đầy và nhiều nước vô cùng. Bác hãy tưởng tượng nếu đục một lỗ nhỏ ngay cái tháp thì nước sẽ chảy mạnh cỡ nào. Cũng vậy khi tâm thức của mình dồn hết năng lực của mình vào một điểm thôi, thì tâm thức lúc đó sẽ có một sức mạnh thác đổ. Sức mạnh đó dùng để chuyển hóa nghiệp, khiến nước trong tháp đựng nước đó chảy ra, khiến tâm thức lưu loát của Phật tuôn ra, lúc đó nó sẽ cuốn đi những nghiệp chướng, quét sạch những bụi bặm của trần lao. Do đó phương pháp tập trung năng lực của tâm linh để giải nghiệp là một trong những phương pháp cổ truyền nhất trong đạo Phật. Tâm mình càng tán loạn bao nhiêu thì mình càng chiêu cảm nghiệp chướng nhiều bấy nhiêu. Nếu tâm mình càng lúc càng thanh tịnh, có nghĩa là càng lúc càng kiên trú, thì nghiệp chướng mình chiêu cảm càng lúc càng bớt đi; những phước đức, linh tánh của mình sẽ càng ngày càng mở ra. Thầy xin khuyên các bác, mỗi ngày mình nên im lặng, nên có một chỗ để hướng tâm vào, để chiêu cảm những điều tốt. Mình không nên để cho tâm mình tán loạn vào những hoạt động của vùng tâm thức luân xa số 1, 2 và số 3. Tức là trong vùng tâm thức của ba chữ: dục vọng, tham vọng và chấp vọng. - Dục vọng là những thứ khiến mình không ngừng muốn tốt, muốn thêm. - Tham vọng là những mong cầu của bản ngã, cái đạt tới. - Chấp vọng là những kiến giải sai lầm, chồng chất lên nhau. Khi mình không để cho chúng quay mình, điều khiển hay nắm giữ mình, mình sẽ ở trong một cảnh giới tự tại, giải thoát hơn. b. Quán Thường khi nói tới quán, người ta nghĩ tới việc mình ngồi tưởng tượng ra một chuyện gì đó, hay nhìn vào một chuyện gì đó, v.v.. Chữ quán này đã tạo ra một sự hiểu lầm lớn. Quán nghĩa là sự cảm nhận chủ thể, là cái bản ngã này. Khi ngồi thiền, lúc nào mình cũng có một chủ thể, đối tượng. Chủ thể là mình hay cái bản ngã bên trong. Đối tượng là một điểm hoặc bên ngoài, hoặc trong tâm, trong thân. Thí dụ mình niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật... thì tiếng niệm trong đầu mình là đối tượng, sự cảm nhận, tri nhận đối tượng đó gọi là bản thể hay chủ thể. Chủ thể và đối tượng là một cặp không thể tách rời ra được. Khi tu thiền, nếu mình chỉ có một đối tượng và chuyên chú vào đối tượng đó, thì sự chuyên chú sẽ từ từ càng ngày càng cao, càng sâu. Đó là phương pháp Chỉ. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:56:51 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 07)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Bây giờ, nếu mình niệm Nam Mô A Di Đà Phật một cách tập trung chuyên chú thì sẽ có một trạng thái đặc biệt, không phải là chú ý, mà là trạng thái cảnh thức. Trạng thái tỉnh giác hay cảnh thức này là một trạng thái rất đặc biệt mà ngày xưa các vị thiền sư, cổ nhân đã diễn tả qua thí dụ mèo rình bắt chuột. Một con mèo đang rình con chuột, chuột chạy vô hang của nó. Con mèo ở ngoài nhìn chăm chú vào hang chuột, mắt lim dim, bốn chân ở trong trạng thái sẵn sàng bung ra, phóng tới vồ lấy con chuột. Con mèo tập trung hết thần trí của nó vào hang chuột đó. Khi chuyên chú như vậy nó có một trạng thái tỉnh thức. Trạng thái này quan trọng tới độ nếu các bác đi ngang qua hay tới gần chỗ đó, con mèo sẽ vểnh tai lắng nghe nhưng không chú ý tới bác; nó vẫn nhận biết những chuyện xung quanh nhưng không chú ý tới, vì nó đang dồn hết tâm thức vào hang chuột. Nói một cách khác, có một sự cảm nhận trong tâm mình, cũng như con mèo có một sự cảm nhận bên trong, nội tại. Cảnh giới nội tại này gọi là chủ thể. Thí dụ bác đang trì chú Đại Bi, lúc đầu bác trì tụng vậy thôi, chưa tập trung. Nhưng khi bác tập trung được rồi, cứ để cho dòng chú tuôn chảy trong đầu một cách tự nhiên thì mình phát khởi lên một sự tri nhận, tri nhận về một khoảng không gian trong tâm mình. Mình cảm thấy là lạ, cảm thấy câu chú như chạy trong khoảng không gian mà mình có thể sờ mó, nhận diện ra được. Không gian đó được gọi là từ trường, chủ thể của mình, hay bản ngã của mình. Thành ra Quán nghĩa là phát khởi sự tri nhận trở lại bản thể hay là tri nhận lại chủ thể của mình. Chỉ là một phương pháp dễ, chỉ cần tập trung vào một chỗ, vào một đối tượng. Nhưng ít người biết đến Quán, là mình không phải tập trung mà phải nhận tri chủ thể của mình. Vì vậy nó khó hơn và vì vậy nhiều người đã hiểu lầm, cứ nghĩ rằng quán là hình dung ra, tưởng tượng ra, mà không biết rằng Quán là khả năng nhận tri lại chủ thể. Thầy xin kể các bác nghe một câu chuyện. Anh Ba nọ ra chợ thấy có bán một cái ly trà đời nhà Minh rất đẹp. Anh muốn mua nhưng không có tiền, nên mới nghĩ: “Thôi mình cuỗm cái ly đó.” Anh nhìn xung quanh, không thấy có ai để ý cả. Anh chuyên chú vào cái ly đó, đi vòng vòng một hồi và nhận diện ra rằng không ai chú ý đến anh. Anh từ từ tới gần cái ly và sự chuyên chú của anh vào cái ly lớn vô cùng. Cái ly trà đời nhà Minh này nếu đem bán cũng phải tới vài trăm ngàn, vì là từ đời nhà Minh, xưa hơn đời nhà Tống hay nhà Đường. Khi chuyên chú như vậy, anh bỗng thấy một chuyện lạ là trong óc anh dường như mọc ra thêm 18 con mắt, vì anh cảm nhận được những người xung quanh anh. Anh có cảm giác là ai nhìn anh, anh biết ngay. Anh từ từ giơ bàn tay đẹp của anh ra cầm lấy cái ly, từ từ bỏ vào túi và từ từ quay lưng đi. Chuyện gì đã xẩy ra trong đầu óc anh? Mức độ nhận tri của anh lên cao vô cùng, bất kỳ người nào nhìn hay không nhìn anh, anh đều cảm nhận được. Tâm anh trở nên rất rõ ràng, thức tỉnh một cách kinh hồn và anh nghe cả nhịp tim đang đập trong anh, anh nghe hết mọi chuyện trong lúc từ từ đi ra cửa. 18 con mắt của anh nhìn hết 18 phương, nhận biết tất cả, nhưng trong đầu óc anh không xẩy ra một tư tưởng nào cả. Anh nhận diện tất cả, kể cả cảm nhận của anh, sự sợ hãi. Anh bước ra, lập tức nhẩy ngay lên một chiếc taxi, phóng chạy, thoát nạn. Sau này thế nào, thầy không biết. Nhưng lúc anh đang ở trong trạng thái đó, có phải anh đang tu chỉ quán phải không? Không, tâm thức thì là cùng một loại, nhưng động cơ hơi sai lầm. Tức là tâm thức này cũng chuyên chú và cảm nhận được; nhưng anh không cảm nhận được bản ngã mà chỉ cảm nhận được không gian trong tâm, trong đầu của anh và xung quanh anh. Sự cảm nhận này không phải là sự chuyên chú mà là một sự tỉnh thức. Cảnh giác hay tỉnh thức rất cao đó thường đi với sự chuyên chú. Thường thường mình cho rằng vọng tưởng là vọng tưởng mà không biết rằng vọng tưởng có nhiều tầng, nhiều loại. Sự cảnh thức này không phải là một loại vọng tưởng vì không có tư tưởng xảy ra. Đó là những năng khiếu quan trọng trong việc tu thiền. Bây giờ thầy kể một câu chuyện khác. Có một em vô tình làm bể một cái ly, không phải là cái ly đời nhà Minh hay nhà Đường, mà là một cái ly người mẹ đã mua ở Disneyland. Em đã đánh bể cái ly kỷ niệm đó. Sau khi làm bể, em đã hốt những mảnh vỡ bỏ vào thùng rác và không dám nói với ai, vì em biết trưa nay mẹ em về ăn trưa sẽ lấy cái ly đó ra uống nước. Trưa đến, em cũng ngồi ăn cùng gia đình, nhưng trong tâm sinh khởi lên một sự lo lắng. Em ngồi đó, không bần thần nhưng lo lắng và em chờ người mẹ nhờ lấy cái ly hoặc xem bà mẹ có lấy cái ly đó ra không? Trong sự sợ hãi chờ đợi, em cũng phát sinh ra sự nhận tri: tim đập mạnh, sự lo lắng lo âu trong tâm. Đây không phải là sự nhận tri trong thiền định. Nhận tri trong thiền định không có sự sợ hãi. Sự nhận tri bình thường của mình đầy những cảm xúc, sợ hãi, ghen tuông, đố kỵ. Thí dụ một cô nọ biết có người đàn bà hay đến nói chuyện với chồng mình. Tự nhiên cô cũng mọc ra 18 con mắt trong đầu. Người đàn bà kia mà tới thì cô này lập tức sẽ cảm thấy khó chịu. Dù đứng bên này làm việc, nhưng vì có thêm 18 con mắt, nên khi người đàn bà kia tới gần chồng mình một chút xíu thôi là cô biết ngay. Một cảm nhận độc đáo vô cùng. Nếu người đàn bà kia nói một câu gì xa xôi, cô cũng cảm nhận ra ngay có chuyện gì đó xảy ra. Đây có phải là Quán hay thiền định không? Không, nhưng đó vẫn là một sự nhận tri không có vọng tưởng. Sự nhận tri cho thấy mình có nhiều tâm thái vô cùng. Tâm thái nhận tri là một trong những tâm thái quan trọng nhứt. Khi sự nhận tri cho thấy hình tướng của bản ngã thì gọi là Quán. Nếu sự nhận tri này chỉ là sự nhận tri không gian bên ngoài, người đố kỵ với mình, người muốn cua ông chồng mình, con mèo đang nằm đó chờ đợi, thì không phải là Quán. Sự nhận tri của Quán là nhận tri được chủ thể của bản ngã mình. Một thí dụ khác: Khi mình sắp làm một lỗi lầm gì, tim mình lắng đọng, đập mạnh vô cùng và mình cảm nhận ngược lại cái tôi, cái bản ngã sắp làm sai. Tim mình đập mạnh, trong người khó chịu, thân thể run rẩy vì thân mình không đồng ý. Trong sự không đồng ý đó, tâm nhận tri ra được cái bản ngã, chủ thể. Sự nhận tri của bản ngã này tới một cách tự nhiên. Nhưng nếu rèn luyện nó tức là các bác tu Quán. Đạo Phật có một pháp thiền rất hay, gọi là Tham Thoại Đầu. Thoại là lời nói, thoại đầu là lời nói khi chưa tuôn ra. Bởi vậy, ông thiền sư lắng nghe lời nói khi chưa phát ra và ông cảm nhận tất cả cảm xúc của bản ngã ở đó. Thí dụ một câu tham thoại đầu như “Ai là người niệm Phật”? - Chủ thể. Mình hãy dồn hết tâm thức của chủ thể vào bản ngã. Dồn tâm thức như vậy không phải là sự chú ý mà làm sao mình cảm nhận được chủ thể của bản ngã trước khi lời nói phát sinh. Đây là một điều khó hiểu, nhưng vì mình đang nói về thiền, nên nói những điều hơi khó hiểu một chút. Tại sao khi tu thiền, người ta biết “Chỉ” mà không biết tới “Quán”? Quán là nhận diện ra bản ngã. Bây giờ mình sẽ đi qua những thí dụ từ nhỏ nhất, dễ nhất tới những thí dụ phức tạp, khó hiểu. Dễ nhứt là sự cảm nhận của con mèo, nó cảm nhận được không gian chung quanh hang chuột. Rồi khi mình đi ăn cắp đồ vật, cảm nhận được sự sợ hãi trong tâm, là một sự thức tỉnh hay sự cảnh giác. Mình nói tới sự cảm nhận được bản ngã của mình bên trong. Sự cảm nhận chủ thể bản ngã này là một khả năng rất cao của phương pháp Quán. Thường thường kết quả tu tập Quán là tâm thái “self awareness”, tự tri hay tự giác. Tự tri là biết về cái ngã; tự giác là nhận diện ra cái ngã. Phương pháp Quán khiến mình giác ngộ được. Phương pháp Chỉ khiến bao nhiêu vọng tưởng của mình bị cắt đứt, gián đoạn. Thành ra cả hai phương pháp Chỉ và Quán này cần phải được thực hành nên được gọi là “Chỉ Quán song tu”. Những phương pháp song tu này mình gọi là những phương pháp từ từ vì nó có thể phát triển nhân cách để hỗ trợ cho việc tu thiền. Nói một cách khác, nếu mình tu luyện thiền mà nhân cách của mình đầy những chuyện của bản ngã, đầy những chuyện của người đời, trần tục phàm phu, đầy những tạp tính xấu, thì khi tu thiền, mình khó có một sự hỗ trợ, một sự tương ưng. Cho nên bất cứ sự tu thiền nào cũng qua năm giai đoạn chính quan trọng. Đây là năm giai đoạn phát triển của tâm thức: Giai đoạn đầu tiên là sự hỗn loạn (confused state), tâm thức cực kỳ hỗn loạn với tâm thái ham muốn, giận dữ. Từ từ mình tu thiền tới giai đoạn thứ hai, gọi là giai đoạn bình quân (balanced). Sau giai đoạn này thì tới giai đoạn phát triển sự quân bình của mình với người khác, tức là giai đoạn Hài Hòa (Harmony). Sự tu thiền cũng dẫn mình tới giai đoạn này chớ không phải chỉ thấy trong cuộc sống mà thôi. Giai đoạn bốn là Hợp Nhất hay giai đoạn nhất nguyên. Những đối tượng đúng sai, tốt xấu, tất cả đều hòa lại trong một tâm thức duy nhất được gọi là tâm thức nhất nguyên (Unity). Sau đó mình vẫn tiếp tục đi cho tới khi nào không thấy Bồ Đề Niết Bàn và sanh tử phiền não là hai nữa. Bồ Đề tức là phiền não, phiền não tức là bồ đề; Niết Bàn là sanh tử, sanh tử là Niết Bàn. Khi thấy được như vậy thì gọi là Bất Nhị (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:57:48 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 08)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Năm giai đoạn của tâm thức mà mình sẽ trải qua trong lúc tu thiền cũng như trong lúc sống là năm giai đoạn có tên như sau: (1) Hỗn loạn hay Confused state (2) Bình thần hay Balanced (3) Hài hòa hay Harmony (4) Hợp nhất, nhất nguyên hay Unity (5) Bất nhị hay None-duality Năm giai đoạn này chỉ có thể đạt được khi mình luyện tâm. Nếu mình biết chỗ bắt đầu luyện tâm thì mình sẽ rất thành công. Bắt đầu luyện tâm có phải là bắt đầu luyện Chỉ và Quán không? Thưa không. Bắt đầu luyện tâm là mình làm sao cho tâm nhẹ, buông đi những gánh nặng. Sự buông bỏ gánh nặng của nội tâm là con đường điều tâm số một. Sau khi buông bỏ những chuyện chấp trước bên ngoài để tâm mình được nhẹ nhàng, mình mới đi tới giai đoạn tu luyện Chỉ và Quán. Sau khi đã tu luyện được Chỉ và Quán, mình sẽ tới một giai đoạn quan trọng hơn nữa của tâm thức, được gọi là đạt tới sự hài hòa mà thống nhất. Cuối cùng thì tới giai đoạn bất nhị. Thưa các bác, tiến trình điều tâm hay tiến trình nuôi dưỡng để phát triển cái tâm này là một nghệ thuật rất cao. Tu thiền cần có những phương pháp quan trọng và chính xác. Mình chớ nên nghĩ rằng thiền là một việc ghê gớm, có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma; trái lại thiền là một phương pháp rất có lớp lang, thứ tự và mình cần có sự hướng dẫn. Đồng thời cũng nên bỏ ý nghĩ và sự ham muốn là mình sẽ giác ngộ và hơn người khác, phải là người đi cứu người khác. Những động cơ này khiến con đường thiền của mình không còn chính xác nữa, vì đã đem tâm thức phàm phu, thế tục vào con đường tâm linh, và hiểu lầm rằng tâm linh cũng là con đường thế tục, cũng phải tranh giành, bon chen, phải đứng hạng nhứt, phải giỏi, phải ngồi cho cao. Không phải vậy. Thiền là một phương cách hoàn toàn nhẹ nhàng vì là sự khai mở của tâm, một sự phát huy ánh sáng của từ tâm chớ không phải là một phương pháp khiến mình tranh được chức vụ gì và giác ngộ tới cỡ nào. Đó là về khía cạnh luyện tâm. Tóm lại những giai đoạn ngồi thiền trên đây - không phải giai đoạn sống thiền, mà chỉ là giai đoạn ngồi thiền thôi - cũng có chi tiết, kỹ thuật lắm. Hy vọng mình sẽ bắt đầu phát tâm, học thiền, để phát huy mức độ chuyên chú cũng như là phát huy mức độ khai mở tự giác (self-awareness) nội tâm. 5. Cảm kích - Appreciation Chữ Appreciation người Mỹ hay người ngoại quốc dùng thường xuyên lắm, cũng như chữ Thank you, Merci, Merci beaucoup. Gần đây cho nhiều người cho biết rằng: “Thưa thầy, có những chỗ mình làm việc với họ thật lâu mà họ không thèm nói một tiếng OK hay Thank you. Nhưng sang đất Mỹ thì thấy rằng khi mình làm việc gì cho ai, họ đều nói Thank You cả.” Có nhiều nền văn hóa, người ta không nói ra tiếng cám ơn bằng miệng mà chỉ nói bằng tấm lòng, sự cảm kích biểu lộ bằng tấm lòng. Cũng có nền văn hóa cho rằng không cần phải nói ra làm chi, nó đã sẵn như vậy rồi. Thí dụ người con cầm bình trà rót nước cho cha mẹ. Cha mẹ sẽ không nói tiếng cám ơn con vì nghĩ rằng đây là chuyện bình thường. Còn người Mỹ hay người ngoại quốc, các bác thấy, con cái pha trà cho cha mẹ, cha mẹ cũng nói “cám ơn”, nhiều khi họ còn nói “please” (xin làm ơn). Nhưng trong văn hóa Việt Nam mình không nói “cám ơn”, cũng ít khi nói “Xin làm ơn”. Ta không thể nói là văn hóa này sai hay đúng mà chỉ là tập quán của mỗi nền văn hóa mà thôi. Sự cảm kích ở đây ra ngoài vấn đề xã giao mà chú ý đến cái tâm. Sự cảm kích này tiềm tàng trong mỗi nền văn hóa, dù sự thể hiện của mỗi nền văn hóa có khác nhau: có văn hóa thể hiện bằng lời nói rõ ràng, có văn hóa không biểu hiện bằng lời nói mà chỉ để trong lòng mà thôi. Còn những văn hóa khác thì biểu hiện bằng hành động, cử chỉ, qua cái gật đầu, v.v.. Văn hóa cảm kích trong Phật giáo như thế nào? Trong Phật giáo, văn hóa cảm kích là một văn hóa rất quý báu. Đức Phật dạy rằng: “Nếu cảm kích ân đức của người tốt với mình, mình sẽ học được cái ân đức đó và trở thành người đó”. Đức Phật thường dùng chữ “làm công đức”: làm công là làm cho người ta, làm đức là làm đức của mình được sáng tỏ lên. Khi mình làm việc gì mà không nghĩ đến lợi cho mình thì là công. Khi mình làm việc gì cho mình để tăng trưởng đặc tính mà mình gọi là tình thương hay đặc tính có đạo đức, biết lễ phép, thì mình gọi là đức. Hai chữ công đức, một chữ thì đối ngoại, một chữ thì đối với chính mình. Một cái về việc làm, một cái về tính tình của mình. Công là phần văn hóa quan trọng nhất của cảm kích, ví dụ một người làm cho mình một chuyện thì đối xử của mình sẽ ra sao. Sự đối xử của mình được gọi là cảm kích. Nhiều khi là mình cảm ơn, nhiều khi mình bắt tay hay mỉm cười. Nếu chỉ như vậy thôi thì văn hóa cảm kích trong Phật giáo chưa đầy đủ, vì như vậy chỉ là văn hóa cộng đồng mà thôi. Nhưng văn hóa đặc biệt của Phật giáo lại nói rằng: “Ngoài việc người ta làm tốt cho mình, mình còn phải nhìn thấy được tấm lòng của người ấy nữa.” Thí dụ người mẹ nấu ăn cho các con. Các con cảm kích sự nấu nướng của mẹ, nhưng nếu chỉ nói: “Món ăn này mẹ nấu ngon quá”, thì vẫn chưa nói ra sự cảm kích theo Phật giáo. Vì vậy, mình có thể nói rằng: “Cám ơn mẹ đã săn sóc và nấu cho chúng con ăn”. Câu nói đã bày tỏ được sự cảm kích của mình về tình mẹ. Nếu mình chỉ khen các món ăn ngon tức là mình chỉ khen các món này nấu ngon mà không cảm kích tấm lòng của mẹ. Đôi khi sự cảm kích không cần nói nhiều, im lặng nhìn mẹ mỉm cười, hoặc tới ôm hôn mẹ; cử chỉ tế nhị nhưng cũng khiến cho mẹ cảm nhận rằng mình được cảm kích. Tự nhiên sự quan hệ giữa mình và mẹ sẽ cởi mở thêm. Sự cởi mở này là trọng tâm của đạo Phật, là làm sao mình sống với nhau trong cởi mở chớ không phải sống với nhau mà làm cho nhau mệt mỏi, nặng nề. Sự khai mở đó là kết quả của sự cảm kích tấm lòng người mẹ. Đó là một công hạnh rất lớn vì khi mình bắt đầu có thể nhìn được tấm lòng của người khác thì chắc chắn mình sẽ cảm động được người ta. Khi mình cảm động được người ta thì mình có thể thay đổi được cái nhìn, sự suy nghĩ của họ. Khi mình thay đổi được sự suy nghĩ và cái nhìn của họ thì mình có thể thay đổi được cách họ làm việc, cách họ xử thế. Khi họ thay đổi cách làm việc, xử thế tức là họ thay đổi nghiệp của họ. Nói tóm lại khi mình làm cảm động người tức là mình chuyển nghiệp của người đó, một cách gián tiếp, vô hình mà thực sự sẽ xảy ra. Bởi vậy sự cảm kích là khả năng khiến mình nhận diện được cái hay, cái đẹp của người khác; và mình có thể dùng lời nói, hành động hay những cử chỉ vi tế khiến cho người ta cảm động. Bây giờ mình trở về một chuyện quan trọng: đối tượng cảm kích là gì? Đối tượng cảm kích là cái người đó làm tốt cho mình và cách mình cảm kích là mình nói bằng lời, và đôi khi bằng cử chỉ. Đối tượng cảm kích không cần phải là một người mà có thể là vũ trụ xung quanh, thiên nhiên; có thể là những lời văn rất hay, những bài hát, điệu nhạc hoặc là nghệ thuật, một cành hoa đẹp mà người ta cắm, một vườn hoa được chăm sóc chu đáo, v. v.. Đối tượng thì nhiều lắm, nhưng mình cảm kích cái gì khi trực diện với những đối tượng đó. Đề mục của cảm kích là cái gì? Là cái đẹp. Mình cảm kích cái đẹp, cái tốt, cái chân lý gọi là chân thiện mỹ, cảm kích cái nhìn phong phú mà người ta chia sẻ với mình, cảm kích thâm ý, nỗi lòng mà người ta biểu hiện ra trong vũ trụ. Lúc đầu mình cảm kích những việc người ta đối với mình, nhưng sau đó mình nhìn ra xung quanh, cảm kích những nét đẹp, tốt, hay, những điều huyền diệu xung quanh mình, nhiều khi thật vô cùng nhỏ. Thí dụ, các bác đi ngoài đường, thấy con đường mình đang đi rất sạch sẽ, sự cảm kích đầu tiên của mình là “một khung cảnh thiên nhiên quá đẹp”, sau đó mình cảm kích người nào đó đã bỏ công sức ra quét sạch con đường này. Thưa bác, khi thầy ở bên Nhật, một buổi sáng nọ, khoảng 5 giờ sáng, thầy đi thơ thẩn ra ngoài, thấy có hai ba người đàn bà đứng cách nhau một khoảng, đang quét lá. Khoảng 15 phút sau thầy quay trở lại khách sạn, những người phụ nữ đó không còn đó nữa, có lẽ đã trở vô trong nhà; nhưng nhìn ra vỉa hè thì thấy vô cùng sạch sẽ. Té ra là họ dậy sớm quét lá rồi trở vô nhà. Nếu ai đi trên đường này vào khoảng 9, 10 giờ, sẽ thấy con đường sạch vô cùng, nhưng không biết rằng đã có người dậy sớm quét dọn. Biết được điều này, thầy vô cùng cảm kích, nhìn con đường sạch sẽ lòng mình cũng nhẹ nhàng. Mình cảm kích cái đẹp nhưng mình cũng cảm kích các vị hộ chủ, tức là những người phụ nữ mà thầy thấy đã bỏ tâm ra quét. Khi quét họ đâu cần mình cám ơn, nhưng thực sự trong lòng mình rất cảm kích vì họ đã làm đẹp. Nhờ tăng trưởng cái đẹp mà bây giờ mình cảm động vì nét đẹp đó và thích sự sạch sẽ. Vì thích sạch sẽ nên mình sẽ sửa đổi cuộc đời, làm cho căn nhà mình sạch sẽ, sự suy nghĩ của mình sạch sẽ và nhứt là lời nói mình sạch sẽ. Hóa ra những người đàn bà kia đã thay đổi hành động của thầy. Vô tình họ đã thay đổi cái nghiệp của thầy; mình không dám bừa bãi nữa vì nhớ tới hình ảnh này. (Còn tiếp)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 20:59:12 GMT -5
Năm giai đoạn khi ngồi thiền (Kỳ 09)
Bài giảng của thầy Hằng Trường trên radio Khai Tâm, do Xuân Dung ghi lại Một chuyện khác cũng làm thầy cảm kích. Thí dụ như câu chuyện đúng giờ. Cũng ở bên Nhật, thầy khám phá ra người Nhật họ làm gì cũng đúng giờ. Bất kỳ chuyện gì họ cũng làm đúng giờ, nhưng bản thân mình lại không đúng giờ lắm. Sau đó mình cảm kích ra là những người làm việc với mình mong mình đúng giờ nhưng mình lại không đúng. Bây giờ tự nhiên mình sinh ra lòng cảm kích họ đã hết lòng hết dạ chờ đợi. Thí dụ mình hẹn giảng pháp vào 8 giờ; nhưng 8 giờ 15 mình mới bắt đầu giảng. Hóa ra họ đã phải chờ 15 phút. Bây giờ mình cảm kích họ, những người đã có tấm lòng tốt với mình, mà mình chưa nghĩ ra nên đi trễ. Sự cảm kích đó khiến mình cảm động. Hóa ra những người đang chờ mình đã chuyển nghiệp cho mình mà mình không biết, làm cho mình hổ thẹn và sửa đổi lỗi lầm của mình. Đó là một tác dụng cảm kích rất lớn. Nếu tập cảm kích thì mình sẽ dễ dàng bị cảm động, do đó mình sẽ dễ dàng chuyển đổi nghiệp của mình. Càng cảm kích bao nhiêu thì lòng mình càng mềm dịu và càng dễ bị cảm động bấy nhiêu, càng dễ nhìn vào bên trong để sửa đổi tánh tình cũng như tật hư thói xấu, do đó càng dễ thay đổi nghiệp chướng của mình. Như vậy, cảm kích đúng là một phương pháp thay đổi nghiệp chướng, thay đổi cuộc sống của mình. Vừa rồi là mình nói về cảm kích cái đẹp. Nhưng nhiều khi người ta làm tốt không phải vì mình. Thí dụ mình nghe có người làm một chuyện rất tốt, mình nên cảm kích. Vừa rồi thầy có đọc tiểu sử của ông Holdfarmer. Ông là một y sĩ rất độc đáo ở Haiti. Ông là người đi tiên phong, sống rất cực khổ để giúp người ta tránh được bệnh Aids. Bệnh Aids là một bệnh vô cùng trầm trọng ở Haiiti, rất nhiều người mắc phải. Ông lặn lội tới từng nơi, từng chỗ để cứu chữa. Ngoài ra những bệnh như bệnh dịch tả, sốt rét rừng, tiêu chảy... cũng được ông chữa trị tận tình. Ông làm thầy cảm kích vô cùng vì biết rằng trong thời đại bây giờ cũng có những vĩ nhân như ông Albert Fzider, vĩ đại như một thánh nhân. Họ không được ai biết tới, không nổi tiếng nhưng thực sự họ có một tâm hồn cực kỳ vĩ đại. Một người từ bỏ những thú vui cá nhân, 3, 4 giờ lặn lội đường xa để cứu một người hoàn toàn xa lạ với mình, một người mà mình biết là hoàn toàn không có khả năng trả lại cho mình dù chỉ một đồng mà thôi. Sự cao thượng đó khiến mình cảm kích vô cùng. Mình thấy cái tốt đó tỏa ra, lan ra. Rồi không những mình cảm động, cảm kích rằng bây giờ vũ trụ đã đẹp thêm, tốt thêm vì vẫn còn có những người có lý tưởng và sống với lý tưởng đó. Vật dục và kinh tế khó khăn khiến cho người ta lúc nào cũng nghĩ tới danh và lợi, mình lại càng thấy ấm áp vì thực sự có những người có lý tưởng. Không những vậy, ông Holdfarmer này còn có ảnh hưởng tới ông Bill Clinton, khiến ông Clinton quyết định qua Haiti giúp đỡ. Những tâm hồn vĩ đại như vậy, làm những việc cực kỳ vĩ đại, đem những điều tốt, niềm vui của họ lan tràn ra khắp thế giới. Họ quá vĩ đại, khiến cho mình phải tin tưởng rằng mình có thể thay đổi chính mình và những người xung quanh. Thành ra sự cảm kích của mình không những là một cách để cải thiện chính mình mà còn là sự tri nhận thực tại của vũ trụ. Nhiều khi những thực tại này được xây dựng bằng những dục vọng, bằng những tánh tình ích kỷ. Nhưng lại có những thực tại được xây dựng bởi những tâm hồn cao thượng, những hành động cực kỳ thâm sâu, hy sinh cho kẻ khác. Cảm kích luôn luôn là động năng khiến cho vũ trụ tiến hóa. Đối tượng mình vừa nói là người, là vũ trụ, là thiên nhiên, là lời nói, văn hóa, nghệ thuật. Đề mục trong đối tượng này là những nét đẹp, điều tốt và nhiều khi là những chân lý nữa. Thí dụ gần đây có một em nói với thầy rằng: “Thưa thầy khi con nghe có người lấy vợ ngay trên quốc gia mà họ đến cứu giúp, rồi bỏ luôn tuần trăng mật, để lao vào công tác cứu trợ, tự nhiên con cảm thấy tâm linh của con rất phấn khởi. Nghe chân lý đó, con cảm động vô cùng”. Đây là một câu chuyện chân lý khiến mình không dằn được niềm phấn khởi tự thâm tâm. Nhiều khi dục vọng đã át đi tiếng nói con tim của mình. Nhưng khi nghe câu chuyện này, một sự khai mở từ đáy lòng mình làm dâng lên sự hy vọng, niềm tin tưởng khiến mình muốn được sống một đời sống mới. Lời chân lý đó đã có một sức mạnh ghê gớm. Em bé này mới mười mấy tuổi thôi, đã nói với thầy: “Con nghĩ rằng cuộc đời của con sẽ thay đổi từ đây”. Các bác thử tưởng tượng, em chỉ nghe lời chân lý thôi mà đã thay đổi cả cuộc sống thì phải biết lời chân lý đó có sức mạnh cỡ nào. Trong cuộc sống, nếu mình biết cảm kích, biết lắng nghe, thường thường mình sẽ thay đổi nghiệp chướng của mình một cách mau lẹ. Nhiều khi mình tới những chỗ lễ lạy, mình tới những chỗ cúng kiếng, làm những việc thờ phượng, nhưng nếu mình chưa làm cho tâm mình khởi phát tận đáy lòng, chưa làm cho mình cảm kích, chưa rung động tâm can mình, thì nghiệp chướng của mình chưa thay đổi. Các bác phải làm sao từ thâm tâm mình như có một sự thôi thúc mãnh liệt khiến mình ăn không ngon, ngủ không yên, mình ray rứt nghĩ rằng cần phải thay đổi. Khi sự khởi phát từ trong con người làm mình ray rứt như vậy thì mình mới nghĩ rằng cần phải đặt lại giá trị con người mình, mình phải làm đủ mọi cách để sống trong cái giá trị đó. Nhưng nếu những lời nói tự đáy lòng chưa bộc phát, mình vẫn ăn ngon ngủ kỹ, mình vẫn lạy Phật, vẫn cúng kiếng, vẫn thờ lạy, vẫn làm tất cả mọi chuyện để có sự an toàn mà thôi. Chỉ là một sự an toàn chứ chưa có một sự thay đổi. Bởi vậy đức Phật có nói: “Khổ là động năng lớn nhứt để chúng con phát tâm tu”. Cho nên khi khổ tới, mình không kháng cự được, mình bắt đầu đổi những giá trị của cuộc sống. Có một anh nọ kể rằng, khi stock đang lên cao, anh nghĩ rằng nó sẽ không bao giờ xuống. Anh rất mừng, bỏ hết tiền bạc vào đầu tư cho nhiều hơn. Anh bỏ một mà thành 15. Đây là sự thật. Anh nói với thầy: “Thưa thầy, lúc đó con sung sướng vô cùng. Nhưng khi stock từ 15 xuống còn có 4 thôi, thì tim con như tan nát, đau khổ vô chừng”. Anh còn nói với thầy: “Thưa thầy, khi stock xuống, con rất cảm kích, vì bây giờ con có những người bạn thân thương tới ngồi cạnh an ủi, chịu hít thở bầu không khí mà con đang thở, sự nghẹt thở của con bây giờ được cảm thông. Khi con suy sụp như vậy, mới cảm kích cái hạnh phúc mà con có lúc trước. Hồi xưa con không thấy giá trị của những lời mẹ con nói, nhưng bây giờ, nhưng lời này với con có giá trị vô biên. Cũng như những lời khuyên của em con là đừng ham quá mà sẽ có ngày sụp đổ. Bây giờ suy sụp rồi con mới thấy những lời của em con thật quý giá. Nhưng lúc ấy con nào biết cảm kích, con để ngoài tai. Bởi vậy con mới biết dục vọng mạnh cỡ nào. Những lời chân lý giống như một hạt bụi, không lọt vào buồng phổi của con được”. Lời của anh này rất hay. Thưa các bác, ngồi nghĩ lại, mình cảm kích rằng đôi khi hạnh phúc của mình thật vô biên. Hạnh phúc này được tích lũy không phải do một người, mà bởi nhiều người xung quanh mình đem lại niềm vui, đem lại nụ cười... cuộc sống của mình không thể có được nếu mình chỉ sống một mình mà thôi. Té ra hạnh phúc của mình là một sự tập hợp của không biết bao nhiêu sức mạnh, không biết nhiêu lời nói, nỗ lực của không biết bao nhiêu người xung quanh mình. Bây giờ mình hưởng hạnh phúc đó, quả thực là một phước đức quá lớn. Mình nên ngồi xuống, nhắm mắt lại, mở hai bàn tay ra và nghĩ tới những người sống với mình, tất cả những người đã đem cái đẹp tới trong căn phòng này, đem cái đẹp tới cho những người thân của mình. Những người giúp mình thì không đã hẳn, nhưng có những người khiến cho người xung quanh mình nở rộ nụ cười, khiến cho người mình quen biết được vui lên, mình hãy cảm kích những người đó, những người đã đem niềm vui tới với mọi người, khiến cuộc sống thêm vui, thêm hạnh phúc; ánh sáng đã chiếu tới mặt đất này, ánh sáng mà chính mặt trời cũng không thể so sánh được. Hãy mở tay ra để cảm kích. Khi cảm kích rồi, hãy tri nhận cái đẹp, sự cống hiến vô biên của những người xung quanh. Nhiều khi những người đó lại là những người mình rất ghét. Nhưng mình ghét không có nghĩa là họ không làm những điều tốt cho những người họ thương. Mình mở tay ra để cảm nhận và nghĩ tới những cái đẹp, tốt, hay mà họ đã làm. Rồi đưa hay tay lên đặt trên lồng ngực của mình, tay trái đặt lên ngực, tay phải đặt lên tay trái, đè xuống để lắng nghe con tim mình. Sau đó mình hít vào đem những cái đẹp đó vào trong lồng ngực, trong tim mình, để nuôi dưỡng trái tim mình và mọi cơ tạng trong thân mình. Việc mở lòng bàn tay rồi đem để lên ngực, ý nói là hạnh phúc nằm trong tay tôi, hạnh phúc ở trong tim tôi. Xong chấp tay lại, cúi đầu lạy xuống, nói rằng: “Bây giờ tất cả cái đẹp đó ở trong bàn tay tôi, xin lan tỏa những cái đẹp này tới mọi người xung quanh. Tôi khiêm cung cúi đầu xuống vì biết rằng cái đẹp này, hạnh phúc này đều là một phần của vũ trụ và xin gởi trả về vũ trụ. Tôi không có công lao gì cả, mà đây là công lao của tất cả mọi người trong mạng lưới nhân duyên. Do vậy tôi chân thành chia sẻ với mọi người”. Làm vậy là chúng ta đã chia sẻ sự cảm kích công đức với tất cả mọi người. Cái gì mình cảm kích tức là mình nhận, bây giờ mình đem về lại cho tất cả mọi người xung quanh. Đó là phương pháp cảm kích rất quan trọng của văn hóa Phật giáo, nhất là văn hóa của kinh Hoa Nghiêm, văn hóa đại thừa, để thấy rằng tất cả chúng ta đều ở trong một mạng lưới nhân duyên với nhau, vì vậy tình thương và niềm vui của mình nên lan tỏa tới người khác, để mọi người cùng hưởng, cùng vui. - (HT)
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 21:12:41 GMT -5
NGHIỆP
Thầy Hằng Trường trong một buổi giảng pháp (Bài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio) Hỏi: Thi sĩ Nguyễn Du đã có viết: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Vậy nghiệp là gì, thưa thầy? Thi sĩ Nguyễn Du nói “Đã mang lấy nghiệp vào thân” thì có vẻ như mình bị thụ động nhưng có lẽ mình nên nghĩ khác chút xíu, tức là không phải mình mang cái nghiệp vào thân mà mình tạo ra cái nghiệp từ trong thân. Mà nói thân cũng chưa đủ mà là trong cả lời nói, hành động và cuộc sống của mình nữa. Khi mình tạo ra nghiệp rồi thì cái khó khăn nhất của mình là mình không thể tránh được cái nghiệp báo vì mình tạo ra cái gì thì mình sẽ nhận lại cái đó. Quan niệm về Nghiệp rộng vô cùng và mang nhiều mầu sắc trong đó mầu sắc nhân quả là quan trọng nhất Hỏi: Có khi nghe nói là cha mẹ ông bà mình tạo ra nghiệp xấu nên mình phải chịu hậu quả, như vậy có đúng không? Nói như vậy thì chỉ đúng nửa phần thôi vì khi nhận lãnh gia tài của cha mẹ để lại thì mình cũng nhận luôn cái nhân quả cột với cái gia tài đó. Thí dụ như trong chuyện Godfather thì anh chàng Michael Corleone đã nhận hết quả nghiệp chướng do ông bố tạo ra khi nhận lãnh gia tài của ông. Nhưng theo triết lý căn bản của nhân quả thì người nào tạo ra cái nghiệp nào thì người đó gánh chịu hậu quả của nó. Trong cuộc sống, khi phân tích sâu sắc hơn thì mình biết rằng khi mình làm một chuyện gì đó thì không phải mình chỉ nhận cái quả cho mình thôi mà còn ảnh hưởng tới những người chung quanh và môi trường sống chung quanh. Do đó mình phải hiểu nghiệp như là một cái từ trường. Khi mình làm một chuyện nào đó thì mình tạo ra một từ trường ảnh hưởng tới mình và các người chung quanh. Mình sẽ nói tới cái guồng máy tạo ra cái nghiệp. Đó là thân, miệng lưỡi, và óc. Sản phẩm của thân tạo ra là hành động, cử chỉ, động tác ảnh hưởng tới người chung quanh. Sản phẩm của miệng lưỡi là lời nói. Ngôn từ có thể khác nhau, có người nói dữ, người nói hiền, người nói trực tiếp, người nói gián tiếp... Cuối cùng, sản phẩm của óc là sự suy tư suy nghĩ, cũng rất khác nhau, có người nghĩ rất ngắn 3 tầng thôi, có người thì nghĩ tới 5, 6, nhiều tầng, phát triển rộng ra, có người lúc nào cũng nghĩ về mình, có người thì nghĩ tới người khác, vị tha... Cho nên khi nói tới nghiệp là mình nói tới guồng máy tạo nghiệp và những sản phẩm của nó. Những cái này tạo ra ảnh hưởng giống như những vòng từ trường. Hình dung một mặt nước phẳng lì, nay mình vứt một hòn đá xuống thì sẽ tạo ra những làn sóng. Vật gì nằm trong làn nước như chiếc lá chẳng hạn, thì làn sóng nhấp nhô tạo ra những biến động cho chiếc lá đó. Sự biến động đó là ảnh hưởng của cái nghiệp. Vậy guồng máy là thân, miệng lưỡi và óc. Sản phẩm là hành động, lời nói và sự suy tư. Những sản phẩm này tạo ra ảnh hưởng. Đối tượng của những ảnh hưởng này là gì? Đó là những người chung quanh, vật chung quanh, có thể là động vật hay vật chết như nhà cửa đồng hồ bàn ghế, môi trường cây cối nơi mình sống. Lời nói của mình ảnh hưởng tới phản ứng của người khác, họ phản ứng hiền hậu hay dữ dằn tùy theo lời nói của mình. Suy tư, hành động, lời nói của mình ảnh hưởng trực tiếp tới hành động của người đó. Thí dụ như nhiều khi mình không nói nhưng trợn mắt, nhìn cũng đủ khiến cho người ta khó chịu rồi. Thành ra phản ứng của người đó bị ảnh hưởng trực tiếp từ hành động của mình. Lối sống hay sự suy nghĩ người đó cũng có thể thay đổi. Thí dụ mình nhục mạ họ bằng cách suy nghĩ trong đầu thôi, thì mình cũng sẽ cảm thấy người đó rụt lại, họ xa mình ngay trong tích tắc, phản ứng, mặt người đó thay đổi liền. Nên thường thường khi sống với nhau mình có những phản ứng gọi là “non verbal” không nói ra lời. Nếu không tinh tế thì mình sẽ không biết người ta phản ứng như thế nào. (Cứu trợ nạn nhạn sóng thần ở Sri Lanka) Nói tóm lại, thế nào là nghiệp? Nghiệp là ảnh hưởng tạo ra bởi thân, miệng lưỡi, và óc, phát hiện ra trong hành động, lời nói, suy tư. Ảnh hưởng này có tính cách như từ trường, có phạm vi rộng lớn. Nghiệp có thể hình dung như vòng từ trường do những chuyện mình làm ra, không những ảnh hưởng tới người khác mà cuối cũng sẽ ảnh hưởng ngược lại lên thân mình, lời nói, hành động, cả cái nhìn, tình cảm, và sự suy nghĩ của mình. Thí dụ nếu mình thường mắng nhiếc người khác, họ sẽ khó chịu, cảm thấy bị đè xuống. Ảnh hưởng đó làm cho hành động, suy nghĩ của người đó đối với mình rất là tiêu cực. Trước sau gì họ cũng sẽ trả lại những lời nói tiêu cực trở về với mình, khi đó mình sẽ cảm nhận sự khó chịu in hệt như khi mình sỉ nhục họ. Do đó ảnh hưởng đi ngược lại về mình như cái boomerang, đem tới một cảm thọ in hệt như mình đã gây ra cho đối phương. Nghiệp là ảnh hưởng của lời nói, hành động, suy tư, luôn luôn trở lại với mình Cái gì mình tạo ra cho người ta thì mình sẽ kinh nghiệm y hệt như vậy. Có 1 điều rất hay trong triết lý ngàn đời của người Trung Hoa: Giúp người là căn bản của niềm vui. Nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy đúng. Giúp người mình thấy vui, lạ lắm, tâm mình nhẹ, thấy như có cơ hội để thở một cách nhẹ nhàng, tâm mình mở rộng ra. Khi mình vui giúp người, mình sẽ làm cho người ta an lạc, người được giúp sẽ cảm thấy nhẹ nhàng..., kết quả là không phải chờ về sau mình mới an lạc mà ngay lúc đó là mình thấy vui rồi Có người nói: Sao mình đi giúp người mà cứ bị người ta chửi? Mình nghĩ: Sao lạ vậy. Nhưng ngồi suy nghĩ chừng 2 phút thì sẽ thấy ra rằng khi đi giúp người, cô này đã quên đi sự an lạc của cô, quên đi rằng khi giúp người thì mình phải mở tâm ra. Nếu cái động cơ mình đi giúp người là để được cái danh, được tiếng khen, được người ta công nhận... thì sẽ không làm người ta an lạc. Người ta không cảm nhận được cái giúp của mình an lạc, chuyện giúp đỡ của mình như một cái bổn phận mình làm thôi, người ta không cảm kích được sự giúp đỡ đó. Thành ra do mình cầu cái danh, mình không làm cho người ta an lạc. Hành động của cái thân tạo ra thấy tương tự như giúp người nhưng thực ra chỉ làm bổn phận để được cái danh. Đây là cái động cơ giấu bên trong, mình nghĩ rằng làm tốt sẽ được an lạc nhưng té ra không có an lạc. Thành ra bất kỳ làm chuyện gì mình cũng nên nghĩ đến hậu quả chuyện mình làm để khi làm thì mình làm đúng. Trong đạo Phật, lý tưởng quan trọng nhất là sống làm sao để được an lạc. Muốn được vậy thì cái NHÂN, tức khi mình làm chuyện gì mình phải làm với sự an lạc, đem an lạc cho người khác thì mình sẽ có sự an lạc trở về với mình. Khi mình làm chuyện gì không có an lạc, không đem an lạc cho người ta thì mình sẽ không có an lạc. Hỏi: Em bé mới 7, 8 tuổi đã bị ung thư đau đớn khổ sở. Nó còn quá nhỏ chưa làm gì hết mà sao đã phải mang nghiệp nặng như vậy Khi nói có nghiệp nặng thì phải có nghiệp nhẹ, như là có cái bàn cân để đo? Vô hình trung mình có cảm nhận về cái intensity của từ trường, cảm nhận là đau khổ nhiều thì nghiệp nặng, an lạc sung sướng thì là nghiệp nhẹ hơn... Mình thấy em bé dễ thương nhưng mà nó lại bịnh nặng, tuy nó chưa làm gì cả, chưa có chuyện gì ảnh hưởng tới ai. Nhưng nghiệp không phải chỉ trong một đời sống mà thôi mà có nhiều đời sống khác nữa, có những chuyện mình làm trong đời quá khứ mà kết quả nó hiện ra trong đời này. Chuyện này đưa tới nhân và quả. Nhân là chuyện mình làm do cái thân, miệng lưỡi, sự suy nghĩ còn cái quả là ảnh hưởng tạo ra cho người khác cũng là nghiệp mà ảnh hưởng trở lại cho mình cũng là nghiệp. Nghiệp là ảnh hưởng hay từ trường tạo ra bởi lời nói, hành động, suy nghĩ. Ảnh hưởng này tới ai? Luôn luôn nó có ảnh hưởng tới chính mình. Em bé đó có thể bị ảnh hưởng từ kiếp trước. Mình có nên nói bịnh như vậy là tốt hay xấu không? Mình không nói tới xấu tốt mà nên nói cái nghiệp đó là do hậu quả của đời trước. Mỗi người mình không ai có thể tránh khỏi cái hậu quả của nghiệp mình tạo ra, mình chỉ chịu thôi. Hậu quả đó không phải là tốt hay xấu mà là đau khổ hay sung sướng an lạc. Trong trường hợp này mình thấy là đau khổ. Tóm lại, đề tài này rất rộng lớn, với nhiều định lý mà mình sẽ từ từ khai triển. Định lý thứ nhất là nhân quả, cho biết từ một chuyện sẽ xẩy ra chuyện khác như thế nào, thứ hai là chiêu cảm tức những chuyện mình làm có thể hấp dẫn những chuyện khác tới, thứ 3 là duyên khởi tức giữa nhân và quả có những duyên, những chuyện xảy tới mình không làm chủ được mà nó hiện ra lúc nào mình cũng không làm chủ được, thứ 4 là nghiệp báo hay nghiệp quả khi nhiều chuyện do lời nói, hành động, suy nghĩ tạo ra rất nhiều từ trường, ảnh hưởng như thế nào. Cuối cùng cả, cuộc sống của mình không phải chỉ 1 đời mà nhiều đời lắm. Thời gian một đời mấy chục năm không đủ để giải thích, không đủ cho mình thấy cái nghiệp có thể đột ngột chấm dứt mà nó sẽ tiếp tục hoài. 5 định lý này là 5 định lý căn bản. Trong cuộc sống, sự quan trọng nhất là nên đem an lạc cho người khác. Chỉ khi mình đem an lạc cho người khác thì an lạc sẽ trở lại với mình. Khi mình đem an lạc cho người khác thì mình cũng sẽ thấy an lạc ngay lúc đó.
|
|
|
Post by tk on Dec 1, 2011 21:14:01 GMT -5
NGHIỆP (bài 2)
Bài ghi lại cuộc nói chuyện của thầy Hằng Trường trên Radio Khai Tâm (9 giờ tối mỗi thứ Tư trên băng tần 1480AM của đài Little Saigon Radio ) Chuyển nghiệpNghiệp là 1 đề tài rất rộng lớn, có lẽ không bao giờ nói hết được. Ý nghĩa chính là mọi việc mình làm, lời nói, và những suy nghĩ của mình đều tạo ra ảnh hưởng giống như một từ trường truyền lan ra đến người chung quanh. Khi nói tới nghiệp thì nói tới ảnh hưởng của lời nói, việc làm và sự suy nghĩ của mình. Ảnh huởng đó đi tới những người khác rồi trở lại về mình. Khi ảnh hưởng của làn sóng đó trở ra đến người khác rồi trở lại về mình thì gọi là cái nghiệp. Những làn sóng truyền ra làm cho người ta khổ, buồn thì mình gọi là nghiệp ác, tức là chuyện không tốt, làm cho người ta cảm nhận sự đau khổ, bất như ý. Nhưng những chuyện mình làm người ta khổ thì rồi nó cũng truyềøn ngược lại về mình. Nghiệp ảnh hưởng đến mình có thể tốt hay xấu. Mình nói câu gì đó làm người ta nhăn mặt, thì đồng thời khi nó trở lại về mình, mình cũng cảm thấy nhốn nháo. Đó là nghiệp xấu. Còn nghiệp tốt thì làm cho mình vui vẻ, hạnh phúc. Chuyện gì mình làm cho người khác thấy vui sướng thì mình cũng thấy vui. Cho nên ảnh hưởng là cái làm cho mình thấy rõ cái nghiệp nhất. Nhưng có những hành động không gây ra một ảnh hưởng đáng kể nào cả, thí dụ như mình đi ra cửa, cầm cái đồng hồ lên... chẳng hạn, thì gọi là vô ký, tức là không đáng ghi chép lại. Nhưng cũng có những chuyện thấy có vẻ như là vô ký, thí dụ như mình lên “net” mỗi ngày để coi thị trường chứng khoán thì nhiều người cho rằng không đáng kể. Nhưng nếu mỗi ngày mình bỏ ra 2, 3 giờ đồng hồ để coi stock thì có đáng kể không? Nhiều người sẽ cho là đáng kể. Thời gian đáng kể mà mình nói là nghiệp không đáng kể thì hơi vô lý. Còn nói thiện hay ác thì mình không biết. Nếu nói là thiện thì mình ngồi coi stock như vậy, click lên click xuống, tiền chạy vô chạy ra trong thế giới ảo như vậy thì mình cũng chưa thấy gì là nhiều, chưa thấy thiện ác chỗ nào cả. Nhưng mà nghĩ lại thì đó là cái nghiệp hữu lậu, làm cho mình quên đi con đường cao thượng hay bản tính Phật của mình, làm mình bị cột vô trong vòng luẩn quẩn của chính mình. Có anh chàng này hay coi stock, một hôm nói với thầy: “Con coi stock lên xuống như vậy, tim con nó cũng lên xuống đến cái độ là con phải uống thuốc nhiều năm nhiều tháng. Bây giờ nhìn lại thấy không những con phải uống thuốc mà lúc nào cũng thấy sợ. Lúc đó con nghĩ nó là điều thích thú, excitement, nhưng sau nhiều năm làm “day trader” như vậy con thấy nó là một cái gánh nặng, làm mình đau tim”. Anh chàng khác, sau khi mất mấy chục ngàn, nói với thầy: “Thưa thầy, stock làm cho con điên lên. Khi con vô sở làm việc thì chuyện đầu tiên và cuối cùng con làm là nghĩ tới stock, cuối giờ nghĩ, đầu giờ nghĩ, cuối cùng đi ngủ cũng nghĩ tới nó nữa, không biết làm sao mà ra khỏi, giống như con ma ở trong đầu con hoài.” Anh chàng này tội lắm. Sau khi thua mất mấy chục ngàn rồi thì anh bỏ không chơi nữa. Hay một cái là khi hết chơi thì anh tìm được sự an lạc. Té ra sự an lạc là cái thiện, còn cái chuyện mình bị trầm cảm, khó chịu buồn phiền thì là ác nghiệp, mình không thể nói chuyện thiện hay ác mà không nói chuyện đau khổ hay vui sướng. Ác nghiệp lúc nào cũng đưa tới cái đau khổ bất như ý, không cảm thấy thỏa mãn vui sướng được. Nếu bây giờ đức Phật còn sống và nói về chuyện coi stock thì ngài sẽ nói đây nghiệp hữu lậu nghĩa là mình có chỗ thất thoát. Thất thoát cái gì? Thất thoát cái tâm Phật của mình, mình không thể yên tịnh được, cái an lạc của mình bị thất thoát, sự vui vẻ của mình không còn nữa mà nếp nhăn trên trán mình hiện ra, tóc bắt đầu bạc. Rõ ràng là hữu lậu tức thất thoát đi. Ngược lại với nghiệp hữu lậu là nghiệp làm tâm mình ngày càng mở rộng ra, là trạng thái an lạc vui vẻ mà đức Phật nói là “thường lạc ngã tịnh” không đưa tới luânhồi sanh tử mà đưa tới cái nhìn và cuộc sống siêu thoát, vô lậu. Người thiền định lúc nào tâm họ cũng không có các tư tưởng thiện hay ác cả mà tư tưởng họ ở trong cái cõi ánh sáng cho nên gọi là vô lậu. Như vậy mình có nghiệp thiện, nghiệp ác, nghiệp vô ký, nghiệp hữu lậu, nghiệp vô lậu. Một lần nọ, có người tới hỏi ông thiền sư: “Thưa thầy, mẹ con bệnh. Thầy có thể nào dùng thần thông để làm cho bệnh mẹ con hết?” Ông thiền sư trả lời: “ Chịu! Tôi chỉ biết thiền thôi. Nhưng tôi sẽ kể cho ông nghe câu chuyện này. Có bà đó đi khắp mọi nơi khóc lóc, bà nói với đức Phật là đời sao bất công quá. Đức Phật hỏi tại sao, bà nói vì đứa con của tôi còn nhỏ như vậy mà nó bệnh rồi chết đi. Ngài có thể làm đứa con tôi sống lại không. Vì con tôi còn nhỏ, chưa làm chuyện gì xấu mà sao lại bệnh rồi chết. Đức Phật nói chuyện cũng dễ thôi. Bà muốn con sống lại thì cứ tìm đến nhà nào chưa hề có người trong gia đình chết cả, xin họ một ly nước đem đến đây, tôi cho con bà uống ly nước đó thì nó sẽ sống lại. Bà đi cùng khắp mà chẳng bao giờ tìm thấy một nhà nào chưa từng có người chết trong gia đình, nhà thì có cha chết, nhà có mẹ chết hay ông nội, bà ngoại, chú bác... Bà về nói với Phật là con không tìm được nhà nào mà không có người chết cà. Đức Phật nói đúng, đó là vô thường, tức là ai cũng sẽ chết cả. Chết rồi thì không sống lại được. Chết đó là định nghiệp tức là mình không thay đổi được. Bất định nghiệp là có thể thay đổi được. Tôi không cứu bà mẹ cô được không phải vì tôi không có khả năng hay không có nhân duyên nhưng bệnh của bà mẹ cô có nhiều nhân duyên lắm mà tôi không biết được. Nếu muốn cứu thì phải biết được cái nghiệp này có thể cứu được không, nói cách khác là đây là định nghiệp hay bất định nghiệp. Hỏi: Nếu mình biết được là có 7 loại nghiệp thì mình nên làm gì với sự hiểu biết này? Sự hiểu biết về nghiệp sẽ đưa tới một chuyện rất thực tế là hiểu rồi thì mình nhìn lại mình coi thử mình đang ở cái nghiệp gì, cảm nhận nghiệp gì đang tới với mình. Trong nghiệp có nhân và quả, nhân là lúc mình tạo ra, quả là lúc chuyện tới với mình mà mình không kháng cự được. Thường mình nói về cái nghiệp có vẻ tiêu cực, cái bệnh hoạn, cái chết thôi. Nhưng sự phước đức, sự sung sướng, chueỵn cái gì mình muốn gì được đó cũng là nghiệp tốt của mình. Nên mình phải nhìn lại coi nghiệp mình đang hưởng bây giờ là thiện hay ác, kết quả những chuyện mình đã làm. Xong rồi mình đặt câu hỏi mới là chuyện mình làm ra ngay bây giờ là đi vào hướng thiện hay là ác, vô ký, hữu lậu hay vô lậu. Mình bắt đầu đặt câu hỏi tiếp là nếu cái quả xấu quá, đau khổ quá thì làm sao. Có bà Ấn Độ này rất đau khổ vì chồng bà bị ở tù oan 15 năm. Người khác thì nói đây là cái định nghiệp không sửa đổi được. Nhưng bà thì nghĩ là bất định nghiệp. Bà tiếp tục đấu tranh, viết 40000 trang giấy để biện hộ cho ông, cho thấy ông bị kết án oan. Kết quả là người ta bắt đầu lắng nghe và sửa đổi lại sau 15 năm. Thành ra mình cần coi cái quả đó có sửa được không, nếu sửa được thì bằng cách nào. Mình nhìn vào cái quả để coi là định nghiệp hay không định nghiệp, ác hay là thiện. Điều quan trọng nhất là mình có thể chuyển nghiệp tức sửa đổi con đường cuộc sống mình đang hướng tới. Chuyển nghiệp là sử dụng sự hiểu biết của mình vì nhiều khi mình biết trong sách vở, định lý nhưng không biết làm sao chuyển nghiệp. Hỏi: Như vậy chuyển nghiệp khó hay dễ? Chuyển nghiệp khó mà cũng dễ. Thí dụ như nếu coi stock lâu lâu 1 lần thì cũng dễ đổi nhưng nếu coi thường xuyên ngày nào cũng coi 2, 3 giờ, coi 15 năm rồi thì có đổi được không? Rất khó. Chuyển nghiệp khó chỗ đó, khó thay đổi thói quen lắm. Nhưng cũng dễ vô cùng nếu mình làm được cái gọi là “quantum leap” tức bước nhảy vọt, nhẩy qua được bờ tường rồi thì dễ vô cùng. Chuyển nghiệp khởi đầu từ sự thay đổi cái thói quen của mình khi nhận ra con đường đúng. Nhiều người đi Las Vegas hằng tuần, như vậy thì khó sửa lắm nhưng nếu họ có ý chí mạnh, và nhân duyên đã tới rồi tức thời cơ, gia đình, bạn bè... khuyến khích, có thiện tri thức giúp hay chuyện khác, thí dụ như xăng mắc quá, không đi xa nữa... thì có thể làm được. Quan trọng là mình muốn thay đổi thói quen, đồng thời có nhân duyên phụ trợ. Như vậy thì trả lời câu hỏi là vừa khó vừa dễ. Khó lúc đầu thôi, là thay đổi cái tập quán, thói quen của mình. Thầy nhớ lần đầu tiên người ta chê thầy giảng pháp quá dở. Mình nghe mình khó chịu, tức vô cùng. Rồi mình nghĩ có thể sửa đổi cách giảng cho hay. Thì ông thầy đứng cạnh nói: Không phải người ta phê bình ông giảng dở, người ta phê bình ông kiêu ngạo. À, cái đó mới khó sửa đó. Mình bắt đầu nói mình đâu có kiêu ngạo, bắt đầu chống lại cái đó. Nhưng khi mình chấp mhận tánh mình kiêu ngạo thì mình bắt đầu có chỗ để thay đổi. Té ra sự khó khăn là do mình không chịu chấp nhận. Nó sẽ dễ dàng hơn nếu mình chấp nhận rằng đúng, mình đã làm chuyện ác, đã làm chuyện xấu. Khi nghĩ như vậy thì mình có hy vọng. Nên trong Lương Hoàng Sám có nói trong vũ trụ này có hai hạng người: hạng người không làm chuyện gì sai lầm cả và hạng thứ hai là làm sai lầm mà biết sửa. Đó là cái hay nhất của chuyển nghiệp . Chuyển nghiệp rất dễ nếu mình biết sửa đổi, dám chấp nhận rằng mình xấu và thấy rằng mình có khả năng sửa đổi. Lòng muốn sửa đổi này quan trọng vô cùng Tóm lược: Ý chính là nghiệp trùng trùng, vô lượng vô biên đủ thứ loại cả. Mỗi ngày mở mắt ra là mình làm không biết bao nhiêu chuyện, suy nghĩ, nói năng... Nhất là cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Mình không thể giữ cái lưỡi được, lạ vậy đó. Nhưng phải nghĩ trong cuộc sống của mình, mình chuyển nghiệp hay tạo nghiệp. Chuyển nghiệp là làm chủ được hành động, lời nói, suy nghĩ, biết phương hướng. Tạo nghiệp là khi mình không hiểu được cái quả, không biết được thiện hay ác, làm một cách bừa bãi Mình nên nhìn lại thói quen, sửa đổi thói quen nếu mình biết nó là thói quen tạo nghiệp. Sự sửa đổi đó bao giờ cũng khó khăn lúc đầu vì mình không muốn thay đổi. Căn bản là mình nên chấp nhận mình có lỗi, có tội, cần phải sửa đổi và nên vui vẻ là mình vừa khám phá ra một chuyện quan trọng vô cùng là mình có khả năng để sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Đó chính là đề tài quan trọng nhất khi nói về nghiệp: mình làm chủ, mình có thể chuyển nghiệp.
|
|