Post by TCTV on Sept 13, 2010 17:14:05 GMT -5
Việc Thiện Lành
Hòa thượng Swe Oo Min giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
Hòa thượng Swe Oo Min giảng
Hòa thượng Kim Triệu hiệu đính
Sư Khánh Hỷ soạn dịch
Phật tử chúng ta đã quen thuộc với chữ Kusala (việc lành). Chúng ta đều biết rằng những việc lành là những việc không đem lại tai hại cho ai và không bị ai khiển trách. Khi làm việc lành thân, tâm của chúng ta sẽ an lạc, hạnh phúc. Chúng ta đều biết, việc thiện lành đem lại sự hạnh phúc, tiến bộ, giàu có, thịnh vượng, thoả mãn nhu cầu của chúng ta. Các bậc thánh nhân, những người có giới đức trong sạch, luôn luôn ca ngợi, tán dương người không lơ là với việc thiện. Các Ngài giải thích:
“Điều lành không những đem lại lợi ích trong kiếp sống hiện tại mà còn đem lại lợi ích trong các kiếp sống trong tương lai”.
Lợi ích của việc thiện lành là giúp chúng ta thực hành giới, định, huệ tốt đẹp, đồng thời cũng đem đến những hạnh phúc xa hơn. Đó là hạnh phúc trong đạo quả và giải thoát. Các bậc thánh nhân, những bậc thiện trí luôn luôn nhiệt liệt tán dương những người làm điều thiện. Các Ngài tuyên bố rằng:
“ Chỉ những người cao thượng và có trí tuệ mới tích lũy những việc thiện lành, những việc thiện lành sẽ đem lại nhiều lợi ích tốt đẹp”.
Hôm nay, những người cao thượng và có trí tuệ, những người tốt đẹp đã tụ tập lại đây để cúng dường. Việc cúng dường chỉ thực hiện được vào những dịp đặc biệt trong năm. Kết quả của việc thiện lành này, kết quả của sự bố thí cúng dường này là sự giàu sang, phú quý.
1. Bố thí cúng dường được làm với sự tôn kính (sakkaca garava).
Sự bố thí cúng dường hôm nay đã được làm với sự tôn kính. Các bạn đã thực hiện buổi lễ với lòng tôn kính lớn lao đối với Phật, Pháp, Tăng. Việc bố thí cúng dường của quý vị đã làm với sự cung kính, tôn trọng nên kết quả sẽõ đem đến nhiều lợi ích hơn những người làm với lòng không tôn kính. Một số người đã làm việc phước thiện với sự thờ ơ, lãnh đạm, không thận trọng, làm một cách miễn cưỡng thì sẽ không hưởng nhiều lợi ích như quý vị. Bởi vì làm phước mà không tôn kính thì cũng nhận được quả không tôn kính.
Đôi lúc có những người đàn ông làm chủ gia đình giàu có, sang trọng nhưng họ chẳng có uy quyền gì cả. Những người dưới quyền họ không tôn trọng họ. Ông chủ giàu có này không được những người khác tôn trọng vâng lời bởi vì trước đây ông đã làm phước với lòng không tôn kính. Ngày nay, mặc dầu giàu có, nhưng lời nói của ông không được người khác tôn trọng nghe theo. Trái lại, vợ ông ta trước đây đã cúng dường với lòng tôn kính nên ngày nay bà có nhiều uy quyền. Lời nói của bà được nhiều người kính cẩn nghe theo.
Khi làm phước chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng:
“Làm phước với lòng kính trọng thì sẽ đem lại lợi ích lớn lao”, sẽ được mọi người kính trọng, và bậc thiện trí thức tán dương. Đây là loại bố thí thứ nhất Sakkaca Dana.
2. Bố thí cúng dường được làm với Đức Tin (Sadha dana).
Khi làm việc thiện lành thì chúng ta sẽ gặt hái những lợi ích tốt đẹp, đó là:
1. Vô hại, không đem lại tai hại cho mình và cho người khác.
2. Có thân thể khỏe mạnh và tâm hồn an lạc, thanh thản.
3. Giàu sang, phú quý và an vui hạnh phúc.
4. Phước báu này là bước đường dẫn đến đạo quả Niết Bàn.
Nhờ có đức tin trong khi bố thí, cúng dường. Tâm của người làm việc lành thật hân hoan, sáng suốt. Người làm phước tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng nhưng cũng có những người tin tưởng vào những điều khác nhiều hơn cả tin tưởng vào Tam Bảo.
Nhiều người tin tưởng vào thần thánh, sự huyền hoặc, phép mầu, cho rằng: “ Sự tin tưởng như vậy sẽ được nhiều phước báu hơn là tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng”. Các bạn có nghĩ rằng: “ Sự tin tưởng này đem lại nhiều lợi ích hơn là tin tưởng vào Tam Bảo chăng?”.
Có nhiều quốc gia người ta tin tưởng tuyệt đối vào vị lãnh tụ, xem vị lãnh tụ như là thần thánh. Loại đức tin này không phải là đức tin đúng theo nghĩa Sadha.
Một số tin tưởng vào những vị bồ tát có khả năng cứu độ, đó không phải là loại đức tin như tin tưởng vào Tam Bảo. Đức tin thật sự là đức tin vào Phật, Pháp, Tăng. Tin vào nghiệp, tin vào quả của nghiệp. Bố thí cúng dường với đức tin chân chánh, nghĩa là bố thí cúng dường với tâm đầy đức tin và lòng hân hoan. Ngoài kết quả gặt hái được là sự giàu sang, người bố thí với đức tin chân chánh còn đạt nhiều lợi ích hơn thế nữa.
Người bố thí cúng dường với đức tin và lòng hân hoan sẽ có vóc dáng bên ngoài dễ thương, dễ mến. Người được tiếp xúc, gần gũi với họ cảm thấy hân hoan vui vẻ.
3. Bố thí cúng dường được làm đúng thời.
Sự bố thí cúng dường cần phải đúng thời đúng lúc. Chẳng hạn như cúng dường y vào lúc khởi đầu ba tháng an cư kiết ha. Cúng dường y Kathina vào lúc ra hạ. Cúng dường thực phẩm hàng ngày, như cúng thức ăn đến chư tăng vào buổi sáng, buổi trưa, cúng dường nước uống vào buổi chiều. Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc là bố thí cúng dường vào những lúc người được bố thí cúng dường cần.
Kết quả của việc thiện lành làm đúng thời, đúng lúc sẽ được trả vào lúc người bố thí cúng dường còn trẻ tuổi. Người bố thí cúng dường sẽ có nhiều tiền của, tài sản ngay lúc họ còn trẻ tuổi. Người bố thí cúng dường có thể hưởng thụ của cải này thật sớm. Cơ hội thuận lợi sẽ đến vào lúc người bố thí cúng dường còn có năng lực của tuổi trẻ. Người bố thí cúng dường có nhiều thì giờ để làm cho của cải mình tăng trưởng ngày một nhiều hơn. Nhờ thế, họ có thể tạo nhiều phước báu hơn. Họ có thể giúp phát triển Phật Giáo đúng như nguyện vọng của họ. Nhờ có đủ phương tiện vào lúc còn trẻ tuổi nên họ đạt nhiều thành quả tốt đẹp trong việc phổ biến giáo pháp.
Quý vị đang ngồi đây, quý vị cũng đang bố thí cúng dường đúng thời phải không? Có nhiều người trong lúc trời nóng nảy như vậy, họ cúng đèn cho Đức Phật. Ở Miến Điện, theo phong tục, những người sinh vào thứ tư trong tuần thường dùng nước tắm cho Đức Phật vào sáng sớm. May mắn cho Đức Phật, vì nếu là người thường như chúng ta, Ngài sẽ run vì lạnh. Khi trời đang nóng thì chúng ta cúng dường bằng quạt mát thì thích hợp hơn là cúng đèn. Bạn có nghĩ bố thí cúng dường đèn nến cho Phật vào lúc trời nóng là bố thí cúng dường đúng lúc chăng? Tôi thì không nghĩ vậy.
Như vậy, cúng dường vào lúc cần thiết thì mới gọi là cúng dường đúng thời. Sự cúng dường đúng thời sẽ gặt hái được kết quả tốt là được giàu có và hưởng thụ cúa cải lúc còn trẻ tuổi. Nhiều người có nhà cửa, xe cộ, có đến ba máy truyền hình vào lúc bảy mươi tuổi. Tôi nghĩ một cái truyền hình là đủ rồi. Nếu lúc đã bảy mươi tuổi mà có người đến cho ta mười cái truyền hình thì cũng chẳng ích lợi gì.
(Nhiều người đã già, mắt mờ tai điếc, nhưng vẫn còn muốn hưởng thụ, chẳng nghĩ gì đến tuổi già. Phải chăng lòng ham muốn chẳng bao giờ già? Khi được nghe chư tăng dạy rằng Đức Phật không muốn ta phung phí thì giờ vào việc vô bệnh? việc xem truyền hình chẳng hạn, thì họ trả lời rằng: Máy truyền hình đó để dành cho những đứa trẻ trong nhà xem. Nhưng thực tế thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại chẳng bao giờ rời xa máy truyền hình. Tôi không thể nào hiểu được điều này. Truyền hình có năng lực hấp dẫn mạnh mẽ lắm. Thay vì ngồi trước truyền hình, hãy ngồi trước Đức Phật thì sẽ tích tụ biết bao lợi ích. Thật tội nghiệp thay. Những gì mà những người ngoại quốc nói về truyền hình thật đúng: Khi Hoà Thượng Taungpulu sang Mỹ Quốc để truyền bá giáo pháp, ba mươi năm trước đây, lúc trở lại Miến Điện, Ngài lưu lại một người học trò để truyền bá giáo pháp trong hơn một năm. Những người học trò người Mỹ hỏi nhà sư ấy rằng:
“ Ở Miến Điện có truyền hình không?”.
Vị sư này trả lời:
“Ở thủ đô thì có một ít, nhưng cả xứ Miến Điện thì chưa được phổ biến rộng rãi”.
Những người học trò người Mỹ nói:
“ Chẳng bao lâu nữa thì các vị sẽ bị truyền hình tác hại”.
Chúng ta có thể nói rằng:
“Truyền hình có thể khiến giới đức của bạn suy sụp chăng?”.
Dường như càng tiến bộ, càng có nhiều xe cộ thì khó có thể tránh được tình trạng suy sụp. Một phật tử nói với tôi rằng:
“Vì có quá nhiều xe cộ nên họ phải đợi đèn xanh, đèn đỏ thay đổi mới có thể băng qua một ngã tư”.
Đó là sự phát triển quá mức, như những người ngoại quốc thường nói rằng: nước của họ đã bỏ đi rồi, nước Miến Điện đang bắt đầu đi xuống vì những điều suy sụp đã bắt đầu.
Cái gì đã suy sụp? Giới hạnh đã suy sụp. Trẻ con thích loại giáo dục từ truyền hình: đánh nhau, giết nhau. Trên truyền hình người tạ trình bày nhiều tiết mục hấp dẫn, nhiều chi tiết kích thích sự đánh giết. Kích thích bằng cách chi tiết hóa những cảnh đánh nhau, giết nhau. Tôi nghe rằng: nếu bạn cho người ta đi nhờ xe, bạn sẽ bị cướp, sẽ bị giết, xe bị lấy mất. Nhiều phật tử nói với tôi rằng: có người bị giết chết vì một sợi giây chuyền. Tại sao không lấy dây chuyền thôi? Tại sao không để cho họ sống mà phải giết họ?
Thôi được, đề tài này đến đây là đủ. Chúng ta trở về với bố thí đúng thời.)
Tôi muốn nhắc các bạn ở đây, không cần phải bỏ hết thì giờ để làm phước thiện suốt ngày đêm. Đừng mất thì giờ về chuyện này. Cách tốt nhất là lúc đêm về vào buồng ngủ, hãy xây dựng cho mình một vị Phật trong tâm. Tất cả các bạn đều biết làm cách nào để tạo một vị Phật trong tâm. Đức Phật cao bao nhiêu thước? Cái tháp cao bao nhiêu? Tháp cao hơn mười lăm thước cũng có thể làm được. Lúc Đức Phật gần Niết bàn, Đại Đức Ananda rất buồn khổ. Biết được điều đó nên Đức Phật dạy Ananda:
“ Ananda tại sao con quá buồn khổ như thế? Con đã săn sóc Như Lai trên hai mươi năm. Đó không phải là một phước báu nhỏ nhoi. Ta đã dạy 84.000 pháp uẩn. Ta đã thiết lập 84.000 vị Phật, 84.000 pháp luật (đó là những lời dạy đầy đủ của Đức Phật). 84.000 vị Phật thể hiện qua 84.000 giáo pháp và giới luật. Đó là người giáo hóa cho con. Đó là người hướng dẫn cho con. Đừng buồn khổ, đừng chán nãn, hãy bình tâm, tĩnh lặng, hãy vun bồi việc hành thiền của mình để đạt sự bình an. Con sẽ chứng ngộ được giáo pháp mà con đã gần gũi bấy lâu nay”.
Sau đó chẳng bao lâu, Đức Phật Niết bàn, nhục thân của Ngài cháy tan trong lửa đỏ. Chư tăng và Phật tử rất buồn khổ và thất vọng gặp Ananda đều hỏi:
“Thưa Ngài , Ngài đã xa Đức Phật? Đức Phật ở đâu? Tại sao chúng ta không đãnh lễ Đức Phật được nữa? Ngài đã làm gì?. Chuyện gì đã xảy ra?”.
Mọi người quây quần quanh Ananda với thái độ buồn chán. Ananda phải an ủi họ. Nhưng Ananda cũng còn buồn chán. Thấy thế, một vị chư thiên bảo vệ khu rừng mà Ngài Ananda vào đó để hành thiền, nhắc nhở Ananda:
“Thưa Ngài, xin Ngài đừng thất niệm như vậy, Ngài không thể hiểu giáo pháp khi có thái độ như thế này”.
Đức Phật đã dạy Đại Đức Ananda rằng:
“Ananda đừng thất vọng, 84.000 pháp luật này , 84.000 pháp uẩn này, 84.000 Đức Phật này sẽ hướng dẫn, sẽ dạy dỗ con”.
Bởi vậy, chúng ta phải hiểu rằng: Giáo pháp là Phật. Phật hiểu giáo pháp nên Ngài thành Phật. Đức Phật đã ra đi nhưng những lời dạy dỗ của Ngài hay giáo pháp đã thay thế Ngài. Người nào hiểu những gì cần phải hiểu, người đó thành Phật. Bởi thế, khuyến khích các Phật tử tao một vị Phật trong tâm có nghĩa là: “Học hỏi và lãnh hội những gì cần phải lãnh hội”.
Khi vật chất đang hiện khởi phải biết rằng vật chất đang hiện khởi. Khi tâm khởi sinh phải biết rằng tâm đang khởi sinh. Khi cảm giác khởi sinh biết rằng cảm giác đang khởi sinh. Được như thế là chúng ta tạo một vị Phật trong tâm, một bảo tháp giáo pháp.
Hòa thượng Webhu cũng thường dạy rằng:
“Hãy duy trì chánh niệm ở mũi”.
Nếu chúng ta làm như thế thì 84.000 pháp uẩn, 84.000 Đức Phật sẽ nằm ở mũi chúng ta. Phải chăng các bạn ở đây đã thực hành như thế?
Một số đã không làm được như vậy vì họ đã bỏ thì giờ để xem truyền hình. Tôi muốn gởi cho mỗi người một cuốn sổ để ghi chép. Quí vị hãy giữ cuốn sổ này, ghi chép và so sánh những giờ bạn đã bỏ ra xem truyền hình và những giờ bạn hành thiền, áp dụng trí tuệ vào thân tâm các bạn. Chúng ta phải giữ một cuốn sổ như vậy. Một số các người giữ sổ mua và bán, một số làm sổ hàng ngày và một số làm sổ hàng tháng. Phải giữ sổ kế toán cẩn thận. Bởi vì nhân viên thuế vụ một ngày nào sẽ đến viếng bạn. Ai cũng phải giữ sổ ghi chép đàng hoàn, khi nhân viên thuế vụ đến phải trình cho họ coi.
Nếu bạn đánh rơi một số tiền trong chợ, bạn phải trở lại chỗ cũ để tìm kiếm với khuôn mặt buồn bã, tiếc nuối. Số tiền bạn đánh rơi có giá trị bao nhiêu, chắc chỉ khoảng 10.000 kyats (khoảng 10 Mỹ kim). Nếu bạn mất 1.000.000 kyats mà bạn có được do trúng số thì bạn sẽ đi tìm khắp thành phố Yangon. Nếu số tiền bạn mất là 100 triệu, dĩ nhiên bạn sẽ tìm kiếm khắp nơi. Nhưng bạn có biết đâu, mỗi ngày bạn đã đánh mất 10.000 tỷ giáo pháp, nhưng bạn chẳng đi tìm kiếm. Thật ra bạn đã đánh mất nhiều hơn thế nữa. Các bạn đã đánh mất 10.000 tỷ giáo pháp trong mỗi bước đi hằng ngày. Các bạn có nghĩ rằng các bạn còn mất nhiều hơn thế nữa chăng? Các bạn đã mất cả triệu tỷ giáo pháp mỗi ngày. Các bạn đã làm gì trước sự mất mát đó. Có rất nhiều người không chánh niệm khi đi, họ nhìn trái, nhìn phải, nhìn đông, nhìn tây. Bạn thử nghĩ rằng những người thất niệm trong khi đi và những người chánh niệm trong khi đi ai nhiều hơn? Thôi khỏi nói đến người khác, hãy kiểm điểm xem chính mình. Hãy xem những giờ bạn đi trong chánh niệm và những giờ đi không chánh niệm, giờ nào nhiều hơn? Những giờ không chánh niệm rất nhiều. Nhưng nhiều hơn bao nhiêu? Không quá nhiều lắm đâu. Bạn chỉ không chánh niệm từ lúc bạn sanh ra đến bây giờ thôi! Nếu bạn làm sổ kế toán thì bạn sẽ thấy một sự mất mát lớn lao đấy. Các bạn phải bắt đầu tập thói quen giữ sổ kế toán chánh niệm ngay tối nay. Các bạn có đồng ý không?
Hãy kiểm lại xem có bao nhiêu ngàn tỉ mà chúng ta đã tích lũy mỗi ngày. Những người ở trong văn phòng kế toán đã làm được điều này. Thầy U Ba Khin và nhân viên của ông ta đã bắt đầu thói quen hành thiền trong lúc ăn trưa. Phải tinh tấn như vậy, nhân viên của U Ba Khin đã trở thành khuôn mẫu cho mọi người. Chính ông U Ba Khin đã trở thành một thiền sư nỗi tiếng và được kính trọng ở Miến cũng như nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta phải nỗ lực tinh tấn để tích lũy những thiện pháp này. Bởi vì thiện pháp này đã làm gia tăng giá trị của đời sống nhân loại. Không phải hôm nay thôi đâu, chúng ta phải giữ kế toán chánh niệm hàng ngày.