|
Post by TCTV on Jan 31, 2007 15:33:33 GMT -5
Vi Diệu Pháp (Abhidhamma - A-tỳ-đàm - Thắng Pháp)
--------------------------------------------------------------------------------
Mục lục tổng quát
1. Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka)
Bộ Pháp Tụ - Dhammasangani (Classification of Dhamma). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Phân Tích (Phân Biệt) - Vibhanga (Divisions). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Chất Ngữ (Giới Thuyết) - Dhatukatha (Discourse on Elements). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Nhân Chế Định (Nhân Thi Thuyết) - Puggala Pannatti (The Book on Individuals). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Ngữ Tông (Biện Giải) - Kathavatthu (Points of Controversy). Tâm An & Minh Tuệ dịch (*). Bộ Song Đối (Song Luận) - Yamaka (The Book of Pairs). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. Bộ Vị Trí (Phát Thú) - Patthana (The Book of Causal Relations). Hòa thượng Tịnh Sự dịch. (*) dịch từ bản Anh ngữ "Points of Controversy" (Những Điểm Dị Biệt)
2. Luận giải
Vi Diệu Pháp toát yếu (Abhidhammattha Sangaha). Luận sư Anuruddha. Hòa thượng Narada chú giải (Phạm Kim Khánh dịch). Thắng Pháp Tập Yếu Luận (Abhidhammattha Sangaha). Luận sư Anuruddha (Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và chú giải). Diệu Pháp Lý Hợp (Abhidhammattha Sangaha). Kệ thơ lục bát do Hòa thượng Tịnh Sự soạn dịch. Biểu đồ tóm tắt các chi pháp. Chú giải Thuyết Luận Sự (Kathāvatthuppakarana-Atthakathā). Tỳ khưu Thiện Minh dịch. Giới thiệu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Hòa thượng Narada (Phạm Kim Khánh dịch) Ðại cương về "Thắng pháp tập yếu luận" (Abhidhammatthasangaha). Thích Tâm Thiện Đại cương về Vi Diệu Pháp. Peter Della Santina (Thích Tâm Quang dịch). Nền tảng Phật triết trong Luận tạng Pali. Hoàng Hà Thanh Duy thức trong Thắng Pháp. Bình Anson Vi Diệu Pháp Nhập Môn. Tỳ khưu Giác Chánh. Siêu Lý Học. Tỳ khưu Giác Chánh. Vi Diệu Pháp giảng giải. Tỳ khưu Giác Chánh. Giáo tài A-tỳ-đàm. Hòa thượng Saddhammajotika (Tỳ khưu Giác Nguyên dịch). Vấn đáp: Đại cương Vi Diệu Pháp và Tâm. Tỳ khưu Chánh Minh. Quy trình Tâm Pháp. Tỳ khưu Chánh Minh Tâm Sở Vấn Đáp: Phần I - Thế nào là Tâm sở Tợ tha? Tỳ khưu Chánh Minh. Tâm Sở Vấn Đáp: Phần II - Thế nào là Tâm sở Bất thiện? Tỳ khưu Chánh Minh. Tâm Sở Vấn Đáp: Phần III - Thế nào là Tâm sở Tịnh hảo? Tỳ khưu Chánh Minh. Vi Diệu Pháp trong đời sống hằng ngày. Nina Van Gorkom (Tỳ khưu Thiện Minh dịch). Tâm sở (Cetasikas): Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo. Nina Van Gorkom (Tỳ khưu Thiện Minh dịch). Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng. Hòa thượng Janakabhivamsa (U Ko Lay dịch sang Anh ngữ; Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ). Giải Thoát Bằng Năm Tập Hợp. Giáo sư Mathieu Boisvert (Như Nhiên dịch). Abhidhamma Áp Dụng (Adhidhamma in practice). N. K. G. Mendis (Như Nhiên dịch). Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī). Pháp sư Buddhaghosa, Anh dịch: Maung Tin, Việt dịch: Tỳ khưu Thiện Minh. A-tỳ-đàm trong truyền thống Hữu bộ. Jintaro Takakusu (Tỳ khưu Giác Nguyên dịch). Sự hình thành của A-tỳ-đạt-ma. HT Thích Thiện Siêu Lộ trình tu chứng trong A-tỳ-đạt-ma. Thích Hạnh Bình Hệ thống Luận tạng của Phật giáo Bắc truyền. Đào Nguyên.
--------------------------------------------------------------------------------
DẪN NHẬP
Vi Diệu Pháp xuất phát từ đâu?
Theo lịch sữ Phật Giáo thì Vi Diệu Pháp được Ðức Phật thuyết vào hạ thứ bảy tại cung trời Ðạo Lợi (Tam Thập Tam Thiên - Tāvatimsa) với mục đích là độ thân mẫu của Ngài.
Theo một vài học giả thì Vi Diệu Pháp không phải do chính Ðức Phật thuyết mà là do các vị Sư uyên bác soạn thảo ra sau nầy. Ðại Ðức Nārada, một nhà học Phật lão thành đã viết: "Ðúng theo truyền thống thì chính Ðức Phật đã dạy phần chính yếu của tạng nầy. Những đoạn ấy được gọi là Ðầu đề (Mātikā) hay nồng cốt nguyên thủy của giáo lý như Pháp Thiện (Kusalā Dhammā), hay Pháp Bất Thiện (Akusalā Dhammā), Pháp Vô-Ký (Abyākatā Dhammā)."
Trong 6 tập của Tạng Diệu Pháp (trừ tập Ngữ Tông - Kathāvatthu - do Ngài Mục Kiền Liên Đế-tu (Moggallanaputta) viết; cũng có thuyết cho rằng tập này do chính Ðức Phật thuyết nhưng Ngài Moggallana thêm vào 500 câu) đều do Ðức Phật thuyết và Ðại Ðức Xá lợi Phất (Sārīputta) được danh dự giảng rộng và sâu vào chi tiết.
Dầu tác giả là ai, nhưng chắc chắn Tạng Diệu Pháp là một công trình sáng tác của một bộ óc kỳ tài có thể so sánh với một vị Phật.
Chúng ta không cần phải biết là Vi Diệu Pháp có phải do chính Ðức Phật thuyết hay không mà chỉ cần sáng suốt nhận định về những điều mà Tạng Diệu Pháp đề cập đến. Bởi người nào thấu rõ được chân lý thì người đó chính là người giác ngộ (hay Phật) và chỉ người nào hiểu được lẽ thật, người đó mới nói lên được sự thật.
Vi Diệu Pháp là gì?
Phạn ngữ Abhidhamma có nghĩa là những giáo lý cao siêu, vi diệu. Tiếp đầu ngữ Abhi dùng để diễn đạt sự tinh tế, thù thắng, sâu xa. Danh từ Dhamma dịch là Pháp, một Phạn ngữ có nhiều nghĩa, ở đây nó có nghĩa là lời dạy của Ðức Phật, giáo điều hay giáo lý. Vậy Vi Diệu Pháp là những giáo lý tinh hoa của Ðức Phật, giáo lý này có tính chất đặc thù hơn Kinh tạng và Luật tạng.
Chúng ta có thể thắc mắc là tại sao Kinh tạng và Luật tạng nói riêng, và toàn thể giáo lý của Ðức Phật nói chung, đều có hiệu năng đưa đến giải thoát; tại sao lại có phần này gọi là Vi Diệu mà phần kia thì không?.
Ở đây, tiếng Vi Diệu (cao sâu) không dùng với ý niệm giải thoát mà dùng trên phương tiện diễn đạt. Trong khi tạng Kinh và Luật trình bày Pháp lý theo ngôn từ phổ thông, theo Pháp Tục Ðế; thì tạng Abhidhamma trình bày những pháp bản thể chơn tướng hay pháp Chơn Ðế (Paramattha).
Một điều cần ghi nhận là tạng Diệu Pháp dùng các danh từ diễn đạt pháp lý theo một thuật ngữ chuyên môn, tức là các danh từ chơn đế (danh chơn chế định).
Như ở Kinh tạng và Luật tạng, khi nói đến chúng sanh, Phật dùng các danh từ mặc ước, khái niệm như Chư thiên, Ma vương, Vua, Quan, ... Còn ở tạng Abhidhamma khi đề cập đến chúng sanh, Phật dùng các từ như Uẩn, Xứ, Giới, Ðế, ...
Về phương diện diễn đạt, tạng Abhidhamma chú trọng về 4 pháp gọi là Vô Ngại Giải (Patisambhidā, sự thông suốt, không có ngăn ngại trong việc giảng giải). Bốn pháp vô ngại giải ấy là:
1) Pháp vô ngại giải (Dhammapatisambhidā): là sự diễn đạt thông suốt các pháp, vì ở tạng Vi Diệu Pháp các pháp được gom lại thành một giềng mối và phân tích rõ ràng.
2) Nghĩa vô ngại giải (Atthapatisambhidā): là các ý nghĩa được trình bày, giải thích một các rộng rải, không sai lầm. Trong tạng Diệu Pháp, các ý nghĩa của danh từ, của các pháp được minh định một cách rõ ràng chứ không có sự lôi thôi trong vấn đề định nghĩa.
3) Từ vô ngại giải (Niruttipatisambhidā): là sự dùng từ để diễn đạt pháp rất thông suốt, không lẩn lộn. Trong tạng Diệu Pháp các từ ngữ được dùng một cách rất chính xác, đâu ra đấy. Thí dụ như tiếng "tư tưởng" mà ta thường dùng theo phổ thông được hiểu là ý nghĩ, nhưng ở tạng Diệu Pháp, "Tư" là sự cố ý, suy nghĩ và "Tưởng" được dùng để chỉ sự nhớ lại, ôn lại ...
4) Biện vô ngại giải (Paiibhānapatisambhidā): là sự thông suốt, lưu loát trong sự biện bác. Trong tạng Diệu Pháp, pháp lý được trình bày đầy đủ, nghĩa lý được giải thích rõ ràng, ngôn từ dùng đúng chỗ không lẩn lộn. Nhờ các ưu điểm ấy, người học Abhidhamma sẽ không lúng túng khi trình bày các pháp lý.
Với những lý do trên, nên tạng này được gọi là Vi Diệu. Ngoài ra, chữ Abhidhamma còn được các dịch giả Trung Hoa dịch là :
Vô tỷ pháp: là pháp cao siêu, không có pháp nào so sánh bằng. Thắng pháp: là pháp thù thắng hơn Kinh tạng và Luật tạng. Ðại pháp: là pháp cao sâu, rộng rãi hơn các pháp trong Kinh tạng và Luật tạng. Ðối pháp: là đối tượng của trí tuệ cao siêu, sáng suốt. Hướng pháp: là pháp có khả năng hướng đến sự giải thoát, giác ngộ, liểu tri các pháp.
|
|
|
Post by TCTV on Jan 31, 2007 15:34:28 GMT -5
Yếu lược nội dung Vi Diệu Pháp.
Theo bà Rhys David, một học giả người Anh, khi nói về nội dung Vi Diệu Pháp, đã viết: "Vi Diệu Pháp nói gì? - Vi Diệu Pháp nói những gì trong ta, ngoài ta và chung quanh ta".
Cái gì trong ta? - Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay Ngũ Uẩn- những thành phần hợp lại thành một con người, một chúng sanh. Vi Diệu Pháp trình bày con người về cả hai phương diện Tâm lý và Vật lý.
Cái gì ngoài ta và cái gì chung quanh ta? - Ngoài việc trình bày cho thấy bản thể, chơn tướng của chúng ta, Vi Diệu Pháp còn chỉ cho ta thấy những gì thuộc về ngoại thân, những hiện tượng sanh diệt của những gì thuộc về thế giới bên ngoài của chúng ta và sự thoát ly thế gian (Niết Bàn).
Như vậy, bà David đã cho ta thấy rằng Vi Diệu Pháp trình bày những chơn tướng, thực thể của cái gì thuộc về nội thân và những gì thuộc về ngoại thân. Cũng nên nói thêm là khi trình bày những điều ấy, Vi Diệu Pháp đã mô tả về trạng thái, nhân sinh, sở hành, ..., của từng pháp một cách rất chi tiết.
Tóm lại, với câu giải trên, chúng ta đã thấy Vi Diệu Pháp nói gì và đề cập đến những gì. Sang một khía cạnh khác, chúng ta có thể hỏi: "Khi trình bày, phân giải những điều ấy, Vi Diệu Pháp muốn cho ta biết những gì?".
Ngài Hòa thượng Tịnh Sự Santakicco - một học giả chuyên môn về Abhidhamma - đã nói: "Vi Diệu Pháp trình bày về sự vô thường, khổ não, vô ngã và cái gì vượt ngoài ba tướng trạng ấy".
Câu nói trên đã hàm tận những ý nghĩa hết sức sâu xa và cô động một cách đầy đủ về nội dung của Vi Diệu Pháp.
Ở tạng Diệu Pháp, bốn vấn đề trọng yếu được trình bày là Tâm (thành phần tri giác của chúng sanh); Sở hữu tâm (Thành phần phụ thuộc của tâm); Sắc pháp (thành phần vật chất) và Niết Bàn (sự vắng lặng các pháp hành).
Khi bàn về Tâm cũng như Sở hữu tâm, Vi Diệu Pháp đã cho ta thấy những Duyên (Paccayo) hay yếu tố tạo thành sự hiện hữu của Tâm và sự diễn tiến hoại diệt của từng tâm sát na trong Lộ trình tâm (Cittavithā).
Cũng vậy, khi nói về Sắc pháp, Vi Diệu Pháp đã trình bày về thể trạng của Sắc pháp, những duyên trợ tạo và gìn giữ sắc pháp, cũng như tiến trình sanh diệt của từng sát na sắc pháp trong Lộ sắc.
Cuối cùng, sau khi đã trình bày về các pháp hữu vi (pháp do duyên trợ tạo), Vi Diệu Pháp còn trình bày về Niết Bàn (một trạng thái vô vi), không bị chi phối bởi vô thường, khổ não, vô ngã.
Ðể kết luận, ta có thể nói, nội dung của Vi Diệu Pháp là dạy cho chúng ta rõ về con người, thế gian và xuất thế gian (Niết Bàn).
Mục đích của việc học Vi Diệu Pháp.
Khi đã hiểu biết Vi Diệu Pháp nói gì thì vấn đề cần bàn đến là học Vi Diệu Pháp để làm chi? Hay mục đích của việc học Vi Diệu Pháp là gì? Học Vi Diệu Pháp có lợi ích gì?
Phật giáo đã dạy về bản chất giả tạm, khổ não của thế gian và con đường vượt khỏi những điều ấy là con đường siêu thế gian. Vì vậy, khi đánh thức giấc mộng vô minh của chúng sanh, Phật đã dùng nhiều phương tiện, trình bày về bản chất thật thể của thế gian là như thế nào để chúng sanh có thể ý thức được bản chất thật của thế gian là vô thường, khổ não và vô ngã.
Trong tinh thần đó, Vi Diệu Pháp nói lên lẽ thật, chơn tướng bản thể của các pháp để chúng ta có được ý niệm đứng đắn về thế gian (dẹp bỏ những thành kiến sai lầm).
Vi Diệu Pháp giúp chúng ta thấy rõ chơn tướng của các pháp và nhờ đó ta có thể dẹp đi những kiến thức sai lầm về con người và thế gian.
Trên con đường tu tập, người Phật tử cần làm hai việc: học pháp và hành pháp. Học pháp là tìm hiểu, thu lượm cho mình một kiến thức đúng, lợi ích cho việc tu tập. Hành pháp là đem những điều học được áp dụng cho đời sống hàng ngày. Vi Diệu Pháp sẽ thích ứng, và hết sức bổ ích cho cả hai việc làm đó.
Vi Diệu Pháp giúp cho ta một kiến thức cơ bản, không bị lầm lẩn khi nghiên cứu Phật pháp, bằng những cách diễn đạt Pháp vô ngại giải, Từ vô ngại giải và Biện vô ngại giải. Nhờ đó ta có thể lảnh hội dể dàng những ý nghĩa trong những lời dạy của Ðức Phật.
Thí dụ: Trong tạng Kinh, Ðức Phật dạy về Pháp Vô Ngã (không có cái ta, không phải là của ta), rồi trong tạng Luật, Phật lại dạy: "Lấy vật có chủ là trộm cắp", hai điều trên sẽ gây hoang mang cho chúng ta nếu chúng ta không biết về pháp Tục đế (Sammuttisacca) và pháp Chơn đế (Paramattha sacca) được giảng trong Vi Diệu Pháp. Ðó là lợi ích đối với việc học pháp. Về mặt hành pháp, nhất là đối với những người hành thiền quán, Vi Diệu Pháp lại là một môn học thiết yếu nhất, nó cho chúng ta một sự hiểu biết rõ ràng về Danh Sắc, phân tích, giải thích rõ ràng các pháp hữu vi, nhờ đó, khi thực hành thiền quán, minh sát, chúng ta sẽ nhận định rõ ràng và chính xác về các đề mục (Thân, Thọ, Tâm, Pháp).
Một người đã học Abhidhamma, khi hành Tứ Niệm Xứ sẽ nhận định rõ ràng và chính xác các đề mục. Trái lại, một người hành Tứ Niệm Xứ mà không biết gì về Vi Diệu Pháp thì có thể lẩn lộn, sai lầm trong việc quán sát các đề mục.
So sánh.
- Nếu nói trên phương diện đặc biệt riêng của tạng Diệu pháp trong Tam Tạng thì:
Tạng Kinh: sâu xa về nghĩa lý (Suttana Attha Gambhiro). Tạng Luật: sâu xa về việc làm (Vinaya Kicca Gambhiro). Tạng Diệu pháp: (tạng Luận), sâu xa về bản thể của các pháp (Abhidhamma Sabhāva Gambhiro).
- Nếu nói về tính chất quan trọng của tạng Diệu pháp trong Tam Tạng qua thí dụ của "cây" thì :
Tạng Kinh: là phần bông hoa, cành lá của cây, bởi tạng Kinh tiêu biểu cho vẽ đẹp của giáo lý Phật giáo. Tạng Luật: là gốc rể của cây, bởi tạng Luật là nền tảng, là sự sống còn của giáo lý. Tạng Luật còn, Phật giáo còn. Tạng Luật mất, Phật giáo mất. Tạng Diệu pháp: là lõi cây, vì nó là phần tinh túy, tinh hoa của giáo lý.
- Nếu nói trên bước tiến tu tập của người Phật tử thì giá trị của tạng Diệu pháp trong Tam Tạng là:
Tạng Kinh gọi người đến: vì tạng Kinh rất hấp dẫn, thu hút. Tạng Luật trói người lại : vì tạng Luật ghép đời sống vào khuôn khổ, qui củ. Tạng Diệu Pháp giết người chết: vì bài trừ tất cả mọi kiến thức sai lầm, nhất là ngã chấp.
Do đó, ta có thể nói, nếu nghiên cứu và tìm hiểu Phật pháp mà không biết về tạng Diệu Pháp là một thiếu sót lớn; hơn thế nửa, việc học hỏi Phật pháp cũng không bảo đảm chắc chắn được.
Tỳ khưu Giác Chánh (Trích "Vi Diệu Pháp Giảng Giải")
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:39:12 GMT -5
Tiểu sử Hòa thượng Tịnh Sự Santakicco(1913-1984) Ngài TỊNH SỰ, thế danh là VÕ VĂN ĐANG, sanh năm 1913 tại xã Hòa Long, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (Đồng Tháp ngày nay). Thân phụ của Ngài là cụ Ông VÕ VĂN TỔ, thân mẫu của Ngài là cụ Bà TRẦN THỊ THÔNG. Ngài được sanh trong một gia đình Nho giáo, với bản chất thông minh, nên vừa bảy (7) tuổi, thân phụ Ngài cho học vỡ lòng chữ Nho. Ngài tiếp thu rất lẹ, lãnh hội rất mau. Những người thân tộc vui tánh gọi Ngài là "thần đồng Lê Quí Đôn". Khi mười hai (12) tuổi, Ngài vào chùa Bửu Hưng (cùng xã Hòa Long) tu và học kinh luật Sa di thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông. Thấy Ngài thông minh, thầy của Ngài bấy giờ đặt pháp danh cho Ngài là HUỆ LỰC. Lúc hai mươi (20) tuổi, Ngài sang chùa Kim Huê (tại Sa Đéc) tu và học kinh Luật Tỳ khưu. Đến hai mươi lăm (25) tuổi, Ngài về trụ trì Chùa Phước Định ở chợ Lách. Khi ba mươi (30) tuổi, Ngài sang trụ trì chùa Viên Giác tại Long Hồ, Vĩnh Long. Lúc ba mươi lăm (35) tuổi, Ngài sang nước Campuchia (Cao Miên) thọ giới Sa di tại chùa Kùm-pung (Treyloko) ở Trà Pét, trong truyền thống Phật giáo Nam tông Theravada. Đến ba mươi tám (38) tuổi, Ngài sang nước Thái Lan, thọ giới Tỳ Khưu tại chùa Paknam ở Bangkok. Vì thấy Ngài chuyên tâm hành đạo, nên vị thầy tế độ đặt pháp danh cho Ngài là TỊNH SỰ (Santakicco). Nơi đây, Ngài chấp trì nghiêm túc hạnh Đầu đà (Dhutanga), hành Thiền Chỉ (Samatha), tu Thiền Quán (Vipassana) và học Luận A-tỳ-đàm (Abhidhamma) đến sáu năm bảy tháng mới trở về Việt Nam. Khi bốn mươi lăm (45) tuổi, Ngài về trụ trì chùa Viên Giác lại như trước, nhưng bây giờ, Ngài thay đổi sinh hoạt chùa, từ hình thức lẫn nội dung, hoàn toàn hành trì theo truyền thống Phật giáo Nam Tông. Trong thời gian trụ trì tại chùa Viên Giác, Ngài dịch Tạng Luật, các bộ Kinh Tạng, dạy Pháp học Siêu Lý và Pháp hành Tứ Niệm Xứ. Lúc năm mươi chín (59) tuổi, Ngài về trụ trì chùa Siêu Lý tại Phú Định, Sai Gon. Tại đây, Ngài mở trường Phật học, chuyên dạy môn Abhidhamma và dịch các sách giáo khoa Phật học như: Vô Tỷ Pháp sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng và tạng A-tỳ-đàm. Đến bảy mươi (70) tuổi, Ngài mới hoàn thành các dịch phẩm nói trên. Qua năm bảy mươi mốt (71) tuổi, Ngài thọ bệnh tại chùa Siêu Lý ở Sai Gon , rồi về chùa Viên Giác ở Vĩnh Long dưỡng bệnh. Đêm mùng 6 tháng 5 năm Giáp Tý, Ngài thọ bệnh kiết lỵ. Đến nữa đêm, Ngài gọi Chư Tăng đến ban lời di huấn và gởi lời sám hối phổ thông đến toàn thể Chư Tăng trong Giáo Hội, rồi gom tâm an trú trong Chánh niệm, Tỉnh giác. Lúc 6 giờ 15 phút, sáng ngày mùng 7 tháng 5 ÂL (nhằm ngày 5 tháng 6) năm 1984, Ngài đang ngồi với sư Giác Tâm, bỗng Ngài ngước lên nhìn trần nhà và mĩm cười rồi tịch. Sự nghiệp Đạo pháp của Ngài có thể kể tóm lược như sau : A. DỊCH PHẨM - Bộ Pháp Tụ (Dhammasangini) - Bộ Phân tích (Vibhanga) - Bộ Chất Ngữ (Dhātukāthā) - Bộ Nhơn Chế Định (Puggalapaññatti) - Bộ Ngữ Tông (Kāthāvatthu) - Bộ Song Đối (Yamaka) - Bộ Vị Trí (Patthāna) - Diệu Pháp Lý Hợp (Abhidhammatthasangaha) - Vô Tỷ Pháp Sơ Đẳng - Vô Tỷ Pháp Trung Đẳng - Vô Tỷ Pháp Cao Đẳng - Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) B. TẠO TỰ - Chùa Viên Giác - Chùa Pháp Độ - Chùa Long Linh - Chùa Trúc Lâm - Chùa Giác Phước - Chùa Siêu Lý - Chùa Thiền Quang I - Chùa Thiền Quang II - Chùa Tứ Phương Tăng C. TẠO TĂNG Ngài cho xuất gia hằng trăm vị Tăng sĩ. Vị đệ tử đầu tiên là Tỳ khưu Hòa Thiện, vị đệ tử cuối cùng là Sa-di Chánh Tâm. Sự ra đi của Ngài đã để lại cho toàn thể Tăng Tín đồ một niềm kính tiếc vô biên.
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:41:29 GMT -5
Abhidhammattha Saṅgaha A Manual of Abhidhamma Vi Diệu Pháp Toát YếuNārada Mahā Thera Phạm Kim Khánh dịch Mục lục Lời Mở Ðầu Chương 1 -- Tâm Vương Câu kệ mở đầu. Ðề Tài. Bốn Loại Tâm Vương Tâm Bất Thiện Thuộc Dục Giới Tâm Vô Nhân Ðồ Biểu 1,2,3 Tâm "Ðẹp" Tâm Thuộc Sắc Giới. Thiền (jhāna) Tâm Thuộc Vô Sắc Giới Tâm Siêu Thế 121 Loại Tâm Sự Chứng Ngộ Niết Bàn Ðồ Biểu 4,5,6,7,8,9. Chương 2 -- Tâm Sở Lời Mở Ðầu. Ðịnh Nghĩa Năm Mươi Hai Loại Tâm Sở Những Sự Phối Hợp Khác Nhau Của Các Tâm Sở Tâm Sở Bất Thiện Tâm Sở "Ðẹp" Tâm Siêu Thế Tâm Cao Thượng Tâm "Ðẹp" Thuộc Dục Giới Tâm Bất Thiện Tâm Vô Nhân. Chương 3 -- Phần Linh Tinh Thọ Nhân Tác Dụng Tốc Hành Tâm (Javana) Tử Tâm Môn Ðối Tượng Thời gian Siêu Trí Căn. Chương 4 -- Phân Tách Tiến Trình Tâm Tiến Trình Tâm xuyên Qua Năm Căn Môn Những Tiến Trình Tâm Tiến Trình Tâm Xuyên Qua Ý Môn Tiến Trình Tâm Appanā Phương Thức Diễn Tiến Của Chặp Ðăng Ký Tâm Phương Thức Diễn Tiến Của Tốc Hành Tâm (javana) Diệt Thọ Tưởng Ðịnh Phân Hạng Chúng Sanh Những Cảnh Giới Ðồ Biểu 9. Chương 5 -- Phần Không Có Tiến Trình Bốn Cảnh Giới Sinh Tồn Cảnh Trời Bốn Phương Cách Tái Sanh Bốn Loại Nghiệp Nghiệp Bất Thiện Nghiệp Thiện Nghiệp Những Loại Nghiệp Khác Nhau Hiện Tượng Chết Và Tái Sanh Chết Biểu Tượng Lâm Chung Dòng Diễn Tiến Của Tâm Ðồ Biểu 10, 11, 12. Chương 6 -- Phân Tách Sắc Pháp Lời Mở Ðầu. Câu Kệ Nhập Ðề Liệt Kê Các Sắc Pháp Phân Loại Các Sắc Pháp Sự Khởi Sanh Của Các Sắc Pháp Các Nhóm Sắc Pháp Phương Thức Khởi Sanh Của Các Sắc Pháp Niết Bàn Ðồ Biểu 13. Chương 7 -- Toát Yếu Những Phân Loại Câu Kệ Nhập Ðề Những Loại Bất Thiện Pháp Ðồ Biểu 14 Những Loại Pháp Linh Tinh Những Yếu Tố Của Sự Giác Ngộ Ðồ Biểu 15 Tổ Hợp Tổng Quát Tóm Lược. Chương 8 -- Toát Yếu Về Những Duyên Hệ Câu Kệ Nhập Ðề Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh Ðịnh Lý Tương Quan Duyên Hệ Những Duyên Hệ Của Danh Và Sắc Khái Niệm. Chương 9 -- Ðề Mục Hành Thiền Câu Kệ Nhập Ðề Khái Lược Về Thiền Vắng Lặng Những Giai Ðoạn Luyện Tâm Những Ấn Chứng Của Công Trình Luyện Tâm Thiền Sắc Giới Thiền Vô Sắc Siêu Trí Những Bẩm Tánh Những Pháp Thanh Tịnh Khác Nhau Sự Chứng Ngộ Giải Thoát Những Bậc Thánh Nhân Thanh Tịnh Ðạo Những Sự Chứng Ðắc Ước Nguyện. -ooOoo- Lời mở đầu Như danh từ hàm xúc ý nghĩa, Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, là Giáo Huấn Cao Siêu, vi diệu, thù thắng, của Ðức Phật. Sách nầy trình bày phần tinh hoa của Giáo Pháp mà Ngài ban truyền. Giáo Pháp nằm trong tạng Kinh (Sutta Pitaka) là giáo huấn thông thường, có tánh cách quy ước, chế định (vohāra desanā). Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là giáo huấn cùng tột (paramattha desanā) rốt ráo. Không thể đổi thay hay biến chuyển, không thể phân tách thêm được nữa. Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) cả danh và sắc, hai thành phần tâm linh và vật chất cấu tạo guồng máy phức tạp của con người, đều được phân tách rất tỉ mỉ. Những diễn tiến chánh yếu liên quan đến tiến trình sanh và tử đều được giải thích tường tận. Những điểm phức tạp và khó hiểu trong Giáo Pháp đều được rọi sáng. Con Ðường giải thoát được chỉ vạch với những ngôn từ rành rẽ. Tâm lý học hiện đại, còn hạn định, vẫn nằm trong phạm vi của Vi Diệu Pháp khi đề cập đến tâm, tư tưởng, tiến trình tư tưởng và trạng thái tâm. Nhưng Vi Diệu Pháp không chấp nhận có một linh hồn, xem như một thực thể đơn thuần thường còn, không biến đổi. Phật Giáo dạy một tâm lý học trong đó không có linh hồn trường cửu. Tâm thức được định nghĩa. Tư tưởng được phân tách và được sắp xếp thành loại trên bình diện luân lý. Tất cả những trạng thái tâm, hay tâm sở, đều được ghi rõ từng khoản. Thành phần cấu hợp của mỗi loại tâm đều được trình bày tường tận với đầy đủ chi tiết. Những tiến trình tâm phát sanh qua năm cửa giác quan và cửa tâm (ý căn) được mô tả một cách vô cùng hứng thú. Không có bản khái yếu tâm lý học nào giảng giải tiến trình tâm được rõ ràng như vậy. Những chặp tư tưởng Bhavaṅga (Hộ Kiếp) và Javana (Tốc Hành) mà trong tâm lý học hiện đại không có gì tương đương, chỉ được giải thích trong Vi Diệu Pháp. Người tìm học hỏi và nghiên cứu khoa tâm lý sẽ đặc biệt thích thú với đoạn nầy. Người thông suốt Vi Diệu Pháp sẽ nhận thức một cách hết sức rành mạch rằng luồng tâm trôi chảy như một dòng suối, quan điểm mà vài tâm lý gia hiện đại như William James cũng trình bày tương tợ. Ta phải thêm rằng người học Vi Diệu Pháp có thể thấu hiểu đầy đủ lý Vô Ngã (Anattā), giáo lý nòng cốt của Phật Giáo. Giáo lý nầy rất quan trọng về cả hai phương diện: triết học và đạo đức. Hiện tượng chết, tiến trình tái sanh vào những cảnh giới khác nhau mà không có gì di chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, giáo lý Nghiệp Báo và Tái Sanh mà ta có thể kiểm chứng bằng những sự kiện hiển nhiên, tất cả đều được giải thích đầy đủ. Chứa đựng một kho tàng quý báu những chi tiết liên quan đến phần tâm linh (nāma, danh) Vi Diệu Pháp cũng đề cập đến yếu tố thứ nhì cấu thành con người -- phần vật chất (rūpa, sắc). Những thành phần căn bản của vật chất, những năng lực vật chất, đặc tánh của vật chất, nguồn gốc của vật chất, sự liên quan giữa cơ thể vật chất và tâm, sắc và danh, đều được mô tả. Trong tập "Abhidhammattha Saṅgaha", Vi Diệu Pháp Toát Yếu, cũng có trình bày vắn tắt Ðịnh Luật Tùy Thuộc Phát Sanh (cũng được gọi là pháp Thập Nhị Nhân Duyên, hay Thập Nhị Duyên Khởi), và tiếp theo sau là phần mô tả pháp Tương Quan Duyên Hệ (những tương quan giữa nhân và quả), không tìm thấy trong hệ thống triết học nào khác. Nhà vật lý học sẽ không đào bới sâu vào Vi Diệu Pháp để thâu thập một kiến thức thấu đáo và đầy đủ về vật lý học. Ta phải nói rõ rằng Vi Diệu Pháp không chủ trương trình bày một kiến thức có hệ thống về tâm và vật chất. Pháp nầy chỉ nghiên cứu hai yếu tố hổn hợp của cái được gọi là chúng sanh, nhằm thấu triệt thực tướng của vạn pháp. Dựa trên kiến thức ấy một triết học được phát huy. Và, đặt nền tảng trên triết học nầy, một hệ thống luân lý đạo đức được triển khai nhằm chứng ngộ mục tiêu cứu cánh, Niết Bàn. Cũng như Bà Rhys Davids nói rất đúng, "Vi Diệu Pháp đề cập đến: 1. Những gì ta tìm thấy (a) bên trong ta, (b) quanh ta, và 2. Những gì ta khao khát thành đạt." Trong Vi Diệu Pháp tất cả những vấn đề nào chỉ liên quan đến các học giả và những nhà khảo cứu mà không liên quan đến sự Giải Thoát, đều được thận trọng gác qua một bên. Tập "Abhidhammattha Saṅgaha", mà tác giả được xem là Ngài Anuruddha Thera, một vị tỳ khưu người Ấn ở Kanjevaram (Kañcipura), là bản toát yếu tóm lược Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka, thường được gọi là Tạng Luận). Ðến nay sách nầy vẫn còn là bộ sách nhập môn Vi Diệu Pháp thích ứng nhất mà khi đã vững vàng thấu hiểu, ta có thể dễ dàng lãnh hội những nét đại cương của Tạng Luận. Ðể thật sự nắm vững ý nghĩa của Tạng Luận phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc một cách chuyên chú và sáng suốt tất cả bảy bộ, cùng với những chú giải và những chú giải của các chú giải ấy. Vi Diệu Pháp không phải là một đề tài chỉ thỏa mãn tạm thời người đọc thoáng qua. Ðối với người minh mẫn sáng suốt thật sự muốn tìm chân lý, Vi Diệu Pháp là một hướng dẫn thiết yếu, vừa là một luận giải có tánh cách trí thức. Ở đây có thức ăn để bồi dưỡng tinh thần các tư tưởng gia chân chánh cũng như người hăng say nghiên cứu học hỏi nhằm tăng trưởng trí tuệ và sống cuộc sống lý tưởng của người Phật tử. Tuy nhiên, đối với người nông cạn chỉ nhìn thoáng qua trên bề mặt, Vi Diệu Pháp quả thật khô khan như cát, như bụi. Ta có thể nêu lên câu hỏi: "Vi Diệu Pháp có quả thật tuyệt đối thiết yếu để chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo không? Vi Diệu Pháp có thật sự tuyệt đối thiết yếu để thấu đạt thực tướng của vạn pháp không?" Vi Diệu Pháp chắc chắn là vô cùng hữu ích để thấu đạt giáo huấn của Ðức Phật một cách đầy đủ và chứng ngộ Niết Bàn, vì pháp nầy là chìa khóa để mở cửa vào thực tại. Pháp nầy đề cập đến những thực tại và lối sống thực tiễn cao thượng dựa trên sự chứng nghiệm của các bậc đã thấu triệt và chứng đắc. Thiếu kiến thức về Vi Diệu Pháp đôi khi ta thấy khó lãnh hội ý nghĩa thật sự của một vài giáo huấn thâm diệu của Ðức Thế Tôn. Abhidhamma, Vi Diệu Pháp, chắc chắn rất hữu ích để khai triển Tuệ Minh Sát (Vipassanā). Tuy nhiên chúng ta không thể khẳng định một cách quả quyết rằng Vi Diệu Pháp tuyệt đối thiết yếu để thành tựu Giải Thoát. Hiểu biết thấu đáo và chứng ngộ là vấn đề thuần túy cá nhân (sandiṭṭhika, mỗi cá nhân phải thấu triệt chân lý và thành tựu giải thoát cho chính mình). Tứ Diệu Ðế, nền tảng của giáo huấn mà Ðức Phật ban truyền, tùy thuộc nơi tấm thân nhỏ bé nầy. Giáo Pháp không riêng biệt với ta, không ở ngoài ta. Hãy nhìn trở vào trong. Hãy tự tìm lấy ta. Chân lý sẽ tự nó bày trần, trải ra trước mắt ta. Phải chăng thiếu phụ Paṭācārā, vô cùng sầu lụy vì mất tất cả những người thân yêu nhất trong đời, đã chứng ngộ Niết Bàn trong khi rửa chân dưới suối, nhờ quán niệm về những giọt nước từ chân rơi xuống gieo điểm trên mặt nước rồi tan biến theo dòng? Phải chăng Cūlapanthaka, người không thể học thuộc một câu kinh trong thời gian bốn tháng trường đã thành tựu Ðạo Quả A La Hán nhờ thấu hiểu bản chất vô thường của một cái khăn tay sạch mà mỗi ngày ông đưa lên ngay mặt trời để nhìn? Phải chăng Upatissa, về sau trở thành Ðức Sāriputta, Xá Lợi Phất, đã chứng đắc Niết Bàn khi chỉ nghe được phân nửa câu kệ liên quan đến nhân và quả? Ðối với vài người, chỉ một chiếc lá vàng rơi cũng đủ để chứng đắc Ðộc Giác Phật. Ðối với những vị thường xuyên suy gẫm sâu xa, một chỉ dẫn nhẹ nhàng thoáng qua cũng đủ để khám phá những chân lý vĩ đại. Theo một vài học giả, Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) không phải do Ðức Phật truyền dạy mà về sau, do các nhà sư uyên bác soạn thảo và trau chuốt. Tuy nhiên, theo truyền thống, chính Ðức Phật giảng dạy phần nòng cốt của Vi Diệu Pháp. Các nhà chú giải ghi nhận rằng để tỏ lòng tri ân từ mẫu -- lúc bấy giờ đã qua đời và tái sanh vào một cảnh trời -- Ðức Phật thuyết giảng liên tiếp suốt ba tháng cho vị Trời mà trước kia là mẹ Ngài cùng với chư Thiên khác. Ðức Thế Tôn dạy Ngài Sāriputta những chủ đề chánh yếu (mātikā) của giáo lý cao siêu cấp tiến như các thiện pháp (kusalā dhamma), bất thiện pháp (akusalā dhammā) và bất định pháp (abyākata) v.v... rồi Ngài Sāriputta giảng rộng ra, gom lại thành sáu bộ sách của Tạng Luận (ngoại trừ bộ Kathāvatthu, Thuyết Sự, những điểm tranh luận). Rất khó mà tìm được một danh từ thích nghi để phiên dịch một cách chính xác Phạn ngữ "Abhidhamma". Ở đây xin tạm dịch là "Vi Diệu Pháp". Trong Vi Diệu Pháp cũng có nhiều danh từ kỹ thuật không thể được phiên dịch sang một từ ngữ khác mà khỏi làm sai lệch ý nghĩa. Vài danh từ như tâm, ý chí, tác ý, trí thức, tri giác v.v... được dùng trong triết học Tây Phương với những ý nghĩa đặc biệt. Nơi đây xin quý vị đọc giả cố gắng hiểu các danh từ kỹ thuật ấy theo nghĩa của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Ðể tránh hiểu lầm từ ngữ theo lối hiểu biết quen thuộc từ xưa, các danh từ Pāli được giải thích và giữ lại dùng ở đây, mặc dầu người không quen thuộc với Pāli đôi khi thấy phiền phức. Trong nhiều trường hợp các danh từ Pāli được chiết tự và giải thích theo ngữ nguyên để được hiểu rõ ràng và chính xác. Ðôi khi danh từ Pāli được chọn dùng luôn mà không phiên dịch để người đọc quen thuộc với những chữ ấy. Cũng có khi người đọc gặp những danh từ không được thông dụng như hoặc lậu, tâm hành, tâm quả v.v... nhưng rất quan trọng trên phương diện Vi Diệu Pháp, ý nghĩa của những danh từ nầy phải được thông suốt rõ ràng và chính xác. Trong khi soạn thảo bản dịch nầy, hai quyển "Buddhist Psychology" của Bà Rhys Davids và "Compendium of Philosophy" của Ông Shwe Zan Aung quả thật vô cùng hữu ích. Mỗi khi cần, những đoạn trong hai quyển sách nầy được trích dẫn và đăng nguyên văn cùng với lời ghi chú về xuất xứ của nó. Tôi chân thành tri ân hội Buddhist Publication Society đã tình nguyện ấn hành bản duyệt lại lần thứ nhì nầy. Nārada 14-07-1978/ 2522
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:42:31 GMT -5
Chương I
(CITTA - SAṄGAHA - VIBHĀGO) NHỮNG LOẠI TÂM VƯƠNG KHÁC NHAU
Câu kệ mở đầu:
1. Sammāsambuddhamatulaṁ -- sasaddhammagaṇuttamaṁ
Abhivādiya bhāsissaṁ -- Abhidhammatthasaṅgahaṁ.
§1.
Tôi xin thành kính đảnh lễ đấng Toàn Giác Vô Song, Giáo Pháp Tối Thượng và Giáo Hội Chúng Tăng Cao Quý, và xin nói về những gì được chứa đựng trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma).
Chú Giải:
1. Abhidhammattha-Saṅgaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, là tựa của quyển sách nầy. Theo đúng nghĩa của từng chữ, Abhidhamma là "Giáo Lý Cao Siêu". Attha ở đây là "sự vật". Saṅgaha là một toát yếu, một quyển sách khái lược bao gồm những nét đại cương. Tiếp đầu ngữ "abhi" được dùng trong nghĩa ưu thắng, vĩ đại, tuyệt diệu, tối thượng, lỗi lạc v.v...
2. Dhamma, Pháp, là một danh từ có nhiều ý nghĩa, do căn "dhar", nắm giữ, nâng đỡ. Ở đây danh từ dhamma, pháp, có nghĩa là giáo lý hay lời dạy, giáo huấn. Theo sách Atthasālinī, "abhi" có nghĩa "atireka", cao hơn, vĩ đại hơn, vượt lên trên -- hoặc "visiṭṭha", lỗi lạc, thù thắng, đặc biệt, tối thượng.
Abhidhamma có nghĩa là Giáo Lý Cao Siêu, vì pháp nầy giúp thành tựu Giải Thoát, hay bởi vì pháp nầy vượt lên trên, cao hơn giáo lý chứa đựng trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka).
Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) Ðức Phật dùng những danh từ tục đế, chế định, như người, thú, chúng sanh v.v... Trong Tạng Diệu Pháp trái lại, mỗi sự vật đều được phân tách tỉ mỉ, và Ngài dùng những danh từ trừu tượng. Vì để làm tỏ rạng phương pháp luận giải nầy nên gọi là Abhidhamma, Giáo Pháp Cao Siêu, hay Vi Diệu Pháp.
Như vậy, trước tiên, vì thế ưu thắng của giáo lý hay vì pháp nầy dẫn đến giải thoát, và vì phương pháp phân tách luận giải tuyệt hảo, pháp nầy được gọi là Abhidhamma, Vi Diệu Pháp hay Thắng Pháp [1].
3. Abhidhamma Piṭaka, Tạng Diệu Pháp, thường gọi là Tạng Luận, gồm bảy bộ là: Dhammasaṅganī, Vibhaṅga, Dhātukathā, Puggalapaññatti, Kathāvatthu, Yamaka và Paṭṭhāna [2].
A. Dhammasaṅganī, "Phân Loại các Pháp", bộ Pháp Tụ. [3]
Bộ nầy chia làm bốn chương là:
a. Tâm Vương (Citta), b. Sắc (Rūpa), c. Tóm Lược (Nikkhepa), d. Biện Minh (Atthuddhāra).
Bộ sách nầy giải thích 22 Tika Mātikās (đoạn kệ ba câu đi liền nhau) và 100 Duka Mātikās (đoạn kệ hai câu đi liền nhau) bao gồm phần tinh túy của Tạng Diệu Pháp. Phần lớn của bộ nầy giải thích ba câu đầu tiên -- Thiện Pháp (Kusalā Dhamma), Bất Thiện Pháp (Akusalā Dhamma) và Bất Ðịnh Pháp (Abyākatā Dhammā) [4].
Kể về lượng, bộ nầy hơn mười bhānavāras (bài), tức là hơn 104,000 chữ [5].
B. Vibhaṅga, "Những Tiết Mục", bộ Phân Tích.
Bộ nầy chia làm mười tám (18) mục.
Ba mục đầu, quan trọng hơn tất cả, đề cập đến Khandha (Uẩn), Āyatana (Xứ) và Dhātu (Giới, hay các Nguyên Tố cấu thành vật chất, sắc). Các mục khác đề cập đến Sacca (Ðế, chân lý), Indriya (Căn, những khả năng kiểm soát), Paccayākāra (Duyên Khởi), Satipaṭṭhāna (nền tảng của Niệm", hay Niệm Xứ), Sammappadhāna (cố gắng tột bậc, Chánh Cần), Iddhipāda (phương tiện thành tựu, hay Thần Túc), Bojjhañga (những yếu tố của trí tuệ, hay Giác Chi), Jhāna (Thiền), Appamaññā (Vô Lượng), Magga (Ðạo), Sikkhāpada (Giới Luật), Paṭisambhidā (Tri Kiến Phân Giải), Ñāṇa (Trí Tuệ), Khuddakavatthu (Ðề Mục Phụ Thuộc) và Dhammahadaya (Tinh Chất Chánh Yếu của Chân Lý).
Phần lớn những tiết mục nầy gồm ba phần: giải thích theo Kinh (Suttanta), giải thích theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và giáo lý đại cương (Pañhapucchaka).
Bộ nầy gồm ba mươi lăm bhānavāras (280,000 chữ).
C. Dhātukathā, "Luận Giải về các Ðại Nguyên Tố", bộ Chất Ngữ, hay Giới Thuyết.
Sách nầy luận: các pháp nầy có nằm hay không nằm trong, liên hợp hay tách rời ra không liên hợp, với các Uẩn (Khandha), các Xứ (Āyatana) và các Giới, hay Ðại Nguyên Tố cấu thành sắc (Dhātu).
Bộ nầy gồm mười bốn chương, nhiều hơn sáu bhānavāras (48,000 chữ).
D. Puggalapaññatti, "Chỉ Danh Những Cá Tánh", bộ Nhân Chế Ðịnh, hay Nhân Thi Thiết.
Về phương pháp trình bày, sách nầy giống như bộ Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara Nikāya) của Tạng Kinh. Thay vì đề cập đến các Pháp khác nhau, sách nầy đề cập đến những loại có cá tánh khác nhau. Có mười chương. Chương đầu đề cập đến những cá tánh đơn độc. Chương nhì các nhóm có hai cá tánh. Chương ba, các nhóm có ba cá tánh v.v...
Kể về lượng, sách nầy hơn năm bhānavāras (40,000 chữ)
E. Kathāvatthu, "Những Ðiểm Tranh Luận", bộ Ngữ Tông, hay Biện Giải.
Tác giả của bộ sách nầy được nói là Ðại Ðức Moggalliputta Tissa Thera, được nổi tiếng thời Vua Dhammāsoka (A Dục). Chính Ngài chủ tọa cuộc Kết Tập Tam Tạng lần thứ ba tại Pāṭaliputta (Patna) vào thế kỷ thứ III trước Dương Lịch. Tại hội nghị nầy bộ sách của Ngài Moggalliputta được xếp vào Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka).
Bản Chú Giải của tập Atthasālinī ghi nhận rằng bộ nầy gồm một ngàn (1,000) bài Kinh (Suttas): năm trăm (500) là chánh thống, còn năm trăm không hợp với quy tắc chánh truyền. Về lượng, bộ nầy lối cỡ bộ Dīgha Nikāya, Trường A Hàm.
Sách đề cập đến 216 điểm tranh luận, và chia làm 23 chương.
F. Yamaka, "Sách Gồm Những Câu Ðược Sắp Xếp Từng Cặp", bộ Song Ðối, hay Song Luận.
Gọi như vậy vì theo phương pháp luận giải của sách nầy, suốt từ đầu đến cuối, luôn luôn có hai câu đi đôi. Một câu hỏi và một câu đối lại, (mệnh đề hoán vị). Thí dụ cặp đầu của chương đầu đề cập đến "Căn", hay cội rễ, nguồn gốc, lập luận như sau: "Có phải tất cả các thiện pháp đều là thiện căn không? Và có phải tất cả các thiện căn đều là thiện pháp không?"
Bộ nầy chia làm mười chương là: Mūla (Căn, hay cội rễ), Khandha (Uẩn), Āyatana (Xứ, hay thành phần có liên hệ đến giác quan, lục căn), Dhātu (Giới, hay nguyên tố cấu thành vật chất, sắc), Sacca (Ðế, hay chân lý), Saṅkhāra (vật cấu tạo, hay pháp Hữu Vi), Anusaya (Tiềm Thùy, tâm tánh tiềm ẩn ngủ ngầm trong luồng nghiệp của chúng sanh), Citta (Tâm Vương), Dhamma (Pháp), và Indriya (khả năng kiểm soát, cũng gọi là Căn hay Quyền).
Sách gồm 120 bhānavāras (960,000 chữ)
G. Paṭṭhāna, "Sách Luận về Tương Quan Duyên Hệ", bộ Ðại Xứ, hay Nhân Duyên Thuyết.
Ðây là quyển sách quan trọng nhất mà cũng to lớn nhất của Tạng Diệu Pháp. Người nhẫn nại đọc sách nầy chỉ có thể khâm phục trí năng cao thâm và tuệ minh sát sâu sắc của Ðức Phật. Chắc chắn rằng muốn làm nên được một bản khái luận vừa thâm sâu vừa rộng rãi như vậy tức nhiên phải là bậc trí thức kỳ tài xuất chúng.
Danh từ Paṭṭhāna gồm tiếp đầu ngữ "pa", có nghĩa là khác nhau, và "ṭhāna", mối tương quan, hay duyên (paccaya). Gọi như vậy vì pháp nầy đề cập đến 24 phương thức tương quan duyên hệ [6], những đoạn ba câu (tika), và những đoạn hai câu (duka), đã nói đến trong bộ Dhammasaṅganī. Ðây là phần tinh hoa của Tạng Diệu Pháp.
Ta có thể đoán được tầm quan trọng của bản khái luận nầy -- cũng được gọi là "Mahā Pakaraṇa", quyển sách lớn, hay Ðại Tạng -- xuyên qua những lời chú giải của tập Atthasālinī như sau: "Và trong khi Ngài suy niệm về những tiết mục của bộ Dhammasaṅganī thân Ngài không có tỏa hào quang. Cùng thế ấy, khi Ngài suy niệm về năm bộ kia (thân Ngài không tỏa hào quang). Nhưng đến quyển Ðại Tạng, Mahā Pakaraṇa, khi Ngài bắt đầu suy niệm đến 24 liên hệ tương quan phổ thông của duyên [7], sự trình bày v.v... đức tánh Toàn Tri của Ngài chắc chắn đã tìm được cơ hội trong đó [8]. (Vì lẽ ấy hào quang phát tủa ra từ thân Ngài).
Ghi chú:
[1] Xem The Expositor, Phần I, trang 3.
[2] Dhammasaṅgani - Vibhangañ ca - Kathāvatthu ca - Puggalaṁ Dhātu - Yamaka - Paṭṭhānaṁ - Abhidhammo' ti vuccati.
[3] Xem quyển Buddhist Psychology (bản dịch bộ Dhammasaṅgani), của tác giả Bà Rhys Davids và quyển Guide Through The Abhidhamma Piṭaka của Ð.Ð. Nyanatiloka.
[4] Xem chú thích số 17 của chương nầy.
[5] Bhānavāra = 250 câu; 1 câu = 4 hàng; 1 hàng = 8 chữ. Như vậy, 1 bhānavāra gồm 8,000 chữ.
[6] Sẽ được giải thích trong một chương sau.
[7] Lúc ấy Nhứt Thiết Chủng Trí của Ðức Phật được phát huy tột độ.
[8] Muốn có đầy đủ chi tiết về bảy bộ sách của Tạng Diệu Pháp, xem Guide Through The Abhidhamma Piṭaka của Ðại Ðức Nyanatiloka và bài Giới Thiệu của tập Expositor, phần i, từ trang 5 đến trang 21. Cũng xem Buddhist Psychology trang 135-193, Relations, Encyclopaedia of Religion and Ethics và Lời Nói Ðầu của vị chủ biên bản Tikapaṭṭhāna Text.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:44:17 GMT -5
ABHIDHAMMATTHĀ Ðề Tài
2. Tattha vutt' ābhidhammatthā -- catudhā paramatthato
Cittaṁ cetasikaṁ rūpaṁ -- Nibbānam' iti sabbathā.
§2.
Trong ý nghĩa cùng tột, đề tài của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) ghi nhận trong tập nầy, được phân làm bốn tất cả: 1) Tâm vương, 2) Tâm sở, 3) Sắc, 4) Niết Bàn.
Chú Giải:
4. Thực tại:
Có hai thực tại. Thực tại bề ngoài, hay tục đế, và thực tại cùng tột, chân đế, hay đệ nhất nghĩa đế. Thực tại bề ngoài là chân lý chế định, quy ước, thực tại thông thường của thế gian (sammuti sacca). Thực tại cùng tột là chân lý tuyệt đối, trừu tượng (paramattha sacca).
Thí dụ, mặt phẳng của cái bàn mà ta nhìn thấy là thực tại bề ngoài, tục đế. Nhưng hiểu một cách rốt ráo, khi thấu đến ý nghĩa cùng tột của nó, cái mặt bàn mà ta thấy bề ngoài bằng phẳng ấy gồm những năng lực và những đặc tánh, hay nói cách khác gồm những rung động.
Trong sự giao dịch thông thường hằng ngày, nhà khoa học dùng danh từ "nước", nhưng trong phòng thí nghiệm, nhà khoa học gọi là H2O. Cùng thế ấy, trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) Ðức Phật dùng danh từ thông thường như người, đàn ông, đàn bà, chúng sanh v.v... nhưng trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka) Ngài dùng một lối diễn đạt khác. Ở đây Ngài áp dụng phương pháp phân giải và dùng những danh từ trừu tượng như Khandha (Uẩn, thành phần cấu tạo chúng sanh), Dhātu (Giới, những nguyên tố, thành phần cấu tạo "sắc", phần vật chất của chúng sanh), Āyatana (Xứ, thành phần có liên quan đến giác quan: lục căn, lục trần) v.v...
Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) danh từ para- mattha có nhiều nghĩa. Ðó là một danh từ kép gồm hai phần: parama và attha. "Parama" được giải thích là cái gì không thể biến chất, không thể biến đổi hay trở thành một cái gì khác (aviparīta), là trừu tượng (nibbaṭṭita); "Attha" là vật. Vậy, paramattha là vật không thể biến chất, hay trừu tượng. Thực tại trừu tượng được xem là gần ý nghĩa với danh từ paramattha nhất. Mặc dầu ở đây dùng danh từ "không biến đổi" nhưng phải hiểu rằng không phải tất cả paramatthas đều vĩnh viễn hay thường còn.
Thí dụ như một cái lọ bằng đồng. Ðó không phải là paramattha vì bản chất của cái lọ đổi thay từng khoảnh khắc và chính nó cũng có thể được nhồi nắn lại để trở thành một cái gì khác hơn cái lọ -- cái bồn chẳng hạn. Cả hai vật ấy, cái lọ và cái bồn, đều có thể được phân tách và rút gọn đến mức cùng tột thành những năng lực và những đặc tánh vật chất căn bản mà Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) gọi là Rūpa Paramattha.
Những thực tại nầy cũng vô thường, phải biến đổi. Tuy nhiên, những đặc tánh cá biệt của vật chất (sắc) ấy đồng nhất thể trong hai vật, cái lọ và cái bồn. Nó vẫn giữ trọn vẹn thực chất của nó mặc dầu ta có thể pha trộn cách nào. Do đó Bản Chú Giải định nghĩa parama là không biến chất hay thực tại nguyên vẹn.
Danh từ 'attha' phù hợp một cách chính xác với Anh ngữ có nhiều ý nghĩa "thing" (vật). Ở đây không thể dịch "attha" là "có nghĩa".
Có bốn paramatthas, hay thực tại trừu tượng như thế. Bốn thực tại nầy bao gồm tất cả những gì tại thế và siêu thế.
Cái được gọi chúng sanh là tại thế. Niết Bàn là siêu thế. Chúng sanh được cấu thành do hai phần: phần tâm linh (nāma, danh) và phần vật chất (rūpa, sắc). Hiểu theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Rūpa hay Sắc bao hàm cả hai ý nghĩa: đơn vị căn bản của vật chất và cũng là những biến đổi vật lý. Vi Diệu Pháp liệt kê 28 loại vật chất, sẽ được đề cập đến trong một chương sau. Nāma bao gồm cả hai, tâm vương và tâm sở. Chương 2 của sách nầy sẽ đề cập đến các tâm sở ấy (cetasika). Có tất cả 52 tâm sở. Vedanā, Thọ, là một. Saññā, Tưởng, là một tâm sở khác. 50 tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra, Hành. Cái chứa đựng những đặc tính tinh thần ấy là Viññāṇa, Thức, hay tâm vương, đề tài của chương nầy.
Theo sự phân tách kể trên, cái được gọi là chúng sanh gồm năm nhóm, hay năm Uẩn (Pañcakkhandhas, Ngũ Uẩn): Rūpa (Sắc), Vedanā (Thọ), Saññā (Tưởng), Saṅkhāra (Hành), Viññāṇa (Thức).
Tâm Vương, Tâm Sở (ngoại trừ 8 loại tâm vương siêu thế và những tâm sở phụ thuộc dính liền theo các tâm nầy) và Sắc, là Tại Thế (Lokiya). Niết Bàn (Nibbāna) là Siêu Thế (Lokuttara). Chỉ có Niết Bàn là thực tại tuyệt đối. Ðó là mục tiêu cứu cánh của Phật Giáo. Tâm Vương, Tâm Sở và Sắc được gọi là thực tại vì đó là những vật có hiện hữu (Vijjamāna dhammā). Ngoài ra, ba pháp ấy không thể phân chia ra thêm được nữa, không thể biến chất nữa, và là những vật trừu tượng. Ba pháp ấy liên quan đến cái gì ở trong và ở quanh ta.
Paramattha, chân đế, hay thực tại đầu tiên là Citta (Tâm Vương). Danh từ "citta" xuất nguyên từ căn "citi", có nghĩa suy nghĩ. Theo Bản Chú Giải "citta", tâm vương hay thức, là cái gì hay biết (cinteti = vijānāti), cái gì nhận thức trần cảnh, hay biết sự hiện hữu của một đối tượng. Không phải cái gì suy nghĩ đến một đối tượng như danh từ nầy hàm ý. Về phương diện Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), Cittā, Tâm Vương hay Tâm, có thể được định nghĩa là sự hay biết một đối tượng. Chỉ có sự hay biết suông, không có cái gì chủ động như một linh hồn.
Citta, Ceta, Cittupāda, Nāma, Mana, Viññāṇa là những danh từ được xem là đồng nghĩa trong Abhidhamma. Do đó, đứng về phương diện Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, không có sự khác biệt giữa tâm và thức [1].
Khi phân tách cái được gọi là chúng sanh làm hai phần, vật chất và tinh thần, thì phần tinh thần hay tâm, được gọi là Danh (Nāma).
Khi phân cái được gọi là chúng sanh làm năm uẩn (Pañcakkhandha) thì phần ấy được gọi là Thức (Viññāṇa). Còn danh từ Citta thì luôn luôn được dùng khi đề cập đến những loại tâm khác nhau. Trong những trường hợp lẻ loi, theo nghĩa thông thường của tâm, cả hai danh từ Citta và Mana thường được dùng.
Ba thực tại kia sẽ được đề cập đến trong một phần sau.
Ghi chú:
[1] Trong bài giới thiệu tập Compendium, trang 2, Ông Aung viết:
"Theo sự định nghĩa của nhà Văn Phạm thì danh từ "Citta" (tâm) là ārammaṇaṁ cinteti'ti cittaṁ (tư tưởng = nghĩ đến một đối tượng). ở đây, chữ cinteti được dùng theo nghĩa bao quát nhất của nó là vijjānāti (biết). Do đó tâm thường được định nghĩa là "cái gì hay biết một đối tượng" ... Do sự định nghĩa nầy ta có định nghĩa của chữ "viññāṇa", thức. Vậy, "Thức" có thể được định nghĩa là mối liên quan giữa ārammaṇika (chủ thể) và ārammaṇa (khách thể)."
Xem Compendium trang 234. Không có lý do nào để phân biệt hai danh từ citta và viññāṇa như vậy.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:46:06 GMT -5
Catubbidha Cittāni Bốn loại tâm vương
3. Tattha Cittaṁ tāva catubhidhaṁ hoti:
i. Kāmāvacaraṁ, ii. Rūpāvacaraṁ, iii. Arūpāvacaraṁ, iv. Lokuttaraṁ c'āti.
§3.
Trong đó (tức trong các tâm vương), đầu tiên có bốn loại:
i. Tâm thuộc Dục Giới, ii. Tâm thuộc Sắc Giới, iii. Tâm thuộc Vô Sắc Giới, và iv. Tâm Siêu Thế.
Chú Giải:
5. Kāmāvacara. Tâm Thuộc Dục Giới.
Kāma, ở thể chủ quan (subjective), là lòng khao khát, dục vọng. Ở thể khách quan (objective) kāma là đối tượng của giác quan như sắc, thinh, hương, vị, xúc. "Kāma" cũng có nghĩa là mười một cảnh giới trong Dục Giới tức bốn cảnh khổ (Apāya), cảnh người (Manussaloka), và sáu cảnh Trời Dục Giới (Sagga).
Avacara là cái gì linh động, di chuyển tới lui, hoặc thường xuyên hiện hữu. Vậy "Kāmāvacara" là cái gì thường lui tới hay thường xuyên hiện hữu trong Dục Giới, hoặc cái gì thuộc về giác quan và đối tượng của giác quan. Thông thường, các loại tâm nầy phát sanh trong Dục Giới, nhưng cũng có thể phát sanh trong các cảnh giới khác, khi tâm hay biết một đối tượng của giác quan.
6. Rūpāvacara, Arūpāvacara, Tâm Thuộc Sắc Giới, Thuộc Vô Sắc Giới.
Cái gì thuộc về Thiền Sắc Giới và Thiền Vô Sắc (Rūpa và Arūpa Jhāna), theo thứ tự, hoặc là cái gì thường lui tới hay thường hiện hữu trong cảnh Sắc Giới và cảnh Vô Sắc Giới.
Rūpalokas là những cảnh giới mà người chứng đắc các tầng Thiền Sắc Giới (Rūpajhānas) sẽ tái sanh vào.
Bây giờ, một câu hỏi có thể được nêu lên:
"Tại sao chúng sanh ở cảnh Sắc Giới nầy, lỗi lạc xuất chúng, đã có một cơ thể vật chất rất tế nhị, mà còn gọi cảnh nầy là Rūpaloka, cảnh "Sắc Giới"? Bản Chú Giải giảng rằng bởi vì chúng sanh tái sanh vào cảnh giới ấy là những vị đã phát triển các tầng Thiền căn cứ trên những vật dùng làm đề mục hành thiền như đất, nước v.v... (Rūpakasiṇas).
Arūpaloka là những cảnh giới không có cơ thể vật chất. Do năng lực của Thiền, chỉ có tâm tồn tại trong cảnh nầy. Thông thường tâm và cơ thể vật chất, danh và sắc, dính liền nhau, không thể tách rời ra. Nhưng, do năng lực của ý chí, trong những trường hợp đặc biệt ngoại lệ, có thể tách rời danh ra khỏi sắc, cũng như ta có thể giữ một khối sắt ở giữa lừng, giữa không trung, nhờ một từ lực nào như nam châm chẳng hạn.
7. Lokuttara. Siêu Thế.
(Loka + Uttara). Ở đây "Loka" là ngũ uẩn. "Uttara" là ở trên, hay ở ngoài, hay cái gì vượt khỏi lên trên. Ðó là tâm siêu thế, có thể giúp ta vượt ra khỏi thế gian danh-sắc nầy. Ba cảnh giới đầu -- Tam Giới: Dục, Sắc và Vô Sắc Giới -- được gọi là tại thế (Lokiya).
-ooOoo-
KĀMĀVACARA-CITTĀNI TÂM VƯƠNG THUỘC DỤC GIỚI
4.
Akusala Cittāni
Tattha katamā Kāmāvacaraṁ?
1) Somanassa-sahagataṁ, diṭṭhigatasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ. 2) Somanassa-sahagataṁ, diṭṭhigatasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ. 3) Somanassa-sahagataṁ, diṭṭhigatavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ. 4) Somanassa-sahagataṁ diṭṭhigatavipayuttaṁ sasankhārikam ekaṁ. 5) Upekkhā-sahagataṁ, diṭṭhigatasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ. 6) Upekkhā-sahagatam, diṭṭhigatasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ. 7) Upekkhā-sahagataṁ, diṭṭhigatavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ. 8. Upekkhā-sahagataṁ, diṭṭhigatavipayuttaṁ sasaṅkhārikam ekan'ti
Imāni aṭṭha'pi Lobhasahagatacittāni nāma.
9) Domanassa-sahagataṁ, paṭighasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ. 10) Domanassa-sahagataṁ, paṭighasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekan'ti.
Imāni dve'pi Paṭigha sampayuttacittāni nāma.
11) Upekkhā-sahagataṁ, vicikicchāsampayuttam ekaṁ. 12) Upekkhā-sahagataṁ, uddhaccasampayuttam ekan'ti.
Imāni dve'pi Momūhacittāni nāma
Icce'vaṁ sabbathā'pi dvādasākusala-cittāni samattāni.
Aṭṭhadhā lobhamūlāni -- dosamūlani ca dvidhā Mohamulāni ca dve'ti -- dvādasākusalā siyuṁ.
§4.
Tâm Bất Thiện
Trong các loại tâm vương, tâm nào thuộc về Dục Giới?
Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Tham
1. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến. 2. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và liên hợp với tà kiến. 3. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến. 4. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, và không liên hợp với tà kiến. 5. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến. 6. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với tà kiến. 7. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến. 8. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và không liên hợp với tà kiến.
Tám loại tâm nầy bắt nguồn từ Căn Tham.
Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Sân
9. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý. 10. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ Ưu, và có liên hợp với ác ý.
Hai loại tâm nầy liên hợp với ác ý.
Tâm Bắt Nguồn Từ Căn Si
11. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với hoài nghi. 12. Một tâm, đồng phát sanh cùng thọ Xả, và liên hợp với phóng dật.
Hai loại tâm nầy bắt nguồn từ căn Si mạnh mẽ.
Ðến đây chấm dứt tất cả mười hai loại tâm bất thiện.
TÓM LƯỢC:
Tâm bắt nguồn từ căn Tham, tám. Từ căn Sân, hai, và từ căn Si, hai. Như vậy có tất cả mười hai loại tâm bất thiện.
Chú Giải:
8. Akusala, Kusala, Vipāka, Kiriya, Bất Thiện, Thiện, Quả, Hành.
Trong một phần trước, tâm được rộng rãi phân làm bốn hạng -- tâm thuộc Dục Giới, tâm thuộc Sắc Giới, tâm thuộc Vô Sắc Giới và tâm Siêu Thế -- phù hợp với bốn cảnh giới mà trong ấy các loại tâm nầy được chứng nghiệm.
Theo bản chất của nó, cũng có bốn loại tâm khác nhau:
a) Vài loại tâm là bất thiện (akusala) bởi vì bắt nguồn từ tham (lobha), sân hay ác ý (paṭigha), và si (moha).
b) Ðối chiếu, có những loại tâm thiện (kusala) vì bắt nguồn từ không-tham, tức quảng đại, bố thí (alobha), không- sân, tức thiện ý, từ ái (adosa), và không-si, tức trí tuệ (amoha).
Các loại tâm bất thiện (akusala) được xem là không lành mạnh, bất tịnh, vì tạo hậu quả không đáng được ưa thích, bất khả ái (aniṭṭha vipāka). Các loại tâm thiện (kusala) là lành mạnh, thanh tịnh, vì tạo hậu quả đáng được ưa thích, khả ái (iṭṭha vipāka). Cả hai, thiện (kusala) và bất thiện (akusala), đều được gọi là Nghiệp (Kamma).
c) Những loại tâm phát sanh như hậu quả dĩ nhiên của tâm thiện và bất thiện ấy được gọi là Vipāka, tâm quả, hay tâm dị thục. Phải biết rằng cả hai loại tâm, Nghiệp (Kamma) và Quả (Vipāka), đều thuần túy thuộc về tinh thần.
d) Loại tâm thứ tư được gọi là Kiriya, hay Kriyā, có nghĩa là "không có hiệu lực về phương diện nghiệp báo", chỉ thuộc về cơ năng. Loại tâm nầy thường được gọi là tâm "Hành", hay tâm "Duy Tác", trong ý nghĩa có hành động mà không có quả của hành động, nói cách khác, là "hành động không tạo nghiệp".
9. Mūla, Căn
Căn (Mūla) hay cội rễ, nguồn gốc từ đó phát sanh. Lobha (tham), dosa (sân), và moha (si), là ba căn bất thiện. Ðối chiếu với ba căn nầy là ba căn thiện: alobha (không tham), adosa (không sân), và amoha (không si). Lobha, bắt nguồn từ "Lubh", bám chặt vào, hay cột lại, có thể được dịch là "luyến ái", hay "bám níu". Vài học giả thích dùng danh từ "khát vọng" hơn. ái dục cũng được dùng trong nghĩa tương đương với lobha.
Khi giác quan tiếp xúc với một đối tượng đáng được ưa thích, tức trần cảnh khả ái, thông thường có sự luyến ái hay bám níu phát sanh. Ngược lại, nếu đối tượng không đáng được ưa thích thì có tâm bất toại nguyện.
Trong Phạn ngữ (Pāli), sự bất toại nguyện ấy đuợc gọi là dosa hay paṭigha. Dosa xuất nguyên từ căn "dus", không bằng lòng, không vui, bất mãn, bất toại nguyện. Paṭigha do căn "paṭi", chống lại, và "gha", chạm vào, đụng, tiếp xúc. ác ý, thù hận, cũng được xem như có ý nghĩa tương đương với paṭigha.
Moha do căn "muh", lầm lạc, ảo tưởng. Ðó là trạng thái mê mờ, lầm lạc, ảo tưởng. Chính moha bao trùm đối tượng như một đám mây mờ và làm cho tâm mù quáng, không thấy rõ. Ðôi khi moha được phiên dịch là không biết, si mê.
Theo Abhidhamma, moha (si) nằm trong tất cả các loại tâm bất thiện. Lobha (tham) và dosa (sân) không phát sanh một mình mà luôn luôn phối hợp với moha (si). Còn moha (si), thì có thể khởi sanh đơn độc một mình. Do đó danh từ "momūha", si mê mạnh mẽ.
Ðối nghịch hẳn với ba căn trên có ba căn thiện (Kusala). Ba căn nầy không những hàm xúc sự vắng mặt một số điều kiện bất thiện mà còn bao hàm sự hiện hữu của những điều kiện có tánh cách "thiện" một cách tích cực. Alobha không phải chỉ có nghĩa là không luyến ái (không tham), mà cũng là quảng đại, bao dung, rộng rãi bố thí. Adosa cũng không phải chỉ là không sân hay không thù hận, mà còn là thiện ý, thiện chí, hay tâm từ (mettā). Amoha không phải chỉ là không si mê mà cũng là trí tuệ hay tri kiến, minh mẫn sáng suốt (ñāṇa hay paññā).
10. Vedanā, Thọ
Vedanā, Thọ, hay cảm giác, là một trạng thái tâm (hay tâm sở) phổ thông, chung nằm trong tất cả các loại tâm vương.
Ðại để có ba loại thọ là: somanassa, thọ hỷ, vui vẻ về tinh thần. Domanassa, thọ ưu, sầu muộn, buồn phiền về tinh thần, và upekkhā, thọ vô ký, bình thản, không vui không buồn, xả. Với dukkha, khổ, đau đớn về vật chất và sukha, lạc, sung sướng vật chất, tính chung có tất cả năm loại Thọ.
Somanassa là một danh từ trừu tượng gồm "su", tốt và "mana", tâm. Ðúng theo ngữ nguyên, là trạng thái tốt đẹp của tâm, tức vui vẻ, hay thọ hỷ. Cùng thế ấy, domanassa ("du", xấu và "mana", tâm), là trạng thái xấu của tâm, tức buồn phiền, sầu muộn, hay thọ ưu. Loại thọ thứ ba là vô ký. Danh từ "bình thản" được dùng ở đây trong ý nghĩa riêng biệt chớ không có nghĩa là tâm chai đá, cứng đơ, không còn cảm xúc. Danh từ Sukha gồm "su", dễ dàng, và "kha", gánh chịu hay chịu đựng. Cái gì có thể chịu đựng dễ dàng là sukha, tức sung sướng, thọ lạc. Dukkha ("du" là khó), là cái gì khó chịu đựng, tức đau đớn, thọ khổ. Cả hai cảm giác nầy thuộc về vật chất.
Theo Abhidhamma, trong tám mươi chín (89) loại tâm vương chỉ có một loại đồng phát sanh cùng thọ khổ, một loại cùng thọ lạc, và hai loại với thọ ưu. Ngoài ra tám mươi lăm (85) loại tâm còn lại đều liên hợp với thọ hỷ hoặc thọ xả.
Hỷ (somanassa), ưu (domanassa), và xả (upekkhā) thuần túy thuộc về tinh thần. Lạc (sukha), và khổ (dukkha) hoàn toàn vật chất. Ðó là lý do tại sao thọ xả, upekkhā, không thể đồng phát sanh cùng với "xúc giác". Bởi vì, theo Abhidhamma, khi "xúc", hay có sự đụng chạm, tức nhiên phải có hoặc thọ lạc (sukha), hoặc thọ khổ (dukkha) mà không thể vô ký hay xả. [1]
11. Diṭṭhi, Tà Kiến
Danh từ Diṭṭhi nầy do căn "dis", có nghĩa thấy, tri giác, và thường được dịch là quan kiến, sự tin tưởng, ý kiến v.v... Ði kèm với tĩnh từ "sammā", sammā diṭṭhi là chánh kiến, hiểu biết chân chánh. Ði kèm với "micchā", micchā diṭṭhi là tà kiến, hiểu biết lầm lạc. Ở đây danh từ nầy được dùng đơn độc -- không có tĩnh từ kèm theo -- trong nghĩa tà kiến.
12. Saṅkhārika, Có Sự Xúi Giục
Ðây là một danh từ thuần túy kỹ thuật có một ý nghĩa đặc biệt trong Abhidhamma. Saṅkhārika gồm "sam", tốt, và căn "kar", tác hành, chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành. Ðúng theo ngữ nguyên, danh từ nầy có nghĩa hoàn thành, chuẩn bị, sắp xếp trước. Saṅkhārika là có sự xúi giục, từ bên ngoài hay có sự toan tính chuẩn bị, từ bên trong. Cũng như chữ dhamma, danh từ saṅkhāra có rất nhiều ý nghĩa, và nghĩa chính xác của nó phải được hiểu tùy theo đoạn văn.
Trong Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha), saṅkhāra, hành uẩn, là tên gọi chung tất cả các tâm sở trừ hai, tâm sở thọ (vedanā) và tâm sở tưởng (saññā).
Trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicca Samuppāda) saṅkhāra, cũng đuợc gọi là "hành", bao gồm tất cả những hành động thiện và những hành động bất thiện, những tư tưởng xấu và tốt.
Khi saṅkhāra đuợc dùng trong nghĩa cái gì phải chịu vô thường, khổ v.v... thì đó là những vật được cấu tạo, những vật tùy thế, hay các pháp hữu vi, cũng gọi là hành.
Ở đây, khi danh từ nầy được dùng với "sa", thì có nghĩa là "cùng chung với"; và khi dùng với "a" thì hàm xúc ý "không". Sa-saṅkhārika -- đúng ngữ nguyên là: "với sự cố gắng" -- cái gì bị xúi giục, xui khiến, thúc đẩy, hay rủ ren, bởi tự chính mình hay bởi kẻ khác. Asaṅkhārika, đúng ngữ nguyên, là "không có sự cố gắng", cái gì được làm một cách tự động, hồn nhiên, không có sự xúi giục, không chịu ảnh hưởng từ bên trong hay bên ngoài.
Thí dụ, nếu ta làm một hành động nào do người khác xúi giục, hoặc làm sau khi suy xét, hay toan tính, hành động ấy là sa-saṅkhārika, "có sự xúi giục". Trái lại, khi tự động làm một việc gì, hồn nhiên, mau lẹ, không suy nghĩ hoặc dò xét, hay mưu tính trước, cũng không do ai xui khiến, tức không có sự xúi giục, không chịu ảnh hưởng của ai hay của gì, từ bên trong hay bên ngoài, hành động ấy là asaṅkhārika, "không có sự xúi giục".
13. Vicikicchā, Hoài Nghi.
Ðây là một danh từ bao gồm cả hai tánh cách, luân lý và tôn giáo. Bản Chú Giải nêu lên hai lối giải thích:
a) "Vici" = vicinanto, tìm kiếm, hay dò xét tìm hiểu. "Kicch" = mệt mỏi, e ngại, bị phiền phức. Ðó là trạng thái phiền phức do bận rộn thắc mắc, suy nghĩ.
b) "Vi", không có + Cikicchā, thuốc (của tri kiến). Vicikicchā là cái gì không có thuốc của tri kiến (tức không được chữa trị bằng liều thuốc hiểu biết).
Cả hai lối giải thích đều ám chỉ một trạng thái tâm bất định, bối rối, phân vân [2]. Danh từ nầy bao hàm ý nghĩa hoài nghi, thắc mắc, ngờ vực, bất định. Suy luận, hay tìm tòi để hiểu biết luôn luôn được Phật Giáo khuyến khích. Phật Giáo không bao giờ khuyên dạy đức tin mù quáng.
14. Uddhacca, Phóng Dật.
Phạn ngữ nầy gồm "u", quá đổi và căn "dhu", chao động, cảm kích. Ðúng theo ngữ nguyên, uddhacca là cảm kích, hay bị khích động quá độ. Ở đây là trạng thái tâm bồn chồn, rối ren, không an nghỉ, nghịch nghĩa với tâm an trụ, chăm chú vào một điểm. Tập Atthasālinī giải thích uddhacca là trạng thái tâm xao lãng, băn khoăn lo âu, hay bối rối, không yên.
15. Kusala và Akusala, Thiện và Bất Thiện.
Ðoạn nầy đề cập đến các loại tâm bất thiện (Akusala). Akusala trực tiếp nghịch nghĩa với Kusala.
Sách Atthasālinī giải thích ngữ nguyên của danh từ Kusala như sau [3]:
(i) "Ku", xấu + căn "sal", lay chuyển, run rẩy, tiêu diệt. Cái gì lay chuyển, tiêu diệt điều bất thiện, hay điều đáng khinh miệt, là kusala.
(ii) "kusa" + căn "lu", cắt đứt. "Kusa" do "ku", xấu và căn "si", nói dối. Cái gì gian dối một cách đáng khinh miệt là kusa, tật xấu. Kusala là cái gì cắt đứt tật xấu.
(iii)
a- "ku" bất thiện, xấu + căn "su", suy giảm. Cái gì làm suy giảm, hay tiêu diệt điều bất thiện là "kusa", tri kiến hay trí tuệ. Kusa, theo ngữ nguyên như được giải thích trên + căn "lu", cắt đứt. Cái gì cắt đứt (điều bất thiện) bằng trí tuệ là kusala.
b-. "Kusa", như giải trên + căn "la", lấy. Cái gì bị trí tuệ bám lấy là kusala.
(iv) Loại cỏ kusa có hai bề lưỡi đều sắc bén nên cắt đứt tay bằng cả hai bề. Cùng thế ấy, kusala cắt đứt cả hai phần của dục vọng -- phần đã phát sanh và phần chưa phát sanh.
Về ý nghĩa bao hàm của danh từ nầy, sách Atthasālinī ghi [4]: "Chữ kusala có nghĩa 'mạnh khoẻ' (ārogya), 'vô tội' (anavajja), 'thông minh' (cheka), 'có khả năng tạo quả an vui' (sukhavipāka)".
Ngoại trừ "thông minh", tất cả ba nghĩa kia đều có thể áp dụng cho danh từ kusala.
Kusala là tinh khiết hay lành mạnh, hiểu theo nghĩa "tránh khỏi những chứng bệnh vật chất và tinh thần do dục vọng gây nên".
Kusala là vô tội, hiểu theo nghĩa "tránh khỏi tội lỗi do dục vọng tạo duyên gây nên, do những ảnh hưởng xấu của dục vọng, và sức nóng của dục vọng".
Ở đây sukhavipāka, quả an vui, không nhất thiết phải là thọ lạc, sung sướng về vật chất. Quả vui ở đây là trạng thái dịu dàng, thoải mái, tiện nghi thơ thới -- cả vật chất lẫn tinh thần.
Sách Atthasālinī lại có ghi rằng kusala được dùng trong nghĩa "đã được hoàn thành với trí tuệ" (kosalla- sambhūtaṭṭhena; kosallaṁ vuccati paññā). Xét theo những ý nghĩa khác nhau của danh từ, kusala có thể được hiểu là: lành mạnh, tinh khiết, trong sạch, hay thiện. Vài học giả thích phiên dịch kusala là tinh xảo, khéo léo. Do đó, Akusala là bất tịnh, không tinh khiết, hay bất thiện. Kusala và Akusala tương đương với tốt và xấu, đúng và sai.
16. Làm thế nào xác định rằng một hành động là thiện (kusala) hay bất thiện (akusala)? Dựa trên tiêu chuẩn đạo đức nào? [5]
Một cách vắn tắt, cái gì liên hợp với ba căn (mūla) bất thiện (akusala) là bất thiện. Liên hợp với ba căn thiện (kusala) là thiện.
Cũng như hột giống được gieo trồng trên đất phì nhiêu sẽ sanh sôi nảy nở, không sớm thì chầy, tùy theo bản chất riêng của nó.
Cùng thế ấy, hành động thiện và bất thiện sẽ tạo những hậu quả đáng được ưa thích hay không đáng được ưa thích, hậu quả ấy được gọi là Vipāka (Quả).
17. Kiriya hay Kriyā -- theo nghĩa từng chữ, kiriya hay kriyā là hành động.
Ở đây, danh từ nầy được dùng theo nghĩa "hành động vô hiệu lực". Kamma là nhân có hiệu lực tạo quả. Kiriya là nhân không có hiệu lực tạo quả. Những hành động lành của chư Phật và chư vị A La Hán được gọi là kiriya, hay kriyā, vì các Ngài không còn tích trử Nghiệp, Kamma. Các Ngài đã vượt qua khỏi thiện và ác.
Trong Abhidhamma, Vipāka (Quả) và Kiriya (Hành) được gọi chung là Abyākata (Bất Ðịnh), cái gì không tự biểu hiện trở lại như một hậu quả. Vipāka là Abyākata (Bất Ðịnh), tức không tự biểu hiện trở lại như một hậu quả, vì chính nó đã là quả. Kiriya là bất định vì không tạo quả.
18. Những Thí Dụ Dùng Ðể Giải Thích Mười Hai Loại Tâm Bất Thiện.
* Căn Tham
1) Một cậu bé bỗng dưng (không có sự xúi giục) ăn cắp trái táo một cách vui vẻ (đồng phát sanh với thọ hỷ), thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu (liên hợp với tà kiến).
2) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp một trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
3) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách vui vẻ, biết rằng việc làm ấy là xấu (không liên hợp với tà kiến).
4) Có bạn xúi giục, một cậu bé vui vẻ ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.
5) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên (tức ăn cắp với thọ xả, không vui không buồn lúc ăn cắp) thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
6) Có bạn xúi giục, cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, thấy rằng việc làm ấy không có gì là xấu.
7) Một cậu bé bỗng dưng ăn cắp trái táo một cách thản nhiên, biết rằng việc làm ấy là xấu.
8) Có bạn xúi giục, một cậu bé thản nhiên ăn cắp trái táo, biết rằng việc làm ấy là xấu.
* Căn Sân
9) Với lòng sân hận ta sát hại một người khác mà không có mưu tính trước.
10) Với lòng sân hận, ta sát hại một người khác sau khi đã mưu tính.
19. Sát Hại
Theo Abhidhamma (Vi Diệu Pháp) hành động sát sanh luôn luôn được thực hiện với tâm sân, ác ý, hay bất toại nguyện. Mặc dầu do nguyên động lực nào thúc đẩy đi nữa, thông thường, khi giết là có ác ý. Ở đâu có ác ý (paṭigha) là có buồn phiền (domanassa). Có buồn phiền là có ác ý, bất toại nguyện (paṭigha), dưới một hình thức thô kịch hay vi tế.
Thí dụ như, không thể phân biệt được thế nào là đúng thế nào là sai, một em bé vui vẻ giết một con kiến. Em không biết rằng mình đang tạo nghiệp sát sanh mà chỉ vui chơi vậy thôi. Vậy, khi nhấn mạnh ngón tay xuống giết con kiến em có ác ý đối với nó không? Có tâm sân hay tâm thù hận trong trường hợp nầy không? Quả thật khó mà nói như thế. Vậy, ngay lúc giết con kiến em chứng nghiệm loại tâm nào? Loại thứ chín (9) hay thứ mười (10) ắt không thể được, bởi vì em chỉ vô tình và vui vẻ làm hành động sát sanh ấy một cách thoáng qua. Có thể đó là loại tâm thứ ba, bắt nguồn từ căn tham không?
Một người lớn đi săn, bắn chết thú, xem đó là một môn thể thao, hẳn có loại tâm số 9 và số 10. Người ấy có ác ý, muốn giết chết con thú trong lúc bắn.
Còn khoa giải phẩu sanh thể thì sao? Nhà bác học mạnh dạn giải phẩu một con vật sống, hay giết con vật mà không chút chùng tay. Nguyên động lực chánh của ông là nghiên cứu khoa học để làm dịu bớt sự đau khổ của nhân loại. Tuy nhiên, vẫn có ý nghĩ sát hại.
Khi giết một con thú đang oằn oại khổ đau vì bị một vết thương, để chấm dứt nỗi khổ đau của nó. Lúc giết, có ác ý không? Vì lòng bi mẫn ta có thể làm như thế. Nhưng dầu sao, ngay lúc giết cũng có ác ý, vì lúc ấy ta muốn nó chết, có một loại bất toại nguyện đối với con vật.
Nếu hành động tương tợ có thể được chứng minh là hợp đạo đức thì ta phản đối được chăng hành động của người kia, với tâm trong sạch giết một người khác vì người nầy đang mang một chứng bệnh không thể chữa trị?
Ðã có ghi rõ ở trên là nơi nào có ác ý là có buồn phiền.
Thí dụ như khi nghe tin thi rớt, ta buồn. Vậy, lúc ấy có tâm sân không? Nếu suy xét tỉ mỉ ý nghĩa của danh từ paṭigha lời giải đáp sẽ trở nên rõ ràng. Khi nhận một tin buồn, chắc chắn có một loại bất toại nguyện. Trường hợp người khóc cái chết của thân nhân cũng cùng thế ấy. vì đó là một diễn biến bất hạnh mà ta không thích đón nhận. Chư vị A Na Hàm (Anāgāmi) và A La Hán (Arahant) không khi nào nghe buồn phiền hay sầu muộn vì các Ngài đã tận diệt paṭigha, bất toại nguyện, hay dosa, sân hận.
Khi Ðức Phật nhập Ðại Niết Bàn thì Ðức Ānanda vô cùng sầu muộn vì lúc ấy Ngài chỉ đắc Quả Tu Ðà Huờn (Sotāpanna). Nhưng chư vị A La Hán và A Na Hàm như các Ngài Kassapa và Anuruddha thì hành pháp Xả hoàn toàn, không nhỏ một giọt nước mắt.
20. Thí Dụ Về Căn Si
11) Một người hoài nghi về sự hiện hữu của Ðức Phật, về hiệu năng của Giáo Pháp vì si mê.
12) Một người có tâm phóng dật không thể chú tâm vào một đề mục.
Hai loại tâm nầy yếu ớt vì phát sanh do trạng thái mê mờ và hôn trầm của tâm. Vì lẽ ấy cảm giác, hay thọ, liên hợp không thể là hỷ hay ưu, mà chỉ là xả.
21. Mười Loại Bất Thiện Nghiệp liên quan đến mười hai loại tâm bất thiện.
Mười loại bất thiện nghiệp tạo nên do thân, khẩu, ý:
THÂN: (1) Sát sanh (pāṇātipāta), (2) trộm cắp (adinnā- dāna), (3) tà dâm (kāmesumicchācāra).
KHẨU: (4) nói dối (musāvāda), (5) nói đâm thọc (pisuṇavācā), (6) nói thô lỗ cộc cằn (pharusa- vācā), (7) nói nhảm (samphappalāpa) .
Ý: (8) tham lam (abhijjhā), (9) sân hận (vyāpāda) và (10) tà kiến (micchādiṭṭhi) [6].
Tất cả mười bất thiện nghiệp đều được tạo nên do mười hai loại tâm bất thiện kể trên. Thông thường người ta phạm nghiệp sát sanh với loại tâm số 9 và số 10. Nghiệp trộm cắp với tám loại tâm đầu tiên.
Nghiệp tà dâm cũng được tạo nên do tám loại tâm đầu tiên.
Người ta cũng có thể trộm cắp vì sân hận. Trong trường hợp nầy nghiệp trộm cắp có thể được tạo nên do những loại tâm thứ 9 và thứ 10.
Nghiệp nói dối có thể do mười loại tâm đầu tiên. Nói đâm thọc, nói lời thô lỗ cộc cằn, với các loại tâm số 9 và số 10. Nói nhảm, với 10 loại tâm đầu tiên. Tham lam phát sanh do tám loại tâm đầu tiên. Sân hận do hai loại, tâm số 9 và số 10. Tà kiến do những loại số 1, 2, 5, 6. [7]
22. Sự Tận Diệt Các Loại Tâm Bất Thiện Do Bốn Hạng Thánh Nhân
Một vị Nhập Lưu (Sotāpanna -- Tu Ðà Huờn) tận diệt các loại tâm số 1, 2, 5, 6 và 11 vì Ngài đã cắt đứt hai thằng thúc (Saṁyojana, dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi) là ảo tưởng liên quan đến tự ngã (Sakkāyadiṭṭhi, thân kiến) và hoài nghi (Vicikicchā).
Một vị Nhứt Lai (Sakadāgāmi -- Tư Ðà Hàm), đã đắc tầng Thánh thứ nhì, làm suy giảm năng lực của những loại tâm thứ 9 và thứ 10, vì Ngài chỉ làm suy nhược hai thằng thúc Kāmarāga (luyến ái theo nhục dục ngũ trần) và Paṭigha (bất toại nguyện).
Một vị Bất Lai (Anāgāmi -- A Na Hàm), đã đắc tầng Thánh thứ ba, tận diệt luôn cả hai loại tâm kể trên vì đã hoàn toàn cắt đứt hai thằng thúc ấy.
Một vị A La Hán (Arahanta) không còn loại nào trong mười hai loại tâm bất thiện, vì Ngài đã tận diệt luôn 5 thằng thúc còn lại là: Rūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Sắc Giới và cảnh Sắc Giới), Arūparāga (luyến ái theo các tầng Thiền Vô Sắc và cảnh Vô Sắc Giới), Māna (ngã mạn), Uddhacca (phóng dật) và Avijjā (vô minh).
(Sīlabbata parāmāsa = giới cấm thủ, hay dể duôi tin theo những nghi thức lễ bái sai lầm, là một trong mười thằng thúc, không được nhắc đến ở trên -- được tận diệt do một vị Nhập Lưu).
Ghi chú:
[1] Xem Upekkhā, chú giải số 42.
[2] Vicikicchā là trạng thái không thể quyết định chắc chắn một việc gì là như thế nào. Buddhaghosa -- Majjhima Nikāya Commentary
[3] Xem The Expositor, phần i, trang 50.
[4] Xem Buddhist Psychology, Ixxxii.
[5] Xem quyển The Buddha and His Teachings, cùng tác giả (Ð.Ð. Nārada), trang 293.
[6] a. Phủ nhận hậu quả của nghiệp (natthika diṭṭhi), b. Phủ nhận cả hai, nhân và quả (Ahetuka) và c. Phủ nhận Nghiệp Báo (Akiriya Diṭṭhi). Ðó là những nguyên nhân tạo nên tà kiến.
[7] Xem The Expositor phần I, trang 128-135.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:47:22 GMT -5
Ahetuka CittĀni -- 18 18 loại tâm vô nhân
5.
Akusala Vipāka Cittāni
(1) Upekkhāsahagataṁ Cakkhuviññāṇaṁ; tathā (2) Sotaviññāṇaṁ, (3) Ghāṇaviññāṇaṁ, (4) Jivhā- viññāṇaṁ, (5) Dukkhasahagataṁ, Kāyaviññāṇaṁ, (6) Upekkhāsahagataṁ Sampaṭicchanacittaṁ, (7) Upekkhāsahagataṁ Santīraṇacittañ c'āti.
Imāni satta'pi Akusala Vipāka Cittāni nāma.
Kusala Vipāk'āhetuka Cittāni
(8) Upekkhāsahagataṁ kusalavipākaṁ Cakkhu-viññāṇaṁ; tathā (9) Sotaviññāṇaṁ, (10) Ghāṇa- viññāṇaṁ, (11) Jivhāviññāṇaṁ, (12) Sukhasaha-gataṁ Kāyaviññāṇaṁ, (13) Upekkhāsahagataṁ Sampaṭicchanacittaṁ, (14) Somanassasahagataṁ Santīraṇacittaṁ, (15) Upekkhāsahagataṁ Santīraṇa cittaṁ c'āti.
Imāni aṭṭha'pi Kusalavipāk'āhetuka cittāni nāma.
Ahetuka Kiriya Cittāni
(16) Upekkhāsahagataṁ Pañcadvārāvajjanacitaṁ; tathā (17) Manodvārāvajjanacittaṁ, (18) Somanassa- sahagataṁ Hasituppādacittañ c'āti.
Imāni tīṇi' pi Ahetuka-Kiriya Cittāni nāma. Icc'evaṁsabbathā'pi aṭṭhārasāhetukacittāni samattāni Sattākusalapākāni -- puññāpākāni aṭṭhadhā Kiriyāciṭṭāni tīṇī'ti -- aṭṭhārasa Ahetukā.
§5
Tâm Quả Bất Thiện Vô Nhân:
(1) Nhãn thức, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy (2) Nhĩ thức, (3) Tỷ thức, (4) Thiệt thức, (5)Thân thức, đồng phát sanh cùng thọ khổ, (6) Tiếp Thọ Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả, (7) Suy Ðạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả.
Bảy loại tâm nầy là tâm Quả Bất Thiện Vô Nhân.
Tâm Quả Thiện Vô Nhân:
(8) Nhãn thức Quả Thiện, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy, (9) Nhĩ thức, (10) Tỷ thức, (11) Thiệt thức, (12) Thân thức, đồng phát sanh cùng thọ lạc, (13) Tiếp Thọ Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả, (14) Suy Ðạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, (15) Suy Ðạc Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả.
Tám loại tâm nầy là tâm Quả Thiện Vô Nhân.
Tâm Hành Vô Nhân:
(16) Ngũ Môn Hướng Tâm, đồng phát sanh cùng thọ xả. Cùng thế ấy, (17) Ý Môn Hướng Tâm, (18) Tiếu sanh Tâm, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ.
Ba loại tâm nầy là tâm Hành Vô Nhân.
Như vậy chấm dứt, tất cả có mười tám loại Tâm Vô Nhân.
TÓM LƯỢC:
Bảy tâm Quả Bất Thiện. Tám tâm Quả Thiện. Ba tâm Hành. Tâm Vô Nhân có mười tám.
Chú Giải:
23. Hetu, Nhân
Hetu thường được dịch là "điều kiện tạo nhân". Trong những bài kinh ta thường gặp các câu như "ko hetu ko paccayo", do nhân nào, do duyên nào. Trong Vi Diệu Pháp, Abhidhamma, hai danh từ hetu và paccaya được phân biệt rõ ràng và mỗi chữ có một ý nghĩa riêng biệt. Hetu là nguyên nhân, hay căn cội, nguồn gốc từ đó phát xuất, chỉ sáu nhân (tham, sân, si, và không tham, không sân, không si) đã được giải thích ở phần trên. Paccaya là điều kiện hỗ trợ, hay duyên (upakāraka dhamma). Hetu như rễ cây. Paccaya như nước, phân bón v.v...
Mười tám loại tâm kể trên được gọi là "Ahetuka" vì các loại tâm nầy không có "nhân đồng phát sanh" (sampa-yuttaka hetu). Phải hiểu rằng chí đến các loại tâm vô nhân (ahetuka citta) nầy cũng phải có một hiệu nhân (nibbattaka hetu, nhân có hiệu lực, hay khả năng trổ quả). Ngoài ra, 71 loại tâm còn lại gọi là sa-hetuka, hữu nhân. Hai loại chỉ có một nhân, sáu mươi chín loại có hai hoặc ba nhân.
24. Dvipañcaviññāṇa, Ngũ Song Thức
Ở đây có năm cặp tâm quả, thiện và bất thiện (tức năm tâm quả thiện và năm tâm quả bất thiện) được liệt kê. Gọi như vậy bởi vì các loại tâm, hay thức, nầy tùy thuộc ở năm giác quan. Những tâm nầy tương đối yếu ớt nên chỉ phát sanh cùng thọ Xả, hay vô ký, ngoại trừ thân thức, phát sanh cùng thọ Khổ hay thọ Lạc. Nên ghi nhận rằng trong Abhidhamma năm cặp tâm nầy có khi được đề cập đến là "Dvipañcaviññāṇa" (Ngũ Song Thức). Còn hai loại tâm Sampaṭicchana citta, Tiếp Thọ tâm, và Pañcadvārāvajjana citta, Ngũ Môn Hướng tâm, được gọi là "Mano-Dhātu", Ý Giới, hay nguyên tố tâm, và 76 loại còn lại là "Mano Viññāna Dhātu", Ý Thức Giới.
25. Sampaṭicchana, Tiếp Thọ Tâm,
Là khoảnh khắc lúc tâm tiếp nhận và thọ lãnh một đối tượng, trần cảnh. Santīraṇa là lúc tâm dò xét, quan sát đối tượng, Suy Ðạc Tâm. Còn lúc tâm hướng về đối tượng của một trong năm giác quan thì gọi là Pañcadvārāvajjana, Ngũ Môn Hướng Tâm. Manodvārāvajjana, Ý Môn Hướng Tâm, là lúc tâm hướng về đối tượng tinh thần. Pañcadvārāvajjana và Manodvārāvajjana là hai chặp tư tưởng duy nhất thuộc về tâm hành (kriyā) mà người không đắc Quả A La Hán có thể có. Tất cả các tâm hành khác (Kiriya Cittas, cũng được gọi là tâm "duy tác", có làm mà không tạo nghiệp) thì chỉ chư Phật và chư vị A La Hán có.
Chính Manodvārāvajjana citta, Ý Môn Hướng Tâm sẽ tác hành nhiệm vụ quyết định (Votthapana), sẽ được đề cập đến trong phần sau.
26. Hasituppāda, Tiếu Sanh Tâm
Là một loại tâm riêng biệt của chư vị A La Hán. Nguyên nhân của sự mĩm cười là một thọ Hỷ. Tùy tâm tánh mỗi người, mười ba loại tâm có thể làm mĩm cười. Một phàm nhân tầm thường (puthujjana) có thể cười với một trong bốn loại tâm bắt nguồn từ căn Tham đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hay một trong bốn loại tâm Kusala Citta, Thiện, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ.
Chư vị Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhứt Lai (Sakadā- gāmi), và Bất Lai (Anāgāmi) có thể mĩm cười với một trong hai loại tâm bất thiện không liên hợp với tà kiến, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hoặc một trong bốn tâm Thiện (Kusala Cittas).
Chư vị A La Hán và chư Phật Ðộc Giác (Pacceka Buddha) có thể mĩm cười với một trong bốn loại tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) hoặc Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm), tâm làm mĩm cười.
Chư Phật Chánh Giác (Sammā Sambuddho) mĩm cười với một trong hai tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) đồng phát sanh cùng Trí Tuệ và thọ Hỷ. Trong Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm, hay tâm làm mĩm cười) chỉ có niềm vui suông.
Sách Compendium of Philosophy viết rằng kinh điển Phật Giáo có ghi nhận sáu phân hạng cười:
1. Sita, một nụ cười mĩm, biểu hiện nhẹ nhàng trên vẻ mặt. 2. Hasita, một nụ cười chỉ nhích môi vừa đủ hé cho người ta thấy chót răng. 3. Vihasita, nụ cười khẽ phát ra một tiếng động nhỏ. 4. Upahasita, một nụ cười làm chuyển động đầu vai và tay. 5. Apahasita, một nụ cười làm chảy nước mắt. 6. Atihasita, bật cười lớn tiếng, ngả nghiêng ngả ngửa làm chuyển động cả thân mình, từ đầu đến chân.
Vậy, cười là một hình thức diễn đạt của thân (kāyaviññatti) có thể, hay không, phát sanh cùng với tiếng động (vacīviññatti). Người có văn hóa giáo dục cười với hai hạng đầu. Người thường với hai hạng giữa, và hạng chúng sanh thấp kém có hai lối cười xếp hạng sau cùng.
27. Tiến Trình Tâm
Tâm, chủ thể, tiếp nhận đối tượng từ bên trong hay bên ngoài.
Khi đang ngủ mê, tâm được gọi là an nghỉ, hay nói cách khác là ở trong trạng thái Bhavaṅga. Chúng ta luôn luôn có một trạng thái tâm tiêu cực như thế khi tâm không tương ứng với ngoại cảnh. Luồng Bhavaṅga (Hộ Kiếp) ấy bị gián đoạn khi có một đối tượng nhập vào tâm. Lúc ấy tâm Bhavaṅga rung động trong một sát na (chặp tư tưởng) và tan biến.
Kế đó Ngũ Môn Hướng Tâm (Pañcadvārāvajjana) khởi sanh và diệt. Ðến giai đoạn nầy dòng trôi chảy tự nhiên bắt đầu bị kiểm soát và chuyển hướng về đối tượng. Tức khắc sau đó nhãn thức [1] (Cakkhu Viññāṇa) khởi sanh và diệt, nhưng không hiểu gì hơn ngoài sự thấy đối tượng. Tiếp theo tác hành nầy của giác quan có một chặp tư tưởng tiếp thâu đối tượng đã nhận (Sampaṭicchana) gọi là Tiếp Thọ Tâm. Rồi đến khả năng dò xét (Santīraṇa, Suy Ðạc Tâm) trong chốc lát quan sát đối tượng đã tiếp thâu. Sau đó đến giai đoạn nhận định gọi là Xác Ðịnh Tâm (Voṭṭhapana) phân biện lựa chọn. Ðây là giai đoạn mà ý chí tự do góp phần của nó. Sau đó là giai đoạn tâm lý cực kỳ quan trọng -- giai đoạn Javana, Tốc Hành, hay Xung Lực. Chính ở giai đoạn nầy mà hành động được xét là thiện hay bất thiện. Nghiệp được tạo ở giai đoạn nầy. Nếu nhận định chân chánh (yoniso manasikāra, có sự chú ý chân chánh) Javana trở nên thiện. Nhận định sai lầm (ayoniso manasikāra) luồng Javana trở nên bất thiện. Trong trường hợp một vị A La Hán luồng Javana nầy không thiện, cũng không bất thiện, mà chỉ thuộc về cơ năng, hành (kiriya, duy tác, chỉ có tác hành mà không tạo hậu quả). Giai đoạn Javana nầy thường trôi chảy trong bảy sát na tâm (chặp tư tưởng). Lúc lâm chung chỉ có năm chặp. Toàn thể tiến trình chỉ tồn tại trong một thời gian cực nhỏ, chấm dứt bằng tâm ghi nhận, hay Ðăng Ký Tâm (Tadālambana), kéo dài hai chặp.
Như vậy, hoàn tất trọn vẹn lộ trình một tư tưởng sau mười bảy chặp tư tưởng, hay sát-na tâm [2].
Ba loại tâm Bhavaṅga là Vipāka (quả). Ba loại nầy hoặc là một trong hai chặp tâm Suy Ðạc (Santīraṇa) đồng phát sanh cùng thọ Xả, đã được đề cập đến trong phần trước, hoặc một trong tám loại tâm Quả Ðẹp (Sobhana Vipāka Cittas), sẽ được mô tả trong đoạn 6.
Pañcadvārāvajjana (Ngũ Môn Hướng Tâm) là một tâm Hành (Kiriyā Cittas). Pañca Viññāṇa (Ngũ Quan Thức) là một trong mười tâm Quả Thiện và Bất Thiện (Kusala và Akusala Vipāka Cittas). Sampaṭicchana (Tiếp Thọ Tâm) và Santīraṇa (Suy Ðạc Tâm) cũng là tâm Quả (Vipāka Cittas). Manodvārāvajjana (Ý Môn Hướng Tâm), một tâm Hành (Kiriyā Citta) tác hành như Xác Ðịnh Tâm (Votthapana). Ta có thể vận dụng tự do ý chí ở giai đoạn nầy. Bảy chặp của luồng Javana tạo thành nghiệp (Kamma).
Ðăng Ký Tâm (Tadālambana) là một tâm Quả (Vipāka), một trong ba tâm Suy Ðạc (Santīraṇa) hay một trong tám tâm Quả Ðẹp (Sobhana Vipāka Cittas).
Như vậy, trong một tiến trình tư tưởng có nhiều chặp, và các chặp tư tưởng nầy có thể là Nghiệp (Kamma), Quả (Vipāka), hay Hành (Kiriyā) [3].
Tiến Trình Tâm
Theo Vi Diệu Pháp, khi một đối tượng biểu hiện trước tâm xuyên qua một trong năm cửa (ngũ môn), một tiến trình tâm diễn tiến như sau:
(Ðồ Biểu 1)
Sát-na tâm
1
Atīta Bhavaṅga (Bhavaṅga vừa qua)
2
Bhavaṅga Calana (Bhavaṅga giao động)
3
Bhavaṅgupaccheda (Bhavaṅga dứt dòng)
4
Pañcadvārāvajjana (Ngũ Môn Hướng Tâm)
5
Pañca Viññāṇa (Ngũ Quan Thức)
6
Sampaṭicchana (Tiếp Thọ Tâm)
7
Santīraṇa (Suy Ðạc Tâm)
8
Votthapana (Xác Ðịnh Tâm)
9
Javana (Xung Lực)
10
11
12
13
14
15
16
Tadālambana (Ðăng Ký Tâm)
17
Ðồ Biểu 2
Citta - 89 Tâm
Lokuttara - 8 Siêu thế
Magga - 4 Đạo
Phala - 4 Quả
Arūpāvacara - 12 Vô sắc giới
Kusala - 4 Thiện
Vipāka - 4 Quả
Kriyā - 4 Hành
Rūpāvacāra - 15 Sắc giới
Kusala - 5 Thiện
Vipāka - 5 Quả
Kriyā - 5 Hành
Kāmāvacāra - 54 Dục giới
Sobhaha - 24 Đẹp
Kusala - 8 Thiện
Vipāka - 8 Quả
Kriyā - 8 Hành
Ahetula - 18 Vô nhân
Ākusalavipāka - 7 Quả bất thiện
Kusalavipāka - 8 Quả thiện
Kriyā - 3 Hành
Akusala - 12 Bất thiện
Lobha - 8 Căn tham
Paṭigha - 2 Căn sân
Moha - 2 Căn si
Ðồ Biểu 3
Citta - 89 (121) Tâm
Akusala - 12 Bất thiện
Kusala - 21 (37) Thiện
Kāmāvacara - 8 Dục giới
Rūpāvacara - 5 Sắc giới
Arūpāvacara - 4 Vô sắc giới
Lokuttara - 4 (20) Siêu thế
Vipāka - 36 (52) Quả
Kāmāvacara - 23 Dục giới
Rūpāvacara - 5 Sắc giới
Arūpāvacara - 4 Vô sắc giới
Lokuttara - 4 (20) Siêu thế
Kriyā - 20 Hành
Kāmāvacara - 11 Dục giới
Rūpāvacara - 5 Sắc giới
Arūpāvacara - 4 Vô sắc giới
Ghi chú:
[1] Tức là, nếu đối tượng là một hình thể (rūpa hay sắc pháp). Chặp tâm nầy tùy thuộc năm đối tượng của giác quan.
[2] Xem Compendium of Philosophy -- Introductory Essay trang 27-30.
[3] Xem Chương 4
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:47:59 GMT -5
SOBHANA CITTĀNI Tâm "Ðẹp" thuộc Dục giới -- 24
6.
Pāpāhetukamuttāni -- Sobhanāni'ti vuccare Ek'ūnasaṭṭhicittāni -- ath 'ekanavutī'pi vā
Aṭṭhā Kāmāvaccara Kusala Cittāni
1. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 2. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 3. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 4. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 5. Upekkā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 6. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 7. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 8. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam' ekan'ti
Imāni aṭṭha'pi sahetuka kāmāvacarakusalacittāni nāma.
Aṭṭha Kāmāvacara Vipāka Cittāni
9. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 10. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 11. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 12. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 13. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 14. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ. 15. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 16. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam ekan'ti.
Imāni aṭṭha'pi sahetuka kāmāvacaravipākacittāni nāma.
Aṭṭha Kāmāvacara Kriyā Cittāni
17. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 18. Somanassa-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 19. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 20. Somanassa-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 21. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ asaṅkhārikam ekaṁ, 22. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇasampayuttaṁ sasaṅkhārikam ekaṁ, 23. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ asaṅkhārikām ekaṁ, 24. Upekkhā-sahagataṁ ñāṇavippayuttaṁ sasaṅkhārikam ekan'ti,
Imāni aṭṭha'pi sahetukakāmāvacarakriyācittāni nāma.
Icce' vaṁ sabbathā'pi sahetuka-kāmāvacara-kusala- vipāka-kriyā cittāni samattāni.
Vedanā-ñāṇa-saṅkhāra -- bhedena catuvīsati Sahetū-kāmāvacara -- puññapākakriyā matā. Kāme tevīsapākāni -- puñña' puññāni vīsati Ekādasa kriyā c'āti -- catupaññāsa sabbathā.
§6
Ngoại trừ những loại tâm Bất Thiện và Vô Nhân, các loại còn lại được gọi là "Ðẹp" (Tịnh Quang Tâm, hay Tịnh Hảo Tâm). Số tâm nầy có năm mươi chín, hoặc chín mươi mốt.
Tám Loại Tâm Thiện:
1. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 2. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 3. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, không liên hợp với tri kiến, 4. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, không liên hợp với tri kiến, 5. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả [1], liên hợp với tri kiến, 6. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, liên hợp với tri kiến, 7. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến, 8. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến
Ðó là tám loại tâm Thiện, Hữu Nhân, thuộc Dục Giới.
Tám Loại Tâm Quả:
9. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 10. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 11. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, không liên hợp với tri kiến, 12. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, không liên hợp với tri kiến, 13. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, liên hợp với tri kiến, 14. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, liên hợp với tri kiến, 15. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến, 16. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến.
Ðó là tám loại tâm Quả, Hữu Nhân, thuộc Dục Giới.
Tám Loại Tâm Hành:
17. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 18. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 19. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, không liên hợp với tri kiến, 20. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ hỷ, liên hợp với tri kiến, 21. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến, 22. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, liên hợp với tri kiến, 23. Một tâm, không bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến, 24. Một tâm, bị xúi giục, đồng phát sanh cùng thọ xả, không liên hợp với tri kiến.
Ðó là tám loại tâm Hành, Hữu Nhân, thuộc Dục Giới.
Như vậy chấm dứt tất cả, những loại tâm Thiện, tâm Quả, tâm Hành, Hữu Nhân thuộc Dục Giới.
Tóm lược:
Những loại tâm Thiện, Quả, Hành, Hữu Nhân thuộc Dục Giới, khác biệt nhau do thọ cảm, tri kiến và sự xúi giục, phải được hiểu rằng có hai mươi bốn.
Trong Dục Giới có hai mươi ba loại tâm Quả, hai mươi tâm Thiện và Bất Thiện, và mười một tâm Hành, năm mươi bốn tất cả.
Chú Giải
28. Sobhana
Gọi là "Ðẹp", cũng được dịch là Tịnh Hảo, hay Tịnh Quang, vì tâm nầy liên kết với những căn thiện như bố thí, tâm từ, tri kiến và tạo nên những đức tánh tốt. (Bản Chú Giải)
29. Pāpa
Là cái gì dẫn đến trạng thái khốn khổ. Nên hiểu đây là cái gì xấu, ác, hay bất thiện, hơn là xem như "tội lỗi".
30. Hetuka
Tất cả những tâm được mô tả kể từ đoạn nầy đều được gọi là Sahetuka, Hữu Nhân, nghĩa là bắt nguồn từ một, hai, hoặc ba Nhân, đối chiếu với các tâm Vô Nhân của phần trước, không liên kết với Nhân nào.
Trong hai mươi bốn (24) tâm Ðẹp thuộc Dục Giới, Kāmāvacara Sobhana Cittas, mười hai loại liên kết với hai căn thiện -- bố thí (alobha, không-tham) và tâm từ (adosa, không-sân) -- mười hai loại liên kết với ba căn: bố thí, tâm từ, và tri kiến (amoha, không si).
31. Năm mươi chín hay chín mươi mốt
Kāmāvacara (thuộc Dục Giới) 24 Rūpavacara (thuộc Sắc Giới) 15 Arūpāvacara (thuộc Vô Sắc Giới) 12 Lokuttara (Siêu Thế) 8 --------------------------------------------- Cộng chung là: 59
Khi tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta) được phát triển xuyên qua một trong năm tầng Thiền Thiện Sắc Giới (Kusala Rūpa Jhāna) như sẽ đuợc giải thích ở cuối chương, thì có tất cả bốn mươi (8 x 5 = 40) loại tâm Siêu Thế.
Trong trường hợp nầy thì: 24+15+12+40 = 91
32. Ñāṇa, Tri Kiến
Là cái gì hiểu biết thực tại (Bản Chú Giải). Ở đây danh từ ñāṇa đồng nghĩa với trí minh mẫn sáng suốt, hợp lý, hay tri kiến. Ðối nghịch lại là moha (si mê, ảo kiến hay cuồng si).
33. Asaṅkhārika, không có sự xúi giục.
Theo bản chú giải, ta làm một hành động tốt một cách hồn nhiên, không suy nghĩ hay bàn tính trước, không có sự xúi giục, xui khiến, sai bảo, từ bên trong hay bên ngoài, mà do sự thích ứng vật chất và tinh thần, do vật thực, khí hậu v.v... hậu quả của những hành động tương tợ đã có trong quá khứ (một thói quen đã có, một phản ứng tự nhiên) [2].
34. Tất cả những hành động thiện đều do một trong tám loại tâm đầu tiên.
Hậu quả tương ứng của nó là tám tâm Quả. Tám tâm Quả Vô Nhân (Ahetuka Vipāka Cittas) cũng là hậu quả phải có của những tâm Thiện (Kusala Cittas) nầy. Vậy, có mười sáu tâm Quả (Vipāka Cittas) tương ứng với tám tâm Thiện (Kusala Cittas). Trong lúc ấy chỉ có bảy tâm Quả Vô Nhân (Ahetuka Vipāka Cittas) tương ứng với mười hai tâm Bất Thiện (Akusala Cittas).
Chư Phật và chư vị A La Hán cũng có tất cả hai mươi ba loại tâm Quả (Vipāka Cittas) nầy bởi vì các Ngài còn phải gặt quả xấu hay tốt của nghiệp đã gieo trong quá khứ, cho đến ngày các Ngài nhập diệt.
Tuy nhiên, các Ngài không có tám loại tâm Thiện đầu tiên bởi vì không còn tích trử nghiệp mới, có năng lực tái tạo nữa. Các Ngài đã tận diệt mọi thằng thúc trói buộc chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi.
Trong khi không còn hành động thiện thì, thay vì có tâm Thiện (Kusala Cittas), các Ngài có tám tâm Hành (Kriyā Cittas, cũng gọi là tâm Duy Tác) là những loại tâm không có năng lực tái tạo.
Những người thường và những bậc Thánh ở ba tầng đầu -- Tu Ðà Huờn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm -- không có loại tâm nầy.
35. Thí Dụ Cho Tám Loại Tâm Thiện Ðầu Tiên
1) Một cách hiểu biết và hồn nhiên, không có sự xúi giục, ta cho người ăn xin một vật gì, lòng cảm nghe vui vẻ.
2) Một cách hiểu biết, ta cho người ăn xin một vật gì sau khi đắn đo suy nghĩ, hay có ai xui khiến, lòng cảm nghe vui vẻ.
3) Một em bé không biết gì, vui vẻ đảnh lễ thầy tỳ khưu một cách hồn nhiên. Người nọ vui vẻ tụng kinh một cách tự động, không biết gì đến ý nghĩa của lời kinh.
4) Em bé không hiểu biết gì, vui vẻ đảnh lễ thầy tỳ khưu, theo lời dạy của mẹ. Người nọ vui vẻ tụng kinh, theo lời dạy của một người khác, và không hiểu biết ý nghĩa của lời kinh.
Bốn loại tâm còn lại nên được hiểu biết cùng thế ấy, thọ Xả thay vào chỗ thọ Hỷ.
Ghi chú:
[1] Xem chú giải số 10. Nơi đây, upekkhā cũng có thể là trạng thái tâm quân bình.
[2] Xem chú giải số 12.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:48:56 GMT -5
RŪPĀVACARA CITTĀNI -- 15 Tâm thuộc sắc giới -- 15
7.
Rūpāvacara Kusala Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Kusalacittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Kusalacittaṁ, 3. Pīti-Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Kusala- cittaṁ, 4. Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Catutthajjhāna-Kusala- cittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Kusalacittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Kusalacittāni nāma.
Rūpāvacara Vipāka Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Vipākacittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Vipākacittaṁ, 3. Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Vipākacittaṁ, 4. Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Catutthajjhāna-Vipāka- cittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Vipāka- cittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Vipākacittāni nāma.
Rūpāvacara Kriyā Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā-sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Kriyācittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Kriyācittaṁ, 3. Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Kriyācittaṁ, 4. Sukh'Ekaggata - sahitaṁ Catujjhāna-Kriyācittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Kriyā- cittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Kriyācittāni nāma.
Icc'evaṁ sabbathā'pi paṇṇarasa Rūpāvacara-Kusala-Vipāka-Kriyācittāni samattāni.
Pañcadhā jhānabhedena -- rūpāvacaramānasaṁ Puññapākakriyābhedā -- taṁ pañcadasadhā bhave.
§7
Tâm Thiện Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Thiện Sơ Thiền cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Thiện Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Thiện Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc, và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Thiện Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Thiện Ngũ Thiền cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Thiện thuộc Sắc Giới.
Tâm Quả Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Quả Sơ Thiền, cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Quả Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Quả Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Quả Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Quả Ngũ Thiền, cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Quả thuộc Sắc Giới.
Tâm Hành Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Hành Sơ Thiền, cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Hành Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Hành Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc, và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Hành Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Hành Ngũ Thiền, cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Hành thuộc Sắc Giới.
Chú Giải:
36. Rūpāvacara, Thuộc Về Sắc Giới
Có ba cảnh giới sinh tồn là: Dục Giới (Kāmaloka), Sắc Giới (Rūpaloka), và Vô Sắc Giới (Arūpaloka). Bốn cảnh khổ (Apāya), cảnh người (Manussa), và sáu cảnh Trời (Devaloka) thuộc Dục Giới (Kāmaloka). Gọi như thế vì trong cảnh giới nầy tâm tham dục chiếm phần quan trọng. Bốn cảnh giới được gọi là Duggati -- khổ cảnh, hay trạng thái khốn cùng. Những chúng sanh có hành động bất thiện tái sanh vào trạng thái nầy. Cảnh người và cảnh Trời được gọi là Sugati -- cảnh giới hữu phúc. Những chúng sanh có hành động thiện được sanh vào cảnh giới hữu phước có nhiều dục lạc nầy.
Hạng người tiến bộ hơn, không còn tìm thích thú trong dục lạc tầm thường mà thích thú trong sự phát triển tâm linh cao thượng hơn, tức nhiên phải được sanh vào những cảnh giới thích đáng, phù hợp với nguyện vọng thanh nhã và cao thượng của họ. Dầu ở trong cảnh người cũng vậy, có người rút vào ẩn dật giữa rừng sâu xa xôi hẻo lánh để gia công hành thiền.
Công trình hành thiền (bhāvanā) có hai loại: Samatha hay lắng gom tâm vắng lặng, hay thiền chỉ, và Vipassanā, thiền quán hay minh sát. Samatha có nghĩa là tĩnh lặng, hay yên tịnh, và phương cách để thành đạt trạng thái nầy là trau giồi các tầng Thiền (Jhāna). Vipassanā là thấy đúng thực tướng của sự vật. Sự vật như thế nào, thấy đúng như vậy. Do Thiền (Jhāna) hành giả có thể phát triển những năng lực thần thông (Abhiññā). Vipassanā (Minh Sát) dẫn đến Giác Ngộ.
Những bậc diệu trí đã chứng đắc các tầng Thiền (Jhāna), sau khi chết sẽ tái sanh vào cảnh Sắc Giới (Rūpaloka) và Vô Sắc Giới (Arūpaloka).
Trong cảnh giới Vô Sắc, không còn cơ thể vật chất (sắc) nữa, mà chỉ có tâm. Thông thường, tâm và cơ thể vật chất, danh và sắc, tùy thuộc tương quan mật thiết với nhau và không thể tách rời ra. Tuy nhiên, do năng lực của ý chí, có thể tạm thời làm cho tâm tách rời ra khỏi thân, hay ngược lại. Chúng sanh trong những cảnh Trời Sắc Giới được biết có hình thể vật chất rất tế nhị (tế sắc).
Sách Compendium of Philosophy viết: "Gọi là Sắc Giới (Rūpaloka) bởi vì nghe rằng ở cảnh giới nầy vẫn còn một phần vật chất rất tế nhị. Gọi là Vô Sắc Giới (Arūpaloka) vì ở đây không thể tìm ra dấu vết của vật chất."
Cái gì thường có mặt trong Sắc Giới (Rūpaloka) được gọi là Rūpāvacara. Có mười lăm loại tâm thuộc Sắc Giới. Năm loại Thiện (Kusala), mà ta có thể trau giồi và phát triển ngay trong kiếp sống nầy. Năm loại là Quả (Vipāka) tương ứng với năm tâm Thiện trên mà hành giả sẽ thọ hưởng sau khi chết. Năm loại là Hành (Kriyā), hay duy tác, chỉ chư Phật và chư vị A La Hán chứng nghiệm trong kiếp sống nầy, hoặc các vị A La Hán trong cảnh Sắc Giới.
37. Jhāna (Saṁskrt: Dhyāna), Thiền.
Danh từ Pāli nầy xuất nguyên từ căn "jhe", là suy gẫm. Ngài Buddhaghosa giải thích Jhāna như sau:
"Ārammaṇ'upanijjhānato paccanīkajhāpanato vā jhānaaṁ", gọi là Jhāna (Thiền) vì nó suy gẫm bám sát vào đối tượng, hay bởi vì nó thiêu đốt những chướng ngại (Nīvaraṇas). Jhāna là chăm chú mạnh mẽ gom tâm vào một đối tượng.
Trong bốn mươi đề mục để gom tâm được kể ra ở chương 9 của quyển sách nầy, hành giả chọn đề mục nào thích hợp với tâm tánh mình nhất. Ðề mục nầy được gọi là Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi, hay chuẩn bị.
Hành giả chuyên chú gom tâm vào đề mục nầy cho đến khi tâm mình hoàn toàn an trụ vào đó, tất cả mọi vọng tưởng ngoại lai đương nhiên đều bị loại bỏ ra ngoài. Hành giả sẽ tiến đến giai đoạn mà dầu mắt nhắm cũng có thể hình dung đối tượng sơ khởi. Không để gián đoạn, hành giả liên tục gom tâm trên hình ảnh hình dung (Uggaha nimitta) ấy cho đến khi phát triển hình ảnh khái niệm (Paṭibhāga nimitta).
Hãy lấy đề mục Paṭhavi Kasiṇa, hình tròn bằng đất, làm thí dụ:
Một mặt tròn độ ba tấc bề kính, cạo gọt trơn bén, tô mặt láng và đều đặn, làm bằng đất sét màu da trời lúc bình minh. Nếu không có đất sét màu nầy có thể dùng một loại đất sét khác.
Mặt tròn bằng đất sét nầy được gọi là Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi. Ðặt cái kasiṇa ấy cách chỗ mình ngồi độ một thước, hành giả chăm chú gom tâm vào đó và niệm thầm paṭhavi, paṭhavi ... (đất, đất...). Mục đích là gom tâm vào một điểm.
Khi hành như thế một ít lâu -- có thể hằng tuần, hằng tháng, hoặc hằng năm -- hành giả đạt đến mức độ dầu nhắm mắt lại cũng hình dung được cái vòng tròn kasiṇa. Ðề mục hình dung ấy gọi là Uggaha Nimitta. Ðó là hình ảnh của đối tượng sơ khởi phát hiện trong tâm. Hành giả tiếp tục gom tâm vào đề mục được hình dung (Uggaha Nimitta) nầy, vốn là hình ảnh của cái kasiṇa mà hành giả hình dung trong tâm, cho đến khi phát triển một hình ảnh khái niệm gọi là Paṭibhāga Nimitta.
Sự khác biệt giữa Uggaha và Paṭibhāga Nimitta là trong hình ảnh hình dung, Uggaha Nimitta, hành giả còn thấy rõ ràng những khuyết điểm của đề mục như lồi lõm v.v... còn trong hình ảnh khái niệm, Paṭibhāga Nimitta, thì không còn thấy nữa mà đề mục chỉ xuất hiện như một "vỏ ốc xa cừ trau giồi bóng láng". Hành giả không còn thấy hình dáng và màu sắc nữa. Paṭibhāga "chỉ còn là một hình thức phát hiện, và khởi sanh do tri giác".
Trong lúc liên tục chuyên chú gom tâm vào khái niệm trừu tượng như vậy, hành giả đạt đến mức độ gọi là "cận định" (Upacāra Samādhi) và năm chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa) cố hữu, luôn luôn cản trở tiến bộ tinh thần như tham dục (Kāmachanda), oán ghét (Paṭigha), hôn trầm - thụy miên (Thīna-Middha), phóng dật-lo âu (Uddhacca-Kukkucca), và hoài nghi (Vicikicchā) tạm thời được khắc phục. Vào một lúc nào, hành giả có thể bất thần nhập định (Appanā Samādhi) và đắc Thiền (Jhāna), thọ hưởng trạng thái an tĩnh và vắng lặng của tâm an trụ. Khi sắp thành đạt trạng thái nhập định (Appanā Samādhi) tiến trình tư tưởng của hành giả trôi chảy như sau:
Bhavaṅga, Manodvārāvajjana, Parikamma, Upacāra, Anuloma, Gotrabhū, Appanā.[1]
Khi luồng tâm dừng lại, Ý Môn Hướng Tâm phát sanh và lấy hình ảnh khái niệm (Paṭibhāga) làm đề mục. Liền sau đó, như trường hợp có thể xảy diễn, tiến trình Javana bắt đầu với Parikamma, hoặc Upacāra. Parikamma là chặp tư tưởng chuẩn bị, hay sơ khởi. Upacāra có nghĩa gần kề, cận định, bởi vì nó đến cận bên trạng thái nhập định (Appanā Samādhi). Chính đến chặp tư tưởng Anuloma (thuận thứ) tâm hội đủ điều kiện để cuối cùng nhập định, Appanā (toàn định). Gọi là Thuận Thứ (Anuloma) bởi vì chặp tư tưởng hay sát-na tâm nầy khởi sanh tương hợp thuận chiều với tâm định, Appanā. Sau đó đến chặp Gotrabhū (Chuyển Tánh), chặp tư tưởng vượt thoát ra khỏi Dục Giới. Gotrabhū có nghĩa là cái gì chế ngự, "bhū", huyết thống phàm tục, "Gotra". Tất cả những chặp tư tưởng của tiến trình Javana, từ đầu đến chặp Gotrabhū (Chuyển Tánh) đều thuộc Dục Giới. Tức khắc sau giai đoạn chuyển tiếp Gotrabhū, trong một chặp duy nhất, liền phát sanh chặp Appanā, dẫn ngay vào Thiền (Jhāna). Tâm nầy thuộc Sắc Giới và được gọi là Sơ Thiền Sắc Giới. Trường hợp của một vị A La Hán, đó là Tâm Hành (Kriyā Citta), hay Duy Tác, ngoài ra nó là tâm Thiện (Kusala). Tâm nầy tồn tại trong một chặp tư tưởng rồi trôi trở lại vào trạng thái Bhavaṅga.
Hành giả tiếp tục chuyên chú gom tâm và phát triển trạng thái Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, và Ngũ Thiền cùng một phương thức như đã mô tả ở phần trên.
Năm tầng Thiền Quả (Jhāna Vipāka) là hậu quả tương ứng của năm tầng Thiền Thiện. Hành giả chỉ có thể chứng nghiệm Thiền Quả nầy sau khi chết và tái sanh vào Sắc Giới. Thiền Thiện (Kusala Jhāna) và Thiền Hành (Kriyā Jhāna) thì có thể được chứng nghiệm trong Dục Giới, có khi liên tục trọn cả ngày. Năm chi Thiền: Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm đồng phát sanh trong tâm toàn định (Appanā) bao gồm cái được gọi là Thiền (Jhāna).
Trong tầng Nhị Thiền, chi thiền đầu tiên (Tầm) được loại. Ðến tầng Tam Thiền, hai chi đầu được loại. Ở tầng Tứ Thiền, ba chi đầu được loại. Và cuối cùng, đến tầng Ngũ Thiền, chí đến chi thiền "Lạc" cũng bị loại và "Xả" thay vào.
Ðôi khi, như trong Visudhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo, chỉ ghi nhận có bốn tầng Thiền, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. Ở trường hợp nầy thì Nhị Thiền chỉ gồm ba chi, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm. Cả hai chi thiền đầu tiên, Tầm và Sát, đều bị loại bỏ.
38. Vitakka, Tầm.
Xuất nguyên từ "vi" + căn "takk", suy nghĩ. Danh từ nầy thường được dùng trong nghĩa suy tư hay suy gẫm. Ở đây Vitakka là một danh từ kỹ thuật, có nghĩa đặc biệt. Ðó là cái gì hướng những trạng thái cùng phát sanh đồng thời về đối tượng (Ārammaṇaṁ vitakketi sampayutta-dhamme abhiniropeti' ti vitakko). Như người cận thần được vua yêu chuộng hướng dẫn một nông dân quê mùa đi vào cung điện, cùng thế ấy Vitakka, Tầm, hướng dẫn tâm đến đề mục. Vitakka (Tầm) là một tâm sở không có tánh cách đạo đức, tức không thiện cũng không bất thiện. Liên hợp với tâm thiện (Kusala Citta) là thiện. Khi liên hợp với tâm bất thiện (Akusala Citta) là bất thiện. Chi Thiền "Tầm" là một hình thức phát triển khá cao của tâm sở Tầm, Vitakka. Và một hình thức phát triển cao độ hơn nữa của Vitakka phát sanh trong Ðạo Tâm (Magga Citta). được gọi là Sammā Saṅkappa, Chánh Tư Duy. Vitakka (Tầm) của Ðạo Tâm đưa các tâm sở hướng đến Niết Bàn và tiêu diệt Micchā Vitakka như tham dục (Kāma), thù hận (Vyāpāda), và hung bạo Vihiṁsā). (Trong chữ Micchā Vitakka, "Micchā" có nghĩa sai lạc, bất thiện, vậy Micchā Vitakka là các tâm sở bất thiện, lầm lạc, như tà tư duy). Chi thiền "Tầm" tạm thời khắc phục trạng thái hôn trầm thụy miên (Thīna-Middha), một trong năm pháp triền cái, hay năm chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa).
Do nhờ chuyên chú thực hành liên tục, hành giả đạt đến tầng Nhị Thiền bằng cách loại trừ chi thiền "Tầm". Trong trường hợp chỉ tính có bốn tầng Thiền như trong Thanh Tịnh Ðạo, thay vì năm, thì khi đắc Nhị Thiền hành giả loại trừ cả hai chi thiền, Tầm và Sát (Vitakka và Vicāra) cùng một lúc.
39. Vicāra, Sát
Xuất nguyên từ "vi" + căn "car" có nghĩa di chuyển hay lang thang bất định. Danh từ nầy thường được gọi là "Sát", hay "Tứ", tức quan sát, dò xét. Ở đây Vicāra có nghĩa là liên tục đặt tâm trên đối tượng. Chi thiền "Sát" tạm thời khắc phục triền cái hoài nghi (Vicikicchā).
Theo Bản Chú Giải, Vicāra là cái gì di động quanh đối tượng.
Dò xét, quan sát đối tượng là đặc tánh của tâm sở nầy. Vitakka (Tầm) cũng tựa như con ong bay hướng về một cái hoa. Vicāra (Sát) như ong vo vo bay quanh quẩn cạnh trên hoa. Khi Tầm và Sát là hai chi thiền, thì hai chi thiền nầy liên hệ tương quan mật thiết với nhau.
40. Pīti, Phỉ.
Tâm hứng thú, hân hoan, thích thú. Danh từ Pīti xuất nguyên từ căn "pi", hoan hỷ, thích thú. Danh từ Pīti thường được dịch là Phỉ, hay Hỷ. Nhưng Pīti không phải là một loại cảm thọ (Vedanā) như Sukha, Lạc. Ðúng ra Pīti, Hỷ là tâm sở đến trước, và trong khi xuất hiện, báo hiệu rằng sắp có Sukha, thọ Lạc, phát sanh. Như hai chi thiền đầu tiên Pīti, chi thiền Hỷ cũng là tâm sở đồng phát sanh cùng với cả hai tâm thiện và bất thiện. Ðặc điểm của tâm sở nầy là tạo thích thú cho đối tượng. Pīti tạm thời khắc phục triền cái oán ghét (Vyāpāda), sân hận, hay bất toại nguyện.
Có năm loại Pīti (Hỷ) là:
1. Khuddaka Pīti, cái vui làm rùng mình, rởn óc, hay "nổi da gà".
2. Khaṇika Pīti, cái vui thoáng qua mau lẹ như trời chớp.
3. Okkantika Pīti, cái vui tràn ngập như sóng biển trườn lên bãi.
4. Ubbega Pīti, cái vui thanh thoát đem lại cho hành giả cảm giác nhẹ nhàng như bông gòn lững lơ bay theo chiều gió.
5. Pharaṇa Pīti, cái vui thấm nhuần toàn thể châu thân như bong bóng được thổi phồng hay trận lục tràn lan làm ngập cả ao vũng.
41. Sukha, Lạc
Là an lạc hay hạnh phúc yên tĩnh. Sukha là một loại cảm thọ thích thú. Nghịch nghĩa của Sukha là Uddhacca và Kukkucca, phóng dật và lo âu. Cũng như Vitakka (Tầm) đến trước, báo hiệu có Vicāra (Sát) sắp khởi sanh, cùng thế ấy, Pīti (Phỉ) đến truớc và báo hiệu sắp có Sukha (Lạc).
Ðặc tánh của Sukha là thỏa thích hưởng thọ một cái gì mình mong muốn, như ông vua đang hoan hỷ thưởng thức một cao lương mỹ vị. Pīti (Phỉ) tạo cho hành giả trạng thái cảm nghe hứng thú trong đề mục, còn Sukha (Lạc) thì giúp hành giả thỏa thích hưởng thọ đề mục.
Khách lữ hành mệt mỏi đi trong sa mạc thấy xa xa có cụm cây và ao nước. Trạng thái vui mừng trước khi thật sự thọ hưởng là Pīti, Phỉ. Khi đến tận ao nước, trạng thái thỏa thích tắm rửa và uống nước là Sukha, Lạc.
Nên phân biệt trạng thái thích thú tinh thần nầy với Ahetuka Kāyika, thích thú về vật chất. Tâm sở Sukha nầy đồng nghĩa với Somanassa. Ðây là trạng thái thích thú không liên quan đến lạc thú vật chất. Trái lại, thọ Hỷ nầy chính là hậu quả dĩ nhiên của sự từ bỏ thú vui vật chất (Nirāmisa Sukha). Hạnh phúc Niết Bàn lại càng tế nhị và cao thượng hơn hạnh phúc của Thiền (Jhāna) nhiều. Hạnh phúc Niết Bàn không còn là một cảm giác (thọ), mà là sự giải thoát trọn vẹn ra khỏi mọi đau khổ (Dukkhūpasama). Hạnh phúc Niết Bàn có thể ví như trạng thái thoải mái dễ chịu của người tàn phế khi được phục hồi trở lại, mạnh khoẻ như thường. Ðó là trạng thái thoát ra khỏi một cảnh khổ, hạnh phúc giải thoát.
42. Upekkhā, Xả.
Ðúng theo ngữ nguyên, Upekkhā là thấy (ikkhati) một cách vô tư (upa = yuttito) . Ðó là nhìn đối tượng với tâm quân bình. Sách Atthasālinī ghi: "Ðây là trạng thái vô tư (majjattaṁ) liên quan đến đối tượng và bao hàm một sự hiểu biết phân giải (paricchindanakaṁ ñāṇaṁ)."
Ðây là lối giải thích chỉ riêng biệt áp dụng cho danh từ Upekkhā trong các loại tâm "Ðẹp", hay Tịnh Quang Tâm, đồng phát sanh cùng tri kiến. Trong các loại tâm Bất Thiện (Akusala) và Vô Nhân (Ahetuka), Upekkhā chỉ là cảm giác vô ký suông, không-vui-không-buồn, không có dấu vết gì của một sự hiểu biết phân giải. Trong các loại tâm "Ðẹp" thuộc Dục Giới (Kāmāvacara Sobhana) cũng có thể có cảm giác vô ký suông, như trường hợp người nghe Pháp mà không thích thú. Ngoài ra còn có một hình thức Upekkhā tế nhị, nhìn đối tượng với tâm rõ ràng vô tư và có sự hiểu biết phân giải, như trường hợp một người sáng suốt nghe Giáo Pháp với tâm phán đoán và vô tư.
Riêng Upekkhā của tâm Thiền (Jhāna) có một tầm quan trọng về mặt đạo đức và tâm lý. Chắc chắn đây không phải là loại Upekkhā, thọ vô ký thông thường, phát hiện một cách tự động trong các tâm Bất Thiện (Akusala). Chi thiền Xả (Jhāna Upekkhā) được phát triển do một ý chí mạnh mẽ. Nhận định rằng chi thiền "Lạc" vẫn còn thô kịch, hành giả loại trừ luôn chi thiền ấy, như đã loại ba chi trước kia, và trau giồi, phát triển chi "Xả", Upekkhā, tế nhị và thanh bình an lạc hơn nhiều.
Khi đắc Ngũ Thiền hơi thở cũng ngưng. Vì do nhờ ý chí, đã vượt lên khỏi cả hai, đau khổ và thỏa thích, hành giả cũng không còn cảm nghe đau đớn.
Chi thiền Upekkhā là một hình thức vi tế của tâm sở Tatramajjhattatā, bình thản, quân bình, một trong những tâm sở thiện tiềm tàng ngủ ngầm trong tất cả những loại tâm "Ðẹp" (Sobhana).
Trong câu Pāli: Upekkhā satipārisuddhi, sự trong sạch của tâm niệm phát sanh do trạng thái bình thản, 'trạng thái bình thản", hay tâm "Xả" (Upekkhā) được đề cập ở đây là Tatramajjhattatā. Tâm sở nầy cũng tiềm ẩn ngủ ngầm trong bốn tầng Thiền đầu tiên, nhưng đến Ngũ Thiền thì Tatramajjhattata nổi bật lên và trở thành vi tế đến mức cao độ. Cả hai, thọ vô ký (Upekkhā Vedanā) và trạng thái bình thản (Xả), được bao hàm trong Phạn ngữ Upekkhā, đều nằm trong Ngũ Thiền.
Vậy, có bốn loại Upekkhā như sau:
1. Thọ vô ký suông, chỉ là một cảm thọ nằm trong sáu tâm Bất Thiện (Akusala Citta).
2. Thọ vô ký tiêu cực (Anubhavana Upekkhā) nằm trong tám căn môn Vô Nhân (Ahetuka dvipañca-viññāṇa [2], những loại tâm Quả đi từng cặp Thiện và Bất Thiện, có liên quan đến giác quan)
3. Upekkhā có tánh cách trí thức, thường nằm trong hai tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kriyā Cittas), đồng phát sanh cùng tri kiến, và đôi khi nằm trong hai tâm Thiện Ðẹp (Sobhana Kusala Cittas), đồng phát sanh cùng tri kiến.
4. Upekkhā có tánh cách đạo đứch nằm trong tất cả tâm Ðẹp (Sobhana Citta), hay Tịnh Quang Tâm, đặc biệt là trong Ngũ Thiền.
Brahmavihārupekkhā và Saṅkhārupekkhā có thể đuợc bao hàm trong cả hai loại Upekkhā -- trí thức và đạo đức [3] .
Brahmavihārupekkhā, tâm Xả của Tứ Vô Lượng Tâm là trạng thái bình thản, không chao động, tâm quân bình, trước những hoàn cảnh thăng trầm của đời sống. Saṅkhārupekkha, tâm Xả Hành, là trạng thái không ưa thích cũng không ghét bỏ, không luyến ái cũng không bất toại nguyện, đối với các pháp hữu vi, các vật được cấu tạo.
Sách Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo, lược kê tất cả mười loại Upekkhā. Xem The Path of Purity quyển II, trang 184-186.
43. Ekaggata, Nhất Ðiểm Tâm
(eka + agga + tā) một điểm duy nhất, hay nhất điểm tâm là trạng thái gom tâm an trụ vào một điểm. Ðây là tâm sở nằm trong tất cả các tầng Thiền (Jhāna). Sammā Samādhi (Chánh Ðịnh) là Nhất Ðiểm Tâm nầy nằm trong Ðạo Tâm (Magga Citta) và tạm thời khắc phục triền cái tham dục.
Ghi chú:
[1] Bhavaṅga, Ý Môn Hướng Tâm, Ðề Mục Sơ Khởi, Cận Ðịnh, Thuận Thứ, Chuyển Tánh, Nhập Ðịnh.
[2] Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, Thiện và Bất Thiện. Ngoại trừ thân thức (kayaviññāṇa). Xem chú giải số 24 về Ngũ Song Thức. Có năm cặp (Ngũ Song, thiện và bất thiện)), nhưng trừ cặp thân thức, còn lại bốn (4x2=8)
[3] Xem Compendium of Philosophy, những trang 14, 66, và 229-232.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:50:05 GMT -5
RŪPĀVACARA CITTĀNI -- 15 Tâm thuộc sắc giới -- 15
7.
Rūpāvacara Kusala Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Kusalacittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Kusalacittaṁ, 3. Pīti-Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Kusala- cittaṁ, 4. Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Catutthajjhāna-Kusala- cittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Kusalacittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Kusalacittāni nāma.
Rūpāvacara Vipāka Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Vipākacittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Vipākacittaṁ, 3. Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Vipākacittaṁ, 4. Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Catutthajjhāna-Vipāka- cittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Vipāka- cittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Vipākacittāni nāma.
Rūpāvacara Kriyā Cittāni -- 5
1. Vitakka - Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā-sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Kriyācittaṁ, 2. Vicāra - Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Dutiya- jjhāna-Kriyācittaṁ, 3. Pīti - Sukh'Ekaggatā - sahitaṁ Tatiyajjhāna-Kriyācittaṁ, 4. Sukh'Ekaggata - sahitaṁ Catujjhāna-Kriyācittaṁ, 5. Upekkh'Ekaggatā - sahitaṁ Pañcamajjhāna-Kriyā- cittañ c'āti.
Imāni pañca'pi Rūpāvacara-Kriyācittāni nāma.
Icc'evaṁ sabbathā'pi paṇṇarasa Rūpāvacara-Kusala-Vipāka-Kriyācittāni samattāni.
Pañcadhā jhānabhedena -- rūpāvacaramānasaṁ Puññapākakriyābhedā -- taṁ pañcadasadhā bhave.
§7
Tâm Thiện Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Thiện Sơ Thiền cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Thiện Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Thiện Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc, và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Thiện Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Thiện Ngũ Thiền cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Thiện thuộc Sắc Giới.
Tâm Quả Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Quả Sơ Thiền, cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Quả Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Quả Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Quả Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Quả Ngũ Thiền, cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Quả thuộc Sắc Giới.
Tâm Hành Thuộc Sắc Giới -- 5
1. Tâm Hành Sơ Thiền, cùng với Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 2. Tâm Hành Nhị Thiền, cùng với Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm, 3. Tâm Hành Tam Thiền, cùng với Phỉ, Lạc, và Nhất Ðiểm, 4. Tâm Hành Tứ Thiền, cùng với Lạc và Nhất Ðiểm, 5. Tâm Hành Ngũ Thiền, cùng với Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Hành thuộc Sắc Giới.
Chú Giải:
36. Rūpāvacara, Thuộc Về Sắc Giới
Có ba cảnh giới sinh tồn là: Dục Giới (Kāmaloka), Sắc Giới (Rūpaloka), và Vô Sắc Giới (Arūpaloka). Bốn cảnh khổ (Apāya), cảnh người (Manussa), và sáu cảnh Trời (Devaloka) thuộc Dục Giới (Kāmaloka). Gọi như thế vì trong cảnh giới nầy tâm tham dục chiếm phần quan trọng. Bốn cảnh giới được gọi là Duggati -- khổ cảnh, hay trạng thái khốn cùng. Những chúng sanh có hành động bất thiện tái sanh vào trạng thái nầy. Cảnh người và cảnh Trời được gọi là Sugati -- cảnh giới hữu phúc. Những chúng sanh có hành động thiện được sanh vào cảnh giới hữu phước có nhiều dục lạc nầy.
Hạng người tiến bộ hơn, không còn tìm thích thú trong dục lạc tầm thường mà thích thú trong sự phát triển tâm linh cao thượng hơn, tức nhiên phải được sanh vào những cảnh giới thích đáng, phù hợp với nguyện vọng thanh nhã và cao thượng của họ. Dầu ở trong cảnh người cũng vậy, có người rút vào ẩn dật giữa rừng sâu xa xôi hẻo lánh để gia công hành thiền.
Công trình hành thiền (bhāvanā) có hai loại: Samatha hay lắng gom tâm vắng lặng, hay thiền chỉ, và Vipassanā, thiền quán hay minh sát. Samatha có nghĩa là tĩnh lặng, hay yên tịnh, và phương cách để thành đạt trạng thái nầy là trau giồi các tầng Thiền (Jhāna). Vipassanā là thấy đúng thực tướng của sự vật. Sự vật như thế nào, thấy đúng như vậy. Do Thiền (Jhāna) hành giả có thể phát triển những năng lực thần thông (Abhiññā). Vipassanā (Minh Sát) dẫn đến Giác Ngộ.
Những bậc diệu trí đã chứng đắc các tầng Thiền (Jhāna), sau khi chết sẽ tái sanh vào cảnh Sắc Giới (Rūpaloka) và Vô Sắc Giới (Arūpaloka).
Trong cảnh giới Vô Sắc, không còn cơ thể vật chất (sắc) nữa, mà chỉ có tâm. Thông thường, tâm và cơ thể vật chất, danh và sắc, tùy thuộc tương quan mật thiết với nhau và không thể tách rời ra. Tuy nhiên, do năng lực của ý chí, có thể tạm thời làm cho tâm tách rời ra khỏi thân, hay ngược lại. Chúng sanh trong những cảnh Trời Sắc Giới được biết có hình thể vật chất rất tế nhị (tế sắc).
Sách Compendium of Philosophy viết: "Gọi là Sắc Giới (Rūpaloka) bởi vì nghe rằng ở cảnh giới nầy vẫn còn một phần vật chất rất tế nhị. Gọi là Vô Sắc Giới (Arūpaloka) vì ở đây không thể tìm ra dấu vết của vật chất."
Cái gì thường có mặt trong Sắc Giới (Rūpaloka) được gọi là Rūpāvacara. Có mười lăm loại tâm thuộc Sắc Giới. Năm loại Thiện (Kusala), mà ta có thể trau giồi và phát triển ngay trong kiếp sống nầy. Năm loại là Quả (Vipāka) tương ứng với năm tâm Thiện trên mà hành giả sẽ thọ hưởng sau khi chết. Năm loại là Hành (Kriyā), hay duy tác, chỉ chư Phật và chư vị A La Hán chứng nghiệm trong kiếp sống nầy, hoặc các vị A La Hán trong cảnh Sắc Giới.
37. Jhāna (Saṁskrt: Dhyāna), Thiền.
Danh từ Pāli nầy xuất nguyên từ căn "jhe", là suy gẫm. Ngài Buddhaghosa giải thích Jhāna như sau:
"Ārammaṇ'upanijjhānato paccanīkajhāpanato vā jhānaaṁ", gọi là Jhāna (Thiền) vì nó suy gẫm bám sát vào đối tượng, hay bởi vì nó thiêu đốt những chướng ngại (Nīvaraṇas). Jhāna là chăm chú mạnh mẽ gom tâm vào một đối tượng.
Trong bốn mươi đề mục để gom tâm được kể ra ở chương 9 của quyển sách nầy, hành giả chọn đề mục nào thích hợp với tâm tánh mình nhất. Ðề mục nầy được gọi là Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi, hay chuẩn bị.
Hành giả chuyên chú gom tâm vào đề mục nầy cho đến khi tâm mình hoàn toàn an trụ vào đó, tất cả mọi vọng tưởng ngoại lai đương nhiên đều bị loại bỏ ra ngoài. Hành giả sẽ tiến đến giai đoạn mà dầu mắt nhắm cũng có thể hình dung đối tượng sơ khởi. Không để gián đoạn, hành giả liên tục gom tâm trên hình ảnh hình dung (Uggaha nimitta) ấy cho đến khi phát triển hình ảnh khái niệm (Paṭibhāga nimitta).
Hãy lấy đề mục Paṭhavi Kasiṇa, hình tròn bằng đất, làm thí dụ:
Một mặt tròn độ ba tấc bề kính, cạo gọt trơn bén, tô mặt láng và đều đặn, làm bằng đất sét màu da trời lúc bình minh. Nếu không có đất sét màu nầy có thể dùng một loại đất sét khác.
Mặt tròn bằng đất sét nầy được gọi là Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi. Ðặt cái kasiṇa ấy cách chỗ mình ngồi độ một thước, hành giả chăm chú gom tâm vào đó và niệm thầm paṭhavi, paṭhavi ... (đất, đất...). Mục đích là gom tâm vào một điểm.
Khi hành như thế một ít lâu -- có thể hằng tuần, hằng tháng, hoặc hằng năm -- hành giả đạt đến mức độ dầu nhắm mắt lại cũng hình dung được cái vòng tròn kasiṇa. Ðề mục hình dung ấy gọi là Uggaha Nimitta. Ðó là hình ảnh của đối tượng sơ khởi phát hiện trong tâm. Hành giả tiếp tục gom tâm vào đề mục được hình dung (Uggaha Nimitta) nầy, vốn là hình ảnh của cái kasiṇa mà hành giả hình dung trong tâm, cho đến khi phát triển một hình ảnh khái niệm gọi là Paṭibhāga Nimitta.
Sự khác biệt giữa Uggaha và Paṭibhāga Nimitta là trong hình ảnh hình dung, Uggaha Nimitta, hành giả còn thấy rõ ràng những khuyết điểm của đề mục như lồi lõm v.v... còn trong hình ảnh khái niệm, Paṭibhāga Nimitta, thì không còn thấy nữa mà đề mục chỉ xuất hiện như một "vỏ ốc xa cừ trau giồi bóng láng". Hành giả không còn thấy hình dáng và màu sắc nữa. Paṭibhāga "chỉ còn là một hình thức phát hiện, và khởi sanh do tri giác".
Trong lúc liên tục chuyên chú gom tâm vào khái niệm trừu tượng như vậy, hành giả đạt đến mức độ gọi là "cận định" (Upacāra Samādhi) và năm chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa) cố hữu, luôn luôn cản trở tiến bộ tinh thần như tham dục (Kāmachanda), oán ghét (Paṭigha), hôn trầm - thụy miên (Thīna-Middha), phóng dật-lo âu (Uddhacca-Kukkucca), và hoài nghi (Vicikicchā) tạm thời được khắc phục. Vào một lúc nào, hành giả có thể bất thần nhập định (Appanā Samādhi) và đắc Thiền (Jhāna), thọ hưởng trạng thái an tĩnh và vắng lặng của tâm an trụ. Khi sắp thành đạt trạng thái nhập định (Appanā Samādhi) tiến trình tư tưởng của hành giả trôi chảy như sau:
Bhavaṅga, Manodvārāvajjana, Parikamma, Upacāra, Anuloma, Gotrabhū, Appanā.[1]
Khi luồng tâm dừng lại, Ý Môn Hướng Tâm phát sanh và lấy hình ảnh khái niệm (Paṭibhāga) làm đề mục. Liền sau đó, như trường hợp có thể xảy diễn, tiến trình Javana bắt đầu với Parikamma, hoặc Upacāra. Parikamma là chặp tư tưởng chuẩn bị, hay sơ khởi. Upacāra có nghĩa gần kề, cận định, bởi vì nó đến cận bên trạng thái nhập định (Appanā Samādhi). Chính đến chặp tư tưởng Anuloma (thuận thứ) tâm hội đủ điều kiện để cuối cùng nhập định, Appanā (toàn định). Gọi là Thuận Thứ (Anuloma) bởi vì chặp tư tưởng hay sát-na tâm nầy khởi sanh tương hợp thuận chiều với tâm định, Appanā. Sau đó đến chặp Gotrabhū (Chuyển Tánh), chặp tư tưởng vượt thoát ra khỏi Dục Giới. Gotrabhū có nghĩa là cái gì chế ngự, "bhū", huyết thống phàm tục, "Gotra". Tất cả những chặp tư tưởng của tiến trình Javana, từ đầu đến chặp Gotrabhū (Chuyển Tánh) đều thuộc Dục Giới. Tức khắc sau giai đoạn chuyển tiếp Gotrabhū, trong một chặp duy nhất, liền phát sanh chặp Appanā, dẫn ngay vào Thiền (Jhāna). Tâm nầy thuộc Sắc Giới và được gọi là Sơ Thiền Sắc Giới. Trường hợp của một vị A La Hán, đó là Tâm Hành (Kriyā Citta), hay Duy Tác, ngoài ra nó là tâm Thiện (Kusala). Tâm nầy tồn tại trong một chặp tư tưởng rồi trôi trở lại vào trạng thái Bhavaṅga.
Hành giả tiếp tục chuyên chú gom tâm và phát triển trạng thái Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, và Ngũ Thiền cùng một phương thức như đã mô tả ở phần trên.
Năm tầng Thiền Quả (Jhāna Vipāka) là hậu quả tương ứng của năm tầng Thiền Thiện. Hành giả chỉ có thể chứng nghiệm Thiền Quả nầy sau khi chết và tái sanh vào Sắc Giới. Thiền Thiện (Kusala Jhāna) và Thiền Hành (Kriyā Jhāna) thì có thể được chứng nghiệm trong Dục Giới, có khi liên tục trọn cả ngày. Năm chi Thiền: Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm đồng phát sanh trong tâm toàn định (Appanā) bao gồm cái được gọi là Thiền (Jhāna).
Trong tầng Nhị Thiền, chi thiền đầu tiên (Tầm) được loại. Ðến tầng Tam Thiền, hai chi đầu được loại. Ở tầng Tứ Thiền, ba chi đầu được loại. Và cuối cùng, đến tầng Ngũ Thiền, chí đến chi thiền "Lạc" cũng bị loại và "Xả" thay vào.
Ðôi khi, như trong Visudhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo, chỉ ghi nhận có bốn tầng Thiền, từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. Ở trường hợp nầy thì Nhị Thiền chỉ gồm ba chi, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm. Cả hai chi thiền đầu tiên, Tầm và Sát, đều bị loại bỏ.
38. Vitakka, Tầm.
Xuất nguyên từ "vi" + căn "takk", suy nghĩ. Danh từ nầy thường được dùng trong nghĩa suy tư hay suy gẫm. Ở đây Vitakka là một danh từ kỹ thuật, có nghĩa đặc biệt. Ðó là cái gì hướng những trạng thái cùng phát sanh đồng thời về đối tượng (Ārammaṇaṁ vitakketi sampayutta-dhamme abhiniropeti' ti vitakko). Như người cận thần được vua yêu chuộng hướng dẫn một nông dân quê mùa đi vào cung điện, cùng thế ấy Vitakka, Tầm, hướng dẫn tâm đến đề mục. Vitakka (Tầm) là một tâm sở không có tánh cách đạo đức, tức không thiện cũng không bất thiện. Liên hợp với tâm thiện (Kusala Citta) là thiện. Khi liên hợp với tâm bất thiện (Akusala Citta) là bất thiện. Chi Thiền "Tầm" là một hình thức phát triển khá cao của tâm sở Tầm, Vitakka. Và một hình thức phát triển cao độ hơn nữa của Vitakka phát sanh trong Ðạo Tâm (Magga Citta). được gọi là Sammā Saṅkappa, Chánh Tư Duy. Vitakka (Tầm) của Ðạo Tâm đưa các tâm sở hướng đến Niết Bàn và tiêu diệt Micchā Vitakka như tham dục (Kāma), thù hận (Vyāpāda), và hung bạo Vihiṁsā). (Trong chữ Micchā Vitakka, "Micchā" có nghĩa sai lạc, bất thiện, vậy Micchā Vitakka là các tâm sở bất thiện, lầm lạc, như tà tư duy). Chi thiền "Tầm" tạm thời khắc phục trạng thái hôn trầm thụy miên (Thīna-Middha), một trong năm pháp triền cái, hay năm chướng ngại tinh thần (Nīvaraṇa).
Do nhờ chuyên chú thực hành liên tục, hành giả đạt đến tầng Nhị Thiền bằng cách loại trừ chi thiền "Tầm". Trong trường hợp chỉ tính có bốn tầng Thiền như trong Thanh Tịnh Ðạo, thay vì năm, thì khi đắc Nhị Thiền hành giả loại trừ cả hai chi thiền, Tầm và Sát (Vitakka và Vicāra) cùng một lúc.
39. Vicāra, Sát
Xuất nguyên từ "vi" + căn "car" có nghĩa di chuyển hay lang thang bất định. Danh từ nầy thường được gọi là "Sát", hay "Tứ", tức quan sát, dò xét. Ở đây Vicāra có nghĩa là liên tục đặt tâm trên đối tượng. Chi thiền "Sát" tạm thời khắc phục triền cái hoài nghi (Vicikicchā).
Theo Bản Chú Giải, Vicāra là cái gì di động quanh đối tượng.
Dò xét, quan sát đối tượng là đặc tánh của tâm sở nầy. Vitakka (Tầm) cũng tựa như con ong bay hướng về một cái hoa. Vicāra (Sát) như ong vo vo bay quanh quẩn cạnh trên hoa. Khi Tầm và Sát là hai chi thiền, thì hai chi thiền nầy liên hệ tương quan mật thiết với nhau.
40. Pīti, Phỉ.
Tâm hứng thú, hân hoan, thích thú. Danh từ Pīti xuất nguyên từ căn "pi", hoan hỷ, thích thú. Danh từ Pīti thường được dịch là Phỉ, hay Hỷ. Nhưng Pīti không phải là một loại cảm thọ (Vedanā) như Sukha, Lạc. Ðúng ra Pīti, Hỷ là tâm sở đến trước, và trong khi xuất hiện, báo hiệu rằng sắp có Sukha, thọ Lạc, phát sanh. Như hai chi thiền đầu tiên Pīti, chi thiền Hỷ cũng là tâm sở đồng phát sanh cùng với cả hai tâm thiện và bất thiện. Ðặc điểm của tâm sở nầy là tạo thích thú cho đối tượng. Pīti tạm thời khắc phục triền cái oán ghét (Vyāpāda), sân hận, hay bất toại nguyện.
Có năm loại Pīti (Hỷ) là:
1. Khuddaka Pīti, cái vui làm rùng mình, rởn óc, hay "nổi da gà".
2. Khaṇika Pīti, cái vui thoáng qua mau lẹ như trời chớp.
3. Okkantika Pīti, cái vui tràn ngập như sóng biển trườn lên bãi.
4. Ubbega Pīti, cái vui thanh thoát đem lại cho hành giả cảm giác nhẹ nhàng như bông gòn lững lơ bay theo chiều gió.
5. Pharaṇa Pīti, cái vui thấm nhuần toàn thể châu thân như bong bóng được thổi phồng hay trận lục tràn lan làm ngập cả ao vũng.
41. Sukha, Lạc
Là an lạc hay hạnh phúc yên tĩnh. Sukha là một loại cảm thọ thích thú. Nghịch nghĩa của Sukha là Uddhacca và Kukkucca, phóng dật và lo âu. Cũng như Vitakka (Tầm) đến trước, báo hiệu có Vicāra (Sát) sắp khởi sanh, cùng thế ấy, Pīti (Phỉ) đến truớc và báo hiệu sắp có Sukha (Lạc).
Ðặc tánh của Sukha là thỏa thích hưởng thọ một cái gì mình mong muốn, như ông vua đang hoan hỷ thưởng thức một cao lương mỹ vị. Pīti (Phỉ) tạo cho hành giả trạng thái cảm nghe hứng thú trong đề mục, còn Sukha (Lạc) thì giúp hành giả thỏa thích hưởng thọ đề mục.
Khách lữ hành mệt mỏi đi trong sa mạc thấy xa xa có cụm cây và ao nước. Trạng thái vui mừng trước khi thật sự thọ hưởng là Pīti, Phỉ. Khi đến tận ao nước, trạng thái thỏa thích tắm rửa và uống nước là Sukha, Lạc.
Nên phân biệt trạng thái thích thú tinh thần nầy với Ahetuka Kāyika, thích thú về vật chất. Tâm sở Sukha nầy đồng nghĩa với Somanassa. Ðây là trạng thái thích thú không liên quan đến lạc thú vật chất. Trái lại, thọ Hỷ nầy chính là hậu quả dĩ nhiên của sự từ bỏ thú vui vật chất (Nirāmisa Sukha). Hạnh phúc Niết Bàn lại càng tế nhị và cao thượng hơn hạnh phúc của Thiền (Jhāna) nhiều. Hạnh phúc Niết Bàn không còn là một cảm giác (thọ), mà là sự giải thoát trọn vẹn ra khỏi mọi đau khổ (Dukkhūpasama). Hạnh phúc Niết Bàn có thể ví như trạng thái thoải mái dễ chịu của người tàn phế khi được phục hồi trở lại, mạnh khoẻ như thường. Ðó là trạng thái thoát ra khỏi một cảnh khổ, hạnh phúc giải thoát.
42. Upekkhā, Xả.
Ðúng theo ngữ nguyên, Upekkhā là thấy (ikkhati) một cách vô tư (upa = yuttito) . Ðó là nhìn đối tượng với tâm quân bình. Sách Atthasālinī ghi: "Ðây là trạng thái vô tư (majjattaṁ) liên quan đến đối tượng và bao hàm một sự hiểu biết phân giải (paricchindanakaṁ ñāṇaṁ)."
Ðây là lối giải thích chỉ riêng biệt áp dụng cho danh từ Upekkhā trong các loại tâm "Ðẹp", hay Tịnh Quang Tâm, đồng phát sanh cùng tri kiến. Trong các loại tâm Bất Thiện (Akusala) và Vô Nhân (Ahetuka), Upekkhā chỉ là cảm giác vô ký suông, không-vui-không-buồn, không có dấu vết gì của một sự hiểu biết phân giải. Trong các loại tâm "Ðẹp" thuộc Dục Giới (Kāmāvacara Sobhana) cũng có thể có cảm giác vô ký suông, như trường hợp người nghe Pháp mà không thích thú. Ngoài ra còn có một hình thức Upekkhā tế nhị, nhìn đối tượng với tâm rõ ràng vô tư và có sự hiểu biết phân giải, như trường hợp một người sáng suốt nghe Giáo Pháp với tâm phán đoán và vô tư.
Riêng Upekkhā của tâm Thiền (Jhāna) có một tầm quan trọng về mặt đạo đức và tâm lý. Chắc chắn đây không phải là loại Upekkhā, thọ vô ký thông thường, phát hiện một cách tự động trong các tâm Bất Thiện (Akusala). Chi thiền Xả (Jhāna Upekkhā) được phát triển do một ý chí mạnh mẽ. Nhận định rằng chi thiền "Lạc" vẫn còn thô kịch, hành giả loại trừ luôn chi thiền ấy, như đã loại ba chi trước kia, và trau giồi, phát triển chi "Xả", Upekkhā, tế nhị và thanh bình an lạc hơn nhiều.
Khi đắc Ngũ Thiền hơi thở cũng ngưng. Vì do nhờ ý chí, đã vượt lên khỏi cả hai, đau khổ và thỏa thích, hành giả cũng không còn cảm nghe đau đớn.
Chi thiền Upekkhā là một hình thức vi tế của tâm sở Tatramajjhattatā, bình thản, quân bình, một trong những tâm sở thiện tiềm tàng ngủ ngầm trong tất cả những loại tâm "Ðẹp" (Sobhana).
Trong câu Pāli: Upekkhā satipārisuddhi, sự trong sạch của tâm niệm phát sanh do trạng thái bình thản, 'trạng thái bình thản", hay tâm "Xả" (Upekkhā) được đề cập ở đây là Tatramajjhattatā. Tâm sở nầy cũng tiềm ẩn ngủ ngầm trong bốn tầng Thiền đầu tiên, nhưng đến Ngũ Thiền thì Tatramajjhattata nổi bật lên và trở thành vi tế đến mức cao độ. Cả hai, thọ vô ký (Upekkhā Vedanā) và trạng thái bình thản (Xả), được bao hàm trong Phạn ngữ Upekkhā, đều nằm trong Ngũ Thiền.
Vậy, có bốn loại Upekkhā như sau:
1. Thọ vô ký suông, chỉ là một cảm thọ nằm trong sáu tâm Bất Thiện (Akusala Citta).
2. Thọ vô ký tiêu cực (Anubhavana Upekkhā) nằm trong tám căn môn Vô Nhân (Ahetuka dvipañca-viññāṇa [2], những loại tâm Quả đi từng cặp Thiện và Bất Thiện, có liên quan đến giác quan)
3. Upekkhā có tánh cách trí thức, thường nằm trong hai tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kriyā Cittas), đồng phát sanh cùng tri kiến, và đôi khi nằm trong hai tâm Thiện Ðẹp (Sobhana Kusala Cittas), đồng phát sanh cùng tri kiến.
4. Upekkhā có tánh cách đạo đứch nằm trong tất cả tâm Ðẹp (Sobhana Citta), hay Tịnh Quang Tâm, đặc biệt là trong Ngũ Thiền.
Brahmavihārupekkhā và Saṅkhārupekkhā có thể đuợc bao hàm trong cả hai loại Upekkhā -- trí thức và đạo đức [3] .
Brahmavihārupekkhā, tâm Xả của Tứ Vô Lượng Tâm là trạng thái bình thản, không chao động, tâm quân bình, trước những hoàn cảnh thăng trầm của đời sống. Saṅkhārupekkha, tâm Xả Hành, là trạng thái không ưa thích cũng không ghét bỏ, không luyến ái cũng không bất toại nguyện, đối với các pháp hữu vi, các vật được cấu tạo.
Sách Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo, lược kê tất cả mười loại Upekkhā. Xem The Path of Purity quyển II, trang 184-186.
43. Ekaggata, Nhất Ðiểm Tâm
(eka + agga + tā) một điểm duy nhất, hay nhất điểm tâm là trạng thái gom tâm an trụ vào một điểm. Ðây là tâm sở nằm trong tất cả các tầng Thiền (Jhāna). Sammā Samādhi (Chánh Ðịnh) là Nhất Ðiểm Tâm nầy nằm trong Ðạo Tâm (Magga Citta) và tạm thời khắc phục triền cái tham dục.
Ghi chú:
[1] Bhavaṅga, Ý Môn Hướng Tâm, Ðề Mục Sơ Khởi, Cận Ðịnh, Thuận Thứ, Chuyển Tánh, Nhập Ðịnh.
[2] Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, Thiện và Bất Thiện. Ngoại trừ thân thức (kayaviññāṇa). Xem chú giải số 24 về Ngũ Song Thức. Có năm cặp (Ngũ Song, thiện và bất thiện)), nhưng trừ cặp thân thức, còn lại bốn (4x2=8)
[3] Xem Compendium of Philosophy, những trang 14, 66, và 229-232.
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:51:50 GMT -5
ARŪPĀVACARA CITTĀNI -- 12 Tâm thuộc vô sắc Giới -- 12
8.
Arūpāvacara Kusala Cittāni - 4
1. Ākāsānañcāyatanakusalacittaṁ, 2. Viññāṇañ-cāyatanakusalacittaṁ, 3. Ākiñcaññāyatanakusalacittaṁ, 4. N'eva-saññā-n'āsaññāyatanakusalacittañ c'āti.
Imāni cattāri'pi Arūpāvacarakusalacittāni nāma.
Arūpāvacara Vipāka Cittāni -- 4
5. Ākāsānañcāyatanavipākacittaṁ, 6. Viññāṇañ- cāyatanavipākacittaṁ, 7. Ākiñcaññāyatanavipākacittaṁ, 8. N'eva-saññā-nāsaññāyatanavipākacittañ c'āti.
Imāni cattāri'pi Arūpāvacaravipākacittāni nāma.
Arūpāvacara Kriyā Cittāni -- 4
9. Ākāsānañcāyatanakriyācittaṁ, 10. Viññaṇañ- cāyatanakriyācittaṁ, 11. Ākiñcaññāyatanakriyācittaṁ, 12. N'eva-saññā-n'āsaññāyatanakriyācittañ c'āti.
Imāni cattāri' pi Arūpāvacarakriyācittāni nāma.
Icc' evaṁ sabbathā'pi dvādasa Arūpāvacara-Kusala-Vipāka-Kriyācittāni samattāni.
Ālambanappabhedhena -- catudhā'ruppamānasaṁ Puññapākakriyābhedā -- puna dvādasadhā ṭhitaṁ.
§8
Tâm Thiện Vô Sắc Giới - 4
1. Tâm Thiền Thiện trong "Không Vô Biên Xứ". 2. Tâm Thiền Thiện trong "Thức Vô Biên Xứ". 3. Tâm Thiền Thiện trong "Vô Sở Hữu Xứ". 4. Tâm Thiền Thiện trong "Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng".
Ðó là bốn loại tâm Thiền Thiện Thuộc Vô Sắc Giới.
Tâm Quả Vô Sắc Giới - 4
5. Tâm Thiền Quả trong "Không Vô Biên Xứ". 6. Tâm Thiền Quả trong "Thức Vô Biên Xứ". 7. Tâm Thiền Quả trong "Vô Sở Hữu Xứ". 8. Tâm Thiền Quả trong "Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng".
Ðó là bốn loại tâm Thiền Quả Thuộc Vô Sắc Giới.
Tâm Hành Vô Sắc Giới - 4
9. Tâm Thiền Hành trong "Không Vô Biên Xứ". 10. Tâm Thiền Hành trong "Thức Vô Biên Xứ". 11. Tâm Thiền Hành trong "Vô Sở Hữu Xứ". 12. Tâm Thiền Hành trong "Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng".
Ðó là bốn loại tâm Hành thuộc Thiền Vô Sắc.
Như vậy, chấm dứt, tất cả có mười hai loại tâm Thiền Vô Sắc (Arūpajhāna) Thiện, Quả, Hành [1]. Tâm Thiền Vô Sắc Giới (Arūpa jhāna) bốn, đuợc sắp xếp tùy theo đối tượng. Tính theo Thiện, Quả và Hành thì có tất cả là mười hai.
Chú Giải:
44. Arūpa Jhāna, Thiền Vô Sắc.
Vị hành giả đã có phát triển Thiền Sắc Giới (Rūpa Jhāna) và giờ đây muốn trau giồi Thiền Vô Sắc, bắt đầu gom tâm vào hình ảnh khái niệm (Paṭibhāga Nimitta) như đã có giảng ở phần trên.
Khi chuyên chú gom tâm như vậy một ít lâu hành giả thấy một đốm ánh sáng nhỏ, yếu, giống như con đom đóm, phát ra từ đối tượng kasiṇa. Hành giả nguyện rằng ánh sáng nhỏ nầy lớn lên dần dần cho đến khi bao trùm toàn thể không gian. Ðến đây hành giả không còn thấy gì khác, ngoài ánh sáng nầy, cùng khắp mọi nơi. Không gian đầy ánh sáng nầy không có thực, không phải là một thực tại, mà chỉ là một khái niệm. Danh từ Pāli gọi là Kasiṇugghāṭimākāsa, có nghĩa "không gian phát huy từ đối tượng kasiṇa". Gom tâm vào đối tượng nầy, hành giả niệm "Ākāso ananto", "không gian vô tận vô biên" cho đến khi phát triển tầng Thiền Vô Sắc đầu tiên -- Ākāsānañcāyatana, Không Vô Biên Xứ.
Cũng như trường hợp Thiền Sắc Giới, tiến trình tư tưởng của hành giả lúc ấy trôi chảy như sau:
Manodvārāvajjana, Parikamma, Upacāra, Anuloma, Gotrabhū, Ākāsānañcāyatana.
Chặp tư tưởng Parikamma, đối tượng sơ khởi, có thể phát sanh, có thể không.
Chặp tư tưởng Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna) chỉ phát sanh trong một chặp (hay sát-na tâm) rồi trôi vào trạng thái Bhavaṅga.
Hành giả tiếp tục gom tâm vào Sơ Thiền Vô Sắc và niệm "Viññāṇaṁ anantaṁ", có nghĩa "thức vô tận vô biên" cho đến lúc phát triển Nhị Thiền Vô Sắc -- Viññāṇañcā- yatana, Thức Vô Biên Xứ.
Ðể phát triển Tam Thiền Vô Sắc -- Ākiñcaññā-yatana, Vô Sở Hữu Xứ -- hành giả lấy tâm Sơ Thiền làm đề mục và niệm "Natthi kiñci", không có gì hết.
Tứ Thiền Vô Sắc được phát triển bằng cách lấy Tam Thiền Vô Sắc làm đề mục. Tam Thiền Vô Sắc nầy vi tế và tinh chế đến nổi ta không thể quả quyết rằng có tâm hay không có tâm. Khi chăm chú ít lâu vào Tam Thiền nầy hành giả phát triển Tứ Thiền. Mặc dầu trong N'eva-sañña-n'asaññāyatana, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, danh từ "Saññā", Tưởng, được dùng, ở đây hai tâm sở Vedanā (Thọ) và Saṅkhāra (Hành) cũng được bao hàm trong đó.
Năm tầng Thiền Sắc Giới khác biệt nhau do các chi thiền. Bốn tầng Thiền Vô Sắc Giới thì khác nhau do đề mục gom tâm. Sơ Thiền và Tam Thiền có hai khái niệm (Paññatti). Ðó là khái niệm về tánh cách vô biên của không gian và khái niệm về hư vô.
Tâm Nhị Thiền lấy tâm Sơ Thiền làm đề mục, và Tứ Thiền lấy Tam Thiền làm đề mục.
Bốn Thiền Vô Sắc nầy có Quả tương ứng của nó trong cảnh giới Vô Sắc. Chỉ có chư Phật và chư vị A La Hán mới có bốn tầng Thiền Hành (Duy Tác) Vô Sắc.
Trong tất cả mười hai loại tâm Thiền Vô Sắc (Jhāna Cittas) đều có hai chi thiền Upekkhā (Xả) và Ekaggata (Nhất Ðiểm). Ðó cũng là hai chi của Ngũ Thiền Sắc Giới.
Ghi chú:
[1] Các loại tâm thuộc Sắc Giới và Vô Sắc Giới được gọi chung là Mahaggata có nghĩa "lớn-đi-đến", tức là tâm đã được phát triển, thường được dịch là tâm "Ðại Hành". Nơi đây loại tâm nầy được gọi là "Tâm Cao Thượng".
-ooOoo-
LOKUTTARA CITTĀNI -- 8 Tâm siêu thế -- 8
9.
Lokuttara Kusala Cittāni - 4
1. Sotāpattimaggacittaṁ, 2. Sakadāgāmimaggacittaṁ, 3. Anāgāmimaggacittaṁ, 4. Arahattamaggacitañ c'āti.
Imāni cattāri'pi Lokuttarakusalacittāni nāma.
Lokuttara Vipāka Cittāni -- 4
5. Sotāpattiphalacittaṁ, 6. Sakadāgāmiphalacittaṁ, 7. Anāgāmiphalacittaṁ, 8. Arahattaphalacittañ c'āti.
Imāni cattāri'pi Lokuttaravipākacittāni nāma.
Icce'vaṁ sabbathā'pi aṭṭha Lokuttara-Kusala-Vipāka-cittāni samattāni.
Catumaggapphedhena -- catudhā kusalaṁ tathā Pākaṁ tassa phalattā'ti-- aṭṭhadhā nuttaraṁ mataṁ.
Dvādasākusalān'evaṁ -- kusalān' ekavīsati Chattiṁs'eva vipākāni -- kriyācittāni vīsati. Catupaññāsadhā kāme -- rūpe paṇṇaras'īraye Cittāni dvādas' āruppe -- aṭṭhadhā'n uttare tathā.
§9
Tâm Thiện Siêu Thế -- 4
1. Nhập Lưu Ðạo tâm, 2. Nhứt Lai Ðạo tâm, 3. Bất Lai Ðạo tâm, 4. Vô Sanh Ðạo tâm.
Ðó là bốn loại tâm Thiện Siêu Thế
Tâm Quả Siêu Thế -- 4
5. Nhập Lưu Quả tâm, 6. Nhứt Lai Quả tâm, 8. Bất Lai Quả tâm, 8. Vô Sanh Quả tâm.
Ðó là bốn loại tâm Quả Siêu Thế.
Có tất cả tám loại tâm Thiện và Quả Siêu Thế.
Như vậy chấm dứt tất cả, tám loại tâm Thiện và Quả Siêu Thế. Tâm Thiện có bốn, khác nhau do Ðạo. Tâm Quả cũng vậy, vì đó là quả của Ðạo. Tâm Siêu Thế phải được hiểu là có tám.
Tóm lược:
Như vậy, tâm Bất Thiện có mười hai, Thiện có hai mươi mốt, Quả có ba mươi sáu, Hành có hai mươi.
Trong Dục Giới, được nói, có năm mươi bốn loại tâm. Trong Sắc Giới có mười lăm. Trong Vô Sắc Giới có mười hai. Tâm Siêu Thế có tám. (54 + 15 + 12 + 8 = 89).
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:52:37 GMT -5
EKAVĪSASATĀNI CITTĀNI -- 121 121 loại tâm
10.
Ittham'ekūna navutippabhedhaṁ pana mānasaṁ Ekavīsasataṁ v'ātha vibhajanti vicakkhanā.
Katham'ekūna navutividhaṁ cittaṁ ekavīsasataṁ hoti?
1. Vitakka-vicāra-pīti-sukh'ekaggatā-sahitaṁ Paṭhamajjhāna-Sotāpattimaggacittaṁ,
2. Vicāra-pīti-sukh'ekaggatā-sahitaṁ Dutiyajjhāna- Sotāpattimaggacittaṁ,
3. Pīti-sukh'ekaggatā-sahitaṁ Tatiyajjhāna Sotāpatti- maggacittaṁ,
4. Sukh'ekaggatā-sahitaṁ Catutthajjhāna Sotāpatti- maggacittaṁ,
5. Upekkh'ekaggatā-sahitaṁ Pañcamajjhāna Sotāpatti maggacittañ c'āti.
Imāni pañca pi Sotāpattimaggacittāni nāma.
Tathā Sakadāgāmimagga, Anāgāmimagga, Arahatta-maggacittañ c'āti samavīsati maggacittāni. Tathā phalacittāni c'āti samacattāḷīsa Lokuttaracittāni bhavantī'ti.
1. Jhānaṅgayogabhedhena-- katv'ekekan tu pañcadhā Vuccatā'nuttaraṁ cittaṁ -- cattāḷīsavidhanti ca.
2. Yathā ca rūpāvacaraṁ -- gayhatā'nuttaraṁ tathā Paṭhamādijhānabhede -- āruppañcā'pi pañcame.
3. Ekādasavidhaṁ tasmā -- paṭhamādikam'īritaṁ Jhānan ekekaṁ' ante tu -- tevīsatividhaṁ bhave.
4. Sattatiṁsavidhaṁ puññaṁ—dvipaññāsavidhaṁ tathā Pākam'iccāhu cittāni -- ekavīsasataṁ budhā'ti.
Iti Abhidhammatthasaṅgahe Cittasaṅgahavibhāgo nāma paṭhamo paricchedo.
§10
Những loại tâm khác nhau nầy, tổng số là tám mươi chín, bậc thiện trí phân chia làm một trăm hai mươi mốt.
Làm thế nào tâm, vốn đã được phân tách làm tám mươi chín loại, lại trở thành một trăm hai mươi mốt?
1. Tâm Nhập Lưu Ðạo Sơ Thiền, đồng phát sanh cùng Tầm, Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm; 2. Tâm Nhập Lưu Ðạo Nhị Thiền, đồng phát sanh cùng Sát, Phỉ, Lạc và Nhất Ðiểm; 3. Tâm Nhập Lưu Ðạo Tam Thiền, đồng phát sanh cùng Phỉ, Lạc, và Nhất Ðiểm; 4. Tâm Nhập Lưu Ðạo Tứ Thiền, đồng phát sanh cùng Lạc và Nhất Ðiểm; 5. Tâm Nhập Lưu Ðạo Ngũ Thiền, đồng phát sanh cùng Xả và Nhất Ðiểm.
Ðó là năm loại tâm Nhập Lưu Ðạo.
Cùng thế ấy, tâm Nhất Lai Ðạo, tâm Bất Lai Ðạo, tâm Vô Sanh Ðạo, tất cả đúng hai mươi loại. Và cũng cùng thế ấy, có hai mươi loại tâm Quả. Như vậy, tất cả có bốn mươi loại tâm Siêu Thế.
Tóm lược:
1. Phân chia mỗi tâm (Siêu Thế) làm năm loại, tùy theo những chi thiền khác nhau, số tâm Siêu Thế được nói là trở thành bốn mươi.
2. Như tâm thuộc Sắc Giới được phân làm Sơ Thiền v.v... tâm Siêu Thế cũng được phân loại cùng thế ấy. Tâm Vô Sắc Giới được bao gồm trong Ngũ Thiền.
3. Vậy, bắt đầu từ Sơ Thiền, tổng số các Thiền được nói, là mười một. Tầng Thiền (Jhāna) cuối cùng (tức Ngũ Thiền) tổng cộng là hai mươi ba.
4. Ba mươi bảy loại tâm Thiện, năm mươi hai loại tâm Quả, bậc thiện trí nói có tất cả một trăm hai mươi mốt loại tâm tất cả.
Ðến đây chấm dứt chương đầu của quyển Vi Diệu Pháp Toát Yếu (Abhidhammattha Saṅgaha) đề cập đến sự phân tách tâm.
Chú Giải:
45. Sự Chứng Ngộ Niết Bàn.
Vị hành giả quyết tâm chứng ngộ Niết Bàn cố gắng thấu đạt thực tướng của sự vật. Với tâm vững vàng an trụ vào một điểm, hành giả thận trọng dò xét tỉ mỉ cái "tự ngã" của chính mình, và khi quan sát chân chánh như vậy, khám phá rằng cái được gọi là "cá tính", "bản ngã", hay cái "ta" của mình chỉ là sự cấu hợp của hai thành phần, danh và sắc. Danh gồm những tâm sở luôn luôn trôi chảy, phát sanh như hậu quả của sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần. Sắc là những năng lực và đặc tánh tự biểu hiện trong muôn ngàn hiện tượng, dưới mọi hình thức.
Ðã thành đạt quan kiến chân chánh về bản chất thật sự của chính mình, đã thoát ra khỏi quan niệm sai lầm về một thực thể "danh và sắc đồng nhất", thường còn và không biến đổi, hành giả nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân của cái "bản ngã" nầy, và nhận thức rằng mọi sự vật trên thế gian, trong đó có luôn cả chính mình, đều là vật cấu tạo, hữu vi, do những nguyên nhân quá khứ hay hiện tại tạo điều kiện. Vạn pháp đều do duyên sanh. Và sở dĩ có kiếp sống nầy là do vô minh (avijjā), ái dục (taṇhā), thủ (upādāna), tức sự cố chấp luyến ái bám chặt, và nghiệp (kamma) trong quá khứ và vật thực (āhāra) của kiếp sống hiện tại. Vì có năm nguyên nhân trên (bốn quá khứ và một hiện tại) tự ngã nầy mới phát sanh. Những hành động trong quá khứ đã tạo duyên cho hiện tại. Cùng thế ấy hiện tại sẽ tạo điều kiện cho tương lai. Chú tâm suy niệm như thế hành giả vượt lên khỏi mọi hoài nghi về quá khứ, hiện tại, và tương lai (Kankhāvitaraṇavisuddhi, Ðoạn Nghi Tịnh). Tiếp theo, hành giả suy niệm rằng tất cả các vật được cấu tạo (các pháp hữu vi, saṅkhāra.) đều vô thường (Anicca), phải chịu đau khổ (Dukkha), và không có một linh hồn trường tồn bất diệt (Anattā). Hướng tầm mắt về bất luận nơi nào, hành giả chỉ nhìn thấy ba đặc tướng ấy phát lộ rành mạch, rõ ràng, không thể lầm lẫn. Bấy giờ hành giả nhận thức rằng kiếp sống chỉ là một sự trôi chảy, một di động liên tục, không gián đoạn. Dầu ở các cảnh Trời hay trên quả địa cầu, hành giả không tìm được nơi nào có hạnh phúc thật sự, bởi vì mỗi hình thức lạc thú chỉ là bước đầu, mở đường đến đau khổ. Do đó, cái gì vô thường tức nhiên phải chịu đau khổ, và nơi nào đau khổ và biến đổi chiếm ưu thế thì không thể có một tự ngã trường tồn vĩnh cửu.
Khi chuyên chú hành thiền như thế ấy, sẽ có một ngày kia, trước sự ngạc nhiên của chính mình, hành giả chứng kiến một ánh hào quang (Obhāsa) phát tủa ra từ thân mình. Lúc ấy hành giả thọ cảm trạng thái thỏa thích, hạnh phúc, và vắng lặng, trước kia chưa từng bao giờ được biết. Hành giả càng củng cố tâm định và càng tinh tấn thêm. Tâm đạo nhiệt thành càng tăng trưởng, tâm niệm toàn hảo và tuệ minh sát càng trở nên sâu sắc một cách lạ thường. Lầm tưởng mức tiến bộ khá cao ấy là Ðạo Quả Thánh, nhất là vì thấy có hào quang, hành giả phát triển tâm ưa thích trạng thái tinh thần ấy. Nhưng sớm nhận thức rằng những hiện tượng khai triển mới mẻ ấy chỉ là trở ngại cho tiến bộ tinh thần và đạo đức, hành giả trau giồi và phát triển trạng thái trong sạch của sự hiểu biết liên quan đến "Con Ðường" và "Không-Phải-Con-Ðường" (Maggāmagga-ñāṇa-dassana- Visudhi, Ðạo, Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh). Ðã thấy rõ con đường chân chánh, hành giả gom tâm quán tưởng vào trạng thái phát sanh (Udaya ñāṇa, Tuệ Sanh) và hoại diệt (Vaya ñāṇa, Tuệ Diệt) của tất cả các pháp hữu vi. Trong hai trạng thái, sanh và diệt, sự hoại diệt nổi bật và chiếm ưu thế, được nhận thấy rõ ràng hơn, nên dần dần gây ấn tượng mạnh hơn trong tâm hành giả, bởi vì sự biến đổi được nhận thấy hiển nhiên và rõ ràng hơn sự trở thành. Do đó hành giả hướng tâm chú niệm của mình về sự phân tán của sự vật (Bhaṅga- ñāṇa, Tuệ Phân Tán, Diệt) và nhận định rằng cả danh và sắc, hai thành phần cấu tạo nên cá nhân mình luôn luôn ở trong trạng thái đổi thay, trôi chảy, không thể tồn tại giống hệt trong hai khoảnh khắc kế tiếp. Bấy giờ phát sanh đến hành giả sự hiểu biết rằng tất cả những gì bị phân tán đều là đáng sợ (Bhaya ñāṇa, Tuệ Kinh Hải). Toàn thể thế gian phát hiện trước mắt hành giả như một đống củi đang phừng cháy, một hiểm họa. Kế đó hành giả suy tưởng về tánh chất rách nát, đỗ vỡ, và tạm bợ nhất thời (Ādīnava ñāṇa, Tuệ Thấy Hiểm Nguy) của thế gian đáng kinh sợ nầy, và có cảm giác nhàm chán (Nibbidā ñāṇa, Tuệ Chán Nản), và khởi sanh ý muốn tẩu thoát ra khỏi đó (Muñcitukamyatā ñāṇa, Tuệ Muốn Giải Thoát). Hướng về đối tượng ấy, hành giả chú tâm quán xét trở lại ba đặc tướng (Paṭisankhā ñāṇa, Tuệ Suy Tư), và sau đó phát triển tâm Xả trọn vẹn, hoàn toàn thản nhiên đối với tất cả các pháp hữu vi (Hành) -- không luyến ái cũng không ghét bỏ hay bất toại nguyện, đối với bất luận vật gì trên thế gian (Saṅkhārupekkhā ñāṇa, Tuệ Xả Hành).
Khi đạt đến mức độ tinh thần nầy, hành giả chọn một trong ba đặc tướng -- vô thường, khổ, vô ngã -- đặc tướng nào thích ứng nhất với mình và gia công khai triển tuệ giác theo chiều hướng ấy cho đến ngày vẻ vang tươi sáng, thành tựu mục tiêu cuối cùng -- Ðạo Quả Niết Bàn.
Lúc ấy tiến trình Javana trôi chảy như sau:
1
2
3
4
5
6, 7
*
*
*
*
*
* *
Parikamma
Upacāra
Anuloma
Gotrabhū
Magga
Phala
Trong trường hợp những vị hành giả có tuệ Minh Sát sâu sắc, chặp tư tưởng Parikamma (chuẩn bị, hay đề mục sơ khởi) không phát sanh, luồng Javana bắt đầu bằng chặp Upacāra và Phala sẽ phát sanh trong ba chặp liên tiếp.
Chín loại tuệ giác: Udaya, Vaya, Bhaṅga, Bhaya, Ādīnava, Nibbidā, Muñcitukamyatā, Paṭisaṅkhā và Saṅkhārupekkhā ñāṇa -- đuợc gọi chung là Paṭipadā Ñāṇadassana Visuddhi, Ðạo Tri Kiến Tịnh, tức trạng thái trong sạch của sự hiểu biết và sự trông thấy có liên quan đến Con Ðường, hay pháp hành.
Tuệ Minh Sát trong tâm Ðạo Siêu Thế được gọi là Ñāṇadassana Visuddhi, Tri Kiến Tịnh, tức trạng thái trong sạch của sự hiểu biết và sự trông thấy.
Khi chứng ngộ Niết Bàn lần đầu tiên hành giả được gọi là Sotāpanna, Nhập Lưu hay Tu Ðà Huờn, người lần đầu tiên bước vào dòng suối chảy đến Niết Bàn. Vị ấy không còn là phàm nhân (Puthujjana) mà đã là Thánh Nhân (Ariya). Ngài đã cỡi bỏ ba Thằng Thúc (Saṁyojana, dây trói buộc cột chúng sanh vào vòng luân hồi) là Thân Kiến (Sakkāya Diṭṭhi, ảo kiến về tự ngã của mình), Hoài Nghi (Vicikicchā), và Giới Cấm Thủ (Sīlabbata Parāmāsa, tin tưởng vào những nghi thức và lễ tế lầm lạc). Vì còn chưa tận diệt được tất cả những Thằng Thúc trói mình vào những kiếp sinh tồn, vị Nhập Lưu còn phải tái sanh trở lại, tối đa là bảy lần. Trong kiếp kế liền sau khi đắc Quả Ngài có thể còn nhớ, cũng có thể không hay biết gì rằng mình đã Nhập Lưu. Tuy nhiên, dầu biết hay không, Ngài vẫn giữ những đặc tánh của một vị Nhập Lưu.
Niềm tin nơi Ðức Phật, Giáo Pháp, và Giáo Hội Tăng Già luôn luôn tiềm tàng bên trong Ngài, không bao giờ còn vi phạm một giới nào trong Ngũ Giới. Ngài không bao giờ còn tái sanh vào khổ cảnh vì đã vững vàng bước vào con đường Giác Ngộ.
Từ đây hành giả, là bậc Thánh Nhân, đã nhoáng thấy Niết Bàn từ xa, càng quyết tâm gia công, tiến bộ nhanh chóng, kiện toàn tuệ giác, thành tựu Ðạo Quả Nhứt Lai (Sakadāgāmi, Tư Ðà Hàm) bằng cách làm giảm suy hai Thằng Thúc: Dục ái (Kāmarāga, tham ái duyên theo Dục Giới). và bất toại nguyện, hay sân hận (Paṭigha).
Trường hợp nầy, và trong trường hợp của hai tầng Thánh trên nữa là Bất Lai và Vô Sanh cũng vậy, tiến trình Javana vẫn trôi chảy như trên, nhưng chặp tư tưởng Chuyển Tánh (Gotrabhū) được gọi là "Vodāna", có nghĩa "trong sạch", bởi vì đây không phải là chặp tư tưởng chuyển tiếp từ phàm đến Thánh mà là một trường hợp tâm thanh lọc, trở nên trong sạch hơn.
Vị Thánh Nhứt Lai (Sakadāgāmi, Tư Ðà Hàm) chỉ còn tái sanh một lần nữa trên quả địa cầu nếu không chứng đắc Ðạo Quả A La Hán ngay trong kiếp hiện tại. Nên ghi nhớ rằng bậc Thánh Nhân đã thành tựu tầng Thánh thứ nhì chỉ làm giảm suy sức trói buộc rất chặt chẽ của hai Thằng Thúc đã cột trói Ngài từ quá khứ vô tận. Ðôi khi Ngài vẫn còn phải bận rộn với những tư tưởng tham ái và sân hận, nhưng ở mức độ rất tế nhị.
Chí đến khi thành đạt tầng Thánh thứ ba, Bất Lai (Anāgāmi, A Na Hàm), trạng thái không bao giờ trở lại, hành giả mới tận diệt hai Thằng Thúc ấy. Từ đây Ngài không bao giờ còn tái sanh trở lại vào cảnh người hay những cảnh Trời Dục Giới, vì đã hoàn toàn tận diệt mọi tham ái duyên theo Dục Giới.
Sau khi tịch diệt ở đây Ngài tái sanh vào cảnh Vô Phiên Thiên (Suddhāvāsa, cảnh giới hoàn toàn tinh khiết, Tịnh Cư), môi trường thích nghi với chư vị Thánh Bất Lai và chư vị A La Hán. Ở cảnh nầy vị Bất Lai sẽ đắc Quả Vô Sanh và tiếp tục sống cho đến lúc tuổi thọ chấm dứt.
Những thành công trước kia chưa từng đến với Ngài càng khích lệ thêm vị hành giả, vốn đã nhiệt thành. Hành giả nỗ lực thành tựu bước tiến cùng tột, và tận diệt năm Thằng Thúc còn lại là: Sắc ái (Rūparāga, luyến ái duyên theo cảnh Sắc Giới), Vô Sắc ái (Arūparāga, luyến ái duyên theo cảnh Vô Sắc Giới), Ngã Mạn (Māna), Phóng Dật (Uddhacca), và Vô Minh (Avijjā), đắc Quả Vô Sanh, hay A La Hán, tầng Thánh cuối cùng.
Nên ghi nhận rằng mười Thằng Thúc phải được tận diệt trong bốn giai đoạn.
Chặp tư tưởng Ðạo (Magga) chỉ phát sanh một lần duy nhất. Chặp tư tưởng Quả (Phala) tức khắc kế tiếp theo sau. Trong các loại tâm Siêu Thế, quả của tâm Thiện (Kusala Citta) trổ sanh liền tức khắc, do đó được gọi là Akālika, quả trổ tức khắc. Trong khi ấy quả của các loại tâm Tại Thế (Lokiya Citta) có thể trổ ở kiếp hiện tiền, hay trong kiếp kế liền theo kiếp hiện tiền, hay bất luận lúc nào, dài dài cho đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn.
Trong các loại tâm Tại Thế, Nghiệp (Kamma) chiếm phần quan trọng, còn trong các tâm Siêu Thế thì Trí Tuệ (Paññā) là phần nổi bật nhất. Do đó, bốn tâm Thiện Siêu Thế không được xem là Nghiệp.
Tám loại tâm nầy được gọi là Siêu Thế (Lokuttara). Ở đây, "loka" có nghĩa Pañcupādanakkhandha, chấp thủ ngũ uẩn, tức là năm nhóm của sự luyến ái. "Uttara" là cái gì vượt qua khỏi. Vậy, "Lokuttara" là cái gì vượt ra khỏi trạng thái Chấp Thủ Ngũ Uẩn. Ðịnh nghĩa nầy chỉ áp dụng một cách chính xác cho bốn Ðạo. Các Quả được gọi là Lokuttara vì đã vượt ra khỏi thế gian Chấp Thủ Ngũ Uẩn.
46. Bốn Mươi Loại Tâm Siêu Thế
Một vị hành giả đã đắc Sơ Thiền, xuất thiền và suy niệm trở lại về tánh cách vô thường, khổ, và vô ngã của những trạng thái tâm ấy, và cuối cùng chứng ngộ Niết Bàn. Vì lẽ hành giả dựa trên Sơ Thiền làm nền tảng để chứng ngộ Niết Bàn, loại tâm Thiện (Lokuttara Kusala) ấy được gọi là:
"Vitakka-Vicāra-Pīti-Sukh'Ekaggata-sahitaṁ-Paṭhamaj- jhāna Sotāpattimagga-cittaṁ." Tâm Nhập Lưu Ðạo, Sơ Thiền, đồng phát sanh cùng Tầm, Sát, Phỉ, Lạc, Nhất Ðiểm.
Chặp tư tưởng Quả tức khắc theo liền chặp Ðạo ấy.
Cùng một thế ấy, hành giả dùng bốn tầng Thiền kia làm nền tảng để chứng ngộ Niết Bàn. Mỗi tầng Thánh có năm Ðạo và năm Quả tương ứng với năm chi thiền. Vậy, trong bốn tầng Thánh có bốn mươi loại tâm: (5 +5) x 4 = 40.
Ðồ biểu 4: Tâm Thiền - 67
Thiền
Sắc Giới 15
Vô Sắc Giới 12
Siêu Thế 40
T 5
Q 5
H 5
T 4
Q 4
Q 4
H 20
Q 20
Sơ
1
1
1
4
4
11
Nhị
1
1
1
4
4
11
Tam
1
1
1
4
4
11
Tứ
1
1
1
4
4
11
Ngũ
1
1
1
4
4
4
4
4
23
Jhānas: Các tầng Thiền, có 67. T: Tâm Thiện (Kusalacittaṁ). Q: Tâm Quả (Vipākacittaṁ). H: Tâm Hành (Kriyācittaṁ) .
Ðồ Biểu 5: Tâm Siêu Thế - 40
Sơ Thiền
Nhị Thiền
Tam Thiền
Tứ Thiền
Ngũ Thiền
Ðạo
Quả
Ðạo
Quả
Ðạo
Quả
Ðạo
Quả
Ðạo
Quả
Nhập Lưu
1
1
1
1
1
1
1
1
1
1
10
Nhứt Lai
1
1
1
1
1
1
1
1
1
1
10
Bất Lai
1
1
1
1
1
1
1
1
1
1
10
A La Hán
1
1
1
1
1
1
1
1
1
1
10
Ðồ Biểu 6: Tâm Bất Thiện - 12
Thọ hỷ
Thọ ưu
Thọ xả
có tà kiến
không tà kiến
không xúi giục
có xúi giục
Tham
4
4
4
4
4
4
Sâm
2
1
1
Si
2
Ðồ Biểu 7: Tâm Vô Nhân -18
Thọ hỷ
Thọ ưu
Thọ xả
Thọ lạc
Thọ khổ
Quả Bất Thiện
6
1
Quả Thiện
1
6
1
Hành
1
2
Ðồ Biểu 8: Tâm Ðẹp Dục Giới - 24
Thọ hỷ
Thọ xả
có tri kiến
không tri kiến
không xúi giục
có xúi giục
Thiện
4
4
4
4
4
4
Quả
4
4
4
4
4
4
Hành
4
4
4
4
4
4
Ðồ Biểu 9: 89 Tâm Vương Phân Hạng Theo Loại
Bất Thiện
Thiện
Bất định
Quả
Hành
Dục giới
12
8
23
11
Sắc giới
...
5
5
5
Vô sắc giới
...
4
4
4
Siêu thế
...
4
4
...
Tổng cộng 89 Tâm
12
21
36
20
-ooOoo-
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:55:31 GMT -5
Chương II
LỜI MỞ ĐẦU
Trong 89 loại tâm vương được đề cập đến ở Chương I, có 52 tâm sở -- hay trạng thái tâm -- khởi sanh nhiều hay ít, ở mức độ khác nhau.
Có bảy (7) tâm sở chung cho tất cả các loại tâm vương, gọi là tâm sở Phổ Thông, hay Biến Hành. Sáu (6) loại khác, có thể phát sanh hay không, trong mỗi và tất cả những loại tâm vương. Sáu loại tâm sở nầy được gọi là Pakiṇṇakas, Riêng Biệt hay Biệt Cảnh.
Tất cả 13 loại tâm sở kể trên có tên là Aññasamānas, một danh từ đặc biệt kỹ thuật. "Añña" là "cái kia", "samāna" là "chung". "Sobhanas" (Tốt, Ðẹp), khi so sánh với "Asobhanas" (Xấu) thì được gọi là Añña (cái kia), bởi vì thuộc về phân hạng trái nghịch lại. Cùng thế ấy Asobhanas là phản nghĩa với Sobhanas.
13 tâm sở nầy trở thành thiện hay bất thiện tùy theo loại tâm vương mà chúng đồng hiện khởi chung, tức loại tâm vương mà chúng nằm trong đó.
14 tâm sở luôn luôn nằm trong tất cả các loại tâm Bất Thiện.
19 tâm sở luôn luôn nằm trong tất cả các loại tâm Thiện.
6 tâm sở khác phát sanh tùy trường hợp.
Vậy, năm mươi hai tâm sở nầy (7+6+14+19+6 = 52) nằm trong những loại tâm vương tương ứng, ở mức độ khác nhau.
Trong chương nầy tất cả 52 tâm sở đều được đề cập đến và phân loại. Mỗi loại tâm vương đều được phân tách tỉ mỉ. Những loại tâm sở nào đồng phát sanh cùng tâm ấy cũng được đề cập đến với đầy đủ chi tiết. Loại tâm vương trong đó có những tâm sở nào đồng phát sanh cũng được mô tả rành rẽ.
Người đọc thiếu kiên nhẫn sẽ thấy chương nầy khô khan và không hứng thú. Nhưng đối với một học giả sáng suốt và suy tư thì trái lại, chương nầy sẽ được xem là một khái luận thú vị có tánh cách trí thức.
Thí dụ như lúc mới nhìn vào, một sinh viên hóa học có thể cảm thấy nhiều công thức hóa học rất phức tạp, khó hiểu. Nhưng khi thật sự cố gắng phân tách và nghiên cứu từng hóa chất trong những cuộc thí nghiệm khác nhau, người sinh viên ấy mới thấy môn học quả thật hứng thú và bổ ích.
Cùng thế ấy, người mới đọc chương nầy của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) nên cố gắng phân tách, thận trọng nghiên cứu từng loại tâm, và tự mình tìm hiểu các loại tâm sở theo luận lý riêng của mình. Sau đó sẽ so sánh những gì ta đã nghĩ ra với kinh điển căn bản. Chừng ấy người đọc sẽ thấy rằng chương II nầy giải minh một cách sáng tỏ, và thay vì hoang phí thì giờ để cố nhớ những con số, vị nầy nắm vững một cách sáng suốt ý nghĩa của bản văn.
Thí dụ, ta hãy phân tách loại tâm Bất Thiện đầu tiên, bắt nguồn từ căn Tham.
Somanassa-sahagata -- đồng phát sanh cùng thọ hỷ, Diṭṭhigata-sampayutta -- liên hợp với tà kiến, Asaṅkhārika -- không có sự xúi giục.
Sau khi phân tách, ta nhận thấy rằng:
Thọ (Vedanā) của tâm nầy là "Hỷ".
7 loại tâm Phổ Thông và tất cả 6 tâm sở Riêng Biệt đều có mặt.
4 tâm sở Bất Thiện chung nằm trong tất cả những tâm vương Bất Thiện là Moha (Si), Ahirika (Không Hổ Thẹn Tội Lỗi), Anottappa (Không Ghê Sợ Hậu Quả Của Tội Lỗi), và Uddhacca (Phóng Dật) cũng đều phát hiện trong ấy cùng một lúc.
Còn 10 tâm sở còn lại thì sao?
Lobha (Tham) -- phải có phát sanh cùng lúc. Diṭṭhi (Tà Kiến) -- phải có phát sanh. Māna (Ngã Mạn) -- không thể phát sanh.
Ngã Mạn không thể phát sanh trong loại tâm Tham, cùng với Tà Kiến. Tà Kiến liên quan đến quan kiến sai lầm, còn Ngã Mạn thì liên quan đến lòng vị kỷ. Các nhà chú giải nói rằng Tà Kiến và Ngã Mạn giống như hai con sư tử, không thể sống chung với nhau trong cùng một chuồng.
Dosa (Sân), Issa (Ganh Tỵ), Macchariya (Xan Tham), và Kukkucca (Lo Âu) không thể phát sanh, vì bốn tâm nầy thiên về sân hận, ác ý, hay bất mãn, chỉ nằm trong các loại tâm sân.
Thīna (Hôn Trầm) và Middha (Thụy Miên) không phát sanh, vì đây là một loại tâm không có sự xúi giục (Asaṅkhārika). Cũng không có tâm sở Sobhanas (Ðẹp), vì đây là tâm Bất Thiện.
Tổng cộng: 7 + 6 + 4 + 2 = 19.
Như vậy, sau khi phân tách tỉ mỉ ta thấy rằng nằm trong loại tâm Bất Thiện đầu tiên có 19 tâm sở.
Các loại tâm khác cũng phải được phân tách như vậy.
-ooOoo-
CETASIKA (Tâm Sở)
1. Ekuppāda-nirodhā ca -- ekālambanavatthukā
Cetoyuttā dvipaññāsa -- dhammā cetasikā matā
§1 Năm mươi hai trạng thái tâm đồng liên hợp với tâm vương, đồng phát sanh và đồng hoại diệt cùng tâm vương, đồng có một đối tượng và một căn cùng tâm vương, được gọi là Cetasika (tâm Sở).
Chú Giải:
1. Cetasika, = "Ceta" + "s" + "ika"
Cái gì liên hợp với tâm, hay thức, là Cetasika, tâm sở (Saṁkrt: Caitasika hay Caitti).
Ðịnh Nghĩa: Cetasika (tâm sở) là:
(i) Cái gì đồng phát sanh cùng tâm vương, (ii) Cái gì đồng hoại diệt cùng tâm vương, (iii) Cái gì cùng có chung một đối tượng với tâm vương, (iv) Cái gì đồng có chung một căn với tâm vương.
Người đọc sẽ ghi nhận rằng nơi đây tác giả không đưa ra một định nghĩa hợp lý tương ứng theo loại hay phân hạng. Thay vì thế, tác giả đề cập đến bốn đặc tánh của tâm sở (Cetasika) .
Nhà chú giải nêu lên lý do tại sao.
Tâm vương không thể hiện hữu ngoài các tâm sở. Cả hai, tâm vương và các tâm sở tương ứng, đồng khởi sanh và đồng hoại diệt cùng một lúc. Tuy nhiên có vài đặc tánh vật chất -- như Viññatti Rūpa [1] (Những Phương Cách Phát Hiện của Sắc) -- đồng khởi sanh và đồng hoại diệt với thức. Ngoài những hình thức phát hiện ấy đặc tánh thứ ba là có một đối tượng đồng nhất với đối tượng của tâm vương. Khi có đủ ba đặc tánh trên tức nhiên phải có đặc tánh thứ tư là đồng có chung một căn.
Theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), tâm hay thức đồng phát sanh cùng năm mươi hai tâm sở (cetasikas).
Một trong các tâm sở ấy là Vedanā (Thọ); một tâm sở khác là Saññā (Tưởng). Năm mươi tâm sở còn lại được gọi chung là Saṅkhāra (Hành). Tâm sở Cetanā (Tác Ý) là quan trọng nhất trong các tâm sở.
Toàn thể nhóm "thọ" được gọi là Vedanākhandha (Thọ Uẩn). Cùng thế ấy toàn thể nhóm "tri giác" và nhóm "sinh hoạt tâm linh" được gọi là được gọi là Saññākhandha (Tưởng Uẩn) và Saṅkhārakkhandha (Hành Uẩn).
Ghi chú:
[1] Kāyaviññatti, phương thức phát biểu bằng hành động và Vaci Viññatti, phương thức phát biểu bằng lời nói.
-ooOoo-
DVIPĀÑÑĀSA CETASIKA
52 loại tâm sở
2. Sabbacittasādhāraṇā -- 7
Katham?
(i) 1. Phasso, 2. Vedanā, 3. Saññā, 4. Cetanā, 5. Ekaggatā, 6. Jīvitindriyaṁ, 7. Manasikāro c'āti satt'ime Cetasikā Sabbacittasādhāraṇā nāma.
3.
Pakiṇṇakā -- 6
(ii) 1. Vitakko, 2. Vicāro, 3. Adhimokkho, 4.Viriyaṁ, 5. Pīti, 6. Chando c'āti cha ime Cetasikā pakiṇṇakā nāma.
Eva'mete Cetasikā Aññasamānā'ti veditabbā. (13)
4.
Akusala -- 14
(iii) 1. Moho, 2. Ahirikaṁ, 3. Anottappaṁ, 4. Uddhaccaṁ, 5. Lobho, 6. Diṭṭhi, 7. Māno, 8. Doso, 9. Issā, 10. Macchariyaṁ, 11. Kukkuc-caṁ, 12. Thīnam, 13. Middhaṁ, 14 Vicikicchā c'āti cuddas'ime
Cetasikā Akusalā nāma.
5.
Sobhanasādhāraṇā -- 19
(iv) 1. Saddhā, 2. Sati, 3. Hiri, 4. Ottappaṁ, 5. Alobho, 6. Adoso, 7. Tatramajjhattatā, 8. Kāyapassaddhi, 9. Cittapassaddhi, 10. Kāyalahutā, 11. Cittalahutā, 12. Kāyamudutā, 13. Cittamudutā, 14. Kāyakammaññatā, 15. Citta- kammaññatā, 16. Kāyapāguññatā, 17. Citta- pāguññatā, 18. Kāyujjukatā, 19. Cittujjukatā, c'āti ek'unavīsat'ime
Cetasikā Sobhanasādhāraṇā nāma.
6.
Viratiyo -- 3
(v) 1. Sammāvācā, 2. Sammākammanto, 3. Sammā- ājīvo c'āti tisso
Viratiyo nāma.
7.
Appamaññā -- 2
(vi) 1. Karuṇā, 2. Muditā pana
Appamaññāyo nāma'ti sabbathā'pi.
8.
Paññindriya -- 1
(vii) Paññindriyena saddhiṁ pañcavīsat'ime
Cetasikā Sobhanā'ti veditabbā.
9. Ettāvatā ca –
Teras'aññasamānā ca -- cuddasākusalā tathā
Sobbanā pañcavīsā'ti -- dvipaññāsa pavuccare.
§2. Tâm Sở Phổ Thông -- 7 [1] Thế nào?
(i) 1. Xúc, 2. Thọ, 3. Tưởng, 4. Tác Ý, 5. Nhất Ðiểm, 6. Mạng Căn, 7. Chú Ý.
Bảy tâm sở nầy nằm chung trong tất cả các loại tâm.
§3. Tâm Sở Riêng Biệt -- 6 [2]
(ii) 1. Tầm, 2. Sát, 3. Xác Ðịnh, 4. Tinh Tấn, 5. Phỉ, 6. Dục.
Sáu loại tâm sở nầy được gọi là "Riêng Biệt" hay Biệt Cảnh (Pakiṇṇakā).
Như vậy những (mười ba) tâm sở nầy phải được hiểu là "chung với nhau" (Aññasamāna) [3] .
§4. Tâm sở Bất Thiện -- 14
(iii) 1. Si, 2. Vô Tàm, 3. Vô Quý, 4. Phóng Dật, 5. Tham, 6. Tà Kiến, 7. Ngã Mạn, 8. Sân, 9. Ganh Tỵ, 10. Xan Tham, 11. Lo Âu, 12. Hôn Trầm, 13. Thụy Miên, 14. Hoài Nghi.
Mười bốn tâm sở nầy được gọi là "Bất Thiện".
§5. Tâm Sở Ðẹp -- 19
(iv). 1. Tín, 2. Niệm, 3. Tàm, 4. Quý, 5. Không- Tham, 6. Không-Sân, 7. Xả, 8. Tâm Sở Vắng Lặng, 9. Tâm Vắng Lặng, 10. Tâm Sở Khinh An, 11. Tâm Khinh An, 12. Tâm Sở Nhu Thuận, 13. Tâm Nhu Thuận, 14. Tâm Sở Thích Ứng, 15. Tâm Thích Ứng, 16. Tâm Sở Tinh Luyện, 17. Tâm Tinh Luyện, 18. Tâm Sở Chánh Trực, 19. Tâm Chánh Trực.
Mười chín tâm sở nầy được gọi là "Chung Cho Các Tâm Sở Ðẹp".
§6. Tâm Sở Tiết Chế -- 3
(v) 1. Chánh Ngữ, 2. Chánh Nghiệp, 3. Chánh Mạng.
Ba tâm sở nầy được gọi là "Tiết Chế".
§7. Tâm Sở Vô Lượng -- 2
(vi) 1. Bi, 2. Hỷ.
Hai tâm sở nầy được gọi là "Vô Lượng".
§8. Tâm Sở Tuệ Căn -- 1
(vii) Tuệ Căn.
Với Tuệ Căn, hai mươi lăm tâm sở nầy, trong mọi trường hợp, phải được hiểu là "Ðẹp".
§9. Tóm lược:
Mười ba tâm sở "chung với nhau". Cùng thế ấy, mười bốn chung cho tâm sở Bất Thiện, hai mươi lăm là "Ðẹp". Vậy năm mươi hai đã được liệt kê.
Chú Giải
2. Phassa, Xúc. [4]
Xuất nguyên từ căn "phas", tiếp xúc.
Cho đặng có sự ghi nhận hay biết của giác quan phải có ba yếu tố: thức, giác quan tương ứng, và đối tượng. Thí dụ như với nhãn thức ta thấy một vật (nhãn trần) xuyên qua mắt (nhãn căn).
Khi một đối tượng phát hiện đến thức, xuyên qua một trong sáu căn thì tâm sở "Xúc" khởi sanh. Không nên hiểu rằng sự xúc chạm suông là "Xúc" (Na sangatimatto eva Phasso). [5]
Như cây cột cái nâng đỡ trọn vẹn toàn thể sườn nhà, cùng thế ấy, Xúc cũng có nhiệm vụ tương tợ, nâng đỡ các tâm sở đồng phát sanh.
Xúc có nghĩa là "nó chạm đến" (phusatī'ti). Có sự xúc chạm (phusana) là đặc tính nổi bật (lakkhana), đụng (sanghaṭṭana) là cơ năng (rasa), sự trùng hợp (của nền tảng vật lý, đối tượng và thức) là biểu tượng (sannipāta paccupaṭṭhāna) và đối tượng đã đi vào con đường (của sự hay biết) là nguyên nhân gần (padaṭṭhāna). [6]
Xúc được đề cập đến đầu tiên vì nó đến trước tất cả các tâm sở. "Có sự tiếp chạm do xúc, thức chứng nghiệm do thọ, tri giác do tưởng, và có ý muốn do tác ý (Phassena phusitvā, vedanāya vediyati, saññāya sañjānāti, cetanāya ceteti)". Theo pháp Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicca Samuppāda) cũng vậy, Xúc tạo điều kiện để Thọ phát sanh.
Tuy nhiên, một cách chính xác, không có lý do nào để nói rằng tâm sở nầy phát sanh trước tâm sở kia, vì tất cả đồng khởi sanh cùng một lúc. Sách Atthasālini viết: "Về các tâm sở đồng phát sanh trong một tâm thức, ta không thể nói rằng 'tâm sở nầy' khởi sanh trước, 'tâm sở kia' sau. Xúc được kể đến trước tiên chỉ vì để cho tiện việc giảng giải, nhưng ta cũng có thể trình bày như thế nầy:- Có thọ và xúc, tưởng và xúc, tác ý và xúc; có thức và xúc, thọ, tưởng, tác ý, tầm. Tuy nhiên, để cho dễ hiểu, ta đề cập đến xúc trước tiên. Cùng thế ấy, khi nêu lên từng tâm sở còn lại, cũng không có dụng ý nào đặc biệt ngoài việc để cho dễ hiểu."
"Xúc được có địa vị ưu tiên vì được xem như khởi thủy, bắt đầu tư tưởng và như "điều kiện tất phải có" cho các tâm sở đồng phát sanh, nâng đỡ nhiều cho tất cả như cây cột chánh của một kho hàng nâng đỡ các cơ cấu khác." (Mrs. Rhys Davids -- Buddhist Psychology, trang 6)
3. Vedanā, Thọ.
Xuất nguyên từ căn "vid", cảm thọ.
Cảm thọ là danh từ thích nghi, hơn chữ cảm giác, để phiên dịch Phạn ngữ vedanā. Cũng như Xúc, Thọ là đặc tính chánh yếu của tất cả các loại tâm vương. Thọ có thể là hỷ, ưu, hay vô ký, thuộc tinh thần. Khổ và lạc, thuộc cơ thể vật chất cũng đều là thọ. Nhưng khổ hay lạc thuộc về thân không có tầm quan trọng về phương diện đạo đức.
Theo các nhà chú giải, Thọ cũng như một ông chủ thưởng thức món ăn do người đầu bếp nấu. Người đầu bếp thì tựa như các tâm sở còn lại trong một tư tưởng. Một cách chính xác, chính Thọ thọ cảm một đối tượng, khi đối tượng nầy tiếp xúc với giác quan tương ứng.
Chính Thọ thọ cảm những quả lành hay dữ của một hành động đã làm trong kiếp hiện tại hay trong kiếp quá khứ. Ngoài tâm sở Thọ không có một linh hồn hay một cá nhân nào khác thọ cảm quả của hành động. Nên hiểu rằng hạnh phúc Niết Bàn không có gì liên quan đến Thọ. Hạnh phúc Niết Bàn chắc chắn là hạnh phúc (sukha) tối thượng, nhưng đó là hạnh phúc của sự giải thoát ra khỏi mọi đau khổ, không phải là sự thích thú trong một đối tượng đáng ưa thích.
4. Saññā, Tưởng.
"Saṁ" + căn "ñā", hiểu biết, nhận thức (so với chữ La Tinh "cognoscere", hiểu biết.).
Ý nghĩa của danh từ nầy khác nhau khá nhiều tùy theo đoạn văn. Ðể tránh khỏi lẫn lộn phiền phức không cần thiết, tốt hơn ta nên hiểu Saññā theo nghĩa dùng ở đây, đặc biệt như tâm sở Phổ Thông.
Ðặc tính chánh yếu của Saññā là nhận ra một vật do dấu hiệu trên vật ấy như màu xanh v.v... Nhờ Saññā ta nhận ra một vật mà trước kia tâm của ta đã có lần biết, tức tri giác xuyên qua giác quan.
"Diễn tiến của nó giống như trạng thái tâm của người thợ mộc, nhận ra những khúc gỗ (như đây là cột trước, kia là cột sau v.v...) nhờ dấu hiệu đã có ghi trên gỗ từ trước. Cũng giống như người giữ kho, nhận ra mỗi món đồ nữ trang nhờ cái nhãn cột theo món đồ. Hay như thú rừng nhận ra hình nộm là do người ta làm."
Vậy, Saññā, Tưởng, chỉ giản dị có nghĩa là tri giác, nhận thức bằng giác quan.
"Tri Giác", theo một quyển Tự Ðiển Triết Học hiện đại là "sự nhận thức đối tượng thông thường của giác quan như cây cối, nhà cửa, bàn ghế v.v... khi giác quan bị khích động."
Danh từ "tri giác" ở đây không được dùng theo nghĩa mà các triết gia như Bacon, Descartes, Spinoza và Leibniz đã dùng.
Trong Ngũ Uẩn (Pañcakkhandha), Tưởng Uẩn, Saññā, được dùng trong nghĩa tri giác.
Vậy, trí nhớ có phải do Saññā, tưởng, không?
Saññā (Tưởng), Viññāna (Thức), và Paññā (Trí Tuệ) phải được phân biệt rõ ràng. Saññā, Tưởng, ví như sự nhận ra đồng tiền của một em bé cỡ một hay hai tuổi. Nó thấy vật gì trắng, tròn, nhỏ, dẹp v.v... và nhận ra đó là đồng tiền, nhưng không biết rõ ràng giá trị của đồng tiền ấy là bao nhiêu. Một người lớn bình thường, thấy đồng tiền có thể biết giá trị và công dụng lợi ích của nó, nhưng không thấu hiểu các hợp chất hoá học của đồng tiền là thế nào. Viññāṇa, Thức, ví như sự hiểu biết của người ấy. Paññā, Trí Tuệ, là tri kiến phân giải của một chuyên viên hóa học, thấu triệt từng chi tiết các hoá chất và đặc tính của mỗi hóa chất hợp thành đồng tiền.
5. Cetanā, Tác Ý
Cả hai danh từ, Cetanā và Citta, đều xuất nguyên từ căn "cit", suy tư. Có nơi dịch danh từ Cetanā là "Tư". Ở đây xin dùng danh từ Tác Ý, trong nghĩa "ý muốn làm" hay "ý muốn, làm động cơ đưa đến hành động".
Trong trường hợp chữ Citta, tâm hay thức, căn "cit" được dùng theo nghĩa phân biện (vijānana), rõ ràng phân biệt. Trong chữ Cetanā, tác ý, câu nầy được dùng trong nghĩa phối hợp (abhisandhāna) và tích trữ (āyūhana).
Theo sách Atthasālini và Vibhāvini Tikā, Cetanā là cái gì phối hợp các tâm sở đồng phát sanh với nó trên đối tượng của tâm (Attanā sampayutta-dhamme ārammaṇe abhisandahati). Như vị Tăng Trưởng hay người thợ chánh, vừa làm công chuyện của mình vừa điều hành công chuyện của người khác, Cetanā vừa tác hành nhiệm vụ của mình, vừa phối trí sinh hoạt của các tâm sở khác đồng phát sanh.
Còn có một lối giải thích nữa. Cetanā là cái gì đưa đến hành động bằng cách tạo duyên cho cái được cấu tạo (Saṅkhatābhisaṅkharane vā byāpāraṁ āpajjatī'ti cetanā). Cetanā là cái gì đóng vai trò quan trọng nhất trong tất cả các hành động, thiện và bất thiện.
Shwe Zan Aung nói rằng theo Ngài Ledi Sayadaw, một vị Ðại Ðức học giả Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) người Miến Ðiện, "Cetanā hành động trên các tâm sở đồng phát sanh với nó bằng cách thâu nhận đối tượng, và hành động nhằm thành tựu nhiệm vụ, tức là quyết định hành động." (Compendium, trang 236).
Cetanā, tác ý, là tâm sở có ý nghĩa quan trọng nhất trong các loại tâm Tại Thế (Lokiya), còn trong tâm Siêu Thế thì có Paññā, trí tuệ hay minh sát tuệ. Tâm Tại Thế có khuynh hướng tích trữ Nghiệp. Tâm Siêu Thế (Lokuttara) trái lại, có chiều hướng tận diệt Nghiệp. Do đó Cetanā trong các tâm Siêu Thế không tạo Nghiệp. Cetanā trong tất cả những loại tâm Tại Thế, thiện hay bất thiện, đàng khác, đều được xem là Nghiệp (Kamma). Mặc dầu Cetanā cũng hiện hữu trong các loại tâm Quả (Vipāka), ở đây nó không có tánh cách đạo đức vì không có năng lực tích trữ.
Trong Thập Nhị Nhân Duyên (Paṭicca Samuppāda) chính Cetanā được bao hàm trong danh từ Saṅkhāra (Hành) và Bhava (Hữu). Trong Pañcakkhandha (Ngũ Uẩn), Saṅkhārakkhandha (Hành Uẩn) có nghĩa là năm mươi tâm sở, ngoài hai tâm sở Vedanā (Thọ) và Saññā (Tưởng). Trong năm mươi tâm sở đó Cetanā là quan trọng hơn hết và được kể đầu tiên.
Ðứng về phương diện tâm lý Cetanā quyết định các hoạt động của những tâm sở cùng phát sanh đồng thời với nó. Về phương diện đạo đức, nó quyết định hậu quả dĩ nhiên phải đến của nó. Do đó, nếu không có Cetanā, tức nhiên không có Kamma (Nghiệp).
6. Ekaggatā, Nhất Ðiểm
"Eka" + "agga" + "tā" = nhất điểm, trạng thái tâm gom vào một điểm, an trụ vào một đề mục, hay tập trung vào một đối tượng.
Tâm Nhất Ðiểm giống như ngọn đèn đứng vững, không bị gió làm giao động. Như trụ cột vững chắc mà gió không thể lay chuyển. Như nước kết hợp, làm dính liền lại nhiều thể chất để cấu thành một hợp chất cụ thể. Tâm sở nầy ngăn ngừa, không để các tâm sở đồng phát sanh khác phân tán, và giữ chắc các tâm sở ấy vào đề mục. Có nơi danh từ Ekaggatā nầy đuợc gọi là Nhất Hành.
Trạng thái nhất điểm nầy là một trong năm chi thiền (Jhāna). Khi được phát triển và trau giồi đến mức độ cao thì tâm Nhất Ðiểm trở thành Samādhi (Ðịnh). "Ðó là mầm giống của tất cả những tâm thức chăm chú, chọn lọc, tập trung hay an trụ vào một điểm." (Compendium, trang 241).
7. Jivitindriya, Mạng Căn
"Jivita" = đời sống + "Indriya" = khả năng kiểm soát hay quy tắc.
Gọi "jīvita", sinh mạng hay đời sống, vì nó nâng đỡ các tâm sở đồng phát sanh.
Gọi "indriya", khả năng kiểm soát, hay căn, vì nó kiểm soát các tâm sở đồng phát sanh.
Cetanā, Tác Ý, quyết định mọi sinh hoạt của tất cả tâm sở, nhưng chính Jīvitindriya, Mạng Căn, truyền sự sống ấy vào Cetanā và các tâm sở khác.
Có hai loại Jīvitindriya (Mạng Căn) là Nāma Jīvitindriya (Danh Mạng Căn) và Rūpa Jīvitindriya (Sắc Mạng Căn). Danh Mạng Căn truyền sự sống vào các tâm sở, trong khi Sắc Mạng Căn truyền sự sống vào các hiện tượng vật lý.
Như sen trong đầm được nước nâng đỡ, như em bé được bà vú nuôi chăm sóc ẩm bồng, các tâm sở và các hiện tượng vật lý được Mạng Căn nâng đỡ.
Một Rūpa Jīvitindriya (Sắc Mạng Căn) tồn tại trong thời gian mười bảy chặp tư tưởng, hay sát-na tâm. Mười bảy Nāma Jīvitindriya (Danh Mạng Căn) liên tiếp sanh rồi diệt trong khoảng thời gian của một Sắc Mạng Căn. Trong sự sống của loài thảo mộc cũng có Sắc Mạng Căn. Tuy nhiên, Sắc Mạng Căn của con người và của loài thú do Nghiệp tạo duyên (điều kiện) nên không cùng một loại với Sắc Mạng Căn của thảo mộc.
Cả hai, Danh Mạng Căn và Sắc Mạng Căn, khởi sanh đồng thời vào lúc ta được bà mẹ thọ thai và đồng thời hoại diệt lúc ta chết. Do đó, cái chết được xem là sự hoại diệt của Mạng Căn. Tức khắc liền sau đó, do năng lực của Nghiệp, một Mạng Căn khác khởi sanh trong kiếp kế, ngay vào lúc bà mẹ thọ thai. Trong trường hợp tái sanh vào cảnh người, ba Sắc Mạng Căn khởi sanh cùng lúc với một Danh Mạng Căn [7] .
Như người chèo thuyền phải tùy thuộc chiếc thuyền và chiếc thuyền tùy thuộc người chèo thuyền, cùng thế ấy Jīvitindriya (Mạng Căn) tùy thuộc danh và sắc, và danh và sắc tùy thuộc Mạng Căn.
8. Manasikāra, Sự Chú Ý
Theo nghĩa của từng chữ, là 'làm trong tâm'.
Quay tâm hướng về đối tượng là đặc tính chánh của danh từ. Sự chú ý giống như bánh lái của một chiếc tàu, bộ phận không thể không có để hướng tàu về đến nơi đến chốn. Tâm không có sự chú ý (manasikāra) cũng như tàu không có bánh lái.
Manasikāra cũng có thể ví như người đánh xe song mã, ngồi trên xe chăm chú vào hai con ngựa (danh và sắc) chạy song song đều đặn. Manasikāra, sự chú ý, phải được phân biệt với Vitakka, chi thiền Tầm, một tâm sở khác sắp được đề cập đến kế liền dưới đây. Manasikāra hướng các tâm sở đồng phát sanh về đối tượng. Vitakka, Tầm, áp đặt hay ném (pakkhipanto viya) các tâm sở đồng phát sanh vào đối tượng. Vitakka, Tầm, giống như vị quan cận thần hướng dẫn một dân quê (cái tâm) vào yết kiến nhà vua (đối tượng).
"Sự chú ý" có ý nghĩa gần nhất với danh từ Manasikāra trong tiếng Phạn, mặc dầu đứng về phương diện thuần túy triết học không chính xác diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa. Như một tâm sở, Manasikāra chỉ là sự chú ý suông, không có tánh cách đặc biệt linh hoạt hay rõ ràng. Trạng thái linh hoạt ấy phần nào được diễn tả trong danh từ Saññā, "Tưởng".
Vậy Manasikāra, sự chú ý, có thể cũng giúp cho trí nhớ không vì nó phổ thông nằm trong tất cả các loại tâm, Tại Thế và Siêu Thế? Bảy tâm sở kể trên được gọi là sabbacittasādhāraṇā, Phổ Thông hay Biến Hành, vì nằm trong tất cả các loại tâm
9. Vitakka, Tầm. [8]
"Vi" + căn "takk", suy tư.
Rất khó tìm ra một danh từ thích nghi để phiên dịch Phạn ngữ nầy, bởi vì nó có nhiều ý nghĩa khác nhau trong Tạng Kinh và Tạng Luận.
Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) danh từ Vitakka được dùng trong nghĩa ý niệm, ý kiến, tư tưởng, luận lý v.v.... Trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka, cũng gọi Tạng Luận) danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa đặc biệt kỹ thuật, có tánh cách chuyên môn.
"Nâng cao" các tâm sở đồng phát sanh đến đối tượng (abhiniropaṇa) là đặc tính chánh yếu của Vitakka, Tầm. Như người kia lên đến hoàng cung tùy thuộc nơi (hay nhờ nơi) các vị sủng thần hay các hoàng thân quốc thích trong triều, cùng thế ấy, tâm lên đến đối tượng tùy thuộc nơi (hay nhờ nơi) Vitakka, Tầm. (Atthasālinī, trang 114).
Vitakka, Tầm, có thể được định nghĩa là sự gắn ghép, áp đặt các tâm sở đồng phát sanh vào đối tượng. Manasikāra, như đã đề cập đến ở trên, là trạng thái hướng các tâm sở đồng phát sanh về đối tượng. Ðặc điểm khác biệt của hai tâm sở nầy phải được thấu hiểu rõ ràng.
Vitakka, Tầm, có nhiều giá trị khác nhau khi được dùng ở những trường hợp khác nhau. Khi được dùng như một tâm sở Riêng Biệt thông thường, hay Biệt Cảnh tâm sở (pakiṇṇaka), thì tâm sở nầy được gọi là Vitakka. Khi được trau giồi và phát triển đầy đủ, tâm sở nầy trở thành yếu tố đầu tiên của Thiền (Jhāna), chi thiền Tầm của Sơ Thiền. Lúc ấy tâm sở nầy được gọi là Appanā, hoàn toàn, đầy đủ, vì đã vững chắc an trụ vào đề mục. Tâm sở Tầm thông thường chỉ ném (áp đặt) tâm lên trên bề mặt của đối tượng.
Từ Nhị Thiền trở lên không còn tâm sở Vitakka, Tầm, vì tâm đã quen thuộc với đề mục rồi.
Một người dân quê đi viếng hoàng cung lần đầu tiên phải cần có sự tiến dẫn, nhưng khi đã ra vào quen thuộc rồi thì không cần tiến dẫn nữa.
Khi được trau giồi đầy đủ, tâm Appanā-Vitakka được gọi là Samādhi, Ðịnh. Khi Vitakka sanh khởi trong tâm Ðạo Siêu Thế (Lokuttara Magga Citta) thì được gọi là Chánh Tư Duy (Sammā Saṅkappa), vì đã loại trừ các tư tưởng lầm lạc và đặt tâm vào Niết Bàn.
Danh từ Vitakka lại còn được dùng trong ý nghĩa hoàn toàn khác biệt để chỉ tâm tánh của một người. Vitakka Carita có nghĩa là một người có tâm tánh rời rạc, không mạch lạc [9] .
10. Vicāra, Sát [10]
"Vi" + căn "car", đi thênh thang bất định.
Như Vitakka, danh từ Vicāra cũng đuợc dùng theo nghĩa đặc biệt kỹ thuật trong Tạng Abhidhamma (Diệu Pháp).
Vicāra, là sinh hoạt liên tục của tâm trên đối tượng.
Quan sát, dò xét (anumajjana) là đặc tính chánh yếu của Vicāra.
Vitakka thường được dịch là Tầm, và Vicāra là Sát, hay Tứ.
Cả hai danh từ nầy phải được phân biệt rõ ràng. Vitakka như con ong đáp xuống cành hoa sen. Vicāra như ong bay quanh quẩn trên hoa sen. Vitakka giống như chim đập cánh, sắp bay. Vicāra như chim bay lượn, quần trên không trung. Như đánh vào trống hay giọng vào chuông là Vitakka, tiếng ngân vang đi là Vicāra.
Vicāra cũng là một chi thiền. Chi thiền Sát nầy khắc phục triền cái hoài nghi (Vicikicchā).
11- Adhimokkha, Xác Ðịnh.
"Adhi" + căn "muc", phóng thích. Nghĩa trắng của danh từ là "phóng thích để đến".
Adhimokkha phóng thích tâm ra khỏi hoài nghi để tiến đến đối tượng.
Ðặc tính chánh yếu của Adhimokkha là xác định, chọn lọc, và nghịch nghĩa của danh từ là hoài nghi, bất định. Có nơi dịch danh từ nầy là Thắng Giải.
Có sự quả quyết khẳng định "đúng hẳn là cái nầy" (imam' evā'ti sanniṭṭhānakaraṇaṁ).
Adhimokkha được ví như quan tòa phán quyết. Vì tánh cách không lay chuyển của nó, danh từ nầy cũng có khi được so sánh với một trụ cột vững chắc.
12. Vīriya, Tinh Tấn
Xuất nguyên từ căn "aj" có nghĩa đi + "īr". "Vī" thay thế "aj". Vīra là người chuyên cần nỗ lực hoàn thành công việc của mình một cách liên tục.
Viriya được định nghĩa là trạng thái, hay hành động, của người cương quyết (Vīrānaṁ bhāvo, kammaṁ). Danh từ nầy cũng có nghĩa là cái gì được thực hiện hay hoàn tất đúng phương pháp (Vidhinā īrayitabbaṁ pavattetabbaṁ vā).
Viriya có đặc tính nâng đỡ (upatthambana), giữ vững (paggahaṇa), chống đỡ (ussahana). Danh từ nầy được dịch là Tinh Tấn.
Như một ngôi nhà hư cũ nhờ những cây cột mới chống đỡ, cùng thế ấy, Viriya hỗ trợ và nâng đỡ các tâm sở khác đồng phát sanh. Như đám quân tiếp viện hùng hậu hỗ trợ một đạo binh đang cố thủ vị trí thay vì rút lui bỏ chạy, cùng thế ấy, Viriya giữ vững và nâng đỡ các tâm sở khác đồng phát sanh với nó.
Viriya được xem là một trong năm khả năng kiểm soát, Ngũ Căn (Indriya), vì nó khắc phục trạng thái lười biếng. Viriya cũng được xem là một trong năm năng lực kiểm soát, Ngũ Lực (Bala), vì nó không thể bị trạng thái lười biếng làm lay chuyển. Viriya là một trong bốn phương tiện để thành tựu mục tiêu cứu cánh (Iddhipāda, Tứ Thần Túc). Viriya cũng nằm trong bốn phương cách nỗ lực tối thượng (Sammappadhāna, Tứ Chánh Cần). Ðược nâng đến mức độ cao siêu, Viriya là một trong bảy yếu tố cần thiết của sự Giác Ngộ (Bojjhaṅga, Thất Giác Chi). Cuối cùng, Viriya tiến đạt đến mức trở thành Chánh Tinh Tấn, một trong tám chi của Con Ðường Cao Quý (Aṭṭhaṅgika Magga, Bát Chánh Ðạo).
Sách Atthasālini viết rằng Viriya, Tinh Tấn, phải được xem là căn nguyên của mọi thành tựu mỹ mãn.
Chuyên cần, cố gắng, tận lực, tinh tấn, được xem là những danh từ sát nghĩa nhất với Viriya.
13. Pīti, Phỉ hay Hỷ
Xem chương I, chú giải số 40.
14. Chanda, Dục, ý-muốn-làm.
Xuất nguyên từ căn "chad", mong ước, muốn.
Ðặc tính chánh yếu của Chanda là "ý muốn làm" (kattukamyatā), cũng như vói tay nắm lấy một vật. Danh từ Chanda nầy, không có tánh cách đạo đức, phải được phân biệt với danh từ Lobha, tâm tham, có tánh cách bất thiện. Lobha là bám chặt vào một vật.
Có ba loại Chanda, Dục, là:
1. Kāmachanda, tham dục, là khát vọng duyên theo lục trần, một trong năm pháp Triền Cái (Nīvaraṇa). Ðây là một loại tâm bất thiện.
2. Kattukamyatā Chanda, chỉ là "ý muốn làm" suông. Không có tánh cách đạo đức.
3. Dhammacchanda, ý muốn chân chánh. Chính ý muốn chân chánh nầy thúc giục Hoàng Tử Siddhattha từ bỏ những dục lạc của đời vương giả.
Trong ba loại Chanda, Kattukamyatā Chanda, có nghĩa là riêng biệt luyến ái một tâm sở nào, một trong bốn ảnh hưởng quan trọng (Adhipati).
Shwe Zan Aung nói: "Sự cố gắng quyết ý, hay ý chí là do Viriya, Tinh Tấn. Pīti, Phỉ hay Hỷ, là trạng thái thích thú trong đối tượng; Chanda là có ý định liên quan đến đối tượng." (Compendium, trang 18).
Người Phật tử có Dhammacchanda, ý muốn chân chánh, để chứng ngộ Niết Bàn. Ðây không phải là tham ái.
Sáu loại tâm sở nầy -- Tầm, Sát, Xác Ðịnh, Tinh Tấn, Phỉ, Dục -- có thể phát sanh hay không phát sanh trong tất cả các loại tâm -- được gọi là Pakiṇṇaka, Riêng Biệt, hay Biệt Cảnh.
15. Moha, Si
Xuất nguyên từ căn "muh", mê mờ, lầm lạc. Moha là một trong ba căn bất thiện, và nằm trong tất cả các loại tâm bất thiện. Nghịch nghĩa của Moha, si, là Paññā, trí tuệ. Ðặc tính chánh của Moha là lẫn lộn, không thấy rõ bản chất của sự vật. Moha như đám mây mờ, bao phủ tri kiến của ta liên quan đến Nghiệp và Tứ Diệu Ðế.
16. Ahirika, Vô Tàm
Ahirika là một danh từ trừu tượng được cấu hợp do "a" + "hirika", có nghĩa không hổ thẹn, Vô Tàm. Người không hổ thẹn khi làm điều bất thiện là ahiriko. Trạng thái của người như vậy là ahirikkaṁ = ahirikaṁ. Người có tâm Hiri (hổ thẹn) sẽ chùng bước, thối lui, trước hành động bất thiện, cũng như lông gà rút co lại trước ngọn lửa. Người "không có Hiri" (Vô Tàm) có thể làm bất luận điều bất thiện nào mà không chút rụt rè.
17. Anottapa, Vô Quý
"Na" + "ava" + căn "tapp", bứt rứt, dày vò.
Ottappa là sợ làm điều bất thiện, tức sợ hậu quả của hành động bất thiện.
Anottappa, phản nghĩa của Ottappa, được ví như con thiêu thân bị cháy sém trên ngọn lửa. Một người biết sợ nóng ắt không thọc tay vào lửa. Nhưng con thiêu thân thì không ngờ hậu quả tai hại của hành động bay vào lửa, do đó bị thiêu đốt. Cùng thế ấy, một người Vô Quý, không biết sợ hậu quả của hành động bất thiện, có thể làm bất luận điều ác nào và phải chịu khốn cùng trong khổ cảnh.
Hai danh từ Hiri và Ottappa đi chung với nhau. Hiri phải được phân biệt với trạng thái nhút nhát, rụt rè, thông thường, và Ottappa phải được phân biệt với trạng thái sợ hãi, kinh hoàng. Sợ hãi được xem là một trong mười đạo binh của Ma Vương (Māra). Người Phật tử đuợc dạy không nên sợ bất cứ nhân vật nào, dầu là một đấng Thần Linh, bởi vì Phật Giáo không đặt nền tảng trên sự sợ sệt cái gì không bao giờ được biết đến.
Hiri (Hổ Thẹn) phát sanh từ bên trong, và Ottappa từ bên ngoài, do ngoại cảnh. Thí dụ như có thanh sắt. Một đầu của thanh sắt thì đốt nóng lên, đầu kia thì thoa đồ dơ thúi vào. Ta không sờ tay vào đầu dơ thúi của thanh sắt vì ghê tởm, gớm, và không sờ vào đầu nóng vì sợ. Hiri, Hổ Thẹn, cũng giống như đầu dơ thúi, và Ottappa, Ghê Sợ, như đầu nóng. Những điểm ghi nhận sau đây của Bà Rhys Davids về Hiri và Ottappa mô tả rành rẽ sự khác biệt giữa hai tâm sở mật thiết liên quan với nhau nầy:
"Hiri và Ottappa, như Ðức Buddhaghosa phân tách, cho thấy nhiều điểm vô cùng hứng thú về phương diện đạo đức. Gom chung lại, hai danh từ nầy là sắc thái 'cảm xúc' và 'quyết ý' của ý niệm về tâm thức của thời hiện đại, cũng như Sati (Niệm) tiêu biểu cho phần trí thức. Hiri 'có nghĩa tương đương với hổ thẹn (lajjā)', Ottappa tương đương với 'nổi ưu phiền đau khổ (ubbego) về hành động bất thiện.' Hiri (Tàm) bắt nguồn từ bên trong (attādhipati), tự mình cảm nghe hổ thẹn. Ottappa (Quý) chịu ảnh hưởng của xã hội (lokādhipati), sợ xã hội dị nghị. Hiri được xây dựng trên sự hổ thẹn, Ottappa, trên sự sợ sệt. Hiri tiêu biểu trạng thái nhất trí, Ottappa, ghi dấu sự phân giải tình trạng hiểm nguy và ghê sợ lỗi lầm. Nguồn gốc chủ quan của Hiri có bốn: ý niệm có liên quan đến sự sanh trưởng, đến tuổi tác, đến giá trị, và đến giáo dục của ta. Do đó người có tâm biết hổ thẹn trước hành động bất thiện, Hiri, sẽ suy tư: 'Chỉ có con cái của hạng người tầm thường, như dân chài chẳng hạn, những người nghèo khó, đói rách, những người mù, dốt, mới làm điều nầy', và vì nghĩ vậy người ấy tự chế, nhịn không làm. Nguồn gốc của Ottappa, Quý, ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện, nằm ở bên ngoài ta. Ðó là ý niệm: 'hạng người chân thật sẽ khiển trách ta', và vì lẽ ấy không làm điều bất thiện. Nếu có Hiri, biết hổ thẹn trước hành động bất thiện, Ðức Phật dạy, thì người ấy là vị chủ nhân tốt nhất của chính mình. Ðối với người có nhiều nhạy cảm hơn với Ottappa, ghê sợ hậu quả của hành động bất thiện, thì các ông chủ của niềm tin là hướng dẫn tốt nhất."
"Trong đoạn bổ túc, 'Hiri tiêu biểu trạng thái nhất trí v.v...' được giải thích như sau: Trong Hiri ta suy gẫm về giá trị của sự sanh trưởng của ta, giá trị của ông thầy ta, của giai cấp ta, và của các bạn đồng môn với ta. Trong Ottappa ta cảm nghe ghê sợ trước những phiền hà của chính ta, sự khiển trách của người khác, và quả báo trong một kiếp sống khác," (Buddhist Psychology, trang 20).
Hiri và Ottappa được xem là hai yếu tố chi phối thế gian rất quan trọng. Thiếu hai yếu tố nầy không có xã hội văn minh nào có thể tồn tại.
18. Uddhacca, Phóng Dật
"U" = trên, phía trên + căn "Dhu" = chao động, rung chuyển.
Uddhutassa bhāvo Uddhuccaṁ = Uddhaccaṁ = trạng thái phun lên. Uddhacca được ví như trạng thái chao động của một đống tro khi người ta ném đá vào. Ðó là trạng thái tâm chao động, và phản nghĩa là trạng thái tâm an trụ. Khi được xem như một trong năm triền cái (Nivārana, chướng ngại tinh thần), tâm Phóng Dật đối chiếu với chi thiền "Lạc".
Trong một vài trường hợp hiếm hoi Uddhacca được xử dụng trong ý nghĩa trạng thái tâm bị thổi phồng, tương đương với tánh tự cao tự đại. Ở đây danh từ nầy không được dùng trong nghĩa ấy. Thông thường Uddhacca (Phóng Dật) phải được phân biệt rõ ràng với Māna (Ngã Mạn), bởi vì cả hai đều được xem là một trong mười Thằng Thúc (Saṁyojanas), dây trói buộc, cột chúng sanh vào vòng luân hồi.
Bốn tâm sở kể trên -- Moha, Ahirika, Anottappa và Uddhacca -- mở đầu danh sách các tâm sở bất thiện, nằm chung trong tất cả các loại tâm bất thiện.
|
|
|
Post by tk on Sept 27, 2013 2:56:58 GMT -5
19. Lobha, Tham.
Xem chương I, chú giải 9.
20. Diṭṭhi, Tà Kiến.
Nên ghi nhận sự khác biệt giữa Moha, Si, và Diṭṭhi, Tà Kiến. Tâm Si Mê che lấp, làm mờ đối tượng giống như một đám mây bao phủ. Diṭṭhi liên quan đến quan kiến nhất định, khư khư cố chấp vào ý tưởng của mình, như nói, "đây quả thật là chân lý, ngoài ra, những gì khác đều sai." Diṭṭhi, Tà Kiến, nghịch nghĩa với Ñāṇa, Trí Tuệ. Diṭṭhi bác bỏ, không chấp nhận bản chất thật sự và nhìn sự vật một cách sai lầm. Trí Tuệ phân biện đối tượng đúng như thật, thấy bản chất thật sự của đối tượng. Khi danh từ Diṭṭhi được dùng riêng một mình, không có túc từ đi kèm theo thì có nghĩa là Micchā Diṭṭhi, Tà Kiến. Sammā Diṭṭhi, Chánh Kiến, hay Amoha, Không Si là nghịch nghĩa với Moha, Si.
21. Māna, Ngã Mạn.
Xuất nguyên từ căn "man", suy tư.
22. Dosā, Sân.
Xem chương I, chú giải 9.
23. Issā, Ganh Tị.
Xuất nguyên từ "i" + căn "su", đố kỵ, ganh ghét, tật đố. Ðặc tính của Issā là ganh tị sự thành công và thạnh vượng của người khác. Như vậy có tánh cách khách quan, bắt nguồn từ bên ngoài chủ thể.
24. Macchariya, Xan Tham.
Macchariyassa bhāvo là trạng thái của người bỏn xẻn keo kiết.
Ðặc tính của Macchariya là che đậy, dấu kín sự thạnh vượng của mình. Ngược lại với Issā, Macchariya có tánh cách chủ quan, bắt nguồn từ bên trong chủ thể.
Cả hai, Issā (Ganh Tị) và Macchariya (Xan Tham, Bỏn Xẻn) đều được xem là bạn của Dosa (Sân), bởi vì mỗi khi Issā và Machariya khởi sanh là có Dosa.
25. Kukkucca, Lo Âu.
Kukatassa bhāvo = kukkuccaṁ = trạng thái của người bồn chồn lo âu, hối hận vì đã có hành động sai lầm.
Theo chú giải, điều bất thiện đã làm là ku + kata, và như vậy, không làm là tốt. Ăn năn hối hận về một điều bất thiện đã làm là Kukkucca, và ăn năn hối tiếc điều thiện đã bỏ qua không làm cũng là Kukkucca. Sách Dhamma-saṅgani giải thích: Tại sao lo âu?
"Cái tâm cho rằng điều hợp pháp là bất hợp pháp, cái tâm cho rằng điều bất hợp pháp là hợp pháp; cái tâm cho rằng điều không hợp đạo đức là đạo đức và điều hợp đạo đức cho rằng không hợp đạo đức -- tất cả những loại lo âu, sốt ruột, quá e ngại, bứt rứt lương tâm, những mất mát tinh thần ấy -- đều được gọi là Kukkucca." (Buddhist Psychology - trang 313)
Kukkucca (Lo Âu) là một trong năm pháp Triền Cái (Nivāraṇa) và đi chung với Uddhacca (Phóng Dật). Kukkucca chỉ liên quan đến quá khứ.
Theo Tạng Luật, Kukkucca là tâm hoài nghi trong sạch về Giới Luật.
Theo Tạng Diệu Pháp trái lại, Kukkucca là hối tiếc, làm cho tâm bất an, và như vậy nên tránh.
26. Thīna, Hôn Trầm.
Xuất nguyên từ căn "the", co rút lại + "na". Thena = thāna = thīna.
Thīna là trạng thái tâm co rút lại, thối lui, giống như lông gà trước ngọn lửa. Thīna (Hôn Trầm) nghịch nghĩa với Viriya (Tinh Tấn). Thīna được giải thích là Citta-gelaññaṁ, trạng thái tâm ươn yếu bệnh hoạn. Như vậy, Thīna đối nghịch với Cittakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm, một trong các tâm sở Ðẹp (Sobhana cetasika, Tịnh Quang, hay Tịnh Hảo tâm sở).
27. Middha, Dã dượi, hay Thụy Miên.
Xuất nguyên từ căn "middh", không hoạt động, không có phản ứng, không có khả năng.
Ðây là trạng thái uể oải, ươn yếu, dã dượi, của tâm sở.
Cả hai -- Thīna (Hôn Trầm) và Middha (Thụy Miên) luôn luôn đi chung -- là một trong năm pháp Triền Cái (Chướng Ngại Tinh Thần). Chi thiền Vitakka (Tầm) khắc phục Chướng Ngại nầy. Middha (Thụy Miên) cũng nghịch nghĩa với Viriya (Tinh Tấn). Nơi nào có Thīna và Middha thì không có Viriya.
Middha được giải thích là Kāya-gelañña, trạng thái ươn yếu của "cơ thể tinh thần". Nơi đây danh từ Kāya, cơ thể, không có nghĩa là cơ thể vật chất, hay thân nầy, mà là cơ cấu tổng hợp các tâm sở, tức Vedanā, Saññā và Saṅkhāra (Thọ, Tưởng và năm mươi tâm sở còn lại). Do đó Middha đối nghịch với Kāyakammaññatā, trạng thái nhu thuận của tâm sở.
Sách Dhammasaṅgani giải thích hai tâm sở Thīna và Middha như sau:
"Thīna, Hôn Trầm, là gì?
"Ðó là trạng thái trí năng khó chịu, nhuể nhoại, không sẵn sàng làm, nặng nề, chậm chạp, dính mắc và không linh động; trạng thái trí thức cố thủ, bám níu, khư khư cố chấp, trạng thái trí thức chết cứng một chỗ -- đó là Thīna (Hôn Trầm).
"Middha, Thụy Miên hay Dã Dượi, là gì?
"Ðó là trạng thái cảm giác khó chịu, không sẵn sàng; trạng thái có cảm giác như người bị liệm kín, bị bao phủ, bị ngăn chận từ bên trong. Trạng thái dã dượi làm cho buồn ngủ, hôn mê, trạng thái tâm sở như mơ màng, thiu thỉu ngủ, nửa tỉnh nửa mê -- đó là Middha (Dã Dượi) -- (Buddhist Psychology, trang 311-312)
28. Vicikicchā, Hoài Nghi.
Xem chương I, chú giải 13.
Khi là một Chướng Ngại Tinh Thần Vicikicchā không có nghĩa là hoài nghi Phật, Pháp, Tăng v.v...
Bản Chú Giải Trung A Hàm (Majjhima Nikāya) ghi nhận: "Gọi như vậy vì nó không thể quyết định cái đó đúng thật là như vậy." (Idam'ev'idanti nicchetuṁ asamatthabhāvato'ti vicikicchā ).
29. Saddhā, Tín.
"Saṁ", tốt đẹp + căn "dah", thiết lập, đặt lên, để trên.
Danh từ Saṁskrt Sraddhā gồm "Srat", đức tin + "dhā", thiết lập.
Theo Pāli, Saddhā là niềm tin thiết lập vững chắc đặt nơi Ðức Phật, Giáo Pháp và Giáo Hội Tăng Già. Ðặc tính chánh yếu của Saddhā là thanh lọc, làm cho trong sạch, tinh khiết (sampasādana) các tâm sở đồng phát sanh với nó. Saddhā có thể được ví như viên bảo ngọc của vị hoàng đế có đặc tính làm cho nước trong. Khi bỏ viên ngọc nầy vào nước đục, bao nhiêu bùn và bợn nhơ của nước đều lắng xuống và nước trở nên trong. Cùng thế ấy, Saddhā làm cho bợn nhơ của tâm lắng xuống và tâm trở nên trong sạch.
Saddhā (Tín) ở đây không phải là đức tin mù quáng mà là niềm tin tưởng, tín nhiệm, căn cứ trên sự hiểu biết.
Ta có thể hỏi: "Một người không phải là Phật tử có Saddhā được không?"
Tập Atthasālini nêu lên chính câu hỏi nầy và đưa ra một lời giải đáp không mấy thỏa đáng và không hoàn toàn thích ứng.
"Người có quan kiến sai lầm không tin tưởng nơi vị thầy của họ sao?" Ðức Buddhaghosa đặt câu hỏi như vậy. Và câu trả lời của Ngài là:
"Họ vẫn tin nơi thầy của họ. Nhưng đó không phải là Saddhā (Tín). Ðó chỉ suông là một thỏa thuận bằng ngôn từ (Vacanasampaṭicchanamattameva)".
Nếu chỉ có người Phật tử mới có Saddhā (Tín) vậy ta phải nói thế nào khi một người không phải Phật tử đặt đức tin, hay niềm tin tưởng, nơi thầy của họ? Chắc chắn rằng khi nghĩ đến vị thầy dạy đạo mình, tâm của người không phải Phật tử phần nào cũng trở nên trong sạch. Người không phải Phật tử đặt niềm tin nơi đạo sư mình có phải là Tà Kiến (Diṭṭhi) không? Nếu là Tà Kiến thì hẳn đó là tâm Bất Thiện (Akusala). Như vậy, người không phải Phật tử không bao giờ có cơ hội để chứng nghiệm tâm Thiện sao?
Có phải chăng đúng hơn ta nên nói rằng Saddhā chỉ là sự tín nhiệm hay niềm tin suông, thay vì đặt một giới hạn, cho rằng niềm tin ấy phải đặt nơi Tam Bảo mới gọi là Saddhā.
Bộ Dhammasaṅgani giải thích Saddhā như sau: "Trong trường hợp nầy đức tin là sự tín nhiệm nơi, sự biểu lộ niềm tin tưởng nơi, một ý niệm được đảm bảo, tình trạng an tâm tin chắc, đức tin, đức tin xem như một khả năng và một năng lực." (Buddhist Psychology trang 14)
Saddhā (Tín) cũng là sự hiểu biết bằng cách trực giác chứng nghiệm, hoặc là sự hiểu biết được huân tập từ nhiều kiếp sống quá khứ.
30. Sati, Niệm
Do căn "sar", hồi nhớ.
Sati (Niệm), không chính xác tương đương với quan niệm về trí nhớ của người Tây Phương. Trạng thái chú tâm gần với Sati. Sự chú tâm ghi nhận, hay Niệm, cần phải được trau giồi và phát triển. Kinh Niệm Xứ, Satipaṭṭhāna Sutta, có mô tả với đầy đủ chi tiết nhiều phương pháp khác nhau để phát triển tâm sở Niệm nầy. Khi phát triển Sati (Niệm) đến mức cao độ hành giả có thể thành đạt khả năng nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ. Chính Sati nầy được xem là một trong tám chi của Bát Chánh Ðạo -- Chánh Niệm.
Sati có khuynh hướng gợi hiện lên trước mắt ta những thiện pháp và không để cho các điều lành ấy bị lãng quên. Ðặc tính chánh của Sati là "không trôi đi" (apilāpana). Không giống như trái bí, trái bầu, hay lu hũ nổi trôi trên mặc nước, Sati trầm mình trong đề mục.
Phải ghi nhận rằng loại Sati (Niệm) đặc biệt nầy không nằm trong các loại tâm bất thiện.
Trong tâm bất thiện chỉ có Micchā Sati (Tà Niệm).
Sách Dhammasaṅgani giải thích Sati như sau:
"Niệm ở đây là hồi nhớ lại, khiêu gợi đem trở lại tâm; sự chú tâm hồi nhớ, mang trong tâm cái gì nghịch nghĩa với trạng thái nông cạn và lãng quên; sự chú tâm xem như một khả năng; sự chú tâm xem như một năng lực, chánh niệm." (Buddhist Psychology, trang 16)
Chú giải danh từ Sati Bà Rhys Davids nói:
"Chú giải của Ðức Buddhaghosa về Sati theo đó Ngài bám sát và giảng rộng trong Mil. 37, 38, cho thấy rằng quan niệm cổ truyền về sắc thái nầy của tâm có nhiều phần giống lý thuyết hiện đại về lương tâm hay lương tri. Sati (Niệm) xuất hiện dưới hình ảnh một nhà chỉ đạo bên trong, phân biệt rõ ràng điều nào tốt, điều nào xấu, và thúc giục chọn lựa.
"Hardy đi xa đến mức phiên dịch Sati là "lương tâmṅhưng điều nầy làm tổn thương sự khác biệt hứng thú giữa tư tưởng Ðông Phương và Tây Phương. Ðối với người phương Ðông, đối tượng của Sati không có gì là thần bí. Nó đem tiến trình tâm lý hay cơ năng tiêu biểu (mà không vạch ra sự khác biệt giữa trí nhớ suông và sự xét đoán) và trình bày dưới một sắc thái đạo đức." -- (Buddhist Psychology, trang 16)
31. Hiri & Ottappa, Tàm và Quý.
Xem Ahirika và Anottappa, chú giải 16 và 17.
32. Alobha, Không-Tham.
Alobha phản nghĩa với Lobha (Tham). Xem chương I, chú giải 9.
Alobha (Không-Tham) bao hàm ý nghĩa Dāna, là lòng quảng đại, hạnh bố thí. Alobha là một phẩm hạnh tích cực liên quan đến lòng vị tha. Alobha (Không-Tham) là một trong ba căn Thiện. Giống như giọt nước trên lá sen, lăn trôi đi mà không dính mắc, đặc tính chánh của Alobha là buông bỏ, từ khước, không đeo níu vật gì.
33. Adosa, Không-Sân.
Adosa là phản nghĩa của Dosa (Sân). Xem chương I, chú giải 9.
Adosa (Không-Sân) không phải chỉ là không có lòng sân hận hay không bất toại nguyện, mà còn là một phẩm hạnh tích cực.
Adosa (Không-Sân) đồng nghĩa với Mettā (tâm Từ), một trong bốn phẩm hạnh cao thượng vô lượng vô biên, Tứ Vô Lượng Tâm.
Người đọc sẽ ghi nhận rằng nơi đây, khi liệt kê những loại tâm vô lượng, chỉ có hai loại được đề cập đến là Karuṇā (tâm Bi) và Muditā (tâm Hỷ). Lý do là vì Mettā (tâm Từ) đã được bao hàm trong Adosa (Không-Sân) và Upekkhā (tâm Xả) đã nằm trong Tatramajjhattatā, tâm quân bình.
Adosa (Không-Sân) cũng là một trong ba căn thiện. Giống như một người bạn lành dễ chịu Adosa có đặc tính chánh là không gắt gỏng, không nặng lời (caṇḍikka).
34. Ba Căn Thiện
Alobha (Không-Tham), Adosa (Không-Sân), Amoha (Không-Si) là ba căn Thiện.
Amoha (Không-Si) không được đề cập đến trong 19 tâm sở Ðẹp (Tịnh Quang tâm sở) vì đã nằm trong Paññā (Trí Tuệ).
Sách Atthasālini mô tả ba phẩm hạnh nầy một cách sống động như sau:
"Trong ba đức tánh nầy, Alobha (Không-Tham) có đặc tính là không gắn bó vào, hay không dính mắc trong một vật, tựa như giọt nước trên lá sen. Cơ năng của Alobha là không chiếm hữu, như thầy tỳ khưu siêu thoát (A La Hán). Biểu hiện của Alobha (Không-Tham) là buông bỏ, phủi sạch như người té vào đống rác dơ bẩn.
"Adosa (Không-Sân) có đặc tính là không gắt gỏng hay gây phiền não, như người bạn lành. Cơ năng của Adosa (Không-Sân) là tiêu trừ trạng thái bực bội, phiền toái hay nóng nảy, như gỗ trầm. Biểu hiện của Adosa là dễ mến, dịu dàng, như ánh trăng rằm.
"Ðặc tính, cơ năng v.v... của Amoha (Không-Si) được đề cập đến liên quan với danh từ Paññindriya (Tuệ Căn). Lại nữa, trong ba đức tánh nầy, Alobha (Không- Tham) nghịch nghĩa với ô nhiễm ích kỷ, Adosa (Không- Sân) nghịch nghĩa với trạng thái không trong sạch (dussīlya, bất tịnh), Amoha (Không-Si) với trạng thái không phát triển những điều kiện đạo đức.
"Alobha (Không-Tham) là nguyên nhân đưa đến đức quảng đại, tâm bố thí; Adosa (Không-Sân), đưa đến cuộc sống giới đức; và Amoha (Không-Si), đến hành thiền.
"Do Alobha (Không-Tham) ta không lấy cái gì đã có dư, vì người tham lấy điều mình đã dư thừa. Do Adosa (Không- Sân) lấy cái gì không ít, vì người sân lấy cái gì ít. Do Amoha (Không-Si) lấy cái gì chánh đáng, vì người si mê chấp điều sai lầm.
"Do Alobha (Không-Tham), trước một lỗi lầm hiển nhiên, thấy đúng thực tướng của nó và nhìn nhận nó là vậy. Người tham lam che giấu lỗi lầm. Do Adosa (Không-Sân), trước một đức tánh hiển nhiên ta thấy đúng thực tướng của nó, và nhìn nhận nó là vậy. Người sân xóa bỏ, làm phai mờ đức tánh ấy. Do Amoha (Không-Si) ta thấy đúng thực tướng của mọi vật và chấp nhận là vậy. Người si mê thấy giả là thật, thấy thật là giả.
"Do Alobha (Không-Tham) sầu muộn không phát sanh khi xa cách người thân yêu, vì trìu mến là bản chất cố hữu của người tham, cũng như không thể chịu đựng nổi tình trạng xa cách người thân yêu. Do Adosa (Không-Sân), sầu muộn không phát sanh khi sống chung với người không ưa thích vì trạng thái bất thỏa mãn là bản chất cố hữu của người sân, cũng không thể chịu đựng sự kết hợp với người không ưa thích. Do Amoha (Không-Si), sầu muộn không phát sanh khi không đạt được điều mong muốn, vì bản chất cố hữu của người si mê là tự hỏi: "ở đâu ta có thể đạt được điều ấy?" v.v...
"Do Alobha (Không-Tham), hiện tượng tái sanh không làm phát sanh sầu muộn, vì Alobha (Không-Tham) là đối nghịch với ái dục, và ái dục là nguyên nhân đưa đến tái sanh. Do Adosa (Không-Sân), sầu muộn vì tuổi già không phát sanh, bởi vì người nhiều sân hận, tánh tình nóng nảy, mau già. Do Amoha (Không-Si) sầu muộn vì chết không phát sanh. Người mê muội thấy cái chết quả thật đau khổ. Người không si mê không thấy hiện tượng chết là đau khổ.
"Hàng cư sĩ sống thuận hòa với nhau nhờ Alobha (Không-Tham), bậc xuất gia sống thuận hòa nhờ Amoha (Không-Si), và tất cả chung sống thuận hòa với nhau nhờ Adosa (Không-Sân).
"Ðặc biệt, do Alobha (Không Tham) không tái sanh vào cảnh ngạ quỷ, vì thường chúng sanh sa đọa vào cảnh nầy do ái dục. Do Adosa (Không-Sân), không tái sanh vào địa ngục (Niraya) vì sân hận, tức bản chất quạu quọ, gắt gỏng, đưa chúng sanh vào cảnh địa ngục, cảnh giới thích hợp với lòng sân. Adosa đối nghịch với tâm sân. Do Amoha (Không-Si), không tái sanh vào cảnh thú, vì si mê đưa chúng sanh vào cảnh thú. Amoha đối nghịch với si mê. "Trong ba đức tánh, Alobha (Không-Tham) thúc giục ra khỏi ảnh hưởng thu hút của tham ái; do Adosa (Không-Sân), ra khỏi ảnh hưởng thu hút của sân hận; Amoha, ra khỏi trạng thái chai cứng, lãnh đạm thờ ơ vì si mê.
"Hơn nữa, do ba đức tánh trên phát sanh ba ý niệm tương ứng: Ý niệm về sự từ khước (ly dục), không sân hận (vô sân), không gây tổn hại (bất hại); và ý niệm về sự ghê tởm, về các phẩm hạnh vô lượng, và về những nguyên tố căn bản (Dhātu, Xứ).
"Do Alobha (Không-Tham) tiêu trừ cực đoan lợi dưỡng. Do Adosa (Không-Sân) tiêu trừ cực đoan khổ hạnh. Do Amoha có sự đào luyện đúng theo con đường "Trung Ðạo".
"Cùng thế ấy, do Alobha dây trói buộc tham ái (Abhijjhā Kāyagantha) đuợc tiêu trừ. Do Adosa, dây sân hận, và do Amoha hai dây trói buộc si mê còn lại được tiêu trừ. [11]
"Hai chi đầu tiên của niệm (tức niệm thân và niệm thọ) được thành tựu nhờ năng lực của Alobha (Không-Tham) và Adosa (Không-Sân). Hai chi sau (niệm tâm và niệm pháp) nhờ năng lực của Amoha (Không-Si).
"Nơi đây Alobha (Không-Tham) dẫn đến sức khỏe, vì người không tham ái không ham mê đeo níu theo những gì thu hút, mà chỉ làm những gì thích hợp với mình -- do đó được khỏe mạnh. Adosa (Không-Sân) đưa đến tình trạng trẻ trung, vì người không sân hận giữ mình trẻ trung lâu dài, không bị lửa sân thiêu đốt, làm nhăn da bạc tóc. Amoha (Không-Si) dẫn đến tuổi thọ cao, vì người không si mê phân biệt điều gì thích hợp với mình, điều gì không, và tránh những điều không thích hợp, làm điều thích hợp -- do đó được trường thọ.
"Alobha (Không-Tham) đưa đến tình trạng giàu có, vì do lòng quảng đại bố thí ta thâu thập tài sản sự nghiệp. Adosa (Không-Sân) đưa đến tình trạng có nhiều bạn bè, vì do tâm Từ ta được bạn, mà không mất. Amoha (Không-Si) đưa đến những thành tựu cá nhân viên mãn, vì người trí tuệ chỉ làm những gì lợi ích cho mình, tự điều chế mình.
"Alobha (Không Tham) đưa vào cảnh Trời. Adosa (Không-Sân), đến cảnh Phạm Thiên, và Amoha (Không-Si) đến đời sống của các bậc Thánh Nhân.
"Do Alobha (Không-Tham) ta sống an lành với tài sản đã thâu thập, giữa những người và vật quen thuộc (thuộc phe nhóm mình), vì không quá luyến ái, khi những người hay vật ấy mất mát hay hoại diệt ta không quá đổi âu sầu tiếc rẻ. Do Adosa (Không-Sân) ta sống an vui giữa những người và vật không quen thuộc (không thuộc phe nhóm mình), vì người không sân không chứa chấp tình cảm bất thân thiện, dầu sống giữa những người thù nghịch. Do Amoha (Không-Si) ta sống an vui giữa những người và vật không thuộc phe nhóm nào, vì người không si mê đã dứt bỏ mọi luyến ái.
"Do Alobha (Không-Tham) có tuệ minh sát sâu sắc về lý vô thường, vì người tham ái bị lòng ham muốn thọ hưởng che lấp, không thấy đặc tướng vô thường trong sự vật vô thường. Do Adosa (Không-Sân) có tuệ minh sát sâu sắc về đặc tướng đau khổ, vì người có bẩm tánh từ ái đã dứt bỏ mọi cố chấp, nguyên nhân của lòng bất toại nguyện, nhìn thấy vạn pháp đều đau khổ. Do Amoha (Không-Si) có tuệ minh sát sâu sắc về lý vô ngã, vì người không si mê sáng suốt thấu đạt chân tướng của vạn pháp, nhận định rõ ràng ngũ uẩn là vô ngã.
"Như ba trạng thái trên (Không-Tham, Không-Sân, Không-Si) đưa đến tuệ minh sát sâu sắc về đặc tướng vô thường v.v... cùng thế ấy, tuệ minh sát sâu sắc về ba đặc tướng vô thường v.v... đưa đến ba trạng thái trên.
"Tuệ minh sát về đặc tướng vô thường đưa đến Alobha (Không-Tham). Do tuệ minh sát về đặc tướng đau khổ trạng thái Adosa (Không-Sân) phát sanh. Do Amoha (Không-Si) có tuệ minh sát về đặc tướng vô ngã.
"Người quả thật đã thấu hiểu chắc chắn rằng cái nầy là vô thường có còn phát triển lòng ham muốn cái nầy nữa không?
"Người quả thật đã nhận thức rõ ràng đặc tướng đau khổ của sự vật có còn phát triển trạng thái đau khổ khác nữa do lòng sân hận quá độ không?
"Người quả thật đã thấu triệt đặc tướng rỗng không của linh hồn có còn rơi trở lại vào ảo tưởng hiển nhiên ấy không?" -- (Atthasālini trang 137 -139. Xem The Expositor, tập i, trang 167-170)
35. Tatramajjhattatā, Xả, tâm quân bình.
Theo đúng căn nguyên, "tatra" = ở đó, tức đối với đối tượng. "majjhattatā" = ở khoảng giữa, tức không thiên về bên nào, quân bình.
Ðặc tính chánh yếu của Tatramajjhattatā là nhìn đối tượng một cách vô tư, không thiên vị. Tatramajjhattatā như người đánh xe, nhìn đồng đều vào cặp ngựa đã được huấn luyện thuần thục.
Ðôi khi Tatramajjhattatā và Upekkhā được dùng như hai danh từ đồng nghĩa. Trong Tứ Vô Lượng Tâm, Tatramajjhattatā đồng nghĩa với Upekkhā. Do đó, khi liệt kê các tâm sở vô lượng ta không đề cập đến Upekkhā nữa. Chính Tatramajjhattatā nầy được nâng cao và được xem như một trong bảy yếu tố của sự giác ngộ (Bojjhaṅga, Thất Giác Chi, hay bảy nhân sanh quả bồ đề). Cũng phải phân biệt rõ ràng Tatramajjhattatā với trạng thái Upekkhā lãnh đạm thờ ơ. Ðôi khi cả hai tâm sở nầy đồng khởi sanh trong một loại tâm vương, tức trong tất cả Upekkhāsahagata Kusala Cittas, những tâm Thiện đồng phát sanh cùng thọ Xả.
Tatramajjhattatā nầy đuợc xem là tâm Xả (Upekkhā) về cả hai phương diện, trí thức và đạo đức.
(Xem chương I, chú giải 42)
36. Kāya Passaddhi & Citta Passaddhi. Trạng thái an tĩnh của tâm sở và trạng thái an tĩnh của tâm vương.
Passaddhi gồm "pa" + căn "sambh" làm cho an tĩnh, yên lặng. Passaddhi là trạng thái an tĩnh, yên lặng, tự tại.
Ðặc tính chánh của Passaddhi là tiêu trừ, hay làm giảm dịu tình trạng nóng bỏng của dục vọng (Kilesa- daratha-vūpasama). Passaddhi như tàn bóng mát mẻ của một cội cây đối với người đi đường đang bị nắng thiêu đốt. Passaddhi nghịch nghĩa với Uddhacca, phóng dật, trạng thái tâm bị khích động. Khi được phát triển đến cao độ Passaddhi trở thành một trong Thất Giác Chi (Bojjhaṅga).
Trạng thái an tĩnh nầy có hai: trạng thái an tĩnh của Kāya, Tĩnh Thân, và trạng thái an tĩnh của Citta, Tĩnh Tâm. Nơi đây Kāya không có nghĩa là cơ thể vật chất, mà là một cơ cấu, một nhóm yếu tố tâm linh gồm Vedanā (Thọ), Saññā (Tưởng) và Saṅkhāra (Hành). Trong các tâm sở đi chung từng cặp tiếp theo đây, danh từ Kāya cũng phải được hiểu cùng một thế ấy. Citta là toàn thể tâm thức. Như vậy, Kāya Passaddhi là trạng thái an tĩnh của những yếu tố tâm, hay của những tâm sở. Citta Passaddhi hàm xúc trạng thái an tĩnh của toàn thể tâm thức, hay tâm vương. Những cặp ở phần sau cũng phải được giải thích cùng một thế ấy.
37. Kāya Lahutā & Citta Lahutā -- Thân Khinh An và Tâm Khinh An.
Trạng thái nhẹ nhàng của tâm sở và trạng thái nhẹ nhàng của tâm vương.
Xuất nguyên từ "Laghu", có nghĩa nhẹ, mau. (Saṅskrt Laghutā). Lahutā là trạng thái nhẹ nhàng, thư thái. Tiêu trừ trạng thái nặng nề của tâm và của tâm sở là đặc tính chánh yếu của Lahutā. Lahutā ví như đặt gánh nặng xuống, nghịch nghĩa với Thīna và Middha, hôn trầm và thụy miên, làm cho tâm sở và tâm nặng nề, thô cứng.
38. Kāya Mudutā & Citta Mudutā -- Thân Nhu Thuận và Tâm Nhu Thuận.
Trạng thái mềm dẻo của tâm sở và của tâm vương.
Ðặc tính chánh của Mudutā là tiêu trừ trạng thái thô cứng và đề kháng. Mudutā làm mất đi tính cách thô cứng và làm cho tâm trở thành mềm dẻo, nhu thuận để tiếp nhận đối tượng. Mudutā được ví như một tấm da có thấm dầu và nước đầy đủ, trở nên mềm dẻo và có thể được xử dụng dễ dàng. Mudutā nghịch nghĩa với tà kiến và ngã mạn (Diṭṭhi và Māna). Hai tâm sở sau nầy làm tâm thô cứng, không mềm dẻo, khó xử dụng.
39. Kāya-Kammāññatā & Citta-Kammaññatā -- Tâm Sở Thích Ūng và Tâm Thích Ứng.
Trạng thái thích ứng của tâm sở và trạng thái thích ứng của tâm vương.
"Kamma" + "nya" + "tā" = Kammanyatā = Kammaññatā. Ðúng căn nguyên của danh từ, là trạng thái dễ xử dụng, hay tình trạng có thể dùng.
Ðặc tính chánh của Kammaññatā là tiêu trừ trạng thái không dùng được, khó xử dụng, của tâm sở và của tâm vương. Kammaññatā ví như kim khí đã được đốt nóng, muốn uốn nắn thế nào cũng được. Kammaññatā nghịch nghĩa với tất cả các chướng ngại tinh thần còn lại (tức tham dục, oán ghét và hoài nghi).
Sách Atthasālini ghi nhận rằng hai cặp tâm sở nầy (cặp Mudutā và cặp Kammaññatā) tạo nên trạng thái tĩnh lặng (Pasāda) trong những sự vật thuận tiện -- tức khi hành thiện, tâm được tĩnh lặng -- và thích ứng, nhu thuận, như vàng y dễ xử dụng trong mọi việc lợi ích.
40. Kāya-Pāguññatā & Citta-Pāguññatā -- Thân Thuần Thục và Tâm Thuần Thục.
Trạng thái tinh luyện của tâm sở và trạng thái tinh luyện của tâm vương.
Ðây là trạng thái tinh luyện, thuần thục. Ðặc tính chánh của nó là tiêu trừ tình trạng ươn yếu bệnh hoạn của tâm và các tâm sở. Nghịch nghĩa của Paguññatā là những khát vọng như thiếu niềm tin v.v...
41. Kāyujjukatā & Cittujjukatā -- Thân Chánh Trực và Tâm Chánh Trực.
Trạng thái ngay thẳng của tâm sở và trạng thái ngay thẳng của tâm vương.
Ðây là trạng thái chánh trực, ngay thẳng, nghịch nghĩa với trạng thái xuyên vẹo, quanh co, khuất khúc, lừa phỉnh, mưu mẹo, Ðặc tính chánh của trạng thái nầy là ngay thẳng.
42.
Tất cả 19 tâm sở "Ðẹp" nầy đồng phát sanh cùng tất cả các loại tâm thiện, không giống như có những tâm sở bất thiện không hiện hành trong một loại tâm bất thiện. Ở đây không có loại tâm vương thiện nào mà không đồng phát sanh cùng với tất cả những tâm sở thiện nầy. Ngoài nhóm tâm sở "Ðẹp" nầy còn có những tâm sở thiện khác chỉ phát sanh tùy lúc, trong từng loại tâm vương.
43. Virati, Tiết Chế.
"Vi" + căn "ram", thỏa thích trong. Virati là tiết chế, thỏa thích trong sự kiêng cữ.
Theo sách Atthasālini có ba loại Virati (Tiết Chế): Sampatta-Virati, Samādāna-Virati, và Samuccheda-Virati.
Sampatta-Virati là kiêng cữ, tránh làm điều bất thiện vì nghĩ đến tông môn, đến tuổi tác, giáo dục v.v... của mình. Samādāna-Virati là kiêng cữ, tránh làm điều bất thiện vì đó là vi phạm giới luật mà mình đã tự nguyện nghiêm trì. Thí dụ như người Phật tử kiêng cữ, không sát sanh, trộm cắp v.v... để giữ tròn ngũ giới.
Samuccheda-Virati là sự tiết chế của một vị Thánh Ðệ Tử, không làm điều bất thiện vì đã tận diệt mọi căn cội bất thiện.
Trong hai trường hợp đầu -- Sampatta-Virati và Samādāna-Virati -- những quy tắc tốt đẹp còn có thể bị vi phạm, nhưng trường hợp chư vị A La Hán thì không thể có, vì các Ngài đã tận diệt mọi dục vọng.
Ở đây được kể ra ba điều kiêng cữ, có liên quan với tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng.
Một cách chính xác, ba tâm sở đồng khởi sanh chung nầy chỉ phát khởi cùng một lúc trong Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta). Trong những trường hợp khác, ba tâm sở nầy phát sanh riêng rẽ, vì đây là ba tác ý (Cetanā) riêng biệt.
Khi hiện hữu trong Tâm Siêu Thế (Lokuttara Citta) ba tâm sở nầy được xem là ba Chi -- Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng -- của Con Ðường (Maggaṅga) và hợp thành nhóm Sīla (Giới).
Sammā-Diṭṭhi (Chánh Kiến) và Sammā Saṅkappa (Chánh Tư Duy), vốn hợp thành nhóm Paññā (Tuệ), được bao hàm trong các tâm sở Paññindriya (Tuệ Căn) và Vitakka (Tầm).
Sammā Vāyāma (Chánh Tinh Tấn), Sammā Sati (Chánh Niệm) và Sammā Samādhi (Chánh Ðịnh) được bao hàm trong các tâm sở Tinh Tấn, Niệm và Nhất Ðiểm.
Sammā-Vācā (Chánh Ngữ) là tiết chế, kiêng cữ, tránh nói lời giả dối (Musāvāda), tránh nói lời đâm thọc (Pīsuṇāvācā), lời thô lỗ cộc cằn (Pharusavācā) và nhảm nhí (Sampapphalāpa).
Sammā Kammanta (Chánh Nghiệp) là tránh hành động sát sanh (Pāṇātipāta), trộm cắp (Adinnādāna), và tà dâm (Kāmesu Michācāra).
Sammā Ājīva (Chánh Mạng) là tránh: buôn bán độc dược, bán các chất say, bán khí giới, bán nô lệ và bán thú để làm thịt.
44. Appamaññā, Vô Lượng.
Vì có đối tượng nhiều vô số kể nên tâm sở nầy được gọi là Vô Lượng, Appamaññā, không có giới hạn (Saṅskrt Aprāmānya). Cũng đuợc gọi là Brahma Vihāra, Những Nếp Sống Cao Thượng. Mettā (Từ), Karuṇā (Bi), Muditā (Hỷ), và Upekkhā (Xả) là bốn tâm Vô Lượng ấy.
Như đã giải thích ở phần trên Mettā (Từ) đã được bao hàm trong Adosa (Không-Sân), và Upekkhā (Xả) trong Tatramajjhattatā (Tâm Quân Bình). Do đó ở đây chỉ ghi nhận có hai tâm sở.
45. Mettā, Từ
Xuất nguyên từ căn "mid", làm êm dịu, thương yêu. Theo danh từ Saṅskrt mitrasya bhāvah = Maitri, trạng thái của một người bạn lành. Cái gì làm êm dịu tâm trí, hay tâm tánh dịu hiền của người bạn lành là Mettā (tâm Từ).
Thiện chí, từ ái, tình thương vì lòng tốt, tâm từ, được xem là những danh từ gần nghĩa nhất với Mettā. Mettā (tâm Từ) không phải là tình thương thiên về xác thịt, hay lòng trìu mến. Người thù trực tiếp của Mettā (Từ) là sân hận hay ác ý (Kodha) và người thù gián tiếp là lòng trìu mến (Pema). Mettā bao trùm tất cả chúng sanh, không loại bỏ chúng sanh nào. Mức cùng tột của Mettā là tự chan hòa, tự đồng nhất với tất cả chúng sanh (Sabbattatā).
Mettā là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh được tốt đẹp và an lành. Mettā lánh xa ác ý.
Thái độ từ ái là đặc tính chánh của Mettā.
46. Karuṇā, Bi.
Căn "Kar", làm ra, chế tạo + "uṇa".
Cái gì làm rung động trái tim của người hiền lương nhân đức trước cảnh ưu phiền của kẻ khác là Karuṇā (Bi). Cái gì làm tan biến nổi đau khổ của kẻ khác là Karuṇā (Bi).
Ðặc tính chánh yếu của Karuṇā (Bi) là lòng mong muốn giải trừ nổi khổ đau của người khác. Kẻ thù trực tiếp của Karuṇā là Hiṁsā (tánh Hung Bạo), và kẻ thù gián tiếp là Domanassa (Ưu Phiền). Karuṇā bao gồm những chúng sanh đau khổ. Karuṇā loại bỏ những tư tưởng hung bạo.
47. Muditā, Hỷ.
Xuất nguyên từ căn "mud", hoan hỷ, bằng lòng.
Muditā (Hỷ), không phải là thiện cảm suông, mà là trạng thái hoan hỷ có tánh cách tán dương, vui vẻ ngợi khen. Kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ là ganh tỵ, và kẻ thù gián tiếp là vui mừng rối rít (Pahāsa). Ðặc tính chánh của Muditā là hoan hỷ ghi nhận sự thạnh vượng của kẻ khác (Anumodanā). Tâm Hỷ bao gồm các chúng sanh thạnh vượng, là thái độ ngợi khen. Hỷ loại trừ sự ghét bỏ (Arati).
48. Upekkhā, Xả
"Upa" = một cách vô tư, công bằng + căn "ikkh", thấy, nhìn, xem.
Upekkhā, tâm Xả, là nhìn một cách vô tư, tức không luyến ái cũng không bất mãn. Ðó là trạng thái tâm quân bình. Kẻ thù trực tiếp của Upekkhā là khát khao ham muốn (Rāga) và kẻ thù gián tiếp là trạng thái thờ ơ lãnh đạm một cách hồn nhiên, không có suy tư. Upekkhā loại bỏ luyến ái và bất mãn. Thái độ vô tư là đặc tính chánh của Upekkhā.
Ở đây Upekkhā (Xả) không có nghĩa là thọ cảm trung lập, vô ký, mà quả thật rõ ràng là một phẩm hạnh. Quân bình, bình thản, là những danh từ sát nghĩa với Upekkhā nhất. Tuy nhiên, những danh từ nầy cũng chỉ mô tả một sắc thái của Upekkhā. (Xem chương I, chú giải 10, 42).
Chính tâm Xả (Upekkhā) nầy được nâng lên đến mức độ là một yếu tố của Bojjhaṅga, Thất Giác Chi.
Upekkhā bao gồm tất cả người tốt kẻ xấu, kẻ thương người ghét, những vật vừa lòng hay những vật làm khó chịu, hạnh phúc và đau khổ, và tất cả những cặp đối nghịch tương tợ.
49.
Những điểm ghi chú sau đây của Bà Rhys Davids để làm sáng tỏ ý nghĩa của bốn phẩm hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả đáng được đọc một cách thận trọng:
"Về bốn bài tu tập vĩ đại nầy, xem Rhys Davids, S. B. E. xi 201, n.; và về hiệu năng thanh thoát của nó, M. i. 38, Ðức Buddhaghosa một lần nữa nhắc nhở người đọc nên tham khảo quyển Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Ðạo) của Ngài để có thêm nhiều chú giải đầy đủ chi tiết hơn (vide chương ix, và của Hardy, "Eastern Monachism", trang 243 và tiếp theo)...
Về điểm nầy đối tượng của dòng tư tưởng (Ārammaṇa) sẽ bị "giới hạn" nếu người học thiền chỉ đặt mình trong tình thương v.v... một số chúng sanh giới hạn nào đó. Nhưng đối tượng ấy (Ārammaṇa) sẽ "vô lượng" nếu tâm của thiền giả bao gồm một số chúng sanh rộng lớn.
"Nhà chú giải có không ít để nói trong áng văn hiện hữu về bản chất và về những mối tương quan giữa những "trú xứ" (Trang 193-195) [12]. Trước tiên các đặc tính của mỗi phẩm hạnh đuợc trình bày đầy đủ, cùng với biểu hiện giả dạng (Vipatti). Trìu mến (Sinehasambhavo) là biểu hiện giả dạng (Vipatti) của tâm Từ, một hình thức làm cho người ta tưởng rằng đây là tâm Từ. Dấu hiệu chánh yếu, hay thực chất, của tâm Từ là bền chí theo đuổi đức tánh từ ái v.v... Nước mắt và những gì tương tợ không đúng là đặc tính thật sự của lòng bi mẫn (Karuṇā, tâm Bi), như sự chia sẻ và làm suy giảm nổi đau khổ của người khác. Vui cười hỷ hạ và những gì tương tợ không đúng là biểu lộ thiện cảm (Muditā, tâm Hỷ) như thành thật ngợi khen một việc mà người khác thành tựu mỹ mãn. Và có một điều kiện của trạng thái thản nhiên (Upekkhā) do si mê thúc giục chớ không phải do tuệ minh sát sáng suốt, thấu triệt lý nghiệp báo của nhân loại làm êm dịu những khát vọng đam mê.
"Kế đó Ngài (Buddhaghosa) đề ra bốn thái độ phản xã hội phải được diệt trừ tận gốc rễ bằng những kỷ luật đạo đức nầy (Tứ Vô Lượng Tâm), kể theo thứ tự sau đây: Thù hận (Vyāpāda), bạo tàn (Vihesa), bất mãn (Arati), và khát vọng (Rāga), và chỉ rõ làm cách nào mỗi đức tánh cũng có một tật xấu đối nghịch thứ nhì (ngoài tật xấu đối nghịch trực tiếp). Tật xấu nầy, Ngài gọi là kẻ thù ở gần vì nó không tấn công trực tiếp như tật xấu đối nghịch ngay mặt. Tật xấu đối nghịch ngay mặt giống như kẻ thù ẩn núp trong sào huyệt xa xôi giữa rừng hay trên đồi núi. Tâm Từ và tâm thù hận không thể cùng ở chung. Muốn giữ ưu thế về điểm nầy (tức muốn chiến thắng tâm thù hận) ta phải mạnh dạn phát triển tâm Từ. Tuy nhiên, nơi nào tâm Từ và đối tượng của nó quá gần nhau thì tâm Từ lại bị tâm luyến ái đe dọa. Về phương diện nầy, hãy thận trọng bảo vệ tâm Từ. Lại nữa, kẻ thù bên cạnh tâm Bi, càng gian trá hơn lòng tàn bạo, là lòng bi mẫn đối với chính mình, tự thương xót mình, tự gắn bó khắng khít vào cái gì mình không có hay đã mất -- một nổi buồn mơ hồ thường tình, thấp hèn. Và hạnh phúc trần tục tương đương, hoan hỷ với cái gì mình có, hoặc với hậu quả của sự lãng quên cái gì mình đã mất, nằm sẵn chờ đợi để bóp nghẹt sự vui mừng ca ngợi điều may mắn của người khác. Sau cùng, có sự lãnh đạm không sáng suốt của người trần thế, không chiến thắng nổi những giới hạn cũng không nắm vững nhân và quả, vì không đủ khả năng để vượt qua khỏi sự vật bên ngoài.
"Những điều ghi nhận còn lại của Ngài (Buddhaghosa) tập trung vào sự phối hợp cần thiết của bốn "Trú Xứ" và tầm quan trọng của sự áp dụng phương pháp thực hành để trau giồi bốn đức tánh ấy và sau cùng Ngài tập trung vào một cái tên kỹ thuật khác của Appamaññā, hay vô lượng. Về điểm nầy Ngài lặp lại thí dụ gợi cảm của Hardy (cp. Cit., 249) thuật lại câu chuyện bà mẹ và bốn con. Lòng ước mong cho đứa con sơ sinh mau lớn, được xem là Mettā (tâm Từ); ước mong cho đứa con đang bệnh sớm bình phục, được xem là Karuṇā (tâm Bi); ước mong các tài năng thiên phú của đứa con đang thời niên thiếu đuợc bảo tồn nguyên vẹn là Muditā (tâm Hỷ); trong lúc ấy, sự thận trọng không làm trở ngại công ăn việc làm của người con đứng tuổi được xem là Upekkhā (tâm Xả).
"Nhân cơ hội ta có thể ghi nhận rằng khi Hardy -- với tâm trạng của người ngoại quốc kém lòng bi mẫn -- chỉ trích thầy tỳ khưu khất thực (trang 250), cho rằng người suy tư về hạnh đoàn kết mà không thực hành đức tánh ấy. Ông quên hẳn rằng những phương pháp tu tập ấy chỉ để cho thầy tỳ khưu phát triển ý chí trợ cấp người khác những nhu cầu trí thức, và đó là điều mà người đã chấp nhận đời sống xuất gia hằng gia công thực hiện. Chí đến ngày nay người phương Tây, nhiệt thành trong những hình thức từ thiện có tánh cách vật chất, cũng không nhận định đúng mức giá trị thực tiễn của điều nầy. Và Phật Giáo không tin tưởng ở sự buông lỏng thả trôi những bồng bột từ thiện không quy tắc mà không có sự kiểm soát của trí thức." -- (Buddhist Psychology, trang 65-67)
50. Paññindriya, Tuệ Căn
"Pa" = chân chánh, đúng; "ñā", hiểu biết. Paññā là hiểu biết chân chánh, biết đúng.
Ðặc tính chánh của Paññā là thấu đạt thực tướng, hay hiểu biết thông suốt, tức hiểu biết thấu đáo, xuyên thấu (Yathāsabhāva-paṭivedho vā akkhalita-paṭivedho).
Vì Paññā nổi bật và chiếm phần lớn trong sự hiểu biết bản chất thật sự, và bởi vì Paññā khắc phục vô minh nên được gọi là khả năng kiểm soát (Indriya, Căn). Trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma) những danh từ Ñāṇa, Paññā và Amoha thường được dùng như đồng nghĩa. Trong các loại tâm liên hợp với tri kiến (Ñāṇa-sampayutta), danh từ "tri kiến" hay Ñāṇa có nghĩa là trí tuệ (Paññā). Trong Tứ Thần Túc (Iddhipāda), Paññā có tên là Vīmaṁsā (theo đúng nghĩa trắng là quan sát, quán trạch). Khi được tâm Ðịnh (Samādhi) thanh lọc, Paññā đảm nhiệm vai trò danh dự của Abhiññā (diệu trí, tri kiến cao siêu, hay thần thông). Phát triển cao hơn nữa, Paññā được nâng lên đến trạng thái của một Bojjhaṅga-Dhamma-Vicaya (Trạch Pháp Giác Chi, Dò Xét Chân Lý), và đến Maggaṅga-Sammā Diṭṭhi, Chánh Kiến của Bát Chánh Ðạo. Mức cùng tột của Paññā là trạng thái Toàn Giác của một vị Phật.
Ðúng theo nghĩa của danh từ, Paññā là thấy sự vật đúng như thật, thấy thực tướng của sự vật, tức thấy sự vật dưới ánh sáng của Anicca (Vô Thường), Dukkha (Khổ), và Anattā (Vô Ngã).
|
|