|
Post by TCTV on Sept 15, 2010 17:32:14 GMT -5
VERSES OF PROTECTION May all calamities be warded off, May all illness be dispelled, May no obstacles hinder me, May I live long and happily. May all good fortune come my way, May all the deities protect me. By all the power of the Buddha May I always enjoy well _being. May all good fortune come my way, May all the deities protect me. By all the power of the Dhamma May I always enjoys well being. May all good fortune come my way, May all the deities protect me. By all the power of the Sangha. May I always enjoy well being.
|
|
|
Post by tk on May 20, 2014 19:29:50 GMT -5
Tụng Kinh Hay Như Hát
Cô Tư Sài Gòn
Có nhiều vị sư, vị ni cô tụng kinh hay tuyệt vời. Nghe y hệt như là hát. Nghĩa là, giọng hay và tụng thuần thục đã trãi qua nhiều năm mới nghe hay như nghe nhạc.
Câu hỏi rằng, có nên tụng kinh hay như hát hay không? Hay chỉ nên tụng chậm và rõ ràng, để người nghe khỏi bỏ qua chữ nào, vì nghe kinh để tu, chứ không phải nghe kinh để thưởng thức như nghe nhạc. ************************ Đức Phật nói rằng đừng chấp vào cái say mê của tai, mà lạc mất ý nghĩa cần phảỉ tu trì.
Trên mạng Thư Viện Hoa Sen mới đưa bài của tác giả Quảng Tánh, tựa đề “Hay Mà Không Hay,” trong đó kê chuyện tụng kinh hay. Bài phân tích này nói:
“...Vì tụng kinh hay có sức cảm hóa nhiệm mầu, nên có một số vị Tỳ-kheo cũng khổ công rèn giọng điệu và cung bậc cho điêu luyện, xem đó như là phương tiện để hoằng pháp về sau. Dĩ nhiên, hành đạo qua phương diện “âm thanh, sắc tướng” thì người nghe nhìn hay bình phẩm khen chê. Và nếu người tụng niệm thiếu tỉnh giác thì cũng dễ bị tiếng khen chê của người đời chi phối. Đó là chưa kể đến có một số người tụng niệm hay rồi tự mãn, khởi tâm phân biệt so sánh hơn thua, cạnh tranh hay dở, còn người tụng niệm không hay thì lại tự ti, không dám tụng niệm chốn đông người.
Kỳ thực, tụng kinh là để tự mình cũng như giúp người nghe hiểu kinh văn. Nghe hiểu xong rồi thì ứng dụng tu hành, thực thi giáo pháp trong đời sống. Làm được như thế thì mới là người tụng niệm đúng theo bản ý của Phật. Còn nếu tụng niệm rồi dẫn đến cạnh tranh hoặc quá chú trọng đến âm thanh lời tiếng mà lơ là nghĩa lý thì không khéo bị Phật rầy.”
Tiếp theo, tác giả Quảng Tánh trích Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tăng thượng... kể lời Đức Phật dạy, dẫn bài kệ:
“Bấy giờ Thế Tôn nói kệ: Tụng nhiều việc vô ích/Pháp này chẳng phải hay/Như đi đếm số bò/Chẳng thiết yếu Sa-môn/Nếu tụng tập chút ít/Đối với pháp thi hành/Pháp này là trên hết/Đáng gọi pháp Sa-môn/Tuy tụng đến ngàn chương/Không nghĩa, đâu ích gì?/Chẳng bằng tụng một câu/Nghe xong đắc đạo được/Tuy tụng đến ngàn lời/Không nghĩa, đâu ích gì?/Chẳng bằng tụng một nghĩa/Nghe xong đắc đạo được/Dầu tại bãi chiến trường/Thắng ngàn ngàn quân địch/Tự thắng mình tốt hơn/Chiến thắng thật tối thượng.”
Nghĩa là, tụng kinh cả ngàn chương cũng vô ích, không bằng tụng một câu, nghe xong đắc đạo được.
Tác giả Quảng Tánh giải thích: “Nếu tụng niệm mà chú trọng đến hay dở, hơn thua, dẫn đến cạnh tranh thì Thế Tôn gọi đó không khác với ngoại đạo. Hẳn Ngài có thâm ý khi xác quyết mạnh mẽ rằng tụng niệm chẳng phải là pháp thiết yếu của Sa-môn. Theo Thế Tôn, nếu chỉ tụng chút ít thôi mà hiểu rõ nghĩa để thực hành là đã đi đúng hướng. Do đó, tụng kinh hay hoặc không hay chẳng quan trọng là mấy, hiểu nghĩa kinh và ứng dụng thực hành quan trọng hơn.
Cho nên, trong lộ trình tu học và hành đạo, tụng kinh hay cũng tốt mà không hay lắm cũng tốt. Nếu Tỳ-kheo nào có phước báo tụng kinh hay, lại thêm suy tư về ý nghĩa giáo pháp để thực hành thì càng quý báu hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Thế Tôn dạy: “Tuy tụng đến ngàn chương/Không nghĩa, đâu ích gì/Chẳng bằng tụng một câu/Nghe xong đắc đạo được”...”
Thế, nghe nhạc là nghe nhạc, còn nghe kinh là nghe kinh...
|
|
|
Post by Phật thành đạo on Jan 18, 2018 2:47:43 GMT -5
Tưởng niệm ngày Phật thành đạo
'Không phải Ngài là Phật khi mới sinh ra mà Ngài trở thành một vị Phật do sự nỗ lực không ngừng của chính Ngài.'
Bài HT THÍCH MINH ĐẠT
(Trích trong Góp Nhặt Lá Rơi xuất bản năm 2011 của Hòa Thượng Thích Minh Đạt, viện chủ Chùa Quang Nghiêm ở Stockton)
“Ta là Phật đã thành / Chúng sanh là Phật sẽ thành.” (Kinh Niết Bàn)
Muốn làm Phật phải làm Bồ Tát.
Bất cứ một chúng sanh nào muốn làm Phật phải trải qua một thời gian làm Bồ Tát. Nói một cách khác là phải có một thời gian tu tập và làm tất cả những công hạnh để tiến đến quả vị Phật. Thời gian này lâu hay mau hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ nỗ lực và công phu tu tập của người thực hành. Có ít nhất là ba cách để thành đạt quả vị Phật: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.
Thanh Văn là những vị sanh ra đời gặp Phật, trực tiếp nghe đức Phật giảng pháp rồi tu tập và trực ngộ chân lý.
Duyên Giác là những vị sanh ra đời không gặp Phật, chỉ nghe được giáo pháp của đức Phật qua các vị chân sư rồi tu tập hoặc tự quán sát pháp duyên sanh của các hiện tượng mà tỏ ngộ chân lý.
Hai danh từ trên đây tuy khác, nhưng sự tỏ ngộ chân lý giống nhau và có một mức độ giác ngộ ngang nhau, nên quả vị được gọi chung là A La Hán. A La Hán là những vị đã dập tắt mọi khát vọng, ngoại trừ một khát vọng là thành tựu tuệ giác tối thượng.
Bồ Tát, như đã nói, là một chúng sanh ở trong thời kỳ tích cực trau dồi và phát triển triệt để những công hạnh như bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ; gọi là thành tựu sáu pháp ba la mật. Thành ngữ ba la mật có nghĩa là một công việc nào đó đã hoàn tất một cách trọn vẹn. Trong ba la mật không có sự ích kỷ, không có tà kiến, không có ngã mạn. Ba la mật được dẫn dắt bởi trí tuệ và được tài bồi bởi từ bi và dũng mãnh.
Hành động của một vị Bồ Tát là tuyệt đối vị tha. Dù trải qua bao nhiêu kiếp sống đi nữa, vị Bồ Tát cũng luôn luôn nỗ lực nâng cao đời sống vật chất và phát triển đời sống tinh thần cho kẻ khác không phân biệt sang hèn, nghèo giàu; bằng mọi cách, vị Bồ Tát làm giảm thiểu khổ não cho mọi loài. Và, điều then chốt sau cùng của một vị Bồ Tát để bước sang quả vị Phật là phải tận diệt mọi nhiễm ô, chấm dứt mọi tham ái và chứng ngộ thật tướng của vạn pháp.
Phật là gì?
Phật là một người đã tận diệt mọi nhiễm ô, đã chấm dứt tất cả tham ái và đã thể nhập thực tướng của vạn pháp. Người ấy hoàn toàn tự tại, nghĩa là không bị chi phối bởi mọi pháp. Thuật ngữ Phật giáo gọi là giải thoát. Một người đã giải thoát, tuy còn mang xác thân loài người, nhưng có một cuộc sống nội tâm hoàn toàn khác hẳn với loài người và từ đó hiển lộ những tướng mạo đoan trang dị thường. Đức Phật được mô tả là người có đầy đủ tất cả những tướng mạo đẹp đẽ dị thường ấy. Câu chuyện sau đây trong Kinh A Hàm để rõ điều đó:
Có một người đạo Bà La Môn gặp đức Phật và thấy dấu chân của Ngài có những đặc điểm lạ thường nên hỏi:
- Thưa Ngài, có phải Ngài là một vị trời không?
- Tôi không phải là một vị trời.
- Ngài là một nhạc công cõi trời chăng?
- Tôi cũng không phải là một nhạc công cõi trời.
- Ngài là quỷ Dạ Xoa chăng?
- Tôi cũng không phải là quỷ Dạ Xoa.
- Vậy Ngài là người?
- Thật ra, tôi cũng không hẳn là người. Tôi là người đã tận diệt mọi phiền não, mọi trầm luân và sẽ mãi mãi không bị tái sanh vào cảnh giới trời hay người nữa.
Và Ngài nói thêm:
“Ví như hoa sen đẹp,
Không bị dính bùn nhơ,
Giữa đầm bụi trần gian,
Ta không vướng bụi nhơ,
Như vậy ta là Phật.”
Tóm lại, Phật là một vị đã đứng ra ngoài vòng chi phối của phiền não và luân hồi. Nói khác đi, Phật là người đã tận diệt ba mối nguy hiểm đã có một nền tảng thâm sâu nhất trong con người: tham lam, sân hận và si mê.
Suốt sáu năm trường liên tục đơn độc chiến đấu, không một sự trợ lực từ bên ngoài, không một sự tiếp sức của bất cứ một đấng siêu nhân nào, đến cuối đêm Mồng Bảy rạng Mồng Tám Tháng Chạp, năm 589 trước Tây lịch, sau trận chiến đấu và chiến thắng sau cùng, Bồ Tát Tất Đạt Đa được xưng tán là Phật. Ngài là một trong vô số những vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ cũng như sẽ xuất hiện trong tương lai.
Điều đáng lưu ý, không phải Ngài là Phật khi mới sinh ra mà Ngài trở thành một vị Phật do sự nỗ lực không ngừng của chính Ngài. Ngài được mô tả là bậc “vô sư tự ngộ.” Không có một vị thầy nào dạy Ngài phương pháp để thành Phật. Hồi còn là Thái Tử, Ngài có học với những vị thầy, nhưng chỉ để hiểu biết về thế pháp, còn xuất thế pháp thì không.
Lúc xuất gia, Ngài cũng có học đạo với một số các đạo sĩ, nhưng chỉ học được những pháp tu tập để sanh lên các cõi trời. Ngài đã tuyên bố, các cõi trời dù là cõi trời cao nhất, cũng còn nằm trong vòng luân hồi sanh tử. Cuối cùng Ngài đã từ giã các đạo sĩ ra đi để tự tìm một con đường trong chính nội tâm Ngài. Con đường Ngài khám phá chính là đạo quả Phật mà Ngài đã thành tựu.
Phật là người đã thấu triệt tất cả những gì cần thấu triệt. Sự thấu triệt này không kinh qua sách vở, mà trải qua do sự tu luyện, phát triển và thành đạt trí tuệ siêu phàm. Ngài đích thực là bậc toàn giác, đây là kết quả rốt ráo sau chuỗi thời gian dài dày công tu luyện.
Phật hay Phật Đà là tiếng được dịch cả âm lẫn nghĩa từ Phạn ngữ Buddha. Danh từ Buddha được thành lập từ Budh, có nghĩa là tự hiểu biết hay tự tỉnh thức. Gọi Ngài là Phật, vì Ngài đã tự tỉnh thức, tự hiểu biết và thể nhập một cách trọn vẹn vào chân tướng của vạn hữu vũ trụ.
Như vừa nói, Ngài không sanh ra trong tư thế của một vị Phật, mà Ngài trở thành Phật sau mọi nỗ lực để tận diệt vô minh và phiền não. Ngài tuyên bố, mọi loài đều có khả năng thành Phật. Thay vì tự đặt mình ở một địa vị độc tôn để được sùng kính và bái phục, Ngài lại bảo, ta không phải là một vị thần linh, không ban phúc giáng họa cho ai cả. Ta chỉ là người cầm đuốc soi đường. Soi cả đoạn đường dẫn đến phước báu và rọi lẫn con đường đưa đến hiểm họa. Câu chuyện ghi lại trong A Hàm Bộ sau đây sẽ soi sáng thêm vấn đề.
Thời đức Phật có một người đàn bà lập gia đình đã lâu mà vẫn chưa có con. Bà đi cầu nguyện thần sông, thần núi, thần cây... Nơi đức Phật thành đạo là một trong những chỗ bà đến cầu nguyện. Sau khi sanh được một mụn con, bà muốn trả lễ những nơi đã cầu nguyện. Sắm sửa lễ vật thật thanh khiết và thượng vị. Đến nơi thấy đức Phật đang ngồi trầm tư với vẻ mặt uy nghiêm rạng rỡ và chứa đầy tình thương bao la.
Bà đến quỳ bên cạnh, đặt đứa bé trước mặt, dâng lễ vật lên khấn, “Bạch Ngài, phải chăng Ngài là thần núi, người đã giúp con sanh được mụn con yêu quý này?”
Đức Phật bảo, “Ta không phải là thần núi, cũng không nằm trong bất cứ một vị thần nào cả. Trước đây ta cũng chỉ một người như bao nhiêu người khác. Giờ đây ta cũng là người, nhưng người đã giác ngộ. Bằng sự giác ngộ và thanh tịnh của tâm hồn, ta cầu cho mẹ con ngươi hưởng trọn những phước báo đã gieo.”
Đức Phật đặt bàn tay lên đầu đứa bé như để chuyền qua dòng sữa ngọt tình thương lai láng từ tim huyết Ngài. Người đàn bà sung sướng đảnh lễ Ngài và ẵm con ra về.
Sự giản dị, những lời nói khiêm cung và cuộc sống rày đây mai đó với ý hướng gieo rắc tình thương, đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội, cộng với những lời tuyên bố và câu chuyện trên đây, tưởng cũng đã diễn đạt được tính cách siêu việt của đức Phật.
Để kết luận, chúng ta đừng bao giờ để đức Phật trong một cái khám, dù là khám vàng nạm ngọc, rồi lễ lạy không thôi, mà nên để đức Phật ngay trên đầu nằm, ngay trong lòng mình. Nói một cách khác, là nên suy tư, nghiền ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của Ngài rồi tập tành bắt chước.
(Hương Đạo 20, Tháng Hai, 1983)
Chùa Quang Nghiêm, 2294 East Fremont Street, Stockton CA 95205. Điện thoại: (209) 941- 4991
|
|